Tôi sinh ra trong một gia đình chuyên biểu diễn Hầu hý với danh xưng nổi tiếng “Hầu vương thế gia”. Vận mệnh đã quyết định tôi trở thành một thành viên của gia đình, để tôi có thể chia sẻ những cay đắng và vinh quang do các tiền bối trong gia tộc để lại; vận mệnh cũng đã cho tôi một trách nhiệm kiên định, tôi quyết tâm gánh vác sứ mệnh nặng nề của gia tộc này, phát dương tinh thần Hầu vương, văn hóa Hầu vương; vận mệnh đã để cho tôi cố gắng với trăm đắng ngàn cay để diễn thành công vai diễn “Tôn Ngộ Không”, tôi tin chắc rằng vận mệnh này sẽ tiếp tục hướng dẫn tôi đi hết cuộc đời. Có thể nói, vận mệnh này là một chữ “duyên” từ khi tôi sinh ra.
ÔNG NỘI VÀ PHỤ THÂN “THÂU NGHỆ” ĐĂNG ĐÀI
Nhắc đến cha của tôi là Lục Linh Đồng, nếu nói về giới biểu diễn Hý khúc ở Thượng Hải cũ thì mọi người đều đưa ngón tay cái lên. Thực ra để có được danh tiếng như vậy, thì phải từng bước từng bước một với muôn vàn gian nan khi tìm chỗ đứng ở Thượng Hải cũ.
Năm 1924, cha tôi sinh ra ở đường Học Sĩ – Thiệu Hưng, ông nội đặt tên cho ông là Chương Tông Nghĩa.
Ông nội Chương Ích Sinh một mình đến Thượng Hải lập nghiệp, mở ra Lão Sạp Đại Hý Viện, thời gian đó quả thực vất vả khôn cùng, một lời khó giãi bày hết được. Khi còn nhỏ, cha và ông nội rất ít khi sống gần nhau, bởi vì ông nội là chủ của Lão Sạp Đại Hý Viện và Đồng Xuân Sân khấu, phần lớn thời gian của ông nội là bận rộn ở Thượng Hải, còn bà nội thì sống cùng cha và bác tôi ở thành Thiệu Hưng.
Trong trí nhớ của phụ thân, lần đầu tiên ông ý thức được khả năng biểu diễn chính là khi đi học, ông và bác đóng giả thành người tàn tật, một người thì què còn một người thì đi cà nhắc, người qua đường cứ tưởng là thật, cảm thấy tiếc cho hai người, lại có người thở ngắn than dài. Từ đó trở đi, cha tôi cũng bắt đầu viết những dòng đầu tiên cho nghiệp “biểu diễn trên đường phố” của mình.
Cha tôi rất thích xem tuồng biểu diễn ở đình chùa, đầu tiên là ngồi trên cổ người lớn để xem, sau đó thì tự mình ngồi thuyền để đi. Ông rất mê xem tuồng ở đình chùa, có lúc các bạn của ông đi học còn ông thì trốn học, một mình ngồi thuyền đến những thôn trấn ở xa để xem người tuồng biểu diễn ở đình chùa. Cứ như vậy cha tôi tuy bỏ dở việc học, nhưng thông qua xem tuồng, trong đầu cha lại nhét đầy “tuồng”. Đêm đến thường xuyên mơ thấy các màn các cảnh ở trong những vở tuồng biểu diễn ở đình chùa, ban ngày cũng thường xuyên nằm “mộng giữa ban ngày”. Khi đó, cha rất hi vọng có thể bước lên sân khấu để biểu diễn.
Chính vào lúc này, người bác Thất Linh Đồng của tôi cũng bắt đầu đăng đài biểu diễn ở Thượng Hải Lão Sạp Hý Viện, và cũng bắt đầu nổi danh, ông đã diễn thành công vai chính Lão Sinh, đặt mệnh danh là “Thần đồng Lão Sinh”.
Cha tôi nghe thấy bác tôi nổi danh trên sân khấu, thì quay ra cự cãi với bà nội là muốn đến Thượng Hải diễn tuồng, so tài cao thấp với bác một phen. Bà nội không hề muốn cha học tuồng, nhưng cuối cùng cũng không khuyên can nổi ông, thế là liền dắt cha tôi đi Thượng Hải, như vậy là cả nhà chuyển từ Thiệu Hưng lên Thượng Hải, ở tại tầng ba của Lão Sạp Hý Viện.
Lão Sạp Đại Hý Viện nằm ở góc đường Phúc Kiến Trung Lộ và Bắc Kinh Lộ Khẩu tại Thượng Hải, trước đây vốn là một nhà kho của Ngũ Phông Tiền Trang. Ông chủ của cái kho này là Tôn Mai Khánh cũng là người Thiệu Hưng, yêu mến tha thiết tuồng của Thiệu Hưng, do đó ông nội Chương Ích Sinh dễ dàng mượn được nhà kho này, cải tạo thành hý viện. Kịch trường ở lầu hai, có 491 chỗ ngồi, và là một trong số hí viện to nhất vào thời đó, nhân khí cực vượng, hý viện thường xuyên không còn chỗ trống, đến cuối tuần thì ngay đến cả hành lang cũng không còn khoảng trống nào.
Sau khi ông nội mở Lão Sạp Đại Hý Viện, uy tín và quy mô lớn như vậy cũng không phải là việc dễ dàng, bởi vì ông từ vùng quê Thiệu Hưng đến Thượng Hải là chỗ rồng cá lẫn lộn, không hề có chỗ dựa có thể nhờ giúp đỡ, chỉ dựa vào chính sức lực và khả năng của bản thân để gây dựng hý viện thành công.
Sau khi có được chỗ đứng ở Thượng Hải, ông nội vẫn không quên gốc gác của mình. Ông đã cho xây lại con đường đất ở quê nhà thành con đường đá. Hơn nữa, phàm là những người đồng hương quê ở Thiệu Hưng tìm đến, nếu thích hợp thì ông sẽ giữ lại để làm việc, nếu không thích hợp, thì cho một khoản lộ phí hoặc giả một chút sinh hoạt phí; có gia đình có người vừa qua đời tìm đến xin giúp đỡ, cũng nhận được khoản tiền để mua quan tài.
Sau khi đến Thượng Hải, cha tôi trở thành khán giả đặc biệt của Lão Sạp Đại Hý Viện, ông thường là người đến sớm nhất và cũng là người về sau cùng. Khi xem diễn tuồng thường đứng ở sát cánh gà sân khấu, người ông cao bằng sân khấu, đêm diễn nào ông cũng xem rất kỹ. Nhưng xem thì xem, ông bà nội khi đó không hy vọng cả hai đứa con của mình đều học tuồng, bởi vì địa vị khi đó của diễn viên rất thấp, là “con hát”. Nếu những gia đình vẫn còn kế sinh nhai khác thì sẽ không bao giờ cho con cái của mình đi học tuồng cả. Lúc bấy giờ, ông nội đã là “ông chủ”, kinh tế gia đình tương đối giàu có, đương nhiên không hy vọng con cái của mình lại đi kiếm ăn bằng cái nghề bị coi là của “tiện dân”. Chính vì vậy, cha tôi tựa như không có cơ hội để bước lên sàn diễn.
Nhưng cha và bác tôi lại rất thích diễn, hy vọng có được bạn diễn trên sân khấu, ông liền chạy đến không ngừng thuyết phục ông bà nội. Cuối cùng ông nội cũng đồng ý cho cha đóng vai Tiểu Bá Vương trong vở Bá Vương Xuất Thế. Cha tôi rất nóng lòng được bước lên sân khấu để thể hiện mình. Không biết cha đã xem bao nhiêu lần vở Bá Vương Xuất Thế, đối với từng cử chỉ của Tiểu Bá Vương hầu như ông đã nằm lòng, nhưng đến khi chính thức bước lên sàn diễn, thì lại có chút luống cuống. Nhớ lại lần đầu tiên đó, cha nói: “Mọi người vẽ mặt cho cha, hóa trang cho cha xong, cha lấy hết can đảm bước lên sàn diễn. Đến lúc diễn nghe thấy những diễn viên khác nói ‘Giả vờ ngang tàng một chút, càng ngang tàng càng tốt’, thế là liền nhăn mặt, vươn cổ, giơ tay đạp chân một hồi. Sau khi diễn xong, cha cũng không hiểu là mình thành công hay là thất bại, chỉ thấy phụ thân cười và bế cha lên thôi.”
Không cần phải nói, cha tôi đã thành công. Sau khi diễn vở Bá Vương Xuất Thế, cha tôi lại tiếp tục đăng đài diễn thêm mấy ngày nữa, rất nhanh, cha đã trở thành ngôi sao nhỏ của gánh hát Thiệu Hưng.
Sau khi có thể đăng đài biểu diễn, thì cần phải có một ngoại hiệu thật kêu. Năm đó, khi bác tôi bảy tuổi đăng đài biểu diễn, nên lấy tên là Thất Linh Đồng, hiện giờ có thêm một vị đệ đệ mới sáu tuổi cũng đã đăng đài biểu diễn, một người công nhân trong rạp khi đó đã đặt cho cha một nghệ danh là “Lục Linh Đồng”, in thẳng lên lịch chiếu. Không ngờ từ đó về sau, gia đình nhà chúng tôi đã kết duyên son sắt với chữ “Lục” này.
Tuy cha và bác tôi đã có được tên tuổi của mình, nghiệp diễn cũng đã khai sơn lập phái, nhưng hai người chưa từng chính thức bái sư học nghệ, hai người chủ yếu đứng dưới sàn diễn quan sát tuồng của các gánh hát, “học lỏm” tuyệt nghệ của các gánh hát. Có thể nói, các vai lớn nhỏ ở bến Thượng Hải đều có thể là “sư phụ” của hai người họ.
Thực ra, khi mới bắt đầu, cha vẫn hay lén tìm đến võ sinh nổi tiếng trong gánh hát là Ngô Nguyệt Lâu, muốn bái sư học nghệ. Ngô Nguyệt Lâu lúc đầu không chịu, sau này bị bám sát quá nên đành phải nhận lời, liền bắt cha uốn ngược người để xem thử. Cha chịu đau uốn ngược người, cho rằng thầy Ngô sẽ chịu nhận ông làm đệ tử. Không ngờ thầy Ngô nói, eo của cha không thích hợp luyện công, diễn tuồng. Cha nghe xong liền òa lên khóc.
Trải qua trắc trở lần này, cha cũng không hề vì nguyên nhân đó mà bỏ dở việc học tuồng, ông và bác tôi vẫn quyết định “học lỏm”. Thế là, khi ba vị võ sinh của đoàn dạy đồ đệ luyện công, hai anh em liền ở bên cạnh xem. Hai anh em xem xong, bản thân không ngừng ngày đêm luyện tập. Cuối cùng còn học nhanh hơn cả ba vị đồ đệ chính thức kia. Thầy Ngô trong lúc cảm khái đã nói ra lý do thực sự không muốn nhận hai anh em làm đồ đệ: Vì ông chủ gánh hát là cha của hai anh em, chưa được chủ gánh gật đầu, không dám khinh cử vọng động, thế là mới nói dối để cự tuyệt lời thỉnh cầu của cha tôi.
Bà nội vô cùng thương yêu cha, bà thấy cha luyện công khổ sở, nhân lúc đêm khuya mọi người đã ngủ say liền lén giấu sợi dây luyện công của cha đi. Nhưng cha vẫn rất kiên quyết: “Mẹ không cho con luyện, con vẫn cứ luyện”. Bác tôi cũng ủng hộ việc cha tôi luyện công, ông liền lấy sợi dây luyện công của mình ra để hai anh em cùng luyện.
Ông nội tôi không cho cha học tuồng, nhưng lại không phản đối việc bác tôi học tuồng, do đó bác tôi có thể đường đường chính chính mời võ sư người Sơn Đông đến dạy võ thuật, lén lút để cha tôi cùng học. Sau này cha tôi còn cùng những người bán vé thường xuyên tụ tập để học tuồng, với sự va chạm liên tục với những người bán vé, cha tôi cũng dần dần học được cách rút kiếm ra và đút kiếm vào, cách thức phi xoa là những tuyệt học của Hý khúc truyền thống.
