Chiến thắng gây ra thù oán,
Kẻ thất bại phải chịu khổ đau,
Người từ bỏ mọi thắng bại,
Sống an vui và yên bình.
(Kinh Pháp cú, phẩm Hạnh phúc, kinh số 201)
1. Thi Ca La Việt
Là tên riêng, tên thường gọi (trong kinh) là “vị gia chủ trẻ tuổi Thi Ca La Việt”. Cha mẹ của Thi Ca La Việt đều là những Phật tử thuần thành, đệ tử tại gia của Phật. Họ không thể thuyết phục được cậu con trai theo mình đi nghe pháp. Mặc dù họ đã nhiều lần đề nghị cậu đến diện kiến Đức Phật nhưng cậu con trai nhất quyết không đi. Thậm chí cậu còn trả lời rằng: “Không, con chẳng có việc gì liên quan đến các nhà tu hành cả”. Hết lần này đến lần khác, dù cho cha mẹ có khuyên nhủ cậu đến gặp Phật hay đệ tử của Ngài, cậu đều từ chối.
2. Cha Thi Ca La Việt
Ông là triệu phú ở thành Xá Vệ (Savatthi) và có một cậu con trai tên Thi Ca La Việt. Về sau ông xuất gia theo Phật và được Phật dạy quán đề mục về bộ xương. Ông tu trong rừng Bhesakala núi Sumsumaragiri. Có một vị thần trong khu rừng đó khuyến tấn ông bằng một bài kệ như sau:
Có một vị Tỳ kheo,
Đệ tử Đức Thế Tôn,
Ẩn mình trong rừng Bhesakala,
Kham nhẫn hành trì quán chiếu đề mục bộ xương,
Thiết nghĩ chẳng bao lâu nữa vị ấy sẽ thoát khỏi các dục lạc thế gian.
Sau đó ông đã đạt được thắng trí và chứng quả A la hán tại nơi đó. Thời Phật Ca Diếp tại thế, ông cũng từng là một vị Tỳ kheo tu tập pháp thiền quán với đề mục bộ xương. (Trưởng lão Tăng kệ, phần 1, bản kinh Pāli của PTS và Chú giải Trưởng lão Tăng kệ, phần 1)
Mẹ Thi Ca La Việt
Bà được sinh ra trong một gia đình triệu phú tại thành Vương Xá (Rājagaha). Sau khi kết hôn, mẹ Thi Ca La Việt hạ sinh một cậu con trai tên là Thi Ca La Việt. Bà nghe Đức Phật thuyết pháp và xuất gia theo Ngài. Một hôm mẹ Thi Ca La Việt đến tinh xá, Đức Phật quán xét thấy căn cơ của bà đã tới bèn khai thị cho bà và sau đó bà đắc quả A la hán. Về sau, bà được đề cử thành trưởng Ni chúng và đạt quả vị giải thoát nhờ vào tín tâm.
Vào thời Phật Bảo Liên Hoa (Padumuttara), bà được sinh ra trong một gia đình quan lại. Vào một ngày nọ, bà theo cha đi nghe Đức Phật thuyết pháp. Nhờ có đức tin viên mãn, bà đã xuất gia theo Phật và nghe lời một vị Tỳ kheo ni giảng rằng người đứng đầu là người có tín tâm. Nghe xong bà nguyện được trở thành người như thế. Đến thời Phật Cồ Đàm, bà đã đạt được quả vị đúng như ước nguyện trong quá khứ. (Tăng chi bộ kinh, phần 1 và Chú giải Tăng chi bộ kinh của ngài Phật Âm trong bản kinh Pāli của PTS).
3. Nếu người nào thực hành những quy tắc đạo đức chuẩn mực này thì sẽ ngăn ngừa được bốn điều xấu ác. Đức Phật từng giảng giải những quy tắc đạo đức chuẩn mực trong Kinh Veḷudvāreyya như sau:
“Này các gia chủ, quy tắc đạo đức chuẩn mực mang lại lợi ích tự thân gồm những gì? Này các gia chủ, đối với vấn đề này, bậc Thánh đệ tử quán chiếu rằng: Hiện tôi trân quý sự sống này, không muốn chết, yêu thích khoái lạc và không thích khổ đau. Giả như có ai đó cướp đi mạng sống của tôi (khi tôi đang trân quý sự sống này, không muốn chết, yêu thích khoái lạc và không thích khổ đau), tôi sẽ cảm thấy đau khổ, phẫn nộ. Đổi lại, nếu tôi tước đoạt đi mạng sống của người khác khi họ đang yêu thích sự sống này, không muốn chết, yêu thích khoái lạc và không thích khổ đau, điều đó sẽ làm cho họ khổ đau, phẫn nộ. Điều mà tôi không muốn hay không bằng lòng thì người khác cũng vậy, tại sao tôi lại bắt người ta phải chịu đựng? Sau khi quán chiếu được như thế, tự vị ấy sẽ từ bỏ việc sát sinh và khuyến khích người khác cũng làm như vậy, đồng thời còn khen ngợi những ai từ bỏ sát sinh. Như vậy, đối với các hạnh về thân hành, vị ấy hoàn toàn thanh tịnh.
