Chủ nhật hằng tuần: Ai về cuối là quả trứng thối!
Lần nào cũng thế, Leo thường tới nhà bà Celia của mình, và trên khoảng sân bê tông nhỏ trước nhà, cậu vẫn hay chơi trò bóng “ma” với những người anh em của mình là Rodrigo và Matías. Hoặc có khi họ chơi tennis bằng chân. Sau đó, những người anh em họ Maxi và Emanuel của Leo sẽ tới, và vài năm sau còn có thêm một cậu em họ khác nữa – con của chú Claudio và dì Marcela.
Hai hòn đá được dùng làm cột dọc. Ai ghi 6 bàn trước sẽ thắng. Trò chơi bắt đầu.
Bà của Leo và các con gái của mình, Celia và Marcela, đang bận rộn chuẩn bị món mì ống cùng với nước xốt dưới bếp. Các ông chồng, Jorge và Claudio, và ông của Leo là Antonio, thì ngồi tám chuyện trên chiếc sofa trong phòng ăn chật hẹp, hoặc trên bậc thềm, quan sát lũ trẻ đang chơi đùa trước mặt. Họ nhìn pha chạm bóng, chú ý quan sát Emanuel rê bóng thế nào, Leo bé nhỏ ra sao, và lấy bóng từ chân của cậu bé khó đến nhường nào…
“Giỏi lắm Maxi, giỏi lắm”, Jorge hét lên. Ông từng đá cho Newell’s Old Boys trước khi bị gọi đi lính.
Giờ ăn đã tới! Lũ trẻ từ từ tiến vào phòng ăn dù tâm trí vẫn còn để ở trận đấu mới rồi.
Mọi người đều phải rửa tay trước khi ngồi vào chiếc bàn ăn của ngôi nhà nhỏ hai phòng ngủ mà không ai muốn phải rời đi, nơi mà hàng trăm cuộc gặp mặt gia đình vào Chủ nhật hằng tuần vẫn thường diễn ra. Đôi lúc, chiếc ghế sofa biến thành một cái giường dành cho đứa trẻ nào nằng nặc đòi ngủ lại đêm hôm đó. Chúng vô cùng yêu quý bà Celia, không chỉ vì món mì ống hay cơm ngon lành - những món mà luôn bị vét sạch sau mỗi bữa ăn. Celia là một hình mẫu người bà chuẩn mực, những người mà chẳng bao giờ nói không với các cháu.
Bữa ăn nhanh chóng kết thúc. Mọi thứ đều ngon lành cả, nhưng với quả bóng còn đang bị kẹp dưới nách, năm cậu bé phải phi vội ra khu quảng trường ở Bajada, miệng vẫn còn nhóp nhép viên kẹo sữa mang từ nhà.
Và chính ở nơi đó, chúng sẽ kết thúc những gì đã bắt đầu, hoặc bắt đầu lại một ván 6 điểm mới. Lại một lần nữa, chúng bung hết sức lực của mình ra. Bốn tiếng liên tục không nghỉ, có khi nhiều hơn.
Những trận đấu ấy chẳng khi nào công bằng cả. Có khi những cậu lớn hơn, như Rodrigo (1980), Maxi (1984), và Matías (1982) sẽ thách đấu những cậu nhỏ hơn, như Leo (1987) và Emanuel (1988), một thủ môn giỏi. Họ đều phải nhận những cú sút như nhau, cú sút nào cũng khó nhằn hơn bất kỳ trận bóng nào ở các đội bóng nhí. Leo và Emanuel thường là đích đến của những cú sút xả giận từ những người anh kia. Đặc biệt là Leo. “Matías, cẩn thận chút đi thanh niên!” - Jorge thường sẽ kêu lên như thế.
Và Leo thường sẽ chạy lòng vòng như con gà mắc tóc để đuổi theo bóng, và rồi, khi có bóng, cậu bé sẽ không bao giờ để mất bóng vào chân người khác. Mặt cậu bé đỏ như quả cà chua - trong trí nhớ của Claudio thì là như thế. Và nếu cậu bé thua thì thôi rồi. Cậu sẽ khóc và bắt đầu vùng vằng, đánh hết những ai định an ủi mình. Cậu bé thường tiếp tục cho tới khi nào mình thắng thì thôi.
“Lúc nào cũng kết thúc tồi tệ cả, lúc nào chúng tôi cũng đánh nhau. Kể cả khi tôi thắng, các anh em tôi vẫn sẽ làm tôi khó chịu vì họ biết tôi dễ nổi nóng. Nên thường mọi thứ vẫn sẽ kết thúc bằng việc tôi khóc lóc và nổi giận”, Leo trả lời phỏng vấn tờ tạp chí El Gráfico của Argentina.
Nhiều lúc, trận đấu giữa các khu phố diễn ra. Cứ đến Chủ nhật là lũ trẻ lại tụ tập chơi bóng ở khoảnh sân nhỏ kế bên nhà bà của Leo, nơi vẫn luôn rộng mở với tất cả mọi người. Và liên minh nhà Messi/Cuccittini không bao giờ thua. Matías giải thích: “Ban đầu thì chẳng ai muốn chơi với chúng tôi vì chúng cho rằng Leo quá nhỏ, và Emanuel cũng vậy, nhưng đến cuối trận thì chúng lại quay sang tung hô nó. Leo mới chỉ 9 tuổi thôi và nó đã đá trước những đứa 18-19 tuổi, chúng không thể nào cản nổi nó”.
Liệu có ai từng nghĩ rằng, từ những tài năng độc nhất vô nhị này, một vài người sẽ được bước ra ánh sáng hay không?
Rodrigo từng được thi đấu cho đội trẻ của Newell’s ở độ tuổi 11, trước đó thì cậu đá cho Grandoli - nơi mà tất cả những người có họ Messi đều từng thi đấu. Cậu ta là một tiền đạo với khả năng săn bàn cực tốt, nhanh nhẹn và đầy kỹ thuật. Cậu ta vẫn hay được chọn đại diện cho nhóm tuổi của mình ở Rosario trong các buổi gặp mặt liên thành phố. Leo kể về câu chuyện giải nghệ sớm của anh trai trên tờ Corriere della Sera như thế này: “Quả thật, anh ấy đá bóng rất hay. Đáng buồn là anh lại bị tai nạn xe hơi, làm tổn thương xương ống chân và xương mác. Thời đó, nếu bạn bị giống vậy thì đó coi như dấu chấm hết cho sự nghiệp”. Một phần là thế, một phần có thể do cậu ấy thiếu đi sự quyết tâm cần thiết để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Bởi vì cậu ấy phát hiện ra rằng, đam mê của mình nằm ở nơi nhà bếp. Cậu muốn trở thành một đầu bếp.
Matías từng là một hậu vệ ở đội dự bị Newell’s khoảng 1 năm trước khi quyết định không tiếp tục nữa. Nhưng nhiều năm sau, cậu vẫn quay lại với bóng đá, và CLB cuối cùng của cậu là Atlético Empalme Central, thi đấu ở giải khu vực của Rosario, nơi cậu thi đấu tới năm 27 tuổi.
Maximiliano, cao 1m65, con cả trong ba người con của Marcela và Claudio, là tay săn bàn đều đặn cho CLB Esport Clube Vitoria của Brazil tại giải Serie A của nước này. Trước đó, cậu từng thi đấu ở Argentina (trong màu áo của San Lorenzo de Almagro), ở Paraguay, ở Mexico và cả CLB Flamengo của Brazil. Trong buổi tập đầu tiên ở đội bóng Libertad của Paraguay, cậu bị chấn thương đầu. Nhưng cậu là một người cứng đầu. Cậu đã quay trở lại ngay với bóng đá. Một ngày sau khi con gái Valentina của cậu ấy sinh non trong bệnh viện và phải nằm trong lồng kính, cậu đã ghi bàn cho Fla(mengo). Cũng buổi tối hôm ấy, Messi ghi một cú hat-trick cho Barcelona vào lưới Valencia, và cậu dành cả 3 bàn thắng cho Valen(tina).
Emanuel, từ Rosario, cũng như tất cả bọn họ, không rời Leo nửa bước khi còn nhỏ, ăn tập cùng cậu ta ở Grandoli, bắt đầu sự nghiệp ở vị trí thủ môn và dành 1 năm ở Newell’s trước khi tiến sang châu Âu. Giờ cậu ta là một tiền vệ trái. Năm 2008, cậu đến Đức và thi đấu cho đội dự bị của TSV 1860 Munich, và năm sau đó, cậu vào được đội Một. Cậu cũng có thời gian thi đấu cho Girona ở giải hạng nhì Tây Ban Nha. Bây giờ, với chiều cao 1m77, cậu thi đấu cho Club Olympia ở giải hạng nhất Paraguay. Cậu luôn muốn một ngày nào đó sẽ được thi đấu ở Ñuls (cách gọi Newell’s Old Boys của người Argentina) với Maxi và Leo.
Bruno sinh năm 1996 và đã bỏ lỡ những trận đấu đường phố đỉnh cao, dù vậy, cậu vẫn thích đá với những đứa trẻ khác, và đã từng là một nhân tố tiềm năng của một CLB đến từ Rosario là Renato Cesarini, nơi đã sản sinh ra Fernando Redondo và Santi Solari, con trai của một trong những nhà sáng lập CLB. Cậu ta trông khá giống Leo và lối đá cũng rất giống: cách cậu chạy, chạm bóng, cả cái cách cậu ăn mừng bàn thắng nữa. Nhưng chúng ta phải cẩn thận khi đưa ra những so sánh kiểu đó. Hôm nay, trên tài khoản mạng xã hội của mình, cậu viết: “Cuộc sống không là cuộc sống nếu không có bóng đá” (tháng 2/2012). Cậu đã bỏ tất cả sau lưng mình nhưng giờ cậu đang cố gắng một lần nữa để leo lên chuyến tàu cao tốc mang tên bóng đá.
Leo rời nhà để gia nhập Barcelona vào năm 13 tuổi nên những bữa ăn chung với các anh em của cậu bắt đầu ít dần. Và theo lẽ tự nhiên, những trận bóng dần trôi vào dĩ vãng. Những cậu bé ngày nào nay đã lớn, và cuộc sống riêng bắt đầu chia cách chúng. Nhưng những đứa trẻ ấy vẫn nằm đâu đó trong mỗi người các cậu, cũng như tất cả chúng ta.
Celia, bà của Leo, ra đi khi cậu mới 10 tuổi.
Con sông Paraná uốn khúc, Monumento Nacional a la Bandera (Đài tưởng niệm Quốc kỳ ở Rosario), hai CLB bóng đá tuyệt vời. Và con người. Hơn tất cả, là con người. Đó là Rosario trong mắt du khách.
Rosario là nơi nào?
Rosario cách thủ đô Buenos Aires khoảng 300 km, thời gian di chuyển chừng 3 giờ nếu đi trên con đường thẳng băng cắt ngang một thung lũng rộng lớn giữa hai thành phố. Cách xa chốn đô thị ồn ào, náo nhiệt, có phần cô quạnh là một thành phố bé nhỏ nhưng đầy lòng kiêu hãnh (người dân ở đây tuyên bố họ không đến từ tỉnh Santa Fe, họ là người Rosario) và trận derby của thành phố giữa Newell’s Old Boys và Rosario Central được gọi là trận chiến giữa Kẻ Phong Cùi và Bọn Vô Lại (Lepers vs Scoundrels). Một nửa dân cư thành phố ủng hộ một đội, đấu với nửa còn lại của thành phố ủng hộ cho đội đối phương. “Trận đấu nhiều cảm xúc nhất mọi thời đại”, đó là câu trả lời của bất kỳ ai được hỏi, dù vậy, nhiều người lại muốn quên đi sự thật là đôi lúc nhiệt huyết bị định nghĩa lệch lạc và trở thành bạo lực.
Leo là một trong những “Kẻ Phong Cùi” (leproso). Newell’s bị gọi như thế vì khoảng một thế kỷ trước, họ và Rosario Central đều được mời tham dự một trận đấu từ thiện để hỗ trợ cho một phòng khám phong cùi. Newell’s đồng ý tham dự, Rosario Central thì không. Từ đó, đối thủ truyền kiếp của NOB bị gọi là “Bọn Vô Lại” (canallas).
Nếu đi từ Buenos Aires bằng xe máy, bạn sẽ phải rời thành phố bằng một cung đường như hình chữ C ở phía bên phải, gần khu vực gồm toàn những ngôi nhà tường thiếc mang màu áo của Rosario Central như muốn báo hiệu rằng bạn đang tới thành phố của những canallas. Nhưng sau đó, điều này được xác nhận ngược lại, rằng: không, không, “đây là thành phố của cácleprosos” khi nhìn thấy trên các bức tường còn lại, đầy màu đỏ và đen của Newell’s Old Boys. Những thống kê và những bức graffiti vẫn thường đối chọi nhau như thế. Những bức tường thiếc này là nơi ở của nhiều gia đình ở vùng ngoại ô Rosario, là những ngôi nhà có tầm nhìn ra đường lộ. Quanh đây, hầu như hộ nào cũng nghèo, sàn nhà là đất, mọi người thì di chuyển bằng những chiếc xe cà tàng mà không thèm dùng mũ bảo hiểm; xe của họ là xe cũ nát, không phải xe cổ. Sau này, nghèo đói chấm dứt bởi sự xuất hiện của những nhà máy và những tòa nhà cao tầng. Tài xế qua đây có vẻ thích thú với cảnh vật hoặc họ đang bận ghi chép một cái gì đó, nên chẳng ai thèm quan tâm tới biển báo hiệu hay vạch kẻ đường cả. Hoặc như người Argentina thường nói, biển báo hiệu hầu như chẳng có tác dụng ngoài việc làm người ta đi chậm lại một chút.
Trước khi tới điểm kết thúc của đường xe chạy, bạn sẽ thấy những hình ảnh đầu tiên của một thành phố xinh đẹp, với đủ loại nhà chọc trời; những con đường hai bên rợp bóng cây, và bạn sẽ nhìn thấy một nhà máy hiện đại khổng lồ với ma trận ống dẫn bên ngoài, tạo một vẻ đẹp công nghiệp lạ kỳ trong phong cảnh chung. Nhà máy này được nuôi dưỡng bởi con sông Paraná, và đây là cái nhìn đầu tiên của nhánh sông huyết mạch này, bởi chúng mang theo bên mình đất phù sa màu mỡ, một nguồn sống nguyên thủy giàu có. Sau những hàng cây và nhà máy, bạn sẽ bắt đầu bước vào thành phố thông qua một công viên mới xây với những ngôi nhà hai tầng ở cả hai bên đường. Cung đường hình chữ C ấy đã biến thành một đại lộ bao quanh bởi một thành phố tráng lệ, cao lớn và cổ kính.
