"Cứ xuôi theo phía tây con sông, cô nương nhất định sẽ thấy ngọn núi đó. Đấy không phải là ngọn núi cao nhất trong vô số ngọn núi men theo ngàn dặm ven sông mà còn là ngọn núi đẹp nhất. Tựa như một vị thần đang cúi đầu say ngắm dòng sông”, thuyền phu vừa khua chèo vừa trò chuyện với Hà Y.
“Lẽ nào đây chính là đỉnh Thần nữ trong truyền thuyết?”
Thuyền phu gật đầu: “Đúng là nó. Lão chèo thuyền trên sông này đã bốn mươi năm, ngắm nhìn nó đã vài ngàn vài vạn lần, nhưng vẫn không thấy chán. Chính là bởi mỗi ngày trong năm, hay mỗi thời khắc trong ngày, tâm tình của núi lại mỗi khác”.
“Núi mà cũng có tâm tình?”
“Cô nương xem cây xanh, hoa hồng trên đỉnh núi chẳng phải tóc của nàng sao? Cây có lúc xanh lúc khô, hoa có khi tàn khi héo, một năm bốn mùa, tóc mai của nàng đều có đổi thay. Lại còn mây mù lưng chừng núi nữa, mỗi thời khắc đều có thể từ đỉnh núi mà chậm rãi ùa đến, vào mùa mưa, mây mù từ chân núi bốc lên, lại chẳng là y phục của nàng sao? Trên núi còn có hai hang động, bên trong tuy có tổ ưng và vô số dơi, nhưng há không giống đôi mắt của nữ thần sao? Đôi lúc cô nương còn có thể thấy nàng khóc, chính là khi hắc ưng từ tổ bay xuống, ở xa trông lại, tựa như thần nữ đang thương tâm rơi lệ.”
“Bên kia núi là nơi nào?”
“Vân Mộng cốc. Chẳng lẽ cô nương chưa từng nghe qua câu ‘Vu Sơn, Vân Mộng, Thần y Mộ Dung’?”
“Đương nhiên đã từng nghe qua, tôi chính là muốn đến nơi ấy.”
“Trước mắt đã là Thần Nông trấn. Phàm những người muốn tới Vân Mộng cốc, trước tiên đều phải đi qua Thần Nông trấn.”
Thu chưa rõ hẳn, lá cây mới ngả vàng, hàng cây phong ven sông thỉnh thoảng lại rụng lá, mưa lất phất đan xen như xe chỉ. Hà Y xuống thuyền lên bến, đã thấy cơn gió lạnh lặng lẽ lay rụng một nhánh hải đường bên cửa sổ một tửu lâu, những đóa hoa màu phấn hồng đã khô héo ngả màu vàng sáng, phiêu phiêu phất phất rơi xuống, lượn trong mưa gió vài vòng rồi đáp xuống áo nàng.
Con đường dưới chân hoàn toàn xa lạ, thế mà sao cảm thấy quen thuộc nhường này.
Cũng là cảnh không sao nhìn rõ bến buôn bờ nọ, bụi hoa khóm lá bên quán rượu đung đưa. Cũng là cảnh người người tụ tập nhộn nhịp, khách qua đường vẻ mặt hấp tấp vội vàng. Đây chỉ là một trấn nhỏ trong địa vực núi Ngạc Tây nhưng lại phồn hoa tấp nập, huyên náo không kém gì một thành thị. Vừa xuống thuyền, Hà Y liền trông thấy một con đường lát đá xanh sạch sẽ, thẳng tắp chỉ ở những thành thị lớn mới gặp được. Phố xá rộng rãi, nhà cửa đối nhau, hàng quán san sát, tửu lâu như nấm. Người đi đường phần nhiều là những khách phong trần lang bạt từ nơi khác tới, kể cả hàng nhỏ ven đường cũng đều vang lên những khẩu âm khác nhau, người tăng kẻ giảm, cò kè mặc cả.
Nhìn con đường nhộn nhịp nhường ấy. Hà Y tự nhiên cũng cao hứng trở lại.
Tâm tình một người lại liên quan tới sự tấp nập của con đường, đây thực là một việc kỳ lạ hiếm gặp.
Tuy nhiên, trong thế giới của Hà Y, đường phố là nơi thân quen nhất.
Nàng cứ mơ màng đứng nơi bến thuyền, suy nghĩ xem tới Vân Mộng cốc nên theo hướng nào thì bỗng thấy một người từ lối nhỏ đi về phía nàng. Người vừa đến mặc một chiếc áo trắng được may rất khéo, thân hình có chút đẫy đà, trên đai lưng rộng còn đeo một vòng khóa phát ra những tiếng lanh canh theo mỗi bước đi; người này trông có vẻ rất tinh anh, phú quý, lời ăn tiếng nói cũng rất ôn hòa, thân thiện: “Xin hỏi đây phải chăng là Sở cô nương?”.
Hà Y ngạc nhiên hỏi: “Các hạ là?”.
Người áo trắng nhã nhặn chắp tay, khẩn khoản thưa: “Tại hạ là Quách Tất Viên, là Tổng quản Vân Mộng cốc. Hôm mùng Chín, Triệu Tổng quản có nhận được tin tức của cô nương, chúng tôi tính, nếu như cô nương lên đường ngay ngày hôm đó, ắt hôm nay hoặc ngày mai là có thể đến đây. May là bến thuyền ở Thần Nông trấn này không nhiều”.
Hà Y không kìm được hỏi: “Hằng ngày người xuống thuyền nơi bến này nhiều như vậy, Quách tiên sinh làm sao biết được tôi chính là người ngài đợi?”.
Quách Tất Viên khẽ cười nói: “Tuy nơi đây người xuống bến đông, nhưng nữ giới mang theo binh khí lại không nhiều, thanh Ngư Lân Tử Kim kiếm của cô nương hình dáng đặc biệt, đứng hàng thứ mười trong Binh khí phổ, tại hạ vừa may nhận ra được”.
Tổng quản của Vân Mộng cốc quả nhiên có con mắt tinh tường, nhìn một cái đã có thể nhận ra lai lịch binh khí đeo bên hông Hà Y.
Hà Y khẽ nghiêng người biểu lộ khâm phục.
Quách Tất Viên chắp tay nói: “Mời cô nương lên xe”. Ông ta vừa vẫy tay, một chiếc xe bốn ngựa kéo không biết từ nơi nào phóng tới, vừa khéo dừng lại trước mặt hai người. Trong số ngựa kéo rất ít tuấn mã nhưng đều được huấn luyện bài bản. Quách Tất Viên khách khí mở cửa xe cho Hà Y rồi khom người theo nàng vào xe.