Bởi vì ông bà nội không muốn cho cha tôi học tuồng, tựa như không cho ông cơ hội đăng đài biểu diễn, do đó trong sáu bảy năm tiếp theo, cha tôi tổng cộng cũng chỉ có ba cơ hội để biểu diễn. Có điều, đối với cha mà nói, ba cơ hội đó đã là quá đủ. Trong khoảng thời gian này, cha tôi tổng cộng đã đóng vai phụ trong ba vở tuồng Khổ mệnh nữ, Đào Hoa Hận, Li Miêu hoán Thái tử. Khi vừa bước lên sân khấu là hứng diễn lại nổi lên, phụ thân còn diễn được cả những tuyệt nghệ mà ngày thường học lỏm được, khiến người xem cảm thấy rất mới mẻ. Sự biểu diễn xuất sắc của ông đã chinh phục rất nhiều khán giả, chinh phục được những người trong nghề, cũng chinh phục luôn cả ông bà nội, từ đó có thể đường đường chính chính bước lên sân khấu, thương hiệu “Văn võ hát xướng hai mặt” đã được tạo dựng từ đây.
Sau này, trong quá trình diễn vở Sư tử lầu, cha tôi không may bị ngã vỡ xương, việc này đã khiến ông trong thời gian dài không thể diễn tuồng, cảm thấy vô cùng chán nản. Sau này, vết thương vừa lành, cha tôi lại gặp phải việc “vỡ giọng” (giọng hát của diễn viên hí kịch trong thời kỳ vàng son bị thay đổi hoàn toàn). Thế là, để tiếp tục diễn tuồng, cha tôi liền có suy nghĩ: Văn bất thành thì võ, xướng bất thành thì đánh.
TỰ THÀNH “NAM HẦU VƯƠNG”
Khi đó phụ thân thường xuyên xem Kinh hý (hí kịch của Bắc Kinh) Tây Du Ký, con của Cái Khiếu Thiên và Trương Dực Bằng đóng vai Tôn Ngộ Không là khiến cho cha tôi điên đảo nhất. Sau những lúc được xem no con mắt, cha tôi dần dần manh nha trong đầu là cần học Hầu hý để diễn Tôn Ngộ Không.
Khi đó, Hầu hý Ngộ Không là một phần trong nhiều thể loại của Kinh kịch, sớm đã rất quen thuộc với mọi người, đồng thời hình thành nên phong cách diễn khá độc đáo và khác biệt với những nơi khác gọi là Bắc phái và Nam phái. Nhân vật đại diện của Bắc phái là Dương Tiểu Lâu, ngoài ra còn có Hách Chấn Cơ, Lý Vạn Xuân, Lý Thiếu Xuân, đại diện của Nam phái là Trịnh Pháp Tường và Cái Khiếu Thiên, cha con Trương Dực Bằng. Ngoài Kinh kịch ra, ông còn xem thêm rất nhiều loại tuồng Hầu hý như Côn kịch, Vụ kịch, Lư kịch. Khi đã tập hợp rất nhiều trường phái, rút tỉa được rất nhiều sở trường của các nhà, ông dần dà có cách nhìn riêng của bản thân đối với Tôn Ngộ Không.
Không lâu sau, các sư phụ của Đồng Xuân Sân khấu biết được phụ thân có ý muốn mở thêm Hầu hý, mọi người đều cổ vũ khích lệ ông, đồng thời đề nghị ông trước tiên phải học tốt võ hý, để làm nền tảng cơ bản. Thế là cha tôi liền đến thỉnh giáo Ngô Nguyệt Lâu. Trải qua thời gian dài nỗ lực, cha dần dần học được các loại võ hý truyền thống nổi danh, như “Dạ Bôn”, “Hoa Hồ Điệp”, “Phạt Tử Đô”, “Khiêu Hoạt Xa”, “Chiến Mã Chiêu”, “Chu Du Quy Thiên”, xây dựng nên cơ sở cho Hầu hý sau này của ông.
Cha tôi thành danh nhờ vào diễn Tây Du Ký, nhưng trước khi diễn Tây Du Ký, ông đã phải dựa vào Tế Công trong ba năm, có thể nói, Tế Công đã cứu Đồng Xuân Sân khấu. Cũng chính là thông qua vai diễn Tế Công, kỹ thuật diễn của cha ngày càng trở nên thành thục, khả năng biên kịch cũng đã có một bước tiến dài, đã xây dựng nền tảng vững chắc cho vai diễn Tây Du Ký sau này. Hơn nữa, Tế Công và Tôn Ngộ Không cũng là hai nhân vật vô cùng đáng yêu, hoạt kê và còn rất hóm hỉnh, giữa hai nhân vật này có chung một điểm, chính là “nhân duyên” giữa hai vở tuồng. Có thể nói, tiền truyện của Tây Du Ký chính là Tế Công, sự kết thúc của Tế Công chính là sự bắt đầu của Tây Du Ký, bắt đầu mở màn cho Thiệu Hưng Hầu hý của cha tôi.
Trước lúc này, cha tôi vẫn luôn mong mỏi được diễn Hầu hý, nhưng khi cơ hội thực sự đến thì ông lại có chút suy nghĩ muốn bỏ của chạy lấy người. Cha và bác tôi sống với nhau đã lâu, bác tin cha tôi chắc sẽ diễn tốt Tôn Ngộ Không, do đó đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết cho việc quảng cáo như thế nào mới ăn khách, ông không cho phép cha tôi rút lui. Cha tôi đành gồng mình cố gắng.
Trước tiên bác tôi chụp hình bốn thầy trò trong Tây Du Ký làm thành một tấm quảng cáo lớn, đưa lên tầng thượng của Lão Sạp Đại Hý Viện, những người đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy tấm quảng cáo này; tiếp đến bác tôi cho rửa hình cha đóng vai Tôn Ngộ Không, bản thân mình đóng Trư Bát Giới, và hình của bốn thầy trò, khách xem khi mua một vé thì được tặng một tấm hình trong số bốn tấm hình, nếu gom đủ bốn tấm hình, thì có thể được chụp hình lưu niệm với bốn người.
Do bác tôi lên kế hoạch và quảng cáo rất tỉ mỉ, vé của buổi diễn đã bán hết veo. Còn cha tôi, để diễn tốt, cũng đã chuẩn bị rất tỉ mỉ, khi mở màn đã nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt của khán giả dành cho mình. Nhưng cha tôi có yêu cầu vô cùng nghiêm khắc với bản thân, ông cho rằng bản thân đã thất bại ngay từ khi mở màn. Ông chân thành mời một số người bạn bán vé thân thiết đến xem để trưng cầu ý kiến, có một số bạn thì nói, “Lục Linh Đồng đóng Tôn Ngộ Không giống con khỉ nhỏ”.
Cha tôi chăm chú lắng nghe ý kiến của bạn bè. Trải qua nhiều lần suy nghĩ, ông đã phát hiện ra, cho dù ông đã xem hết tất cả các loại Hầu hý ở bến Thượng Hải, từ Kinh kịch Hầu hý, Thiệu kịch Hầu hý, các loại võ hý và Hầu quyền, đồng thời đã tiếp thu rất nhiều tinh hoa của họ, nhưng lại để sót mất một nhân vật sư phụ vô cùng quan trọng đó là – Hầu tử. Thực ra, vạn biến bất ly kỳ tông, cho dù các loại Hầu hý có thiên biến vạn hóa như thế nào, diễn đi diễn lại, đều phải quay tôn chỉ ban đầu “Tôn Ngộ Không phải là Mỹ Hầu Vương”. Nếu diễn thành “con khỉ”, lại thiếu mất “khí chất của vương giả”, vậy thì không phải là Mỹ Hầu Vương nữa!
Thế là cha tôi liền nuôi một con khỉ nhỏ, cả ngày sống chung với nó như hình với bóng không rời nửa bước. Cứ như vậy vừa học vừa diễn, học xong thực hành luôn, diễn từ “Hầu vương xuất thế”, “ Phiêu hải học nghệ” diễn một mạch cho đến “Đại náo Thiên cung”, càng diễn càng hay, vai diễn Tôn Ngộ Không của ông cuối cùng cũng thành một phái, phụ thân có ngoại hiệu là “Nam Hầu vương”. Chính như vậy, nên khi diễn hết cuốn Tây Du Ký thì đất nước cũng được giải phóng. Con đường của “Tây Du” lâu dài vậy đấy.
Sau giải phóng, Đồng Xuân Sân khấu đổi thành Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn, địa chỉ cũng chuyển từ Thượng Hải quay về lại Triết Giang. Cha tôi nhận chức trưởng đoàn của Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn. Đoàn tham gia nhiều hoạt động về Hý khúc, giành được rất nhiều giải thưởng. Diễn xuất của họ đã nhận được sự quan tâm và tán dương của Đảng và nhà nước. Tháng 8 năm 1956, phó Thủ tướng Trần Nghị cùng Tổng thống Indonesia là ngài Sukarno đã đến xem vở tuồng “Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung” do cha tôi chủ diễn. Trần Nghị xem xong vở tuồng này, hết lời khen ngợi, sau này nói với Thủ tướng Chu Ân Lai: “Tôi đã xem vở diễn của Thiệu kịch, rất hay, đây là tuồng quê nhà của anh”. Thủ tướng nói: “Vậy thì tôi chưa từng xem”. Trần Nghị nói: “Có cơ hội tôi sắp xếp cho anh xem nhé”. Ngày 17/12/1957, Thủ tướng Chu Ân Lai lần đầu tiên xem vở kịch “Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung” do cha tôi chủ diễn tại tòa nhà hữu nghị Trung Xô. Sau khi xem xong Thủ tướng tiếp kiến cha, nói: “Tôi là người Thiệu Hưng, nhưng đây là lần đầu tiên xem Thiệu kịch đấy, võ công của anh rất tốt, diễn cũng rất thành công, khách quý nước ngoài của chúng ta cũng rất hài lòng”. Sau đó ông nhìn thấy anh hai tôi Tiểu Lục Tiểu Đồng lúc đó đóng vai tiểu la hầu, Thủ tướng hỏi: “Đây là ai?” Cha nói: “Đây là con trai tôi, Tiểu Lục Tiểu Đồng, năm nay tám tuổi”. Thủ tướng vui vẻ nói: “Sự nghiệp văn nghệ cũng cần phải có người thừa kế, hi vọng anh có thể bồi dưỡng thêm vài Tiểu Lục Tiểu Đồng nữa.”
Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh đã được xưởng phim Thiên Mã ở Thượng Hải cho trình chiếu trên màn bạc vào ngày 01/06/1960. Khi đó, đã có hàng trăm ngàn người tập trung đến xem bộ phim này, Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh nổi tiếng cả đại giang Nam Bắc. Phim được lưu chiếu trên toàn quốc, Hý kịch cũng được lưu diễn trên toàn quốc. Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh còn được phát đến 72 nước trên thế giới, đây cũng là bộ phim Hý khúc mang sắc thái thần thoại tương đối sớm của điện ảnh Trung Quốc, giành được giải thưởng phim Hý khúc xuất sắc nhất của giải thưởng Điện Ảnh Bách Hoa lần thứ hai.
Quách Mạt Nhược tiên sinh sau khi xem tổng cộng sáu lần bộ phim này, liền viết một bài thơ:
Người yêu điên đảo thị phi hào (lẫn lộn), đối địch từ bi lừa dối người.
Chú niệm Kim Cô trăm vạn biến, khéo khiến Bạch Cốt đến ba phen.
Ngàn đao muốn cắt thịt Đường Tăng, bứt một sợi lông không hổ là Đại Thánh.
Giáo dục kịp thời được tán dương, Trí tuệ như Trư Bát Giới thắng Ngu Tào (ngu xuẩn).