Từ Rosario, cánh cổng dẫn ra những đồng cỏ hoang Nam Mỹ, một ngôi làng gắn mác thành phố, đã sản sinh ra những Che Guevara, ca sĩ Fito Páez, nhà biên kịch kiêm họa sĩ hoạt hình Roberto ‘el Negro’ Fontanarrosa, tượng đài bóng đá Marcelo Bielsa và César Luis Menotti đã nổi lên để thách thức những thế lực thống trị. Đây cũng là đích đến của hàng ngàn người di cư từ châu Âu. Cũng ở nơi đây, một trong những biểu tượng của Argentina đã ra đời: khoảnh khắc lá cờ xanh trắng của Argentina được giương lên lần đầu tiên vào năm 1892 để phân biệt giữa họ và những người Tây Ban Nha mà họ đang phải đối đầu.
Trên đường đến khu trung tâm, bạn sẽ gặp công viên Independence, nơi mà nhà báo Eduardo van der Kooy đã mô tả là “nơi thành phố định hình phong cách và cá tính của mình”. Trong công viên có đại lộ Orono trang nhã, nhìn không khác gì một tấm bưu thiếp của Paris cả. Bên trong rừng cây và lá cây khổng lồ này là SVĐ của Newell’s. Những con đường bắt đầu hẹp dần và ở khu giao lộ, đặc sản của nơi này, bạn sẽ chẳng thể biết được ai mới là người biết rõ con đường đúng để đi: Mọi người lúc nào trông cũng như lần đầu tới đây vậy. Những bức tường trắng bắt đầu chuyển xám và những quán cà phê đều có trần cao, cửa sổ to và bàn nhỏ. Trong quán cà phê, nhiều người đàn ông giết thời gian bằng cách ngắm những cô gái đẹp, trong khi các cô thì nhìn và ngưỡng mộ thể hình của các anh, những người mà chỉ nhìn thôi đã biết họ dư tiêu chuẩn làm cầu thủ bóng đá.
Người ta hay nói, những người phụ nữ Argentina xinh đẹp nhất đều đến từ Rosario. Họ có một vẻ đẹp lai Serbia - Ý khó cưỡng nổi, với bộ tóc vàng hoe và làn da bánh mật cùng đôi mắt có màu nhẹ. Thức ăn ngon ở đây lúc nào cũng làm thỏa mãn những cái bụng phức tạp của những người nhập cư. Rosario là một trong những nơi có nền nông nghiệp phát triển nhất nước. Những người trẻ phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững.
Ở đây khó thấy được một chiếc áo đấu nào, dù là của đội Central hay Newell’s hay ĐTQG, nhưng sân bóng thì có ở khắp mọi nơi, có khi đi cách hai khu nhà là đã thấy một sân bóng. Ở đây có từ năm đến sáu giải vô địch và nhiều cầu thủ có thể thi đấu cho nhiều giải một lúc: đơn giản là, xong trận này, lên xe qua sân khác và lại thi đấu cho một giải khác. Ở Rosario, ai không làm cầu thủ thì cũng là nhà tổ chức, HLV thể lực, trọng tài hay gì đó liên quan. Kể cả phụ nữ.
“Nơi này khác biệt so với những thành phố khác nhờ tình yêu độc nhất vô nhị của họ với bóng đá”, ông Gerardo ‘Tata’ Martino, cựu HLV của Newell’s và Barcelona, cho biết. “Khu vực gần thành phố này chẳng khác gì một cái lò sản xuất cầu thủ, một nhà máy bóng đá chuyên sản xuất những tài năng để phục vụ cho giấc mơ bóng đá của Rosario. Họ đều là những cầu thủ trẻ tài năng mang một tình yêu mãnh liệt với trái bóng tròn. Đó là lý do tại sao học viện Rosario lại đóng vai trò vô cùng quan trọng và đã sản sinh ra những Valdano, Batistuta cùng một danh sách dài vô tận mà trong đó Lionel Messi chỉ đóng vai trò như quả dâu tây trên chiếc bánh kem vậy”.
Thực ra lúc đó ông hoàn toàn có thể kể thêm những cái tên như Mario Kempes, Abel Baldo, Roberto Sensini, Mauricio Pochettino và nhiều hơn thế. Quả thật, có tới 10 người trong đội hình chính của HLV Alejandro Sabella chinh chiến tại World Cup 2014 đến từ Rosario, như Javier Mascherano, Ever Banega, Ángel di Maria, Ezequiel Lavezzi, Maxi Rodríguez, Ignacio Scocco, Ezequiel Garay... và không thể không nói tới Leo.
Cũng ở Rosario này, “Nhà thờ Maradona” đã được dựng lên (nửa đùa nửa thật), dành riêng cho Diego, cầu thủ mà họ cho là vĩ đại nhất lịch sử, và trong vinh quang của “Người”, họ tổ chức một buổi lễ lớn vào ngày 30 tháng 10 hằng năm, nhằm ngày sinh của ông, không khác gì nhại lại truyền thống Công giáo của đất nước cả. Maradona đã từng có thời gian ngắn thi đấu ở Newell’s vào năm 1993. Leo đã đến xem trận ra mắt của ông trong màu áo đỏ đen.
Ở Rosario, bóng đá là cuộc sống, và cuộc sống cũng là bóng đá. Và điều đó được phản chiếu thông qua một bàn thắng, mà theo sách kỷ lục Guinness thì đó là bàn thắng được ăn mừng nhiều nhất lịch sử. Hôm ấy là ngày 19/12/1971, Newell’s và Central gặp nhau trong một trận cầu nảy lửa ở Buenos Aires. Đây là trận bán kết Cúp Quốc gia và cũng là lần duy nhất hai đội đối đầu nhau ở thủ đô. Cả hai bên đều không thể xuyên thủng mành lưới đối phương trong một trận đấu mà các cầu thủ phải tranh đấu dữ dội để giành quyền kiểm soát bóng. Và rồi, khi trận đấu chỉ còn 13 phút, Newell’s phạm lỗi ngay sát vòng cấm. Aldo Pedro Poy, tiền đạo của Rosario Central, bước chầm chậm đến khu vực đá phạt. Anh vừa đi vừa ngoắc tay với những người quay phim. Đó gọi là gì? Thu hút sự chú ý? Hay một điềm báo? Cũng chẳng quan trọng nữa. Anh chỉ nói: “Chuẩn bị máy quay cẩn thận vào, quả này sẽ vào lưới đấy”. Và đúng thế thật. Poy, sau một hồi xô đẩy với các hậu vệ theo kèm, đã thoát được xuống dưới trước khi tung mình lên cao và đánh đầu. Vào! Bóng đã nằm gọn trong lưới. Lúc này, việc bóng chạm trúng bụng trung vệ DiRienzo làm thủ môn bắt hụt cũng chẳng quan trọng nữa. Đây là bàn thắng quyết định, đối thủ truyền kiếp của họ đã bị loại ở vòng bán kết. Central sau đó đã vô địch giải đấu, lần đầu tiên những canallas vô địch trong lịch sử, nhưng việc họ vô địch còn chẳng được ăn mừng nhiều bằng pha đánh đầu đó của Poy nữa. Hội nghị Canalla khu vực Mỹ Latinh vẫn tổ chức một buổi gặp mặt vào ngày 19/12 thường niên trong suốt ba thập kỷ qua tại SVĐ của Central: vào ngày này, ai đó sẽ tạt bóng và Poy sẽ thực hiện lại quả đánh đầu huyền thoại ấy. Nhưng gần đây đã xảy ra vấn đề, mà theo lời Poy là, nó không nằm ở việc thực hiện pha tung người đánh đầu ấy, mà nằm ở việc “ông phải đứng dậy sau pha tung người ấy”.
Đây là Rosario. Đây là một trong những thánh đường bóng đá. Messi không phải đi lên từ “lỗ nẻ”. Cả Alfredo Di Stéfano hay Diego Armando Maradona cũng thế. Có thể gene Argentina không phải là nguyên nhân ở đây, nhưng chắc chắn một điều rằng cả ba nhân vật này đều được sinh ra ở một đất nước mà mỗi ngày trôi qua, bóng đá sẽ nâng họ lên một vinh quang to lớn hơn (sự nổi tiếng, tiền bạc), hoặc vinh quang be bé (được hàng xóm biết đến).
Nhưng, theo như Martino đã nói với tạp chí Panenka, thứ “nguyên liệu tươi ngon” tuyệt vời và nhiệt huyết tìm được trên đường phố Rosario này cần phải được dẫn dắt bằng cách này hoặc cách khác: Ở lĩnh vực này thì công trình của Jorge Griffa là vô cùng quan trọng. Ông là một người luôn biết mình muốn gì sau khi kết thúc nghiệp quần đùi áo số. Ông chẳng tham trở thành HLV của một đội bóng nào ở giải Primera cả, mà chỉ muốn được trở thành người tạo ra các cầu thủ, và ông chưa bao giờ đi ngược lại lý tưởng của mình. Từ giữa thập niên 1970, và hơn 20 năm sau đó, ông đã để lại một dấu ấn không thể phai tại Newell’s Old Boys. Sau đó, ông trở thành HLV đội trẻ tại Boca, nhưng lý tưởng xưa vẫn thế; ông vẫn là người tôi luyện nên các cầu thủ. Griffa có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực này và ông có một con mắt nhạy bén trong việc nhìn ra được tài năng thực sự. Ngay cả khi ông tìm trợ lý cũng thế. Marcelo Bielsa chính là trợ lý của ông trong thời hoàng kim. Ông đi khắp đất nước, từ cực này sang cực nọ, không chỉ ở Rosario và khu vực lân cận, chỉ tìm và tìm, lúc nào cũng tìm những “viên ngọc thô”. Bielsa đi hàng ngàn kilomet trên chiếc xe Fiat 147 nhỏ bé, mang trên mình sứ mệnh không điểm dừng nhưng lại chứa rất nhiều “quả ngọt” cho những “Leprosos”. Tất nhiên, sự chăm chỉ của ông đã mang lại kết quả. Newell’s đã giành chức vô địch năm 1988 với José Yudica và năm 1991, 1992 dưới sự dẫn dắt của Marcelo Bielsa. Griffa cũng đã phát hiện ra tài năng của Messi ở một thời điểm quan trọng; khi ấy, sự nghiệp của anh mới bắt đầu chưa được bao lâu.
Ở Rosario, bạn có thể hít thở bầu không khí bóng đá khắp mọi nơi, nhưng có một điều là, không khí ấy chẳng có mùi của Messi. Không có bức ảnh hay thậm chí là poster quảng cáo nào có hình của Leo. Ai cũng có câu chuyện của riêng mình về chú “Bọ Chét” này, nhưng thành phố Santaferina dường như chẳng hào hứng gì với chúng cả. Thậm chí, họ còn có thể cảm thấy bị xúc phạm nếu ảnh của Messi được treo khắp mọi nơi. Hoặc có thể là họ quyết định tôn trọng anh thôi.
Nhưng với Leo, Rosario là tất cả. Khi hỏi mảng ký ức nào anh thích nhất, anh sẽ chẳng ngại ngần mà đáp: “Nhà tôi, hàng xóm tôi, nơi tôi đã được sinh ra”.
Gia đình Messi đã sống hàng thập kỷ trong một ngôi nhà nhỏ ở Calle Lavalleja, nằm ở vùng ngoại ô, cách trung tâm Rosario khoảng 4 km về hướng đông nam, và thường được biết đến dưới cái tên La Bajada hay Las Heras. Với những người khác thì nơi này mãi mãi không có tên, nó chỉ là nhà mà thôi. Ở đây hầu như chỉ toàn những ngôi nhà lụp xụp, cửa thì lúc nào cũng hé mở. Nhạc Cumbia và tiếng nói cười phát ra từ trong nhà. Trẻ con chơi trên đường phố. Phương tiện giao thông hầu như không có. Thời gian như đóng băng ở Bajada vậy. Ở khu lao động này, số nhà 525, trong con hẻm mang tên Calle Estado de Israel, là căn nhà mà Jorge Messi đã xây lên bằng chính đôi tay của mình.
Cha của ông, Eusebio, là một thợ xây, và Jorge nhanh chóng học được cách làm mọi thứ. Hai cha con nhà Messi đã dùng những ngày cuối tuần để đắp từng viên gạch lên mảnh đất 300 m2 của gia đình. Ngôi nhà lúc ấy chỉ có một tầng, cũng như tất cả các ngôi nhà khác trên đường phố, với sân sau để chơi đùa. Một mặt tường đối diện với nhà của Cintia Arellano, người bạn thân nhất và cùng tuổi với Leo. Ngày nay, mặt đường đã được cải thiện, hệ thống đèn đường và thoát nước cũng thế. Ngôi nhà nay đã có tầng hai, hàng rào (ngôi nhà duy nhất trên đường có) và một camera an ninh, nhưng phần lớn là luôn đóng.
Đây là nơi mà Jorge Messi, Celia Cuccittini và bốn đứa con của họ đã sống trong những năm đầu. Leo đã nói với tờ Corriere della Sera rằng trong trí nhớ của anh, ngôi nhà “nhỏ. (Có) một bếp, một phòng khách, hai phòng ngủ. Một phòng ngủ là của bố mẹ, phòng còn lại là cho anh em tôi”.
Lúc ấy, “sân chơi” của Leo chỉ cách cái hàng rào khoảng 200 m, với cỏ dại bao phủ; kế bên là ki-ốt nơi Matías sẽ làm việc sau khi Leo đến Barcelona. Hiện ki-ốt này vẫn còn đó, kế bên ngôi nhà mà Matías từng ở và sau này trao cho một người thân của mình. Ra tới đầu đường, bạn sẽ thấy Grandoli. Bà Celia của anh sống ở khu đó và xa hơn một chút là nơi ở của các anh em họ. Gần đó là nhà của ông bà nội, Rosa María và Eusebio Messi Baro, người mà ở tuổi 86 vẫn thức dậy mỗi sáng để mở tiệm bánh nhỏ do ông tạo dựng trong một căn phòng thuộc ngôi nhà mà họ đã ở suốt 50 năm qua.
Mọi thứ đều bắt đầu và kết thúc ở khu phố này. Leo là một người sống vì bố mẹ, anh em, và họ hàng. Trên tất cả là mẹ: cậu thậm chí còn xăm cả khuôn mặt mẹ trên lưng. “Nó làm mà không nói cho ai biết. Rồi một ngày nó tới và chìa lưng cho chúng tôi xem. Chúng tôi sốc muốn xỉu. Chúng tôi còn không nghĩ đến việc nó có suy nghĩ là sẽ làm chuyện này. Nhưng dù gì cũng là cơ thể của nó và chúng tôi chẳng làm gì được”, bố cậu nói trong quyển Educados para ganar (Được dạy để chiến thắng) của Sique Rodríguez - trong sách này, các bậc phụ huynh của những cầu thủ nổi tiếng nhất bước ra từ lò La Masia kể chuyện về con mình theo góc nhìn của họ.
Ở đây còn có những người bạn thân nhất của Messi, những người mà cậu vẫn gặp khi thời gian cho phép. Với Messi, Rosario, La Bajada, hoặc bạn muốn gọi là gì cũng được, là đại diện cho tuổi thơ của cậu, là “quê hương đích thực của một người đàn ông” như cách nói của nhà thơ Rilke. Đây là nơi mà cậu luôn muốn trở về (và là nơi cậu thường xuyên trở về), nơi mà cậu chưa bao giờ rời đi, nơi mà cậu đã tái hiện lại tại nơi đang sinh sống ở Barcelona, để mọi thứ được thoải mái hơn.
