I
Nếu như còn sống, con và mẹ sẽ bảo những người chết là đã ở bên kia thế giới. Còn khi nay, con đã ở trong cái chết rồi. Tức là con đang đứng trong cái chết để nhìn về mẹ, nhìn về thế giới mà con đã từng sống suốt gần ba mươi năm. Khi vĩnh biệt sự sống để làm nô lệ cho cái chết, con bỗng thấy tiếc cuộc sống thật. Con bỗng thấy yêu cuộc sống mà khi xưa con hiện diện ở đó biết nhường nào. Con đau đớn nhận ra rằng, được ở bên mẹ, sống bên mẹ là điều hạnh phúc nhất. Vâng, hạnh phúc nhất. Con ngàn lần khẳng định vậy.
Còn giờ, con đã là một con ma, là nô lệ của cái chết, làm chân sai vặt của tử thần. Không thể nào về với mẹ được nữa. Chỉ còn biết tâm sự với mẹ bằng những tiếng thì thầm rất khẽ, trong khoảng thời gian tạm ngơi nghỉ, khi gã thần Chết đang mệt phờ vì đi hành hạ nhân thế, chuẩn bị quay ra ngủ tít.
Tự giết bản thân cũng là một cái tội, nhưng người nghèo thì mắc tội gì hả mẹ? Tại sao ông trời lại đánh rơi con vào một gia đình quá ư bất hạnh? Ừ thì, ông ấy cứ cho con làm con mẹ đi, sung sướng lắm. Nhưng ông ấy đừng lấy hết gần như mọi thứ của con đi chứ, rồi còn gieo vào lòng con sự đa cảm, đa sầu, để nó mọc lên những mầm đau thương, nhức nhối. Càng nghĩ, con càng thấy tim mình nhức nhối.
Sinh được hai tháng thì con mất cha. Con thừa hưởng cặp mắt của cha và tâm hồn rộng lượng của mẹ. Nhưng con cũng là nạn nhân của nỗi bất hạnh cha mắc phải. Nỗi bất hạnh màu da cam. Một nỗi ám ảnh còn nhức nhối hàng triệu người dân châu Á mũi tẹt da vàng chúng ta. Nỗi đau ấy ngấm từ cha sang anh em chúng con. Ngấm từ mẹ sang anh em chúng con. Mẹ và cha đã cống hiến cả tuổi thanh xuân ngoài chiến trường và mang vào người thứ chấc độc khủng khiếp đó. Con đã có một người anh điên điên dại dại rồi. Bản thân con chẳng được làm một con người bình thường như các bạn. Chân và tay con co rút. May thay, đầu óc con vẫn minh mẫn, vẫn còn biết ứa nước mắt mỗi khi mẹ đau. Nhưng giờ cha mất, mỗi khi mẹ đau con cũng chỉ biết đứng ở bên này thế giới mà nhìn, nào có giúp được đâu.
- Ngươi làm sao mà thờ thẫn thế? Hãy vào đây ta giao việc.
Gã thần Chết giật giọng, lôi con về với thế giới của hắn. Con không muốn cho hắn biết là mình đang nghĩ về mẹ. Hắn sẽ không bao giờ biết thế nào là tình thương. Hắn chỉ có bóng tối và cái chết. Hắn không giống con người chúng ta.
- Tôi ngồi thư giãn.
Con nói điềm nhiên như chưa từng suy tư. Gã thần Chết gật gật cái đầu, lè cái lưỡi dài đỏ lòm của hắn.
Ngươi được đấy, ta còn chưa bao giờ biết thư giãn là cái gì.
II
Ngọc Lan con, mẹ biết rằng con rất thương mẹ, mẹ và cha con có lỗi, là chẳng cho con được làm một người tử tế như các bạn, cũng chẳng cho con một cuộc sống no đủ. Con như cái cò cái vạc chấp chới bay ra ngoài phố. Nghị lực của con khiến mỗi người mẹ nghe đều ứa nước mắt. Con tự tập đi, tập cầm bút và cố gắng học hành cho bằng bạn bằng bè. Nhưng sao dại dột thế, con không biết rằng chính con là nguồn động viên lớn nhất của mẹ lúc này sao? Con không nghĩ rằng, khi con mất đi, mình mẹ thế giới này chăm cho một người anh dở điên dở dại của con cũng sẽ sớm héo mòn. Rồi tương lai của anh con sẽ thế nào? Khi sinh ra mỗi con người, là trời đã sinh ra một sinh mạng. Sống làm người mới khó, còn chết đi quá dễ dàng. Vì thế mà nhiều người đau khổ đến mấy vẫn muốn sống, cố sống và chịu khổ. Đời là bể khổ mà con.
