Mấy ngày sau đó, tất cả đều lao vào chuyện hậu sự của Tân Dân cũng như sắp xếp công việc trong đội. Nỗi đau đã khiến Khánh Xuân gần như tê liệt hoàn toàn. Bàn làm việc của Tân Dân đã được dọn dẹp. Những tài liệu có liên quan đến công việc cũng như những đồ dùng công cộng đã được mang đi. Những đồ dùng cá nhân thì đội trưởng Lý Xuân Cường yêu cầu để cho Khánh Xuân lo liệu. Cô đã từ chối công việc này. Suy cho cùng, cô và Tân Dân cũng chưa đăng ký kết hôn nên về mặt luật pháp, cô không có quyền dùng danh nghĩa là người trong nhà để tiếp nhận những di vật ấy. Không có cách nào khác, đội thông báo cho bố Tân Dân đến để tiếp nhận tất cả. Riêng có mấy phong thư Tân Dân để lại trên bàn thì Lý Xuân Cường giao cho Khánh Xuân. Đó là những lá thư do Khánh Xuân viết cho Tân Dân trong thời gian đi công tác mấy năm trước đó, kèm theo những lá thư này là hai tấm vé tàu đi Hàng Châu mà Xuân Cường đã tìm thấy trong cặp xách tay của Tân Dân.
- Cô có cần tôi nhờ người trả vé lại không? Vẫn còn kịp. - Xuân Cường nói.
Khánh Xuân cầm lấy hai tấm vé, lắc đầu. Đây là vật kỷ niệm cuối cùng của cô và Tân Dân, không việc gì phải trả lại. Cô lưu giữ hai tấm vé này cùng với tấm ảnh cô chụp cùng với di ảnh của Tân Dân trong buổi lễ truy điệu.
Khánh Xuân đã tráng những tấm phim cô chụp những kẻ tình nghi ra vào ngôi nhà kiểu Tây. Mấy kiểu cuối cùng chính là kẻ tình nghi mặc Âu phục đã ra tay sát hại Tân Dân. Phòng điều tra hình sự đã chọn trong số ấy một tấm ảnh mà mặt mũi kẻ tình nghi tương đối rõ ràng in trên Lệnh truy nã và phát đi khắp nơi. Chưa bắt được tội phạm thì sự hy sinh của Tân Dân vẫn thiếu vẻ oanh liệt và thiếu tính hoàn chỉnh, không thể tuyên truyền công khai và rầm rộ như sự hy sinh của Cam Lôi và Thôi Đại Khánh năm ấy. Do vậy, sau khi lễ truy điệu kết thúc và bình đựng tro của liệt sĩ Hồ Tân Dân được đem an táng tại Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn hoàn tất, điều này cũng có nghĩa là sinh mạng của một con người đã chính thức khép lại một cách âm thầm. Cái tên Hồ Tân Dân cũng dần dần sẽ biến mất trong tiềm thức mọi người. Bố mẹ Hồ Tân Dân khi nhận giấy chứng nhận liệt sĩ của con trai mình cùng với gần hai mươi nghìn nhân dân tệ tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ và nhiều lễ vật khác đã viết vào Sổ kỷ niệm những người đã cống hiến giác mạc một dòng: "Cống hiến tình yêu, đem lại ánh sáng cho người, công đức ấy không gì sánh được". Tất cả mọi người đều quên bẵng người vợ chưa cưới của Tân Dân, thậm chí Khánh Xuân không nhận được bất kỳ một vật lưu niệm nào. Lúc ấy cô đã nghĩ, may mà Tân Dân còn để lại cho đời và cho mình một đôi mắt. Đây là bộ phận duy nhất trên thân thể anh vẫn chưa chết và cô có cảm nhận rằng, đôi mắt ấy chính là linh hồn của anh.
Cô đến bệnh viện.
Cô đến rất sớm. Không tốn nhiều thời gian và công sức, cô đã tìm thấy người bệnh ấy trong một gian phòng chan hòa ánh sáng mặt trời. Cô đăm đắm nhìn vào đôi mắt vẫn bị băng dày quấn kín choàng qua nửa cái đầu nhưng từ chiếc sống mũi cao cao và đôi môi sắc sảo của người bệnh, cô nhận ra gương mặt ấy rất trẻ và rất tuấn tú. Bên cạnh bệnh nhân lúc này là một cô gái rất trẻ, không thể gọi là đẹp nhưng rất có duyên. Khi Khánh Xuân bước vào phòng bệnh, cô gái đang gọt táo và đưa từng miếng nhỏ đến tận miệng bệnh nhân.
