Giáo học của Phật giáo được cấu thành bởi ba môn học là “Giới học”, “Định học” và “Tuệ học”. Phật giáo Trung Quốc vì nghiên cứu về Tuệ học, nên Tam Luận tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông được thành lập. Vì tu tập về Định học nên có Thiền tông ra đời, vì nương theo vào “Giới học” để tu trì nên có Luật tông xuất hiện.
Về Giới học ở Ấn Độ thì nương vào 5 bộ luật khác nhau là Đàm Vô Đức bộ, Tát Bà Đa bộ, Di Sa Tắc bộ, Ca Diếp Di bộ và Ma Ha Tăng Kỳ bộ. Trong 5 bộ này, có 4 bộ được truyền tới Trung Quốc, tức: Quảng Luật của Đàm Vô Đức bộ là Tứ Phần Luật (60 quyển) vào đời Diêu Tần do Ngài Phật Đà Da Xá dịch; Tát Bà Đa bộ tức Thập Tụng Luật (61 quyển) do Ngài Phất Nhã Đa La dịch; Di Sa Tắc bộ tức Ngũ Phần Luật (30 quyển) do Ngài Phật Đà Thập dịch; Ma Ha Tăng Kỳ Luật Bộ (40 quyển) do Ngài Phật Đà Bạt Đà La và Pháp Hiển cùng dịch. Còn Ca Diếp Di bộ tức Giải Thoát Luật thì chưa truyền tới.
Trong các bộ luật kể trên, sau khi được dịch ra, Tăng đoàn của Trung Quốc nương vào đó mà tổ chức Giáo đoàn. Trong đời Ngụy và đời Tấn thì Tăng Kỳ Luật được thịnh hành ở vùng Giang Bắc, Thập Tụng Luật được phát triển ở vùng Giang Nam. Sự thọ giới của Giáo đoàn, nương vào Tứ Phần Luật, nhưng sinh hoạt của Giáo đoàn lại nương vào Tăng Kỳ Luật và Thập Tụng Luật.
Tứ Phần Luật tuy đã được Ngài Phật Đà Da Xá dịch, nhưng vì chưa được hoàn bị, nên Ngài Pháp Thông đời Bắc Ngụy nhiệt tâm nghiên cứu và giảng giải bộ luật đó. Môn đệ của Ngài là Đạo Phú lại nương vào lời thầy giảng mà soạn thành bộ Tứ Phần Luật Sớ. Sau, môn đệ của Đạo Phú là Tuệ Quang (468 - 537) tận lực hoằng truyền, nên môn học Tứ Phần Luật phát triển rực rỡ. Môn đệ của Tuệ Quang là Đạo Vân, Đạo Huy và môn đệ của Đạo Vân là Trí Thủ, môn đệ của Đạo Huy là Hồng Tuân kế thừa, đều là những nhân vật hoạt động về Luật học ở đời Tùy, tới đời Đường thì “Tứ Phần Luật tông” được hoàn toàn thành lập. Cũng trong đời Đường, nghiên cứu và hoằng dương về Luật học gồm có 3 tông : “Nam Sơn tông”, “Tướng Bộ tông” và “Đông Tháp tông”.
1. Nam Sơn Tông
Đạo Tuyên (596 - 667), người sáng lập ra Nam Sơn Luật tông, là người huyện Đan Đồ, tỉnh Giang Tô, sinh năm Khai Hoàng thứ 16 (569) đời Tùy, y Ngài Trí Thủ (567 - 635) ở Trường An thọ giới Cụ túc, chuyên học về Luật. Vì lúc đầu Ngài trụ trì chùa Phong Đức núi Chung Nam nên có tên là “Nam Sơn Luật sư”. Sau, Ngài vâng sắc nhậm chức Thượng tọa chùa Tây Minh ở Trường An để truyền bá Luật học. Tới năm Càn Phong thứ 2 (667), Ngài thị tịch, thọ 72 tuổi. Ngài là người hoàn thành về giáo nghĩa của Luật tông, và hệ thống Luật học của Ngài gọi là “Nam Sơn tông”.
Về trước tác của Ngài gồm có Tứ Phần Luật Hành Sự Sao (3 quyển), Tứ Phần Luật Yết Ma Sớ (4 quyển), Tứ Phần Luật Giới Bản Sớ (94 quyển), Thập Tỳ Ni Nghĩa Sao (4 quyển), Tỳ kheo Ni Sao (3 quyển), là các bộ thuộc Luật học. Ngoài ra, Ngài còn soạn các bộ Đại Đường Nội Điển Lục (10 quyển) để chỉnh lý kinh điển, Cổ Kim Phật Đạo Luận Hành (4 quyển) và Quảng Hoằng Minh Tập (30 quyển), Thích Thị Lược Phổ (1 quyển), Thích Ca Phương Chí (5 quyển), Tam Bảo Cảm Thông Lục (3 quyển), đều là những bộ rất có giá trị trên phương diện sử học Phật giáo.
Đệ tử thượng túc của Đạo Tuyên là Đại Từ, Văn Cương, Chu Tú, Dong Tế v.v. đều tận lực hoằng truyền về Luật. Ngoài ra, em đồng môn của Ngài là Đạo Thế, đệ tử Ngài Trí Thủ, trước tác bộ Tứ Phần Luật Thảo Yếu và Tứ Phần Ni Sao cùng bộ Pháp Uyển Châu Lâm (100 quyển) để lưu truyền ở đời.
