Như chúng ta đã thấy ở trên, các văn bản Luận tạng (Abhidharma) mà chúng ta có từ các trường phái Phật giáo phải chăng được tụng đọc lại ở lần kết tập thứ nhất hay không, là điều rất đáng hoài nghi. Có lẽ ngoài những hình thức Māṭrkara, lúc này vốn không có gì khác, mà phạm vi nội dung cũng rất khó xác định. Tuy nhiên, so sánh với những văn bản Luận tạng hiện còn, chúng ta có được kết luận rằng trong thời gian hai năm kể từ lúc đức Phật nhập Niết bàn, mà phần lớn trước lần phân chia bộ phái đầu tiên, đã có sự phát triển thật sự. Chính xác, trong những văn bản của các bộ phái hiện còn, không có tác phẩm nào cho thấy sự tương đồng đối với hai trường phái này, độc lập giữa tất cả các trường phái. Nếu chúng ta có một văn bản của Đại chúng bộ (ngoài Thành thật luận, ‘Tattvasiddhiśāstra’, ra đời khá muộn của Đa văn bộ (Bahuśrutika= Bahuśrutīya) thì bức tranh có lẽ khác, nhưng chúng ta thấy kinh điển giữa hai trường phái này, chính xác là thượng tọa bộ và Nhất thiết hữu bộ, khác nhau rất lớn, do đó Luận tạng của Đại chúng bộ gần giống với một trong số đó là điều không thể. Cả hai bộ phái thuộc thượng tọa bộ đều lấy bảy bộ luận làm Luận tạng cho mình, dường như đây là sự ngẫu nhiên, nếu không chúng ta giả định ban đầu hệ thống thượng tọa bộ đã thống nhất có bảy bộ luận, đến lúc phân chia, Nhất thiết hữu bộ đã loại bỏ và thay thế bằng những bộ luận mới. Tuy nhiên, không có văn bản nào giống nhau kể cả Luật tạng và Kinh tạng của hai trường phái này, chỉ có một số điểm tương đồng chính trong số văn bản đó mà chúng ta có thể phỏng đoán có tính chất truyền thống của Luận tạng sớm nhất. Tập dị môn túc luận (Saṃgītiparyāya) của Nhất thiết hữu bộ là trường hợp đặc biệt, đơn giản là một sự tu chỉnh và thêm vào những chú thích của kinh Kết tập (Saṃgītisūtra) trong Trường A-hàm.
Luận tạng là gì? Mātṛkā là một chuỗi tiêu đề chú thích về một bài giáo lý. Như ở Chương 4, chúng ta đã lấy một mātṛkā từ Chương 3 ra để phân tích. Một bộ luận được luận giải theo cách như thế (hầu hết văn bản của luận (Abhidharma) mở đầu bằng một mātṛkā và rồi tiến hành luận giải chi tiết), nhưng đó chỉ là nguyên tắc, không chỉ thế, mà còn cung cấp một loạt kinh điển trích dẫn liên quan chi tiết. Một bộ luận còn phân tích các tài liệu được sưu tập từ các kinh điển, đưa ra vấn đề và cách giải quyết, soạn thành một bộ luận có hệ thống. Với ý nghĩa như thế, Luận giải thích Kinh, nhưng Luận có khuynh hướng vượt hơn hẳn Kinh về mặt hệ thống lý luận. Có lẽ hầu hết các trường phái Phật giáo đều đồng ý công việc hệ thống hóa này đã xuất phát từ thời của đức Phật. Rõ ràng bản thân đức Phật không đảm nhiệm công việc ấy, chỉ đôi lúc đưa ra một số danh mục tiêu đề ở hình thức mātṛkā, nhưng dần dần trong quá trình thuyết giảng Ngài đã không ngừng giải thích các mặt lý luận của giáo lý, sau đó phát sinh những bài giáo lý mang tính đàm thoại bằng nhiều sắc thái thảo luận khác nhau đối với từng hạng người mà Ngài gặp. Tất nhiên hoàn toàn có thể xác định rằng những vị tỷ-kheo đệ tử cốt cán của đức Phật như Xá-lợi-phất đã nhận sự ủy thác ‘nghiên cứu’ và biên soạn ra cương yếu của những bộ luận.31 Trong kinh Kết tập (Saṃgītisūtra) và Tập