Ngày 13-2-1967, một sự cố hàng không đã suýt gây thiệt hại lớn cho Lực lượng không quân Xô viết. Tuy nhiên, phi công Liên Xô đã bình tĩnh xử lý tình huống và mọi thứ kết thúc tốt đẹp.
Khi đó, bốn máy bay chiến đấu mới nhất và tối mật MiG-21 PFM phải được chuyển từ nhà máy Liên Xô đến một sân bay ở Đông Đức, nhằm bổ sung cho lực lượng không quân của các đồng minh theo Hiệp ước Warszawa. Chỉ huy đội vận chuyển này là phi công giàu kinh nghiệm, Đại úy Fedor Grigoriev, người từng phục vụ trong Sư đoàn không quân số 16 thuộc Tập đoàn quân số 24 của Lực lượng quân sự Liên Xô tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
Theo kế hoạch, các máy bay sẽ được chuyển đến sân bay quân sự Cottbus ở Đông Đức. Trước đó, Đại úy Fedor Grigoriev đã từng bay đến một sân bay khác là Templin, nên đường bay này chưa quen thuộc đối với anh. Chính điều này không lâu sau đó đã ảnh hưởng đến chuyến bay theo cách không mong muốn nhất.
Máy bay MiG-21 của Liên Xô trên đường băng cất cánh. Ảnh: Alexander Mokletsov / RIA Novosti.
Berlin vào thời điểm đó được chia thành hai khu vực: phía Đông do quân đội Liên Xô kiểm soát, còn phía Tây thuộc về quân đội NATO. Rất khó để xác định biên giới vô hình từ trên không, nên bốn chiếc MiG của Liên Xô (theo các nguồn tin khác là 5 chiếc) đã vô tình bay vào khu vực phía Tây của thành phố. Nhìn thấy sân bay bên dưới mà tưởng nhầm là Cottbus, Đại úy Fyodor Grigoriev nói với các phi công khác rằng anh sẽ hạ cánh xuống đó. Đồng thời anh cũng ra lệnh cho cấp dưới vẫn tiếp tục ở trên không cho đến khi có lệnh đặc biệt của mình. Khi đó, nỗ lực liên lạc với đài chỉ huy sân bay không mang lại kết quả, nên Grigoriev cho rằng đã mất liên lạc. Vì vậy, anh quyết định hạ cánh một cách rủi ro và nguy hiểm cho mình.
Khi vừa hạ cánh, Đại úy Fyodor Grigoriev nhanh chóng nhận ra sai lầm. Anh nhìn thấy các phương tiện kỹ thuật của các nước NATO là Pháp và Mỹ, cùng đội ngũ nhân viên mặc quân phục “nước ngoài”. Hóa ra đây là sân bay Tegel nằm trong khu vực do Pháp kiểm soát.
Grigoriev nhanh chóng bung dù hãm tốc và bắt đầu quay hướng để cất cánh. Nhưng phía NATO cũng nhận ra “loài chim” nào đã bay đến phía họ, rồi sau đó lên kế hoạch cướp lấy máy bay. Để làm điều này, họ đưa đến đường băng tất cả các phương tiện vận tải của căn cứ không quân. Grigoriev nhận thấy hành động này và cho chiếc MiG của mình quay lại vào đường lăn. Trên thực tế, đường lăn này không thích hợp để cất cánh do nó quá ngắn. Nhưng phi công Liên Xô vẫn giữ bình tĩnh. Trên đường băng cất cánh, anh bật thùng đốt phụ và cố gắng bay lên theo phương gần như thẳng đứng.
Những phi công còn lại nhận thấy điều gì đang xảy ra nên đã nhanh chóng thay đổi hướng bay. Không lâu sau đó, họ đã đến được sân bay Cottbus một cách an toàn. Lúc này, cả chỉ huy của họ cũng đã bay đến đó.
Lẽ đương nhiên, một cuộc điều tra được bắt đầu tiến hành. Sự việc có thể đã kết thúc một cách tồi tệ, bởi trên chiếc MiG-21 PFM lúc đó được trang bị kính ngắm điện tử mới nhất, hệ thống điều khiển hỏa lực mới và ghế phóng loại hiện đại nhất. Tất cả những thiết bị này sẽ được các chuyên gia NATO nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm tìm ra cả ưu và nhược điểm của chiếc máy bay. Đại úy Fyodor Grigoriev có thể đối mặt với một mức án nghiêm khắc.
Tuy nhiên, mọi việc đã kết thúc một cách tốt đẹp. Ban chỉ huy Sư đoàn quyết định không trừng phạt viên phi công từng có nhiều công lao này. Bởi sự việc cuối cùng, chính anh đã tự xử lý và thoát ra được tình huống, thậm chí còn thể hiện sự dũng cảm và bản lĩnh của mình.
Có các giả thuyết đưa ra cho rằng, phi công Fyodor Grigoriev có thể đã nhầm tưởng tín hiệu từ đèn vô tuyến tại sân bay Tegel với tín hiệu từ sân bay Cottbus. Theo đó, người ta khẳng định những tín hiệu này nghe rất giống nhau.
QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)