Cây ổi trước căn nhà số 26, Tân Canh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đang trổ hoa. Cây ổi nếp này cũng lạ, đơm hoa và kết quả quanh năm. Bây giờ, Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn đã 67 tuổi. Bà Trần Xuân Nga vào ngưỡng 58. Họ có hai con trai, đều giỏi giang, thành đạt...
QĐND - Cây ổi trước căn nhà số 26, Tân Canh, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đang trổ hoa. Cây ổi nếp này cũng lạ, đơm hoa và kết quả quanh năm. Bây giờ, Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn đã 67 tuổi. Bà Trần Xuân Nga vào ngưỡng 58. Họ có hai con trai, đều giỏi giang, thành đạt. Về hưu, ông bà dành nhiều thời gian vui vầy bên cháu con. Rảnh rỗi, hai mái đầu bạc lại lật giở hàng trăm bức thư tình đã ố vàng, những bức ảnh cũ kỹ sờn màu để nghe lời cầu hôn năm nào ùa về trong hương ổi ngào ngạt…
Đầu tháng 12-1972, Hà Quang Văn cùng mẹ (NSND Ái Liên) và các nghệ sĩ trong Đoàn Cải lương Nam Bộ nhận lệnh đi sơ tán lên nông trường Lương Sơn, Hòa Bình. Cả gia đình anh đều sơ tán nhưng chỉ có người bố nhất quyết không đi. Ông cụ nói: “Bố sống ở Hà Nội thì chết cũng ở Hà Nội. Vả lại bố cũng già cả rồi”. Thế là chỉ còn một mình ông cụ ở lại với căn nhà 38 Phố Huế, cố thủ giữa lòng Thủ đô. Cùng Đoàn chuẩn bị đồ đạc lên nông trường mà lòng anh nóng như lửa đốt. Hai hôm sau, nhận được tin Mỹ đã bắt đầu rải thảm B-52 ở Hà Nội, anh lại càng đứng ngồi không yên. Phần vì lo cho người cha già, phần vì tin tức về cô bạn gái Trần Xuân Nga vẫn bặt tăm.
Vợ chồng Hà Quang Văn – Trần Xuân Nga hạnh phúc trong ngày cưới. Ảnh chụp lại.
Lúc này, Xuân Nga không đi du học Đức mà cô trở lại Trường học sinh miền Nam để chờ giấy nhập học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong những ngày chuẩn bị sơ tán theo trường, cô ghé thăm nhà của chàng diễn viên cải lương Hà Quang Văn. Ghé qua mới biết chỉ có bố anh ở nhà. Ông cụ lấy bàn ghế, giường ván để làm hầm trú ẩn nổi. Thấy cụ tuổi cao sức yếu, lại một thân một mình giữa mưa bom bão đạn không ai chăm sóc nên Nga ở lại lo cơm nước cho cụ. Mỗi lần nấu cơm lại phải đóng kín cửa và dùng nón tản khói đề phòng máy bay Mỹ. Tranh thủ khi Hà Nội tạm yên, ông cụ đánh điện cho con trai, bảo rằng có cái Nga, học sinh miền Nam đang ở nhà với bố.
Một buổi trưa, Nga lúi húi nấu cơm. Thấy nhà không có gì nhóm lửa, cô vào nhà lục tìm giấy báo cũ. Bỗng từ chồng sách báo rơi ra hai lá thư. Một thư đề tên người gửi là Hà Quang Văn, người nhận là Trần Xuân Nga, Trường học sinh miền Nam. Thư còn lại chưa kịp cho vào phong bì nhưng nét chữ nghiêng nghiêng quen thuộc và lời lẽ trong thư cũng khiến Nga biết đó là thư anh viết cho mình. “Lá thư thứ nhất anh viết cách đây một tuần lễ mà không dám gửi cho em. Anh sợ em không chấp nhận tình cảm của anh, nhưng anh vẫn muốn viết lá thư này để bày tỏ lòng mình…”. Càng đọc má cô càng ửng đỏ, thầm trách: “Sao anh nhát vậy không biết”. Cô đâu ngờ rằng dạo gặp nhau trong buổi diễn cải lương tại Trường học sinh miền Nam, Hà Quang Văn đã thầm thương trộm nhớ cô nàng lý lắc dám cả gan giơ chân chắn ngay đường về để trêu anh. Và anh cũng không ngờ rằng, từ buổi gặp ấy, Xuân Nga cũng đã để ý đến chàng diễn viên cải lương điển trai. Cô cầm hai lá thư được viết cách đây một năm đưa cho ông cụ. Cụ trố mắt ngạc nhiên: “Trời ạ, nào bác có biết nó viết thư nhưng không dám gửi cho cháu đâu. Bác mà biết thì bác thay mặt nó gửi cho cháu rồi”. Rồi cụ chậc lưỡi: “Chắc đận ấy viết xong, nó phải đi phục vụ chiến trường Quảng Trị”.
