Tháng 11-2020, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam Kỳ-ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam”, chúng tôi có dịp đi cùng một số đại biểu về thăm lại những di tích lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa. Một trong những địa chỉ để lại dấu ấn sâu sắc là đình Long Hưng ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Ý tưởng về thăm di tích đình Long Hưng xuất phát từ bài tham luận của TS Lê Văn Tý, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, trình bày trong hội thảo nói trên. Dưới góc nhìn của một nhà khoa học làm công tác tuyên giáo và của một công dân vùng đất là cái nôi của Nam Kỳ khởi nghĩa, TS Lê Văn Tý đã truyền tải nhiều thông điệp có ý nghĩa giáo dục sâu sắc liên quan đến sự kiện lịch sử trọng đại này. Với tham luận có chủ đề “Cờ đỏ sao vàng-báu vật phương Nam”, TS Lê Văn Tý khẳng định lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng sáng ngời ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh quật khởi của nhân dân ta. Nam Kỳ khởi nghĩa là sự kiện hiện thực hóa ý tưởng, tinh thần yêu nước, khát vọng đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập dân tộc thông qua hình ảnh mang tính biểu tượng, đã được đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta truyền đạt cho các đồng chí của mình trong thời gian bị thực dân Pháp giam cầm tại nhà tù Côn Đảo: “Sau này nước nhà độc lập sẽ lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ”. Để chuẩn bị cho Nam Kỳ khởi nghĩa, Tỉnh ủy Mỹ Tho được Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ thiết kế, may lá cờ đỏ sao vàng để hiệu triệu tinh thần khởi nghĩa của toàn dân.
Các chiến sĩ tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho họp mặt tại di tích nhà bà Năm Dẹm, nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ngày 23-11-1940. Ảnh tư liệu
Đêm 22, rạng sáng 23-11-1940, lực lượng khởi nghĩa khắp nơi ở Nam Kỳ đồng loạt nổi dậy. Tại đình Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), trụ sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho, lá cờ đỏ sao vàng gắn vào cán là cây tầm vông đã được buộc chặt trên ngọn cây bàng cao chót vót. Ngay sau đó, đồng loạt các khu vực khác trong vùng cũng xuất hiện hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Sự xuất hiện của lá cờ đỏ sao vàng khắp nơi trên địa bàn Mỹ Tho đã trở thành mệnh lệnh không lời, hiệu triệu tinh thần yêu nước, kêu gọi sự đoàn kết của các thành phần, lực lượng trong toàn dân, nhất tề đứng lên khởi nghĩa. Thời khắc lịch sử rạng sáng 23-11-1940 và sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa đã tạc vào lịch sử dân tộc một mốc son chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào dân tộc của mọi thế hệ.
Đánh giá về sự kiện này, Giáo sư Trần Văn Giàu từng khẳng định: “Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 dù thất bại nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một báu vật tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng tràn đầy của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh-lá cờ của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và sau này là Quốc kỳ Việt Nam”.
"Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 dù thất bại nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một báu vật tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng tràn đầy của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh-lá cờ của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và sau này là Quốc kỳ Việt Nam". (GS TRẦN VĂN GIÀU)
Tham luận của TS Lê Văn Tý cũng nêu rõ: “Quốc kỳ-cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa là báu vật phương Nam được kết tinh suốt hàng ngàn năm đấu tranh anh dũng kiên cường, bền bỉ chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước, là tinh anh, là hồn cốt của dân tộc Việt Nam ta. Lá cờ đỏ sao vàng ra đời khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình hình thành và xuất hiện cờ đỏ sao vàng hết sức gian nan và sự hy sinh của các đồng chí đảng viên được giao nhiệm vụ, nhưng cuối cùng, ngọn cờ vĩ đại của dân tộc Việt Nam luôn vút cao và gắn liền với những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất, hy sinh anh dũng của toàn dân tộc Việt Nam, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi”...
Chuyện kể ở ngôi đình linh thiêng
Từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi về tỉnh Tiền Giang, tìm đến địa chỉ có ngôi đình linh thiêng đã đi vào sử sách đất nước, cách TP Mỹ Tho khoảng 15km về phía tây. Đình Long Hưng hiện nay là hạng mục công trình trung tâm trong Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Nam Kỳ khởi nghĩa. Trải qua hơn 160 năm xây dựng, dưới sự bào mòn của thời gian, tác động môi trường và chiến tranh tàn phá, đình Long Hưng đã nhiều lần phải sửa chữa, trùng tu do hư hỏng, xuống cấp, nhiều hạng mục đã phải thay thế. Tuy nhiên, kiến trúc ngôi đình cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn hình dáng.