Khoang xe rất rộng rãi, sang trọng đến mức gần như xa xỉ. Thảm dưới chân là da hồ quý hiếm, đệm ngồi và đệm tựa thoải mái mềm mại, được may nguyên bằng chỉ Thiên Mã tuyền một màu anh đào không pha tạp, trên đệm thêu cỏ thụy[1], hạc tiên, hoa mẫu đơn như ý, đường thêu tự do phóng túng, sống động hệt như thật. Trong góc còn có mấy cái đôn bọc đệm thêu để kê chân. Một lư hương trầm có hình mình hạc sừng hươu đặt bên cửa sổ, sừng hươu rỗng, hương trầm u nhã tỏa ra từ đó. Miệng hươu ngậm một đĩa đèn Lưu Ly Liên Hoa, đang là ban ngày nên nến chưa được thắp, bên dưới đĩa đèn treo chuỗi ngọc ngũ sắc, tùy theo sự di chuyển của thân xe mà nhẹ nhàng va vào nhau, tinh tinh tang tang vui tai hệt như tiếng nước nhỏ tí tách.
[1] Cỏ thụy: Thời cổ đại coi cỏ thụy là loài cỏ tượng trưng cho điểm tốt, giống như linh chi hoặc cỏ minh giáp. Thụy thảo còn gọi là tiên thảo (cỏ tiên).
Y phục trên người Hà Y đẫm mồ hôi. Đôi hài dưới chân cũng lấm bùn. Toàn thân trên dưới quả thật có sự tương phản với cách bài trí trong xe.
Chỉ là dáng vẻ của nàng vẫn rất thư thái, tự nhiên; khuôn mặt trước sau luôn điểm một nụ cười nhẹ.
Quách Tất Viên nở nụ cười, rót một tách trà đưa đến cho nàng nói: “Cô nương một mạch đi từ miền tây bắc đến đây, dọc đường nhất định rất vất vả, chúng tôi đã chuẩn bị một căn phòng tốt tại Đình Vân quán, nước nóng để tắm và cơm trưa cũng đều được chuẩn bị ổn thỏa, cô nương đến nơi là có thể lập tức tắm rửa thay y phục, ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi một chút”.
Hà Y nhấc tách trà, nhấp một ngụm rồi nói: “Đình Vân quán?”.
Quách Tất Viên cười và giải thích: “Cô nương trước giờ chỉ hành tẩu ở phương bắc, chắc đây là lần đầu tiên đến Thần Nông trấn? Đình Vân quán là nơi tiếp khách của Vân Mộng cốc. Những người tới đây cầu cứu chữa bệnh phần lớn chỉ có thể ở lại Thần Nông trấn, bởi vì trong trấn có mười mấy y quán thuộc Vân Mộng cốc, tiệm bán thuốc lại càng nhiều không đếm xuể. Các đại phu tuy không ít người ở trong Vân Mộng cốc nhưng phần lớn thời gian đều rời cốc đến y quán của mình trong trấn chữa bệnh. Cho nên chỉ có những bệnh nhân mà các đại phu trong trấn bó tay không chữa nổi mới có thể tiến vào cốc chữa trị. Những người có thể coi là khách của Vân Mộng cốc, trước nay đều đến nghỉ ở Đình Vân quán. Ngoài ra, những vị khách tới thăm bạn bè có lúc cũng ở lại chỗ đó”.
Vừa dứt lời, xe ngựa cũng dừng lại, Hà Y xuống ngựa, một tòa nhà lớn sừng sững hiện ra trước mắt.
“Chừng nào tôi có thể gặp được Triệu Tổng quản?”.
Quách Tất Viên cho nàng biết, chức trách của mình chỉ là tiếp đãi khách, còn công việc cụ thể đều do Triệu Tổng quản quản lý.
“Việc này… nếu như cô nương muốn gặp, bây giờ có thể gặp. Vừa may Triệu Tổng quản cũng đang ở Đình Vân quán. Chỉ là cô nương đi đường vất vả, tại hạ nghĩ nên nghỉ ngơi một chút thì tốt hơn.”
Nước trong bồn tắm ấm vừa phải, lại có những đóa hoa mang mùi hương khác lạ. Đối với những người vừa bôn ba dặm đường đã thấm mệt mà nói, thật là không có gì giải tỏa tốt bằng ngâm mình trong nước nóng. Vừa thay xong một bộ đồ mới, sạch sẽ thoải mái từ đầu tới chân thì một bé gái vận áo hồng bưng vào ba món xào trông rất ngon, một bát canh măng gà và một tô cơm.
Thức ăn hiển nhiên là rất nhiều, dù Hà Y có ăn ngon miệng đến mấy cũng không thể ăn hết nhiều như vậy được.
Xem ra việc chiêu đãi khách của Vân Mộng cốc cũng vào hạng nhất.
Nàng đang rất đói, không nghĩ ngợi nhiều, cầm đũa lên là như rồng như hổ ăn tới.
Bé gái đứng bên cạnh nhìn nàng, lúc đầu còn len lén cười trộm, sau cùng không nhịn được nữa mà bật cười khanh khách. Rồi tựa như cảm thấy không nên cười, vội vàng bặm môi lại.
Hà Y ngẩng đầu nói: “Tiểu nha đầu sao lại thấy buồn cười? Lẽ nào trước giờ chưa từng thấy ai ăn cơm?”.
Cô bé lại càng buồn cười, nói: “Cháu cười là bởi cô nương là người ăn nhanh nhất trong số các vị khách mới đến mấy ngày nay. Những vị khách khác lúc ăn cơm trước tiên đều ngắm nghía kỹ lưỡng các món, hỏi han tên gọi của chúng rồi mới chậm rãi thưởng thức. Ấy là bởi chúng đều do Tôn Chưởng quỹ của Thần Lai các đích thân làm, người bình thường đều không có cơ hội thưởng thức. Như đĩa ‘Tùng Thử Quyết Ngư’ cô nương vừa ăn được liệt vào hạng nhất của Thần Lai các. Làm được món này, trong vòng mấy trăm dặm quanh đây cũng chỉ có một mình Tôn Chưởng quỹ thôi”.
Cô bé nói thế, Hà Y cảm thấy rất ngượng ngùng, chỉ hận không thể đem những thứ mình vừa ăn nôn hết ra mà nghiên cứu lại một lượt. Ngay cả bản thân rốt cuộc vừa ăn những gì, nàng vốn chẳng để tâm đến. Chỉ nhớ mang máng có ăn một con cá, vài miếng nấm Ma Cô, mỗi thế thôi.
