Từ lúc nhận ra vai trò của người làm nghề y là giúp những sinh linh đang háo hức đến với thế giới này được chào đời theo cách mà sinh linh ấy mong muốn nhất, tôi bắt đầu hạn chế dùng những phương pháp can thiệp sinh, trừ trường hợp thật sự cần thiết, và chú ý đến việc tạo dựng mối liên kết giữa mẹ và bé hơn.
Nhìn lại thời gian trước, khi vẫn còn suy nghĩ rằng sinh đẻ thì không được có bất cứ bất thường nào, tôi luôn cảm thấy rất căng thẳng. Chỉ chăm chăm làm sao để không bị rơi vào tình huống xấu nhất, tôi đã không chú ý rằng, một cuộc sinh nở có thể có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của bé và mẹ sau này.
Nói thật lòng, lúc đó tôi chỉ suy nghĩ cứ làm theo quy trình được học ở đại học và cố gắng làm sao để đứa trẻ được sinh ra vô sự, càng nhanh càng tốt.
Bị áp lực bởi cảm giác trách nhiệm nên khi một ca sinh qua đi, tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm chứ chẳng còn tâm trạng nào để cảm động.
Có lẽ tâm trạng căng thẳng của tôi cũng ảnh hưởng không tốt đến người mẹ. Thay vì khiến người mẹ cảm thấy hân hoan hồi hộp chờ đón em bé của mình, không chừng tôi đã khiến họ cảm thấy bất an và đau đớn.
Một cơ duyên xảy ra đã khiến tôi bắt đầu suy nghĩ hãy để việc sinh đẻ diễn ra tự nhiên nhất (Ở phần sau tôi sẽ nói cụ thể hơn). Kể từ đó, những vấn đề như rong kinh bắt đầu giảm đi đáng kể.
Việc gọi xe cấp cứu hầu như cũng không còn nữa. Và tôi bắt đầu nhận thấy được nhiều điều mà trước đây tôi hoàn toàn không nhìn ra.
Khi quan sát kỹ, tôi nhận thấy một đứa bé vừa lọt lòng cũng có rất nhiều biểu cảm. Đặc biệt là khi nằm trên ngực mẹ, bao giờ bé cũng nhoẻn miệng cười với vẻ mặt thật hạnh phúc.
Ngược lại, nếu tách bé ra khỏi mẹ ngay lập tức, bé dường như thể hiện gương mặt giận dữ. Có một em bé đã phải chịu nhiều đau đớn để sinh ra bằng phương pháp đẻ hút, lúc nằm bên cạnh mẹ, dường như bé nhìn về phía những người lớn đứng đấy bằng vẻ giận dữ. Nhưng khi người mẹ lên tiếng: “Mẹ cũng đau lắm. Mẹ xin lỗi con nhé!” thì dần dần gương mặt bé trở nên hiền hòa hơn.
Tôi còn nhận ra nhiều điều dường như ngay cả ngành sản khoa cũng cảm thấy khó tin. Chẳng hạn, theo sách giáo khoa chúng ta được học, em bé mới sinh ra chỉ có tầm nhìn khoảng 30cm thôi, dần dần mới nhìn thấy được gương mặt người mẹ đang bế mình.
Tuy nhiên, khi vứt bỏ định kiến sang một bên để thử quan sát, tôi nhận thấy quả thật em bé lúc mới chào đời thường không mở mắt, nhưng khi được mẹ ôm vào lòng, dần dần bé mở mắt ra, chớp chớp và thậm chí còn cười với người đầu tiên bé nhìn thấy nữa.
Hơn nữa, chúng ta cũng được học rằng đến vài tháng tuổi bé mới biết nhìn theo người hoặc đồ vật. Vậy mà có bé, khi bố đưa máy ảnh lên rồi xoay vòng quanh thì bé nhìn theo mãi.
Thực chất là năng lực của bé vượt xa những gì chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi quá nhiều định kiến nên chúng ta không nhận ra những điều rõ ràng trước mắt mà thôi.