Trước hết, tôi xin được gửi lời chúc mừng anh vì có sự thấu hiểu, nguồn cảm hứng và tình yêu thương vốn là động lực khiến anh tìm đọc cuốn sách này. Dù anh đọc sách khi đi tàu điện ngầm đến cơ quan, khi nhâm nhi tách cà phê trong giờ giải lao hay khi thư thái ngồi nhà với một lon bia lạnh sau khi mọi người đi ngủ, tôi tin rằng cuốn sách rất xứng đáng với thời gian anh bỏ ra. Anh sắp làm bố và đây là điều tuyệt vời nhất, kỳ thú nhất trên đời này. Anh sẽ có trách nhiệm hình thành lối sống và trở thành tấm gương của con cho đến khi con bước qua giai đoạn thanh thiếu niên, thậm chí trong cả giai đoạn con làm cha, làm mẹ. Làm bố sẽ thay đổi cuộc sống của anh ở nhiều mức độ. Ví dụ như tôi đây: Tôi làm bố của 3 đứa trẻ và 1 đứa nữa đang trong bụng mẹ. Đúng là tôi mệt lử, nhưng khi tôi đầu tư 100% công sức và tình yêu thương, mọi mệt mỏi đều tan biến.
Lần đầu biết tin sắp làm bố, có lẽ anh sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng và có cảm giác sờ sợ - điều đó hoàn toàn bình thường. Tôi đã trải qua cảm giác đó - giống như hầu hết các ông bố khác. Cảm giác sờ sợ đó khiến tất cả các anh chàng sắp-làm-bố loay hoay với vô vàn câu hỏi: Mình có làm được không? Nếu mình không làm được thì sao? Nhỡ mình làm rơi con thì thế nào? Chẳng may mình quên ghế ngồi của con ở trên nóc xe và cứ thế lái xe thì sao?
Thẳng thắn mà nói, trước đây tôi cũng không thực sự sẵn sàng tiếp nhận trọng trách làm cha, mặc dù hai vợ chồng tôi chủ động lên kế hoạch có em bé ngay năm đầu tiên sau khi cưới. Tôi vẫn ham thích sự tự do vốn kéo dài gần một thập kỉ trước khi hai chúng tôi quen nhau. Trong vài tháng đầu mới cưới, tôi vẫn duy trì nếp sinh hoạt cũ: tùy ý đi đi về về và hiếm khi quan tâm đến vợ và nhu cầu của cô ấy. Cũng không biết là tốt hay xấu nhưng vì tôi đã ích kỉ suốt thời trai trẻ. Tôi chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân.
V ì vậy không ngoa khi nói rằng tôi thực sự sửng sốt khi biết mình sắp làm bố. Năm 2008, lần đầu tiên tôi nhìn thấy hai vạch trên que thử thai của vợ, sau một đêm uống say lướt khướt với bạn bè. Trong lúc tôi nằm ngủ, hơi thở còn nồng nặc bia rượu và thở phì phò, vợ tôi đặt que thử thai dương tính trên đầu giường. Tối hôm trước cô ấy một mình thử que sau khi tôi hứa sẽ về nhà sớm nhưng thất hứa. Cô ấy rất hiếu kì và quyết định thử dù tôi chưa về. Tôi cũng không trách cứ gì cô ấy cả.
Đến tận hôm nay, một trong những nỗi ân hận lớn nhất của tôi là hôm đó tôi đã không có mặt ở nhà để cùng chia sẻ cảm xúc vui mừng với vợ. Ý nghĩ lần đầu làm bố quả thực gây lo lắng và lúc đó, ý niệm về cương vị làm bố thực sự chưa xuất hiện vì tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu.
16 tuần sau đó, trong một buổi khám thai, tôi hiểu được rằng cùng với khái niệm làm bố lần đầu, tôi sắp có một cô con gái. Tôi không biết chút gì về việc làm bố và cũng không có chị gái, vì vậy, tôi càng không biết gì về việc làm bố của một cô con gái bé nhỏ về việc nuôi dưỡng con thành một cô gái mạnh mẽ, tự tin. Biết bao nỗi lo lắng cùng lúc ập đến với tôi.