Hà Y đành cười cười: “Nha đầu tuổi còn nhỏ như thế mà hiểu biết về việc bếp núc thật không tầm thường”.
Bé gái được nàng khen như thế, đôi má cũng hồng lên, lắp bắp hồi lâu mới nói: “Cũng không có gì đâu ạ, tên cháu là Tôn Thanh, Tôn Chưởng quỹ là cha cháu”.
Hà Y nói: “Mấy năm nữa ta quay trở lại, có lẽ có thể ăn món Tùng Thử Quyết Ngư do chính tay cháu nấu rồi”.
Nàng nghĩ ngợi một chút rồi chợt hỏi: “Cháu vừa nói, mấy ngày nay còn có những vị khách khác tới đây?”.
Tôn Thanh gật đầu: “Vâng ạ. Họ đến nhanh đi cũng nhanh. Ngắn nhất thì chỉ ở đây tới qua trưa. Nhưng mà bữa cơm đầu tiên họ ăn tại đây đều do cha cháu nấu cả”.
Hà Y nói: “Cháu có biết tổng cộng có bao nhiêu người đến đây không?”.
“Trước sau có khoảng mười ba vị. Cha cháu làm món Tùng Thử Quyết Ngư mười ba lần, làm cho cô nương chính là lần thứ mười bốn đấy. Cha nói, trong cốc có khách quý Triệu Tổng quản mới phải mời người đích thân xuống bếp. Cho nên người bảo cháu phải hầu hạ cô nương cho tốt.”
Hà Y nghe xong khẽ cười rồi nói: “Có thể phiền cháu giúp ta chuyển lời tới Triệu Tổng quản, hỏi ông ấy xem giờ ta có thể đến gặp ông ấy được không?”.
Cô bé gật đầu, nhanh chân chạy đi, qua một hồi rồi trở lại thưa: “Triệu Tổng quản nói, nếu cô nương cảm thấy thuận tiện, hiện ông ấy đang ở phòng số Ba nhà chữ Huyền[2] đợi cô nương”.
[2] Những ngôi nhà hoặc gia trang lớn của Trung Quốc thường có nhiều cách đặt tên từng dãy nhà để tiện phân biệt. Ở đây nhắc tới nhà chữ Huyền. Huyền là màu đen, tượng trưng cho Thủy trong ngũ hành, vị ở phương bắc. Nhà chữ Huyền tức dãy nhà phía bắc.
Có vẻ như phòng số Ba là nơi chuyên dùng để tiếp khách.
Lần đầu tiên Hà Y gặp mặt Tổng quản Vân Mộng cốc Triệu Khiêm Hòa. Trông người này tuổi chừng năm mươi, cũng mang vẻ nho sĩ như Quách Tất Viên, có điều dáng người cao hơn khá nhiều. Thái độ của Triệu Khiêm Hòa tựa hồ rất nghiêm nghị, không có vẻ thân thiện của Quách Tất Viên, trên mặt tuyệt nhiên không biểu hiện gì, nói năng cũng rất khách khí: “Sở cô nương, xin mời ngồi, mời dùng trà. Đây là trà từ Nha sơn mới đem tới, tôi cho rằng trà này so với Ô Chủy Hương của đất Thục thì uống hay hơn”.
Sở Hà Y cười đáp: “Đa tạ”.
Ngô Tăng mạn thuyết Nha sơn hảo,
Thục tấu hưu khoa Ô Chủy hương[3]
(Sư Ngô thì nói Nha Sơn tuyệt,
Giả Thục lại khen Ô Chủy thơm.”
[3] Trích bài Hiệp trung thường trà của Trịnh Cốc thời Đường, nguyên văn hai câu trên: 吴僧漫说鸦山好,蜀叟休夸鸟嘴香。
Trên thị trường, hai loại trà này đều cực kỳ nổi tiếng và đắt đỏ, vài lượng bạc mới mua được một lạng. Trước nay nàng chưa từng nếm qua, không phân biệt được giữa chúng có điểm gì khác nhau. Thứ trà mà Hà Y hay uống nhất không gì ngoài hồng trà phổ thông ngoài quán cơm.
Triệu Khiêm Hòa nói: “Lần này cô nương đến chắc là vì việc kia, vậy chúng ta cũng không hàn huyên thêm nữa. Xin nói thật, vừa rồi đã có mười mấy vị cao thủ lần luợt đến rồi. Tất cả đều là do tôi và mấy vị tổng quản khác tốn vài tháng trời mới tìm được. Chỉ là không vừa lòng cốc chủ”.
Sở Hà Y nói: “Xem ra việc lần này nhất định rất khó khăn, nếu không quý cốc chủ đã không kỹ càng đến thế”.
Triệu Khiêm Hòa cười khổ: “Tâm tình cốc chủ chẳng ai đoán nổi, chúng tôi là phận thuộc hạ, chỉ có thể tuân lệnh mà làm việc thôi. Chẳng qua ngài nói không thích hợp, đương nhiên cũng có cái lý của ngài”.
Sở Hà Y không nhịn được bật hỏi: “Là vì lý do gì vậy?”.
Triệu Khiêm Hòa lắc đầu: “Chúng tôi cũng không biết. Ngài chỉ nói một câu không hợp. Hại chúng tôi phải vòng vo giải thích với các vị kia”.
Sở Hà Y cười nói: “Nếu như cốc chủ nói tôi không hợp, Triệu Tổng quản cũng không cần tốn công giải thích gì đâu, tôi trực tiếp rời đi là được”.
Nghe nàng nói vậy, trên mặt Triệu Khiêm Hòa hiện ra nét cười, nói: “Cô nương có thể hiểu cho như thế thì tốt quá rồi. Tôi chỉ không muốn khiến người khác thất vọng. Nói thẳng ra, việc lần này rốt cuộc là gì, đến tôi cũng không biết. Chỉ biết cốc chủ muốn tìm một người thay ngài điều tra một việc. Tiền công, trước trả sáu nghìn lượng, xong việc lại thêm gấp năm lần. Tổng cộng cũng tới ba vạn sáu ngàn lượng bạc”.
Nàng từ tốn đáp: “Tin này đã truyền khắp giang hồ, tôi nghĩ sau này những người tới tìm tổng quản sẽ liên miên không hết, quý cốc chủ chắc chắn không lo tìm không ra người thích hợp”.
Triệu Khiêm Hòa hắng giọng, không tán thành mà cũng không phản đối đáp: “Chúng tôi chỉ tìm những người chúng tôi cảm thấy có thể tin tưởng được, những người như thế trên giang hồ tuyệt không nhiều”.