Đó là lý do cậu trở về nhà bất cứ lúc nào có thể. Rosario là nơi cậu chọn để trốn đến mỗi khi có một kỳ nghỉ hè đủ dài, hoặc vào mỗi đợt Giáng sinh. Bây giờ bạn sẽ không thấy cậu xuất hiện nhiều ở khu này nữa, do cậu đã mua một miếng đất khác ở vùng ngoại ô rồi, nhưng thỉnh thoảng, có thể bạn sẽ gặp cậu đạp xe quanh đây. Đôi khi, cậu đi lòng vòng sang các khu vực lân cận, như hồi hè 2013, mọi người phát hiện ra cậu đang ở trong siêu thị, đẩy một chiếc xe toàn bánh muffin, rượu và bánh mì; khi ấy cậu đang dành một ngày của mình ở Gualeguaychú - phía đông nam Entre Rios, một khu dân cư tĩnh lặng, nơi mà dù cậu có đội mũ che mặt thì cũng vẫn bị mọi người nhận ra và xin chụp ảnh cùng. Cậu cũng đã quá quen với cảnh này rồi. Cậu chẳng bao giờ có sự phòng bị gì cả.
Cậu còn có một cô bạn gái lâu năm ở quê nhà. Antonella Roccuzzo, cũng sống ở Rosario như Leo, và là em họ của người bạn thân nhất của cậu, Lucas Scaglia, một cầu thủ của Deportivo Cali ở Colombia. Họ biết nhau khi cô mới 5 tuổi, và giờ cô là mẹ của con trai cậu, Thiago. Nhưng mọi chuyện lẽ ra đã có một cái kết khác. Antonella và Leo không gặp nhau một thời gian, khi cậu còn là một cậu bé cố thu hút sự chú ý từ cô, còn cô thì chẳng hứng thú chút nào. Sau đó, Leo đi Barcelona, và trong một kỳ nghỉ về thăm nhà, tình cảm của họ bắt đầu đơm hoa kết trái.
Bạn chỉ cần nhớ thế này: Leo là người nhà Messi và mẹ của cậu tên là Cuccittini. Gia đình họ là con cháu của một người Ý nhập cư từ Recanati và Ancona, ở khu Marche của Ý. Lionel cũng mang dòng máu Tây Ban Nha nữa. Rosario đã thu hút nhiều người châu Âu, chủ yếu là người Tây Ban Nha và Ý, chiếm đến nửa dân số trong những thập kỷ đầu tiên. Một trong những cụ cố của Leo, Rosa Mateu i Gese, đến từ Blancafort de Tragó de Noguera, một khu vực ở vùng Pyrenees gần Lleida, và đã di cư đến Argentina từ nhỏ. Vượt qua Đại Tây Dương, bà gặp một người đến từ Bellcaire d’Urgell tên là José Pérez Solé. Khi bạn rời khỏi quê nhà, những mối quan hệ mới thường sẽ gắn bó và bền vững hơn; chúng như chiếc thuyền cứu sinh của những người di cư vậy. Đây mới thực sự là Thế giới Mới, nền tảng cho một cuộc sống mới. Rosa và José nương tựa vào nhau suốt quãng đường di cư đến một vùng đất xa lạ. Cuối cùng, họ cưới nhau ở Argentina và có ba người con, một người trong đó là bà Rosa María, vợ của Eusebio Messi, những đấng sinh thành của Jorge Messi.
Gần đây, tờ Corriere della Sera đã thực hiện một buổi chuyện trò đầy thú vị với Leo, nhằm gợi cho cậu nhớ về cội nguồn của dòng họ Messi.
- Họ đến từ Recanati, giống như Giacomo Leopardi vậy.
- Ông ấy là ai?
- Một nhà thơ nổi tiếng, tác giả của những vần thơ: “Sempre caro mi fu quest’ermo colle / e questa siepe, che da tanta parte / dell’ultimo orizzonte il guardo esclude.”
- Tôi chưa bao giờ nghe tên ông ấy cả, rất tiếc.
- Có thể anh đã từng nghe đến Virgin xứ Loreto. Nó ở gần đấy.
- Rất tiếc là không. Nó ở đâu cơ?
- Le Marche. Trung tâm nước Ý. Anh chưa bao giờ tò mò về nơi mà ông bà mình đã sinh ra à?
- Không. Tôi nghĩ bố tôi sẽ biết nơi ấy. Ông đã từng tới đó và gặp người thân rồi. Có khi một ngày nào đó tôi cũng sẽ đi một chuyến.
- Chí ít thì anh cũng từng thấy “Khách sạn cho người nhập cư” ở Buenos Aires rồi chứ? Đó là nơi mà phần đông những người Ý đầu tiên đã ở khi họ đặt chân đến Argentina.
- Không, tôi không biết.
Rồi nhà báo ấy cho cậu xem một vài tấm ảnh đen trắng của những người đã ra đi tìm kiếm vận may ở vùng đồng cỏ Nam Mỹ. “Những người phụ nữ dáng vẻ nghiêm trang, mặc áo choàng và váy dài màu đen. Những đứa trẻ thì gầy gò và đi chân đất. Họ ăn những tô thịt hầm casserole khổng lồ trong các bữa ăn. Những người đàn ông thì mặc áo khoác tối màu, áo thun trắng và đội nón nỉ. Những đôi mắt như nhìn vào khoảng không vô định, ánh nhìn mà người ta có thể dễ dàng thấy trong lời những bài ca buồn”.
Leo nhìn vào họ với vẻ tò mò, nhưng chỉ vậy thôi.
Với Leo, mọi thứ đều bắt đầu và kết thúc ở Rosario.
Gia đình nhà Messi/Pérez bắt đầu ổn định tại Las Heras. Gần đó là nơi sinh sống của ông bà Cuccittini Olivera – bố mẹ của Celia, và họ đều mang dòng máu Ý. Trong khu họ sinh sống, ngọn lửa tình yêu đã bùng lên giữa Jorge và Celia, và họ đã không bỏ lỡ một chút thời gian nào: chỉ ở độ tuổi 15 và 13, họ đã nhận ra điều gì đang xảy ra và họ không cố gắng cưỡng lại nó. 5 năm sau, khi Jorge trở về sau đợt đi nghĩa vụ quân sự, họ đã cưới nhau.
Sau đó, họ lên kế hoạch để đến định cư bên Úc. Liệu một Leo người Úc còn có thể trở thành một cầu thủ, hay một ngôi sao bóng đá không? Chúng ta sẽ nói đến chuyện ấy sau, nhưng sau cùng thì, gia đình Messi đã lựa chọn ở lại và sống ở nơi mà cha mẹ họ từng sống. Celia làm việc ở một nhà máy sản xuất cuộn dây điện trong nhiều năm, còn Jorge, như nhiều người nhập cư khác, luôn sẵn sàng làm bất cứ công việc gì mang lại thu nhập - dù cho đó là sản xuất đinh ốc trong một nhà máy từ 6 giờ sáng, hay là đi gõ cửa từng nhà để thu tiền bảo hiểm y tế hàng tháng. Nhưng ông biết, nếu muốn bản thân tiến bộ, và để đảm bảo tương lai cho gia đình mình, ông sẽ phải làm việc thật chăm chỉ. Ông đã không trở thành cầu thủ sau 4 năm theo học ở học viện của Newell’s Old Boys, nên ông bắt đầu học thêm vào buổi tối, từ 5 giờ chiều tới 9 giờ tối, sau giờ làm, hy vọng trở thành một kỹ sư hóa học. Ông mất đến 8 năm để hoàn thành khóa học. Khi ấy, ông 22 tuổi và đã biết mình nên ưu tiên những gì: nỗ lực của ông đã được đền đáp xứng đáng.
Jorge được nhận vào làm tại Acindar, một trong những nhà máy sản xuất thép dập chính của Argentina, vào năm 1980, thời điểm mà con trai đầu lòng của ông - Rodrigo - vừa chào đời. Để đến nhà máy ở khu Villa Constitución, cách Rosario khoảng 50 km, ông phải bắt xe đưa đón nhân viên để đi làm. Nhân viên cạnh tranh với nhau trong nhà máy, và Jorge dần dần thăng tiến, cuối cùng cũng trở thành một quản lý. Lương của ông đủ để nuôi gia đình 3 người một cách dễ dàng (và sau đó là 4 người, khi mà Matías ra đời vào năm 1982). Người con thứ hai của nhà Messi/Cuccittini nói, “Bố tôi từng là một công nhân, chúng tôi chưa từng thiếu thốn thứ gì, nhưng ông vẫn luôn như vậy, vẫn luôn là một người khiêm tốn. Chúng tôi luôn cố gắng lao động để có một cuộc sống tốt hơn, cho bố mẹ ở nhà... và tất cả anh em tôi đều được học ở những trường tốt nhất. Chúng tôi chẳng thiếu thốn thứ gì cả”.
Căn nhà của họ là nơi mà đồ ăn luôn ngon và chẳng bao giờ bị lãng phí. Leo từng chia sẻ với tờ Corriere della Sera rằng, “Chúng tôi ăn món Argentina hoặc món Ý như: mì ống, ravioli, xúc xích chorizo, v.v… Còn tôi thì chết mê chết mệt món bò ‘milanesa’. Không ai làm ngon như mẹ tôi cả. Độc nhất vô nhị. Ăn bình thường hoặc có thêm nước xốt, cà chua và phô mai đều được. Gia đình chúng tôi là một gia đình bình thường, nhưng chúng tôi không nghèo. Thực sự thì, chúng tôi chẳng thiếu thốn gì”.
Có một sự hiểu lầm phổ biến về gốc gác của phần lớn các cầu thủ Argentina: đa phần họ đều thuộc tầng lớp trung lưu, tương đương với tầng lớp lao động ở châu Âu, mà không phải là tầng lớp dưới đáy nghèo khổ. Nhà Messi cũng không ngoại lệ. Không có nhiều tấm gương vươn lên từ nghèo khó mà trở nên thành công ở bóng đá Argentina. Ít nhất là từ thời Maradona, khi ông được sinh ra và lớn lên ở khu ổ chuột tại Fiorito rồi sau chuyển đến khu phía nam Buenos Aires.
Thực tế thì người nghèo ít có cơ hội thử việc với các đội bóng, khi thì chẳng ai giới thiệu họ, lúc thì họ không có đủ tiền bạc để đi tập, mua quần áo, ăn đủ chất, hay đi học ở một trường đào tạo bóng đá - khó có ai đủ khả năng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nếu thiếu bước cuối này. Và những người xuất thân từ các tầng lớp thấp kém này mà lọt được vào một CLB thì thường là họ không quen với việc phải kiên trì và tính ổn định vì ở đó không có gia đình đúng nghĩa, và cũng vì họ đã quen sống ở những ngôi làng và cộng đồng nơi mà kỷ luật và sự hy sinh không được khuyến khích, nơi mà hút chích, nghiện ngập làm họ xao nhãng. Và vì thế, nhiều cầu thủ đã cố gắng vươn lên sự chuyên nghiệp từ một nền tảng đói nghèo. Có vài tấm gương như thế, như René Houseman (World Cup 1978), Maradona (mặc dù thời đó ông không thực sự đói nghèo cho lắm), Carlos Tévez, hay Ezequiel Lavezzi, hoặc Chipi Barijho - một cầu thủ trong đội hình Boca năm 2000 của Carlos Bianchi, người mà hiện tại đã quyết định cho đi những gì mình từng nhận được từ bóng đá: Anh đã tập hợp đám trẻ lang thang trên phố, cho chúng ăn và cho chúng tập luyện tại Bajo Flores. Số khác thì không như vậy.
Cầu thủ ở Argentina phần nhiều thuộc tầng lớp trung lưu, tầng lớp đã phải hứng chịu những khó khăn, khủng hoảng to lớn trong thập kỷ vừa qua của thế kỷ XX, thời điểm mà lạm phát khiến cho đồng peso mất giá từng ngày.
Tương lai trông có vẻ ảm đạm.
Argentina trong những năm 80 đã có sự thay đổi. Trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982, quân đội đã giành lại được phần đảo từng là thuộc địa của Anh, nhằm mục đích làm mọi người chú ý và quên đi sự thất bại liên tiếp trong chính sách kinh tế tệ hại của nhóm junta điều hành đất nước khi ấy. Căng thẳng xã hội có thể dễ dàng cảm nhận được và lạm phát thì không ngăn chặn nổi. Người Argentina đang chết dần chết mòn và niềm hy vọng cũng đang lịm dần cùng với họ. Sự thất bại của quân đội đã đẩy nỗi căm phẫn lên đỉnh điểm, để rồi biến thành hành động cụ thể là lật đổ sự thống trị của đế chế ấy. Vào tháng 12/1983, nền dân chủ đã quay lại.
Bốn năm sau, đất nước ấy lại đi đến bờ vực nội chiến sau cuộc nổi dậy của một nhóm sĩ quan trẻ được biết tới qua cái tên Carapintadas (“Painted Faces”), dưới sự lãnh đạo của Aldo Rico. Quân đội không thể chịu thêm được một sự tủi nhục nào nữa và quyết định đặt dấu chấm hết cho sự xét xử của chế độ đối với những cáo buộc rằng họ đã vi phạm nhân quyền. Mặc dù người Argentina đã đổ xuống đường để bảo vệ nền dân chủ, bất chấp các cuộc tấn công trên khắp cả nước, trong đó có Rosario, Tổng thống Raul Alfonsín đã phải chịu khuất phục trước sức ép đè nặng lên mình, và đã cho thông qua bộ quy tắc cấp dưới tuân thủ cấp trên[1], trong đó miễn trừ trách nhiệm của nhân sự quân đội từ bậc đại tá trở xuống đối với các tội danh như cưỡng bức mất tích, giam giữ trái phép, tra tấn và cả giết người. Chính phủ Argentina khi ấy như đang phủ một lớp sơn dày lên quá khứ của họ vậy.
[1] Due Obedience Law (ND).
Có tới 15 thiết bị gây nổ đã gây ra sự hỗn loạn ở nhiều thành phố trong năm 1984 và 1985, bao gồm cả Villa Constitución, gần nhà máy nơi Jorge Messi đang làm việc: đây là “bản nhạc” mà những người Argentina phẫn nộ đã không chấp nhận nghĩa vụ phải quên đi quá khứ đen tối của họ, hay phải chấp nhận bị quân đội tống tiền. Trong những tháng sau đó, mọi ngả đường khắp các thành phố của cả nước tràn ngập những đoàn biểu tình đòi tăng lương và chính sách kinh tế công bằng hơn.
Vào ngày 24/6/1987, giữa cơn khủng hoảng kinh tế và chính trị, gần một năm kể từ ngày Maradona vô địch World Cup trên đất Mexico, và vào lễ tưởng niệm 52 năm ngày mất của cố nhạc sĩ - diễn viên Carlos Gardel, Lionel Andrés Messi đã ra đời.