Sau khi Mao chủ tịch xem xong bộ phim Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh do cha tôi diễn, xem thêm lần nữa là vào ngày 10/10/1961 biểu diễn trên sân khấu ở Hoài Nhân Đường trong Trung Nam Hải. Nhớ lại tình cảnh khi đó, cha tôi đến nay vẫn còn cảm giác thân lầm kỳ cảnh: “Khi đó chúng ta ở Trung Nam Hải, rất khẩn trương và không biết ai sẽ đến xem tuồng. Khi cha lên biểu diễn, thường có một thói quen, không bao giờ ngó xuống nhìn khán giả. Kết quả đợi đến tám giờ đúng, khi diễn đến đoạn Đường Tăng giao lưu với Bạch Cốt Tinh, cha có cơ hội nhìn xuống dưới, Mao chủ tịch ngồi hàng thứ năm, Lưu Thiếu Kỳ ngồi hàng thứ ba, Đặng Tiểu Bình ngồi hàng thứ hai. Sau này mọi người cho cha biết, khi đó Mao chủ tích đã năm lần vỗ tay và sáu lần cười lớn.”
Sau khi xem xong bộ phim, ngày 17/11/1961 Mao chủ tịch đã viết một bài thơ thất luật gửi đồng chí Quách Mạt Nhược:
Từ lúc đại địa khởi phong ba, liền có tinh sinh bạch cốt đồi.
Từng là ngu manh (dân ngu dốt) chịu trau dồi, yêu là kẻ ác tất thành tai.
Khỉ vàng phấn khởi thiên cân bổng, thiên hạ trong sáng vạn lý ai (bụi).
Kim nhật (hôm nay) hoan hô Tôn Đại Thánh, chỉ vì yêu vụ lại kéo về.
Đây hoàn toàn là sự cảm khái đối với tình hình phức tạp trên toàn thế giới khi đó. Hơn nữa một phần linh cảm của Mao chủ tịch có lẽ là đến từ cha tôi khi diễn Tôn Ngộ Không.
Năm 1964, Mao chủ tịch đến Hàng Châu, người đề xuất muốn xem cha tôi diễn tuồng. Khi đó chân của cha bị thương, ông tỏ ra không có vấn đề gì, cắn chặt răng thì có thể diễn. Lãnh đạo địa phương báo cáo lại tình hình với Mao chủ tịch, Mao chủ tịch nói: “Bị thương không nên bị thương thêm lần nữa, lần này không cần phải biểu diễn nữa, sau này tôi vẫn còn cơ hội để xem.” Sau này, phụ thân biết được lần biểu diễn đó có Mao chủ tịch, vừa thấy hối hận vừa cảm kích nói: Hối hận là khi đó đã báo cáo tình hình thực tế về thương thế của mình, không thể biểu diễn cho chủ tịch xem; cảm kích là Mao chủ tịch lại quan tâm đến một người công tác nghệ thuật bình thường đến vậy.
NHỊ CA TIỂU LỤC TIỂU ĐỒNG
TRUYỀN NHÂN TỐT NHẤT CỦA HẦU VƯƠNG
Khi phụ thân diễn Hầu hý, mỗi lần trên sân khấu số lượng Hầu tử không đủ, cha liền lùa hết những đứa trẻ trong nhà đưa lên sân khấu. Nhưng cha lại không cho tụi nhỏ theo nghiệp Hầu hý, chỉ có điều đối với anh thứ Chương Kim Tinh là ngoại lệ. Cha cho rằng, anh là thiên tài diễn Hầu hý, là người thừa kế thích hợp nhất. Thế là phụ thân liền đặt cho anh ấy một nghệ danh là Tiểu Lục Tiểu Đồng, bắt đầu huấn luyện anh ấy từng chút một. Nhưng không ngờ, trời ghét người tài, năm 17 tuổi, anh bị căn bệnh máu trắng cướp đi sinh mạng đang độ tuổi thanh xuân.
Anh thứ có tên gọi khác là Diệu Lương, sinh ở tầng trên của Thượng Hải Lão Sạp Đại Hý Viện. Khi sinh anh, cha mẹ đang tất tả mưu sinh, rất bận rộn, không có cơ hội chăm sóc cho anh. Do đó, khi anh còn nhỏ, được người khác chăm sóc, mẹ tuy vẫn đặc biệt thương yêu anh, nhưng vì mưu sinh, cũng chẳng còn cách nào khác. Sau này nhị ca lớn hơn một chút, vô cùng thông minh lanh lợi, hiểu chuyện sớm, mẹ vô cùng yêu thương. Nhưng đứa con mà bà thương yêu nhất, cũng lại là đứa con nhận được sự dưỡng dục ít nhất, lại ra đi trước cả bà, mẹ tôi rất đau khổ. Những vết thương và bi kịch do cuộc sống trong chế độ cũ để lại mãi mãi sẽ chẳng có thuốc nào chữa lành.
Anh rất có thiên phú, ba tuổi anh đã được đăng đài diễn xuất, sớm nhất là vai con trai nhỏ của Tần Hương Liên trong vở “Trát Mỹ Án”, được công chúng yêu thích. Từ lúc đó anh đã bao hết các vai diễn là trẻ con trong các vở tuồng và các vai tiểu hầu tử trong Hầu hý. Anh không đi học, nhưng lại nắm bắt kịch rất nhanh mà không cần sư phụ chỉ bảo; khi lên sân khấu anh thể hiện được sự ngây thơ trong sáng của trẻ nhỏ nên đã nhận được rất nhiều sự đón nhận của công chúng. Sau này anh trở thành ngôi sao nhỏ nổi tiếng của đoàn kịch. Năm 1957, anh chính thức trở thành “Nghệ đồ” của Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn. Lúc đó cha đã đặt cho anh nghệ danh là Tiểu Lục Tiểu Đồng. Năm đó anh mới tám tuổi, nhưng đã có đến năm năm kinh nghiệm diễn tuồng.
Sự thiên phú của anh tôi còn thể hiện ở việc tự hóa trang. Sư phụ hóa trang cho anh một lần thì sau đó anh đã biết cách hóa trang cho mình. Các kiểu mặt của các loại Hầu tử đều là do anh tự vẽ.
Anh là con của cha, nhưng cũng là con của cả đoàn kịch. Bởi vì khi phụ mẫu quả thực không có thời gian chăm sóc, chúng tôi đã sinh hoạt cùng với đoàn kịch, nhân viên của đoàn kịch đều chăm sóc chúng tôi.
Anh tôi vô cùng hiếu thuận, sau khi được làm nghệ đồ, tuy một năm anh chỉ có 15 đồng tiền lương, nhưng anh vẫn lấy ra 5 đồng để đưa cho mẹ. Mùa hè khi diễn tuồng, cha diễn xong một màn bước xuống là mồ hôi ướt sũng áo, anh tôi thường hóa trang mình thành truyền lệnh hầu, chuẩn bị sẵn một chậu nước, cha vừa diễn xong, anh liền lau mồ hôi trên lưng cho cha.
Anh cũng rất biết cách chăm sóc các em. Khi đi diễn cùng đoàn kịch ở ngoại tỉnh, anh thường mang theo một chút đặc sản về. Khi anh đi Quảng Tây về có mang theo một số hòn giả sơn, những món đồ này đến nay vẫn còn được lưu giữ. Năm 1960 anh đến xưởng phim Thiên Mã ở Thượng Hải quay bộ phim Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, mỗi lần đi diễn là đi dép lê đến đó, khi quay về thì mang theo dưa hấu cho chúng tôi ăn.
Nhị ca tuy hiếu thuận, nhưng rất ít khi gọi cha bằng “Ba”, mà gọi là “trưởng đoàn Lục”. Mẹ tôi thường rất tức giận vì việc này, nhiều lần bắt anh gọi là ba, nhưng anh vẫn không thay đổi. Tôi đã từng hỏi phụ thân: “Tại sao nhị ca lại không muốn gọi cha là ba mà lại gọi là trưởng đoàn Lục vậy ạ?” Cha nói: “Những diễn viên khác trong đoàn đều gọi ta là là trưởng đoàn Lục, anh của con cũng học theo họ. Ngoài ra, quan hệ của anh với cha cũng không phải là quan hệ cha con thông thường, chúng ta là cấp trên cấp dưới, là người cùng nghề, là sư đồ. Anh của con gọi cha là trưởng đoàn Lục, ít nhiều cũng có sự oán trách trong đó, dù sao anh con cũng là một đứa trẻ, và cũng giống như những đứa trẻ khác cũng cần sự quan tâm và thương yêu của cha mẹ. Nhưng ngay từ khi anh con còn nhỏ, chúng ta đã không cho anh con tình yêu mà đáng ra anh con phải được nhận. Anh của con thiện lương đến vậy, còn hiểu sự vất vả của cha mẹ, do đó cũng không gây chuyện một cách vô lý, nhưng anh con vẫn còn tính khí trẻ con, miệng thì không chịu nhận ba, kết quả, lâu ngày quen miệng không thay đổi được nữa rồi.”
NGUYÊN NHÂN QUA ĐỜI SỚM CỦA ANH TÔI
Anh tôi mất sớm, là nỗi đau dai dẳng của gia đình chúng tôi. Mãi đến tận bây giờ, cha mẹ tôi vẫn còn nhớ thương anh, cha mẹ rất đau buồn và day dứt. Tình cảm của tôi đối với anh cũng rất sau đậm. Có thể nói, anh không lúc nào là không khích lệ động viên tôi diễn tốt Tôn Ngộ Không, truyền thừa văn hóa Hầu của Hầu vương thế gia nhà chúng tôi.
Đối với sự ra đi sớm của anh tôi đến nay vẫn lưu truyền ba điềm báo tử, những cách nói tựa như ám chỉ rằng sớm muộn gì thì anh cũng rời bỏ chúng tôi mà đi.
Anh tôi sinh năm 1950, sau khi sinh không lâu, một người thân có nói: “Đứa trẻ này hai tai chúc xuống dưới vai, mũi hình vuông, sinh trong gia đình sông nhỏ cá lớn, không nuôi lớn nổi đâu.” Những câu nói không may mắn như vậy đã khiến cho gia đình chúng tôi khi đó cảm thấy rất phản cảm. Nhưng không may là câu nói này lại đúng với những gì đã xảy ra.
Điềm báo thứ hai là năm 1957, khi đó nhị ca được 8 tuổi, Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn biểu diễn vở tuồng “Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung” tại tòa nhà Hữu nghị Trung Xô ở Thượng Hải, anh tôi diễn vai tiểu la hầu trong vở tuồng này, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đến xem. Sau khi kết thúc buổi diễn, Thủ tướng đã gặp gỡ toàn bộ diễn viên trong đoàn. Khi thấy anh tôi, ông liền cười và hỏi: “Đây là con ai?” Cha tôi vội đáp: “Đây là con tôi.” Thủ tướng rất hứng thú hỏi tiếp: “Đứa trẻ này nhanh nhẹn quá, nó tên gì?” Cha nói: “Tiểu Lục Tiểu Đồng.” Khi đó, Thủ tướng còn vui vẻ bế anh tôi lên, lúc đầu bế lên rất cao che hết hầu như cả khuôn mặt của người. Chúng ta đều biết, tay của Thủ tướng đã từng bị thương khi còn ở Diên An, lại còn bế một đứa trẻ tám tuổi lên cao như vậy. Sau đó, Thủ tướng ôm anh tôi vào lòng và hỏi: “Tiểu Lục Tiểu Đồng, năm nay cháu mấy tuổi rồi?” Nhị ca nói: “Tám tuổi.”
Đối với giai thoại này, sau này có người nói, đứa trẻ mới có tám tuổi, để thủ tướng ôm như vậy có chịu nổi không? Ý là nói, đứa trẻ bạc mệnh, không chịu nổi sự thương yêu như vậy, sẽ tổn thọ.
Còn có một điềm báo khác. 10/10/1961, phụ thân đưa Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn vào Hoài Nhân Đường trong Trung Nam Hải ở Bắc Kinh diễn “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, nhị ca diễn Truyền Lệnh Hầu. Anh đã diễn vai Truyền Lệnh Hầu với sự ngây thơ hoạt bát và thú vị đến độ xuất thần, không căng thẳng chút nào. Mao chủ tịch xem từ đầu đến cuối và sẽ lên sàn diễn để gặp gỡ mọi người, nhưng vì ngay lúc đó có cuộc họp khẩn cấp, nên ông chỉ có thể vẫy tay chào mọi người rồi đi luôn. Lúc này anh tôi nhảy từ trên sân khấu xuống dưới, ngồi vào ghế của Mao chủ tịch. Khi đó anh còn nhặt ba đót thuốc của Mao chủ tịch, coi như bảo bối đem về nhà. Mẹ đã làm cho anh một chiếc lọ thủy tinh để đựng, thêm một miếng gấm đoạn vào trong đó trông rất đẹp.
