Kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2000, mỗi ngày tôi đều gửi một bài viết ngắn về chủ đề Ranh giới giữa mê và ngộ cho tờ Nhân gian phúc báo, tính đến hiện tại đã được bốn năm, với tổng cộng là 1.124 bài. Công ty Văn Hóa Hương Hải đã tổng hợp, biên tập lại thành 12 cuốn họ mời tôi viết lời nói đầu cho bộ sách.
Trong khoảng hai, ba năm trở lại đây, họ đã lần lượt cho xuất bản 6 tập đầu của bộ Ranh giới giữa mê và ngộ với lượng sách được phát hành là gần hai triệu bản. Mỗi tập sách ra mắt đều nhận được phản hồi vô cùng tích cực, được các nhà sách lớn như Kim Thạch mục những cuốn sách bán chạy nhất; ngay cả quân đội cũng bình chọn đây là cuốn sách đáng đọc nhất. Đặc biệt ông Cao Hành Kiện (nhà văn đã đoạt giải Nobel văn học thế giới) và liên hiệp 31 hiệu trưởng các trường đại học cũng đã giới thiệu bộ sách; có rất nhiều hội yêu sách xem bộ sách này như là tài liệu nghiên cứu thảo luận để giảng dạy. Cũng vậy, rất nhiều học sinh, sinh viên sau khi đọc xong bộ sách Ranh giới giữa mê và ngộ này đã nâng cao được kỹ năng viết lách và cách thức hành văn của chính mình.
Bộ sách bao hàm đủ cả tính “đời thường” và tính “phổ biến”, đồng thời cũng được sự yêu quý của giới học thức tại hải ngoại, vì thế, ngoài bản tiếng Trung ra, nó còn được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nữa, như: tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn, tiếng Nhật, v.v. Số lượng sách được phát hành bằng các ngôn ngữ khác trên toàn cầu cũng đã vượt quá năm trăm nghìn bản.
Trước đây cũng có vài nhà văn đã từng hỏi tôi đầy nghi ngờ rằng: “Với tần suất mỗi ngày một đề tài mà duy trì trong thời gian hai đến ba năm thì thật sự không phải là việc đơn giản! Ngài lại thường xuyên vân du bốn phương, pháp sự bận rộn thì làm sao có thể thực hiện được điều đó?”
Nhớ lại hoàn cảnh trong mấy năm viết bộ Ranh giới giữa mê và ngộ, thực sự thì tôi hoằng pháp khắp nơi, rất hiếm có thời gian ngồi cố định để viết lách. Cho nên có lúc tôi tranh thủ thời gian trống ít ỏi trước khi dự hội nghị hoặc khi tham gia các chương trình để viết một hai bài, có khi trong lúc đang đi kinh hành thì ý tưởng cứ tuôn ra không ngừng theo mỗi bước chân. Trong các chuyến đi xa, khi ngồi máy bay hoặc ô tô thường là cơ hội tốt nhất để tôi tư duy và viết lách.
Mỗi ngày thấy bài được đăng trên báo là tôi lại như được tiếp thêm năng lượng thôi thúc bản thân có trách nhiệm với việc viết lách hơn. Sự mong mỏi, đợi chờ của độc giả làm tôi cảm thấy mình có sứ mệnh không thể phụ lòng họ được. Cũng bởi ngày thường tôi có nuôi dưỡng thói quen đọc sách và tư duy, cộng thêm trong lòng luôn canh cánh các vấn đề về con người trong xã hội, về hiện tượng của cuộc sống, về sự sống trong thiên nhiên, về vấn đề con người tồn tại trong vũ trụ, v.v. Vì thế, để viết về những vấn đề đó, không phải là chuyện khó khăn gì. Tuy nhiên, khi số lượng bài viết đã nhiều rồi thì việc nghĩ ra đề tài mới cũng khiến tôi lo lắng. Do đó, mỗi lần tập trung học trò, đệ tử đàm đạo, tôi thường nhờ họ động não nghĩ giúp. Một khi đã có đề tài rồi thì tôi chỉ cần tư duy sơ qua, chỉ cần ba đến năm phút, cùng lắm mười phút là đã có thể hoàn thành một bài viết.
Cũng cần nói thêm, bởi lý do tuổi tác cao nên tay phải của tôi hay bị run, cầm bút khó khăn, vì thế, hơn một nghìn bài này, phần lớn đều do tôi đọc cho đệ tử Mãn Nghĩa ghi chép lại. Đặc biệt, thầy Mãn Nghĩa là người có tính cẩn thận và không ngại vất vả, đảm nhiệm công tác thư ký cũng đã hơn mười năm rồi nên hiểu rõ được giọng nói địa phương của tôi, cũng như rất hiểu nội hàm các vấn đề mà tôi muốn biểu đạt, nên khi vị ấy giao bản thảo qua cho tôi thì chỉ cần chỉnh sơ là có thể cho in ấn luôn.
Nhớ lúc đặt tên cho tác phẩm này thì cái tên đầu tiên mà tôi nghĩ tới đó là Ranh giới giữa chính và tà. Sau đó, tôi nghĩ lại hai chữ “chính”, “tà” về cả phương diện câu chữ lẫn ý nghĩa đều mang tính khá cực đoan, thực sự không phù hợp với tinh thần trung đạo của Phật giáo. Vì thế tôi bèn đổi thành Ranh giới giữa mê và ngộ như hiện tại. Trong cả cuộc đời của chúng ta, thử hỏi có ai mà chưa từng một lần mê muội? Có ai chưa từng một lần giác ngộ? Lúc mê muội thì vô minh hiện ra dẫn đến phiền não và đau khổ, sau khi giác ngộ thì tâm ý được khai mở, ta sẽ cảm thấy hoan hỷ vô cùng.
Đã từng có một số độc giả, sau khi đọc xong bộ Ranh giới giữa mê và ngộ thì bỗng dưng bỏ luôn thói quen ăn trầu cau, hút thuốc, bài bạc, rượu chè, v.v. Cũng có người đọc xong tác phẩm này bỗng thay đổi tính nết, trở nên hiền hòa, biết quan tâm đến người khác hoặc thay đổi cách sinh hoạt trong gia đình. Thậm chí có người đọc tác phẩm này xong liền bỏ luôn ý định muốn tự sát. Điều đó chứng tỏ bộ sách đã đem lại sự thanh thản, lạc quan thực sự cho người đọc.
Trong Lục tổ đàn kinh có ghi: “Khi chưa giác ngộ thì Phật là chúng sinh, một khi đã giác ngộ thì chúng sinh tức là Phật”. Ranh giới giữa mê và ngộ thường chỉ trong một niệm mà thôi! Mong sao hơn một nghìn bài tản văn này có thể khơi dậy được Phật tính thanh tịnh vốn hiện hữu trong mỗi con người, để cho tất cả độc giả đều có thể chuyển hóa từ mê thành ngộ, từ đau khổ thành an vui, từ phàm phu thành thánh nhân!
Pháp đường Phật Quang Sơn
Tháng 07 năm 2004
Hòa thượng Tinh Vân