dị môn túc luận (Saṃgītiparyāya) của Nhất thiết hữu bộ, thực tế tôn giả Xá-lợi-phất nói bộ luận này cho đại chúng tỷ-kheo trước sự chứng minh của đức Phật, sau đó Ngài chỉ phê chuẩn. Những truyền thống Luật tạng khác còn có thêm vị trưởng lão Kātyāyana tham dự công việc này. Tăng nhất A-hàm (Ekottara Āgama)32 có nói về việc đức Phật ca ngợi tôn giả Kātyāyana là người khéo phân tích tường tận những giáo lý tóm tắt. Theo thuyết giả bộ (Prajñaptivāda) thuộc Đại chúng bộ,33 tôn giả Kātyāyana (Ca-chiên-diên) đã soạn một bộ luận chuyên môn về hai cấp độ thuyết pháp của đức Phật (xem tr. 221 trở xuống) chia kinh điển thành ‘liễu nghĩa’ và ‘bất liễu nghĩa’. Hình như bộ luận này có hai phiên bản, có lẽ được viết thêm và cho lưu truyền trong chi phái này. Thượng tọa bộ có một bộ luận thích được cho là tôn giả Kā- tyāyana soạn, đó là bộ Tam tạng chỉ yếu (Peṭaka-upadesa). Hóa địa bộ cũng có một bộ ‘Chỉ yếu’ (Peṭaka) (xem thêm Gaṇṭhipada, tr. 106). Luật tạng của Pháp tạng bộ và Ẩm quang bộ chép rằng Pháp nghĩa kinh (Upadeśa) thuộc Tiểu A-hàm (Kṣudraka) có đọc tụng ở kỳ kết tập lần thứ nhất.34
31. Lamotte HBI tr. 209 nói lên tính tương đồng của truyền thống Độc tử bộ và thượng tọa bộ.
32. Bản tu chỉnh của thượng tọa bộ a I tr. 23.
33. Lamotte HBI tr. 208.
34. HBI tr. 276; Przyluski, Concile, tr. 179.
Tập dị môn túc luận (Saṃgītiparyāya) có thể được xem là bộ luận nguyên bản lâu đời nhất hiện nay. Thực tế, đây là một bộ mātṛkā lớn, liệt kê các pháp được đề cập trong các kinh điển theo thứ tự nhóm một, nhóm hai, nhóm ba... cho đến nhóm mười. Bao gồm hơn 200 tiêu đề, mỗi tiêu đề có từ một đến mười ‘pháp’. Trong đó hầu hết chúng được giải thích bằng những trích dẫn từ kinh điển, tức dùng phương pháp lấy ‘kinh để giải thích kinh’ hoặc ‘không đặt vấn đề’ (praś-naka). Cũng như Thành thật luận (Tattvasiddhi) được xem tương tự một bộ mātṛkā, có thể thấy trong Đa văn bộ cũng có một bộ luận tượng tự như thế.
Ở Chương 4 chúng ta khảo sát về hình thức văn học mātṛkā, là cốt lõi của loại hình văn bản khác nhau này, chính là những bộ luận giải phân tích giáo pháp (dharma) một cách đầy đủ nghĩa nhất. Phân biệt luận (Vibhaṅga) của thượng tọa bộ, Pháp uẩn túc luận (Dharmaskandha) của Nhất thiết hữu bộ, Xá-lợi-phất đối pháp luận (Śāriputrābhidharmaśāstra) (hình như thuộc Pháp tạng bộ, cũng từ Luật tạng của Pháp tạng bộ mà được biết đến một bộ luận gồm bốn chương này - Przyluski và Lamotte cũng từng đọc qua nguồn giới thiệu trong Luật tạng này mà nhầm cho là có năm chương35) có ba phiên bản ở ba trường phái khác nhau nhưng rất gần gũi mặc dù không y hệt nhau, thậm chí là ba bản tu chỉnh trên cùng một nguyên bản, và cho thấy đã phát triển từ một bản gốc. Trong mỗi bộ luận này có thêm hàng tá hoặc nhiều hơn thế những tiêu đề khác, trong khi đó chúng ta phán đoán nguyên thủy vốn chỉ có bảy chủ đề, do đó nhóm chủ đề năm uẩn (skandhas), lục nhập (āyatanas) của các giác quan và trần cảnh (dhātus - của nhiều nhóm xứ giới), bốn sự thật cao quý và Duyên khởi được bao quát trong đó, như vậy làm cho bộ luận này trở nên toàn diện (kể cả tứ thiền định và những chủ đề khác cũng được bổ sung). Có chứng cứ để chứng minh nhiều