Vợ chồng Nhà giáo nhân dân Hàn Quang Văn - Trần Xuân Nga tháng 1-2013.
Nhận được điện của bố báo rằng, chiến sự đang rất dữ dội, Quang Văn tức tốc xin quá giang xe tải quân sự về Hà Nội vào đêm thứ 5 Mỹ rải thảm. Khoảng 19 giờ, đến đường Giải Phóng (cũ), anh xuống xe rồi đi nhờ xe đạp để đến Phố Huế. Lúc này cả thành phố đang vang lên tiếng còi báo động. Ở nhà, Xuân Nga năn nỉ ông cụ vào hầm tránh bom. Nhưng ông nhất quyết: “Hầm để cho bọn trẻ trú, chứ bác già cả rồi, sống được bao lâu nữa mà trú với ẩn”. Lúc ấy, ánh chớp của bom B-52 lóe lên. Trong ánh sáng ấy, Xuân Nga thấy một bóng người đang chạy về phía mình. Nhận ra Quang Văn, cô quay vào nhà reo lên với ông cụ: “Bác ơi, hình như anh Văn về”. Nga vừa quay lại thì một bờ môi nóng hổi ập lên đôi môi xinh của cô như vũ bão, cái ôm siết chặt. “Đây có phải là lần đầu tiên em hôn không? Em chẳng biết hôn gì cả”. Cô sững người. Chưa kịp đấm thùm thụp vào lưng anh để chữa thẹn thì bom nổ làm rung chuyển căn nhà, hai người bị hơi bom đẩy suýt ngã. Tiếng máy bay, cao xạ, súng đạn chát chúa, xay nghiến trời đêm Hà Nội. “Sao anh biết em đang ở đây?”. “Bố đánh điện báo cho anh biết”. Hết báo động, ông cụ từ trong nhà đi ra, bảo Nga lấy bánh mì cho anh ăn đỡ đói. Cả hai người nhìn nhau, thẹn thùng… Lần ấy, trở lại Lương Sơn, Quang Văn nhất quyết đưa Xuân Nga và bố đi. Nhưng cụ vẫn nhất định ở lại.
Sau khi chiến dịch 12 ngày đêm kết thúc được hai hôm, họ trở về Hà Nội. Xuân Nga và em gái Quang Văn - ca sĩ Ái Vân được Đài Tiếng nói Việt Nam mời đọc một đoạn kịch ca ngợi chiến thắng của quân ta. Ái Vân đọc giọng Bắc, Xuân Nga đọc giọng Nam. Trở lại Hà Nội, Quang Văn không khỏi bàng hoàng trước cảnh phố phường đổ nát, thê lương. Lửa căm hờn bùng cháy. Cũng chính vì ngọn lửa đó, anh cùng Đoàn Cải lương Nam Bộ tiếp tục xung phong phục vụ văn nghệ trên những tuyến lửa ác liệt. Hiểm nguy, gian khổ không làm sờn ý chí người trai trẻ. Hình bóng người thiếu nữ anh yêu thúc giục bước chân.
Sau ngày đất nước thống nhất, anh trở lại Hà Nội, vun đắp cho duyên lứa đôi. Nhớ lại ngày đó, Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh không khỏi buồn cười. Ai đời dắt người yêu đi đăng ký kết hôn lại dắt vào… đồn công an. Sau một hồi hào hứng kéo người yêu đi, ông đỏ mặt tía tai khi được anh công an viên từ tốn chỉ dẫn đường đến Ủy ban nhân dân để làm thủ tục. Năm 1977, một đám cưới đầm ấm giản dị đã diễn ra giữa lòng thủ đô Hà Nội. Những năm sau đó, Hà Quang Văn tiếp tục phục vụ trong Đoàn Cải lương Nam Bộ rồi được cử đi du học đạo diễn sân khấu tại Liên Xô. Năm 1985, ông đưa gia đình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, giảng dạy tại Khoa Cải lương và trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Bà Xuân Nga được bố trí công tác tại Bộ Công Thương.
Bài, ảnh: QUỲNH NGA
(Sự kiện và nhân chứng, mục Kỷ niệm sâu sắc, số ra ngày 07/02/2013)