Mặc bộ đồng phục quần yếm một màu xanh lam thẫm đơn điệu của Liên hợp Điện lực Algonquin, đội chiếc mũ kiểu như mũ đánh bóng chày nhưng không có logo và kính chắn bảo hộ, gã đàn ông loay hoay với bảng điện ở phía cuối câu lạc bộ thể thao khu Chelsea, Manhattan.
Trong lúc làm việc - sắp xếp thiết bị, bóc, nối, cắt dây điện, gã nghĩ về vụ tấn công sáng hôm nay. Các phương tiện truyền thông đang tới tấp đưa tin tức.
Một người đàn ông bị thiệt mạng và một số người khác bị thương khi tình trạng quá tải tại một trạm điện ở Manhattan đã tạo ra một tia lửa điện vô cùng lớn phóng từ trạm điện sang một cột biển báo xe buýt, suýt nữa thì trúng phải một chiếc xe buýt thành phố.
“Nó giống y như, anh biết đấy, một cú sét.” Một nhân chứng là hành khách trên chiếc xe buýt thuật lại. “Nó bao trùm toàn bộ vỉa hè. Nó khiến tôi chẳng còn nhìn thấy gì cả. Và cái âm thanh đó. Tôi không tài nào mô tả được. Nó giống tiếng rền ầm ầm, rồi nổ bùng một phát. Tôi sợ đến gần bất cứ vật gì có điện. Tôi thực sự sợ chết khiếp. Tôi muốn nói bất cứ ai chứng kiến sự việc đều chết khiếp.”
Chẳng phải một mình bà, gã đàn ông nghĩ. Nhân loại biết tới - và sợ hãi và khiếp đảm - điện từ hơn năm nghìn năm nay. Bản thân từ “điện” xuất phát từ từ “hổ phách” trong tiếng Hy Lạp1, chỉ thứ nhựa các cây lá kim rắn chắc lại thành đá mà người Hy Lạp và La Mã cổ đại từng dùng để chà xát và tạo ra tĩnh điện. Tác dụng gây tê liệt của dòng điện phóng ra từ những loài lươn, cá sống ở các con sông và khu vực ven biển Ai Cập, Hy Lạp, La Mã đã được miêu tả nhiều trong các tài liệu khoa học từ rất lâu trước Công nguyên.
1 “Electron” là hạt điện tử; còn trong tiếng Hy Lạp, hổ phách được gọi là “elektron”.
Ý nghĩ của gã lúc ấy chuyển sang những sinh vật sống dưới nước, vì vừa làm việc gã vừa nhìn trộm năm người đang bơi chầm chậm xung quanh bể bơi câu lạc bộ. Ba nữ, hai nam, đều đã đến tuổi nghỉ hưu.
Một loài cá gã thấy rất hấp dẫn là loài cá đuối điện, mà người ta đã lấy tên nó đặt cho thứ vũ khí do tàu ngầm bắn đi2. Từ torpore trong tiếng Latin - có nghĩa là làm đờ ra, làm tê liệt - là nguồn gốc của cái tên ấy. Thực tế, loài cá đuối điện có hai bộ pin trong cơ thể, được tạo thành bởi hàng trăm nghìn tấm gelantin. Những tấm này sản xuất ra điện, và các chuỗi dây thần kinh phức tạp truyền dòng điện đi dọc theo thân như các dây dẫn. Cá sử dụng điện để tự vệ và cũng để tấn công con mồi. Chúng nằm im chờ đợi, rồi phóng điện làm tê liệt con mồi, hoặc đôi khi giết chết hẳn - những con cá đuối lớn có thể phóng ra dòng điện hai trăm volt với cường độ mạnh hơn cả một chiếc máy khoan.
2 Cá đuối và thủy lôi cùng được gọi là “torpedo” trong tiếng Anh.
Khá hấp dẫn...
Gã hoàn thành bảng điện và ngắm nghía kết quả làm việc của mình. Giống như những thợ đường dây và thợ điện lành nghề trên toàn thế giới, gã cảm thấy có sự tự hào nhất định trước công trình khéo léo ấy. Gã đã đi đến chỗ cảm thấy làm việc với điện không đơn thuần chỉ là nghề nghiệp, nó còn là khoa học, là nghệ thuật. Đóng cánh cửa lại, gã bước sang phía bên kia câu lạc bộ - gần phòng thay đồ. Và, ở vị trí không ai trông thấy, gã chờ đợi.
Tựa một con cá đuối điện.
Khu vực này - tận cùng phía tây thành phố - là một khu dân cư. Lúc bấy giờ, đầu buổi chiều, không có người lao động nào đang đi bộ, bơi hay đánh bóng quần, tuy câu lạc bộ sẽ trở nên đông nghịt sau giờ làm việc, khi hàng trăm cư dân sinh sống quanh đây háo hức được giải tỏa các căng thẳng trong ngày.
Nhưng gã chẳng cần một đám đông lớn. Tại thời điểm này thì chẳng cần. Cái đấy để sau.