2. Tướng Bộ Tông
Sơ tổ của “Tướng Bộ tông” là Luật sư Pháp Lệ (569 - 635), trụ trì chùa Nhật Quang thuộc Tướng Châu (tỉnh Hà Nam) biệt lập thành một phái Luật học, nên có tên là “Tướng Bộ tông”. Ngài là pháp tôn của Hồng Tuân, hơn Đạo Tuyên 27 tuổi. Về trước tác của Ngài có Tứ Phần Luật Sớ. Môn đệ của Ngài là Mãn Ý, Hoài Tố v.v. Sau Hoài Tố lại là Khai tổ của “Đông Tháp tông”.
3. Đông Tháp Tông
Khai tổ của Đông Tháp tông là Hoài Tố (624 - 697). Lúc đầu Hoài Tố theo học Ngài Huyền Trang, sau theo Pháp Lệ học về luật, nhưng không vừa ý với học thuyết của thầy, Ngài liền trước tác Tứ Phần Luật Khai Tông Ký để phát biểu học thuyết mới, lấy chùa Sùng Phúc Đông Tháp làm căn cứ địa để hoằng truyền Luật học, lập thành một phái riêng gọi là “Đông Tháp tông”. Môn đệ của Ngài là Pháp Thuận kế thừa. Nhưng Đông Tháp tông cũng như Tướng Bộ tông, lưu truyền không được bao lâu rồi đều bị suy tàn, duy có Nam Sơn tông còn lưu truyền ở đời cho tới hiện nay. (Trích trong cuốn Lịch sử Phật giáo Trung Quốc của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm).
Tiếp sau, người hoằng truyền Luật có lực nhất là Nguyên Chiếu Luật sư (tên chữ là Linh Chi, tên hàm (thụy) là Đại Trí, 1048 - 1116). Ngài trước tác các bộ Hành Sự Sao Tư Trì Ký, Giới Bản Sớ Hành Tông Ký, Yết Ma Sớ Tế Lục Ký. Từ đời Đường đến đời Tống, giải thích về Hành Sự Sao có hơn 60 nhà nhưng cũng không vượt ngoài khuôn khổ của Luật sư Nguyên Chiếu.
Tới đời Nguyên, thời kỳ Lạt Ma giáo và Thiền tông rất thịnh hành, Luật học chỉ duy có Luật sư Pháp Văn chùa Đại Phổ Khánh ở kinh thành, là người hoằng luật nổi tiếng, học đồ tới hàng ngàn người.
Sang đời Minh, thời kỳ Thiền tông cũng vẫn thịnh hành. Luật tông cũng rất được phát triển; vì có Luật sư Tri Huyễn Đạo Phú, trụ trì chùa Giới Đài ở Tây Sơn Yến Độ, trong khoảng niên hiệu Chính Thống (1436 - 1449) có tổ chức Đại giới đàn vào tháng 4 trong mỗi năm, Tăng chúng khắp nơi về thọ giới rất đông đảo. Đến cuối đời Minh, ở Giang Nam có Vân Thê Châu Hoằng và Linh Phong Trí Húc, hai Đại sư này cùng nối tiếp hoằng truyền giới luật. Ngài Vân Thê soạn các bộ Bồ Tát Giới Sở Phát Ẩn (5 quyển), Sa Di Luật Nghi Yếu Lược v.v. Ngài Linh Phong soạn các bộ Phạm Võng Kinh Hợp Chú (7 quyển), Bồ Tát Giới Bản Tiên Yếu (1 quyển), Bồ Tát Giới Yết Ma Văn Thích (1 quyển), Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu (17 quyển), Sa Di Oai Nghi Lục Yếu, Tứ Phần Kiền Độ Lược Thích v.v.
Lĩnh Nam thời có Luật sư Hoằng Tán Tại Tham, núi Đỉnh Hồ, khi Ngài 34 tuổi, có ý muốn tới Thiên Trúc để cầu thỉnh Phạm Tăng tới Trung Quốc trao truyền giới pháp lại nhưng không toại nguyện. Về trước tác của Ngài gồm có Phạm Võng Lược Sớ (8 quyển), Tứ Phần Luật Như Thích (12 quyển), Tứ Phần Danh Nghĩa Tiêu Thích (40 quyển), Tỳ kheo Thọ Giới Lục, Tỳ kheo Ni Thọ Giới Lục (đều 1 quyển), Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú (2 quyển). Tại Việt Nam, vì ảnh hưởng Phật giáo đời Minh, nên Phật giáo Việt Nam kiêm cả Thiền, Tịnh và Luật.
Các trước tác về luật Đại thừa, và Tứ Phần Luật tông của các Ngài Vân Thê Châu Hoằng, Linh Phong Trí Húc và Hoằng Tán Tại Tham đều đã được truyền tới Việt Nam. Phật giáo Việt Nam cũng đã cho khắc văn lưu hành các bộ luật như Bồ Tát Giới Sớ Phát Ẩn (5 quyển), Sa Di Luật Nghi Yếu Lược của Tổ Vân Thê; Phạm Võng Hợp Chú (7 quyển), Bồ Tát Giới Bản Tiên Yếu (1 quyển, Sa di Oai Nghi Lục Yếu của Tổ Linh Phong; Phạm Võng Lược Sớ (8 quyển), Tứ Phần Luật Như Thích (12 quyển), Tứ Phần Danh Nghĩa Tiêu Thích (40 quyển), Tỳ kheo Thọ Giới Lục và Tỳ kheo Ni Thọ Giới Lục (đều 1 quyển), Sa di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú (2 quyển) của Tổ Hoằng Tán Tại Tham. Các bộ sách này đều đã được khắc văn và ấn hành tại Việt Nam bằng nguyên văn chữ Hán. Hòa thượng Thích Hành Trụ tại Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh, Ngài đã dịch sang tiếng Việt gồm các bộ Tứ Phần Luật Như Thích, ấn hành năm 1959 và Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú ấn hành năm 1964.