I. Phật giáo sau triều đại A Dục vương
Vì A Dục vương nhiệt tâm bảo hộ Phật giáo, nên Phật giáo đã trở thành một đại tôn giáo của thế giới. Và sau đó một khoảng thời gian 300 năm, Phật giáo lại được sự bảo hộ của quốc vương Kanishka (Ca Nị Sắc Ca), vị anh quân của một đại đế quốc từ nửa Bắc Ấn Độ đến Trung ương Châu Á, và mở một đường lối truyền bá Phật giáo tới Đông phương.
Tại Trung Ấn, sau khi A Dục vương tạ thế, Khổng Tước vương triều nối nghiệp, nhưng uy thế của vương triều này không được như xưa, hơn nữa các vua nối nghiệp phần nhiều lại tin theo Bà La Môn giáo và Kỳ Na giáo, không thực tâm bảo hộ Phật giáo. Đến khoảng đầu thế kỷ thứ II trước Tây lịch, có võ thần là Pusyamitra (Bổ Sa Mật Đa La) nổi lên cướp ngôi vua và lập ra vương triều Sunga, vương triều này cũng thiên tín về Bà La Môn giáo, bức hại Phật giáo. Tới đầu thế kỷ thứ I sau Tây lịch, vương triều Kànva được thành lập thay thế vương triều Sunga, cũng tin theo Bà La Môn giáo, nên Phật giáo Trung Ấn bị sút kém dần dần.
Nhưng vì thế lực của các vương triều kể trên chỉ giới hạn trong phạm vi Trung Ấn mà các bậc thạc học cao đức ở Trung Ấn phần nhiều đi truyền đạo ở nước ngoài, nên các nước ngoài Trung Ấn, Phật giáo lại phát triển.
Lối kiến trúc tại Trung Ấn đương thời mà di tích hiện còn như các Phật tháp ở Lộc Dã Uyển (Magadava), Bồ Đề đạo tràng (Buddha gaya) v.v.
Phật giáo ở Tây Bắc Ấn Độ dưới triều đại A Dục vương đã có nhiều bậc truyền đạo tới. Đặc biệt là hai nước Kasmitra (Ca Thấp Di La) và Gandhàra (Kiền Đà La) là hai căn cứ địa truyền đạo của Thượng Tọa bộ. Trong đó giáo lý của Hữu bộ được phổ cập rõ rệt hơn.
Phía Tây Nam Ấn Độ hiện còn các di tích như: các động Ellora, Ajantà, và các Phật tháp Amaràvatì, Sanchì, được kiến tạo vào khoảng từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch tới thế kỷ thứ II sau Tây lịch. Ở các địa phương này cũng là nơi lưu bá của Đại Chúng bộ và Thượng Tọa bộ.
Phía Đông Bắc Ấn Độ vì thế lực bành trướng của Kỳ Na giáo, Đông Nam Ấn Độ bị sự uy hiếp của dân tộc Tamil nên ảnh hưởng của Phật giáo không được sâu rộng.
Tóm lại, Phật giáo sau thời đại A Dục vương chỉ được bành trướng và thịnh hành ở Bắc Ấn, Tây Ấn và Sri Lanka (Tích Lan), còn các địa phương khác mãi tới vương triều Kanishka mới phổ biến khắp.
II. Vương triều Kanishka
Kanishka, một ông vua rất tôn sùng và bảo hộ Phật giáo, sánh ngang với sự bảo hộ Phật giáo ở triều đại A Dục vương. Tổ tiên vua Kanishka, dòng dõi một bộ tướng nước Nhục Chi (Tukhàra). Đương thời lãnh thổ nước đó phân cắt thành năm chư hầu. Tới khoảng nửa thế kỷ thứ I trước Tây lịch, trong năm chư hầu đó, có Kujula Kadphises thuộc Kusana (Quý Xương hầu), thế lực mạnh hơn cả, liền nổi lên diệt bốn chư hầu khác, và lập ra vương triều Kusana. Sau con của Kujula Kadphises là Wema Kadphises nối nghiệp, lại đem quân chinh phục các nơi, và chiếm lĩnh các nước Kasmitra và Gandhàra, các nước thuộc Bắc Ấn cùng một bộ phận Tây Ấn, thế lực ngày một mạnh, bỗng trở thành một đại đế quốc tại Trung Châu Á. Vua Kanishka, người kế thừa lãnh thổ vĩ đại này, là ngôi vua thứ ba thuộc vương triều Kusana (Quý Xương hầu). Niên hiệu tức vị của vua không được biết rõ ràng, nhưng đại khái vào khoảng đầu thế kỷ thứ II sau Tây lịch.