Những câu chuyện trên đương nhiên cũng chẳng có căn cứ gì, tôi nghĩ chẳng qua khi nhớ đến nhị ca, mọi người cảm thấy tiếc nuối một người tài hoa, nên đây chính là cái cớ để an ủi mà thôi, nhưng ngày hôm nay, sau 20 năm kể từ ngày nhị ca qua đời, nghĩ về những điềm báo này tôi vẫn cảm thấy buồn bã và nuối tiếc vô cùng.
Nguyên nhân thực sự cướp đi sinh mạng của anh tôi chính là bệnh máu trắng. Tháng Chín năm 1965, anh tôi đang trong quân đội để thể nghiệm cuộc sống, đồng thời diễn “Trí Thủ Uy Hổ Sơn”. Đang đứng trong hàng ngũ, anh tôi đột nhiên cảm thấy không khỏe, liền nói: “Báo cáo, tôi cảm thấy trong người không khỏe.” Lãnh đạo liền cho ra ngoài nghỉ ngơi, nhưng lúc đó nhị ca đã chịu đựng không nổi, ngã vật xuống đất. Anh lập tức được đưa đến Bệnh viên Nhân dân số 2 Thiệu Hưng, bác sĩ thấy bệnh tình nguy kịch, liền chuyển đến bệnh viện thuộc Đại Học Y Khoa Triết Giang của Hàng Châu, họ chẩn đoán là bệnh máu trắng.
Bệnh máu trắng khi đó là tuyệt chứng, hiện giờ cũng chưa thể có cách điều trị hiệu quả. Tôi và mẹ luôn ở bên anh trong suốt quá trình anh điều trị. Khi đó tôi mới tám tuổi, anh lớn hơn tôi chín tuổi. Trong bệnh viện cũng chẳng có nhiều giường trống, tôi nằm ngay dưới chân giường của anh. Lúc đầu bệnh tình không quá nghiêm trọng, anh thường cho tôi ngủ chung giường với anh, vì anh không muốn tôi khổ sở như vậy.
Nhị ca rất ít khi chơi đồ chơi, nhưng khi bệnh tình nguy kịch, anh lại thích chơi một số đồ chơi. Anh thích chơi đồ chơi làm bằng nhựa, khi đó có một số đồ chơi hình động vật có thể đính được trên tường, anh rất thích. Lại còn có một loại cốc xếp lồng vào nhau, một bộ năm cái có thể chồng vào nhau được, anh cảm thấy rất vui, những món đồ chơi đó đến nay vẫn còn được lưu giữ. Anh rất thích sô-cô-la, từng miếng vuông sô-cô-la, sau khi đập vụn có thể thành những miếng không theo qui tắc nào. Khi ở trong bệnh vện, nếu muốn ngồi dậy thì chỉ cần chỉnh giường là được, mỗi ngày chỉnh hai lần, mỗi một lần anh lại cho tôi một miếng sô-cô-la.
Ban đầu nhị ca không biết bản thân mình mắc phải tuyệt chứng, chúng tôi đều giấu anh. Nhưng có một ngày, anh tôi đột nhiên nói với mẹ hai câu. Câu thứ nhất là: Bệnh này của con không phải giống như Sư phụ Hồ trong đoàn kịch (Sư phụ Hồ là chuyên gia khói lửa của đoàn kịch, khi trộn thuốc pháo không may bị nổ nát mất cánh tay, lúc ấy đang làm gác cửa cho đoàn kịch). Ý của nhị ca là, bất luận thế nào thì Sư phụ cũng còn sống được, vẫn có thể làm những công việc liên quan đến diễn tuồng, chỉ có thân thể là không thể thôi. Câu thứ hai là: một người chẳng qua đến thế giới này ngó nghiêng một chút, sớm muộn gì cũng phải rời bỏ thế giới này.
Mọi người nghe thấy những điều anh nói, vô cùng kinh ngạc và lo lắng. Tâm trạng ai cũng buồn, đều nghĩ là có ai đó buột miệng nói ra chân tướng sự việc. Sau này mới biết anh tôi đã tìm cơ hội lấy trộm bệnh án, sau đó tìm hiểu thêm chứng bệnh của mình và biết không thể chữa trị. Bây giờ nghĩ lại, chúng tôi sao có thể lại giấu anh việc này cơ chứ! Trong thời gian ở bệnh viện, anh tôi có lúc lên thư viện của bệnh viện mượn một số sách có liên quan đến bệnh tình của mình để hiểu thêm.
Để cứu tính mạng của cứu nhị ca, phụ thân đã nghĩ ra rất nhiều cách, ông cho mời các chuyên gia y học. Khi đó các chuyên gia tham gia hội chẩn bao gồm lương y Phan Trừng Liêm – Viện trưởng của viện Trung Y tỉnh Triết Giang, bác sĩ Úc Tri Phi – Viện trưởng Y Viện thuộc Đại học Y Khoa tỉnh Triết Giang, lần hội chẩn này cũng là lần hội chẩn đầu tiên giữa Trung Tây Y kết hợp từ khi nhà nước Trung Quốc mới thành lập hội chẩn về chứng bệnh nan y. Mẹ thậm chí khóc và quỳ xuống trước mặt Viện trưởng Úc Tri Phi cầu khẩn ông tìm cách cứu nhị ca. Nói tóm lại, mọi người nghĩ được cách nào tốt nhất thì sẽ cố gắng hết sức để làm, chỉ cần có một chút chút hy vọng. Cuối cùng, phụ thân cũng đã viết thư cho Viện trưởng Viện Khoa Học Trung Quốc khi đó là Quách Mạt Nhược để xin sự giúp đỡ. Ông Quách đã phê lên lá thư: Căn bệnh này trước mắt là bệnh khó chữa, nếu có thể chữa khỏi, chắc là phải dựa vào sức mạnh tinh thần.
ẢNH HƯỞNG CỦA ANH LÊN TÔI
Người dẫn dắt tôi đi theo con đường nghệ thuật không phải là cha tôi, mà là người anh đã mất sớm của tôi. Trong thời gian lâm bệnh nằm viện, chỉ cần tinh thần của anh đỡ một chút, thì liền kể cho tôi câu chuyện về Tây Du Ký, về bảy mươi hai phép biến hóa của Tôn Ngộ Không, tham ăn lười làm của Trư Bát Giới, một cõi nhân gian trên trời ngập tràn sự thần kỳ, đưa tôi vào một một thế giới mà từ trước đến giờ tôi chưa từng được biết. Sau khi nhị ca đem hết những câu chuyện về Tây Du Ký đã thuộc nằm lòng nói cho tôi biết, thì cũng không còn gì để kể cho tôi nữa, mỗi ngày anh cho tôi một hào đến góc phố gần bệnh viện thuê truyện để đọc.
Trong thời gian anh tôi bị bệnh, có một lần, chúng tôi cùng đến một rạp chiếu bóng ở Hàng Châu xem bộ phim Địa hạ tiêm binh, tôi phát hiện tinh thần của anh rất tốt, tôi ngây thơ cho rằng sức khỏe của anh đã hồi phục. Nhưng anh mới xem được một nửa thì đã không chịu đựng nổi, đành bỏ về giữa chừng, sau này dò hỏi, tôi mới biết được thì ra anh về bệnh viện để tiêm thuốc.
Lý tưởng lớn nhất của anh khi đó chính là có thể diễn thành công vai diễn Tôn Ngộ Không giống như cha, nhưng cơ hội này anh mãi không bao giờ có thể thực hiện được. Khi làm bộ phim Hầu Oa, bộ phim truyền hình để tưởng nhớ anh, đạo diễn đã dựng nên cảnh “Hầu Oa” trong lúc mơ màng biến thành Tôn Ngộ Không, cũng coi như đây là việc thay anh thực hiện ước mơ vẫn còn dang dở, điều này cũng là sự an ủi lớn nhất mà tôi có thể dành cho người anh đã ở trên thiên đường.
Bây giờ nhớ lại lúc anh tôi lâm bệnh, mỗi câu nói của anh vẫn khắc sâu trong lòng tôi.
Anh từng nói: “Anh sắp chết rồi.”
Tôi hỏi: “Chết là gì?”
Anh nói: “Chết có nghĩa là em không còn được gặp lại anh nữa.”
Tôi hỏi: “Vậy em phải làm gì mới có thể gặp được anh đây?”
Anh nói: “Nếu em diễn thành công vai diễn Tôn Ngộ Không, em sẽ gặp được anh.”
Đây chính những di ngôn cuối cùng của anh nói với tôi trước lúc lâm chung. Anh tôi qua đời vào ngày 13/4/1966, còn ngày sinh nhật của tôi thì lại là ngày 12/4. Một ngày trước khi qua đời, anh còn dự lễ sinh nhật 7 tuổi của tôi. Nhưng đến ngày hôm sau tôi và anh đã hai nẻo âm dương cách biệt. Khi anh tôi bước vào Thiên Quốc, một đứa trẻ còn nhỏ như tôi không thể hiểu chết là gì, nhưng lại biết rất rõ là anh sẽ đến một nơi rất xa, tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại anh được nữa, cũng sẽ không bao giờ được nghe anh kể chuyện Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới nữa, sẽ không bao giờ được đi xem phim cùng anh nữa, không bao giờ được anh cho tiền để đi mượn truyện tranh ở đầu đường, cùng anh đến nơi bí mật, nơi mà hai anh em đã có hẹn từ trước…
Bây giờ, tuổi tác của tôi tăng dần theo năm tháng, việc anh tôi qua đời đã chuyển thành một nỗi hoài niệm sâu lắng, nhưng những câu nói cuối cùng của anh vẫn văng vẳng trong đầu tôi, bởi vì câu nói đó dẫn lối cho cuộc đời tôi, và tôi mới có được thành tựu như ngày nay. Mỗi khi cảm thấy đau buồn, tôi thường nhớ đến nhị ca, nhớ lại những ngày ở trong bệnh viện, mỗi lần nhớ lại những chi tiết đã vỡ vụn, tôi lại nhớ xiết bao lúc anh và tôi khi còn ấu thơ, và những câu mà anh nói, nói về tôi hiện giờ, nói về Tôn Ngộ Không; tôi cũng rất muốn biết ở Thiên Quốc có quê hương hay sân khấu hay không, có những câu chuyện vui hay không, anh ở nơi đó có cảm thấy cô đơn hay không. Thời gian vô tình, chỉ chớp mắt một cái đã qua nhiều năm như vậy, nhưng trong cái nhìn của tôi, trong ký ức của tôi, thì anh mãi cô đơn ở tuổi mười bảy, tuổi mười bảy ngập tràn tài năng.
Mẹ tôi từng nói, anh tôi còn chưa được sống một ngày làm con người thực sự. Khi mới nghe tôi còn chưa hiểu, sau này mới biết, trước khi anh tôi qua đời vẫn chưa biết cầm tay bạn gái, hay nói cách khác là chưa từng yêu. Sau khi anh qua đời, Giáo sư Lưu Dương Thể của Viện Khoa Học Xã Hội đã viết một bài văn “Chất lượng của sinh mạng” để tưởng nhớ anh. Tuy anh chỉ sống được mười bảy năm, nhưng những gì anh trải qua trong thời gian ngắn ngủi đó vẫn có thể quay thành tám tập phim truyền hình “Hầu Oa”. Trong từ điển “Nghệ thuật gia của Trung Quốc” giải nghĩa là “Diễn viên Hý Khúc nhỏ tuổi nổi tiếng nhất Trung Quốc”.
