"Anh cảm thấy thế nào?” Sachs hỏi trong lúc bước vào phòng thí nghiệm.
Rhyme cứng cỏi đáp, “Anh khỏe. Chứng cứ đâu?”
Các câu nói không thể hiện dấu câu rõ ràng.
“Nhóm kỹ thuật viên và Ron đang đem về. Em tự lái chiếc Cobra về trước.”
Rhyme đồ rằng câu ấy có nghĩa là Sachs đã lái xe như điên về.
“Còn chị thế nào?” Thom hỏi.
“Ướt.”
Chẳng cần nói cũng thấy. Tóc Sachs đang khô rồi nhưng quần áo của cô vẫn sũng nước. Tình trạng của cô không thành vấn đề. Họ biết là cô ổn. Họ đã xác minh được điều đó từ lúc nãy. Rhyme đã bàng hoàng khi sự việc xảy ra, tuy nhiên bây giờ cô không sao, và anh muốn xem xét đến chứng cứ.
Nhưng như thế chỉ là một cách khác để bảo rằng xác suất bốn mươi lăm phần trăm là sẽ có thêm một người nào đó ở một chỗ nào đó trong thành phố New York sắp sửa bị điện giật chết?... Và điều đó có thể xảy ra ngay bây giờ.
“Chà, chứng cứ...?”
“Có chuyện gì thế?” Sachs hỏi Thom, đưa ánh mắt về phía Rhyme.
“Anh đã bảo anh khỏe mà.”
“Em đang hỏi cậu ấy.” Chính Sachs lúc bấy giờ hơi cáu.
“Huyết áp tăng. Tăng vọt.”
“Và bây giờ nó chẳng còn cao nữa, đúng không, Thom?” Lincoln Rhyme gắt gỏng hỏi. “Nó ổn, bình thường. Kiểu như nói tới việc Nga đưa tên lửa sang Cuba ấy. Đã xuất hiện căng thẳng trong một khoảng thời gian. Nhưng vì Miami chẳng phải một cái hố phóng xạ, tôi cho rằng vấn đề đã tự nó giải quyết xong, đúng không? Nó. Đã. Là. Quá. Khứ. Hãy gọi Pulaski. Cả nhóm kỹ thuật viên đến từ Queens. Tôi muốn có vật chứng.”
Anh chàng phụ tá phớt lờ Rhyme, nói với Sachs, “Chưa cần đến thuốc. Nhưng tôi đang theo dõi.”
Cô đưa mắt đánh giá Rhyme thêm lần nữa. Rồi bảo sẽ lên gác thay quần áo.
“Có vấn đề gì à?” Lon Sellitto hỏi. Anh ta vừa từ trung tâm thành phố tới mấy phút trước. “Anh cảm thấy không khỏe hả Linc?”
“Ôi, lạy Chúa.” Rhyme quát. “Tất cả mọi người điếc hay sao? Tất cả mọi người phớt lờ tôi hay sao?...” Rồi anh nhìn về phía khung cửa. “A, cuối cùng. Tin tức từ một đất nước khác cũng đến. Mẹ kiếp, Pulaski, ít nhất cậu cũng có tác dụng. Chúng ta có được gì?”
Chàng cảnh sát trẻ, đã mặc lại đồng phục, đang đẩy vào những thùng vốn dùng đựng sữa đóng chai mà nhân viên khám nghiệm hiện trường hay dùng để vận chuyển túi đựng vật chứng.
Lát sau, hai nhân viên đến từ trụ sở bộ phận Khám nghiệm Hiện trường ở Queens mang vào một vật kềnh càng được bọc nilon: sợi dây điện. Thứ vũ khí lạ lùng nhất Rhyme từng thấy trong một vụ án. Và là một trong những thứ vũ khí nguy hiểm nhất. Họ cũng mang vào cả cánh cửa của ô cửa kiểm soát dưới tầng hầm trạm điện, được bọc theo cách thức tương tự.
“Pulaski? Tiệm cà phê thế nào?”
“Sếp đã đúng. Tôi có một số thông tin đây, thưa sếp.”