Vậy, mọi người sẽ nghĩ gã đơn giản là một công nhân và không chú ý gì cả. Gã chuyển sự quan tâm sang một hộp cứu hỏa, tháo nắp ra, hờ hững xem xét cuộn dây. Lại suy nghĩ về những con cá đuối điện. Loại sống ở nước mặn có các mạch điện song song và tạo ra điện áp thấp hơn vì nước mặn dẫn điện tốt hơn nước ngọt và dòng điện chẳng cần quá mạnh mới giết chết con mồi. Loại sống ở sông, hồ thì ngược lại, hệ thống pin được bố trí thành chuỗi và tạo ra điện áp cao hơn để bù cho khả năng dẫn điện kém hơn của nước ngọt.
Điều này, đối với gã, không chỉ thú vị, mà còn liên quan tới thời điểm hiện tại, tới thí nghiệm về sự dẫn điện của nước. Gã băn khoăn tự hỏi liệu mình đã tính toán đúng chưa.
Gã chỉ phải đợi mười phút đã nghe thấy tiếng bước chân, rồi trông thấy một trong năm người bơi xung quanh bể, người đàn ông tuổi lục tuần, đầu hơi hói, loẹt quẹt đôi dép lê đi qua. Ông ta bước vào khu vực vòi hoa sen.
Gã đàn ông mặc bộ đồng phục quần yếm lén lút nhìn ông già vặn vòi và đứng vào bên dưới làn nước bốc hơi nghi ngút, không biết rằng mình đang bị quan sát.
Ba phút, năm phút. Xát xà phòng, xả nước...
Mỗi lúc một thêm sốt ruột, vì sợ nhỡ bị phát hiện, gã đàn ông mặc bộ đồng phục quần yếm nắm chặt thiết bị điều khiển từ xa - tương tự một móc đeo chìa khóa ô tô lớn, và cảm thấy cơ hai vai mình căng cứng.
Torpore. Gã cười lặng lẽ. Và thả lỏng cơ.
Cuối cùng, ông già kia cũng bước ra khỏi vòi hoa sen, lau người. Ông ta khoác chiếc áo choàng tắm lên, lại xỏ chân vào đôi dép. Ông ta bước về phía cánh cửa mở sang phòng thay đồ và cầm lấy tay nắm cửa.
Gã đàn ông mặc bộ đồng phục quần yếm đồng thời bấm hai nút trên thiết bị điều khiển từ xa.
Ông già há hốc mồm, đờ ra.
Rồi lùi lại, nhìn chằm chằm vào tay nắm cửa. Nhìn những ngón tay mình và sờ nhanh tay nắm cửa một lần nữa.
Tất nhiên thật ngu ngốc. Làm gì có người nhanh hơn điện được bao giờ.
Nhưng lần này không thấy giật, và ông già đứng đấy ngẫm nghĩ có thể là mình vừa quệt phải mép sắc của kim loại hoặc thậm chí có thể là cơn đau bất chợt của khớp ngón tay.
Thực ra, cái bẫy chỉ chứa dòng điện vài miliampe. Gã không có mặt tại đây để giết ai cả. Đây đơn giản là thí nghiệm nhằm làm sáng tỏ hai điều: Thứ nhất, thiết bị điều khiển từ xa do gã chế tạo có hoạt động được ở khoảng cách này không, xuyên qua bê tông và thép? Nó hoạt động được, tốt. Và, thứ hai, chính xác tác dụng dẫn điện của nước ra sao? Vấn đề này đã được các kỹ sư an toàn trình bày mãi rồi, tuy nhiên lại chưa từng có ai định lượng theo bất cứ ý nghĩa thực tiễn nào - thực tiễn, tức là cần dòng điện bao nhiêu mới có thể làm giật một người đang đi giày hay dép da ẩm, gây rối loạn cơ tim và dẫn đến tử vong.
Câu trả lời là chỉ cần một dòng điện cực kỳ nhỏ.
Tốt.
Khiến tôi sợ chết khiếp...
Gã đàn ông mặc bộ đồng phục quần yếm xuống gác theo lối cầu thang bộ, rời khỏi đó qua cửa sau.
Gã lại nghĩ về cá và điện. Tuy nhiên, lần này, không phải về việc sản xuất ra mà là về việc phát hiện ra điện. Nói cụ thể, cá mập. Chúng có giác quan thứ sáu, hiểu theo đúng nghĩa đen của từ này: Khả năng đáng kinh ngạc cảm nhận được hoạt động điện sinh học bên trong cơ thể con mồi ở khoảng cách xa hàng dặm, trước cả khi con mồi lọt vào tầm mắt.
Gã liếc nhìn đồng hồ đeo tay và đồ rằng cuộc điều tra tại trạm điện đã được bắt đầu rồi. Thật không may thay cho bất cứ kẻ nào đang điều tra vụ việc đó, khi con người vốn không có giác quan thứ sáu như cá mập.
Và cũng chẳng bao lâu nữa, sẽ thật không may thay cho rất nhiều kẻ khác ở cái thành phố New York tội nghiệp này.