Lần đầu biết tin sắp làm bố, chắc chắn các ông- bố-tương-lai đều cảm thấy vui mừng xen lẫn lo lắng. Tôi đã có hai đứa con gái rất đáng yêu. Tôi và chồng cũ cùng lên kế hoạch sinh nở nhưng chúng tôi có cách tiếp cận khác nhau đối với 9 tháng thai nghén vất vả. Tôi ngấu nghiến đọc mọi cuốn sách về thời kì mang thai và năm đầu đời của con, còn chồng tôi không hứng thú tìm hiểu thông tin gì và anh tự tin sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm cha. Những người đàn ông thực sự mong muốn được trở thành người chồng, người cha đáng tin cậy thì nên quan tâm đến hạnh phúc của gia đình ngay từ khi biết tin vui. Khi các anh nhìn thấy hai vạch trên que thử thai, các anh nên thấy những gì quan trọng đối với vợ cũng quan trọng với mình.
Phụ nữ thời nay tiếp tục phá vỡ các rào cản vô hình – họ tiếp tục giữ chức vụ cao trong xã hội – nhưng có một sự thật không thể phủ nhận: Xã hội vẫn cho rằng phụ nữ là người đảm nhận trọng trách chăm sóc con. Dù ở nhà làm nội trợ hay là trụ cột gia đình, người mẹ vẫn sẽ gánh vác phần lớn trách nhiệm đối với con cái. Đối với tôi, sự mất cân bằng này thực sự gây tổn hại về thể xác lẫn tinh thần cho người phụ nữ. Sự mất cân bằng đó khiến hôn nhân của chúng tôi vô cùng khổ sở. Không lâu sau khi sinh con đầu lòng, tôi luôn có cảm giác mình vô cùng đơn độc – đơn độc với việc nuôi con, đơn độc với ý nghĩ của chính mình, đơn độc với việc đáp ứng mọi nhu cầu của con – và tôi thực sự hoảng loạn. Tôi thường phải gọi điện cho chồng khi anh đang ở cơ quan và nài nỉ anh về nhà. Thậm chí, có lúc tôi gọi chỉ để nghe tiếng nói của một người lớn. Sự hoảng loạn của tôi nghiêm trọng đến mức tôi phải nhập viện khi con gái được 6 tháng tuổi. Lúc đó, tôi sẵn sàng làm mọi việc để bản thân cảm thấy bớt đơn độc.
Phụ nữ vẫn luôn chịu sức ép là phải cân bằng mọi thứ. Đông đảo độc giả đến với blog cá nhân Dooce của tôi và họ muốn gửi đi một thông điệp: Người mẹ cần sự hỗ trợ về thể chất, tinh thần và tâm lý. Khi thông tin được chia sẻ, cả cha mẹ đều nhận thấy sự việc nhưng người mẹ thường đơn độc hơn trong hành trình chăm sóc con, mặc dù người cha vẫn hiện hữu bên cạnh. Sự mất cân bằng này phổ biến ở nhiều nền văn hóa, nhưng người mẹ cũng không cần phải chịu đựng phần lớn sức ép và từng giây từng phút vất vả chăm sóc con. Người mẹ không cần phải chứng minh tại sao họ lại cần người bạn đời đến vậy trong hành trình chăm sóc con cái đầy mỏi mệt.
Trong quá trình thai nghén của vợ, Adrian Kulp sớm nhận thấy trách nhiệm làm cha, làm chồng của mình. Trong cuốn Lần đầu làm bố, Adrian chia sẻ kinh nghiệm về những bài học thay-đổi- cuộc-sống và cứu-vãn-cuộc-sống, đặc biệt là thông tin chỉ dẫn dành riêng cho các anh chàng lần đầu làm bố. Anh chia sẻ thông tin vừa đủ về y học và cách hỗ trợ người vợ mang bầu, đồng thời chia sẻ về những điều mà người chồng cần được nghe để họ có thể hiểu rõ nội dung và vai trò làm cha của mình. Viết bài và hướng dẫn với tư cách là một người làm-bố-lần-đầu không-có-thông- tin và lạc-hướng, Adrian hiểu rõ thách thức phía trước và biến thử thách đó thành sứ mệnh của mình: Giúp các anh chàng lần-đầu-làm-bố bắt đầu trưởng thành, biết quan tâm và quan trọng hơn cả là thấu hiểu để có thể giúp đỡ người bạn đời.
Cuốn cẩm nang này thẳng thắn chia sẻ thông tin và những hiểu biết nho nhỏ nhưng rất dễ ghi nhớ. Nó tập trung vào các giai đoạn thai nghén để người chồng luôn sát cánh bên vợ và quá trình phát triển của thai nhi trong suốt 9 tháng và “tam cá nguyệt thứ tư”. Nó cũng chia sẻ danh mục các việc cần làm hằng tuần nhằm đáp ứng nhu cầu của bà bầu. Những người bạn trai, người tình, các ông chồng và các ông bố đã có con cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích từ cuốn sách này vì họ sẽ biết cách trò chuyện hiệu quả hơn, chủ động hơn và biết cảm thông hơn với bà bầu khi bụng cô ấy ngày càng kềnh càng và nặng nề.
Heather B. Armstrong,
người sáng lập Blog Dooce®.