Vợ tôi cũng bất ngờ khi xem kết quả: Cô ấy trễ kinh và dùng que thử nồng độ HCG trong máu. Lúc đó cô ấy cũng không biết rằng hiếm khi xảy ra trường hợp que thử thai hiện hai vạch nhưng người phụ nữ lại không hề mang bầu. Và cũng rất có thể que thử cho kết quả sai, nhưng rõ ràng là hai chúng tôi đều mong chờ đứa con đầu lòng.
Sau khi chắc chắn mình đang mang bầu, vợ tôi (người mẹ tương lai và vẫn đi làm toàn thời gian) hồ hởi đón nhận vai trò mới của mình. Cô ấy hành động trước tôi – thu thập hàng đống sách về thời kì bầu bí, không nhấm nháp rượu mỗi bữa tối và sẵn sàng tiếp nhận mọi lời khuyên (từ tất cả mọi người: mẹ vợ tôi, mẹ đẻ tôi, chị em gái của hai vợ chồng, cô dì chú bác, bạn bè, đồng nghiệp, bác sĩ sản khoa, thậm chí cả người lạ cô ấy gặp ở sân bay).
Rõ ràng là phụ nữ phải trải qua nhiều mối lo âu, phải gánh trọng trách trong suốt thai kì và trách nhiệm chăm sóc con sau này, và nếu anh nghĩ như vậy, hãy nhớ rằng suy nghĩ đó rất tệ và bất công. Đúng là phụ nữ có bản năng làm mẹ nhưng có rất nhiều điều mà người bạn đời của anh không thể biết nếu như không có cuốn sách nhỏ xinh nói cho cô ấy biết cô ấy nên chờ đợi điều gì. Vì vậy, sự thực là tất cả chúng ta – cả đàn ông và phụ nữ - đều có xuất phát điểm như nhau khi nói đến quá trình thai nghén; sự khác biệt là ở chỗ người phụ nữ không còn cách nào khác ngoài việc phải bước qua sự chưa hiểu biết của mình. Họ không hề gắng sức, họ cứ thế mà làm thôi.
Khi biết mình có thai, vợ tôi đọc sách để tìm hiểu thông tin về thai kì, ví dụ như cơ thể cô ấy sẽ thay đổi thế nào để có thể chứa được một em bé có kích thước tương đương một chú gà tây, và rồi làm thế nào mà em bé có thể chui qua đường dưới bé tí teo như thế. Hiển nhiên, mối quan tâm hơn cả của cô ấy là hình dung cơn đau không-từ-nào-tả-xiết tăng dần khi chuyển dạ: Ban đầu là cảm giác đau nhè nhẹ, không thường xuyên; sau đó cơn đau sẽ gia tăng và dồn dập hơn. Hoặc là phương án thay thế không-hề-dễ- chịu: Một chiếc kim gây tê ngoài màng cứng to khổng lồ được gắn vào ống xi lanh trông rất giống một cây súng và sau đó, bà bầu sẽ được tiêm vào dây thần kinh cột sống. Các anh cũng đừng quên việc cô ấy có thể bị rách tầng sinh môn và phải khâu, búi trĩ thò ra do phải rặn đẻ và không loại trừ khả năng bác sĩ sẽ phải mổ lấy thai. V ì thế, một người chồng, cũng chính là ông bố tương lai, không nên viện vào nỗi lo sợ về những điều chưa biết và chưa có kinh nghiệm để trốn tránh trách nhiệm của mình.
Thay vì chỉ ngồi nhìn, lựa chọn con đường dễ nhất và để mặc vợ gánh vác gánh nặng trong suốt 9 tháng mang bầu và sau khi sinh con, cánh đàn ông chúng ta cần phải tạm gác lối cư xử thanh niên bọ xít và học cách trở thành người đàn ông trưởng thành mà bạn đời của chúng ta mong muốn. Có như vậy chúng ta mới có thể trở thành người cha đáng kính.
