Tiểu thừa luật là các bộ luật hàng Tiểu thừa thọ trì. Những luật điển này đều thuộc trong Thanh văn tạng, gọi là Tiểu thừa luật. Tiểu thừa luật được truyền thừa để hành trì gồm có 5 bộ:
1. Đàm Vô Đức Bộ Truyền Luật Tứ Phần.
2. Tát Bà Đa Bộ Truyền Luật Thập Tụng.
3. Di Sa Tắc Bộ Truyền Luật Ngũ Phần.
4. Ca Diếp Di Bộ Truyền Giải Thoát Giới.
5. Ma Ha Tăng Kỳ Bộ Truyền Luật Tăng Kỳ.
Đó là 5 bộ luật của Tiểu thừa.
Khi Phật còn tại thế, Ngài đi hoằng hóa khắp nơi và chế ra những điều giới luật để ngăn ngừa hàng đệ tử phạm lỗi. Tùy chỗ phạm lỗi mà chế định, đó là khởi nguyên của Luật. Sau Phật diệt độ, khi các đệ tử Phật kết tập lần thứ nhất, Tôn giả Ưu Ba Ly (Upāli) 80 lần tuyên đọc tạng Luật, vì vậy mà có tên gọi là Bát Thập Tụng Luật. Sau đó khoảng 100 năm, qua sự truyền thừa hành trì của 5 vị: Ca Diếp (Mahākāśyapa), A Nan (Ānanda), Mạt Điền Địa (Madhyāntika), Thương Na Hòa Tu (Śāṇavāsi), Ưu Bà Cúc Đa (Upagupta) đều thuần nhất một vị, chưa phân chia cách nhìn khác nhau về giới luật. Tới Ngài Ưu Bà Cúc Đa có 5 người đệ tử: 1. Đàm Vô Đức; 2. Tát Bà Đa; 3. Di Sa Tắc; 4. Ca Diếp Di; 5. Bà Ta Phú La, đều truyền bá và hành trì Luật tạng riêng mà phát sinh thành 5 bộ như trên.
Luật điển về Tiểu thừa hiện còn được chép trong Tần Già Tạng gồm có 71 bộ, 496 quyển, Luật điển chủ yếu là các bộ Tứ Phần Luật, Thập Tụng Luật, Ngũ Phần Luật, Tăng Kỳ Luật và Giải Thoát Giới tức Giải Thoát Giới Kinh; còn Quảng Luật chưa truyền tới. Ngoài ra còn có Tát Bà Đa Bộ, sau dịch là Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da, nay cũng nằm trong tạng Tiểu thừa.
1. Đàm Vô Đức Bộ Quảng Luật (Dharmaguptalka) - Tứ Phần Luật 60 quyển, vào đời Diêu Tần do hai Ngài Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm cùng dịch.
2. Tát Bà Đa Bộ Quảng Luật (Sarvasti-vada) - Thập Tụng Luật 61 quyển, vào đời Hậu Tần do hai Ngài Phật Nhã Đa La và La Thập cùng dịch.
3. Di Sa Tắc Bộ Quảng Luật (Mahisà-saka) - Ngũ Phần Luật 30 quyển, vào đời Lưu Tống do hai Ngài Phật Đà Thập và Đạo Sinh cùng dịch.
4. Ma Ha Tăng Kỳ Bộ Quảng Luật (Mahà-sanghika) 40 quyển, vào đời Đông Tấn do hai Ngài Phật Đà Bạt Đà La và Pháp Hiển cùng dịch.
5. Ca Diếp Di Bộ Giới Bản (Kàsyapiya) - Biệt Giải Thoát Kinh 1 quyển, vào đời Nguyên Ngụy do Ngài Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi dịch.
6. Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da (Mulasarvàtivàda-vinaya) 50 quyển, vào đời Đường do Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Ngoài Tứ Phần Luật, Quảng Luật ra, còn lưu truyền giới bản của Tăng Ni và Yết ma gồm 6 bộ như sau:
1. Tứ Phần Luật Tỳ kheo Giới Bản, 1 quyển, vào đời hậu Tần do Ngài Phật Đà Da Xá dịch.
2. Tứ Phần Tăng Giới Bản (Biệt hành bản), 1 quyển, vào đời hậu Tần do Ngài Phật Đà Da Xá dịch.
3. Tứ Phần Luật Tỳ kheo Ni Giới Bản, 1 quyển, vào đời hậu Tần do Ngài Phật Đà Da Xá dịch.
4. Đàm Vô Đức Luật Bộ Tạp Yết Ma, 1 quyển, vào đời Tào Ngụy do Ngài Khương Tăng Khải dịch.
5. Yết Ma (Dị dịch bản), 1 quyển, vào đời Tào Ngụy do Ngài Đàm Đế dịch.
6. Tỳ kheo Ni Yết Ma Pháp, 1 quyển, vào đời Tống do Ngài Cầu Na Bạt Ma dịch.
Ngoài Thập Tụng Luật và Quảng Luật ra còn có quyển Giới bản của Tăng Ni và Yết ma gồm 3 bộ:
1. Thập Tụng Tỳ kheo Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bản, 1 quyển, vào đời Diêu Tần do Ngài Cưu Ma La Thập dịch.
2. Thập Tụng Tỳ kheo Ni Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bản, 1 quyển, vào đời Tống do Ngài Pháp Hiển biên tập.
3. Đại Sa Môn Bách Nhất Yết Ma Pháp, 1 quyển, khuyết tên người dịch.