Lại nữa, này các gia chủ, bậc Thánh đệ tử quán chiếu rằng: Nếu người nào có ý định lấy đi những gì tôi chưa cho, điều đó sẽ làm tôi buồn đau, tiếc nuối. Đổi lại, nếu tôi có ý định lấy đi những gì họ chưa cho, nó cũng sẽ khiến họ buồn đau, tiếc nuối. Điều khiến tôi không vui, đau buồn, tiếc nuối thì người khác cũng vậy, sao tôi có thể bắt người ta chịu đựng? Sau khi quán chiếu được như thế, tự vị ấy sẽ từ bỏ việc lấy của không cho và khuyến khích người khác cũng làm như vậy, đồng thời khen ngợi những ai từ bỏ việc lấy của không cho. Như vậy, đối với các hạnh về thân hành, vị ấy hoàn toàn thanh tịnh.
Lại nữa, này các gia chủ, bậc Thánh đệ tử quán chiếu rằng: Nếu có người nào quan hệ bất chính với vợ của tôi, điều đó sẽ làm tôi ghen tuông, tức tối. Đổi lại, nếu tôi làm điều này với vợ người khác, chồng của họ cũng sẽ ghen tuông, tức tối. Điều làm tôi ghen tuông, tức tối thì người khác cũng vậy, làm sao tôi có thể bắt người ta chịu đựng? Sau khi quán chiếu được như thế, tự vị ấy sẽ bỏ các ác hành về dục ái và khuyến khích người khác cũng làm như vậy, đồng thời khen ngợi những ai từ bỏ các ác hành về dục ái. Như vậy, đối với các hạnh về thân hành, vị ấy hoàn toàn thanh tịnh.
Lại nữa, này các gia chủ, bậc Thánh đệ tử quán chiếu rằng: Nếu có người nào lấy đi tài sản của tôi bằng lời dối trá, tôi sẽ rất tiếc nuối và cảm thấy bị lừa gạt. Đổi lại, nếu tôi lấy đi tài sản của người khác bằng lời dối trá cũng sẽ khiến họ tiếc nuối, cảm thấy bị lừa gạt. Điều làm tôi tiếc nuối, cảm thấy bị lừa gạt thì người khác cũng vậy, làm sao tôi có thể bắt người ta chịu đựng? Sau khi quán chiếu được như thế, tự vị ấy sẽ bỏ việc nói dối và khuyến khích người khác cũng làm như vậy, đồng thời khen ngợi những ai từ bỏ việc nói dối. Như vậy, đối với các hạnh về khẩu hành, vị ấy hoàn toàn thanh tịnh.
Lại nữa, này các gia chủ, bậc Thánh đệ tử quán chiếu rằng: Nếu có người nào chia rẽ tôi và các bạn của tôi bằng lời vu khống, phỉ báng, điều đó sẽ làm tôi tổn thương và nghi ngờ. Đổi lại, nếu tôi chia rẽ người khác với bạn của họ bằng lời vu khống, phỉ báng cũng sẽ khiến họ tổn thương và nghi ngờ. Điều làm tôi tổn thương và nghi ngờ thì người khác cũng vậy, làm sao tôi có thể bắt người ta chịu đựng? Sau khi quán chiếu được như thế, tự vị ấy sẽ bỏ việc nói lời vu khống và khuyến khích người khác cũng làm như vậy, đồng thời khen ngợi những ai từ bỏ việc nói lời vu khống. Như vậy, đối với các hạnh về khẩu hành, vị ấy hoàn toàn thanh tịnh.