Có một bài viết về tôi như thế này: “Anh là người đạp lên xương cốt của tiền nhân và người thân mới có được sự huy hoàng và mến mộ của ngày nay.” Câu nói này tuy khó nghe một chút, nhưng cũng không vô lý. Để diễn tốt Mỹ Hầu Vương Tôn Ngộ Không, gia tộc chúng tôi luôn có sự kế thừa bổ sung. Đối với tôi, nếu nhị ca không qua đời, vai chính trong phim truyền hình Tây Du Ký chắc chắn là của anh, không phải của tôi. Có lẽ tôi cũng sẽ phát triển theo hướng khác.
Tôi thậm chí còn cho rằng, tôi có thể diễn tốt và thuận lợi vai Tôn Ngộ Không như vậy là có được sự phù hộ của anh linh thiêng ở trên trời. Những gì tôi cần làm bây giờ chính là phát dương quang đại truyền thống của Hầu vương thế gia, phát dương quang đại tinh thần của Hầu vương, phát dương quang đại Văn hóa Hầu.
Khi nói chuyện với tôi bạn thường có cảm giác như thế này, chỉ cần vượt quá ba câu là tôi lại chuyển đề tài sang “Tôn Ngộ Không”, “Mỹ Hầu Vương”, “Văn hóa Hầu”. Bọn họ thậm chí hỏi tôi, “Rốt cuộc cậu có còn là cậu không? Cậu sống là vì Hầu tử đúng không? Cậu cho rằng Hầu vương gia tộc của cậu sẽ sống ư?”
Tôi kiên quyết khẳng định: “Đúng vậy!” Tôi không thể sống một cách thoải mái cho bản thân. Sống, đối với tôi mà nói đó là một trách nhiệm. Hơn nữa đằng sau trách nhiệm này đều là những câu chuyện cay đắng ngọt bùi.
Nếu tính từ đời ông nội tôi, “Hầu vương thế gia” đã duy trì được bốn đời. Trong bốn đời này đã trải qua một trăm năm, đã truyền Kim Cô Bảng của Tôn Ngộ Không từ đời này sang đời khác. Trên sân khấu, trên màn bạc, diễn được những câu chuyện đặc sắc, viết nên từng câu chuyện cảm động lòng người. Gia tộc này của chúng tôi, bất luận là trong hoàn cảnh khốn khó hay sóng yên biển lặng, đều vẫn muốn tiếp một giấc mơ: diễn thành công một “Mỹ Hầu Vương” hoàn mỹ, diễn thành công một cách không dung tục để mọi người thưởng thức, tinh linh thần kỳ vô tiền khoáng hậu. Tinh linh này chính là tinh hoa của năm ngàn năm văn hóa đúc kết mà thành, là tâm huyết máu thịt của văn học gia, nghệ thuật gia trải qua nhiều thế hệ xây dựng nên, là sản vật của tạo hóa, cũng là hóa thân chân tình của nhân gian.
Tôi thường nói: “Tôi đến cùng Hầu hồn”, bởi giữa tôi và anh có mối duyên tình khá đặc thù, dường như tôi phải trở thành cây cột chính của Hầu vương thế gia, thay thế anh tôi, hoàn thành tâm nguyện cảm động lòng người này.
TÔI ĐỐI VỚI VIỆC TRUYỀN THỪA VĂN HÓA HẦU KHỔ LUYỆN HỌC NGHỆ
Khi mới bắt đầu cha tôi đã dồn hết công sức cho anh tôi, bởi vì ông xem anh tôi là người truyền thừa tốt nhất của “Hầu vương”, hơn nữa trên thực tế anh tôi cũng đã làm rất tốt. Nhưng sự ra đi đột ngột của anh đã khiến cha đau đớn tột độ. Khi cha chuyển hướng sang tôi, chính là lúc ông bị đảo chính trong thời kỳ “Đại cách mạng văn hóa”, bị điều về quê, bị nhốt vào “Chuồng Bò”. Thế là, cha liền nghĩ cách viết cho gia đình một phong thư, để tôi tự đi tìm thầy giáo, đó là thầy Tiết Đức Xuân ở trường Hý Kịch Thượng Hải. Thế là, tôi trở thành đệ tử nhập thất của thầy Tiết Đức Xuân. Thầy Tiết đã dạy cả hai cha con chúng tôi thành Mỹ Hầu Vương, việc này cũng trở thành một giai thoại của nghệ đàn.
Thầy Tiết và tôi không hẹn mà gặp cùng nghĩ đến câu chuyện nửa đêm canh ba Bồ Đề Tổ Sư lén truyền nghệ của cho Tôn Ngộ Không trong tác phẩm Tây Du Ký, chúng tôi quyết định làm theo phương pháp này. Chỉ là Tôn Ngộ Không canh ba nửa đêm học nghệ, còn tôi học nghệ vào lúc 5 giờ sáng. Không có phòng tập, trời tạnh thì tập ở một góc khuất tại quảng trường Nhân Dân, trời mưa thì tập trong một nhà để xe trước mái hiên của Công ty May Mặc Thượng Hải.
Bất luận là trời nắng hay gió lạnh thấu xương, bao nhiêu năm cũng giống như một ngày, kiên trì ngày nào cũng luyện công. Một lần, chưa đến 5 giờ sáng tôi đã đến quảng trường Nhân Dân, đột nhiên nhớ đến động tác của hai ngày trước. Trước đây những động tác này toàn bộ đều thực hiện dưới sự bảo vệ của thầy, tại sao lần này bản thân mình không thử tự làm xem sao, lẽ nào lúc lên sàn diễn phải có thầy bên cạnh để bảo vệ hay sao? Thế là, tôi liền tập luôn, kết quả dùng sức quá mạnh, đầu đập xuống đất, trên trán xuất hiện một vết thương lớn, ngất ngay tại chỗ. Khi thầy giáo đến, trông thấy tôi rách đầu chảy máu, cả kinh, vội vàng hỏi rõ ngọn ngành, biết tôi luyện công bị thương, lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm, đưa tôi đến bệnh viện, khâu tám mũi. Đến nay trên đầu tôi vẫn còn vết sẹo này. Sau này tôi để kiểu tóc ngôi lệch, có lúc đội mũ là muốn che vết sẹo này đi.
Khi đó, gia cảnh nhà chúng tôi vô cùng khốn khó, cha tôi gặp phải đối xử bất công, mỗi tháng chỉ có 15 đồng sinh hoạt phí. Tôi đóng học phí bằng cách “trả góp”, tiền học phí của mỗi học kỳ là 6 đồng được chia làm ba lần. Mỗi lần thầy giáo đến thu học phí, tôi đều cảm thấy rất ngại.
Ngày 12/9/1971, Mao chủ tịch tự tay điểm danh phóng thích cha tôi ra khỏi “Ngũ Hành Sơn”. Phụ thân được tự do, tuy vẫn chưa thể đăng đàn diễn Hý kịch, nhưng cũng có thể chỉ điểm tôi học tập. Tôi cũng quay về Thiệu Hưng, học ở trường trung học cơ sở số 1. Một lần, cha ốm nặng phải nằm viện, thế là, phòng bệnh của cha ở Bệnh viện số 2 của Thiệu Hưng đã trở thành phòng tập của tôi. Cha không nề hà thân đang mang trọng bệnh, mỗi ngày đều dạy tôi một đoạn, hơn nữa mỗi lần dạy cho tôi cha đều rất hưng phấn. Sau này, từng có người hỏi tôi: “Cha anh dạy anh luyện tập có nghiêm khắc không, có phải giống như kiểu người khác vừa đánh vừa chửi không?” Tôi đáp: “Có thể không phải như thế, ngược lại, ông cụ rất thương yêu tôi. Mỗi lần tôi tập “trồng chuối”, cha tôi yêu cầu nửa tiếng đồng hồ, tôi mới làm được mười phút, mồ hôi vã ra như tắm, ông cụ vừa thấy đã xót xa, liền kêu tôi ngừng lại. Ông cụ được người khác gọi là “Ngoại Bà Sư phụ”. Ông cụ chưa bao giờ cưỡng cầu điều gì, tất cả đều hy vọng tôi tự giác. Đương nhiên cũng có thể là do anh tôi mất sớm đã khiến phụ thân tôi sợ hãi.”
Sau khi phụ thân xuất viện, tôi liền xem nhà mình như phòng tập, hành lang ngoài cửa thì treo vòng sắt, nhào lộn ở chỗ có giếng trời, tập trồng cây chuối ở bờ tường, còn đứng ở trên bàn tập nhảy lên chui xuống. Kết quả, trong nhà bị làm lộn xộn hết cả lên: trên tường và trên bàn toàn là vết chân của tôi, bình thủy tinh và kính soi thường xuyên bị tôi làm vỡ.
Tôi cảm thấy trong nhà không có chỗ nào là có thể luyện võ nữa, liền chạy đến chỗ Việt Vương Đài của Thiệu Hưng. Nơi này diện tích lớn, rất tự do, nhưng chỗ này có nhược điểm gây nguy hiểm, đó chính là dễ bị thương. Tôi đã bị ngã đau cả tay, bị thương đến thân thể… Tất cả những khó khăn chỉ có thể dùng bốn từ “nằm gai nếm mật” để giải thích, để hóa giải mà thôi. Nhưng tôi vẫn hy vọng là có một phòng tập, có thể không sợ trời nắng gió mưa sa, luyện tập ngày đêm đều được.
Khi đó nguyện vọng lớn nhất của tôi chính là hy vọng có một phòng tập chính thức. Đến một ngày, tôi lấy hết cam đảm, tìm đến phòng tập của Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn, không phải tất cả những diễn viên ở nơi đó đều nhiệt tình chào đón tôi.
Để không ảnh hưởng đến việc luyện tập thường nhật của diễn viên ở Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn diễn, hằng ngày 5 giờ sáng là tôi có mặt để luyện công, luyện tập cho đến khi mọi người trong đoàn đến làm việc. Nhiều lúc tôi đứng trước cửa Đoàn kịch, các bác ở phòng trực vẫn còn chưa dậy, tôi liền đứng ở đầu chầu bên ngoài, vừa tập xoạc chân vừa đợi. Bao nhiêu năm tôi vẫn duy trì thói quen luyện tập không ngừng nghỉ, nên được các bác bảo vệ quý mến, họ thấy con của trưởng đoàn kịch trước đây cố gắng như vậy, còn cần cù chịu khó hơn học viên chính quy của Thiệu Kịch Đoàn nữa, tương lai chắc chắn sẽ nổi danh hơn tất cả mọi người.
THEO NGHỀ HẦU HÝ
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi quay về Thượng Hải, căn cứ theo hoàn cảnh khi đó thì tôi nên đi tìm việc làm. Tôi có thể đến Thanh Phố huyện – Thượng Hải để kiếm được một bát cơm ổn định. Nhưng tôi muốn làm một diễn viên. Lúc này, dường như tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phản đối việc tôi làm diễn viên.
Sau khi cha quay về, vẫn đảm nhiệm chức vụ đoàn trưởng của Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn. Nhưng chính lúc đó, tôi đã đưa ra một quyết định khiến mọi người phải giật mình: Để tiện cho việc thi tuyển, tôi chuyển hộ khẩu từ Thượng Hải về Thiệu Hưng, nơi đó chính là nơi tôi bắt đầu con đường nghệ thuật, bởi vì gia tộc ba đời nhà chúng tôi, đều bước đi trên con đường đá từ Thiệu Hưng đi “Tây Thiên lấy kinh”. Khi tôi đến công an phường làm thủ tục chuyển hộ khẩu, nhân viên hộ tịch vô cùng kinh ngạc, anh ta không biết có việc gì hấp dẫn đến mức khiến một thanh niên như tôi dám rời bỏ một Thượng Hải phồn hoa đô thị để về một vùng quê nhỏ bé hẻo lánh như Thiệu Hưng. Nhân viên hộ tịch giơ cao con dấu chuyên dụng để chuyển hộ tịch lên, nói: “Cậu suy nghĩ cho kỹ nhé, chỉ cần con dấu này cộp xuống, là cậu sẽ ‘Cuốn chiếu’ ra khỏi Thượng Hải đấy, muốn quay về thì sẽ rất khó”. Tôi gật đầu dứt khoát. Tiếp đến, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho nghiệp diễn của mình, bước đầu tiên chính là xin thi tuyển vào kịch đoàn. Nhưng không ngờ lại bị mắc ngay tại cửa ải đầu tiên, tôi không thể vào được kịch đoàn! Vậy là thi mười lần bại mười lần.