Cái nhướn mày của nhà hình sự học nhắc nhở chàng cảnh sát rằng danh xưng kia là không cần thiết. Nhà hình sự học đã là một đại úy Sở Cảnh sát New York về hưu. Anh không có quyền mang một danh xưng chính thức hay được gọi là “sếp” gì đó hơn bất cứ ai ngoài đường. Và anh từ trước tới nay vẫn cố gắng phá vỡ sự thiếu tự tin ở Pulaski - vì tuổi đời đang trẻ, tất nhiên, nhưng còn vì nguyên nhân khác nữa: Cậu ta bị chấn thương nghiêm trọng ở đầu ngay trong vụ án đầu tiên họ hợp tác với nhau. Nó suýt chấm dứt sự nghiệp của cậu ta trong lực lượng cảnh sát, tuy nhiên cậu ta đã trụ lại được, bất chấp chấn thương đi kèm theo hậu quả là thỉnh thoảng cậu ta bị lẫn lộn và mất phương hướng. (Cậu ta có quyết tâm ở lại lực lượng chủ yếu nhờ sự thôi thúc từ quyết tâm tương tự của Rhyme.)
Để biến Pulaski trở thành một sĩ quan khám nghiệm hiện trường hàng đầu, một trong những yếu tố quan trọng nhất Rhyme cần dần dần khiến cậu ta thấm nhuần là cái tôi biết kháng cự sự phê phán. Người ta có thể có mọi kỹ năng trên đời này nhưng chúng sẽ vô ích nếu không có lòng dũng cảm hỗ trợ. Trước khi chết, anh muốn chứng kiến Pulaski giữ một vị trí cao trong lĩnh vực khám nghiệm hiện trường ở thành phố New York. Anh biết điều đó có thể trở thành hiện thực. Anh có một hình dung đơn giản về hy vọng của mình: Pulaski và Sachs cùng phụ trách bộ phận Khám nghiệm Hiện trường. Đó sẽ là di sản Rhyme để lại.
Anh cảm ơn nhóm kỹ thuật viên bộ phận Khám nghiệm Hiện trường khi họ ra về bằng những cái cúi đầu chào trân trọng và vẻ mặt cho thấy họ đang ghi nhớ phòng thí nghiệm được trang bị như thế nào. Không có nhiều người thuộc Sở Cảnh sát có thể đến đây gặp trực tiếp Rhyme. Anh chiếm lĩnh một thứ bậc đặc biệt tại Sở Cảnh sát New York. Mới có thay đổi nhân sự và người phụ trách mảng khám nghiệm đã chuyển đến Miami. Hiện tại, vài thám tử cấp cao đang cùng nhau phụ trách mảng này cho tới lúc có bổ nhiệm nhân sự chính thức. Thậm chí đã có những trao đổi về việc thuê Rhyme quay lại phụ trách bộ phận Khám nghiệm Hiện trường một lần nữa.
Khi phó giám đốc Sở gọi điện đến về việc ấy, Rhyme nêu ý kiến rằng anh có thể gặp phải một số vấn đề đối với bài kiểm tra tiêu chuẩn dành cho đối tượng tuyển dụng của Sở. Phần kiểm tra sức khỏe thể chất đòi hỏi đối tượng tuyển dụng phải hoàn thành những nội dung bị tính thời gian: chạy tới một hàng rào cao gần hai mét rồi nhảy qua nó, khống chế một tội phạm trong tình huống giả định, chạy lên cầu thang, lôi một người nộm nặng ngót tám mươi kilogram ra khỏi nơi nguy hiểm, kéo cò súng mười sáu lần bằng tay thuận và mười lăm lần bằng tay kia.
Rhyme do dự, trình bày với các quan chức Sở Cảnh sát New York đến gặp anh về việc anh không bao giờ có thể hoàn thành bài kiểm tra đó. Nhưng sự quan tâm của họ khiến anh phổng hết cả mũi.
Sachs quay xuống gác, mặc quần jean và áo len màu xanh lam nhạt bỏ trong quần, tóc cô đã gội và còn hơi ẩm, được buộc ra sau thành đuôi ngựa bằng sợi thun đen.
Đúng lúc ấy, có tiếng chuông cửa, Thom đi ra mở cửa và một nhân vật nữa bước vào.