Tôi sẽ là người đầu tiên phải thú nhận: Lựa chọn con đường dễ nhất thực sự đem lại cảm giác dễ chịu nhất và tiện lợi nhất. Mặc dù người ta vẫn cho là bình thường khi anh tự giặt quần áo của mình mà không giặt quần áo của vợ (vì anh không biết phải giặt đồ lót của vợ thế nào, mà cũng không thể hỏi cô ấy hoặc học cách giặt cho đúng) hoặc rửa xe của anh để quần áo, xe hơi được sạch sẽ tinh tươm cho tuần tới, còn quần áo, xe của cô ấy bẩn thỉu như vừa được lôi lên từ vũng bùn, anh cũng không nên có ý nghĩ như vậy. Dù sao đây cũng là một trong những trải nghiệm lớn nhất trong cuộc đời anh, vì vậy, hãy xắn tay hành động nhé.
Trong đám bạn, tôi là người đầu tiên bỏ cuộc chơi (lấy vợ và chuẩn bị có con), và mặc dù không công khai nói ra nhưng một phần nỗi e sợ của tôi xuất phát từ nỗi lo lắng sẽ mất đi sự gắn bó với đám bạn từng gắn bó với tôi bao năm nay. Nhưng đã đến lúc rồi. Đã đến lúc tôi trở thành đàn ông đích thực. Sau khi biết tin vui, tôi quyết định sẽ sống cuộc sống của chính mình và gạt bỏ nỗi sợ hãi sang một bên. Bạn bè chí cốt sẽ biết cách ở bên tôi, và sự thật là tôi đã có một gia đình. Tôi đã quyết định rồi, bất kể vợ có thai bao nhiêu lần (bốn lần rồi nhé) tôi vẫn sẽ luôn ở bên cô ấy mỗi khi có thể. Tính đến nay, tôi mới lỡ hẹn với bác sĩ khoa sản đúng một lần.
Trong giai đoạn này, sẽ là hoàn toàn bình thường nếu anh cảm thấy mình mù thông tin – quỷ thần ơi, tôi cũng từng như thế. Tôi coi cơ hội đầy thử thách này là thời cơ để tôi níu giữ, là ánh đèn soi rọi cảm xúc và giúp tôi biết cách gắn kết với vợ, để vợ chồng tôi gắn bó với nhau hơn. Chúng ta vẫn ghét phải thừa nhận nỗi sợ hãi và yếu điểm của mình, và đây là thời điểm tốt hơn bao giờ hết để có sự thừa nhận đó. Tôi có nhiều yếu điểm hơn là ưu điểm, nhưng tôi luôn cố gắng bù đắp cho khuyết điểm của mình bằng cách sở hữu yếu điểm đó và ghi chép lại để không bao giờ mắc lại sai lầm.
Quả thực là đáng sợ. Anh đang bước vào một lãnh địa hoàn toàn xa lạ, nhưng anh và cô ấy đang bước vào đó cùng nhau.
Dù anh đã quyết định từ lâu là sẽ có vai trò chủ động trong quá trình thai nghén của vợ, hay dù anh mới nhận thấy điều đó, trong những trang kế tiếp, tôi chắc chắn anh sẽ không lãng phí thời gian để tự hỏi mình có thể làm gì hoặc đáng nhẽ phải làm gì để trợ giúp vợ trong hành trình đầy thử thách này.
Người-mẹ-tương-lai đã sẵn sàng học hỏi để biết cô ấy cần phải làm gì, còn tôi sẽ giúp anh biết anh cần phải làm gì để cùng vợ hoàn thành chuyến phiêu lưu kỳ thú đó. V ì thế, hãy tạm cất quần tập gym, cởi vòng tay theo dõi sức khỏe và nhanh chóng mặc quần ka-ki hoặc quần jean, vì chúng ta sẽ bận lắm đấy.
Tại sao và như thế nào?