Triết Giang Thiệu Kịch Đoàn tuyển người, nhưng quy định không tuyển con cháu của nghệ nhân trong đoàn. Ủy ban thể dục của Thiệu Hưng tuyển vận động viên thể thao, tôi tham gia thi chạy bộ, vừa chạy được nửa đường thì té ngã. Nhưng vẫn có nơi chủ động đến mời tôi, đó là một đoàn xiếc, nhưng họ lại cần tôi làm nhân viên phụ việc của đoàn mà thôi. Việt kịch Đoàn của Thượng Hải đồng ý chọn tôi, nhưng bắt buộc phải có hộ khẩu ở Thượng Hải… tôi bất giác thở dài, sớm biết như vậy thì đã không cắt hộ khẩu để làm gì.
Mỗi một lần thất bại là một lần tìm kiếm. Nhưng tôi vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Mục tiêu của tôi là phải vào kịch đoàn để học tuồng, diễn hát, lý tưởng cao nhất đương nhiên là có thể vào được Thiệu Kịch Đoàn, nếu vào không được thì đoàn kịch khác cũng được, tóm lại chỉ cần vào được Kịch đoàn là được. Cuối cùng, khi Triết Giang Côn Kịch Đoàn chiêu sinh, tôi dựa vào khả năng bao năm khổ luyện, cuối cùng cũng đã thi vào một cách nhẹ nhàng.
Ngày 16/8/1978, tôi đến Triết Giang Côn Kịch Đoàn nhận việc thì được sắp xếp vào trong ký túc xá có bốn giường. Điều càng không ngờ là ngay tối đó tôi phải tham gia diễn xuất. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời theo đuổi nghệ thuật tôi được đứng dưới ánh đèn sân khấu.
Cho dù trước đây tôi đã từng biểu diễn, nhưng đây là lần đầu tiên được diễn dưới ánh đèn sân khấu với tư cách là diễn viên chuyên nghiệp. Tôi diễn mất rất nhiều sức, chăm chỉ, “Thập Ngũ Quán” cũng đã giành được thành công. Các thầy giáo đánh giá tôi là: “Trang điểm và hóa trang khá đẹp, có chút phong cách của cha tôi. Có điều, diễn Long sáo không cần phải phí sức như vậy.”
Tháng 3 năm 1981, Lãnh đạo của Triết Giang Côn Kịch Đoàn quyết định để tôi diễn Hầu hý, đồng thời cho phép tôi sắp xếp diễn một buổi Côn Kịch Hầu hý. Ba tháng sau, Côn kịch Hầu hý Ba lần mượn quạt ba tiêu đã có buổi biểu diễn đầu tiên thành công ở Đại Lễ Đường Nhân Dân – Triết Giang. Đại sư nổi tiếng của Kinh Côn nghệ thuật Du Chấn Phi đã tự tay ghi vài dòng tán thưởng tôi như sau: “Hình thần kiêm bị”. Triết Giang Côn Kịch Đoàn quyết định, trong vòng mười năm, sẽ đem những câu truyện quan trọng trong Tây Du Ký cải biên thành Côn Kịch Hầu hý. Cũng có thể nói, chúng tôi cần sắp xếp lịch diễn hết cuốn Tây Du Ký thành Côn Kịch.
Vì vậy tôi càng nỗ lực tiến hành công trình lớn nhất của đời tôi, có nghĩa là lấy tinh hoa của Tây Du Ký áp dụng với hình thức Côn Kịch Hầu hý để đưa lên sân khấu. Nếu kế hoạch này thành công, thì Côn Kịch sẽ tạo nên danh tiếng và có được một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử Hý Khúc Trung Quốc. Cũng có thể nói, nếu tôi không có cơ hội diễn bộ phim truyền hình Tây Du Ký thì chắc chắn sẽ cống hiến sức lực cho Hý kịch Hầu hý, thậm chí có thể trở thành “Tân Nam Hầu vương”.
Chính vào lúc tôi đang chuẩn bị thể hiện mình và phát triển trong lĩnh vực Côn Kịch Hầu hý, thì có một cuộc điện thoại đến từ Bắc Kinh không những khiến tôi vứt bỏ kế hoạch to lớn này, mà còn thay đổi của cuộc đời tôi, thậm chí thay đổi vận mệnh của toàn bộ Hầu vương thế gia.
MỐI DUYÊN VỚI “TÔN NGỘ KHÔNG”
Năm 1981, Đài truyền hình Trung ương chiếu bộ phim truyền hình Tây Du Ký do Nhật Bản quay, khi đó, Đài truyền hình Trung ương liền có kế hoạch, quay bộ phim được chuyển thể từ Tứ đại danh tác mang đặc trưng của Trung Quốc, đồng thời mời đạo diễn giàu kinh nghiệm Dương Khiết chỉ đạo diễn xuất phim Tây Du Ký. Những người điều hành cùng nhất trí cho rằng, muốn bộ phim Tây Du Ký thành công thì mấu chốt chính là lựa chọn người vào vai Tôn Ngộ Không, bởi vì Tôn Ngộ Không phải là vai diễn quan trọng nhất trong Tây Du Ký, muốn giành được sự chú ý của khán giả, cần phải xây dựng hình tượng Tôn Ngộ Không cho thật tốt. Thế là, để tìm kiếm nhân vật thích hợp nhất cho vai diễn Tôn Ngộ Không, đạo diễn Dương Khiết đã tiến hành tuyển chọn diễn viên ở Bắc Kinh. Bà đã tiếp xúc với rất nhiều diễn viên nổi tiếng đã từng diễn Hầu hý, nhưng do có sự chia rẽ tương đối lớn nên đành thôi. Giám chế cho rằng, phim truyền hình Tây Du Ký không phải là Hý Khúc, nên cần phải cuộc sống hóa nó, “Trung thành với nguyên tác, thận trọng với việc cách tân”. Để tìm kiếm được nhân vật thích hợp nhất, đạo diễn Dương Khiết đã tốn rất nhiều công sức và thời gian.
Chính vào lúc đạo diễn Dương Khiết tìm kiếm diễn viên đóng vai “Tôn Ngộ Không” không có kết quả, đột nhiên có hình bóng của một người lý tưởng nhất xuất hiện trong đầu bà – cha tôi – Nam Hầu vương Lục Linh Đồng. Bà đã từng là đạo diễn Hý khúc và ghi hình cho cha tôi vào những năm 60. Đạo diễn Dương Khiết cho rằng, nếu phụ thân tôi trẻ lại 20 tuổi, ông sẽ là nhân tuyển thích hợp nhất cho vai diễn Tôn Ngộ Không. Tại sao không mời anh tôi Tiểu Lục Tiểu Đồng đến nhỉ?
Đạo diễn Dương Khiết lập tức gọi điện cho cha tôi, sau một hồi hàn huyên nói rõ nguyên do, đạo diễn Dương Khiết hỏi: “Tiểu Lục Tiểu Đồng nhà cậu vẫn còn diễn tuồng chứ?” Câu hỏi vừa dứt thì cũng đã kéo theo nỗi xót xa của phụ thân: “Nó là đứa thứ hai nhà tôi, qua đời năm 1966 rồi.” Đạo diễn Dương Khiết kinh hãi trong lòng, ít nhiều gì bà cũng cảm thấy khá bất ngờ, im lặng một lúc. Đột nhiên nghe thấy cha tôi lên tiếng: “Tôi nghĩ chị chắc chắn sẽ tìm được nhân vật thích hợp nhất đóng vai Tôn Ngộ Không ở chỗ tôi”. Đạo diễn Dương Khiết thoáng một cái đã vui vẻ lại, cũng không suy nghĩ nhiều, lập tức nói: “Ngày mai tôi sẽ đến chỗ cậu!” Bà đã tìm kiếm quá lâu rồi, từ lâu rồi không có người nào giới thiệu nhân vật cho bà bằng sự tự tin đến vậy. Hơn nữa, những lời này lại do Nam Hầu vương nói ra, như thế đã quá đủ. Ngay đêm đó, Đạo diễn Dương Khiết mua vé tàu đến Thiệu Hưng.
Ngày hôm sau là 31/12/1981, tôi vừa đi diễn ở ngoại tỉnh về liền lập tức cùng cha ra nhà ga Thiệu Hưng đón bà.
Sau khi đón được đạo diễn Dương Khiết, ba người chúng tôi về nhà đàm đạo. Đạo diễn Dương Khiết sốt ruột hỏi: “Khi nào thì tôi mới gặp được nhân vật cho vai diễn Tôn Ngộ Không vậy?”
Phụ thân cười nói: “Chẳng phải chị đã gặp rồi sao?”
Đạo diễn Dương Khiết chẳng hiểu gì cả hỏi tiếp: “Ai cơ?”
Phụ thân chỉ vào tôi nói: “Chính là nó, Chương Kim Lai, con trai út của tôi, hiện giờ đang công tác tại Triết Giang Côn Kịch Đoàn.” Đạo diễn Dương Khiết cho dù rất nổi danh trong việc đãi cát tìm vàng để chọn được diễn viên tài năng, cũng tin chắc vị “Nam Hầu vương” này không phải vô duyên vô cớ nói như vậy, nhưng khi gặp tôi vẫn cảm thấy có chút gì đó bất ngờ, một cậu bé vắt mũi chưa sạch liệu có thể diễn tốt một Tôn Ngộ Không oai phong lẫm liệt hay không?
Bà tỏ ra bán tín bán nghi yêu cầu tôi biểu diễn thử. Tôi lập tức cầm lấy một cây côn, biểu diễn một số động tác và cảm xúc hỷ nộ ái ố của Tôn Ngộ Không, bà cảm giác không tệ lắm.
Phụ thân tôi lại tiếp tục giới thiệu nhân vật đóng vai Trư Bát Giới cho bà – con trai lớn của bác tôi Thất Linh Đồng là Thất Tiểu Linh Đồng. Khi đó anh thuộc biên chế của Thiệu Kịch Đoàn và đang biểu diễn ở Thượng Ngu, thế là ngay trưa đó ba người chúng tôi lên đường đi Thượng Ngu. Đạo diễn Dương Khiết để tôi và Thất Tiểu Linh Đồng cùng biểu diễn. Chúng tôi mặc áo tuồng, không trang điểm diễn luôn một đoạn. Đạo diễn Dương Khiết xem xong liền nói: “Hiện giờ tôi có thể chắc chắn được 70%, cuối cùng phải về Đài truyền hình báo cáo cho lãnh đạo đài chờ quyết định. Mọi người nên chuẩn bị trước, đợi thông báo của tôi.”
Trong thời gian đợi chờ hơn một tháng, phụ thân tôi tiến hành huấn luyện cho tôi theo kiểu “Lâm trận mài thương”. Ông dắt tôi đi công viên xem Hầu tử, giảng giải cho tôi hiểu ba thuộc tính nhân, thần, hầu đã hợp nhất thế nào trên người Tôn Ngộ Không; giảng giải về 36 vở tuồng Tây Du Ký mà ông đã từng diễn và những câu chuyện ông trải nghiệm trên sân khấu. Phụ thân còn dắt tôi đến thăm các vị tiền bối trong ngành nghệ thuật là Quốc họa đại sư, họa sĩ phim hoạt hình Trình Thập Phát, Đạo diễn Vạn Lại Minh của Đại náo Thiên cung, tác giả Trương Lạc Bình của Tam Mao Phiêu Lưu Ký, nhã ý xin được sự chỉ giáo của họ. Trương Lạc Bình trông thấy con của lão hữu sắp có tiền đồ xán lạn thì cao hứng vô cùng, còn vẽ riêng cho tôi Tam Mao Phiêu Lưu Ký theo Tây Du Bản, trong tranh là Tam Mao cưỡi Kim Cô Bảng bay lên trời, ông tặng tờ biếm họa này cho tôi, còn Lưu Hải Lật đại sư đã viết vài dòng dành riêng cho tôi có nhan đề Tây Du chi lộ.