Cậu ra đời trong cơn hoảng loạn của mọi người.
Các bác sĩ lo ngại rằng họ sẽ phải dùng phương pháp hỗ trợ sinh bằng kẹp forceps vì họ phát hiện dấu hiệu suy thai. Cuối cùng thì đứa bé cũng được sinh ra một cách tự nhiên, mặc dù nhìn hơi đỏ và một bên tai bị cong khiến Jorge lo lắng. “Không, không, nó sẽ không như thế mãi đâu, mai là ổn thôi, cứ chờ mà xem”, bác sĩ Norberto Odetto nói.
Đứa con thứ ba của cặp vợ chồng Celia Cuccittini và Jorge đã đến với thế giới tại một phòng khám của người Ý ở Rosario, nặng 3,6 kg và dài 47 cm.
Leo. Leonel? Đó là cái tên mà đôi vợ chồng trẻ định đặt cho con họ. Nhưng không phải họ cuồng Lionel Ritchie mà đặt đâu, dù cho ở thời điểm đó, huyền thoại người Mỹ là ngôi sao trong lòng gia đình Messi, và thời điểm ấy, ông đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Jorge bước vào văn phòng đăng ký, sau khi đã thống nhất với Celia rằng sẽ đặt tên con là Leonel. Nghe thì hay đấy, nhưng vẫn có gì đó không đúng lắm, ông nghĩ. Khi tới nơi, ông hỏi một danh sách những cái tên mà ông có thể sử dụng, vì ông không muốn con mình bị gọi là Leo. Trong danh sách lúc ấy có cái tên Lionel, về cơ bản vẫn là Leonel nhưng là tiếng Anh. Ông thích tên đó hơn, và Lionel được nhập vào sổ. Về nhà, ông và vợ cãi nhau một trận vì - lạy Chúa, Jorge à - đó không phải là cái tên đã được thống nhất từ trước! Trận cãi vã chỉ diễn ra trong chốc lát, nhưng dù gì thì vẫn là cãi nhau. Đen cho Jorge, cái tên ấy vẫn quay lại “ám” ông khi mà cả thế giới bây giờ đều đã quen gọi con ông là “Leo”. Nhưng may cho ông, ở Argentina, người ta vẫn gọi là “Lio”.
Leo bắt đầu tập đi khi được 9 tháng tuổi và thường đuổi theo quả bóng mà các anh trai vứt lung tung trong nhà. Chỉ vài hôm sau ngày đầu tiên tự đứng được bằng hai chân, cậu đã tót ra đường. Cửa trước toàn để mở, xe thì chẳng có mấy chiếc. Khu họ sống là như thế.
Ngay lúc cậu đang chập chững bước ra ngoài, một chiếc xe đạp chạy ngang qua, đâm sầm vào cậu.
Leo khóc, nhưng có vẻ như cậu chẳng có dấu hiệu nào là bị đau cả. Tới khi ngủ, cậu bắt đầu khóc nhỏ. Tay cậu sưng vù lên. Tất nhiên là mọi thứ còn tệ hơn thế. Nứt xương trụ ở cánh tay trái, bệnh viện chẩn đoán thế. Dấu hiệu đầu tiên của một cơ thể yếu đuối. Và cũng là của một khả năng chịu đau tuyệt vời.
Trong ngày sinh nhật đầu tiên của mình, cậu được tặng chiếc áo đấu NOB đầu tiên. Cả gia đình họ đều là những “leprosos”.
Ngoại trừ “kẻ nổi loạn” Matías: Cậu là fan của Central, tất nhiên.
Cậu con trai bé nhất của nhà Messi/Cuccittini đã bắt đầu chơi bóng với các anh. Cậu luôn thích xem bóng đá hơn là hoạt hình, và vào sinh nhật 3 tuổi, cậu được tặng một quả bóng với họa tiết là những hình thoi màu đỏ. “Trông chừng em đấy nhé!”, mẹ cậu gọi với ra ngoài, khi cậu đi chơi bóng với các anh lúc mới 4 tuổi. “Mẹ cho tôi ra ngoài chơi bóng, nhưng vì tôi nhỏ nhất nhà nên bà vẫn hay phải đứng từ xa nhìn theo xem tôi có khóc không. Điều này đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều”, Leo trả lời phỏng vấn với tạp chí Soho của Colombia.
Những gì sắp được kể dưới đây có lẽ sẽ rất quen thuộc với những gia đình mà có người ước mơ trở thành cầu thủ, hoặc đặc biệt hơn, những gia đình có người thân là cầu thủ.
Trên giường, Leo chẳng thể ngủ ngon nếu không để quả bóng ở dưới chân. Cậu buồn vô hạn khi bố mẹ lấy quả bóng đi lúc đang ngủ. Quả bóng, với cậu, chẳng khác nào chiếc bánh mì mỗi bữa ăn vậy, lúc nào cũng phải có. Khi mẹ kêu cậu đi mua đồ giúp, quả bóng phải đi cùng cậu. Nếu quả bóng không đi thì cậu sẽ ở nhà. Và nếu cậu không còn tay để cầm bóng thì cậu sẽ luôn nghĩ ra những cách khác, như dùng túi cuộn hay vớ đá bóng để đựng, hay bất cứ thứ gì cậu tìm ra được. “Leo rời nhà với quả bóng, sống với quả bóng, và ngủ với quả bóng. Nó chỉ muốn quả bóng thôi”, Rodrigo Messi hồi tưởng trong một video phát trong tại buổi gala Quả Bóng Vàng 2012. Jorge cho biết, con ông vẫn thường làm những việc không khác gì các bạn, như đạp xe, chơi bắn bi, hay chơi PlayStation với hàng xóm, và cả xem ti vi nữa. Cậu cũng chỉ là một cậu bé bình thường thôi, ông nhắc lại. Nhưng Jorge cũng thừa nhận trên tạp chíKicker của Đức rằng: “trong trí nhớ của tôi thì lúc nào nó cũng ở gần quả bóng”.
Jorge, người đã từng là một tiền vệ trung tâm đầy triển vọng ở đội trẻ NOB, thú nhận với Ramiro Martín trong quyển sách Messi: Un genio en la escuela del futbol (Messi: Một thần đồng trong ngôi trường bóng đá) rằng một ngày nọ, Leo đã từng khiến mọi người phải ngạc nhiên.
“Lúc ấy, tôi đang chơi trò đá bóng ma với các con ở trên phố… Rodrigo đang giữ bóng và Leo đang cố giành quả bóng. Đột nhiên, trong nháy mắt, nó lao cả người vào chân của anh nó và giành được bóng. Chúng tôi nhìn nhau, ngỡ ngàng. Chưa ai dạy nó làm thế bao giờ. Hành động của nó như một sự phản xạ tự nhiên vậy”.
Từ khoảnh khắc đó, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào cậu bé và tài năng của cậu. Những lời khen ngợi cứ thế hướng đến cậu, cậu vui khi thấy mọi người vui, và cậu cũng vui với chính mình. Và rồi, cũng như bao đứa trẻ khác, cậu muốn được hơn thế nữa: có bóng nhiều hơn, chỉ thế mới có thêm sự chú ý, và thêm niềm vui. Trả lời tờ El Gráfico, Jorge nhớ lại: “Khi nó mới 4 tuổi, chúng tôi đã nhận ra ngay rằng nó rất khác biệt. Nó chẳng nghịch phá gì mấy và lúc ngủ thì quả bóng phải luôn nằm dưới chân. Chúng tôi không thể tin nổi. Lớn hơn một chút, nó bắt đầu chơi bóng với hai anh trai, đứa lớn hơn nó 7 tuổi, đứa lớn hơn nó 5 tuổi nhưng nó vẫn nhảy múa xung quanh hai anh như không vậy. Đó là tài năng thiên bẩm của nó”.
Cậu chàng bé nhỏ, ít nói ấy, thường dành thời gian ở nhà hoặc qua nhà dì Marcela, và “chỉ thích bóng đá” là những gì mà người bạn và cũng là hàng xóm của cậu - Cintia Arellano - ấn tượng. Nhà của Cintia - cô lớn hơn Leo một tháng rưỡi - nằm kế bên nhà Messi ở La Bajada. Họ học chung với nhau năm đầu, và cậu ngồi kế bên cô trong lớp, hoặc phía sau cô mỗi khi có tiết kiểm tra. Với Cintia, cái tên el Piqui (“Bé hạt tiêu”) gây ấn tượng hơn. (“Họ thường hay gọi cậu ta bằng tên ấy. Một ngày, có một thằng bé hét lên ‘Này bé hạt tiêu, lại đây đi’, và cái tên này dính liền với cậu ta luôn”, một người bạn thân nhất của cậu, người bây giờ đã trở thành một nhà tâm lý học và là thầy dạy trẻ em thiểu năng trí tuệ, nhớ lại). Cintia là người hay tới nhà cậu và nài nỉ cậu đi học. Là người sẽ đưa cho cậu giấy ghi chú, giấy làm bài, khi thì dán lên thước kẻ, lúc lại dán lên cục tẩy. Là người sẽ viết “phao” lên những mảnh giấy nhỏ rồi chuyền cho Leo trong mỗi tiết kiểm tra. Là người hay mang cho cậu phần ăn vặt buổi chiều. Là người luôn bảo rằng, cậu mà không học thì sau này sẽ phải hối tiếc, và cũng là người nghe cậu trả lời, ừ, mình sẽ tiếc, nhưng mình không thể làm được. Là người phải nghĩ lý do giải thích nếu cậu ta cúp học, điều mà thường xuyên xảy ra. Là người vẫn hay nói xạo rằng cô là em họ của cậu.
Cô cũng là người biết được việc cậu phải tự tiêm hormone. Lần ấy, trong một chuyến cắm trại cuối học kỳ, mẹ của Leo luôn phải hỏi mẹ của Cintia, người đi cùng với lũ trẻ, để đảm bảo rằng Leo vẫn tự tiêm cho mình mỗi tối.
“Lionel lúc đó bé lắm, vẫn hay chạy chân đất quanh đây và chơi bóng”, một người hàng xóm khác tên Ruben Manicabale chia sẻ. “Nhiều lần chúng tôi nổi điên lên, túm lấy và lăng cậu ta xuống đất, nhưng rồi cậu ta vẫn đứng dậy và tiếp tục chơi”.
Một hàng xóm ở nhà bên kia đường nhớ lại, “Đám trẻ chẳng bao giờ chơi với quả bóng suốt cả ngày, nhưng cậu ta thì ngược lại. Cả khi chúng đi rồi, cậu ta vẫn chơi một mình bên cánh cổng. Mẹ tôi càu nhàu cậu ta mấy lần vì lúc đó đã muộn rồi và cậu ta thì vẫn tiếp tục chơi bóng”.
“Khi chơi bóng, có lúc bị đá trúng người, cậu ấy sẽ ngã và khóc, nhưng khóc được tí xíu là cậu ấy lại đứng dậy, tiếp tục chạy. Bạn có thể thấy ngay cậu ấy là một người khác biệt: kỹ năng của cậu ấy, tốc độ...” - Cintia nhớ lại.
Có người bảo rằng, Rodrigo là người đầu tiên gọi cậu là “Bọ Chét”. Thực tế thì không có ai trong khu đó gọi cậu bằng cái tên đó cả. Gia đình cậu cho là một bình luận viên người Mexico đã đặt cho cậu biệt danh ấy vào nhiều năm sau. Đó chính là Enrique Bermúdez, người sở hữu một trong những chất giọng có uy tín nhất trong cộng đồng những người nói tiếng Castilian, nhà vô địch trong làng giải trí, một người dẫn chuyện mà Jorge Valdano mô tả là “người quan trọng nhất trong những thứ ít quan trọng nhất”. “Chú chó” Bermúdez - đó là biệt danh của ông - từng là một rocker, hippy, ca sĩ, và diễn viên quần chúng, trước khi chuyển sang làm người dẫn chuyện và cha đẻ của hàng trăm biệt danh (Adolfo Ríos trở thành “Cung thủ của Chúa”, Rafael Márquez là “Hoàng đế của Zamora” và David Beckham là “Giày xanh” vì anh hay mang đôi giày màu xanh lam) và cả những từ ngữ quái dị để mô tả phong cách chơi bóng của Barca thời Pep Guardiola: “của tôi, của em, có nó, cho nó, vuốt ve nó, hôn nó, hãy trao cho anh”. Nhưng Bermúdez chưa bao giờ lên tiếng thừa nhận mình là người nghĩ ra biệt danh đó cho Leo cả. Ai làm điều đó, tới nay vẫn là một ẩn số.
Dù gì đi nữa thì rõ ràng Leo cũng có gì đó rất đặc biệt. “Cậu ta là một tia sáng được gửi xuống bởi Thiên Chúa. Khi có ai bảo là ‘nó sẽ thành công, chắc chắn’ thì bạn hiểu rồi đấy. Cậu ta là một cầu thủ bóng đá ngay từ lúc lọt lòng mẹ”, Claudia - người vẫn hay trông chừng Leo và là mẹ của Cintia - cho biết.
“Nó hay chơi với quả bóng số 5, to đến mức nó có thể đá trượt, nhưng không, nó vẫn điều khiển quả bóng một cách dễ dàng”, anh trai Matías nhớ lại. “Lúc đó, nó là một thứ gì đó thật đẹp đẽ, bạn phải thấy lúc ấy, và ai thấy nó lần đầu chắc chắn sẽ muốn quay lại để xem một lần nữa”.
Quả bóng, với đường kính dài tới đầu gối, dường như dính chặt vào chân trái của cậu, chẳng bao giờ đi quá xa. Cậu chạm bóng nhẹ để dễ dàng điều khiển nó, chạm nhẹ bằng má giày, quả bóng luôn nằm dưới đất để tránh khả năng mắc lỗi kỹ thuật, dẫn đến quả bóng va phải đầu gối hay ống đồng rồi văng ra xa, đến vị trí mà những cậu bé khác có thể giành lấy.
Với độ cân bằng cơ thể tuyệt vời và chiều cao khiêm tốn giúp cậu điều khiển quả bóng “mượt” hơn và có tốc độ bẩm sinh. Cậu tự tin thách thức những đứa trẻ lớn hơn và cậu tỏa sáng. Đây là món quà thần thánh ban tặng hay tài năng bẩm sinh của cậu? Hồi sau chúng ta sẽ rõ.
Hơn thế nữa, cậu còn là một người hiếu thắng. Vô cùng hiếu thắng. Hoặc nói quá lên tí nữa: Cậu có một cá tính rất mạnh, và không thích bị thua cuộc. Đằng sau sự im lặng ấy là một cậu bé. Cậu thường trở về nhà với một chiếc hộp đựng đầy bi mà cậu thắng được khi chơi bắn bi ngoài phố. Cậu sẽ luôn đếm nó và thiếu một viên là cậu nổi điên lên ngay.
Celia, mẹ cậu, cho hay: Khi còn bé, ở nhà, nó cực kỳ nghịch phá. Chúng tôi thường chơi bài ở nhà và chẳng ai muốn cho nó chơi cùng vì chúng tôi biết thể nào nó cũng ăn gian.