“Vậy sao chúng ta không đi luôn bây giờ?”
“Nếu cô nương vẫn còn tinh thần, vậy xin mời theo tôi vào cốc. Vừa hay chiều nay cốc chủ có thời gian.”
Xe ngựa đi trong sơn đạo tựa hồ rất lâu. Sau khi tiến vào một cánh cửa lớn, lại phải đi thêm gần nửa giờ mới dừng lại. Đánh xe là một người trẻ tuổi nhanh nhẹn, chóp mũi đỏ hồng, trong ấn tượng của Hà Y những người như thế thường nói rất nhiều mới đúng, nhưng người này suốt dọc đường không nói một lời. Chỉ mỗi lúc dừng xe mới hô “hu[4]” một tiếng. Triệu Khiêm Hòa xuống xe trước, mở cửa giúp nàng, sau đó nàng nhẹ nhàng bước xuống. Nhìn kỹ một lượt, nơi đây là cổng của một trang viện, chỉ thấy cửa đang đóng chặt, bên trên hoành phi viết ba chữ mà nàng còn may vẫn nhận ra được, “Trúc Ngô Viện”.
[4] Khẩu lệnh để ngựa dừng lại.
Đẩy cửa tiến vào, trong viện hương hoa sen thơm nức, bóng trúc um tùm, chim hót thánh thót, gió nhẹ hiu hiu. Hành lang ngang ngang dọc dọc nối liền với tòa thủy tạ bên cạnh hồ lớn phía xa xa. Đưa mắt trông xa, sóng biếc trùng trùng, tựa như có thông ra sông lớn, ven bờ liễu rủ phơ phất, hoa cỏ khắp nơi. Thế núi hai bên hồ lớn uốn lượn ẩn hiện, ở đó lại như có vô số thác suối, hang động và mỏm đá hình thù kỳ lạ. Cảnh sắc tuy đẹp nhưng tĩnh mịch không một bóng người. Hành lang lát đá Đại Lý còn khảm thêm đồng, sáng tới mức có thể soi gương, sạch sẽ không chút bụi. Tay vịn và hàng ghế dọc bên đều được bọc lụa.
Hà Y không kìm được bật tiếng than: “Nơi đây thật đẹp”.
Triệu Khiêm Hòa cười nói: “Đây là nơi cốc chủ ở. Trang viện rộng lớn, phòng ốc cũng nhiều, nhưng chỉ có một mình cốc chủ ở đây. Ngày thường ngoài mấy người tổng quản chúng tôi có việc có thể vào bẩm báo còn thì những người khác không thể tiến nhập”.
Hà Y cảm thấy có chút kỳ quái, người đã giàu có tới mức này, đáng nhẽ phải nô bộc hàng đàn, thê thiếp đầy nhà mới đúng, liền nói: “Vậy hôm nay tôi có thể được gặp cốc chủ tại đây há chẳng vinh hạnh lắm sao?”.
Triệu Khiêm Hòa cười khẽ: “Không nói tới vinh hạnh. Nhưng trước nay cốc chủ thường không tiếp khách tại nơi ở của ngài. Mười mấy vị bằng hữu lúc trước đều tiếp ở khách sảnh tại nơi khác. Tối hôm qua có một bệnh nhân nguy kịch, bận rộn tới tận sáng nay, ngài có lẽ đã mệt rồi”.
Hai người men theo hành lang đi thẳng tới cửa một căn phòng thì dừng lại. Triệu Khiêm Hòa nói: “Cô nương xin đợi một lát, tôi vào trước thông báo một tiếng”. Được một lát Triệu Khiêm Hòa trở ra nói: “Sở cô nương, xin mời vào”, bản thân thì đứng ngoài cửa, không tiến vào nữa.
Cửa phòng có treo rèm đỏ mành châu, cửa sổ ba mặt đều đang mở, rèm cửa màu xanh nhạt gió thổi phơ phất. Trong phòng bày biện đơn giản, thanh nhã lạ thường. Những thứ con người ít chú ý tới nhất cũng sạch sẽ không một hạt bụi. Trên tường treo mấy bức tranh chữ, trong bình hoa gấm cao bốn thước có cắm mấy cành hoa tím không rõ tên. Trên kệ sát tường, đặt mấy cái đỉnh cổ hình thù kỳ lạ, thảm trải sàn màu đỏ tươi, mềm mại như tóc, bước đi không phát ra tiếng động. Một chiếc bàn lớn bằng gỗ hồng tựa lưng vào tường phía bắc. Trên mặt bàn là từng cuốn từng cuốn sách được đặt ngăn nắp chỉnh tề.
Ngồi đằng sau bàn là một nam nhân vận đồ trắng như tuyết.
Trông người này còn rất trẻ, chỉ độ hai mươi tuổi. Nam nhân này tựa như không nên mặc đồ trắng như vậy, bởi vì sắc mặt anh ta vốn cũng nhợt nhạt, trắng xanh. Trên khuôn mặt gầy tái ấy là đôi mắt đen thẳm. Có vẻ như trước giờ người này chỉ sống trong sơn động, chưa từng tiếp xúc với ánh mặt trời.
Đó là một người anh tuấn mà nghiêm khắc. Mộ Dung Vô Phong ngồi thẳng lưng trên ghế, thái độ lạnh lùng, ánh mắt sâu thẳm kỳ lạ, khi nhìn người khác phảng phất mang đến một loại áp lực khó tả. Tựa như Mộ Dung Vô Phong ở ngay đó chăm chú nhìn mình nhưng mình lại cảm thấy rất xa cách.
Trông thấy Hà Y tiến vào chàng không hề đứng dậy nghênh đón, có vẻ không định hỏi thăm gì nàng. Mà trong căn phòng này cũng chẳng còn chiếc ghế nào nữa.
Cứ đứng đấy để người khác dò xét, nhìn ngó, cảm giác của nàng đương nhiên không dễ chịu. Nhưng nàng quyết tâm nhịn một chút. Để kiếm được tiền, nàng có thể nhịn được.
Tuy nàng cảm thấy thái độ của Mộ Dung Vô Phong ngạo mạn, nhưng nghĩ lại, người này đã thành danh từ nhỏ, nhất định là một thiên tài. Mà tâm tính của thiên tài ắt có chút kỳ quái. Cho nên nàng ngênh đón ánh mắt lạnh như băng của Mộ Dung Vô Phong, khẽ hé môi cười nói: “Xin chào, Mộ Dung tiên sinh. Tôi họ Sở, tên là Hà Y. Là một kẻ bôn tẩu giang hồ, ngoại hiệu là ‘Độc hành tiêu’[5]”
[5]. Tiêu trong chữ “bảo tiêu” người làm nghề hộ tống, bảo vệ. Độc hành tiêu nghĩa là người hành nghề bảo tiêu nhưng chỉ làm việc một mình.