Ngày mẹ sinh con, bệnh tật đã làm thân thể mẹ tàn tạ. Sữa cho con không có. Con uống sữa ngoài và nước cơm. Nhưng là một đứa nhóc háu ăn, con đòi vú mẹ.
Một bên vú teo, một bên vú khô khốc, chẳng vắt ra được giọt sữa nào. Mẹ bất hạnh, con thiệt thòi. Con đói, con khát sữa. Mẹ nhìn con, ứa nước mắt nhưng vẫn dúi đầu vú vào miệng con. Con mút chùn chụt, nhưng nó chẳng khác gì một mẩu giẻ rách. Không có sữa, con khóc ngằn ngặt thảm thương. Rồi đến lúc, con đòi, mẹ dúi đầu vú mình, con không bú. Trừ những lúc được mẹ cho uống sữa ngoài ra, con lại đòi mút tay. Khi con mút tay chán thì mẹ đành phải cho con ngậm đầu mũi mẹ. Con cứ ngậm và mút cho đến khi nó đỏ lựng lên. Thương mà chẳng biết làm thế nào. Cho đến tháng thứ hai, con đã biết ăn bột. Lúc đó mẹ nghĩ, đời mẹ dù sao cũng có người an ủi rồi. Lúc đó, mẹ vừa mất cha con. Tim mẹ thoi thóp và lòng bị muốt xát. Biết bao giờ nguôi.
Anh con ngồi góc nhà kia, từ lúc sinh ra cho đến giờ hơn ba mươi tuổi, chưa bao giờ biết gọi mẹ gọi cha một câu. Thằng bé cứ ngồi quặt quẹo như thế, một đời thực vật. Cái mà để nó giao lưu với đời, có lẽ là những tiếng cười, cũng tàn tật và thi thoảng một vài giọt nước mắt khô. Con khổ một thì anh con khổ mười. Con biết đó. Con còn có trí khôn, còn được học hành, còn có thể viết lên được số phận của con và gia đình. Con còn nói được nỗi đau của dân tộc, được in báo và sách. Hơn nữa, con là niềm an ủi thiêng liêng của mẹ. Lúc sinh con mẹ chưa hình dung ra là mình đã nhiễm chất ác độc đó. Con lớn nhanh thư thổi, ăn thun thút, dù thiệt thòi, chưa bao giờ được hưởng một giọt sữa từ bầu ngực mẹ. Nhưng từ lúc lên hai thì cơ thể con giở chứng. Các cơ bắp teo tóp dần. Cho đến khi lên năm thì chân con lệch một bên, xương sống vẹo và tay chân không làm chủ được. Nó như những cành cây thiếu sức sống. Mẹ phải đưa con đi rất nhiều nơi để chữa trị, như đã từng cố gắng chữa cho anh con mà không được.
Bằng nghị lực của con, con đã chiến thắng số phận để đến với bến bờ tri thức. Nhưng làm sao con dại dột bỏ mẹ mà đi?
III
Con biết, để tâm sự được với con và ghi ra những dòng nhật ký, mẹ đã phải đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi… Mẹ đọc khi anh con đã ngủ và ngôi nhà chìm vào bóng đêm. Mẹ đã khâu vá cả đời bên bức vách, ngọn đèn có bao giờ tắt lụi. Và bởi vì mẹ chẳng được học hành, nên câu chữ còn lủng củng. Con biết, vì yêu con, mẹ đã đọc để học cách viết, để những trang nhật ký đừng quá ngô nghê. Có lúc, con nghe thấy mẹ thầm thì: “Con gái mẹ là người viết văn, là nhà văn trẻ, mẹ lại không ghi được mấy dòng nhật ký tâm sự cho tử tế ư?”. Đừng cố, con không trách mẹ đâu.