trường phái Phật giáo có văn bản này và tương tự nhau, vì Xá-lợi-phất đối pháp luận là một bộ luận có bốn chương,36 bao gồm Hữu vấn (Sapraśnaka), Vô vấn (Apraśnaka), Nhiếp trì tương ưng (Saṃyuktasaṃgraha), tức những pháp sinh khởi dung nhiếp qua lại với nhau) và Nhân duyên (Nidāna), giống với cách trình bày của các bộ luận ở những trường phái khác mà Lamotte37 đã chỉ ra. Đặc biệt trong Luận tạng của Ẩm quang bộ (hay tuyết sơn bộ) có phẩm Hữu vấn (Sapraśnaka), Vô vấn (Apraśnaka), Nhiếp trì (Saṃgraha), Hội hợp (Saṃyoga) và Nghĩa xứ (Sthāna, tức ‘nơi chốn’, ‘Tình huống’, ‘hoàn cảnh’; hoặc là ‘nguyên nhân’, ‘cơ sở’), dường như có bốn chương nhưng được chia làm năm chương. Ở Pháp tạng bộ, luận này có bốn chương với các tên gọi khác nhau nhưng nội dung tương đồng.
35. Lin, aid-mémoris, tr. 45, cho thấy thuộc hóa địa bộ, trong khi đó Đại chúng bộ cũng là một khả năng. Bộ phái là vấn đề đáng ngờ, bộ phái phản ảnh phần tri thức khuyết thiếu đáng tiếc của Đại chúng bộ và phần lớn văn học cổ điển của trường phái này, điều này biểu hiện không rõ bất kỳ lập trường nào trong tranh luận của các trường phái (nghiên cứu kỹ hơn sẽ làm rõ điểm này hơn một chút: như vậy kinh này thừa nhận chín pháp vô vi). Do đó, từ trong một danh mục nào đó của kinh Prajñāpāramitā (bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh) có thể lập lên mātṛkā của Đại chúng bộ, vì bộ kinh này rõ ràng xuất phát từ Chế đa sơn bộ/Sơn trú bộ thuộc Đại chúng bộ. Ví dụ bản kinh Bát Nhã mười nghìn kệ tụng (bản của Konow, tr. 10 trở xuống) đưa ra danh mục các uẩn, nhập, giới, bốn sự thật cao quý, duyên khởi, niệm trú, chính cần, (v.v. cho đến) đạo, ba pháp môn giải thoát (không, vô tướng, vô niệm) - xem dưới, Chương 9, đối với thiền định, vô lượng tâm v.v. Tham khảo thêm ‘The Ghost of Nirvāṇa’.
36. Lamotte HBI tr. 208 trở xuống.
37. HBI tr. 198.
Trong bốn hoặc năm chương này chỉ có hai chương đầu tương đương với Phân biệt luận (Vibhaṅga) và Pháp uẩn túc luận (Dharmaskandha), đồng thời mô tả chi tiết các luận chứng hay những tiêu đề như chúng ta vừa đề cập. Trong thượng tọa bộ và Nhất thiết hữu bộ đều có những bộ luận riêng biệt nói về những chủ đề này theo từng phần: Giới ngôn luận (Dhātukathā) và Giới thân luận (Dhātukāya) giảng giải sự phân loại và sự kết hợp của các pháp; Phát thú luận (Patthāna) và một phần của Thân thức luận (Vijñānakāya) giảng giải về các nhân duyên. Tuy nhiên, hai bộ Phát thú luận và Thân thức luận ra đời khá muộn, chúng ta có thể thấy rằng những mô tả chi tiết về nhân duyên tương đồng với Phân biệt luận và Pháp uẩn túc luận, nhưng trên thực tế Xá-lợi-phất đối pháp luận (có lẽ là một bộ luận hiện còn xưa nhất) có một số giảng giải sâu xa hơn cả những bộ luận này (có 33 nhân ‘hetu’ bao gồm 10 duyên ‘pratyaya’, và biến hành ‘sarva- traga’...).38 Phát thú luận vận hành 24 loại duyên (trong khi đó những người theo Nhất thiết hữu bộ hài lòng với bốn duyên, nhưng họ lại thêm vào sáu loại nhân). Thành thật luận (Tattvasiddhi) do Harivarman trước tác đại biểu của Đa văn bộ cho thấy rất giống với Phân biệt luận (Vibhaṅga), Pháp uẩn túc luận (Dharmaskandha) và Hữu vấn vô vấn luận (Sapraśnaka- Apraśnaka), bao