HẰNG NGÀY SAU KHI ĂN TỐI XONG TÔI VẪN CHẠY sang với bà ngoại. Bà ngoại tôi đã già yếu lắm, hình như bà đã sắp sang tuổi tám mươi. Tôi còn nhỏ quá, mới lên bảy tuổi nên tôi hay quên quên nhớ nhớ. Nếu tôi mà lớn bằng tuổi bà ngoại, nhất định tôi sẽ nhớ trước quên sau.
Bà ngoại bị bệnh quên sau khi nhận được tin cậu út tôi mất. Cái tin này nghe nói bay từ biên giới về vào một buổi sáng rất đẹp trời. Hôm đó cóc nhái kêu rộn mặt ao. Mưa rào vừa xuống rửa sạch đường làng lát gạch đỏ. Nắng lên đứng tha thướt ngoài bờ rặng. Bà ngoại tôi đứng nhìn cái tin trên giấy báo, rồi ngã đánh cạch xuống thềm nhà, cái đầu đập cạch xuống thì đúng hơn. Khi bà ngoại tỉnh dậy, ai hỏi cũng không nhớ gì mấy. May thế, mẹ tôi bảo nhờ vậy mà không phải nhìn thấy bà khóc.
Bà ngoại tôi nhận cái giấy như thế là cái thứ ba. Khi nhận cái thứ hai, báo tin cậu thứ hai của tôi, thì ông ngoại tôi không chịu đựng được, nằm xuống luôn dưới đất. Bà ngoại tôi có lên tận trường sĩ quan bảo cậu út tôi về làng làm ruộng. Nhưng cậu nhất định thích trở thành sĩ quan, cậu giải thích với bà vậy nên bà đành chịu.
Mấy chị em tôi hay phải chạy sang với bà ngoại mỗi khi ăn cơm chiều xong, vì đấy là việc phải làm, không ai tị nạnh ai.
Tôi chạy sang hỏi bà:
- Bà ngoại ơi bà ăn cơm chưa?
Bà ngoại tôi lúc lắc mái đầu già quá là già, cười cười:
- Cháu ra xem ngoài sân có phải gió đã về không?
Tôi chạy ra sân nghe ngóng. Tôi nghe thấy tiếng gì ù ù.
- Bà ơi, đúng rồi, gió đã về!
Bà ngoại tôi cười, mặt nhăn quá là nhăn, hàm răng sún sún chỉ còn vài cái như mấy hạt ngô lép.
Trong giấc mơ, tôi thấy cả ba cậu của tôi đang cùng ùa vào nhà. Cậu Nhất tôi hiền lành nhất nhà. Cậu Hai thì nghiêm nghị lạnh lạnh. Còn cậu Út lém lỉnh hơi lỏi một tí. Cả ba cậu đều cùng bẹo má tôi. Cậu Nhất hiền lành nên bẹo má êm êm. Cậu Hai bẹo má tôi mà như đang nặn cục bột. Cậu Út cười ha ha, để cậu bẹo thật kêu nhá. Ái cha, giờ thì tôi biết vì sao bà ngoại nhất định không chịu đi sang nhà tôi ở.
Ngoài sân, gió thổi qua hiên nhà. Bà ngoại tôi lại hỏi:
- Cháu ơi, gió có phải đã về không?
Tôi cựa mình, ngáp ngáp rồi trả lời bà:
- Bà ơi, đúng rồi. Gió đã về rồi!
Ngày nào tôi cũng chuẩn bị nhìn cho kỹ, nghe cho tinh. Tôi chỉ sợ gió về mà không biết để báo cho bà. Bà ngồi chải tóc, những sợi tóc mềm mại lọt qua kẽ tay già ơi là già, rơi rơi theo từng cơn gió.
Tôi lên bảy tuổi nên phải đi học. Ở lớp tôi tập tô và nắn nót viết chữ BÀ. Tôi có bà nội nữa, nhưng bà nội tôi đã đi rất xa, từ khi chưa có tôi trên đời. Nên khi viết chữ bà, tim tôi run lên hai tiếng “bà ngoại”. Tôi ngồi trong lớp tập viết, bên tai cứ nghe tiếng gió thổi luôn.
Rồi tôi phân biệt được các loại gió.
Khi gió dịu dàng bay về mơn man là lúc các cậu tôi ngủ, đầu gối lên nhau, chân gác lên nhau, theo kiểu gì thì tôi không nhìn ra rõ lắm. Khi gió thổi vù vù là y rằng các cậu đang đùa nghịch giống như lũ trẻ con lớp một, lớp hai chúng tôi. Khi gió gừ gừ cắn cảu là lúc các cậu tôi sôi bụng đói. Thật tệ, lúc tôi đói thường cắn răng mà chịu, hoặc chạy ra chum múc nước mưa uống. Nhưng các cậu tôi không uống nước mưa chống đói. Có thể nước mưa không còn thích hợp với các cậu nữa.