Khánh Xuân cũng mang theo một túi trái cây. Cô đặt túi trái cây xuống chiếc tủ nhỏ kê ở đầu giường bệnh và bắt đầu trò chuyện với cô gái. Hình như cô gái đã nghe các bác sĩ nói về Khánh Xuân cũng như quan hệ giữa cô và bệnh nhân nên trên môi cô ta luôn điểm nụ cười, miệng luôn nói những lời cám ơn. Người bệnh không thể trông thấy Khánh Xuân nên giữ yên lặng một cách rất lễ độ. Khánh Xuân ngồi lên chiếc ghế đặt bên cạnh giường bệnh và bắt đầu trò chuyện với chàng trai. Cô rất muốn biết những chuyện liên quan đến chàng trai này.
- Cậu là sinh viên năm thứ hai?
- Vâng ạ! Chàng trai trả lời.
- Đáng ra là phải năm thứ ba - Cô gái bổ sung thêm - Anh ấy mắc bệnh đã được nửa năm rồi.
- Sao lại mắc phải bệnh này?
- À, anh ấy cùng với một người bạn giúp thầy giáo phụ đạo trong khoa lau phòng, anh ấy đã nghịch phải chất vôi độc khiến chúng bắn vào mắt nên giác mạc bị hỏng.
Khánh Xuân chăm chú nhìn vào gương mặt chỉ lộ một nửa của chàng trai nhưng cô không nhận ra một nét nào nghịch ngợm trên mặt cậu ta.
- Cậu học ở trường nào?
- Đại học Yên Kinh - Cô gái trả lời thay.
- Chuyên ngành gì? - Khánh Xuân hỏi bâng quơ.
- Pháp luật. Anh ấy theo học chuyên ngành Luật kinh tế và Luật dân sự.
- Tốt quá! Ngành này đang rất thời thượng đấy!
- Đúng thế không? Thực ra thì anh ấy cũng không thích hợp lắm ngành Luật kinh tế vì anh ấy chẳng có chút đầu óc kinh tế nào, lại không cẩn thận, làm việc gì cũng vô cùng nóng vội và cẩu thả.
- Tuổi trẻ mà... Năm nay cậu ấy hai mươi phải không?
- Gần hai mươi hai rồi! Anh ấy học chậm một năm vì phải ra nước ngoài thăm người thân mất một năm.
- Còn có quan hệ với nước ngoài à?
- Bố mẹ anh ấy là những nhà khoa học, sống lâu dài ở nước ngoài.
- Thế cô quan hệ thế nào với cậu ta?
- Em là bạn gái của anh ấy.
Chàng trai vẫn không tỏ bất kỳ phản ứng nào khi nghe hai cô gái bàn luận về mình. Âu Khánh Xuân nhìn khuôn mặt quấn đầy băng, tự trong thâm tâm không biết là mình thương cảm hay xúc động. Đằng sau lớp băng dày ấy là đôi mắt của Tân Dân! Cô nghĩ, liệu đôi mắt ấy vẫn buồn buồn đầy trí tuệ và bình an?
Sau một lát, hai bên dường như không còn gì để nói nữa, Âu Khánh Xuân đứng dậy cáo từ, chúc người bệnh mau chóng khôi phục. Chàng trai vẫn nằm im bất động, chỉ mở miệng nói hai tiếng: "Cám ơn!".
Cô gái tiễn Khánh Xuân ra khỏi phòng, hạ thấp giọng nói như có lỗi:
- Em và anh ấy vừa cãi nhau một trận nên anh ấy vẫn còn giận lắm. Em thành thật xin lỗi chị, thực ra thì anh ấy phải cám ơn chị. Nếu không có sự đồng ý của chị, anh ấy vẫn phải cứ chờ đợi thôi!
- Không có gì - Khánh Xuân nói - Nhưng cô cũng phải nói với cậu ta là, đã mắc phải bệnh này thì đừng bao giờ nóng giận. Những bệnh về mắt tối kỵ với sự giận dữ.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện trong hành lang. Cô gái nói:
- Không thể khác được. Tính tình của anh ấy là như vậy. Bố mẹ cứ ở nước ngoài, không ai quản lý được anh ấy cả.