Lần trùng tu gần nhất và lớn nhất diễn ra 16 năm trước, vào dịp kỷ niệm 65 năm Nam Kỳ khởi nghĩa. UBND tỉnh Tiền Giang chủ trương nâng cấp, mở rộng khuôn viên đình Long Hưng, xây dựng khu vực này thành một quần thể công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử truyền thống khang trang, nhằm thúc đẩy du lịch truyền thống. Ngôi đình nằm ở vị trí trung tâm, bên tả là nhà trưng bày Nam Kỳ khởi nghĩa với hàng trăm bức ảnh, hiện vật lịch sử quý giá; cạnh đó là ngôi nhà lưu niệm bà Nguyễn Thị Thập (Nguyễn Thị Ngọc Tốt), một trong những người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Mỹ Tho. Bên hữu là nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ của xã Long Hưng. Khuôn viên khu di tích có nhiều cây xanh, đáng chú ý là cây bàng cổ thụ, nơi lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của nước ta được cắm trên ngọn trong những ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ, vẫn sừng sững tỏa bóng sum sê, như một chứng nhân lịch sử không thể phai mờ.
Hướng dẫn viên khu di tích dẫn giải sử liệu cho biết, khởi nguyên của đình Long Hưng là nơi thờ cúng Bản cảnh Thành hoàng theo phong tục tín ngưỡng và thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt. Mốc son đáng chú ý là trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, đình Long Hưng được Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn làm trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Điều này lý giải vì sao lá cờ đỏ sao vàng, Quốc kỳ thiêng liêng của đất nước ta lại xuất hiện lần đầu tiên trong khuôn viên ngôi đình linh thiêng này.
Đình Long Hưng trước khi được trùng tu. Ảnh tư liệu
Ngày nay, nhắc đến đình Long Hưng, người dân và du khách luôn ghi nhớ sự kiện lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, được tổ chức các hoạt động kỷ niệm đúng ngày 23-11 hằng năm. Bên cạnh đó là những phong tục văn hóa tín ngưỡng lâu đời vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Vào ngày 16-4 âm lịch hằng năm, tại đình Long Hưng có lễ cúng kỳ yên, cúng hạ điền. Ngày 1-8 âm lịch là lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt. Những sự kiện lịch sử, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đó luôn thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến, nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp thì các hoạt động truyền thống, kỷ niệm chỉ tổ chức gọn nhẹ, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Bên cạnh các tư liệu lịch sử, chuyện kể về lá cờ đỏ sao vàng trong Khởi nghĩa Nam Kỳ đã được các thế hệ người dân địa phương truyền tai nhau đến thuộc lòng, như là một cách thể hiện niềm tự hào to lớn. Ngày ấy, xung quanh ngôi đình có rất nhiều cây xanh và cây cổ thụ, trong đó cao nhất là cây bàng. Do mái đình thấp nên để người dân trong vùng ai cũng có thể thấy được lá cờ, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho quyết định không cắm cờ trên nóc hoặc trước mái đình mà buộc lên ngọn cây bàng. Cờ có cán dài là cây tầm vông, loại cây vừa thẳng vừa bền, chắc, dẻo, không sợ gió làm gãy. Cuộc khởi nghĩa diễn ra vào mùa mưa, gió lớn. Lá cờ đỏ sao vàng trên ngọn cây bàng tung bay phần phật trước gió, đã tạo nên sức mạnh tinh thần dời non lấp bể, hiệu triệu, tập hợp quần chúng nhân dân nhất tề vùng lên khởi nghĩa.
Trong đình Long Hưng và khuôn viên khu di tích hiện nay là địa chỉ bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với mốc son là sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa. Ngôi đình, cây bàng cổ thụ và những hiện vật gắn với sự kiện lịch sử hào hùng Nam Kỳ khởi nghĩa như mõ, giáo mác, gậy tầm vông... đã góp phần đánh thức miền ký ức không thể nào quên của các thế hệ người dân nơi đây.
TRẦN THẮNG