Thời xưa, những người phụ nữ trong vùng thường giao lưu với nhau, từ đó dễ dàng học được kinh nghiệm sinh con và nuôi con nhỏ. Nếu ai đã từng chăm sóc em bé cho hàng xóm hoặc người thân thì khi đến lượt mình, họ sẽ không bỡ ngỡ trong việc nuôi con. Tuy nhiên, các bà mẹ thời nay thường không có kinh nghiệm nên ngay cả cách bế con cũng không biết.
Và các bà mẹ này hay dựa vào các cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con. Những hướng dẫn này thường đúng hoàn toàn với khoảng 20% độc giả, 60% coi là đúng tương đối, 20% còn lại thì thấy không đúng chút nào. Chúng tôi tạm gọi là quy tắc 20% hay quy tắc 2-6-2. Các hiện tượng tự nhiên thì đa phần là chính xác. Tuy nhiên, có nhiều bà mẹ cứ nghĩ rằng những cuốn sách này 100% đúng, nên hễ có vấn đề gì không giống trong sách thì họ lại tự trách mình. Đồng thời họ luôn cảm thấy lo lắng, nên chỉ cần bé bị sốt một chút thôi cũng hoảng hốt đưa ngay bé vào bệnh viện mặc dù sắc mặt hay thể trạng của bé vẫn đang tốt. Đến khi bác sĩ trấn an: “Có nhiều khi bé không bị bệnh vẫn có thể phát sốt. Có phải hôm qua bé phấn khích quá không?” thì mới chịu. Có khi ngay lúc đó, bé hạ sốt luôn.
Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thường là tấm gương phản chiếu những lo lắng của mẹ. Có những trường hợp nếu mẹ làm bộ mặt lo lắng thì bé cũng sẽ cảm thấy không khỏe trong người, còn nếu mẹ tỏ ra bình thường thì tự dưng bé sẽ khỏe lên.
Trong số các bà mẹ không cảm thấy tự tin, có những người còn sạch sẽ quá mức cần thiết. Chẳng hạn hầu hết bà mẹ trước khi cho con bú thường khử trùng đầu vú bằng bông thấm cồn, trong khi các bà mẹ ngày xưa thì không ai làm vậy.
Trong vú vốn đã có tiết ra chất tiệt trùng, có tác dụng khử trùng đầu vú ở mức độ nào đó rồi. Nếu là các lợi khuẩn thường ngày vẫn nằm ở đầu vú thì càng nên đưa vào cơ thể bé sớm để tạo miễn dịch. Thật ra, tác dụng của bông thấm cồn mới là không chắc chắn, nếu để thành phần đó đi vào miệng bé còn nguy hiểm hơn.
Thay vì loại bỏ các vi khuẩn và tạo một môi trường nhân tạo cho bé, hãy để ý hơn nữa vào việc tăng cường năng lực sinh tồn cho bé. Trong phòng trẻ sơ sinh, các bà mẹ thường rửa tay bằng cồn, đeo khẩu trang y tế để bế bé, nhưng khi nghe những em bé có ký ức kể lại, dường như bé rất sợ hãi vì không nhìn thấy mặt người đang bế mình.
Điều quan trọng là người mẹ cần nhạy bén hiểu được những quy luật của tự nhiên và rèn giũa giác quan để tự phán đoán được cái nào là cần thiết, cái nào là không cần thiết. Ngoài ra, việc tìm kiếm một người có thể hỏi kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Hơn nữa, nếu đã có mối liên kết chặt chẽ với em bé và cảm thấy tự tin, mẹ cũng có thể hỏi ý kiến em bé khi không biết nên làm thế nào.