Là một cây khế bình thường thì giá trị gì ở thành phố chứ! Thế mà tôi được nâng niu trân trọng bởi ông chủ, tiến sĩ Cần, chuyên gia nghiên cứu văn hóa. Thật ra tôi được trồng và yêu quý từ thời cụ thân sinh ra ông Cần, khi đó cả vùng này vẫn chỉ là khu trồng rau lợt lạt chứ chưa thành phố xá sầm uất như bây giờ. Cụ Mẫn gia giáo ngày đó thân với cụ Giác là bạn đồng ngũ, khi cả hai trở về liền dựng hai ngôi nhà cạnh nhau. Cây khế tôi được trồng làm ranh giới, nhưng là cái ranh giới tình thâm. Hai năm sau cụ Mẫn mới có ông Cần. Nay ông Cần sáu mươi, nghĩa là tôi đã sáu mươi hai xuân. Cạnh tôi, một bức tường thấp được xây ngăn giữa hai nhà, đủ để hai nhà bước chân qua.
Khế tôi chỉ sau ba năm trồng đã lúc lỉu hoa trái, rồi lớn vổng lên, có tán, bóng mát, đơm hoa. Cụ Mẫn nổi tiếng tự học ở đất Hà thành, kiến thức uyên thâm nhưng yêu quý những thứ cây thân thuộc quê mùa. Tôi may mắn cùng ngọc lan là cái cây được che mát cho cụ đọc sách, được dâng hương hoa trong những buổi đàm đạo của cụ và bè bạn về nhân tình thế thái, thi họa đương thời. Gốc khế cũng là nơi cụ đặt mấy lồng chim gáy, vành khuyên để thưởng thức nhạc chim. Những nàng ca sĩ bầu trời ấy luôn biết cách làm duyên, như tôi - mỗi độ xuân hoa tím, điểm xuyết cho trang đời, trang sách các cụ.
Lúc hai cụ về với tổ tiên, con cái đã phương trưởng. Bên này ông tiến sĩ Cần là con trai cả tiếp quản ngôi nhà, bên kia là tiến sĩ Khánh, hai ông bằng tuổi nhau. Từ nhỏ cả hai là đôi bạn thâm tình như cha mình, đi đâu cũng có nhau. Khi mỗi người đều lập gia đình, có công việc riêng thì sự bận rộn lo toan nuốt hết thời gian của cả hai, đẩy Cần và Khánh dần xa nhau. Từ chỗ hai người bạn thân, lúc bế bồng con còn hay qua lại chén chú chén anh. Có những giao thừa, hai người bạn thay nhau xông đất, chúc nhau phát đạt, thịnh vượng. Thế mà nay…
Cần học lên, có bằng tiến sĩ năm ba nhăm tuổi thì Khánh cũng tận dụng tối đa thời gian, sức lực để bảo vệ thành công luận án vào năm bốn mươi hai. Từ đó thời gian dành cho nhau ít dần.
Tốc độ đô thị hóa thổi đến, dân nội đô bỏ tiền tỷ sắm đất ngoại thành, cả khu vực nhà cửa đông đúc hẳn, những cao ốc vòi vọi mọc lên. Hai vị tiến sĩ cũng bị cuộc sống bận bịu sai khiến. Nhiều thứ cây chê tôi quê mùa. Bọn họ bảo rằng dân thành phố người ta chuộng những thứ cây cảnh uốn kỹ lưỡng các thế đẹp, sớm muộn gì cây khế cũng bị chặt bỏ. Tôi mặc kệ. Tiến sĩ Cần bán một phần đất lấy tiền xây nhà mới, rộng gấp đôi, cao bốn tầng, nhìn rõ sân vận động Mỹ Đình. Ông sắm thêm mấy chậu tùng La hán, sung thế huyền, hai cây sanh hình mâm xôi, có đầy đủ “cổ, kỳ, mỹ, văn”. Bên kia, tiến sĩ Khánh đất hẹp hơn, bán đi nửa phần chưa đủ chữa chạy cho cậu con trai thứ hai bị bệnh. Đó là chưa kể đến con gái ông Khánh vớ phải tên chồng nghiện ngập, khuân đi bao của nả, nên vẫn giữ nếp nhà cũ, thành ra có sự chênh lệch giữa hai gia đình. Hai ông ở sát nách nhau đấy mà chả mấy khi thấy nhau, dần dần thành xa cách. Đời mà, năng gặp mới năng thân. Khi ông Cần ngồi dưới gốc khế thì ông Khánh đi công tác ngoại tỉnh. Khi ông Cần mải thực hiện cùng lúc mấy dự án nghiên cứu ngồn ngộn đời sống và bộn tiền thì ông Khánh đôn đáo mưu sinh.