Giờ thì con phải nói cho mẹ điều đã khiến con phải kết liễu đời mình. Một nỗi đau đã làm tim con tổn thương, tan nát. Nỗi đau của tình yêu đầu. Một tình yêu bị chèn ép bởi những mặc cảm, bởi sự tính toán, hay bởi một giây phút lợi dụng nào đó. Con không rõ nữa. Nhưng rõ ràng là rất đau.
Con học tập bằng tiền nhuận bút từ việc viết lách của mình. Tất nhiên có thêm phụ cấp. Rất nhiều người nhìn và dè bỉu vóc dáng con. Nhưng con im lặng, cần mẫn học và học. Có người bảo văn chương con bò lê la dưới mặt đất. Con cũng im lặng. Đường văn chương lắm chông gai nhiều trắc trở. Cần phải là người dũng cảm. Cần phải có niềm tin. Không thể chấp vặt những lời ì èo ngoài xã hội.
Không cần phải nhắc lại những khó khăn con phải trải qua nữa mẹ nhé. Những khó khăn suốt những năm học tiểu học và phổ thông của con, mẹ biết rồi. Con đã chiến thắng rôm rả thế nào. Ở Hà Nội, con vất vả gấp đôi, vì xa mẹ mà. Mẹ hãy nghe con tâm sự về chuyện tình của con đi. Nói là chuyện tình thôi, nhưng chẳng có tình yêu nào hết. Vì chẳng có người con trai nào dũng cảm yêu một cô gái tật nguyền như con. Nhưng con cũng là một con người. Con có khao khát, kể cả một chút dục vọng của thời thiếu nữ. Rất thèm được như những cô gái khác. Được quan tâm, tặng hoa, chào đón. Vào những ngày lễ tết con thui thủi một mình. Bạn bè có người yêu chăm sóc, rủ đi chơi, ăn uống rồi bả lả cười với nhau. Còn con, những lúc tủi thân, con tìm đến văn chương làm nguồn ủi an, nhưng đôi khi không ngăn được những giọt nước mắt.
Phòng trọ có hai người. Cô bạn cùng phòng đi với người yêu. Có hôm, hai bầu ngực con nưng nức căng, thèm một bàn tay ai đó nhẹ nhàng xoa… Con cũng thèm có một chàng trai ôm ấp, thèm nụ hôn ngọt đầu lưỡi, hay hơi thở ấm nóng tuổi thanh xuân. Con đã không có, tất cả. Nên có hôm con đã mạnh dạn nằm khỏa thân trong chăn và khóc một mình, đã đời. Rồi người đó đến, mang theo một cơn gió mát cho lòng con. Người ấy hiền lành, đôi mắt đẹp, khá hiểu biết trong ăn nói và làm cho con cảm giác rất lạ. Chúng con tâm sự nhiều và đọc thơ cho nhau nghe. Người ấy tặng cho con một bài thơ và tất nhiên, con đáp lễ bằng một bài rất đỗi cảm xúc và chân thành. Người ấy tên Hách mẹ ạ. Gặp gỡ nhau chừng hơn một tháng, Hách nói yêu. Con như mảnh đất khô hạn lâu ngày gặp mưa, lại mau chóng cảm tình với một tấm lòng. Chưa có kinh nghiệm tình trường và chưa từng bị lừa gạt, con không đề phòng, gật đầu, mở lòng đón nhận tình yêu của Hách. Thế rồi, mẹ biết rồi đấy, con vừa mới ra trường đã trầy vi tróc vảy kiếm được việc làm ở một nhà xuất bản. Con khao khát nhiều và hiến dâng cho Hách. Có lúc hồn nhiên con hỏi: “Anh yêu em ở điểm gì?”. Hách nói: “Em giàu nghị lực, giàu tình yêu và hơn nữa, anh cảm thấy hợp với em”. Con tin điều đó và âm thầm trong hạnh phúc, sảng khoái trong hoan lạc. Nhiều lần Hách đưa con đi làm, đón con về nhà trọ. Bạn học biết chuyện hỏi: “Mày yêu Hách à? Không biết đề phòng ư?”. Con bảo: “Tao không có quyền đó. Anh ấy đã cúi xuống đời tao, nâng tao đứng lên, cho tình yêu thì tao có quyền hành gì mà đề phòng. Niềm tin là sức sống của tình yêu”. Bạn không nói gì nữa. Tiếp sau là những ngày tháng vui vẻ bên Hách. Cảm giác, Hách đã cố gắng xóa đi mọi mặc cảm trong con. Nhưng mẹ có biết không. Hách phản bội con. Một chiều, khi đi làm về, con lật đật từ cơ quan về nhà trọ, bắt gặp Hách chờ một người con gái khác. Cô gái ôm sau Hách tình tứ, chân dài váy ngắn phất phơ trêu ngươi. Đường phố lúc đó như tối sầm. Những chiếc xe cảm giác nhằm con lao tới. Một kết cục nhàm chán kiểu những câu chuyện sến, sáo mòn mà chúng con đã viết đăng tạp chí kiếm tiền. Nhưng nó ám vào đời con. Nó đang hành hạ con, không phải tưởng tượng, mà câu chuyện thật đã vô tình chảy vào đời con, để trong giây lát lòng con hóa hoang liêu thế này.