Khánh Xuân cười nhẹ:
- Thế thì cô phải quản lý cậu ta vậy!
- Em làm không nổi - Cô gái thành thực nói - Em vừa đụng đến là anh ấy đã nổi khùng lên rồi.
Khánh Xuân dừng lại một tí và chợt nhận ra rằng, dù sao cả hai cũng còn quá trẻ, chuyện này cũng khá thú vị. Cô lên tiếng:
- Cô là bạn học của cậu ta à?
- Không phải! Bọn em là láng giềng của nhau - Cô gái lắc đầu nói.
- Cậu ta không có anh chị em gì ư? Ngày nào cô cũng đến đây để chăm sóc cho cậu ta sao?
- Anh ấy không có anh chị em gì cả. Ngày phẫu thuật, mẹ anh ấy từ nước ngoài bay về, gặp con trai được một lát là đi ngay. Bây giờ chỉ có mình em chăm sóc anh ấy. Không có đôi mắt, người ta không làm được việc gì cả. Thầy giáo phụ đạo họ Lư trong khoa có đến đây mấy lần, mỗi lần mang đến một ít trái cây, đồ hộp. Tiêu Đồng vì lau phòng cho thầy nên mới gặp tai nạn, ông ấy không đến thì còn ra thể thống gì. Trước khi phẫu thuật, bạn bè anh ấy cũng có đến nhưng rồi họ cũng chỉ có thể chuyện trò tào lao một lát rồi về. Họ đang trong thời kỳ học rất căng thẳng, không thể vắng học được. Em ở trong bệnh viện mấy ngày mấy đêm rồi, mệt muốn đứt hơi nhưng không chịu đựng được nữa rồi vì anh ấy cứ trút bực tức lên đầu em.
Cô gái nói một hơi dài như muốn trút mệt nhọc và bực bội. Nhưng từ trong giọng nói của cô ấy, Khánh Xuân không nhận ra một chút giận hờn hay hối hận gì cả. Cô nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Thế này nhé, tối nay tôi sẽ đến thay cho cô. Cô có thể về nhà ngủ một giấc lấy sức.
- Ôi! Thế coi làm sao được. Em đã cảm kích ân tình của chị lắm rồi. Sao lại có thể khiến chị phải chịu khổ chịu mệt thêm nữa! Cô gái kêu lên.
- Không sao - Khánh Xuân nói như đã quyết định - Cứ xem như đây là tôi vì chồng chưa cưới của mình, cũng là vì mình vậy. Tôi hy vọng cậu ta sẽ sớm mở được mắt ra.
Cô gái không biết nên chấp nhận sự quan tâm của Khánh Xuân hay là tiếp tục chối từ nên chỉ biết nói những lời cám ơn đầy khách sáo. Sau mấy lời trao đổi, hai người đã thống nhất như lời Khánh Xuân.
Mấy ngày nay, đội công tác không giao cho Khánh Xuân công việc gì cả. Khi thi hài Tân Dân chưa kịp lạnh, cả tổ đã bắt đầu suy nghĩ đến tâm trạng của Khánh Xuân. Do vậy mới quyết định để cho cô có một thời gian ổn định tinh thần. Nhưng Khánh Xuân lại muốn tìm một công việc gì đó làm để lấp chỗ trống về tinh thần sau khi Tân Dân ra đi. Cô nghĩ, việc này quá tốt đối với cô lúc này. Chăm sóc cho một bệnh nhân để đôi mắt của Tân Dân sớm quay trở về với cuộc đời là một sự an ủi vô cùng lớn lao đối với cô.
Buổi chiều, Khánh Xuân ghé về nhà định ngủ một giấc nhưng không thể nào chợp mắt được. Khi ăn cơm tối, cô nói cho bố biết ý định của mình. Ông trầm ngâm do dự, không hề bày tỏ ý kiến gì. Thái độ của bố khiến tâm trạng vừa tìm thấy sự hưng phấn của Khánh Xuân bị tổn thương. Cô hỏi:
- Con làm như vậy là không tốt sao?
Bố cúi đầu nuốt miếng cơm, lâu lắm mới nói:
- Bố vẫn nghĩ rằng con nên nhanh chóng ổn định tinh thần. Đã là người thì phải chết, huống hồ cái chết của Tân Dân rất có ý nghĩa. Con cứ sống trong những nỗi nhớ như vậy, bố cho rằng không tốt tí nào.
