Di cảo của bậc lão thành cách mạng đã quá cố Phan Kiệm đang được các con, cháu lưu giữ cẩn thận tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.
Trong ngày giỗ của bà Dương Kim Bằng, phu nhân đồng chí Phan Kiệm mới đây, chúng tôi thêm một lần được đọc, xem các tư liệu, hình ảnh về thời kháng chiến sục sôi của đồng chí Phan Kiệm, trong đó có những kỷ niệm về mối tình ở Chiến khu Đ. Tình yêu “chú-cháu” của Phan Kiệm và Dương Kim Bằng là một góc nhìn cận cảnh về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần lạc quan, niềm tin tất thắng và sự lãng mạn của một thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ”…
Khi còn sống, bà Dương Kim Bằng từng kể cho chúng tôi nghe về mối tình lãng mạn với Trưởng phòng Dân quân Khu 7. Kết hợp với di cảo của đồng chí Phan Kiệm, chúng tôi có được nguồn tư liệu khá phong phú về chuyện tình thời trẻ của hai ông bà…
Vợ chồng Phan Kiệm - Dương Kim Bằng sau ngày cưới tại Chiến khu Đ. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp.
Năm 1949, Phan Kiệm được điều về Chiến khu Đ làm Trưởng phòng Dân quân Khu 7. Để bảo đảm yếu tố bí mật, ông đổi tên thành Đào Tấn Xuân, bí danh Năm Thành. Đây là thời kỳ đẩy mạnh xây dựng, phát triển các đơn vị bộ đội chủ lực ở Nam Bộ. Lực lượng nòng cốt của Khu 7 là đơn vị mang phiên hiệu Bộ đội 303. Bên cạnh đó, Khu 7 thực hiện chủ trương mở rộng phát triển lực lượng dân quân du kích, tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ kháng chiến trường kỳ. Trước khi được điều về đảm đương nhiệm vụ tổ chức huấn luyện, xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích rộng khắp ở các địa phương Khu 7, Năm Thành là Chính ủy Trường Lục quân Nam Bộ, Chính ủy Trung đoàn Nam Tiến. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Đắc Lắc. Nhiệm vụ cách mạng gian khổ, hiểm nguy, phải liên tục di chuyển qua nhiều địa bàn, đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng nên mặc dù đã luống tuổi nhưng Năm Thành chưa có điều kiện nghĩ về hạnh phúc riêng tư. Một hôm, sau cuộc họp của Khu bộ, Tư lệnh Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ) kéo Năm Thành vào căn nhà lợp lá trung quân, nói thân mật:
- Coi bộ chú cũng đã ngót nghét ba mươi rồi đó, lấy vợ đi!
Năm Thành cười:
- Mình đi làm cách mạng, rày đây mai đó, từ từ rồi tính, anh Tám!
Tám Nghệ vỗ vai Năm Thành:
- Kháng chiến còn trường kỳ. Chú phải lấy vợ để có hậu phương. Dưới khu Bời Lời có mấy cô giao liên, y tá. Để tôi mai mối cho chú một đám!
Người mà Tám Nghệ có ý định “nhắm” cho Năm Thành chính là Dương Kim Bằng. Mấy ngày sau, Tám Nghệ cùng Năm Thành phi ngựa đi khảo sát địa hình, chuẩn bị nhiệm vụ huấn luyện quân sự, đồng thời ghé khu Bời Lời cho Năm Thành gặp gỡ các nữ giao liên, y tá. Dương Kim Bằng là một trong số 50 nữ giao liên, trưởng thành từ phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh…, vừa được đưa vô hoạt động ở chiến khu. Đây là những người trẻ yêu nước, có chí hướng, được giác ngộ cách mạng từ sớm.
Được các thủ trưởng từ Khu bộ về thăm, động viên, các cô y tá trẻ và nữ giao liên tự hào, phấn khởi lắm. Năm Thành có thiện cảm với Dương Kim Bằng, cô giao liên đến từ vùng quê Trảng Bàng, Tây Ninh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hai người nói chuyện với nhau khá thân mật trên tình cảm chú cháu.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dân quân tự vệ, Năm Thành có nhiều cơ hội tìm hiểu, gần gũi Kim Bằng.
Một hôm, Kim Bằng nhận được bức thư ngỏ lời của Năm Thành, bắt đầu bằng 4 câu thơ:
… “Nàng là ai đến đây từ dạo ấy
Dáng cao gầy đôi mắt thơ ngây
Rất tự nhiên nàng gọi anh bằng chú
Tình yêu anh bén giọt từ đây”…
Đọc thư Năm Thành, Kim Bằng có cảm xúc yêu thương nhưng không dám thổ lộ với ai. Phải đến cả tháng sau, anh Năm mới trở lại. Gặp lại Kim Bằng, Năm Thành không giấu được vẻ bối rối:
- Bằng… đã đọc thơ tui gửi chưa?
- Cháu… đọc rồi ạ!
- Cháu nghĩ sao?
- Cháu còn nhỏ tuổi, với lại kháng chiến còn lâu dài, chú đợi cháu vài năm nữa, được không?
Năm Thành không giấu được niềm vui sướng:
- Chú sẽ đợi. Khi nào có điều kiện, mình sẽ lấy nhau. Bây giờ chỉ cần cháu nhận lời và gọi chú bằng anh là đủ rồi.