Lúc đó, con muốn lao vào ô tô cho lòng khỏi buốt. Nhưng bình tĩnh lại được. Hôm sau Hách mới đến. Con hỏi, anh ta chối quanh. Cuối cùng anh ta nhận và thở ra những lời rất khó nghe. Sau anh ta sổ toẹt vào tình yêu của chúng con. Hách lộ nguyên hình là một kẻ chuyên lợi dụng, lừa đảo tình cảm của các cô gái nhẹ dạ cả tin. Con đã dễ dàng tin vào tình yêu không vụ lợi và lòng nhân hậu hiếm có của Hách. Thời khắc của đau thương đến từ đó. Cũng từ lúc đó, con hết khát khao sống. Không chiến thắng được nỗi sầu muộn, nước mắt cứ trào ra, cảm giác sầu muộn lúc nào cũng lủng lẳng trước mặt. Con cần một sự giải thoát.
IV
Sắp đến dịp 49 ngày của con rồi. Mẹ sẽ thắp hương, cầu khấn cho linh hồn con siêu thoát. Con không biết là tấm hình của con mẹ đã phóng to để nhìn cho thỏa và cứ mỗi chiều hoang hoải nắng, mẹ lại ra ngõ, vu vơ ngóng con. Mẹ mãi nghĩ con là cô con gái bé bỏng, dại khờ, rồi có nhiều lúc, mẹ mang bài thơ cô bạn của con chép tặng mẹ ra đọc và nghĩ về con. “Tháng ba buồn dại ý hẳn ngậm ngùi/ Nhắc em ngày sinh và hố vôi đầy hoa gạo rớt/ Quê em đó, cơn mưa dài không ngớt/ Khóc từ lúc sinh em cho đến tận bây giờ”. Bài thơ của một nữ nhà thơ hay và cảm động quá. Mẹ thấy có cả hình bóng Ngọc Lan đấy.
Mỗi lần mẹ đọc thơ con và các bạn, anh Khúng con lại huơ huơ bên tay không ngón ra, giơ ngang đầu chỉ kêu è ẹ è ẹ được mấy tiếng, như cũng muốn đọc. Cha con mất khi chưa có chế độ đãi ngộ, đến khi nay, mẹ cũng chẳng có chế độ đãi ngộ. Thiệt thòi là khi xuất ngũ, cha mẹ đã chẳng giữ gìn được giấy tờ để chứng minh bản thân. Trong khi đó, có những người chẳng tham gia chiến đấu ngày nào, cũng chạy chọt để hưởng lương thương binh. Xã hội còn nhiều bất công quá.
Chiều nay, dì Ngát sang bảo mẹ:
Hay là chị đưa cháu Khúng sang nhà em sống. Chị em có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Quý nhất là được ở gần, chăm sóc cho nhau.
Mẹ chẳng nỡ lòng nào. Dì Ngát và chú Dành chạy chữa thuốc thang khắp nơi, mà vẫn chẳng thể sinh. Ngôi nhà trống tênh của dì và chú chẳng bao giờ có tiếng trẻ. Mẹ biết là dì thèm được có con cái lắm. Mẹ không thể làm tội dì thêm, dù tính dì rất tốt.