Khi tôi quyết định tập trung toàn lực vào thời kì thai nghén của vợ, mặc dù muộn tới 16 tuần, tôi chú ý ngay đến những cuốn sách mà vợ đã đọc và ghi nhớ, những cuốn sách bám kín bụi trong nhà vệ sinh. (Có lẽ cô ấy đã cố tình để sách ở đó vì biết đâu sẽ có lúc tôi nhìn thấy chúng).
Tôi thực sự hào hứng với niềm tin rằng tôi sẽ hiểu rõ sự thay đổi trong cơ thể và cảm xúc của cô ấy, vì vậy, tôi đọc sách ngấu nghiến. Nhưng tôi thất vọng sau khi đọc hết vài chương đầu. Quá nhiều thông tin. Có thông tin dành cho cha và mẹ, nhưng phần lớn là thông tin dành cho bà bầu. Thực sự là không có nhiều thông tin hữu ích với ông chồng lần-đầu-làm-bố như tôi.
Khi viết cuốn sách này, mục tiêu của tôi không chỉ là viết ra những điều mà các ông bố trông đợi khi bụng bầu của vợ ngày càng lớn, Thêm vào đó, tôi sẽ chỉ cho các anh thấy anh có thể làm gì để trợ giúp vợ và gia đình nhỏ của mình. Tôi mất tới 4 tháng để bắt kịp tiến độ, còn anh, anh có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Đây là kế hoạch bầu bí cho 12 tháng tới – chúng ta cũng không thể làm ngơ với giai đoạn sau sinh của vợ - để anh có thể cùng tham gia và tham gia một cách hiệu quả.
Hơn 8 năm qua, tôi đã viết hơn 500 bài viết trên blog cá nhân, và các bài viết vừa là nền tảng của cuốn sách Dad or Alive: The Conffesions of An Unexpected Stay-at-home Dad (Làm bố hay sống: Lời tự thú của một ông bố nội trợ), vừa là ký sự làm cha rất hài hước. Cuốn sách viết về giai đoạn chuyển tiếp đầy thăng trầm của một nhà sản xuất chương trình truyền hình để trở thành người cha có nhiệm vụ chính là chăm con. Tôi cũng viết bài cho chuyên mục Parents của tờ Huffpost, Mỹ, trang thông tin The Bump (chuyên sâu về thai kì và chăm sóc thai nhi) và tạp chí Parents (Cha mẹ). Năm 2013, tôi sản xuất chương trình Modern Dads (Những ông bố hiện đại) cho A&E – chương trình truyền hình dành cho các ông bố nội trợ ở Austin, bang Texas. Đầu năm 2017, tôi đảm nhận vị trí đứng đầu phòng nội dung và sáng tạo của mạng lưới truyền thông điện tử The Life of Dad (Cuộc sống của bố). Với chừng đó kinh nghiệm “chuyên môn” về kĩ năng làm cha và là ông bố rất quan tâm đến con cái, hẳn anh nghĩ tôi làm bố đơn giản lắm. Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản như vậy. Vợ tôi đang mang bầu bé thứ tư nhưng tôi vẫn cảm thấy mình rất thiếu kiến thức và tôi phải học lại rất nhiều thông tin mà tôi từng nghĩ mình đã thuộc làu làu.
Dù vậy, vẫn có những thứ luôn luôn đúng và nếu tôi biết các thông tin này khi làm bố lần đầu, chắc chắn cuộc sống của chúng tôi đã bớt căng thẳng. Nhưng trong lời biện hộ lần-đầu- làm-bố này, bản thân tôi cũng không biết mình đã không biết điều gì; tôi cũng không biết mình nên đặt câu hỏi gì. Có lẽ đã hữu ích hơn nếu tôi có được sự chỉ dẫn của các ông bố từng trải qua thử thách được-chứng-minh-là-đúng. Đó là lí do khiến tôi viết cuốn sách này. Cuốn sách sẽ chia sẻ về những sai lầm và bài học kinh nghiệm của bản thân tôi; và cá nhân tôi vẫn luôn mơ ước giá như tôi biết kinh nghiệm đó ngay từ khi mới bước chân vào hành trình làm cha. Xuyên suốt cuốn sách này, tôi sẽ giúp anh giải quyết hết các mối lo âu của mỗi tuần. Anh sẽ nhận thấy mình không cần phải đợi đến khi bé chào đời mới xắn tay giúp vợ hoặc đến khi con tốt nghiệp trung học mới được phong làm Ông Bố của năm.