Người đàn ông mảnh khảnh, mà thái độ nhút nhát khiến người ta nghĩ tới một nhân viên kế toán hay một ông bán giày tuổi trung niên, là Mel Cooper, theo quan điểm của Rhyme thì là kỹ thuật viên phòng khám nghiệm pháp y giỏi nhất nước. Có bằng cử nhân toán, vật lý và hóa hữu cơ, là chuyên viên cao cấp ở cả Hiệp hội quốc tế về nhận dạng lẫn Hiệp hội quốc tế về phân tích mẫu máu, anh ta luôn là niềm ao ước lớn của các đơn vị Khám nghiệm Hiện trường. Nhưng vì, cách đấy nhiều năm, Rhyme đã bắt cóc người kỹ thuật viên này từ phía bắc bang New York đưa về Sở Cảnh sát thành phố, người ta hiểu rằng Cooper sẽ buông những công việc đang làm, tới ngay Manhattan nếu Rhyme sát cánh cùng Sellitto giải quyết một vụ án và muốn anh ta có mặt.
“Mel, thật mừng là anh đến được.”
“Hừm. Đến được... Chẳng phải anh đã gọi cho tay trung úy của tôi và đe dọa anh ta đủ thứ kinh khủng nếu anh ta không thả tôi ra khỏi vụ Hanover-Sterns sao?”
“Tôi làm như thế vì anh, Mel ạ. Anh đang bị lãng phí vào ba cái vụ giao dịch nội gián.”
“Và tôi cảm ơn anh về lệnh ân xá đó.”
Cooper gật đầu chào mọi người trong phòng, đặt cặp kính Harry Potter lên sống mũi và, trong đôi giày hiệu Hush Puppies màu nâu êm ái, bước ngang qua phòng thí nghiệm đến chỗ chiếc bàn khám nghiệm. Mặc dù là người có bề ngoài kém khỏe mạnh nhất mà Rhyme từng gặp, tất nhiên không kể chính bản thân anh, Mel Cooper bao giờ cũng di chuyển với vẻ duyên dáng của một cầu thủ bóng đá, và nó khiến Rhyme nhớ ra rằng anh ta là nhà vô địch khiêu vũ cổ điển.
“Chúng ta hãy nghe chi tiết nào.” Rhyme nói, quay sang Sachs.
Cô mở phần ghi chép và trình bày những gì người giám sát thực địa của công ty điện lực đã nói với mình.
“Liên hợp Điện lực Algonquin cung cấp điện cho hầu hết khu vực này. Pennsylvania, New York, New Jersey, Connecticut.”
“Là những ống khói bên bờ sông Đông ấy à?”
“Phải.” Sachs trả lời Cooper. “Trụ sở chính của họ ở đó. Họ có một nhà máy hơi nước và phát điện. Bây giờ, theo nhân viên giám sát của Algonquin, đối tượng có lẽ đã đột nhập vào trạm điện một thời điểm nào đó trong khoảng ba mươi sáu tiếng đồng hồ vừa qua. Thông thường, các trạm điện đều không có người. Khoảng hơn mười một giờ sáng nay một chút, hắn, hoặc bọn chúng, đã xâm nhập hệ thống máy tính Algonquin, đánh sập các trạm điện thuộc khu vực này và cho tất cả điện đi qua trạm trên phố Năm mươi bảy. Khi điện áp tăng lên đến một mức nhất định, nó phải hoàn thành một mạch điện. Không thể ngăn chặn được. Nó hoặc truyền sang một dây dẫn khác hoặc truyền sang một vật tiếp đất. Bình thường các aptomat trong trạm sẽ nhảy, nhưng thủ phạm đã cài đặt lại để chúng chịu phụ tải cao gấp mười lần, vì thế dòng điện nằm ở đó.” Cô chỉ sợi cáp, “đợi tới lúc bùng nổ. Như một đập nước. Áp lực tích tụ và điện phải truyền đi đâu đấy.”
Sachs cầm lên một túi đựng những miếng kim loại hình giọt nước mắt. “Và rồi nó đã bùng nổ.” Cô lặp lại lần nữa. “Những miếng kim loại này văng tứ phía. Như những mảnh đạn.”
“Cái gì thế?” Sellitto hỏi.