Jorge Messi: Nó chẳng bao giờ chịu thua bất cứ cái gì.
Celia: Nó mà không thắng là sẽ vứt bài tung tóe. Nó sẽ không muốn đi học, nó sẽ bảo không, con không muốn đi học.
Leo (trả lời tờ El Gráfico): Một lần nọ, tôi đánh nhau với em họ trong nhà nó, bà tôi cũng có mặt ở đó. Mọi người lúc ấy đều hùa nhau lại trách mắng tôi, xong họ đuổi tôi ra khỏi nhà và không cho vào nữa. Thế là tôi ném đá vào cổng rồi lấy chân đá nó.
Celia: Khi tôi để nó ở cổng, nó bắt đầu ném đá về phía tôi, bảo rằng trưa nó sẽ quay lại và ném đá đầy nhà, và rồi tôi ra ngoài, bảo nó rằng: “Mẹ sẽ mách bố đấy!” Rồi nó nhại lại tôi. Lúc đó nó hư lắm… nó có cá tính rất mạnh, tôi đoán là do di truyền từ cả hai chúng tôi, nhưng phần nhiều là từ tôi. Nó luôn nói ra cảm nhận của mình, cả tốt lẫn xấu, vì nó chẳng bao giờ cố giấu đi niềm vui hay sự khó chịu cả. Còn từ bố thì nó học được cách sống có trách nhiệm và nó là người rất “fair”.
Đó là những gì bố mẹ cậu đã cung cấp cho bộ phim tài liệu Informe Robinson (được dẫn dắt bởi cựu cầu thủ Liverpool Michael Robinson) của kênh Canal+ Tây Ban Nha: Cậu không thể che đậy sự dữ tợn của mình; bên trong thế nào thì bên ngoài cũng sẽ như thế, và có đôi lúc, cậu còn nghiến răng nữa.
Sân bóng nhỏ của CLB Grandoli được bao quanh bởi khu ký túc bê tông kiểu Xô-viết, một khu dân cư nhỏ bé nằm ở rìa thành phố. Có người bảo rằng đó là nơi nguy hiểm. Nếu nhìn kỹ giữa các tòa nhà, bạn có thể thấy được những con tàu đi trên sông để tới cảng Rosario. Sân bóng là sân đất với những vạch kẻ màu xanh ở xung quanh để đánh dấu đường biên. Những tòa nhà cao tầng trông như gã khổng lồ với những đứa trẻ chỉ chừng 5, 6, 7 tuổi, mà đứa lớn nhất cũng chỉ 12 tuổi. Cánh cổng có màu ngọc lam pha chút rỉ sét chắn lối vào sân bóng, có một hàng rào xung quanh sân để bóng không bị bay ra ngoài. Có một tấm bảng ghi “Lau giày ở đây”. Khán đài chỉ có ba hàng ghế, và ở hàng thứ hai là nơi phụ huynh của một số đứa trẻ và bà Celia thường ngồi theo dõi trận đấu. Bà dắt Leo đến sân để xem Matías thi đấu. Rodrigo, người cũng đã từng khoác màu áo đỏ trắng của Grandoli, giờ đang thi đấu cho đội trẻ của Newell’s.
Leo đang đá quả bóng vào tường.
Nhóm cầu thủ này được dẫn dắt bởi Salvador Ricardo Aparicio, một người đàn ông gầy gò, điềm tĩnh, đã dành hơn bốn thập kỷ cho sự nghiệp phát triển cầu thủ. Lúc ấy có một cầu thủ chưa xuất hiện nên thế hệ sinh năm 86 của đội không thể bắt đầu trận đấu 7 vs 7 như mọi ngày. Điều này vẫn hay xảy ra. Salvador đang chờ xem có thêm ai tới nữa không.
“Cho thằng bé này vào đi, cho nó vào đi”, bà nói, chỉ tay về phía cậu bé 5 tuổi, lúc ấy chưa được biết tới với biệt danh “Bọ Chét”.
“Nó quá nhỏ bà ạ. Nó có thể bị thương”, Aparicio trả lời.
“Cho nó vào đi, cứ cho nó vào đi”, bà Celia khăng khăng.
“Rồi rồi, cho vào thì cho vào. Nhưng bà mà thấy nó khóc lóc hay sợ hãi thì phải mở cổng cho nó ra khỏi sân ngay đấy nhé”.
Và thế là HLV cho cậu vào bất chấp cậu nhỏ hơn 1 tuổi so với những đứa còn lại, ở thời điểm mà chỉ hơn kém nhau 1 tuổi thôi cũng đã thấy rõ sự khác biệt.
Cậu nhóc bước vào sân. Quả bóng khi lần đầu chạm chân, người ta có thể thấy là nó còn to hơn cả cậu bé.
Rồi những gì phải đến cũng đến thôi. Chuyện thường tình.
Bóng tới chân phải của cậu. Leo nhìn nó một lúc cho tới khi bóng đi qua cậu. Còn cậu thì cứ trơ như phỗng.
Aparicio nhướng mày. Ông đã đoán sẵn được điều này rồi.
Leo lại nhận một đường chuyền khác. Lần này bóng tới chân trái: thực ra, bóng va trúng chân của cậu thì đúng hơn. Rồi cậu bước hai bước, làm quen với quả bóng, và đưa nó vào tầm kiểm soát. Rồi với những lần chạm bóng nhỏ, cậu bắt đầu dẫn bóng chạy theo một đường chéo khắp sân, vượt qua hàng loạt chướng ngại và bỏ qua cả những người đứng cản đường.
“Sút đi, sút đi!” - Aparicio hét lên. “Chuyền đi, chuyền đi Leo!”
Bà cậu mỉm cười.
Leo không chuyền bóng.
Cậu rất nhỏ bé. Nhưng từ khoảnh khắc ấy, HLV chẳng bao giờ cho cậu rời sân nữa. “Cậu bé ấy đá bóng cứ như mình là cầu thủ chuyên nghiệp từ kiếp trước vậy, một mình đấu với những đứa trẻ 13 tuổi khác”, Salvador nhớ lại nhiều năm sau đó. Năm ấy, ông để đội hình 1986 của Grandoli đá nốt các trận còn lại. Và ông đã vô địch.
Messi thì chẳng nhớ gì về ngày hôm ấy cả. Bà cậu bảo rằng hôm ấy cậu ghi 2 bàn thắng.
Leo muốn được đá, dĩ nhiên, cho dù là trên sân bóng hay trên đường phố, đá một mình, đá với anh em hay với Rodrigo và Matías, nhưng, như những đứa trẻ khác, cậu muốn được làm điều đó trong màu áo của một đội bóng như các anh của mình. Và thế là, lúc chỉ mới 5 tuổi và sau chuỗi ngày gây bất ngờ dưới sự theo dõi của bà Celia, trước cả ngày vào học tiểu học, cậu đã bắt đầu thi đấu hằng tuần ở giải thiếu nhi (7 vs 7, dành cho trẻ từ 5 tới 12 tuổi) tại CLB Grandoli, trong khu dân cư nơi cậu sinh ra, ở số 4700 đường Laferrere (là một học viện được lập nên vào tháng 2 năm 1980 bởi một nhóm những ông bố hy vọng tổ chức được một giải đấu dành cho trẻ em trong khu vực).
Trong một video, Leo mới chỉ 5 tuổi. Cậu đã bắt đầu biểu diễn kỹ thuật rê dắt bóng và thay đổi nhịp độ không khác gì bây giờ cả. Vẫn màn ăn mừng ấy. Vẫn chiều cao “khiêm tốn” ấy so với các cầu thủ khác.
El Piqui nhận bóng và đảo mắt tìm khoảng trống, dẫn bóng, rê bóng. Tất cả đối thủ đều đuổi theo cậu. Cả đồng đội của cậu cũng vậy. Nếu không thể đột phá thì cậu sẽ giữ bóng. Cậu tìm kiếm ở bên cánh còn lại, và thấy cả đồng đội lẫn đối thủ xung quanh mình. Bạn phải hiểu rằng ở Argentina, việc ghi bàn là một tội lỗi - bạn sẽ được coi trọng hơn nếu tạo cơ hội, kiến tạo, liên kết đồng đội, hay cho đối thủ phải “hít bụi”. Cũng vì lý do đó mà nhiều người nghĩ rằng cậu bé phi thường này sẽ không cần phải chỉ dạy quá nhiều nữa. Những câu hò hét “Leo, chuyền bóng đi” cũng thưa dần. Vào một khoảnh khắc nào đó, đường đến khung thành sẽ mở toang ra, và Leo sẽ tung một cú sút làm bóng bay về hướng cột dọc, vượt tầm với của thủ môn. Vào!
Một số người, có thể vì muốn kích bạn, nói rằng họ muốn xem Messi có đủ giỏi để đá bóng trong một đêm thứ Tư mưa rơi lạnh giá ở Stoke không. Họ nên thấy độ dốc, những mẩu đá dăm xen lẫn mảnh vụn kính vỡ trên sân bóng mà cậu đã từng thi đấu cho Grandoli khi còn bé, được cấp bởi cơ quan địa phương và chỉ được sử dụng vào buổi tối vì sân được một ngôi trường sử dụng vào ban ngày. Hệ thống ánh sáng cũng rất nghèo nàn.
Từ khi mới 2 tuổi, Lionel và bà Celia đã từng đi bộ hết 15 dãy nhà để đi từ nhà cậu đến với đội bóng đầu tiên của mình, Leo nắm tay bà và chật vật lắm mới theo kịp. Kẹp dưới nách là quả bóng mà cậu được tặng trong tiệc sinh nhật. Họ tới để xem Rodrigo và Matías thi đấu. Về sau thì chỉ còn xem Matías. Còn bây giờ, khi đã vào đội bóng toàn những cậu nhóc lớn hơn mình 1 tuổi, Leo vẫn tự đi trên chính con đường năm nào để luyện tập vào thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần. Các trận đấu sẽ diễn ra vào thứ Bảy.
“Bà là một người rất tốt. Bà sống vì con cháu, vì chúng tôi. Bà chịu đựng tính khí thất thường của chúng tôi, anh em chúng tôi thường tranh nhau để được ngủ lại nhà bà. Tôi không rõ bà có biết gì về bóng đá hay không, nhưng chính bà là người đưa chúng tôi đi đá bóng. Bà là người hâm mộ đầu tiên của tôi trong mỗi buổi tập, mỗi trận đấu. Những lời động viên của bà vẫn luôn ở bên tôi”, Leo trả lời tờ El Mundo Deportivo trong một khoảnh khắc hiếm hoi nhìn lại bản thân.
Celia không xem bóng đá qua ti vi, cũng chẳng đến sân của Newell’s để xem. Với bà, bóng đá diễn ra ở nơi nào các cháu của bà chơi. Và với các cháu của bà, cuộc sống của chúng chỉ xoay quanh bà, điều này cũng một phần liên quan đến kiểu gia đình mẫu hệ của người gốc Ý xưa, trong đó sự tôn trọng chung và mọi người giúp đỡ nhau là nền tảng của gia đình. Nếu Leo được yêu cầu liệt kê những khoảnh khắc đẹp nhất đời mình, cậu sẽ chẳng ngần ngại trả lời là “Ngày mà các anh em tôi ra đời”. Nhắc nhẹ một chút, câu hỏi này được hỏi vào thời điểm mà con trai của Leo chưa ra đời.
Leo và bà đi từ nhà tới Grandoli và ngược lại, và khi cậu nhập học, bà thường sẽ đón cậu ở đó lúc 5 giờ chiều, họ sẽ đi uống một cái gì đó mát lạnh, và rồi, họ sẽ cùng đi với Matías tới sân tập. “Thực sự mà nói, đó là khoảng thời gian đẹp đẽ trong đời chúng tôi, chúng tôi khá thích Leo vì từ khi còn bé nó đã cho mọi người thấy khả năng thực sự của nó rồi. Bà tôi qua đời không lâu sau đó, nhưng mọi thứ đều khởi nguồn từ bà”, Matías Messi cho biết.
“Chuyền cho Lionel đi, chuyền cho thằng bé nhỏ con kia đi. Nó biết ghi bàn đấy”, bà vẫn hay hét lên như thế. Bà cũng biết về bóng đá đấy chứ!
Và cũng vì gốc gác của mình (bà mang dòng máu Latinh trong mình nhiều hơn những người khác), bà khó có thể kiểm soát cảm xúc, thường hay vung tay vung chân. Như mọi đội bóng khác, Grandoli cũng có những “kẻ thù truyền kiếp”, những đối thủ từ thuở “khai thiên lập địa”, có khi còn trước cả thời điểm đó. Họ không được phép thua trong những trận đấu như vậy. Đá với Alice là một trong số những trận đấu như thế. Khó khăn, va chạm trên sân đến mức lâu lâu các ông bố ở ngoài sân cũng lời qua tiếng lại hoặc đánh nhau tại chỗ. Ở một trong những trận đấu vượt ngoài tầm kiểm soát như thế, Celia cầm chai vụt thẳng vào đầu một CĐV Alice. “Ngưng làm trò đi”, bà rít lên. Không có ai bị thương cả. Hôm đấy, chẳng cần nói cũng biết, Grandoli giành chiến thắng.
Không lâu sau đó, mọi người phát hiện bà Celia mắc chứng Alzheimer.
Phóng viên Toni Frieros tiết lộ trong cuốn sách viết về tiểu sử của Messi, Messi: El Tesoro del Barça (“Messi, kho báu của Barcelona”): “Bà Celia bắt đầu mất dần trí nhớ, gặp khó khăn trong giao tiếp và gây bối rối cho mọi người, và trong những tháng cuối đời bà, cả gia đình bất lực nhìn bà yếu dần đi bởi những căn bệnh nan y. Với Leo, cảm giác như cậu đã mất đi một phần nào đó trong chính con người mình vậy”.
Cảm giác giống như là đang tận mắt chứng kiến sự chết dần chết mòn.
Bà của Leo qua đời vào ngày 4/5/1998, chỉ cách sinh nhật thứ 11 của cậu không lâu.
Bà Celia không có cơ hội được thấy cậu thi đấu đỉnh cao tại Barcelona.
“Với mọi người, đây là nỗi mất mát vô cùng to lớn, và không ai trong chúng tôi là không bị nỗi đau cào xé cả. Tới giờ tôi vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ lại cảnh Leo cứ bám lấy quan tài và khóc nức nở”, dì Marcela nhớ lại.
“Biến cố ấy là một cú sốc đáng sợ với tôi”, Leo nói.
Từ đó về sau, mỗi khi ăn mừng bàn thắng, Messi đều nhìn lên trời và chỉ tay lên thiên đường. “Tôi vẫn nghĩ về bà rất nhiều và tôi luôn dành các bàn thắng của mình cho bà. Tôi rất muốn bà có mặt ở đây nhưng bà đã đi mãi trước khi kịp nhìn thấy tôi trên đỉnh vinh quang. Điều ấy làm tôi vô cùng tức giận”, Messi nói với tờ El Mundo Deportivo vào năm 2009.