Thôi dì ạ, dì thì đã đành. Còn chú ấy… Mẹ con chị cứ ở đây. Lúc nào rỗi, dì sang chơi cũng được.
Mẹ dứt khoát không chịu sang, dì cũng chẳng ép được. Kể những chuyện buồn ra, hai chị em tủi thân, lại ôm nhau khóc. Rất thê lương.
V
Khi cho một vốc thuốc vào miệng, chiêu nước và nuốt, con mới thấy mình dại và thương mẹ hơn. Lòng con rối bời, tim con tan nát và trí não thì ân hận. Lúc đó, đau bao nhiêu thương mẹ bấy nhiêu. Nhưng con không thể nôn ọe thuốc ra được. Con không muốn sống nữa, nên vốc thuốc cứ nằm yên trong bụng và từ từ dìm con vào cõi chết.
Mắt con ứa nước và hình ảnh mẹ nhạt nhòa dần. Lúc đó, trong đầu con chỉ nghĩ thương mẹ và cám cảnh cho anh Khúng. Xã hội ta đã có những chiến dịch đòi công lý cho nạn nhân da cam. Dân ta cũng có hàng trăm cuộc vận động quyên góp giúp đỡ người nhiễm da cam. Nhưng là ở những đâu đó xa tít tắp, anh con thì không. Anh con dường như thiệt thòi và nằm ngoài mọi thứ. Không biết khi mẹ khuất núi, anh con sẽ tồn tại trên đời thế nào.
Con mất đi, chỉ mong mẹ được giúp đỡ, dựng lại gian nhà dột nát, để mẹ và anh trú nắng trú mưa. Trong giây lát, những hình ảnh của quãng thời gian gần ba mươi năm làm người, ngần ấy năm chịu tật nguyền ùa về nguyên vẹn. Đời con gái tật nguyền dám khát khao học và khát khao công việc, rồi khát khao tình yêu. Bấy nhiêu khát khao làm con sống được. Nhưng vì khát yêu, con đã phải đau đớn mà chết. Liệu có tình yêu thật trên đời này? Khi mà nỗi đau thì thật, nước mắt thật, và những tiếng ai oán oan khuất cùng sự bất công vẫn hiện hữu đó. Này là trắng, kia là đen, mà lòng người đôi khi đổi trắng thay đen, biết đâu mà lần.
Trời tối, mắt sầm lại, thác đổ, nước cuốn, quay cuồng, lốc xoáy… Con rơi vào mê sảng, hoảng loạn. Rồi một phút nhẹ bẫng. Rơi uỵch, con đã sang một thế giới khác…
VI
Đôi lợn mẹ nuôi để chờ ngày bán, có thể mua ít ngói về nhờ người đảo lại. Mỗi trận mưa xối xuống là nhà cũng như sân, khổ không biết đường nào mà lần. Mẹ còn đỡ, chứ anh con, nó nào có biết gì. Tội nghiệp. Nhưng đôi lợn cũng ốm chết. Mẹ làm thịt, đem ra chợ ngã tư làng bán, rẻ như cho. Cả hai con được mấy chục nghìn, mẹ mua thuốc cho anh con. Thấy mẹ khóc, anh con quầy quậy lắc đầu: “Ẹ óc ồi, ẹ óc ồi” (mẹ khóc rồi, mẹ khóc rồi). Dì Ngát bảo: “Khổ thân chị, số đen quá”. Chú Dành bảo: “Chẳng biết chị sinh nhằm ngày gì, mà cả đời cùng cực, đến con lợn cũng bỏ chị mà đi”. Mẹ hơi cười, cái cười đắng đót: “Giời bắt tội, tôi đành chịu. Chỉ mong các ông ấy nghĩ đến con tôi. Chứ các ông ấy mà cũng bắt tội… Hay là lúc nào chú đi giúp chị lần nữa?”. Mẹ nhờ chú Dành đi xin làm chế độ hộ nghèo cho mẹ. Chú Dành bảo: “Chị yên tâm, cứ để em”.