- Dạ!... Em hiểu ạ! - Kim Bằng vân vê tà áo đáp lại.
Tình yêu thời chiến, những lần gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay và mỗi lần gặp cũng chỉ chóng vánh. Nhiệm vụ tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện dân quân bí mật ở khắp các địa phương rất nặng nề, khiến Năm Thành phải cơ động liên tục. Kim Bằng cũng được tổ chức cử đi học y tá. Sau 6 tháng học tập, Kim Bằng trở lại Chiến khu Đ, được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo Bộ tư lệnh và các cơ quan Khu bộ. Từ đây, hai người mới có điều kiện gặp nhau nhiều hơn. Giữa năm 1950, Kim Bằng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Vừa kịp bén duyên nhau thì
Năm Thành nhận nhiệm vụ mới. Tháng 8-1950, Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm Thành được Xứ ủy điều về Đặc khu giữ cương vị Phó tư lệnh.
Trước ngày Năm Thành rời Chiến khu Đ, Tám Nghệ nói:
- Mặc dù Khu 7 đang rất cần chú, nhưng tôi ủng hộ quyết định của Xứ ủy. Chỉ có một chút băn khoăn…
- Có chuyện gì sao, anh Tám? - Năm Thành lo lắng.
- Chú và nhỏ Kim Bằng quen nhau cũng đã lâu. Coi bộ nó cũng rất thương chú. Hay là vầy. Chú làm đám cưới trước khi vô Sài Gòn - Chợ Lớn!
Năm Thành nắm chặt tay người anh thân thiết:
- Em cũng muốn lắm nhưng thời gian gấp quá, anh Tám à! Về Đặc khu sắp xếp công việc xong, em sẽ trở lại chiến khu làm đám cưới.
Tối hôm đó, Năm Thành phi ngựa đến gặp Kim Bằng. Trời chiến khu trăng thanh gió lộng. Kim Bằng cùng mấy chị em đang ở trong căn chòi lợp lá trung quân, nhìn thấy anh Năm, mấy cô tinh nghịch cất tiếng đòi quà rồi bấm nhau tản ra vạt rừng dưới chân đồi. Khi mọi người đi rồi, Kim Bằng chợt òa lên khóc:
- Mai đi rồi, sao bây giờ anh mới tới?
- Anh…
Kim Bằng lau nước mắt, cắt ngang lời Năm Thành:
- Chú Tám nói cho em biết hết rồi. Chú Tám dặn, yêu nhau thì phải hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến. Em quán triệt rồi, sẽ không giận anh, không níu chân anh. Em khóc chỉ vì nhớ anh thôi!
Năm Thành thủ thỉ:
- Chúng mình sẽ cùng nhau thi đua, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao! Em là nguồn động lực tinh thần to lớn của anh đó!
- Anh yên tâm làm tốt nhiệm vụ mới! Em đợi anh!
Sáng hôm sau, cơ quan Khu bộ tổ chức bữa liên hoan chia tay Năm Thành. Tư lệnh Tám Nghệ cho đón Kim Bằng lên. Con heo rừng mấy anh em săn được từ hôm trước, được chế biến cùng với củ chụp, rau bép… làm cho bữa tiệc thêm long trọng, ấm áp.
Bà Dương Kim Bằng và con gái Phan Thu Nga. Ảnh: Lữ Ngàn.
Trưa, Tám Nghệ và các đồng chí ở cơ quan Khu bộ tiễn Năm Thành đi nhận nhiệm vụ mới. Năm Thành dìu Kim Bằng lên yên ngựa, ngồi phía sau giữ chặt người yêu rồi thúc ngựa rảo bước xuyên rừng. Ra đến bìa rừng đã có lực lượng giao liên đợi sẵn. Năm Thành thay bộ quần áo bà ba, đội nón bước lên chiếc xe thổ mộ chở trái cây Lái Thiêu. Trong vai một lão gia miệt vườn đưa trái cây lên chợ Thủ Đức, Năm Thành giật cương “hậy” lên một tiếng. Cỗ xe thổ mộ lăn bánh theo con đường đất dọc triền đồi hoa cỏ gianh cùng tiếng vó ngựa lốc cốc. Kim Bằng đứng nhìn theo, đến khi bóng người yêu khuất hẳn sau cánh rừng lúp xúp rồi mới cùng các chú, các anh quay trở lại khu rừng quen thuộc ở chiến khu…
Vào Sài Gòn, trong vai người lái buôn, Năm Thành bắt liên lạc với các đồng chí trong Đặc khu ủy, tìm nơi ở và làm việc bí mật ở các cơ sở cách mạng nội thành, nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ.
Sau Tết Nguyên đán Tân Mão năm 1951, từ Sài Gòn - Chợ Lớn, Năm Thành bí mật trở lại Chiến khu Đ theo lời hẹn ước. Đám cưới của đôi uyên ương được tổ chức, do Tư lệnh Tám Nghệ làm chủ hôn. Đơn vị dựng cho cặp uyên ương một căn nhà nhỏ lợp lá trung quân trên nóc căn hầm vững chãi làm tổ ấm hạnh phúc. Dưới mái lá trung quân, đôi vợ chồng tận hưởng những thời khắc hạnh phúc ngọt ngào chóng vánh rồi lại tất tả lao vào nhiệm vụ. Năm Thành trở lại Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn…
PHAN TÙNG SƠN