Cột mốc theo tuần
Hãy bắt đầu mỗi tuần bằng cách nhìn thật nhanh vào các cột mốc theo tuần. Sẽ khác với việc anh nhìn quyển lịch mỗi sáng thứ Hai để biết các công việc trong tuần đấy nhé. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi sau 4 lần vợ mang bầu, thì mỗi tuần đều bắt đầu với các dấu mốc quan trọng – sự phát triển của bé, sự thay đổi của mẹ, kèm theo đó là thông tin ghi nhớ và chi tiết về các cuộc thăm khám bác sĩ hoặc các sự kiện quan trọng – các cột mốc sẽ cho anh biết anh cần phải hoàn thành việc gì. Nhưng không phải tuần nào cũng sẽ có buổi thăm khám, một sự kiện quan trọng, hay có thêm một em bé (chào mừng anh đến với Tuần 1. Bối rối). Mỗi tuần sẽ có các cột mốc quan trọng nếu cột mốc đó liên quan đến anh, và khi đó anh cần phải quan tâm.
Mục tiêu của gia đình
Chúng ta không có nghĩa vụ phải nhìn là hiểu nhu cầu của bạn đời, nhưng khi vợ mang bầu, các ông-bố-tương-lai như chúng ta cũng phải có trách nhiệm tương đương với trách nhiệm của vợ trong việc tìm hiểu thông tin. Dễ hiểu hơn là thế này, tôi đã xây dựng các mục tiêu trong mỗi tuần nhằm giúp các anh không phải đau đầu suy nghĩ xem tuần này sẽ thế nào hay mình nên làm gì. Nếu mỗi sớm tối anh chỉ biết đặt cho cô ấy các câu hỏi không rõ ràng, ví dụ như anh có thể làm gì giúp em không?, điều đó đồng nghĩa với việc anh đặt hết trách nhiệm lên vai cô ấy và chứng tỏ anh vô dụng. Hãy chủ động và tiến lên. Hãy chứng minh với cô ấy, và hơn cả là với chính bản thân anh rằng anh cũng có sự thấu hiểu, sự tự tin và động lực để có được sự ủng hộ của cô ấy.
Cụ thể thế này, khi tôi nói về các mục tiêu hằng tuần, ý của tôi không đơn thuần là anh chạy ù ra ngoài mua đồ ăn sẵn khi anh thấy vợ mệt không nấu cơm được, hay đổ rác trước khi vợ kịp ngó vào thùng rác. Để thực sự giúp cô ấy giảm bớt căng thẳng trong quá trình thai nghén, đặc biệt là khi anh không thể giúp cô ấy mang nặng đẻ đau em bé đáng yêu, hãy chia sẻ với cô ấy bằng cách đảm trách phần lớn việc nhà. Hãy giao cho mình trách nhiệm cho bát đĩa vào máy rửa bát mỗi tối, dọn dẹp nhà cửa hoặc chuẩn bị sẵn món ăn cho cả tuần. Tôi sẽ gợi ý cho các anh vô số mục tiêu thiết thực mỗi ngày.
Tôi cũng đặt ra các mục tiêu có thể giúp anh bắt đầu suy ngẫm về tương lai – một bức tranh rộng hơn. Các mục tiêu này bao gồm: liệt kê các câu hỏi cho đợt khám thai sắp tới, cân nhắc việc chuyển nhà nếu thực sự phù hợp với gia đình, tiết kiệm tiền để thuê người giúp việc nếu cần, hoặc tham vấn chuyên gia tài chính về cơ hội đầu tư. Các hoạt động này sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho gia đình nhỏ của anh.