Ba tháng sau, mẹ được công nhận hộ nghèo, được Nhà nước cho một số tiền thêm thắt dựng gian nhà nhỏ. Chú Dành, dì Ngát và những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ. Ác thay, chỉ một cơn bão đã cuốn đi tất cả. Đang đêm, mẹ kéo anh Khúng chạy sang nhà bà Ất. Bão làm nháo nhác cả làng. Mẹ và anh thành kẻ không nhà chỉ trong một đêm. Mẹ nhìn bão, nhìn anh con, ngẫm lòng mình, ngẫm phía con… nơi nào cũng nổi bão. Biết bao giờ dừng được hả con?
VII
Gió mang con đi, ném vào trước mặt thần Chết. Hắn dọa phát khiếp, sau cười ha hả. Hắn hỏi:
Sao ngươi chết?
Tự tử. - Con trả lời.
Tình phụ à, hay đú đởn rồi dính “ết” nên chán sống?
Tình là cái quái gì?
Ha ha ha… Đúng là cái đồ...! Sao thế gian lắm đứa ngu dại chết vì tình thế. Tao nhìn là biết ngay vì tình, còn chối. Năm nào tao cũng gặp cả trăm. Mỗi đứa một kiểu.
Gã thần Chết vừa nói vừa cười ha hả. Sau, hắn quan sát con thật kỹ:
Này, nhìn mày có vẻ không bình thường. Chân tập tễnh, tay què quặt, xương lưng không thẳng. Bị đánh à?
Không. - Con nói. - Tôi nhiễm chất độc da cam.
Ừ, tao hiểu rồi. Nhưng lẽ ra mày phải được sống sướng để bù đắp thiệt thòi cơ đấy. Chết thì ngu quá, chả được hưởng gì.
Con lắc đầu:
Không, sống khổ hơn là chết. Con nói đúng, mẹ nhỉ?
Gã thần Chết lại cười lớn, đắc chí nói rằng những đứa như con chán sống sẽ càng làm tăng thêm nô lệ cho hắn, tăng mồi nhậu cho gã ác độc đó. Hắn càng rảnh rang. Rồi hắn giao việc cho con. Hắn bảo con thú vị với hắn. Hắn muốn con đi quyến rũ những đứa trẻ tật nguyền, làm chúng phải tự tử để làm mồi nhắm cho thần Chết. Con nghe, đi nhiều nơi, bắt trẻ tật nguyền và nhiễm da cam về cho hắn. Hắn bảo phải bắt những đứa thông minh nhắm rượu mới ngon. Những đứa ngu ngốc, đầu óc tối tăm, bắt về cũng chẳng làm gì, chỉ làm cho đầu óc thần Chết mụ mị. Trước khi đi, hắn thêm: “Nhớ đừng tha cho đứa nào đấy, không thì mày sẽ chịu tội trong vạc dầu”. Bắt được hai đứa thông minh về, thần Chết hành hạ chúng rất độc ác rồi mới nhắm rượu. Con chán, đi lang thang mấy ngày. Thần Chết lại khát rượu, đòi con đi bắt tiếp. Mất mấy ngày mệt mỏi tìm kiếm mà không tóm được đứa nào thông minh. Con lo về thần Chết trách phạt. Buồn nản, con lại đi lang thang và bắt gặp một đứa con gái tật nguyền thông minh. Nó cũng nhiễm chất độc da cam, nhưng còn hơn con ở khoản nhan sắc. Nó muốn tự tử vì tình. Lại vì tình. Con nhớ lại lời gã thần Chết khi nói về những đứa con gái dại dột vì tình phụ mà kết liễu mạng sống mình. Con quyết phải cứu đứa con gái này, không để cho nó chết.
Này, mày đừng tự tử. Đừng giống như tao đây, giờ ân hận, muốn làm người cũng không được.
Nhưng người tao yêu đã phụ bạc. Tao căm thù đàn ông trên đời.
Con nói:
Tao cũng từng căm thù đàn ông trên đời. Nhưng tại sao mày không hỏi tại sao đàn ông lại phụ bạc mày? Mày có biết thân phận mình không? Nếu mày lành lặn, thì sẽ có người yêu mày thực lòng.
Tức là đàn ông không phải là đối tượng để tao căm thù, mà là…
Mày hiểu nhanh đấy. Thôi đi, bỏ thuốc xuống, đừng đụng vào nó. Khi mày chết đi, mày vẫn là nô lệ của tử thần, còn là nô lệ của nhiều điều khủng khiếp khác nữa. Hãy quên chuyện tự vẫn đi.