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất thì cũng là lúc điện báo của Đạo diễn Dương Khiết cho chúng tôi “lên kinh ứng thí” cũng đã đến.
Chiều ngày 2/2/1982, chúng tôi đáp máy bay đến Bắc Kinh, trú tại tòa nhà ba tầng bên trong nhà khách số ba của Thị ủy Bắc Kinh nằm trên đường Môi Thị. Sáng ngày thứ hai, phòng khách của nhà khách biến thành trường thi, Phó đài trưởng Hồng Dân Sinh, Đái Anh Lộc, Châu Ức Thanh, Vương Hy Chung, Tuân Hạo, Nhậm Phong Ba đều đến. Trước khi thi, tôi vô cùng căng thẳng, phụ thân khẽ nói với tôi: “Đừng căng thẳng, bình thường tập luyện thế nào thì diễn như thế, ta sẽ gõ phèng đánh trống cho con.”
Hiện trường không có phèng trống, phụ thân dùng miệng tạo tiếng phèng trống cho tôi. Tôi bắt đầu đạt trạng thái tốt nhất trong tiếng phèng trống, biểu diễn thành công trích đoạn Ba lần mượn quạt Ba Tiêu.
Tôi cảm thấy bản thân diễn không đến nỗi tệ, có chút vui mừng, lúc này, đạo diễn Dương Khiết đột nhiên đưa ra một vấn đề rất khó: yêu cầu tôi biểu diễn mà không có có bất kỳ tiếng “phèng trống” nào. Một tiểu phẩm do tôi tự chọn, trên thực tế muốn tôi chuyển từ phạm trù biểu diễn Hý khúc sang phạm trù biểu diễn điện ảnh. Hý Khúc biểu diễn nhấn mạnh trình tự hóa, còn diễn xuất điện ảnh thì nhấn mạnh cuộc sống hóa. Có thể thấy được phương pháp khảo sát người của đạo diễn Dương Khiết, khi đó tôi sao có thể hiểu được chứ? Lúc trước, tôi không hề có một chút kiến thức nào về diễn xuất kịch nói và điện ảnh. Thế là tôi đành biểu diễn theo kiểu “tùy ý” động tác hầu tử trộm đào, cũng có lẽ do quá căng thẳng, quá “tùy ý”, tôi đã biến trái đào thành to như quả dưa hấu, khiến cho mọi người có mặt ở đó đều nghiêm mặt lại. Tiếp đến tôi còn cùng Thất Tiểu Linh Đồng phối diễn, sau khi diễn xong, đạo diễn Dương Khiết để chúng tôi về phòng nghỉ ngơi chờ kết quả.
Tuy thời gian chờ đợi không phải rất dài, nhưng đối với tôi mà nói, thì nó là sự thấp thỏm rất dài. Bởi vì khi đó tôi phát hiện, trong thời gian chuẩn bị dài như vậy, tôi đã yêu mến sâu đậm hình tượng Tôn Ngộ Không, có một nguyện vọng mãnh liệt để diễn tốt vai diễn này, hoàn thành di nguyện của anh tôi, có thể “gặp được anh”. Nhưng thấy ban giám khảo không có động tĩnh gì, tôi và Thất Tiểu Linh Đồng càng đợi càng hoảng, càng đợi càng thất vọng, cảm giác mình sẽ thất bại. Mặc dù cha cũng đã làm công tác tư tưởng cho tôi từ trước, nói nếu không được chọn cũng chẳng sao.
Chúng tôi vẫn nóng lòng chờ đợi kết quả, đạo diễn và Đài trưởng cuối cùng cũng đã bước lên lầu. Chúng tôi vô cùng mong chờ công bố kết quả, nhưng Đài trưởng coi như chẳng có gì xảy ra, ông nói chuyện hỏi thăm gia đình của chúng tôi. Sau khi tôi gỡ hóa trang xuống, ông nói với tôi: “Không ngờ cậu còn trẻ đến vậy.” Nói xong lại nói chuyện với cha tôi về kế hoạch hoành tráng quay bộ phim Tây Du Ký. Sau khi chuyện trò, Đài trưởng cùng mọi người ra về. Tôi nghĩ: “Xong rồi, xong rồi, bọn họ đến chẳng qua là lịch sự và muốn an ủi thôi.” Đúng vào lúc tôi cảm thấy thất vọng và chán nản nhất, đột nhiên Đài trưởng quay đầu lại nói: “À, chúng tôi đã quyết định mượn hai cậu đến Đài truyền hình Trung ương quay phim, các cậu về lo liệu thủ tục đi nhé.”
Ngay tối hôm đó, Đài truyền hình Trung ương thông tin việc đã chọn được tôi và Thất Tiểu Linh Đồng đóng vai Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới trong Tây Du Ký. Sau này, vì rất nhiều do, Thất Tiểu Linh Đồng đã không tham gia được bộ phim Tây Du Ký.
Cũng từ đây, nghệ danh “Lục Tiểu Linh Đồng” chính thức được sử dụng.
Tối 4/4/1982, là một buổi tối như mọi ngày, nhưng đối với Hầu vương thế gia chúng tôi mà nói thì lại là một buổi tối vô cùng quan trọng, vì sáng mai tôi sẽ ngồi chuyến xe lửa để khởi hành lên Bắc Kinh. Cha dặn dò tôi lần cuối, ông nói: “Đây là chiếc bánh từ trên trời rơi xuống, nhưng sau khi nó rơi xuống thì lại phải xem con xử lý như thế nào. Ta đương nhiên ủng hộ con, con thậm chí có thể đạp lên vai của ta để tiến về phía trước, nhưng tất cả con đường mà con chọn sẽ phải dựa vào sức lực bản thân để mà bước đi. Con nhất định phải diễn cho thật tốt vai diễn Tôn Ngộ Không, việc này không những chỉ có liên quan tới con mà còn liên quan tới cả Hầu vương thế gia nhà chúng ta, và cũng liên quan đến toàn bộ đoàn làm phim đấy.”
Cuối cùng phụ thân đưa ra ba điều kiện: Không nhớ nhà, đoàn kết với đồng nghiệp, không yêu đương.
Tôi im lặng gật đầu, sáng ngày hôm sau, tôi đi chuyến tàu số 120 hướng về Bắc Kinh.
Từ đây tôi đã chính thức bước đi trên con đường “lấy kinh”. Con đường đòi hỏi tinh thần cống hiến cho nghệ thuật, khi đó tôi không thể ngờ, thời gian quay bộ phim này lại kéo dài 17 năm (Tây Du Ký phần đầu 25 tập, quay từ năm 1982 kết thúc năm 1988, tổng cộng sáu năm. Toàn bộ các tập của Tây Du Ký quay xong hết tổng cộng 17 năm.)
TU THÀNH “TÔN NGỘ KHÔNG”
Sau khi đến Bắc Kinh, đạo diễn sắp xếp tôi và diễn viên Uông Việt đóng vai Đường Tăng cùng đi thể nghiệm cuộc sống. Đầu tiên chúng tôi đến Pháp Nguyên Tự ở Bắc Kinh xuống tóc làm Hòa thượng một thời gian, tiếp đến thì đến Bạch Vân Quán ở Bắc Kinh mặc đạo phục học làm đạo sĩ một thời gian, bởi vì Tôn Ngộ Không lúc đầu học đạo, sau mới thành Phật, phục trang và cử chỉ giữa Đạo gia và Phật gia hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, tôi còn đi dự khán một số tiết mục Hầu hý ở Bắc Kinh khi đó, tập trung thời gian đến học viện Thể thao Bắc Kinh học môn võ thuật của Giáo sư Hạ Bách Hoa.
Sau khi đến đoàn làm phim, tôi liền cầm cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký lên đọc ngấu nghiến, đọc xong suy nghĩ diễn thử trong đầu, chăm chỉ ghi chép lại những điều mình tâm đắc. Ngoài những điều này ra, tôi còn ra ngoài tìm thêm số chính sử, dã sử, những bài nghiên cứu có liên quan đến Tây Du Ký, hiểu thêm cuộc sống và sự tích của Đường Huyền Trang và Ngô Thừa Ân. Phàm là những thứ có sự giúp đỡ cho tình tiết có trong kịch bản tôi đều tìm cách cố gắng có được, đọc lại tỉ mỉ cảm nhận nó thành kiến thức của bản thân.
Tôi xem đi xem lại Tây Du Ký do Đài Loan và Nhật Bản quay. Tuy cách tạo hình của một số phim truyền hình Tôn Ngộ Không khiến người xem phải phì cười, nhưng tôi lại phát hiện có rất nhiều chỗ có thể dùng được. Đó chính là cuộc sống hóa biểu diễn, điều này đã giúp đỡ rất nhiều cho việc biểu diễn nghệ thuật Hý Khúc theo lập trình của tôi.
Quá trình học tập không ngừng đã hình thành trong tôi một lòng tin như thế này: Một Tôn Ngộ Không như tôi sẽ có sở trường của trăm nhà nhưng lại độc lập với trăm nhà. Mấy trăm năm nay, những vở diễn liên quan đến Tôn Ngộ Không không ít, nhưng nội dung của nó quá nhiều, quá phong phú, do đó, tôi cảm thấy không thể hoàn toàn vứt bỏ cách biểu diễn của Hý khúc, chỉ có thể hấp thụ một cách khéo léo thành quả của những tiền nhân đi trước, mới có thể sáng tạo ra bộ phim truyền hình do Lục Tiểu Linh Đồng diễn vai “Tôn Ngộ Không” hoàn toàn cách tân.
Đạo diễn Dương Khiết rất ủng hộ tôi cách nghĩ này, hai vị phó đạo diễn của đoàn là Tuân Hạo, Nhậm Phong Ba là diễn viên xuất thân từ viện Kinh Kịch của Trung Quốc, đối với cách biểu diễn của Bắc phái Hầu vương Lý Thiếu Xuân, Lý Vạn Xuân vô cùng quen thuộc. Họ đã cùng tôi nghiên cứu làm thế nào có thể sử dụng động tác cầm ống tay áo, cách kéo cổ áo của Lý Thiếu Xuân khi diễn Hầu vương, để thể hiện khí chất vương giả của Tôn Ngộ Không khi ở trên Hoa Quả Sơn. Ngoài ra, hai vị cố vấn biểu diễn của đoàn làm phim là Đổng Hành Cát và Trịnh Dung cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Tôi hiểu rất rõ, nếu cứ làm động tác biểu diễn như trên sân khấu khi đứng trước máy quay, chắc chắn sẽ không ổn. Kết luận này xuất phát từ những thực tiễn mà tôi đúc kết được. Khi mới bắt đầu, để diễn vai Tôn Ngộ Không có phong cách, tôi thường trợn tròn mắt, nhưng kết quả thì lại ngược lại. Dưới sự giúp đỡ của đạo diễn và các đồng nghiệp bên tổ quay phim, tôi mau chóng thích ứng với những gì cần khi đứng trước ống kính, khi quay cảnh thì cần sử dụng động tác hình thể bên ngoài để thể hiện tính cách nhân vật, khi quay cảnh miêu tả nội tâm chú ý dùng ánh mắt để truyền đạt tình cảm nội tâm. Khi vận dụng được nhãn thần, quả thật hiệu quả cũng rất rõ rệt.
Muốn diễn một Hầu vương sống động, cách tốt nhất chính là trực tiếp học tập Hầu tử, nghiên cứu tập tính và động tác của Hầu tử. Do đó mỗi ngày sau khi chuẩn bị xong những việc quan trọng, tôi liền đến núi khỉ trong vườn bách thú của Bắc Kinh, học tập “sư phụ” của tôi, chính là học tập ở Hầu tử. Tôi vừa nhìn thấy khỉ là đứng im một chỗ, ngắm nhìn và quan sát chúng với thời gian rất lâu, thường xuyên nhìn chăm chú rồi bắt chước theo động tác của chúng, khiến mọi người xung quanh tưởng đầu óc tôi có vấn đề. Mỗi lần trong túi có đồ ăn ngon, tôi phân phát hết cho đám khỉ, còn dùng máy chụp hình chụp lại những động tác của lũ khỉ rồi mang về ký túc xá để từ từ ngắm nghía.