Các mục tiêu mỗi-ngày sẽ góp phần tạo ra tác động lớn nhưng không phải lúc nào chúng cũng đòi hỏi anh phải đưa ra các quyết định mang tính bước ngoặt hoặc là các sự việc cần phải được xử lý – có rất nhiều hoạt động nho nhỏ mà anh sẽ rất thích làm để giúp vợ thư giãn, giảm bớt căng thẳng, hoặc chỉ đơn giản là khiến cô ấy mỉm cười.
Cuối cùng, cá nhân tôi cố gắng hết sức để lựa chọn các mục tiêu thường nhật phù hợp với hầu hết các bà bầu, nhưng quan trọng hơn cả là anh phải thảo luận kế hoạch của mình với cô ấy. Hãy chắc chắn rằng hai bạn đang cùng hướng tới một mục tiêu và hãy luôn ghi nhớ rằng trò chuyện là bí quyết thành công. Rất có thể anh sẽ tạo cho mình thói quen trò chuyện với vợ đấy, vì việc này sẽ cực kỳ hữu ích trong quá trình cô ấy mang bầu, quá trình nuôi dạy con, quá trình xây dựng và nuôi dưỡng tình cảm với cô ấy, và còn nhiều quá trình quan trọng khác trong tương lai.
Các mục tiêu và sự trợ giúp
Một lí do khác khiến tôi gặp nhiều khó khăn với lần đầu vợ mang bầu là tôi không biết giúp vợ nghĩa là gì. Quan điểm giúp vợ nghe có vẻ rất mơ hồ và đa dạng, vì vậy tôi đã phân loại các mục tiêu của gia đình bằng hình thức giúp vợ hằng tuần. Sẽ có một vài sự trợ giúp với số lượng nhiều hơn và điều đó sẽ trả lời rõ ràng câu hỏi cái gì mỗi khi hỏi về nhu cầu của vợ và những việc anh có thể làm. Dưới đây là danh sách các hoạt động giúp vợ trong cuốn sách này. Anh cứ thoải mái bổ sung thêm và tạo cho mình một danh sách riêng nhé.
Chuyên gia dinh dưỡng: Với hoạt động này, anh cần phải hiểu rõ nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bà bầu và đảm bảo cô ấy ăn uống lành mạnh, bằng cách chuẩn bị sẵn thực phẩm phòng khi cô ấy ốm nghén, mệt mỏi, đồng thời nguồn thực phẩm sạch này cũng giúp cô ấy tăng tiết sữa và phòng trừ thiếu sắt.
Ông bố giàu kinh nghiệm: Với hoạt động này, anh cần nắm chắc các thông tin về chăm sóc trước sinh (trừ dinh dưỡng ra nhé, vì nội dung này đã được đề cập ở phần trên rồi), đau đẻ, chăm sóc sau sinh (cho con bú mẹ) dành cho mẹ và bé.
Sếp lớn trong nhà: Với hoạt động này, anh là người đảm trách phần lớn việc nhà hoặc chủ động làm việc nhà, có như vậy bà bầu mới không phải lo gấp gọn quần áo trong khi bụng ngày càng to hơn, hoặc phải trả lời các câu hỏi xem cất món đồ này, món đồ kia vào đâu trong khi cô ấy đứng mà không thể nào nhìn thấy ngón chân cái của mình.
Chủ động chuyện trò: Với hoạt động này, anh sẽ là người chủ động khơi gợi câu chuyện, có như vậy anh mới có thể xử lý trước các vấn đề có thể nảy sinh sau này. Hãy nhớ trò chuyện liên tục và cởi mở với cô ấy nhé.
Nắm rõ nguồn tài chính: Anh biết đấy, có em bé sẽ rất tốn kém, vì vậy, với hoạt động này, anh sẽ thiết lập và/hoặc tuân theo nguồn tài chính phù hợp với nhu cầu và lối sống của mình.