“Người phụ nữ tội nghiệp ấy, bà không thể thấy cậu thành công, nhưng bà chính là chất xúc tác giúp cậu đạt đến vị trí ấy”, Alberto Arellano, bố của Cintia và hàng xóm của nhà Messi, cho hay.
“Khi đang tạo dựng sự nghiệp của mình, nó luôn kể với tôi rằng, mỗi tối nó đều nói chuyện với bà và nhờ bà giúp đỡ”, mẹ của Leo nhớ lại. “Thật buồn vì bà không thể thấy nó ngày nay. Có thể ở trên đó hay ở đâu đấy, bà vẫn đang dõi theo và đã chứng kiến thành quả của nó và cảm thấy vui cho thằng cháu mà bà đã yêu thương rất nhiều”.
Leo tin vào Chúa, mặc dù cậu không phải là người sùng đạo, như những thành viên khác trong nhà Messi. Nhưng cậu nợ bà một lời cảm ơn vì đã ở trong những năm tháng “thành hình” của cậu. Và cũng vì, bà vẫn còn ở bên cậu, chắc chắn như vậy. Lần duy nhất cậu không chỉ tay lên trời trước để tri ân bà sau khi ghi bàn là lúc cậu con trai Thiago vừa chào đời. Nhưng ngay sau khi làm thế, cậu lại tiếp tục tri ân Celia như bình thường.
Leo rời khỏi địa phận sinh sống lần đầu tiên vào năm 11 tuổi. Hôm ấy là một ngày thứ Bảy, mùa xuân. Cậu bắt xe buýt, đi cùng với người bạn Diego Vallejos, cũng là em vợ của Matías. Cậu ta cũng ở cùng khu đó. Hai cậu bé đi xe hết nửa tiếng ra ngoại ô, tới vùng Villa Gobernador Gálvez, ở phía nam thành phố.
Họ đến đó để viếng mộ bà cậu.
Leo thi đấu ở Grandoli lúc 5 tuổi cho tới khi gần tròn 7 tuổi. Trong đội hình sinh năm 1987 lúc đó, cậu mặc áo số 10 và em họ Emanuel là thủ môn. Có hai thứ luôn lặp đi lặp lại trong thời gian này: họ thắng mọi giải đấu, và tất nhiên là Lionel luôn luôn giữ bóng.
Mỗi buổi tập, mỗi trận đấu đều là thời khắc quan trọng, và trước mọi buổi tập, mọi trận đấu (mà mỗi buổi như thế đều là những buổi quan trọng hơn tất cả), Leo sẽ chuẩn bị chi tiết đến từng milimet và không cần ai giúp cả. Đầu tiên là đôi giày được giặt sạch bằng nước, một miếng vải và một chiếc bàn chải. Sau đó, cậu băng cổ chân lại. Nhìn cậu không khác gì một cầu thủ chuyên nghiệp, nhỏ nhắn và cực kỳ nghiêm túc.
Salvador Aparicio là người thầy đầu tiên của cậu và trong buổi tập, ông sẽ bắt các cầu thủ chạy, sau đó yêu cầu họ thả lỏng một chút rồi mang bóng ra tập. Trong những ngày đó, họ chỉ có đá bóng, đá bóng và đá bóng.
Salvador, hay “Ông trùm” Apa, đã viết nên một câu chuyện tuyệt vời - ông không phải là người tìm ra Leo, nhưng là người dẫn đường cho một tài năng bất khả chiến bại. Người cựu nhân viên đường ray qua đời vì một căn bệnh về não vào năm 2009 (một số người cho biết, bạn có thể nghe được tiếng không khí thoát ra từ đầu ông), chưa từng một lần nhận công nhiều hơn những gì ông đã làm: “Tôi không tìm ra cậu ta. Nhưng tôi là người đầu tiên đưa cậu ta vào sân. Tôi tự hào vì điều đó”.
“Ông trùm” Apa, cũng như hàng trăm HLV và giám đốc kỹ thuật khác, phải đi thuyết phục hàng tá trẻ em trong khu phố có độ tuổi từ 4 đến 12 tới sân và dành thời gian với Grandoli, nơi chúng có thể học được một bài học gì đó. “Bài học” của ông là những thước phim về Leo, nhỏ bé và lao đi như mũi tên trong chiếc áo đỏ trắng, dẫn bóng qua các hậu vệ, nhận bóng từ sân nhà, dẫn bóng qua sân khách, ghi bàn, rồi nhặt bóng trong lưới ra, đặt vào chấm giữa sân, và bắt đầu lại từ đầu quá trình đó.
“Cậu ta ghi 6 hoặc 7 bàn mỗi trận. Cậu đứng giữa sân đợi thủ môn phát bóng lên. Thủ môn đá quả bóng lên, đồng đội sẽ giữ bóng, rồi cậu ta chạy tới lấy bóng từ chân đồng đội và bắt đầu dẫn bóng. Nhìn như một hiện tượng siêu nhiên vậy”. Đó là Leo trong trí nhớ của “Ông trùm” Apa, được kể đi kể lại trong rất nhiều bài phỏng vấn. “Khi chúng tôi tới sân, mọi người sẽ tập trung rất đông để xem thằng bé. Khi có bóng là nó cầm bóng luôn. Và chẳng ai cản nổi nó cả, thật phi thường! Trong trận gặp Amanecer, một trong những bàn thắng của nó không khác gì những bàn thắng mà bạn hay thấy trong quảng cáo. Tôi vẫn nhớ, nó rê bóng qua tất cả mọi người, kể cả thủ môn. Lúc ấy nó đá thế nào à? Chẳng khác gì bây giờ, hoàn toàn tự do. Nó là một cậu bé nghiêm túc, luôn ở bên bà, lúc nào cũng im lặng. Nó chẳng bao giờ phản đối cái gì. Nếu có ai đánh nó thì có thể lâu lâu nó sẽ khóc nhè nhưng rồi sau đó nó lại tự đứng dậy và tiếp tục chạy”.
“Mỗi lần nhìn Leo đá bóng là tôi lại khóc. Như bàn thắng kiểu Maradona, bàn thắng ghi vào lưới Getafe ấy, làm tôi nhớ lại hồi nó còn rất bé…”
David Treves, người thay thế “Ông trùm” Apa, hiện nay là chủ tịch của Grandoli. Ông tự hào trưng lên những danh hiệu mà đội giành được và cả những tấm ảnh chụp cả đội. Messi là cậu nhóc mặc chiếc áo quá khổ trong bức ảnh. “Thực sự hiếm khi nào một cậu bé ở tầm tuổi này lại có thể làm được những việc đó”, Treves xác nhận. “Có người nói chúng tôi lúc ấy đã sở hữu Maradona mới. Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới đã bắt đầu sự nghiệp ở đây, và chiếc áo thi đấu đầu tiên của cậu mang màu áo của chúng tôi”.
“Cậu ấy sẽ lấy bóng và dẫn bóng, rồi kết thúc bằng một bàn thắng. Cậu ấy luôn tạo ra được sự khác biệt kể cả khi đối thủ bỏ bóng đá người. Quy ước là thế này: Nếu bạn nhỏ bé và bạn chơi tốt, bạn sẽ bị triệt hạ”. Gonzalo Diaz, người từng là đồng đội của Leo ở Grandoli, cho hay.
Matías Messi tỏ ra khá dễ dàng trong việc kể lại những câu chuyện, vì chính cậu cũng từng có ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Và cậu, cũng như tất cả những người nhà Messi khác, và cả những khán giả theo dõi, đều tin là họ đang được chứng kiến một điều gì đó đặc biệt. “Vì chuyện này mà đã có rất nhiều vấn đề phát sinh, vì nó chơi tốt quá. Tốt đến mức HLV các đội khác phải tung cả đội vào sân để triệt hạ nó - nếu họ không thể lấy được bóng một cách công bằng, thì họ sẽ lấy bóng bằng những cách khác. Những chuyện kiểu này, bạn phải tận mắt thấy thì mới tin được. Thậm chí, còn có những cầu thủ đội bạn đứng vỗ tay khi chứng kiến những bước chạy của nó. Đến mức CĐV của họ còn hỏi: ‘Chúng mày đang làm cái quái gì vậy?’ khi thấy họ làm thế”.
Đôi khi, những hình ảnh hiện lên trong hồi ức này nghe lại giống Messi ở thời điểm hiện tại hơn là một cậu nhóc chơi bóng giỏi; chắc chắn là một cỗ máy ghi bàn không biết mệt mỏi, nhưng lúc đó, cậu vẫn chỉ là một cầu thủ xuất sắc chứ không phải một người biết phối hợp với đồng đội, và đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Họ sẽ chỉ nói đi nói lại về một đứa bé trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Nhưng đó là chuyện khác. Rõ ràng là ai cũng thần tượng một cầu thủ thành công hơn. Và vì lý do đó, rất khó để tìm được ai dám làm như chữ “nhưng” ở trên.
Quay lại câu chuyện, ở Grandoli lúc ấy có rất nhiều cầu thủ trẻ khác có tiềm năng. “Tôi đã thấy nhiều cậu bé có thể đã trở thành những Messi khác trong tương lai, nhưng chúng không có ý chí phấn đấu trong các buổi tập luyện”, Gonzalo Diaz nói.
Đúng vậy, ý chí phấn đấu. Không có nó, bạn chẳng thể trở thành cầu thủ được.
Jorge Messi cũng từng mơ ước trở thành một cầu thủ, nhưng sau 4 năm ở học viện của NOB, thời điểm mà một cầu thủ bắt đầu “đâm hoa kết trái”, khi đội Một vẫy gọi thì Jorge lại bỏ đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, và khi trở về thì ông lại đi cưới vợ. Khi Jorge 29 tuổi, độ tuổi mà cầu thủ đạt đến đỉnh cao phong độ, Leo ra đời.
Jorge có nhiều quan niệm cố hữu, nhưng ông luôn dạy dỗ bằng thực tế hơn là bằng lý thuyết. Triết lý của ông rất đơn giản: lao động chăm chỉ, phải luôn ổn định phong độ, luôn khiêm tốn và bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Có lẽ đó là lý do vì sao Leo không bị quyến rũ bởi sự hào nhoáng và không bị mắc bệnh ngôi sao. Dù là thế nào thì với Jorge, cũng như phần lớn người Argentina cùng thế hệ với ông, bóng đá là bộ mặt không thể trốn tránh và không thể cưỡng lại được của Maradona, nhân vật chính của những thước phim mà Jorge trân quý và luôn chiếu cho các con xem.
Dần dần, bố của Leo đã truyền cho các con sự ngưỡng mộ với người đã vượt lên tất cả để dẫn dắt đội của mình, người mà lúc nào cũng âu yếm quả bóng trước khi đảo mắt chuẩn bị tung ra đường chuyền tiếp theo, cũng là người có “siêu năng lực” trong đôi chân để có thể tạo ra một bản hòa âm trong mỗi lần xuất chiêu. Với Lionel, và nhiều người khác cùng thế hệ với cậu, kiểu mẫu cầu thủ như thế có thể tìm thấy trong hình hài của một người khác: Pablo Aimar, cựu cầu thủ của River (Plate). Lionel từng nói nhiều lần là anh không thần tượng cầu thủ nào hồi bé, nhưng anh vẫn thích được gặp Aimar. Liệu có thật là anh không có người hùng nào của riêng mình? Chẳng phải chúng ta đều có một thần tượng nào đó hay sao? Khi được hỏi vào năm 12 tuổi rằng thần tượng của mình là ai, cậu bảo là có hai người: “Bố tôi và cha đỡ đầu của tôi, Claudio”. Cũng trong buổi phỏng vấn đó, cậu cho biết rằng với cậu, khiêm tốn là đức tính vĩ đại nhất trong tất cả các đức tính. Điều này chắc bố cậu cũng đồng tình.
Leo, cũng như các anh trai, đều có cùng một niềm đam mê với quả bóng như bố mình vậy. Jorge là một người bảo thủ, đôi lúc còn có khoảng cách với mọi người nữa, và cũng từng là một tiền vệ trung tâm khá, như cậu bé Leo từng chứng kiến khi ông đá bóng với các đồng nghiệp ở nhà máy Acindar. Cậu hiểu về bóng đá, môn mà cậu yêu thích. Nhà Messi thường tụ tập tại Grandoli vào các dịp cuối tuần để xem Matías và Lionel thi đấu, và một ngày nọ, một vị giám đốc kỹ thuật của một CLB đã đề nghị Jorge quản lý những đứa trẻ sinh năm 1987. Thế là ông thành HLV thứ hai của Leo. “Chúng tôi được tham gia giải Alfi, một trong những giải đấu độc lập được tổ chức ở Rosario và thành phố lân cận. Lúc đó có nhiều giải, có cả giải dành cho trẻ 12 tuổi, và những cầu thủ nhí luôn thi đấu trên sân 7 người”, Jorge kể với Toni Frieros.
Ông huấn luyện ở đó một tuần ba lần, về những bài tập cá nhân đơn giản với bóng để nâng cao kỹ thuật, và các bài tập chiến thuật, thứ mà các cầu thủ nhí luôn học được một cách dễ dàng, như những miếng bọt biển dễ thấm nước vậy. Leo thì chẳng bao giờ phải làm việc gì cụ thể cả, cậu chẳng bao giờ dành cả buổi chiều để luyện với quả bóng bằng chân phải, hay dẫn bóng qua những viên đá bằng chân không thuận. Bố cậu cũng không bao giờ bắt cậu làm thế. Cậu chỉ đơn giản là chơi bóng và Jorge cố gắng tôn trọng tinh thần tự do đó trong các buổi tập hằng tuần.
Năm 1994, Leo 6 tuổi.
Đội của Jorge Messi chưa phải nhận trận thua nào trong năm đầu tiên và ông là người duy nhất nắm quyền đội trẻ. “Chúng tôi vô địch giải đấu và tất cả những giải mà đội tham gia, kể cả giao hữu. Nói thì có vẻ khoe khoang, nhưng đội chúng tôi đã trở thành một hiện tượng vì đã chạm được tới những tiêu chuẩn cao nhất và trong đội hình ấy, Leo tỏa sáng, trở thành biểu tượng của đội”, ông trả lời truyền thông Argentina. “Trong đội hình này - tôi không muốn nói quá - gần như tất cả những gì tốt đẹp đều là do nó làm. Những bàn thắng, tình huống nguy hiểm, cầu thủ tạo ra sự khác biệt, và người xuất sắc nhất trong đội cũng chính là nó. Thôi được, tôi là bố nó, nó là con tôi, nhưng tôi không nói thế vì nó là con tôi, tôi nói thế vì sự thật là như thế”, ông trả lời tờ Kicker.
