Một ca sinh nở tốt thì không thể thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa sản phụ và bác sĩ. Ở Hiệp hội bác sĩ khám bảo hiểm, tổ chức của các bác sĩ mở phòng khám riêng mà tôi đang tham gia, chúng tôi giải đáp miễn phí các thắc mắc liên quan đến y tế trên mạng dưới tên Virtual Doctor (Bác sỹ ảo). Tôi cũng tham gia và qua đó biết được nhiều nỗi lo lắng của các bà mẹ. Công việc này đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
Vai trò của tôi ở đây là làm cầu nối giữa sản phụ và các bác sĩ. Nếu bác sĩ đưa ra chỉ thị đúng nhưng sản phụ vẫn nghi ngờ thì khi nghe tôi giải thích: “Bác sĩ nói vậy có thể ý là như thế này”, họ sẽ chấp nhận. Nhưng cũng có những trường hợp bác sĩ nhầm lẫn, lúc đó tôi sẽ trả lời rằng bác sĩ đã nhầm.
Đáng ngạc nhiên là có nhiều người bỏ công lên trang này để thắc mắc những điều mà chỉ cần hỏi bác sĩ phụ trách của họ là được, chẳng hạn như “Thuốc này thì có tác dụng như thế nào?” Điều này có thể do tâm lý của người bệnh khi đứng trước bác sĩ thì không thể nói được những điều muốn hỏi. Cũng có trường hợp, bác sĩ nghĩ rằng mình đã giải thích rồi nhưng dường như điều đó vẫn chưa truyền đạt được đến cho bệnh nhân.
Có những điều đối với bác sĩ là đương nhiên nhưng bệnh nhân lại không hiểu được. Những lúc như vậy, tôi thường nhớ lại một câu chuyện xảy ra vào thời tôi làm việc ở bệnh viện đại học.
Một người phụ nữ phải nhập viện vì ung thư giai đoạn cuối. Thời đó, ở đại học, chúng tôi được dạy rằng: “Nếu bệnh nhân bị ung thư thì không nên thông báo cho họ” nên cả ê-kíp đều giấu bệnh nhân việc cô ấy bị ung thư. Tuy nhiên, người chồng lại thông báo cho cô ấy biết.
Bác sĩ phụ trách rất bất bình về việc đó, còn ghi chú vào hồ sơ bệnh án rằng: “Người chồng đã thông báo cho cô ấy rồi! Thật là một người lạnh lùng”. Tuy nhiên, người vợ này đã giữ được tâm trạng bình thản đến phút chót. Trước khi ra đi, cô ấy nói: “Cảm ơn mọi người nhé!” rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng.
Nếu một người biết mình bị ung thư có thể đón nhận cái chết một cách bình thản như vậy thì việc lúc nào cũng dạy cho sinh viên “không được thông báo tình trạng bệnh nhân” quả là có vấn đề.
Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Bác sĩ cần phải trở thành một phần của người bệnh, đứng ở vị trí của người bệnh để tìm ra cách chữa trị tốt hơn. Tôi nói điều này nghe có vẻ hiển nhiên bởi trong cuộc sống này, điều mọi người đều mong đợi là một nền y học dựa trên người bệnh, chứ không phải một nền y học làm đúng theo chỉ dẫn.
Xưa kia, ở Trung Quốc, người ta quan niệm rằng bác sĩ nào chỉ cần nhìn là có thể biết bệnh nhân bị bệnh chỗ nào là bác sĩ giỏi. Người ta gọi cái này là “vọng chẩn”. Và quả thực, những người bác sĩ giỏi chỉ cần nhìn thôi là cũng có thể bắt bệnh được.
Người ta cũng nghĩ rằng các bác sĩ bắt mạch đoán bệnh thì trình độ vẫn chưa đến mức bác sĩ giỏi. Nếu như vậy thì các bác sĩ thời nay toàn bộ là lang băm hết!
Chưa bàn đến việc họ có thực sự là lang băm hay không nhưng rõ ràng, các bác sĩ thời nay ỷ lại quá nhiều vào thuốc hoặc công tác chữa bệnh, chứ không có thời gian để đối diện với bệnh nhân.
Tôi nghĩ từ nay về sau, y học cần phải coi trọng vấn đề giao tiếp với bệnh nhân. Để thực sự biết bệnh của bệnh nhân, đôi bên cần phải mở lòng trò chuyện với nhau.
Đôi khi chỉ là triệu chứng cảm thông thường nhưng đằng sau đó có thể có ẩn chứa vấn đề nào đó trong gia đình, nếu không giải quyết tận gốc thì không thể chữa hết được. Lúc này, nếu bác sĩ có thể trò chuyện, giúp bệnh nhân bộc bạch hết tâm sự, bệnh nhân có thể được giải tỏa căng thẳng, nhờ đó mà các triệu chứng cũng sẽ biến mất, có khi họ ra về mà không cần thuốc nữa.
Những lúc như vậy, bản thân tôi cũng cảm thấy hoàn thành vai trò bác sĩ của mình và càng có động lực hơn nữa. Ở trường, chúng tôi được học rằng bác sĩ là người chữa trị cho người bệnh. Nhưng tôi nghĩ, chẳng phải bản thân bác sĩ nhờ theo nghề y mà tâm hồn được xoa dịu bởi các bệnh nhân đó sao?