“Những giọt kim loại nóng chảy từ cây cột gắn biển báo xe buýt. Văng tứ phía. Găm vào bê tông và xuyên thủng thành một số xe ô tô. Nạn nhân bị bỏng nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến anh ta tử vong.” Rhyme để ý thấy giọng Sachs dịu đi. “Nó giống như cả loạt đạn súng ngắn. Các vết thương bị đốt cháy bằng sắt nung.” Cô nhăn mặt. “Nó khiến anh ta vẫn tỉnh táo một lúc trước khi chết. Các anh nhìn này.” Cô hất đầu ra hiệu với Pulaski.
Chàng cảnh sát cắm thẻ từ vào một máy tính ở gần và tạo file cho vụ án. Lát sau, các bức ảnh hiện lên trên mấy màn hình độ nét cao gần đấy. Bao nhiêu năm làm việc trong lĩnh vực khám nghiệm hiện trường, Rhyme hầu như đã quen với những hình ảnh thậm chí rùng rợn nhất. Mặc dù vậy, những hình ảnh này vẫn khiến anh cảm thấy xáo động. Thi thể nạn nhân trẻ tuổi bị những giọt kim loại xuyên thủng lỗ chỗ. Hầu như không chảy máu, vì nhiệt độ của sắt nung. Liệu thủ phạm có biết trước rằng thứ vũ khí mà hắn tạo ra sẽ có tác dụng như thế, hàn kín các vết thương? Giữ nạn nhân tỉnh táo để cảm thấy nỗi đau đớn? Điều này nằm trong phương thức hành động của hắn chăng? Bây giờ thì Rhyme có thể hiểu tại sao Sachs lại bất an tới mức ấy.
“Lạy Chúa.” Viên thám tử to lớn lẩm bẩm.
Rhyme rũ những hình ảnh đó ra khỏi đầu và hỏi, “Anh ta là ai?”
“Tên là Luis Martin. Phó quản lý một cửa hàng sản phẩm âm nhạc. Hai mươi tám tuổi. Không tiền án tiền sự gì.”
“Không có quan hệ gì với Algonquin hay Cơ quan Giao thông Đô thị... có lý do gì để một kẻ nào đó muốn anh ta chết không?”
“Không.” Sachs nói.
“Chẳng may không đúng lúc, không đúng chỗ.” Sellitto tóm tắt lại.
Rhyme nói, “Ron. Tiệm cà phê thế nào? Cậu tìm thấy gì hả?”
“Một người đàn ông mặc đồng phục quần yếm màu xanh lam thẫm vào đấy lúc chừng mười giờ bốn mươi lăm. Gã mang theo laptop. Có kết nối mạng.”
“Quần yếm màu xanh lam à?” Sellitto hỏi. “Có logo không? Có nhận dạng không?”
“Không ai trông thấy có logo hay không. Nhưng các công nhân Algonquin đang có mặt tại đấy, đồng phục của họ cũng màu xanh lam thẫm.”
“Có mô tả hình dáng không?” Viên thám tử quần áo nhàu nhĩ tiếp tục hỏi.
“Có lẽ là da trắng, có lẽ độ tứ tuần, đeo kính, đội mũ màu tối. Đôi ba người lại bảo không đội mũ, cũng chẳng đeo kính. Người thì bảo tóc vàng, người thì bảo tóc đỏ, người lại bảo tóc tối màu.”
“Nhân chứng đấy.” Rhyme lầm bầm dè bỉu. Có thể xảy ra tình huống như thế này: Một tay súng cởi trần bắn chết người trước mắt mười nhân chứng, thì cả mười nhân chứng sẽ mô tả hắn mặc áo phông với mười màu khác nhau. Mấy năm qua, sự thiếu tin tưởng của anh vào giá trị của nhân chứng đã giảm đi phần nào - nhờ kỹ năng thẩm vấn của Sachs, và nhờ Kathryn Dance, người đã chứng minh rằng việc phân tích ngôn ngữ hình thể có đủ tính khoa học để đưa ra các kết quả lặp lại trong hầu hết những vụ án. Tuy nhiên, anh vẫn chưa bao giờ hoàn toàn rũ bỏ được hoài nghi.