Nhà báo phỏng vấn ông hôm ấy còn đưa ra một loạt câu hỏi nghe có vẻ nhàm nhưng vẫn không kém phần thú vị: “Lionel, là cầu thủ, cậu ấy thường nghe lời ai hơn, HLV Jorge Messi hay bố Jorge Messi?” Jorge trả lời: “Nó thường rất kỷ luật trong lối chơi, luôn vâng lời và làm theo những gì tôi bảo. Nó luôn chú ý lắng nghe những lời tôi nói ở tư cách là HLV. Cả bây giờ cũng thế. Như khi Frank Rijkaard ở Barcelona muốn nó đá bên cánh phải. Nó luôn tuân theo những gì HLV nói, nó luôn đá ở bất cứ vị trí nào HLV yêu cầu. Và nó chẳng bao giờ phàn nàn. Vẫn luôn là như thế”.
“Trong cuộc sống luôn có ba yếu tố: sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị”, nhà tâm lý học thể thao danh giá Liliana Grabín nói. “Những gì bạn thừa hưởng từ cha là cách ông đi con đường của mình, những giá trị mà ông truyền tải. Leo mang trong mình tính cách mạnh mẽ của mẹ, cùng sự bình tĩnh, chịu đựng và tự làm chủ của bố: một sự kết hợp kỳ lạ; như âm - dương vậy, tôi nghĩ thế. Nhưng bố cậu cũng truyền cho cậu đức tính khiêm tốn, biết hy sinh và sự kiên định”.
Nhưng người con trai cũng là thành quả từ tầm nhìn của bố. Jorge từng nói rằng được nghe mọi người hát vang tên mình là điều tuyệt vời nhất cho mỗi người. Nếu đây là giấc mơ của bạn, thì bạn sẽ truyền xuống các con. Jorge đã có tầm nhìn của mình. Khi ông xem Leo đá bóng và biết là con trai có năng khiếu, ông mang niềm tự hào của một người cha luôn muốn con mình nổi bật hơn tất cả. Người con trai lúc nào cũng muốn làm hài lòng bố, và sẽ luôn cố gắng làm ông vui lòng. Tầm nhìn, thái độ. Tất cả những thứ này đánh dấu một quá trình. Jorge đã thắp sáng con đường này: Con hoàn toàn có thể trở thành cầu thủ bóng đá!
“Gia đình ấy có giá trị cốt lõi, tầm nhìn là tương lai, và sứ mệnh là chơi bóng. Jorge có tầm nhìn, cả gia đình đều có tầm nhìn. Rõ ràng cậu có tài năng, và bố mẹ cậu thì có tầm nhìn để tiếp tục con đường giúp cậu khám phá và phát triển tài năng của mình”, Grabín nhận định.
Sau đó, Jorge, trong vai trò một HLV, người cố vấn, thậm chí là cả quản lý, đã giúp Leo đi từng bước trên con đường này. Một người cha kiêm luôn quản lý. Ông hầu như không khen ngợi cậu như mọi người; thay vào đó, ông cho cậu nhiều góc nhìn hơn. Và khi cần thiết, ông nhắc nhở cậu về những giá trị mà ông cho là lý tưởng. Ông luôn giữ hai chân của con mình trên mặt đất ở mọi thời điểm, nhất là khi có vẻ như thành công quá nhiều có thể sẽ làm cậu xao nhãng và làm cậu mất đi cái nhìn toàn cảnh hơn, điều mà chắc chắn sẽ xảy ra như chúng ta có thể thấy được.
Vì thế, ngay từ đầu, Jorge đã là cha, người hướng dẫn, tấm gương, cố vấn, người làm cân bằng mọi thứ, và người hùng của Leo. Người mà cậu phải luôn theo, nhiều lúc chống lại, nhưng phải luôn được nhìn nhận là bạn đồng hành của cậu. Người mà Leo đặt trọn sự tin tưởng và niềm tin không gì suy chuyển được.
Cũng chính Jorge là người quyết định rằng họ đã đi đến cuối chặng đường của mình với Grandoli. Cả gia đình thường đi xem những trận đấu có Matías và Leo, nhưng có một lần, ông không thể trả nổi 2 peso tiền vé. Ông xin họ miễn vé một lần này. Nhưng họ bảo không.
Leo thi đấu chiều hôm ấy, nhưng đó là lần cuối cùng cậu mặc chiếc áo Grandoli.
Cô giáo Mónica Dómina hồi tưởng lại. Cô đã từng dạy Leo ở trường Las Heras từ năm cậu 6 đến 8 tuổi, từ lớp Một đến lớp Bốn, những năm đầu tiên ở bậc tiểu học.
“Lúc ấy cậu ta là một người khá ít nói. Điều không may là bạn sẽ luôn nhớ rõ những học trò quậy phá, gây rắc rối cho bạn. Nhưng cậu ta thì lại ít nói, lịch sự, đôi lúc hướng nội, không muốn chia sẻ những cảm xúc bên trong. Cậu ta lúc nào cũng như kiểu được bao bọc kỹ lưỡng vậy, luôn đi cùng với Cintia, chúng gắn kết với nhau, học chung lớp qua nhiều năm và cô bé thì như là một người mẹ thứ hai, cô bé còn cao gấp đôi cậu ta vì lúc ấy cậu chàng khá lùn, như một đứa trẻ mẫu giáo vậy. Nét mặt thì lúc nào cũng hân hoan… như bây giờ vậy. Như thể nhìn là chỉ muốn ôm một cái thôi! Hồi đó cảm giác còn hơn cả bây giờ kể lại nữa. Thời ấy, cô giáo như là một người mẹ thứ hai của học sinh. Cô giáo thời nay cảm giác không còn được như xưa nữa… Đúng vậy, những cô gái trẻ ấy không có bản năng làm mẹ như giáo viên ngày xưa. Thời ấy chúng tôi làm khác bây giờ. Và lúc ấy cậu ta là một trong những đứa trẻ trông như em bé nhỏ xíu, và bạn sẽ cảm thấy muốn bế cậu ta lên và cho cậu ta ngồi cùng bạn rồi nói chuyện”.
“Cậu ta khá dễ tính, nhưng ít khi nói chuyện. Nhưng có một điều tôi nhớ rất rõ: Tôi từng cố dạy để cậu ta chịu nói chuyện. Tôi thường làm việc này trong giờ nghỉ và những tiết học đặc biệt như tiết vẽ chẳng hạn. Đó là những lúc tôi ở gần cậu ta, nhưng cậu ta sẽ không nói năng gì cả. Chỉ có ‘dạ’ hoặc ‘không’, ngoài ra chẳng nói gì thêm. Nhưng khi tôi hỏi cậu ta những câu về học hành như toán hay đọc hiểu thì cậu ta sẽ trả lời vanh vách và điều đó làm tôi cũng dễ chịu hơn đôi chút”.
“Thông thường thì Leo sẽ ngồi ở hàng ghế đầu trong lớp, nhưng cậu ta rất ngại ngùng, và rất khó để tham gia vào các hoạt động của lớp, cậu ta vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhưng không gây được chút ấn tượng nào cả. Nhưng cậu ta vẫn học tốt, vẫn làm tốt những gì cần để làm được bài thi, và lúc nào cũng nộp bài đúng hạn”.
“Giáo viên chúng tôi luôn cố giúp đỡ, và cậu ta cũng đã làm hết những gì có thể; nhưng không phải cậu ta không có khả năng. Không. Chỉ là cậu ta không muốn thế, vì cậu ta đã có những thú vui khác, tất cả những gì cậu ta muốn chỉ là quả bóng”.
“Cậu ta là một cậu bé bình thường, không có gì xuất chúng cả. Cậu có tinh thần trách nhiệm, luôn cố gắng làm bài tập. Cậu ta không học quá nhiều đâu. Hồi lớp Bảy, cậu ta được xếp loại tốt. Giáo viên chủ nhiệm của cậu năm đó đã cho một tờ báo chụp ảnh quyển sổ có ghi lại điểm của cậu. Cậu ta là một trong những học sinh giỏi nhất lớp ở môn thể dục, và học khá tốt các môn thủ công, âm nhạc. Ở môn đọc hiểu và toán, cậu ta được 7 điểm, vừa đủ điểm đậu, nên là cũng không có gì đặc sắc lắm”.
“Nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi về cậu ta là cảnh cậu chơi bóng ở sân trường, lấy bóng từ phần sân nhà và dẫn bóng. Không phải lúc nào cũng có bóng để chơi, đôi lúc bọn trẻ phải ‘chế’ một quả bóng từ những gì chúng có, như là nhồi mọi thứ vào một chiếc tất, hoặc túi nhựa, hoặc thậm chí là với mấy miếng đồ chơi bằng nhựa Silly Putty. Chúng chơi với mọi thứ mà chúng tìm được trong sân trường”.
“Nhưng thông thường thì sẽ có một quả bóng thật. Thầy thể dục có một cái tủ và chúng thường tới đó để lấy bóng, hoặc đôi khi có một đứa mang từ nhà đến. Chúng biết khi nào thầy thể dục có ở đó, và nếu ông không ở đó, các giáo viên khác sẽ thay nhau trông chừng quả bóng hộ”.
“Hồi đó, khi chúng thích, bạn sẽ sẵn sàng cho mượn bóng. Giờ thì không. Bọn học trò bây giờ toàn dùng bóng để ném vào đầu những đứa khác. Số học sinh thời ấy và bây giờ chẳng tạo ra khác biệt gì mấy. Dù có cả 100 đứa thì chúng cũng vẫn sẽ hòa hợp với nhau. Chúng quan tâm nhau. Vì thế nên chúng được phép chơi bóng”.
“Tất cả bạn bè đều coi cậu ta như thủ lĩnh, chúng để cậu ta đứng chính giữa trong ảnh chụp cả lớp, chúng đều yêu quý cậu ta. Chúng luôn đợi và rủ cậu: ‘Đi chơi thôi nào!’ Chúng ngưỡng mộ cậu ta vì cậu ta luôn tỏa sáng. Cậu ta có thể chạy từ sân này sang sân kia mà chẳng ai bắt được; cậu ta như một chú ruồi nhỏ vậy; cậu ta luôn vui vẻ và mang cả niềm vui tới cho mọi người”.
“Cậu ta chẳng bao giờ chơi khăm người khác, nhưng đôi mắt ấy như muốn nói với bạn rằng đây là người mà luôn làm những việc khiến bản thân hài lòng. Tôi nghĩ là do gia đình… Tôi luôn muốn hỏi mẹ cậu ta là ở nhà cậu ta như thế nào vì ở trường cậu cư xử quá đúng mực. Ở trong lớp, cậu ta rất yên lặng, nhưng khi chuông reo là cậu sẽ tót ngay ra sân, và lũ bạn sẽ lục tục kéo theo sau”.
“Bạn có thể thấy chúng trong một phòng đa năng lớn, với hai khung thành và những cậu bé nóng lòng được ra sân. Giờ ra chơi như là một giải vô địch vậy”.
“Trước đây, thời gian biểu được sắp xếp thế này: 40 phút học, ra chơi 15 phút, rồi lặp lại. Nhưng bây giờ, học 1 tiếng, và sau đó là 15 phút ra chơi. Chúng sẽ chơi bóng trong khoảng thời gian ấy. Ở đó, chúng đá những trận bóng mini, chúng có thể đá một hiệp vào giờ nghỉ này và hiệp còn lại vào giờ nghỉ tiếp theo”.
“Cậu ta thường sẽ ra chơi với các bạn trong khoảng thời gian ấy, và lúc ấy cậu ta biến thành một con người hoàn toàn khác, kể cả trận đấu là 7 vs 7 hay tất cả cùng đấu, thì cậu ta vẫn luôn lấy được bóng, và trong trận đấu, cậu ta sẽ chỉ dẫn bóng và dẫn bóng. Bởi vì đây không phải là chơi bóng ghi điểm, mà là dẫn bóng. Lúc ấy là cậu ta đã đang học ở… gọi là gì nhỉ?… một trường học đá bóng nhỏ. Và những đứa nhỏ theo sau cậu ta cũng từng học ở các trường bóng đá”.
“Mỗi khi mẹ cậu ta mang cúp đến trường và dừng lại ở cửa lớp, mặc cho bà có tự hào thế nào đi nữa, cậu ta cũng không muốn bà vào lớp, cậu ta không muốn kể lể, khoe khoang về những gì mình đã đạt được. Hoặc là, ở tuổi đó, cậu ta không muốn phô trương, cậu ta chơi bóng vì thích, vì đam mê, như bây giờ vậy… Cậu ta không muốn khoe khoang mình là người giỏi nhất, cậu chỉ muốn giữ cho riêng mình thôi. Lúc nào cậu ta cũng muốn được đối xử như mọi đứa trẻ khác, cậu ta không muốn nổi bật. Và bây giờ cậu ta cũng không khác lúc ấy tí nào cả”.
“Một thiên thần. Nhưng là một thiên thần trong hình hài con người. Tôi luôn gặp mẹ cậu ta tại một siêu thị gần đó, vì mẹ cậu ta chẳng bao giờ đi vòng quanh thành phố và hô lớn: ‘Tôi là mẹ của Messi’. Bà đi ra ngoài như tất cả những bà mẹ khác, mặc quần áo giản dị, không quá chú trọng vẻ bề ngoài. Tôi biết, có những bà mẹ của các cầu thủ khác hay có kiểu: ‘Tôiiiiiiiiii làaaaaaaa mẹeeeeeee củaaaaaaaaaa…’, còn bà (mẹ của Messi) là một quý bà, đơn giản và tốt tính, cũng như con bà vậy. Cậu ta chẳng bao giờ đi khắp nơi bảo với mọi người là: ‘Tôi kiếm được triệu đô đấy’... Không! Cậu ta sống giản dị, giản dị hết sức có thể, tôi cho là thế. Vì con người cậu ta là như thế. Cậu ta chẳng bao giờ khoe khoang việc mình ghi nhiều bàn hay ít bàn. Có thể, nhiều đứa trẻ sẽ nói: ‘Này cô, cô có thấy bàn thắng đấy không? Cháu, cháu đấy…’, nhưng cậu ta thì hoàn toàn không. Gia đình cậu, mẹ cậu, đó là những tấm gương cho cậu học tập, và đó là cách mà họ dạy cho con mình biết được nội quy ở nhà, đó cũng là lý do tại sao ở trường cậu ta rất im lặng, cực kỳ hướng nội”.
Cậu bé Leo không phải đi bộ xa để tới học ở Las Heras. Vừa đặt chân xuống đường với quả bóng kế bên, cậu đi thẳng tới bức tường bao quanh một doanh trại quân đội, và đi xuyên qua một khoảng sân trước khi tới đường Buenos Aires, đoạn ngay Quảng trường Juan Hernández. Ngôi trường bé nhỏ, sơn màu trắng điểm chút xanh lá, cửa sổ có chấn song, bên ngoài có cây, hàng ghế, bồn cỏ. Đây là một trong những ngôi trường hiếm hoi có học sinh ngoan ngoãn, như khu dân cư quanh đó vậy, không như phần đông những ngôi trường ở Rosario, nơi toàn những học sinh nghịch phá. Mónica Dómina có lẽ sẽ không đồng tình. Thứ giá trị nhất không phải là một tòa nhà, mà là văn hóa và cái “hồn” toát ra từ đó. Khi một đứa trẻ bước vào trường thì nó đã biết được mức độ ứng xử mà nó cần phải đạt được, những giá trị mà nó sẽ phải học hoặc duy trì: sự quan trọng khi được thuộc về khu phố này, sự quan trọng của việc học để tiến bộ, sự cần thiết của nỗ lực tập thể. Đây quả thực là một ngôi trường tốt.