Vẻ mặt Mộ Dung Vô Phong chẳng mảy may thay đổi, cứ lặng yên nhìn nàng, ánh mắt lướt khỏi mặt nàng rồi dõi về một nơi xa xôi nào đó. Qua một hồi mới từ tốn nói:
“Đối với việc trong giang hồ, trước nay tôi không tường tận lắm.”
Giọng nói của Mộ Dung Vô Phong trầm thấp, đến mức gần như yếu ớt, nói cũng rất chậm, cứ như mỗi chữ nói ra đều rất phí sức.
“Thế nào là ‘Độc hành tiêu’?”, chàng chầm chậm hỏi.
“Chính là làm bảo tiêu, chỉ có điều luôn làm một mình mà thôi”, nàng cười nói, “Thực ra việc tôi thường làm nhất là giúp người ta chuyển quan tài”.
“Chuyển quan tài? Đó cũng là một nghề?”, Mộ Dung Vô Phong chau mày.
“Phải.”
“Nghe nói võ công của cô rất cao. Ba tháng trước Lưu Trại chủ của Phi Ngư đường đến đây, ba tháng sau thanh Ngư Lân Tử Kim kiếm của ông ta đã vào tay cô rồi”, Mộ Dung Vô Phong nhìn thanh kiếm trên eo nàng, chầm chậm nói.
Hà Y nói: “Võ công cũng bình bình, tôi với Lưu Trại chủ tuy không quen biết, nhưng thanh kiếm này đúng là do ông ta tặng tôi”.
“Vì sao ông ta lại đem thanh bảo kiếm quý giá nhường ấy tặng cô?”
“Là bởi vì ông ta đã thề đời này không dùng kiếm nữa. Ông ta thua tôi một chiêu, việc này thực ra cũng chẳng có gì lớn. Chỉ bởi tôi là nữ nhân, ông ta cho rằng bại dưới kiếm của nữ nhân là điều vô cùng nhục nhã.”
“Thảo nào Triệu Tổng quản nhất định muốn mời cô tới. Trước giờ ông ấy vốn rất khâm phục Lưu Côn.”
Câu này nói ra có vẻ rất tôn kính nhưng trên mặt Mộ Dung Vô Phong lại chẳng lộ ra dù chỉ chút ít biểu cảm tôn kính nào, ngược lại ngữ khí còn ẩn hàm một chút chế giễu.
“Tôi cũng rất khâm phục Lưu Côn. Thực ra đối với những nam nhân như ông ta tôi đều rất khâm phục.”
“Ồ?”
“Ông ta bại dưới tay nữ nhân, lại làm ra vẻ không coi nữ nhân ra gì. Thái độ như thế, tôi không muốn phục cũng không được.”
Mộ Dung Vô Phong hơi ngạc nhiên nói: “Câu nói này của cô nương thật khiến tôi thấy đáng kính”.
Hà Y nói: “Không dám nhận”.
Mộ Dung Vô Phong nhấc bút, viết mấy chữ lên một tờ giấy. Chàng viết bằng tay trái.
Viết xong Mộ Dung Vô Phong đẩy tờ giấy đến trước mặt Hà Y nói: “Nhận tờ giấy này, cô nương có thể đến chỗ Triệu Tổng quản lĩnh sáu nghìn lượng bạc. Hiện giờ tôi còn vài bệnh nhân nữa, giờ Tý hai khắc tối nay cô nương hãy quay lại đây. Tôi sẽ nói kỹ lưỡng cho cô về việc cần làm”.
Hà Y cầm lấy tờ giấy, lòng tràn đầy nghi hoặc nhìn Mộ Dung Vô Phong.
Mộ Dung Vô Phong nói: “Cô còn việc gì khác?”.
“Không có.”
“Cô hiện đang ở đâu?”
“Đình Vân quán.”
“Chuyển vào Thính Đào Thủy Tạ đi. Như thế hôm nay cô nương không cần rời cốc nữa.” Nói xong mấy câu ấy, ánh mắt Vô Phong hướng ra phía cửa. Ý tứ trong đó tuy không nói thẳng ra nhưng Hà Y vẫn hoàn toàn hiểu rõ, chính là hai chữ “tiễn khách”.
Lúc Hà Y bước ra khỏi thư phòng của Mộ Dung Vô Phong, trong đầu vẫn còn chút choáng váng. Triệu Khiêm Hòa vẫn đang đợi nàng ở cửa Trúc Ngô viện. Trông thấy nàng thì vội hỏi: “Thế nào rồi?”.
Sở Hà Y đáp: “Được rồi. Đây là thủ bút của ngài ấy”.
Triệu Khiêm Hòa vui mừng nói: “Nói như vậy tức là việc kể như đã quyết định rồi?”.
Hà Y đáp: “Mộ Dung tiên sinh nói, nhờ Triệu Tổng quản chọn một phòng ở Thính Đào Thủy Tạ, tiện cho tôi không cần quay lại Đình Vân quán nữa”.
Triệu Khiêm Hòa kinh ngạc nói: “Thính Đào Thủy Tạ? Cô nương sẽ ở đấy?”.
Sở Hà Y nói: “Sao vậy? Nơi ấy không tốt?”.
“Không có gì không tốt cả, chẳng qua Thính Đào Thủy Tạ nằm trong khuôn viên Trúc Ngô viện.”
Thủy tạ nằm bên hồ, đình tiếp khách và hành lang nối thông nhau, trong phòng bày biện cực kỳ khác lạ. Chẳng qua Hà Y cũng chẳng quá để ý tới nơi ở, bởi nàng biết dù mình ở đâu cũng đều không lưu lại lâu, cho nên đồ đạc quần áo thu lại một chỗ, bước tới cho thêm một viên than vào lò rồi nàng bước ra khỏi thủy tạ, tới ngồi bên lan can dọc hành lang.
Trước mắt là trăm mẫu hoa sen tàn úa, vầng tịch dương đang dần chìm xuống đáy hồ. Nơi chân trời, bóng chim lác đác. Lúc hoàng hôn sắp tận, ráng chiều thu lại ánh hồng nơi cuối chân trời, không gian bỗng nhiên tràn đầy hương cỏ nước và hoa sen.