Quan sát Hầu tử đã cho tôi rất nhiều gợi ý. Sau này, đoàn làm phim dứt khoát mua cho tôi một con khỉ, khi đó tôi rất vui. Tôi đặc biệt thích chú khỉ nhỏ này. Khi chú khỉ nhỏ mới đến, vẻ hoang dã của nó vẫn còn, rất là hung dữ, ai đụng nó, nó sẽ cào người đó. Duy nhất chỉ có tôi sau khi hóa trang xong chạy đến ôm nó giơ lên trước mặt là nó nằm im. E rằng con khỉ nhỏ này cũng đang nghĩ: “Này, chủ nhân ở đâu thế? Cái đầu to dễ sợ?”
Sau đó, tôi và chú khỉ này trở nên thân thiết. Tôi phát hiện, khỉ không phải rảnh rỗi đến mức ngồi một lúc là lại chạy chỗ này nhảy chỗ kia, việc này đều có mục đích. Khi cảm thấy khó chịu hoặc giả muốn xin đồ ăn nó mới làm vậy, khỉ gãi ngứa cũng giống như vậy. Thế là, tôi liền đem những điều tâm đắc này áp dụng vào trong việc diễn xuất, nó đã có tác dụng rất quan trọng đối với việc xây dựng hình tượng Tôn Ngộ Không.
Phụ thân cho tôi biết, mắt lửa ngươi vàng đối với hình tượng Tôn Ngộ Không vô cùng quan trọng. “Ngoại hình diễn tuồng là ở khuôn mặt, khuôn mặt của tuồng chính là ở con mắt”, tôi sử dụng nhũ tương để dán khuôn mặt của mình, khuôn mặt cơ bản là không thể cử động được, do đó chỉ có thể dựa vào con mắt. Khi sử dụng con mắt, tôi đã thể hiện được những đặc điểm mới mẻ của ánh mắt như ngây thơ, phẫn nộ, hiếu kỳ, oan khuất, tuyệt vọng, bị lừa gạt, nhãn thần này đã trở thành điểm đặc sắc nhất trong Tây Du Ký, cũng đã giúp hình tượng vai diễn Tôn Ngộ Không của tôi in sâu vào tâm trí khán giả.
Trong Tây Du Ký, thầy trò Đường Tăng trải qua chín chín tám mươi mốt nạn mới có thể lấy được Chân kinh, còn tôi để diễn tốt vai diễn trong Tây Du Ký, những khó khăn mà tôi trải qua tuyệt đối không ít hơn tám mươi mốt nạn này! Nhớ lại những năm tháng đó tuy rất khổ sở, nhưng nó đã trở thành bước đệm thật tốt cho cuộc đời của tôi, chỉ dẫn phương hướng cả đời cho tôi.
Mùa xuân năm 1988, Đài truyền hình Trung ương bắt đầu chiếu 25 tập đầu tiên của bộ phim Tây Du Ký, lập tức thu hút khán giả, có nơi thậm chí xuất hiện những con ngõ vắng tanh người vì đang xem Tây Du Ký. Bộ phim đã giành được giải Phi Thiên, Kim Ưng trong năm đó; tôi cũng giành được giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất của Giải Kim Ưng lần thứ 6, đồng thời cũng giành được danh hiệu thập đại minh tinh của giải thưởng phim nhựa, phim truyền hình lần thứ nhất của Trung Quốc. Với hơn một triệu hai trăm ba mươi ngàn phiếu bầu, tôi cũng vinh dự giành được chức vị số một trong số thập đại minh tinh phim truyền hình lần thứ hai của Trung Quốc. Tên của tôi chỉ trong chốc lát đã được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Là một thành viên của trung tâm sản xuất phim truyền hình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, tôi đã cùng với đoàn nghệ thuật Tây Du Ký của Đài truyền hình Trung ương đi biểu diễn ở khắp các nước trên thế giới. Tôi đã đến thăm Canada, Thái Lan, Singapore, Malaysia, nhận được sự chào đón nồng nhiệt của quý khán giả. Năm 1988, một mình tôi bước lên bục nhận giải thưởng của Canada, đó là “Giải thưởng nghệ nhân người Hoa kiệt xuất”.
KHỔ ĐỢI MƯỜI NĂM, TIẾP TỤC HẦU DUYÊN
Bước ra khỏi vòng vây của hoa tươi và tiếng vỗ tay, tôi lặng lẽ quay về quê hương Thiệu Hưng. Tôi tìm đến mộ phần của anh tôi, Tiểu Lục Tiểu Đồng, ở đường Thượng Ngu tại Khư Chấn, đem theo rượu ngon và hoa tươi, đặt trước mộ phần của anh, đứng trước mộ cúi đầu thành kính mặc niệm nhớ lại ước hẹn ngày xưa với anh.
Tôi nhớ đến những lời anh nói với tôi trước lúc lâm chung: “Nếu em có thể diễn thành công Tôn Ngộ Không, em sẽ gặp được anh.” Chúng tôi một người ở ngoài mộ, một người ở trong mộ. Chỉ cách nhau có ba tấc đất nhưng giống như xa vạn dặm.
Để có thể “gặp” người anh của mình, để có thể kể cho mọi người nghe về người anh đã mất sớm của tôi cho nhiều người được biết, tôi đã tham gia lên kế hoạch và chủ diễn bộ phim truyền hình dài tám tập “Hầu Oa”.
Mùa thu năm 1993, bộ phận đoàn phim của Đài truyền hình Trung ương, xưởng phim điện ảnh nhi đồng Trung Quốc và công ty Tập đoàn Hoa Hoa cùng liên hợp sản xuất bộ phim “Hầu Oa” phản ánh lịch sử gia tộc nhà chúng tôi. Trong phim tôi diễn vai cha tôi Lục Linh Đồng, cũng vì vậy đã giành nam diễn viên phụ xuất sắc nhất của giải thưởng Kim Ưng Trung Quốc lần thứ 12, trở thành diễn viên đầu tiên giành hai giải “Kim Ưng” trong lịch sử. Bộ phim truyền hình này cũng đã giành được giải thưởng Phi Thiên, giải thưởng Phim truyền hình thiếu nhi xuất sắc nhất lần thứ 14 và giải thưởng “Kim Ưng” lần thứ 12.
Trong thời gian quay Tây Du Ký, tiếc nuối lớn nhất của tôi chính là không thể đưa hết toàn bộ tác phẩm Tây Du Ký lên màn ảnh. Thời gian sau này, tôi từng cùng đạo diễn Dương Khiết chạy vạy khắp nơi, hy vọng tìm được nhà đầu tư để quay hết bộ phim Tây Du Ký, nhưng độ khó của kịch tính đối với những tập trong Tây Du Ký còn lại rất lớn, về mảng này ngay đến cả Đài truyền hình Trung ương cũng cảm thấy nó là cục xương nuốt không trôi, một cơ cấu điện ảnh bình thường sao nuốt nổi cơ chứ? Thế là tôi đưa ra quyết định: thứ nhất, tích cực chuyển đổi sang những vai diễn khác; thứ hai, tiếp tục luyện công, nghiên cứu sâu Hầu hý chờ đợi cơ hội.
Nói đến chuyển đổi sang vai diễn khác thì khó khăn vô cùng: bởi vì tôi diễn Tôn Ngộ Không quá lâu, nhất cử nhất động đều theo quán tính. Nhiều người đều cho rằng tôi không thể diễn được những vai diễn khác. Mãi đến năm 1991, tôi tham gia diễn bộ phim “Năm mới” của đạo diễn Hoàng Kiến Trung, mới được coi là bước chân vào lĩnh vực điện ảnh thêm lần nữa. Sau này, tôi là diễn viên chính trong bộ truyền hình “Hầu Oa”. Chính vào lúc tôi đang nỗ lực khai phá con đường mới đồng thời có được chút thành tựu thì một việc đã khiến tôi lại bỏ dở mọi việc. Đó chính là việc của Hầu vương. Tôi cảm thấy, bất luận thế nào cũng phải quay cho xong bộ phim truyền hình Tây Du Ký, không thì cả đời tôi khó mà yên lòng.
Thế là từ năm 1988 đến năm 1998, tôi bắt đầu kiên trì không ngừng nghỉ rèn luyện Hầu hý, việc này chắc chắn sẽ khai phá cho tôi con đường sang loại hình tuồng khác. Nhưng cuối cùng tôi vẫn lựa chọn sự trung thành, với con đường mà người anh đã mất sớm của tôi Tiểu Lục Tiểu Đồng đã chọn, đây là sự trung thành đối với Hầu vương thế gia, sự trung thành đối với sự nghiệp Hầu hý của Trung Quốc. Tôi chỉ có một niềm tin: Nhất định phải trình chiếu hết các tập phim Tây Du Ký trên màn ảnh.
Tháng 7/1998, Đài truyền hình Trung ương cuối cùng cũng quyết định quay bổ sung bộ phim truyền hình Tây Du Ký. Mười năm khổ luyện cuối cùng cũng đã cho tôi cơ hội tiếp tục thể hiện mình. Nhưng lúc này tôi đã trong khoảng 40 tuổi.
Khi quay Tây Du Ký, đạo diễn vẫn là Dương Khiết, nhưng cô đã thay rất nhiều diễn viên mới vào. Khi đó tôi có một cảm giác lạc lõng, có chút gì đó không tự tin. Tôi nói với đạo diễn Dương Khiết: “Nếu có nhân tuyển thích hợp thì thay luôn tôi cũng được.” Đạo diễn Dương Khiết nói: “Nếu thay luôn cậu, không những người trong đài không đồng ý, ngay đến cả khán giả cũng không bằng lòng đâu. Nếu thay luôn cậu thì dứt khoát khỏi quay bổ sung Tây Du Ký nữa. Hiện giờ không phải chúng ta quay lại phim từ đầu, cũng không phải là tiếp tục quay, mà là quay bổ sung. Sau khi chúng ta quay xong còn phải tổ hợp lại với 25 tập đã quay từ trước để có được sự thống nhất thông suốt.”
Theo đạo diễn Dương Khiết khi đó, bởi vì tuổi tôi đã lớn, nên những động tác khó như đi trên thép thăng bằng thì phải đi tìm diễn viên đóng thế. Nhưng hình như cũng chẳng có diễn viên đóng thế nào có thể đóng thế vai diễn của Tôn Ngộ Không được. Còn gặp phải vấn đề khác nữa là tìm được diễn viên đóng thế thì lại không có “tướng khỉ”, thể hiện không giống với “Tôn Ngộ Không”. Thế là, những động tác có độ khó cao vẫn phải do tôi hoàn thành, cũng may trong mười năm qua tôi không hề bỏ dở việc luyện công.
Trải qua nỗ lực gian khổ, mười sáu tập phim Tây Du Ký được quay bổ sung cuối cùng cũng được hoàn tất vào năm 1999. Mùa xuân năm 2000 phim được trình chiếu. Đến đây, bốn mươi mốt tập hoàn chỉnh của bộ phim truyền hình Tây Du Ký đã hoàn tất và trình chiếu cho khán giả với diện mạo hoàn chỉnh.
Đối với biểu diễn của tôi trong 25 tập đầu tiên và 16 tập quay bổ sung của Tây Du Ký, tôi nghĩ tất cả điều này hãy để cho khán giả bình luận, nhưng điều quan trọng là tôi đã hoàn thành sứ mệnh của bản thân, cũng coi như đã hoàn thành di nguyện của anh tôi.
Quay xong Tây Du Ký, do xây dựng hình tượng Tôn Ngộ Không quá xuất sắc, nên cử chỉ và hành động của tôi có chút giống với khỉ, tính nóng nảy, nói chuyện nhanh, bình thường đi bộ hơi gù lưng xuống. Hơn nữa khi diễn tuồng thì cổ và eo của tôi cũng đã sinh tật. Tôi cho rằng hành vi của tôi có chút tương đồng với hành vi của Tôn Ngộ Không, đây có lẽ là kết quả được quyết định bởi “Hầu duyên” trong suốt cuộc đời của tôi.