Khánh Xuân cúi đầu ăn cơm, không trả lời bố, bất giác những giọt nước mắt nối đuôi nhau rơi vào bát cơm. Điều này chứng minh những điều lo lắng của bố là có thực. Ông lại lên tiếng nói về những lẽ phải lẽ trái trong đời nhưng tâm trạng Khánh Xuân rối bời, không biết là có nghe thấy những lời ông nói hay không. Đến tám giờ tối, cô đúng hẹn có mặt ở bệnh viện, chào hỏi cô gái một cách có lệ rồi đưa mắt quan sát chung quanh. Cô gái lí nhí mấy tiếng rồi cùng Khánh Xuân rời khỏi phòng. Trước khi bước xuống cầu thang, cô gái quay đầu nhìn Khánh Xuân rồi ngần ngừ nói:
- Nếu anh ấy có nổi khùng, chị đừng để bụng nhé!
Khánh Xuân cười nhẹ:
- Yên tâm đi! Tôi lớn thế này rồi, sao lại giận một cậu bé như cậu ta?
Cô gái đã ra về. Cô ta đã nói cho Khánh Xuân biết mình họ Trịnh tên Văn Yến, một cái tên vô cùng phổ thông, rất phù hợp với dung mạo và khí chất của chính cô ta. Người bạn trai của cô ta đang nằm trên giường bệnh tên là Tiêu Đồng, thoạt nghe thì cũng bình thường, cái tên vừa có thể dùng cho con gái, vừa có thể dùng cho con trai, chẳng có gì đặc biệt lắm.
Khi quay về phòng bệnh, Khánh Xuân thấy Tiêu Đồng vẫn nằm ngửa trên giường, không biết là đôi mắt sau lớp băng dày kia đang nhắm hay mở. Cô ngồi xuống bên cạnh, nói:
- Ăn trái cây không, tôi sẽ gọt cho cậu một quả táo?
- Không muốn ăn - Tiêu Đồng lắc đầu nói.
- Thế thì quả lê vậy?
- Không muốn ăn!
Yên lặng bao trùm. Hình như Khánh Xuân không tìm ra câu nào để nói nữa.
- Tên cậu là Tiêu Đồng?
- Vâng!
- Tên tôi là Âu Khánh Xuân. Cậu gọi tên hay gọi là chị đều được.
- Vâng!
Khánh Xuân tỉ mỉ quan sát phòng bệnh. Một căn phòng vuông vức khoảng hai mươi mét vuông, tường màu trắng tạo sự thanh khiết đến lạnh lẽo. Bức tường nằm sát giường bệnh và tủ đầu giường có bày một số dụng cụ y học không biết có công dụng gì. Cửa sổ có treo rèm màu lam, ngay dưới tấm rèm là một chiếc ghế sa lông hai người ngồi. Nói chung đây là một phòng bệnh cao cấp. Lần ấy, khi trưởng phòng Mã bị bệnh đưa vào đây, Khánh Xuân có đến thăm và nhớ lại rằng, phòng bệnh của trưởng phòng Mã không sang trọng như của cậu sinh viên này.
- Giác mạc này là do chị tự nguyện hiến phải không?
Đột nhiên Tiêu Đồng chủ động bắt chuyện.
- Không! Khánh Xuân vội vã trả lời - Là do chồng chưa cưới của tôi tự nguyện hiến tặng.
- Hai người yêu nhau lắm phải không?
Câu hỏi này vừa chân thật vừa có vẻ già dặn, Khánh Xuân không trả lời mà lại hỏi:
- Cậu nói thử xem?
- Nhất định là tình cảm rất sâu nặng. Nếu không chị sẽ không bao giờ đến đây để thăm và chăm sóc tôi.
Suy nghĩ của Tiêu Đồng vẫn thể hiện sự thẳng thắn đến độ cực đoan của một thanh niên khiến Khánh Xuân không hiểu là tâm trạng mình nên thoải mái hay là bực bội. Cô chỉ gật nhẹ đầu, nói:
- À, có lẽ là như vậy!
Một thoáng im lặng kéo dài giữa hai người, một lát sau Tiêu Đồng lại hỏi:
- Họ nói chị là một cảnh sát, đúng không?
- Không sai! Ấn tượng của cậu về cảnh sát như thế nào?