Nhưng tao…
Không nhưng gì hết, mau lên. Tao đây này, chết đi mới thấy nhục, mới thấy quý trọng cuộc sống biết nhường nào.
Đứa con gái ném nắm thuốc ra ngoài, con thở phào nhẹ nhõm.
Chuyện đó gã thần Chết biết. Hắn tóm cổ con, lôi về, ném bên cạnh chiếc vạc dầu đang ùng ục sôi. Hắn hỏi tại sao con tha cho đứa con gái đó. Con nói: “Nó không đáng chết. Với lại, tôi sẽ không nghe lời ông nữa. Tôi không thể đi tìm mồi nhậu cho ông. Chúng nó là những con người đáng thương. Tôi không muốn làm nô lệ cho ông.”
Gã thần Chết liền túm cổ con, ném vào vạc dầu sôi. Ôi ôi, mẹ ơi, cứu con với… ới!
VIII
Tôi giật mình tỉnh dậy. Trời! Một cơn ác mộng. Đầu nóng và toàn thân tóa mồ hôi như tắm. Thì ra tôi đã nằm mơ mình tự tử. Từ tháng trước, trăn trở viết một cái truyện ngắn nhưng mãi không thành. Đêm qua, viết được một đoạn thì thấy đầu óc nặng nề, bên tay nhức tấy. Tôi đã nằm thiếp đi lúc nào không biết. Tôi ngủ khi mới chỉ khép cửa. Cũng may, bọn nghiện không phát hiện ra, nếu không, máy tính của cái Thoa đã bị chúng nhấc mất rồi. Trước khi Thoa đi công tác Quảng Ninh, dặn đi dặn lại tôi phải giữ máy cẩn thận.
Lập cập lấy bên tay khỏe đỡ cơ thể dậy, tôi đi lấy khăn lau mặt. Tôi hồi tưởng lại tình tiết của cơn ác mộng và chép lại. Hay quá, nó là đề tài hay. Tôi sẽ bỏ cái đề tài mà mình đang viết rất bí kia đi để chuyển sang đề tài này. Chuyện xung quanh tôi và gia đình. Tất cả là thật, chỉ chuyện tự tử là giả. Những tình tiết, đều ứng với số phận của tôi và mẹ một trăm phần trăm.
Tôi viết đúng như những gì mình thấy trong ác mộng.
Truyện viết xong, chỉ còn hai ngày nữa là thời hạn nộp truyện ngắn dự thi của tạp chí X kết thúc. Tôi in ra và lập cập mang đến gửi với một hy vọng. Quả nhiên, hai tháng sau, tôi có tên trong danh sách những người được giải. Tôi ăn giải nhì. Khoản tiền thưởng không nhỏ. Tôi mừng không bút nào tả xiết. Một đứa tật nguyền, lần đầu tiên thành công trên con đường văn chương, đầy chông gai và ước mơ. Những ước mơ cũng nhọc nhằn như số phận tôi vậy. Lòng tự bảo lòng, tôi gọi điện về quê, nhờ báo tin cho mẹ như vậy.
Ngày lĩnh giải thưởng, tôi gọi vào máy điện thoại di động của chú Dành, nhờ chú đến nhà tôi. Chú đến và nháy máy. Tôi gọi lại, thông báo mình đã lĩnh số tiền khá, sẽ gửi để giúp mẹ dựng lại gian nhà sau bão. Tôi cảm nhận được giọng mẹ mừng thế nào khi nói qua điện thoại với tôi. “Ừ, mẹ mừng lắm. Cảm ơn Ngọc Lan của mẹ. Mẹ rất tự hào về con. Con đã vượt qua mọi khó khăn tật nguyền, để tự sống và chăm lo cho bản thân. Hay là con cứ giữ lại số tiền đó cho con, mẹ tự lo liệu được”. Giọng mẹ gần như khóc. Tôi nghe thấy tiếng anh Khúng qua điện: “Ẹ ại óc ồi, ẹ ại óc ồi”. (Mẹ lại khóc rồi, mẹ lại khóc rồi). Tôi cũng không kìm được nước mắt.