Giảm bớt căng thẳng: Có em bé có thể sẽ làm gia tăng nỗi lo lắng, vì vậy, với hoạt động này, anh sẽ giúp vợ được khuây khỏa cả về thể chất lẫn tinh thần mỗi khi cần. Chưa kể nó cũng sẽ giúp anh và cô ấy có những khoảng thời gian thư giãn thú vị, hài hước và thư thái.
Củng cố tình cảm: Khi có con, sự gần gũi giữa anh và cô ấy rất dễ bị giảm bớt vì các mối ưu tiên hàng đầu của hai người thay đổi xuyên suốt quá trình mang thai và sinh con. Mọi thứ sẽ không còn như cũ nữa vì bây giờ không chỉ có hai người, nhưng anh vẫn có thể làm rất nhiều điều nho nhỏ để giữ gìn và củng cố tình cảm với cô ấy. Với hoạt động này, tôi sẽ giúp anh lên kế hoạch cho những bữa tối hoặc buổi hẹn hò lãng mạn và thậm chí gắn kết trong khi chuẩn bị sinh con nữa.
Các kế hoạch hài hước: Một trong những điều tuyệt vời nhất về quá trình sinh nở chính là khi đến lúc, hãy chia sẻ niềm hân hoan và niềm hạnh phúc với gia đình và bạn bè - những người quan trọng với anh. Với hoạt động này, tôi sẽ giúp anh lên kế hoạch thông báo tin vui, thông báo giới tính của bé; các tin vui này dễ dàng được chia sẻ và được hưởng ứng thông qua các ứng dụng điện tử trực tuyến hiện đại ngày nay.
Cảm thông khi cô ấy mang bầu: Thực sự anh sẽ khó có thể hiểu chính xác những nhọc nhằn mà cô ấy phải trải qua, bởi vì anh không thể mang bầu. Chính vì vậy, học cách cảm thông sẽ rất hữu ích với anh. Với hoạt động này, anh sẽ có cơ hội được đặt mình vào vị trí của cô ấy để hiểu rõ hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cô ấy.
Cảm thông sau khi cô ấy sinh con: Mục tiêu này tương đương với mục tiêu bên trên, nhưng đây là sự cảm thông sau khi cô ấy sinh nở. Sau sinh là thời kì cô ấy phục hồi sức khỏe và hóc môn cơ thể tiếp tục thay đổi, vì vậy, cô ấy sẽ dễ mất cân bằng và luôn mệt mỏi, trong khi cô ấy vẫn phải học cách nuôi con bằng sữa mẹ, dỗ dành bé và ru bé ngủ. Cô ấy phải làm rất nhiều việc, vì thế, anh hãy hiểu nhu cầu của cô ấy trong giai đoạn thử thách này nhé.
Luôn có kế hoạch: lên kế hoạch sẽ giúp anh có được kết quả tốt nhất và có sự chủ động trước các tình huống bất ngờ. Mục tiêu này sẽ giúp anh luôn có kế hoạch sẵn, dù đó là kế hoạch lớn như đánh giá tình hình cuộc sống trước khi bé chào đời hoặc kế hoạch nho nhỏ như sắp sẵn túi đồ đi sinh và lên danh sách câu hỏi cho buổi khám thai đầu tiên.
Chăm sóc con: Anh sẽ tự tay chăm sóc con, ví dụ như thay tã, dỗ dành, ru con ngủ và chơi với con.
Ông chồng của năm: Với hoạt động này, anh sẽ chứng tỏ cho cô ấy thấy rằng anh quan tâm đến sức khỏe của cô ấy và trân trọng sự hi sinh của cô ấy trong hành trình mang nặng đẻ đau vất vả này.