Ngoài Ngũ Phần Luật và Quảng Luật ra còn có giới bản của Tăng Ni và Yết ma gồm 3 bộ:
1. Di Sa Tắc Ngũ Phần Giới Bản, 1 quyển, vào đời Tống do hai Ngài Phật Đà Thập và Đạo Sinh dịch.
2. Ngũ Phần Tỳ kheo Ni Giới Bản, 1 quyển, vào đời Lương do Ngài Minh Huy biên tập.
3. Di Sa Tắc Yết Ma Bản, 1 quyển, vào đời Đường do Ngài Ái Đồng ghi chép.
Ngoài Tăng Kỳ Luật, Quảng Luật ra còn có truyền về giới bản của Tăng Ni gồm 2 bộ:
Ma Ha Tăng Kỳ Đại Tỳ kheo Tỳ kheo Ni Giới Bản, 1 quyển, vào đời Đông Tấn do Ngài Phật Đà Bạt Đà La dịch.
Ma Ha Tăng Kỳ Tỳ kheo Tỳ kheo Ni Giới Bản, 1 quyển, vào đời Đông Tấn do Ngài Pháp Hiển và Giác Hiền cùng dịch.
Duy có Giải Thoát Luật chỉ truyền có 1 quyển Giải Thoát Giới Kinh, còn Quảng Luật và Yết Ma đều chưa truyền tới. Ngoài Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Quảng Luật ra cũng còn truyền các bộ về giới bản của Tăng Ni và Yết ma như sau:
Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bí Sô Ni Tỳ Nại Da Ni Quảng Luật, 20 quyển, vào đời Đường do Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Giới Kinh Tăng Giới Bản, 1 quyển, vào đời Đường do Nghĩa Tịnh dịch.
Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bí Sô Ni Giới Kinh Ni Giới Bản, 1 quyển, vào đời Đường do Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma, 10 quyển, vào đời Đường do Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Căn bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự Yết Ma, 40 quyển, vào đời Đường do Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Ngoài các bộ Quảng Luật kể trên, chư Tổ y vào Luật để tạo Luận, còn có 5 bộ luận như sau:
1. Tỳ Ni Mẫu Luận Kinh, 8 quyển. (Thất dịch).
2. Ma Đắc Lặc Già Luận, gọi đầy đủ là Tát Bà Đa Bộ Tỳ Ni Ma Đắc Lặc Già, 10 quyển, vào thời Lưu Tống do Ngài Tăng Già Bạt Ma dịch. Hai bộ luận trên do y vào Luật bộ Tát Bà Đa.
3. Thiện Kiến Luận, vốn gọi là Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa, 18 quyển, vào đời Nam Tề do Ngài Tăng Già Bạt Ma dịch.
4. Tát Bà Đa Luận, vốn gọi là Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa, 9 quyển, khuyết tên người dịch. Luận này giải thích Thập Tụng Luật.
5. Minh Liễu Luận, vốn gọi là Luật Nhị Thập Nhị Minh Liễu Luận, 1 quyển, vào đời Tần do Ngài Chân Đế dịch. Luận này giải thích Giới luật thuộc Chính Lượng Bộ.
Trong các bộ Luật, Luật điển được lưu hành rộng rãi nhất là Tứ Phần Luật, vào đời Đông Tấn do hai Ngài Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch. Hoằng truyền và giảng tập luật này đầu tiên là Luật sư Pháp Thông (Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế, 467 - 499). Pháp Thông truyền cho đệ tử là Luật sư Đạo Phú. Đạo Phú truyền cho Luật sư Tuệ Quang, rồi đến Luật sư Trí Thủ, đều soạn chú sớ để hoằng truyền Tứ Phần Luật. Tiếp đến Nam Sơn Luật sư Đạo Tuyên (596 - 666), Ngài căn cứ vào nghĩa Đại thừa để giải thích Tứ Phần Luật, trước tác các phần sớ thích để thành lập Tứ Phần Luật tông gọi là “Nam Sơn tông”. Lại cũng ở thời ấy còn có Luật sư Pháp Lệ, sáng lập “Tướng Bộ tông” và Luật sư Hoài Tố (625 - 698) sáng lập “Đông Tháp tông”. Các Luật sư này đều y cứ vào Tứ Phần Luật làm các sớ thích, cùng với Nam Sơn Luật sư Đạo Tuyên, đều hoằng truyền ba tông luật. Ba tông này, chỉ có Nam Sơn tông là đời đời hoằng truyền không dứt, vẫn thịnh hành mãi đến ngày nay. Vì sự hoằng truyền Tứ Phần Luật rất rộng, nên các chú sớ về Tứ Phần Luật từ xưa tới nay cũng rất nhiều. Nay tóm lược những chú sớ chủ yếu như sau:
1. Tứ Phần Luật Sớ, 6 quyển, do Ngài Đạo Phú soạn.
2. Tứ Phần Luật Sớ, 4 quyển, do Ngài Tuệ Quang soạn.
3. Tứ Phần Luật Sớ, 20 quyển (hiện còn quyển 9), vào đời Đường do Ngài Trí Thủ soạn.
4. Tứ Phần Luật Ngũ Đại Bộ Sớ Sao (Hành Sự Sao, Giới Sớ, Nghiệp Sớ, Thập Tỳ Ni Nghĩa Sao, Tỳ kheo Ni Tỳ kheo Ni Sao), 38 quyển, vào đời Đường do Ngài Đạo Tuyên soạn.
5. Tứ Phần Luật Sớ, 20 quyển, vào đời Đường do Ngài Pháp Lệ soạn.