“Và chuyện gì đã xảy ra với kẻ mặc quần yếm?”
“Chẳng ai thực sự chắc chắn. Lúc đó khá hỗn loạn. Tất cả những gì họ biết là họ nghe thấy tiếng nổ khủng khiếp, toàn bộ con phố sáng lòa và mọi người nhào hết ra khỏi tiệm.”
“Hắn mang cốc cà phê theo à?” Rhyme hỏi. Anh mê những dụng cụ đựng đồ uống. Chúng giống như thẻ căn cước vậy, mang thông tin về ADN, vân tay, những dấu vết bám chặt nhờ bản chất kết dính của sữa, đường cùng các chất phụ gia.
“E là vậy.” Pulaski xác nhận.
“Mẹ kiếp. Cậu tìm thấy gì ở bàn?”
“Cái này ạ.” Pulaski lôi từ thùng đựng sữa ra một phong bì nhựa.
“Phong bì không.” Sellitto nheo nheo mắt và cào cái bụng bệ vệ, có thể là gãi ngứa, có thể là bất giác giật mình khi nhận thấy chế độ ăn kiêng gần đây nhất không có tác dụng gì.
Nhưng Ryme chỉ nhìn chiếc phong bì nhựa và mỉm cười. “Làm tốt đấy, cậu tân binh.”
“Làm tốt á?” Viên trung úy lẩm bẩm. “Chẳng có gì bên trong.”
“Loại chứng cứ tôi yêu thích đấy, Lon. Những thứ vô hình. Chút nữa chúng ta sẽ xem xét. Tôi đang băn khoăn về bọn hacker.” Giọng Rhyme trầm ngâm. “Pulaski, mạng không dây ở tiệm cà phê thì sao? Tôi đã suy nghĩ về nó và tôi đánh cuộc là không có.”
“Sếp đoán đúng. Bằng cách nào mà sếp biết được?”
“Hắn không thể để phụ thuộc vào cái mạng đó, nhỡ nó gặp sự cố. Hắn chắc đang truy cập thông qua điện thoại di động. Nhưng chúng ta phải phát hiện được cách hắn xâm nhập hệ thống máy tính của Algonquin. Lon, hãy đề nghị bộ phận Tội phạm Mạng giúp đỡ. Họ cần liên lạc với người chịu trách nhiệm về an ninh mạng ở Algonquin. Thử xem Rodney có tham gia được không.”
Bộ phận Tội phạm Mạng thuộc Sở Cảnh sát New York là một tập thể ưu tú gồm khoảng ba mươi thám tử và nhân viên hỗ trợ. Rhyme thỉnh thoảng vẫn làm việc với một người trong số đó, Thám tử Rodney Szarnek. Rhyme vốn vẫn nghĩ về anh ta kiểu như một người trẻ, nhưng thực ra anh không biết tuổi anh ta, vì anh ta có cái thái độ trẻ con, quần áo luộm thuộm và mái tóc bù xù của một hacker - một hình ảnh và khuynh hướng làm giảm tuổi thật của người ta đi nhiều.
Sellitto gọi điện và sau cuộc đối thoại ngắn gọn thì kết thúc liên lạc, thông báo lại rằng Szarnek sẽ gọi điện cho nhóm IT của Algonquin ngay lập tức để trao đổi về việc các máy chủ của công ty điện lực bị hack.
Cooper đang kính nể nhìn sợi cáp. “Vậy ra đây là nó?” Rồi cầm lên một cái túi khác đựng những mảnh kim loại méo mó, những mảnh bom, anh ta nói thêm, “May là lúc ấy không có ai đi bộ ngang qua. Nếu vụ này xảy ra ở đại lộ Năm, có lẽ đã có khoảng hai chục người thiệt mạng.”
Phớt lờ lời bình phẩm thừa thãi của chuyên gia kỹ thuật, Rhyme đăm đăm quan sát Sachs. Anh trông thấy ánh mắt cô trở nên trầm tư khi cô nhìn những chiếc đĩa tí hon kia.
Bằng giọng có lẽ gay gắt hơn mức cần thiết, để lôi sự chú ý của cô khỏi những mảnh bom, anh gọi, “Nào, mọi người. Bắt đầu vào việc đi.”