gồm cả chủ đề ‘ngã’ (pudgalas), nhưng lược bỏ sự tập hợp hay tập uẩn (xem Luận văn của một sinh viên của tác giả, giáo sư S. Katsura, 1974, tr. 77, đã phân tích rõ hoàn toàn tác phẩm này, một bộ luận duy nhất còn lại trong những chi phái thuộc Đại chúng bộ). Căn cứ vào bộ sớ giải về Luận sự (Kathāvatthu) (tr. 94) của thượng tọa bộ và những trường phái khác cũng lược bỏ sự tập hợp hay tập uẩn, chẳng hạn như La-duyệt-kỳ bộ (Rājagirika) và tất đạt đa bộ hay Nhất thiết nghĩa thành bộ (Siddhārthika), cả hai bộ phái này đều thuộc Đại chúng bộ. Vẫn chưa rõ phải chăng những trường phái thuộc hệ thống Đại chúng bộ đều lược bỏ phần này của Luận tạng và phải chăng đây là một sự sáng tạo mới của Thượng tọa bộ và những chi phái phát sinh.
38. Chuỗi 12 nhân duyên được mở rộng thêm lão, tử, khổ..., và sắc, danh, như những hạng mục riêng biệt; ‘Thức ăn’ là một ‘nhân’ khác.
Từ chứng cứ này chúng ta có thể kết luận rằng, hình thức sớm nhất này của Luận tạng có thể cấu trúc lại, và có lẽ được biên soạn trong suốt hai thế kỷ đầu sau khi đức Phật nhập Niết bàn, bao gồm các phần: (1) Tập dị môn túc luận (Saṃgīparyāya); (2) Vô vấn luận (Apraśnaka), đơn giản lấy Tập dị môn túc luận làm phần đầu của nó, dựa trên nền tảng hình thức mātṛkā liệt kê giáo lý tu tập, niệm trú và những chủ đề khác, dùng những dẫn chứng của kinh điển để giải thích; (3) Hữu vấn luận (Sapraśnaka) đã phát triển từ những mātṛkā luận lý về các tổ hợp của năm uẩn, sáu nhập, bốn chân lý..., định nghĩa và giải thích bằng phân tích theo hình thức luận, trong đó bao gồm cách vận dụng nguyên tắc hai chiều (mâu thuẫn) và ba chiều (trái nghịch); (4) nghiên cứu về nhân duyên, có lẽ được gọi là Phát thú luận (Prasthāna), liên hệ với bốn duyên, tức nhân duyên (hetu), sở duyên duyên (ālambana), đẳng vô gián duyên (anantara) và tăng thượng duyên (adhipati) (Nhất thiết hữu bộ, harivarman, Nāgārjuna, xác định rằng bốn duyên này là nguyên gốc được thảo luận ở đây; thượng tọa bộ và Xá-lợi-phất đối pháp luận cũng chấp nhận những duyên này, tuy nhiên họ chia duyên thứ nhất thành nhiều duyên khác). Đối với những phần này, các chi phái xuất phát từ thượng tọa bộ ít nhất cũng gia tăng phân loại các pháp vào các uẩn, lục nhập và giới…, và đồng thời sự tập khởi của các pháp có thể diễn ra đồng thời (cùng quan điểm với trình tự của vòng nhân duyên). Tam tạng chỉ yếu (Peṭakopadeśa) là một hình thức giải thích về kinh có lẽ có nguồn gốc từ một bộ phận của Tiểu A-hàm (Kṣudraka), hay nói cách khác là một phụ lục của Kinh tạng (Śūtrapiṭaka). Tuy nhiên, trường phái thuyết giả bộ và có thể những chi phái thuộc Đại chúng bộ nói chung đều nhập chúng vào Luận tạng của họ. Cho đến Luận tạng của thượng tọa bộ bằng tiếng Pali hiện còn cũng thay thế Tập dị môn túc luận (Saṃgītiparyāya) bằng Pháp tập luận (Dhammasaṃgani). Vô vấn luận (Apraśnaka) và Hữu vấn luận (Sapraśnaka) được gộp vào Phân biệt luận (tương tự thượng tọa bộ kết hợp chúng vào Pháp uẩn túc luận), nhưng phẩm ‘ngã’ (pudgalas) bị lược bỏ, chỉ còn là những khái niệm chứ không phải là một thực thể tuyệt đối, và tách thành một bộ luận riêng biệt (thượng tọa bộ dường như phủ nhận hoàn toàn pudgalas của ngã).