Lại nữa, này các gia chủ, bậc Thánh đệ tử quán chiếu rằng: Nếu có người nào nói với tôi bằng lời lẽ cay nghiệt, điều đó sẽ làm tôi tức giận, phẫn nộ. Đổi lại, nếu tôi nói với người khác bằng lời lẽ cay nghiệt cũng sẽ khiến họ tức giận, phẫn nộ. Điều làm tôi tức giận, phẫn nộ thì người khác cũng vậy, làm sao tôi có thể bắt người ta chịu đựng? Sau khi quán chiếu được như thế, tự vị ấy sẽ bỏ việc nói lời cay nghiệt và khuyến khích người khác cũng làm như vậy, đồng thời khen ngợi những ai từ bỏ việc nói lời cay nghiệt. Như vậy, đối với các hạnh về khẩu hành, vị ấy hoàn toàn thanh tịnh.
Lại nữa, này các gia chủ, bậc Thánh đệ tử quán chiếu rằng: Nếu có người nào nói với tôi bằng những lời vô nghĩa phù phiếm, điều đó sẽ làm tôi chán ghét, khinh thường. Đổi lại, nếu tôi nói với họ những lời vô nghĩa phù phiếm cũng sẽ khiến họ chán ghét, khinh thường. Điều làm tôi chán ghét, khinh thường thì người khác cũng vậy, làm sao tôi có thể bắt người khác chịu đựng? Sau khi quán chiếu được như thế, tự vị ấy sẽ bỏ việc nói lời vô nghĩa, phù phiếm và khuyến khích người khác cũng làm như vậy, đồng thời khen ngợi những ai từ bỏ việc nói lời vô nghĩa, phù phiếm. Như vậy, đối với các hạnh về khẩu hành, vị ấy hoàn toàn thanh tịnh”. (Kinh Veḷudvāreyya - Tương ưng bộ kinh, phần 5, bản Pāli của PTS)
4. Người khôn ngoan tích lũy tài sản cũng giống như con ong chăm chỉ hút mật mỗi ngày, dần dần sẽ trở nên giàu có, tài sản như tổ kiến ngày càng được đùn lên cao hơn.
Tiền kiếm được nên được chia làm bốn phần bằng nhau. Phần thứ nhất dùng cho việc chi tiêu hằng ngày, phần thứ hai và phần thứ ba dùng vào công việc kinh doanh, còn lại phần thứ tư đem gửi hoặc cất đi để dùng khi cần thiết.
Phần thứ nhất có thể dùng để sắm sửa phẩm vật cúng dường các vị tu hành cũng như bố thí cho người cơ nhỡ và trả lương cho nhân công.
“Này Chân Cọp (Tigerfoot), thế nào là cuộc sống cân bằng? Ở đó, một người cư sĩ biết rõ được tài sản thu nhập và chi tiêu của mình, từ đó vẫn tiếp tục công việc một cách bình thản, không quá phấn khích hay chán nản, rồi nghĩ như thế này: ‘Thu nhập sau khi trừ đi các khoản bị thất thoát vẫn còn dư dả, số tiền chi tiêu không vượt quá mức thu nhập’.
Cũng như một người thợ hay học trò của người ấy khi cầm cân, biết rằng với chừng này trọng lượng thì cân trĩu xuống hoặc với chừng kia trọng lượng thì cân bổng lên. Giống như thế, này Chân Cọp, người cư sĩ biết rõ số tài sản thu nhập và chi tiêu, vẫn tiếp tục công việc một cách bình thản, không quá phấn khích hay chán nản, người đó biết rõ rằng thu nhập sau khi trừ đi các phần thất thoát, vẫn còn dư dả, số tiền chi tiêu không vượt quá mức thu nhập. Này Chân Cọp, nếu người cư sĩ có mức thu nhập thấp nhưng chi tiêu hoang phí, người ta sẽ nói vị đó như thế này: ‘Người này tiêu xài tài sản của mình như ăn trái sung’. Nhưng nếu người cư sĩ có mức thu nhập cao lại chi tiêu hà tiện, thì người ta sẽ nói vị đó như thế này: ‘Người này sẽ chết như một kẻ chết đói’. Vì thế, người cư sĩ tiếp tục công việc của mình một cách bình thản, biết rõ rằng thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi tiêu vẫn còn dư dả, số tiền chi tiêu không vượt quá mức thu nhập”. (Kinh Vyagghapajja - Tăng chi bộ kinh, phần 4, bản PTS)
5. Cha mẹ tượng trưng cho phương đông với chủ ý rằng, một ngày mới bắt đầu ở phương đông, và cuộc sống cũng bắt đầu từ sự nuôi nấng của cha mẹ. Sự dạy bảo của thầy cô tượng trưng cho phương nam. Tiếp theo là chăm sóc cho gia đình sau khi trưởng thành được ví như phương tây, giống như ánh sáng chuyển dần đến cuối ngày. Phương bắc là vượt ra ngoài, cũng ví như nhờ sự giúp đỡ của bạn bè mà ta có thể vượt qua mọi rắc rối. (Những cuộc hội thoại của Đức Phật - Trường bộ kinh, chú thích số 4 của Rhys David, trang 180 bản PTS)
6. Kẻ say xỉn thường cãi lời cha mẹ, thậm chí đánh đập và dùng lời lẽ khiếm nhã với bậc sinh thành. Họ làm những điều không đúng đắn và tự làm hư hại nhân cách của mình, tạo ra tiếng xấu cả đời này lẫn đời sau, cũng bởi thói say sưa của mình.