Những gì quan trọng với cô ấy cũng quan trọng với anh
Có lẽ anh vẫn thắc mắc tại sao anh cần phải tham gia nhiều việc đến vậy với cô ấy trong khi cô ấy đã có bác sĩ, có sách vở, có mẹ, có bạn bè và có bản năng làm mẹ. Có lẽ anh cũng đang tự hỏi làm sao anh có thời gian đáp ứng nhu cầu cá nhân của mình khi suốt ngày phải tất bật làm việc nhà và phải nghĩ ra hàng loạt câu hỏi để hỏi bác sĩ. Nếu anh vẫn không biết chính xác vai trò của mình, tôi năn nỉ anh hãy tiếp tục đọc và tìm hiểu thông tin.
Tôi sẽ không bao giờ quên câu nói của vợ khi cô ấy mang bầu lần đầu: “Phụ nữ trở thành mẹ ngay khi phát hiện mình có bầu, và phần lớn đàn ông trở thành bố khi họ ôm con lần đầu tiên – nhưng trước khi em bé chào đời, có tới 9 tháng em bé ở trong bụng mẹ đấy.” Sự thực là sự việc không cần phải diễn ra như vậy và cánh đàn ông chúng ta nên bắt tay vào nhiệm vụ ngay từ đầu. Chúng ta cần phải nỗ lực hiểu rõ và nhận thấy rằng làm mẹ không phải là hành trình đơn thương độc mã của cô ấy. Câu chuyện chỉ đơn giản thế này: Những gì quan trọng với cô ấy cũng quan trọng với anh. Nói cách khác, cô ấy không còn chỉ quan tâm đến mình anh nữa, và những việc anh làm hoặc không làm sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình. Về điều này, cứ tin tôi đi nhé!
Tam cá nguyệt thứ tư
Càng tích cực quan tâm đến 9 tháng cô ấy mang bầu, anh càng có sự sẵn sàng hơn để thực hiện nhiệm vụ của mình trong 3 tháng đầu sau sinh, hay còn gọi là “tam cá nguyệt thứ tư”. Thuật ngữ này được tạo ra từ quan điểm cho rằng trong ba tháng đầu sau sinh, bé sơ sinh là bào thai bên ngoài tử cung – bé cần được cho bú liên tục (hai tiếng một cữ theo nhu cầu) và cần được giữ không được quá ấm, không được quá lạnh vì cơ thể bé vẫn chưa kịp thích nghi với nhiệt độ bình thường. Giai đoạn sau sinh này đòi hỏi nhiều mẹ và bé phải da-tiếp-da để sữa mẹ được sản xuất nhiều hơn (nếu mẹ muốn nuôi con bằng sữa mẹ), đồng thời giữ cho bé đủ ấm và thoải mái.
Mấu chốt của vấn đề là cô ấy (người mẹ) thực sự cần anh trong hành trình này. Cơ thể cô ấy đang dần hồi phục sau sinh thường hoặc sinh mổ, đồng thời cô ấy phải cho bé bú liên tục và đối mặt với lượng hóc môn đang bắt đầu quay trở lại mức bình thường. Giữa quá trình phục hồi cơ thể, mất ngủ và kĩ năng sinh tồn cơ bản, những tuần đầu tiên sau sinh thực sự không dễ dàng đối với bất cứ ai, dù là mẹ hay bố.
Tích cực tham gia với cô ấy ngay từ đầu và thiết lập cho mình trạng thái tâm lý rằng anh và cô ấy sẽ cùng nhau vượt qua “tam cá nguyệt thứ tư” sẽ giúp giai đoạn này bớt căng thẳng cho cả hai người, và nhờ đó mọi việc sẽ được xử lý dễ dàng hơn. Hai người càng có sự chuẩn bị chu đáo, gia đình sẽ càng hạnh phúc.
Ngay sau khi đón mẹ và bé từ bệnh viện về nhà, anh và cô ấy cần thiết lập thói quen để giảm bớt căng thẳng và giúp cả hai tập trung hơn vào việc trở thành người cha, người mẹ tuyệt vời.
Đúng như một người bạn thân của tôi nói: “Làm bố tức là làm bằng hữu”. Chào mừng anh đến với câu lạc bộ của những ông bố. Anh sẽ làm tốt vai trò của mình thôi!