Khen ngợi là hành vi đạo đức đẹp nhất của lời nói, nhưng khen ngợi cũng cần phải chú ý có thích hợp hay không.
Khen ngợi thích hợp là lời nói chân thật, lời nói đúng đắn. Khen ngợi không thích hợp là những lời nói sai sự thật, lời nói thêu dệt, đánh cắp danh tiếng, lừa người dối đời. Đơn cử như Tổng bộ Liên hiệp Phật giáo Quốc tế từng tổ chức hội nghị “Thảo luận chính tà Phật giáo tại Đài Bắc” (tên gọi này khiến người mới nghe lần đầu sẽ rất khó hiểu). Vào ngày đầu tiên của hội nghị, chủ tịch tổng bộ đã dành rất nhiều lời khen cho một vị nhân sĩ ở Trung Quốc. Nào là trình độ Phật học của vị ấy đã vượt qua các chuyên gia học giả đương thời; nào là vị ấy đã vượt qua tất cả các bậc cao tăng thạc đức từng xuất hiện trong lịch sử; vị ấy chính là bậc xuất chúng trong nhà Phật, “thông cả Mật giáo lẫn Hiển giáo, rành tỏ ngũ minh”1, v.v. Lời khen ngợi như thế là hạ thấp ngày xưa mà tâng bốc ngày nay, người đã mất chắc chắn không thể đứng dậy phản đối, nhưng đây là kiểu khen ngợi phóng đại, không chân thật, không phải là nghệ thuật khen ngợi.
1 Ngũ minh là năm kiến thức người hoằng pháp cần phải có, phải hiểu biết, nhờ đó mà trí tuệ được phát triển. Đó là những kiến thức về nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh.
Cho đến việc ca ngợi các vị lãnh tụ chính trị, như tán dương Mao Trạch Đông: Ngài là thép, là mặt trời vĩnh hằng của chúng tôi. Hay khen ngợi Tưởng Trung Chính: Ngài là vị cứu tinh của dân tộc, là vị lãnh tụ mãi mãi của chúng tôi. Nhưng trên thực tế, trên thế gian này, không có người hay vật nào là vĩnh hằng cả, khen ngợi như vậy là quá mức, cũng không đủ nghệ thuật.
Khen ngợi cần phải có nghệ thuật, biết cách khen vui tươi hòa nhã, khen một cách chính đáng, đúng sự thật. Ví dụ như, chúng ta tán dương vua Đường Thái Tông chính trực thương dân; ca ngợi Võ Tắc Thiên khéo trọng dụng người tài; tán dương hoàng đế Khang Hy khéo dung hòa các tộc người trong quốc gia, v.v. Cho đến khen những bậc công thần danh tướng nhà Đường như Trưởng Tôn Vô Kỵ1 là một vị tướng giỏi; lại khen Ngụy Trưng là một vị quan chính trực với cốt cách cứng rắn, v.v.
1 Là đại công thần trải qua ba đời hoàng đế triều đại nhà Đường, từ Đường Cao Tổ Lý Uyên, Đường Thái Tông Lý Thế Dân tới Đường Cao Tông Lý Trị.
Một vị họa sĩ cận đại tên là Trương Đại Thiên có bộ râu rất dài và đẹp. Ông thường được mọi người khen ngợi là có “bộ râu đẹp như Quan Công”. Cũng bởi hằng ngày mọi người chỉ biết khen bộ râu, mà vô tình lãng quên tài hội họa của ông, nên ông thường cảm thấy không mấy vui vẻ. Một lần nọ, có nhóm người ngưỡng mộ danh tiếng của ông nên tìm đến viếng thăm. Nhưng rồi họ cũng chỉ tấm tắc khen ngợi bộ râu của ông, cuối cùng ông không nhịn được liền kể câu chuyện thế này:
Vào thời Tam Quốc, Khổng Minh sáu lần ra Kỳ Sơn chỉ mong tìm được một vị tướng soái. Bấy giờ có Trương Bào là con trai của Trương Phi, và Quan Hưng là con trai của Quan Công, cùng tranh nhau làm tướng soái. Khổng Minh khó lòng quyết định, ông liền bảo hai người họ hãy ca ngợi công trạng của cha mình, rồi lấy đó mà quyết định.
Trương Bào nói trước: “Cha tôi chỉ huy trận Trường Bản, có thể đẩy lùi đội quân của Tào Tháo, thu phục Nghiêm Nhan. Trong đại quân trăm vạn người, lấy đầu của tướng chỉ huy dễ như trở bàn tay”.
Quan Hưng muốn nói ra những chiến công của cha nhưng lại bị tật nói lắp, mãi vẫn không nên lời, chỉ nói một cách lắp ba lắp bắp: “Bộ râu của cha tôi rất dài”. Bấy giờ Quan Công hiển linh trong đám mây, giận dữ hét lớn: “Tên tiểu tử, ta vượt năm ải chém sáu tướng, chém Văn Xú, trảm Nhan Lương, vang danh một đời, thế mà ngươi không biết khen gì, chỉ biết nói bộ râu ta rất dài thôi sao?”
Bởi vì khen ngợi không đúng đắn, khen những điều không xứng đáng cho nên mới có câu chuyện vui này. Phật giáo rất xem trọng “pháp tu khen ngợi”, không chỉ “kính lễ các Đức Phật”, mà còn phải biết “khen ngợi công đức của Như Lai”.
Tuy nhiên, khen ngợi cũng cần phải đúng mức, tránh khiến cho người khác có cảm giác được xu nịnh, a dua. Thậm chí giống như trường hợp vừa nói trên, thì việc khen ngợi không đúng sẽ chỉ làm trò cho người đời sau cười nhạo, trở thành điều không hay lưu truyền.