Triệu Khiêm Hòa tới đưa nàng đi ăn bữa cơm chiều thịnh soạn, trò chuyện một lúc, trời đã tối hẳn. Hà Y dạo bước quay về phòng, cảm thấy xung quanh thật yên ắng. Màn đêm vô biên tựa như cùng những dãy núi phía xa kia hòa làm một. Tiếng sóng văng vẳng hòa với tiếng ếch kêu như ru người ta vào mộng, thỉnh thoảng một tiếng chim đêm ngân dài lại khiến người ta chợt tỉnh. Hà Y ngồi bên thủy tạ rất lâu, cho đến nửa đêm mới từ từ đứng dậy, thong thả đi đến thư phòng của Mộ Dung Vô Phong.
Tất nhiên Mộ Dung Vô Phong đã ngồi trong phòng đợi nàng. Lần này là chàng cất tiếng trước:
“Cô nương đến rồi.”
Hà Y gật đầu.
Trong thư phòng không biết từ lúc nào đã có thêm một cái ghế. Mộ Dung Vô Phong chỉ vào đó nói: “Mời ngồi”.
Hà Y ngồi xuống, lặng lẽ đợi nghe phân phó.
“Nghỉ ngơi tốt chứ?”, chàng hỏi.
“Tốt.”
“Nói như vậy chắc hiện giờ tinh thần cô nương đang rất tốt?”
“Phải chăng hiện cốc chủ có việc muốn phân phó?”
Chàng gật đầu, đột nhiên lấy từ sau bàn một món đồ khá dài đưa đến cho nàng. Hà Y đón lấy xem một lượt, đó là một cái xẻng sắt.
“Tôi biết kinh nghiệm giang hồ của cô nương rất phong phú, không biết có kinh nghiệm trộm mộ hay không?”
Hà Y liền nói: “Tuy hành tẩu giang hồ và trộm mộ là hai việc khác nhau, nhưng trộm mộ chắc không quá khó khăn. Chỉ là làm việc ấy, có vẻ… có vẻ…”.
“Có vẻ làm sao?”
Hà Y nói: “Có vẻ hơi thất đức”.
“Cho nên làm việc này đương nhiên không thể vào ban ngày, nhất định phải làm lúc nửa đêm mới được. Không ai trông thấy thì đương nhiên sẽ chẳng ai bảo chúng ta thất đức được nữa”, lúc nói câu này, mặt chàng chẳng đỏ lên tí nào, cứ như đây là một lẽ đương nhiên, đã thế còn bổ sung thêm:
“Ngôi mộ này nằm trong cốc, cũng không có ai giữ mộ. Cho nên chớ nói là không hề khó mà có thể nói cực kỳ dễ dàng.”
Hà Y nghĩ một lúc rồi nói: “Đã dễ dàng như thế, tại sao cốc chủ không tự mình đào lấy?”.
Nghe thấy câu này, Mộ Dung Vô Phong ngẩng đầu lên nhìn nàng, tỏ ra rất ngạc nhiên. Qua một lúc mới từ tốn nói: “Đây là lần đầu tiên cô nương tới Thần Nông trấn?”.
Hà Y gật đầu.
Mộ Dung Vô Phong lạnh nhạt nói: “Tôi vốn muốn tự mình đào. Đáng tiếc bản thân là người tàn phế, chân của tôi không thể cử động”, lúc nói câu này, trên mặt chàng chẳng có biểu hiện gì, cứ như đang nói về người khác.
Khuôn mặc của Hà Y lập tức đỏ bừng. Đây rõ ràng là sự thật hiển nhiên ai cũng biết, ấy vậy nàng lại chẳng biết gì. Cái bàn lớn đã hoàn toàn che đi phần thân dưới của chàng, nàng hoàn toàn không phát hiện ra được.
Nàng chỉ đành nói: “Đi thôi, ngài bảo tôi đào chỗ nào, tôi đào chỗ ấy”.
Chàng ngồi trên một chiếc xe lăn tinh xảo, đôi tay đẩy hai bánh xe, lùi người khỏi bàn, thư thả đi đến trước mặt nàng.
Trong lòng nàng không cầm được mà khẽ thở dài một tiếng. Người như thế này mà có thể vang danh khắp thiên hạ, nhất định đã phải bỏ ra rất nhiều công sức mà người bình thường chẳng thể tưởng tượng nổi.
Nghĩ đến đây, Hà Y vác cái xẻng sắt lên vai rồi hỏi: “Ngôi mộ ngài nói là ở chỗ nào?”
Chàng đưa tay lăn bánh xe vượt qua nàng đi ra khỏi cửa, cất giọng lãnh đạm nhẹ nhàng nói: “Đi theo tôi”.
Hành lang không một tiếng người, màn đêm yên ắng đến đáng sợ.
Dọc hành lang, cứ cách mấy bước lại treo một chiếc đèn lồng màu xanh nhạt, bóng nến chập chờn đem mấy cảnh cây vông trong viện in vào mảng tường trắng đầu hồi, gió thấp thoáng, bóng cây đung đưa, bóng người in trên tường tựa như đang nhảy múa theo.
Hai người không ai lên tiếng, cứ men theo hành lang dài nhắm hướng tây đi một mạch nửa thời thần[6], dọc đường Mộ Dung Vô Phong vẫn tự mình đẩy bánh xe đi ở phía trước.
[6] Thời thần: đơn vị tính giờ thời cổ, một thời thần tương đương với hai tiếng ngày nay.
Hà Y thấy chàng đã thấm mệt nhưng cũng không đến giúp.
Chàng là một người cao ngạo, loại người này thường không thích người khác giúp đỡ.
Cuối đường đột nhiên xuất hiện một sườn núi, hành lang tuy men theo sườn núi nhưng không còn là đường bằng phẳng mà là từng bậc thang. Mộ Dung Vô Phong lấy từ sau xe lăn một đôi nạng bằng gỗ hồng rồi kẹp dưới nách. Đôi chân của chàng tuy không thể cử động nhưng lực ở tay và vai thì khá khỏe. Hai tay chàng nhấn một cái, mượn lực vươn người đứng lên dựa vào hai nạng.
Có vẻ như đã rất lâu chàng không đứng lên, lúc này cố sức đứng dậy, đôi môi có phần trắng bệch.
Hà Y đứng bên cạnh nói: “Chẳng lẽ chúng ta phải đi vòng hết sườn núi này?”.
Mộ Dung Vô Phong gật đầu: “Đối diện chính là mộ phần”.
Hà Y không kìm được bật lời: “Ngài muốn nói ngài muốn tự mình đi qua đấy?”.