Vô vấn luận (Apraśnaka) hầu như bao gồm niệm xứ, chính cần, thần túc, đạo, thiền, vòng nhân duyên vận hành theo duyên khởi, nhiều đặc tính khác nhau của trí (jñānas), ngã và có lẽ còn có hành nghiệp và các phiền não nhiễm ô và những chủ đề khác. Hữu vấn luận bao gồm các uẩn, sáu nhập, giới, các chân lý, và lực (tuy bộ luận này nói về giáo nghĩa lý luận tu hành thực tiễn nhưng bao gồm một loạt nguyên tắc theo lối phân tích của A-tỳ-đạt-ma) và những giác chi. Hai bộ phận này chủ yếu là thuật lại một cách hệ thống những nội dung trong kinh điển, sưu tập tư liệu về một số đề tài rải rác trong Kinh tạng. Ngoài ra còn thêm vào một số giải thích sâu hơn và những quy định về mục tiêu tu tập, không nghi ngờ gì phần lớn đều được thấy rõ (hoàn toàn được nhận ra ở trong Luận tạng hiện còn của thượng tọa bộ), đưa ra định nghĩa chính xác mỗi thuật ngữ trong hệ thống này, đương nhiên cần thừa nhận rằng giáo lý Phật giáo là một hệ thống nhất quán. Điều này bao gồm sự đồng nhất của các thuật ngữ đồng nghĩa và đôi khi có sự khác biệt về nghĩa của một từ trong những văn bản khác nhau. Theo sự phân tích của luận, hình thức mâu thuẫn hay ‘song đối’ được áp dụng cho tưởng và phi tưởng, nguyên nhân và phi nguyên nhân, nội tại và ngoại tại, và nhiều vấn đề khác. Hình thức mâu thuẫn ba chiều hay ‘Tam nguyên’ bắt đầu với thiện, ác và không thiện không ác. Loại hình phân tích này làm rõ vị trí của mỗi pháp trong toàn bộ hệ thống và mối quan hệ của nó với những pháp khác.
Đối với việc nghiên cứu về nhân duyên tựa hồ đưa giáo lý đi ra xa lời dạy của đức Phật, vì dường như không có bản kinh nào nói về bốn duyên này, mặc dù những thuật ngữ này được dùng riêng lẻ trong nhiều kinh điển khác nhau. Nhưng nhân duyên trong duyên khởi được hạn chế trong vấn đề về luân hồi, nguồn gốc của khổ, thì nghĩa của bốn duyên phổ biến hơn. Trong ‘nhân duyên’ thì bốn duyên là phổ biến nhất, bao gồm ở các trường hợp khác nhau như một hành động là nhân duyên đối với kết quả của nó, và một đối tượng cảm giác là nhân duyên đối với chức năng của một giác quan. ‘Sở duyên duyên’ là bất kỳ nhân duyên nào làm sinh khởi thức (tr. 188-189). ‘Đẳng vô gián duyên’ là mỗi khoảnh khắc trong dòng chảy của thức là nhân duyên cho cái tiếp theo, đây là căn bản đối với tính liên tục của thức. ‘Tăng thượng duyên’ là ‘động lực’ chi phối tư duy.
Công việc hệ thống hóa này đã phát triển mạnh mẽ vào những thế kỷ đầu của Phật giáo. Sự ảnh hưởng của nó rất sâu rộng, có khi phát sinh sự bất đồng và dần dẫn đến sự phân chia trong Phật giáo khi chúng không thể giải quyết được. Sau đó hoạt động này tiếp tục với mong muốn làm cân bằng hoặc lớn hơn trong những bộ phái mới, kết quả nảy sinh những bộ luận (A-tỳ-đạt-ma) độc lập, tiếp tục được bảo tồn trong những truyền thống riêng biệt của họ.