- Không ra làm sao cả. Tôi cực ghét những tay cảnh sát trên đường phố. Không có văn hóa, chỉ có chút quyền lực trong tay là tha hồ tung hoành!
Khánh Xuân không vui vì câu trả lời này. Đây là vấn đề mà cô cảm thấy rất thú vị nhưng với câu trả lời của Tiêu Đồng, cô không có hứng thú để nói thêm về vấn đề này nữa. Khi học đại học, Âu Khánh Xuân biết cách ăn nói hơn cậu ta nhiều.
- Nhưng tôi lại thích nữ cảnh sát!
Câu nói này của Tiêu Đồng khiến Khánh Xuân cười thầm trong bụng, hỏi:
- Tại sao?
- Nữ cảnh sát nhất định phải là người có bản lĩnh. Phụ nữ yếu mềm như nước, cảnh sát hung dữ như hổ. Hai thái cực này lại thống nhất trong một người lại thú vị vô cùng. Nữ cảnh sát, nữ bộ đội, nữ vận động viên..., tôi thích tất.
Khánh Xuân cảm thấy tức cười:
- Thế bạn gái của cậu, cô ta làm gì?
- Chị đang nói về Văn Yến à? Khóe miệng Tiêu Đồng lộ vẻ không vui - Cô ấy làm văn thư trong một cơ quan.
Sau hai lần tiếp xúc ngắn ngủi, Khánh Xuân đã thầm nhận ra vẻ đa tình ẩn chứa trong con người Văn Yến và từ con người Tiêu Đồng, cô cảm nhận được sự vô nghĩa của một người con trai. Cô nghĩ, những sinh viên trẻ hiện đại không hề quan tâm đến chuyện tình cảm chân thành, đừng nói là đến chuyện nhận ân và trả nghĩa.
Nói thêm vài câu không đầu không đuôi nữa, Tiêu Đồng lại chìm vào im lặng và thoáng liếc nhìn, Khánh Xuân đã nhận ra là cậu ta đã ngủ. Một thằng con trai lớn tướng như thế này mà dễ ngủ như một đứa trẻ con khiến nhất thời, Khánh Xuân cảm thấy cậu ta có một chút đáng yêu.
Chưa đến bảy giờ sáng, Văn Yến đã xuất hiện tại phòng bệnh. Vừa trông thấy Khánh Xuân, cô ta liền hỏi:
- Không có chuyện gì chứ? Đêm qua anh ấy không thể hiện bản tính độc đáo của mình sao?
Khánh Xuân không hiểu là cô gái quan tâm cho chính mình hay là lo lắng cho Tiêu Đồng nên chỉ cười nhẹ:
- Không có chuyện gì cả. Cậu ta ngủ rất ngon.
- Chị không ngủ sao? Không sao cả đâu. Anh ấy ngủ thì chị cũng ngủ thôi, muốn đi vệ sinh hay uống nước, anh ấy sẽ gọi chị.
Âu Khánh Xuân không thừa nhận cũng không phủ nhận, chỉ cười cười. Thực ra đêm qua cô cũng có chợp mắt được một lát, Tiêu Đồng chỉ gọi cô đưa đi vệ sinh một lần trước khi ăn sáng mà thôi, ngoài ra không làm phiền cô bất kỳ điều gì. Cơm sáng do Văn Yến đem tới và tự tay bón cho cậu ta và còn nói, cơm trong bệnh viện chẳng ngon lành gì.
Từ bệnh viện, Khánh Xuân đi thẳng về đơn vị. Mọi người đang có vẻ rất bận rộn, cả đội vẫn đang lao theo vụ án buôn bán heroin vừa rồi. Kẻ cung cấp hàng đã cao chạy xa bay, mọi đầu mối gần như đứt hẳn nên họ chỉ còn biết bám lấy gã bị bắt trong ngôi nhà kiểu Tây ấy mà thẩm vấn liên tục. Xem ra gã đàn ông này cũng chẳng phải là một kẻ buôn bán lớn mà chỉ là một tay bán lẻ. Trong các lần thẩm vấn, hắn cũng chỉ khai số thuốc hắn bán lẻ chỉ do một mình tên mặc Âu phục ấy cung cấp. Hắn còn biết tên gã ấy là Hồ Đại Khánh - hắn cũng họ Hồ - người Tứ Xuyên, hơn ba mươi tuổi nhưng đã buôn heroin khá lâu rồi. Hắn còn khai, tên Hồ Đại Khánh này vốn là một kẻ du thủ du thực, mấy năm gần đây dựa vào thế lực của băng nhóm tội phạm buôn heroin "La Trường Thoái" nên phất lên rất nhanh... Mỗi lần thẩm vấn xong, Đỗ Trường Phát thường đem những chuyện có liên quan đến Hồ Đại Khánh nói lại với Khánh Xuân, có lẽ vì hắn là kẻ thù giết chồng chưa cưới của cô!