“Lẽ nào tôi không thể đi qua?”, chàng lạnh lùng đáp lại một câu.
Mộ Dung Vô Phong nói vậy, Hà Y lập tức im lặng.
Dáng vẻ lên từng bậc thang của chàng trông thật khó khăn. Bất cứ ai nhìn vào cũng đều cảm thấy xót xa. Chân của chàng chẳng còn chút sức lực nào, khi đứng lên, hoàn toàn phải dựa vào đôi vai chịu hết toàn bộ trọng lượng cơ thể. Chỉ lên một bậc thang mà mồ hôi đã tuôn ướt đẫm, không thể không ngừng lại một chút mà thở dốc.
Hà Y nhìn chàng nói: “Có cần tôi đến giúp không?”.
Chàng lắc đầu.
Hà Y nói: “Ngài cứ nói cho tôi biết đó là ngôi mộ nào, tôi đi đến đó trước đào lên”. Cứ trông tốc độ của Mộ Dung Vô Phong, kể cả nàng đem ngôi mộ ấy đào lên rồi lại lấp xuống ổn thỏa có khi chàng vẫn còn ở sườn núi bên này.
Chàng nghĩ ngợi một chốc rồi nói: “Bia mộ ấy có ba chữ ‘Mộ Dung Tuệ’”.
Hà Y đứng ngẩn ra, cứ nhìn chàng với dáng vẻ kỳ quái, thoáng chốc mặt đã đỏ bừng, ấp a ấp úng nói: “Tôi… tôi không biết chữ.”
Hà Y nói xong rụt vai, cúi đầu, len lén nhìn chàng.
Trên mặt Mộ Dung Vô Phong chẳng tỏ thái độ gì, nói: “Ngôi mộ đầu tiên bên phải, dãy thứ hai”.
“Tôi đi đây!”, nàng nhẹ nhàng tung người, trên không trung lộn mình, một lần tung mình đã ba trượng, thoáng chốc khuất khỏi tầm mắt của Mộ Dung Vô Phong.
Sương đêm phủ khắp, khu mộ kéo dài xa tắp. Bên trong mộ phần và bia mộ nhiều vô kể. Lửa ma trơi thấp thoáng, vô thanh vô tức, thoắt ẩn thoắt hiện càng tô thêm vẻ yên ắng đến đáng sợ của không gian.
Khu mộ này hiển nhiên đã được dựng lên từ nhiều năm trước, lớp đá xanh lát nền sớm đã có vết rạn, mấy loài cỏ dại vươn ra từ những kẽ nứt ấy. Hà Y tìm thấy ngôi mộ đó, thầm ước lượng độ lớn nhỏ của quan tài rồi vạch ra phương vị đại khái trên mặt đất.
Nàng từng áp tải quan tài cho người ta, xem qua người khác đào mộ, dùng xẻng sắt đào chừng nửa canh giờ đã đào được đến quan tài. Khi nàng trở lại sườn núi, phát hiện ra Mộ Dung Vô Phong vẫn đứng ở bậc thang đá thứ tư, một tay vịn lan can, gắng sức di động thân thể. Sườn núi không hề cao, cũng chỉ tầm hai chục bậc, nhưng cứ trông tốc độ của Mộ Dung Vô Phong mà tính, đợi đến lúc qua được sườn núi trời cũng đã rạng rồi.
Nàng đem chiếc xe lăn qua bên kia sườn núi, đặt dưới chân dốc.
Hà Y nhìn Mộ Dung Vô Phong nói: “Ngài có cần tôi giúp không?”
Mộ Dung Vô Phong lắc đầu.
Một lúc sau, một dải lụa trắng đột nhiên rủ xuống trước mặt chàng. Tiếng của Hà Y trên cây vọng xuống: “Này, bám lấy dải lụa này, tôi kéo ngài lên”.
Mộ Dung Vô Phong ngẩng đầu lên, tựa như muốn nhìn cho rõ nơi nàng đang ở, dải lụa trắng kia như một con rắn linh hoạt trườn qua, cuốn chặt lấy eo lưng chàng. Sau đó dải lụa nhẹ nhàng kéo lên, đưa chàng bay vụt lên. Khi lên đến lưng chừng, Hà Y bỗng tung người nhảy qua, đem thân thể đang lơ lửng trên không của Mộ Dung Vô Phong cùng băng qua đỉnh dốc của sườn núi, hướng xuống chân núi. Khi thấy sắp chạm đất, nàng vươn tay đưa ra, đem Mộ Dung Vô Phong đặt vững vàng trên chiếc xe lăn.
Dải lụa trắng kia gọi là “Tố thủy băng tiêu”, được dệt từ tơ của băng tằm vùng Nam Hải. Hà Y luyện được công phu dùng dải lụa, đối với môn này rất lấy làm tự hào.
Chính vào lúc nàng đang dương dương tự đắc, Mộ Dung Vô Phong ngồi bên cạnh bỗng khom người, tay ôm lấy ngực, đầu ngón tay bỗng dưng tím tái, toàn thân co quắp lại, hơi thở nghẽn tại ngực, hô hấp không thông.
Hà Y sợ đến mặt mũi trắng bệch, vội đỡ lấy thân thể chàng nói: “Ngài sao vậy? Chỗ nào không ổn?”, rồi bất kể ba bảy hai mốt, nàng bắt mạch, truyền chân khí vào trong người chàng, giúp chàng điều hòa nội tức.
Nội tức của Mộ Dung Vô Phong rất hỗn loạn, nhịp tim lúc nhanh lúc chậm.
Hà Y không biết phải làm sao chỉ đành nắm lấy tay chàng.
Tay của chàng cũng lạnh giá như băng, hay là… cần giữ ấm chăng?
Bên cạnh chiếc xe lăn có một cái chăn, hình như là thứ Vô Phong vẫn thường dùng. Hà Y vội vàng mở nó ra bao lấy chân chàng, lo lắng nhìn chàng chăm chú.
May mà lúc ấy cơn hen suyễn cũng qua, nhịp tim của Vô Phong dần ổn định trở lại. Chàng hít thở hồi lâu mới lấy lại được chút khí lực, rút từ trong người ra một lọ nhỏ bằng gỗ Ô Mộc, dùng răng mở nắp rồi ngửa đầu nuốt xuống một viên thuốc.
Hà Y lo lắng nhìn chàng, không cầm được mà nhíu mày. Rõ ràng chàng mang bệnh nặng. Thân thể đột nhiên bị kéo mạnh lên không trung rồi rơi mạnh trở lại, một lên một xuống, tim không chịu đựng nổi.