Sau khi tức vị, vua đem quân tiến vào Trung Ấn, chiếm lĩnh thành Pàtaliputra (Hoa Thị Thành), và chinh phục cả nước Parthia (An Tức) thuộc Iran bây giờ, đồng thời chiếm cả lãnh thổ nhà Hậu Hán như: Sở Lặc (Kashgar), Xa Sa (Yarkand) và Vu Điền (Khotan). Vua đóng đô ở thành Purusapura (Bá Lộ Xa Thành) thuộc nước Gandhàra, kiến thiết thêm thành Kanishkapura (Ca Nị Sắc Ca thành) tại nước Kasmitra.
Vua Kanishka tuy tín phụng Phật giáo, nhưng tin về giáo lý của Hữu bộ. Sự nghiệp quan hệ đối với Phật giáo của vua có ba điểm trọng yếu:
Phỏng theo sự nghiệp của A Dục vương, thiết lập rất nhiều tháp để thờ Xá lợi của Phật.
Khuyến khích và bảo hộ duy trì nền văn minh Gandhàra (mỹ thuật Kiền Đà La).
Có công đức lớn đối với sự nghiệp kết tập kinh điển lần thứ tư.
Vua Kanishka tại vị được hơn ba mươi năm thì mất. Các vương triều kế tiếp sau đó tuy có ủng hộ Phật giáo, nhưng cũng có vương triều lại bài xích, nên Phật giáo không được hưng thịnh như trước.
III. Kết tập kinh điển lần thứ tư
Vương triều Kanishka, đối với Phật giáo có một sự nghiệp vĩ đại nhất đó là việc kết tập kinh điển của Hữu bộ lần thứ tư tại nước Kamistra.
Tương truyền, vua Kanishka cứ mỗi ngày thỉnh một vị Tăng vào cung để nghe pháp, và chính mình duyệt lãm các kinh, luận, khi thấy giáo nghĩa không giống nhau thì lấy làm ngờ vực, đem hỏi Ngài Hiếp Tôn Giả (Pàrava). Tôn giả giảng giải cho vua biết lý do, vì có nhiều bộ phái, nên giáo nghĩa của mỗi bộ phái cũng khác nhau. Vua thấy thế nảy ra ý nghĩ thống nhất giáo nghĩa của mọi bộ phái, liền bàn cùng Ngài Hiếp Tôn Giả, rồi phát nguyện mở đại hội kết tập.
Trước hết, vua hạ lệnh chiêu tập các học giả khắp trong nước, tuyển bạt lấy 500 vị là những bậc học rộng tài cao, tinh thông Tam tạng, hội họp tại tịnh xá Hoàn Lâm (Kundalavana samgharàma), nước Kasmitra để kết tập Tam tạng. Kỳ kết tập này do Ngài Vasumitra (Thế Hữu) là Thượng thủ, và có các Đại đức Dharmatràtà (Pháp Cứu), Ghosa (Diệu Âm), Bhuddadeva (Giác Thiên) và Pàrsva (Hiếp Tôn Giả), các Ngài chú thích Kinh tạng gồm 100 ngàn bài tụng; Luật tạng gồm 100 ngàn bài tụng; và Luận tạng (Abhidharma vibhàsa) 100 ngàn bài tụng, cả thảy là 300 ngàn bài tụng, gồm 6.6 triệu lời. Kỳ kết tập này, Kinh, Luật, Luận đều được khắc vào bản bằng đồng, trước sau phải mất mười hai năm mới hoàn thành. Sau khi hoàn thành, vua ra lệnh xây cất một bảo tháp lớn để tàng trữ, cắt cử người bảo vệ, để ngăn ngừa học thuyết ngoại đạo trà trộn. Nếu ai muốn học hỏi và nghiên cứu, chỉ được xem ở trong tháp, cấm không được đem ra bên ngoài. Tuy thế, nhưng Kinh tạng và Luật tạng cũng đã sớm bị thất lạc, không còn thấy truyền tới ngày nay, duy có phần chú thích của Luận tạng A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa Luận (Abhidharma Mahavibhàsa Sutra), gồm 200 quyển do Ngài Huyền Trang dịch là hiện còn lưu truyền. Nội dung của bộ luận này là tổng hợp giáo nghĩa dị đồng của các bộ phái để hoàn thành giáo nghĩa của Hữu bộ.
Về niên đại kỳ kết tập này có nhiều thuyết khác nhau, có thuyết cho là sau 400 năm, 500 năm hoặc 600 năm khi Đức Phật nhập diệt. Thuyết Phật diệt độ sau khoảng 600 năm thì thích ứng hơn, tức là ở vào khoảng đầu thế kỷ thứ II sau Tây lịch.