- E rằng dưới tay thằng khốn này cũng phải có đến mấy thằng đàn em nữa. Đúng là đồ vong mạng, sống được một ngày thì biết một ngày! Cái chân bị bỏng của Đỗ Trường Phát không còn đau nữa. Anh đang ôm chiếc bình uống trà bằng thủy tinh trong lòng bàn tay, đi đi lại lại trong phòng làm việc. Đỗ Trường Phát là đội viên mới của đội, vừa mới được điều động từ đồn công an khu vực lên, cách nói năng vẫn còn chút bỗ bã của những công an viên lăn lộn trên đường phố - Hắn đưa hàng cho thằng ấy và đòi đến 500 nhân dân tệ một gam. Theo giá cả hiện hành, một gam heroin chỉ khoảng 450 đến 470 nhân dân tệ. Thằng ấy không dám trái ý hắn, chỉ biết bán ra với giá cao hơn. Những kẻ mắc phải cái vòng oan nghiệt của Hồ Đại Khánh đều sợ hắn trở mặt. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, hàng của hắn đảm bảo chất lượng. Việc cung cấp cũng tương đối ổn định, sớm muộn gì thì thằng này cũng thay "La Trường Thoái" hoành hành cho mà xem.
Khánh Xuân đã tham dự một buổi hội ý giao ban về tình hình vụ án. Cho dù đầu mối chính đã biến mất, những kẻ có thể bắt được chẳng qua cũng chỉ là những gã "quân tử nghiện" tự mua tự dùng, nhưng khi Mã Chiếm Phúc biết có cái tên "La Trường Thoái" xuất hiện trong vụ án này thì anh cảm thấy có điều gì đó rất kỳ lạ.
- Lại là "La Trường Thoái" - Trưởng phòng nói - Mấy năm gần đây, tất cả những vụ án về heroin đều có liên quan đến cái tên này.
Lý Xuân Cường nói:
- Do vậy, thông qua phân tích, chúng tôi nhận thấy đây không hề là một vụ án nhỏ. Rất khả năng là có sự tồn tại của một tổ chức buôn bán heroin khá lớn, được tổ chức rất nghiêm ngặt. Chúng có con đường cung cấp hàng riêng, có tuyến vận chuyển riêng, có mạng lưới tiêu thụ riêng. Chúng ta không thể coi thường bọn này, không được xem chúng chỉ là những kẻ nghiện ngập vặt vãnh.
Mã Chiếm Phúc đốt thuốc lá liên tục, chậm rãi đề cập đến một khả năng khác:
- Cũng có cái khó là, trong số những con nghiện này, tôi đã gặp qua vài đứa và có nói chuyện nên khá hiểu chúng. Những con nghiện trong thành phố này phần lớn đều là những kẻ có được trong tay một ít đồng tiền bẩn, phát tài một cách không chính đáng nên cũng muốn thử một chút cho biết thế nào là nghiện ma túy. Vả lại, chúng thường là những người trong bang hội, bán hoặc mua thuốc đều có thân có phận hẳn hoi. Đây là một kiểu kinh doanh lớn, mua cao bán đắt nên bọn này thường rất thích đề cao mình, thậm chí có đứa còn thần thánh hóa chính mình. "La Trường Thoái" hay "La Đoản Thoái" gì cũng được, nhưng càng được đồn đại thì càng trở nên thần thánh. Kỳ thực về cơ bản không có thằng nào mang tên này, cơ bản chỉ là một lời đồn đại của giới giang hồ mà thôi.
Đỗ Trường Phát và mấy người nữa liên tục gật đầu đồng ý với phân tích của Mã Chiếm Phúc, chỉ riêng Lý Xuân Cường không hề có thái độ phụ họa như tất cả mọi người.
- Các anh đã xử lý chuyện tên cung ứng hàng ấy như thế nào? - Mã Chiếm Phúc hỏi.