Qua chừng một nén hương, cơn suyễn mới từ từ dịu hẳn.
Hà Y bẽn lẽn nói: “Xin lỗi, tôi không biết… ngài có vội lắm không? Hay là tôi đưa ngài về nghỉ đã”.
Tấm thân ngàn vàng, không ngồi chỗ mái ngói[7].
[7] Thành ngữ: Thiên kim chi tử, tọa bất thụy đường: nghĩa là người phú quý thì không nên ngồi nơi hiên ngói, phòng có ngói rơi. Ý tứ chỉ người có tiền bạc, thân phận nên biết cẩn trọng, tránh liều lĩnh, nguy hiểm.
Vạn nhất người này sinh bệnh, đột nhiên chết ở đây vậy thì Hà Y nàng dù có trăm cái miệng cũng chẳng biện minh nổi đâu.
“Tôi không sao”, Vô Phong lạnh nhạt nói.
“Tim của ngài… hình như không được khỏe cho lắm”, Hà Y ngập ngừng nói.
“Tim của tôi chẳng làm sao cả”, Vô Phong trả lời.
Nghe câu này, Hà Y chỉ đành cười gượng. Nam nhân này bất kể trên người có khó chịu đến mức nào đều khăng khăng không chịu thừa nhận.
Nghỉ thêm một lúc, Hà Y từ tốn đẩy xe đưa Vô Phong tới bên ngôi mộ.
Nàng bước tới mấy bước nữa, dùng kiếm cậy nắp, mở quan tài ra rồi đốt một bó đuốc soi vào trong. Một thi thể nằm ngay ngắn trong đó, tuy vẫn mặc trang phục nhưng cơ thể đã phân hủy. Bên cạnh đầu lâu, một lọn tóc dài với chiếc thoa vàng để vấn tóc nằm lăn lóc một bên. Trên mặt thi thể còn chút ít cơ thịt, chẳng qua trông dáng vẻ của bà ta rất thống khổ, miệng mở rộng như đang hoảng sợ, dường như qua đời vào đúng thời khắc đau đớn nhất.
Hà Y quay đầu sang, lén nhìn Mộ Dung Vô Phong.
Vô Phong chăm chú nhìn mọi thứ trong quan tài. Trong mắt lộ ra vẻ đau buồn, hai tay nắm chặt đến mức gân xanh nổi lên.
Dường như chàng đang cố gắng kiềm chế tình cảm của mình, rất lâu sau mới bình tĩnh lại.
Hà Y khe khẽ hỏi: “Ban nãy ngài nói bà ấy tên là Mộ Dung Tuệ… họ của bà ấy cũng là Mộ Dung? Là người thân của ngài?”.
Mộ Dung Vô Phong trầm mặc rất lâu mới lên tiếng: “Mộ Dung Tuệ là mẫu thân của tôi”.
“Lúc sinh tôi, bà vì khó đẻ nên qua đời, kỳ thực tôi cũng chưa hề được trông thấy bà”, chàng nói tiếp.
“Cho nên ngài mới bảo tôi đào mộ của bà, chỉ vì muốn được trông thấy bà.”
“Trong việc này tất nhiên vẫn còn nhiều tình tiết rất phức tạp.”
“Cũng hiếm việc khiến người ta cảm thấy phức tạp hơn là việc con cùng họ với mẹ”, Hà Y nói.
Mộ Dung Vô Phong biến sắc, nói: “Cô nương nói đúng rồi. Đích xác là tôi không biết phụ thân mình là ai. Không những tôi không biết mà xung quanh tôi cũng không ai biết”.
Hà Y nói: “Vì thế ngài muốn tôi thay ngài điều tra việc này”.
Mộ Dung Vô Phong gật đầu.
Hà Y nói: “Nhưng những việc này đều phát sinh trước khi ngài ra đời. Đối với ngài mà nói, bọn họ vốn không tồn tại, tựa như cũng chẳng có chuyện gì xảy ra”.
“Người ta đối với những việc không liên quan đến mình thường nghĩ rất thoáng”, Vô Phong lạnh lùng nhìn nàng.
Hà Y cười khổ: “Có những việc càng biết nhiều lại càng đau khổ, chẳng bằng không biết còn tốt hơn”.
Bàn tay Mộ Dung Vô Phong đột nhiên siết chặt lại, móng tay đâm sâu vào lòng bàn tay: “Tôi chỉ muốn biết rõ chân tướng, bất kể nó như thế nào tôi đều muốn biết, nhất định phải biết”.
Hà Y nhìn dáng vẻ của chàng, sợ chàng quá thương tâm, bèn an ủi: “Bất kể một người lúc còn sống đẹp đẽ đến chừng nào, bộ dạng sau khi qua đời đều rất đáng sợ. Nếu như tôi là ngài, tôi quyết không muốn hình ảnh đó in sâu vào đầu mình”.
Mộ Dung Vô Phong ngẩng đầu nhìn nàng, chậm rãi nói: “Tôi không phải là cô, cô cũng không phải là tôi”.
Nàng gượng cười.
Sau đó Mộ Dung Vô Phong chợt lên tiếng: “Bây giờ cô nương có thể đậy nắp quan tài lại được rồi”.
“Ngài xem xong rồi?”
“Người này không phải là mẫu thân của tôi”.
“Sao ngài biết được? Làm thế nào nhìn ra?”
“Mẫu thân tôi có những đặc điểm riêng rõ ràng, trong phòng tôi còn mấy bức tranh bà tự họa. Nếu như bà tự họa rất giống vậy thì sau khi bà qua đời, hài cốt không thể có hình dạng này.”
“Lẽ nào ngài chỉ cần nhìn hài cốt là có thể biết được dáng vẻ của một người khi còn sống?”
Mộ Dung Vô Phong nói: “Cô nương quên rồi sao, tôi là đại phu, đã nhìn thấy rất nhiều xác chết rồi. Các loại đầu lâu người chết tôi đều từng xem xét kỹ càng”.
Sở Hà Y nghe mà thấy sau lưng lạnh toát, nói: “Vậy lúc thường ngài gặp người khác rốt cuộc là nhìn họ hay nhìn đầu lâu của họ?”.
“Một người làm lâu một nghề, cách họ nhìn người cũng có chút khác người thường.”
“Lẽ nào ngài thực sự là một thần y?”, nàng không nhịn được hỏi.
“Tôi chỉ là một đại phu gặp may mà thôi”, chàng lạnh nhạt nói.
Trong khi hai người nói chuyện, Hà Y đã khôi phục xong dáng vẻ lúc trước của ngôi mộ.