Khoảng sân dẫn tới phòng học, với một cánh cổng vòm tại lối đi và có một cái cây ở chính giữa, quá nhỏ, đến mức nó chỉ đủ chỗ để tâng bóng. Vì lý do đó, các cậu bé đã quyết định chơi bóng ở một nơi mà bây giờ có nhiều chức năng.
“Ở trường này có một phòng đa năng, thường được chọn làm nơi tập trung học sinh, nhưng hồi đó, khi Leo còn học ở đây thì không: Lúc ấy nó chỉ là một khoảng đất nhỏ với nhiều không gian cho bọn trẻ chạy nhảy hoặc đá bóng”. Diana Torreto, người từng dạy Leo khi còn bé, cho hay. “Thường chúng tôi sẽ vào đó với tất cả học trò. Có một điều tôi nhớ rất rõ, và mỗi lần nhớ lại, tôi đều thấy buồn cười, đó là khi cả đám trẻ đuổi theo quả bóng nhưng không ai có thể lấy được từ chân của cậu ta, xong chúng sẽ chạy tới bên tôi và mè nheo, ‘Cô ơi, bạn ấy không chịu chuyền bóng’. Chúng không thể nào cướp được bóng!”
“Cậu ta lúc nào cũng hạnh phúc”, cô Torreto tiếp tục. “Có thể là hướng nội, đúng, nhưng hạnh phúc. Lúc nào cũng cười. Và cậu ta có rất nhiều bạn. Cậu ta cũng được khá nhiều bạn biết đến. Cậu ta có một gia đình lúc nào cũng ở bên và mẹ cậu ta thì luôn hỏi tôi tình hình ở trường bởi vì ở nhà cậu ta rất nghịch ngợm”.
Lúc đó, chúng ta đã có một Leo với quả bóng, một Leo ở nhà và một Leo ở trường. Một Leo trong lớp và một Leo ngoài sân, hoàn toàn tự do để chơi bóng. Cuộc trò chuyện với cô giáo Diana lại tiếp tục:
- Tại sao gia đình, nhà trường và các bạn đồng trang lứa lại cảm thấy cần phải bảo vệ cậu ta?
- Cậu ta làm người khác có cảm giác đó, cảm thấy cần phải luôn luôn để mắt tới, theo dõi cậu ta, đó có lẽ là lý do cậu ta có nhiều bạn. Các bạn đều quý mến cậu ta. Khi cậu ta biểu diễn kỹ năng với quả bóng, chúng ngưỡng mộ cậu ta, từ cậu ta toát ra khí chất của một thủ lĩnh. Không rõ là cậu ta có nhận ra điều đó hay không - điều khá tương phản vì trong lớp cậu ta lại là người ít nói. Nhưng hễ cậu ta đi đâu là bạn bè theo sau đến đấy. Cậu ta điều khiển trận đấu và dẫn dắt các bạn tới trò chơi mà cậu ta thích, bóng đá.
- Thật là phi thường, một cú nhảy vọt từ một cậu bé hướng nội thành một thủ lĩnh…
- Vâng, đúng vậy, cứ như hai đứa trẻ khác hẳn nhau vậy.
- Và nếu Leo không mang họ Messi và không trở thành cầu thủ, thì bây giờ cậu ta có thể ở đâu?
- Tôi nghĩ là cậu ta sẽ ở với gia đình. Hoặc gia đình mới của cậu, như bây giờ vậy, và chúng tôi vẫn luôn mong một ngày nào đó cậu ta sẽ dẫn Thiago về ngôi trường mà bố nó đã từng học. Đó là điều mà tất cả giáo viên bọn tôi đều mong muốn. Lúc đó, cậu ta sẽ được bao quanh bởi gia đình của mình…
... Tôi vẫn thường thấy cảm xúc dâng trào mỗi khi nói về cậu ta.
1993, 6 tuổi, năm María Sol ra đời… khả năng kém trong việc thích nghi với môi trường học đường, thực hành vệ sinh cá nhân, có cố gắng, học tốt âm nhạc, văn và thể dục.
1994, học tập dưới sự hướng dẫn, giám sát của cô Mónica Dómina. Khả năng kém trong việc thích nghi với môi trường học đường, có sáng tạo và có cố gắng.
1995, 8 tuổi… tiến bộ vượt bậc. Học rất giỏi môn toán. Rất giỏi trong viết sáng tạo, khả năng diễn tả bằng lời tốt. Không có điểm kém. Cintia giúp đỡ cậu rất nhiều. “Như phần mở rộng của cậu ta vậy, luôn đi cùng nhau”, Dómina nói. “10 điểm thể dục, cư xử rất đúng mực” (Trích sách Messi: El Tesoro del Barça của Toni Frieros).
Leo được bao bọc bởi cả người lớn lẫn bạn bè. Vì cậu ta nhỏ bé. Vì cậu ta đá bóng giỏi. Vì cậu ta là một đứa trẻ ngoan. Vì cậu ta là một đứa con trai tốt. Vì nụ cười dễ mến đó của cậu ta. Vì cậu ta ít nói; không phải ngại ngùng, mà là hướng nội và thậm chí có chút khép mình. Không ai làm cậu phải khó chịu, cũng không ai làm cậu tổn thương. Ít nhất là ở trường, cậu được mọi người hỗ trợ, giúp đỡ. Điều đó khiến cậu dễ dàng trưởng thành hơn trong định hình nhân cách, thậm chí ở cả vai trò cầu thủ, với mọi sự giúp đỡ như một tấm lưới đỡ ở phía dưới vậy.
Tất cả trẻ con sẽ đều phải trải qua giai đoạn thử thách ở trường học, thử thách không dính dáng gì tới học hành cả. Phe phái sẽ bắt nạt chúng, chuyện đó luôn luôn xảy ra. Tuổi thơ có thể khắc nghiệt. Khi đến lượt bạn, hãy đảm bảo là mình sẽ thoát ra khỏi đó nguyên vẹn. Leo đá bóng giỏi, và điều đó thu hút nhiều người đến với cậu ta, khiến cậu cảm thấy được tôn trọng, yêu thương, được cần đến và được bao bọc. Cậu nhỏ bé, cậu biết, nhưng mọi người không còn để ý đến điều đó nữa vì cậu chưa bao giờ làm những người chơi cùng cậu, và những người theo dõi cậu, phải thất vọng. Nên cậu ta không bao giờ bị bắt nạt. Vẫn có tranh cãi, nhưng là về việc ai được đá cùng đội với cậu, bởi vì đội nào có cậu thì chắc chắn thắng. Và bạn cần phải thắng những trận đấu thế này, vì không ai muốn ôm cảm giác thua cuộc suốt ngày cả. Kể cả khi những đội của lớp lớn hơn đang thiếu người, họ cũng rủ cậu vào chơi để cậu giúp họ chiến thắng. Và Leo nhận lời, dẫn dắt cả đội bằng sự im lặng và khả năng chơi bóng của mình. Cũng như bây giờ vậy: hành động nhiều hơn lời nói.
Nhưng cậu đi học không phải để đá bóng; các giáo viên không thể mặc cho tụi trẻ mải mê với trái bóng trong những trận đấu vô thưởng vô phạt để rồi chúng phải hối hận khi lớn lên được. Thử thách của họ với Leo là phải đưa được cậu ra khỏi trò đá bóng này. Và để tách cậu khỏi quả bóng, trong khi cậu và nó đã có một sợi dây liên kết vô hình nhưng cực kỳ bền chặt, thì quả là một thử thách rất lớn.
- Ngày nay, các thầy cô lấy Messi ra làm ví dụ cho cái gì?
Câu hỏi được dành cho Cristina Castañeira, hiệu trưởng mới của trường Las Heras, lúc ấy không biết Leo và chỉ chứng kiến sự hiện diện của cậu từ xa với một vẻ ngạc nhiên.
- Tôi không biết, tôi không biết… những ai tới trường này đều biết về Leo, họ đều biết là cậu từng học ở đây. Giờ tôi đã tiếp quản trường, tôi sẽ xem liệu có thể xây dựng một “góc Messi”, với tất cả những gì liên quan tới cậu ta không.
- Liệu điều đó có tốt cho học sinh trong trường không; nếu tạo ra một góc riêng như vậy?
- Tôi cũng không biết, nhưng đã có quá nhiều thứ được làm ra nhờ cậu ta rồi…
- … nên bà cảm thấy mình cần làm cái gì đó nhằm mục đích làm gương, làm động lực…
- Có lẽ thế… chúng tôi… văn hóa Argentina cho phép những trường hợp thế này… chúng tôi có rất nhiều…
- Huyền thoại, truyền thuyết…
- Đúng, đúng vậy, thành công của Messi không thể được đưa vào chương trình giảng dạy, nhưng sẽ tốt hơn nếu có cái gì để khi có ai đến thăm trường, chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng đưa ra cho họ chiêm ngưỡng. Hoặc cho chính cậu ta chiêm ngưỡng nếu một ngày cậu ta quay lại đây, vì cậu đã từng học ở đây rồi. Tôi làm trong ngành này đã 30 năm và tôi luôn theo đúng quy trình làm việc của trường. Điều này nghe có vẻ như tôi đang rời xa quy trình, nhưng thực sự thì nó cũng không quan trọng lắm. Bạn không nhất thiết phải quá cứng nhắc thế. Tôi không nghĩ họ sẽ khen tôi vì điều đó, nhưng đây không phải là mục đích chính của tôi; điều tôi muốn là nên có một “góc Messi” nhằm mục đích gợi nhớ đến cậu ta.
- Leo, phần hướng ngoại, phiên bản này của cậu có rất nhiều giá trị tốt đẹp.
- Đúng vậy, trên tất cả mọi người, vì cậu ta là kiểu người mà người khác luôn có thể tự hào. Messi có những phẩm chất tốt mà người ta muốn thấy trong những người khác.
- Một người bạn Argentina của tôi, một cầu thủ, từng bảo tôi là Chính phủ nên gặp Messi một lần và cho cậu ta nói: “Hãy đánh răng”, và rồi đột nhiên cả đất nước sẽ làm theo, hay: “Hãy cư xử tốt ở trường”, và cả đất nước sẽ bất ngờ thay đổi. Tôi không biết điều này có khả năng xảy ra không…
- Hoàn toàn có thể đấy…
Khi bà của Leo đưa cậu đi tập với Grandoli sau giờ học, họ thường băng qua một khu đất mà có thể trong tương lai sẽ trở thành một công viên giải trí, hoặc có thể là sân bóng để đào tạo những cầu thủ nhí có cùng khát vọng như Leo, nhất là khi Hội đồng Thành phố đã cho nhà Messi thuê lại khu đất này.
Nếu hôm đó không tập luyện thì cậu sẽ gặp và chơi với các bạn trong cùng khu dân cư, như là Diego Vallejos: “Chúng tôi vẫn hay làm nhiều việc cùng nhau, lúc nào cũng có những mẹo mới để học, hoặc có gì đó để thử, để làm. Không có ác ý đâu nhưng đôi khi chúng tôi vẫn hay sút bóng vào các bụi hoa hoặc dùng cổng làm cầu môn. Chúng tôi đã làm rất nhiều thứ. Ra khỏi nhà cậu ta, bên tay trái cách khoảng 200 m có một khu đất trống: nơi đây lúc đó là Camp Nou của Argentina. Đây là nơi cậu ta đi những bước đầu tiên trong bóng đá. Nơi chúng tôi thường đá bóng, chạy nhảy, trốn tìm... Đây là nơi kỷ niệm của chúng tôi”.
Ở Fragotti, một cửa tiệm gần đó, Leo thường sẽ dùng cánh cửa sắt ở đó để làm “tường”, khiến bạn bè không lấy được bóng của cậu ta. Đó là thời điểm mà thời gian và ranh giới đều không tồn tại, và không có những hạn chế nào bị áp đặt lên họ, trừ quy định của nhà trường và gia đình.
“Chúng tôi cắt dây hàng rào quanh khu đất cũ để được chơi trong đó, xong chúng tôi sẽ bị những người trong khu quân sự đuổi ra vì chúng tôi không được phép vào đó”, một người bạn hàng xóm khác tên Walter Barrera nhớ lại. “Nhưng vấn đề là cái sân này quá hoàn hảo cho chúng tôi chơi bóng vì nó có một thảm cỏ tuyệt đẹp không bị nhiều người giẫm đạp lên, và được chơi trên đó rất thích. Có khi họ sẽ bất ngờ xuất hiện và đưa chúng tôi vào đồn khi đang chơi bóng, bên trong đầy phòng như phòng giam. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả: Họ đưa bạn vào cửa này và cho ra ngoài bằng cửa khác; chủ yếu là để dọa chúng tôi thôi”.
Leo học tiểu học ở Las Heras trước khi chuyển sang học trung học ở tuổi 13 tại trường Juan Mantovani thuộc khu Avenida Uriburu, cũng gần nhà, nhưng lại bỏ học chỉ 4 tháng sau đó: Trong đầu cậu, tương lai không phải là những thứ cậu đã biết. Ở Juan Mantovani, cậu không có người bạn Cintia bên cạnh; những thứ gần gũi với cậu nhất cũng bắt đầu thay đổi.
Leo quyên góp không phải cho trường đó, mà là cho ngôi trường cũ của cậu ở Las Heras: trong suốt thập kỷ qua, cậu đã quyên góp cho trường một khoản tương đương với hai năm ngân quỹ của trường. Và cậu có chuyến về thăm trường vào năm 2005. Một trong những giáo viên có con từng chơi bóng với cậu và đã tận dụng mối quan hệ đó để mời cậu về trường trong dịp kỷ niệm của trường. Họ đang làm sự kiện và Leo xuất hiện. Lúc đó, cậu chưa nổi tiếng như bây giờ, nhưng cậu vẫn làm mọi người vui vẻ và thích thú. Và một buổi chiều hai năm sau đó, lúc gần tối, cậu lại trở về, lần này là để gặp người em họ Bruno Biancucchi. Lúc đó cậu ghé thăm bất chợt và xuất hiện trong lặng lẽ, trốn sau lưng mẹ của Bruno là dì Marcela. Lúc đó, cậu rất ngượng ngùng.
Đột nhiên, đầu óc cậu “nảy số”. Cậu bắt đầu kết nối với lũ trẻ và nói chuyện với chúng. Cậu đi khắp các phòng học, hôn mọi người, ký tên lên ảnh và cho mọi người chụp ảnh mình. Ba tiếng đồng hồ đáng nhớ cho cả học sinh và phụ huynh của ngôi trường mà hầu như chẳng có gì hay ho xảy ra thường xuyên.
Một đứa trẻ học năm đầu tại trường, chắc chưa tới 5 tuổi, nói với một đứa bạn cùng trang lứa, mặc cùng một loại quần ngắn và áo đồng phục trường: “Này, véo má tớ đi!”