Tan học, tôi chạy ù về vứt cặp rồi tạt qua thăm bà ngoại. Bà ngoại tôi đang phơi rất nhiều quần áo đủ các kích cỡ và cả những bộ quân phục ra cái sào.
Tôi ngạc nhiên quá, hỏi:
- Bà ơi, quần áo này để làm gì?
- Sắp hết năm cũ rồi. Bà giặt cho các cậu về thay.
Tôi lôi cái áo của cậu Út xuống. Thấy có cái khuy sắp rơi đến nơi.
- Cô giáo cháu dạy cháu khâu vá rồi bà ạ. Để cháu đơm lại cái khuy này.
Tôi chạy vào nhà bà, lục tung đống kim chỉ. Kim chỉ của bà thật đẹp, óng ánh óng ánh như một kho châu báu. Chắc lúc tôi đến lớp là bà giở đồ ra khâu.
Gió nổi lên rất mạnh. Những bộ quần áo của các cậu bay bổng thật vui mắt. Bà ngoại tôi đứng cười móm mém. Rồi vào bếp làm gì đấy. Tôi chạy vào, thấy nước mắt bà rơi lã chã. Tôi ngạc nhiên lắm, vì tôi chưa bao giờ thấy nước mắt bà ngoại rơi.
Mẹ tôi đến mang theo rất nhiều đồ hoa quả để sắp lên bàn thờ. Chỉ vài ngày nữa là năm cũ qua, năm mới sẽ đến. Trẻ con chúng tôi rất thích năm mới vì được sắm sanh quần áo giày dép mới, được nghỉ học đi chơi và lại còn được lì xì những phong bao đỏ.
Mấy năm vừa rồi, bà ngoại tôi không biết năm mới đã đến.
“Bà đâu rồi?”. - Mẹ hỏi khi thấy tôi vẫn đứng ngẩn ra bên hè.
Tôi chỉ xuống bếp.
Mẹ tôi vào bếp ngồi với bà rất lâu. Người lớn thật lạ, có chuyện gì thì cứ nói thẳng ra, nói toạc hết ra, lại cứ vòng vo. Nhưng tôi cũng nghe rõ mẹ tôi đang thuyết phục bà đón mẹ con cô Hồng về.
Cô Hồng người trên thành phố, da trắng mịn, mắt lá dăm, bà bảo mắt ấy làm chết cậu. Cô có về thăm bà năm ngoái, nhưng bà không tiếp, cứ nhất định làm bà già điên. Cô kể lể sự tình, tuy cô đã lấy chồng ngay sau khi cậu Út tôi lên biên giới, nhưng đứa con của cô là con của cậu Út. Chồng cô biết chuyện đã bỏ cô đi với người khác rồi. Nay cô muốn cho con trai về nhận bà nội.
Tôi thấy bà ngoại tôi dưới bếp với mẹ không điên chút nào. Bà khóc nhưng tay thì vuốt vuốt lưng mẹ:
- Mẹ cám ơn con. Con không thành gió mà vẫn ở trên đời này với mẹ.
Mẹ tôi ôm bà:
- Thế mẹ đồng ý rồi nhé. Con sẽ gọi điện cho em Hồng đưa thằng cu về. Tết mới nhà ta có thêm người tha hồ vui lắm đây.
Bà ngoại tôi thì cứ thầm thì:
- Cám ơn con đã không thành gió, đã sống trên đời này với mẹ…
Mẹ tôi lảng đi, nì nèo:
- Thế mẹ đừng quên uống thuốc nữa đấy nhé. Có em Hồng về nhà ở, mẹ đừng quên quên nhớ nhớ nữa đấy.
- Ừ, mẹ sẽ nhớ.
Mẹ tôi đi rồi, bà ngoại tôi bảo:
- Bà nói cho cháu biết một bí mật nhé. Khi cậu Út cháu đi, cậu có chạy về bảo với bà: mẹ không được khóc thì con sẽ về thăm mẹ luôn. Khi nào ngoài ngõ có cơn gió về là con với các anh về thăm mẹ đấy. Thực ra bà không điên đâu. Bà chỉ không muốn ông ngoại cháu với các cậu nhìn thấy bà khóc.
Ôi, bà ngoại điên của tôi.
Hôm đó tôi đi ra thị trấn cùng bố để ngắm hoa đào. Bố tôi chỉ vào một cành đào phai đẹp quá, bảo:
- Để bố mua cành này về cho bà ngoại điên của con. Năm mới bên ấy có thêm mẹ con cô Hồng, vui lắm đây.
Tôi cãi:
- Bà ngoại không điên.
Bố tôi cười cười không nói gì.
Hình như người lớn ai cũng có những bí mật riêng của mình.
Tôi cũng thế, tôi sắp thêm một tuổi, và tôi có bí mật riêng về bà ngoại không điên của tôi.
Ngày 13 tháng 12 năm 2010