Theo chú giải của ngài Phật Âm: “Trụy lạc trong say xỉn là con đường làm thất thoát tài sản được tích lũy”. (Kinh Vyagghapajja - Tăng chi bộ kinh, bản PTS)
7. Kẻ say xỉn không bao giờ quan tâm đến việc ăn mặc trang nghiêm. Bản thân phơi bày sự khiếm nhã, có thái độ suồng sã, hành vi sỗ sàng và thường không mặc quần áo kín đáo.
8. Kẻ thường xuyên ra đường vào giờ không thích hợp dễ bị nghi ngờ là tội phạm. Những hành vi phạm pháp như ăn cướp hay ngoại tình sẽ được gán cho anh ta. (theo chú giải)
9.
Chiến thắng gây ra thù oán,
Kẻ thất bại phải chịu khổ đau,
Người từ bỏ mọi thắng bại,
Sống an vui và yên bình.
(Kinh Pháp cú, phẩm Hạnh phúc, kinh số 201)
10. Lời nói của một kẻ ham mê cờ bạc sẽ không có giá trị trước tòa. Người ta sẽ nói trước tòa rằng: Đây là một kẻ cờ bạc, đừng nghe lời hắn ta. (theo chú giải)
11. Ta không nên giao du với những loại bạn có hành vi xấu ác hoặc kẻ hạ tiện, mà hãy kết giao với những bạn tốt và có đức hạnh. (trích Kinh Pháp cú, phẩm Hiền trí, kinh số 78)
12. Thói lười biếng, giải đãi là nguyên nhân của sự thất bại. (Kinh Bại vong - Tiểu bộ kinh)
13. Cha mẹ đút cho ta ăn, mớm sữa cho ta uống, giặt giũ, tắm gội, may, sắm quần áo, nuôi dưỡng chúng ta suốt thời thơ ấu. Theo thời gian, cha mẹ già đi, ta đã đi qua những ngày được cha mẹ bảo bọc, giờ là lúc ta phải nuôi dưỡng lại cha mẹ, cho nên nói làm con phải đỡ đần cha mẹ là vậy. Con cái nên làm tròn bổn phận với cha mẹ của mình như dâng thức ăn, quần áo cho cha mẹ, v.v. (theo chú giải)
“Không chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ già, đó chính là nguyên nhân của sự thất bại”. (Kinh Bại vong - Kinh tập)
“Phụng dưỡng cha mẹ là phúc lành cao quý nhất”. (Kinh Đại phúc đức - Kinh tập)
“Ai biết nghe lời cha mẹ thì đó chính là đứa con ngoan”. (Tương ưng bộ kinh, phần 1)
“Trẻ em là những mầm non của xã hội”. (Tương ưng bộ kinh, phần 1)
14. Họ hàng hai bên nghĩa là họ hàng bên chồng và bên vợ. (theo chú giải)
“Vợ là người bạn tuyệt vời nhất”. (Tương ưng bộ kinh, phần 1)
“Trong số những người vợ tốt (như mẹ, như chị, như bạn) thì người vợ biết chăm sóc là tốt nhất”. (Tương ưng bộ kinh, phần 1)
15. Từ bỏ những suy nghĩ về người đàn ông khác không phải chồng mình. (theo chú giải)
16. Cần có giờ giải lao để người giúp việc và nhân viên không phải làm việc suốt cả ngày và đặc biệt nên đưa thêm nhiều thức ăn và tổ chức các lễ hội vui chơi giải trí cho họ. (theo chú giải)
17. Tất cả bổn phận của người cư sĩ đều được bao hàm trong bài kinh này. Không có bổn phận nào của một gia chủ mà không được đề cập đến. Kinh này được xem là Giới luật cho hàng Phật tử. Vì vậy, nếu một người làm theo những gì đã được chỉ dạy trong bài kinh, cần phải tinh tấn tu tập tiến tới chứ không được phép thoái lui. (theo chú giải)