- Đã phát lệnh truy nã đi khắp nơi, mấy ngày nay chưa có phản hồi gì - Lý Xuân Cường trả lời.
Mã Chiếm Phúc nhắm mắt, ngửa mặt suy nghĩ giây lát rồi gật đầu nói:
- Đầu tiên chỉ có thể làm được như vậy. Nếu không có tình hình mới xuất hiện, vụ án này đành treo tại đây thôi. Các anh cũng phải quan tâm chú ý là, khi giải quyết những vụ án khác, cần phải xem nó có liên quan đến vụ án này hay không.
Lời nói cuối cùng của Mã Chiếm Phúc khiến tâm trạng của Khánh Xuân trở nên vô cùng nặng nề. Trong đầu óc cô thấp thoáng gương mặt của Hồ Tân Dân. Ngoài một nụ cười ra thì gương mặt ấy không còn biểu lộ bất kỳ một thái độ nào khác, nhưng hình như có một tiếng kêu oan rất mơ hồ vang lên đâu đó! Trái tim Khánh Xuân run rẩy. Có lẽ nào vụ án này lại bị treo ở đây sao? Có lẽ nào nó kết thúc mà không hề có hậu hay sao?
Suốt buổi chiều hôm ấy, Khánh Xuân cảm thấy một tâm lý thất vọng choáng ngợp lấy tâm hồn mình. Khi rời khỏi phòng làm việc, cô gặp Lý Xuân Cường trước cổng cơ quan. Anh cũng đang chuẩn bị về nhà. Anh có ý tiễn Khánh Xuân một đoạn đường và hai người cùng đạp xe rời khỏi cổng cơ quan.
Trên đường, Lý Xuân Cường hỏi:
- Thế nào, đỡ hơn rồi chứ?
Khánh Xuân biết anh muốn hỏi về điều gì nên không muốn trả lời, lại hỏi:
- Đội trưởng, lệnh truy nã phát trong phạm vi nào?
- Cô đang nói đến Hồ Đại Khánh phải không? Lý Xuân Cường đáp - Lệnh phát rất rộng, qua Bộ Công an mà phát ra trong toàn quốc. Tất cả sân bay, bến tàu, bến xe, khách sạn, quán ăn trong thành phố này đều có niêm yết cả - Dừng lại một lát, anh nói tiếp - Nhưng cô cũng đã biết rồi đấy, lệnh đã phát ra, có khi ngay ngày hôm sau sẽ có thông tin phản hồi nhưng nhiều khi vĩnh viễn không có tin tức gì cả.
Khánh Xuân không có lời gì để nói, lẳng lặng đạp xe. Lý Xuân Cường lại lên tiếng:
- Đôi mắt của cô bị sưng lên rồi đấy, sắc mặt cũng không tốt lắm. Có phải là buổi tối cô không ngủ được, đúng không?
Khánh Xuân ngập ngừng định nói nhưng cuối cùng cô vẫn giữ im lặng. Cô sợ nói ra những gì xảy ra trong bệnh viện, Lý Xuân Cường sẽ tuôn ra hàng loạt những lời khuyên nhàm chán nữa.
Đến một ngã tư, Lý Xuân Cường đáng ra phải rẽ phải nhưng anh lại nói:
- Tôi không có việc gì phải vội vã về nhà, đưa thêm cô một đoạn nữa vậy.
- Không cần đâu! Anh tốt với em như vậy, em cảm thấy khó xử vô cùng - Khánh Xuân vội vàng thoái thác.
Lý Xuân Cường cũng không nài ép, nói:
- Thôi được. Mấy ngày nay tinh thần cô không được tốt, cần phải điều chỉnh lại, không vội gì phải tham gia phá những vụ trọng án. Thời gian này cô hãy tham gia một vài vụ án nhỏ, làm một ít công việc ở cơ quan, không nhất thiết vừa biết đi là đã chạy!
Khánh Xuân nhìn Xuân Cường hỏi một cách đột ngột:
- Anh tin là có cái gã "La Trường Thoái" ấy không?
Lý Xuân Cường thoáng lặng người, cười nói:
- Chỉ có thể tin cái có thực, không thể tin cái không có!
Khánh Xuân gật đầu nói:
- Đội trưởng, cho dù là Hồ Đại Khánh hay "La Trường Thoái", chỉ cần có manh mối là anh phải cho em tham gia vào vụ án này!