Trong dòng chảy đời, khế tôi vẫn được giữ lại và tỏa bóng. Nhiều thứ cây từng bĩu mỏ chê bai tôi đã bị đốn hạ để làm nhà, làm vườn cảnh sang trọng. Tôi hiện diện trong một không gian tráng lệ. Bóng tôi cao, xum xuê rủ, mỗi mùa hoa lại trở nên tím ngắt, đơm trái ngọt. Tiến sĩ Cần vẫn lấy chỗ của cha mình làm nơi đàm đạo nhân tình thế thái với mấy ông bạn ở viện nghiên cứu và mấy trường đại học có tiếng.
Bên kia đường, đối diện với nhà ông Cần người ta làm quán cà phê, xập xình nhạc Tây nhạc ta. Khách khứa là hàng xóm, nhân viên văn phòng, đám doanh nhân buôn nước bọt. Gia đình ông Cần, ông Khánh thành tâm điểm so sánh, thêu dệt. Hình như hai gia đình này trước thân thiết lắm, sao bây giờ một bên thì xây cao vót, sơn ve tráng lệ, còn bên kia còm dom, cũ kỹ bong tróc lở lói. Dưới gốc tôi, ông Cần sắm một con vẹt cho vui cửa vui nhà. Con vẹt này lắm lời, cứ xoen xoét cả ngày. Có lúc nó loách choách: “Quých cờ ly (quickly”… Giọng bị đói là nhệu nhạo, nghe như “chết cả đi”. Hàng xóm được dịp suy diễn, rằng ông Cần cậy giàu có rủa bên kia. Quán cà phê cũng thường xuất hiện những bà giúp việc bế con, theo cô cậu chủ xuống trông chó phốc rồi dẻo quẹo bàn tán góp vui, đưa chuyện. Lúc rảnh rỗi, các bà lang thang ra phố gặp bên này thì xì xào xát muối vào bên kia.
Hôm rồi vợ ông Cần và vợ ông Khánh đi họp phụ nữ phường, chị em lại điều ra tiếng vào. Tối đó, vợ ông Cần về than với chồng: “Mình không chơi với nhà bên kia nữa, họ nói khó nghe lắm!”. Ông Cần hỏi: “Khó nghe thế nào?”. Bà Cần bảo: “Thì họ nói chẳng ra gì. Nhà mình đối xử tốt với nhà bên ấy, còn bên ấy lại bảo chúng ta cậy của. Có người nói, ông có bằng tiến sĩ trước ông Khánh, mà bây giờ ông vẫn đứng yên, còn ông Khánh đã có học hàm phó giáo sư, công trình nghiên cứu in đến cả chục cuốn!”. Ông Cần thở dài.
Bên kia, vợ ông Khánh than, rằng hàng xóm đã thay lòng đổi dạ. Nhà ông Cần còn mua vẹt về cho rủa nhà mình. Ông Khánh gắt: “Bà chỉ nghe đồn thổi. Vợ chồng bác Cần là người tốt. Thằng con bệnh tật của mình cũng được bác ấy giúp đỡ rất nhiều”. Vợ ông Khánh bĩu môi: “Gớm! Người ta bố thí thế thôi, bụng khinh mình lắm!”. Ông Khánh không nói thêm, bỏ vào phòng đọc sách.
***
Ông Khánh mua một con chó bông về cho vui cửa vui nhà, ăn cơm thừa. Thật ra một học trò ở Tây Hồ mang ơn ông bán rẻ, lấy một phần ba tiền. Chẳng may con chó phi sang nhà ông Cần bới gốc cây cảnh, ị một bãi khiến bà vợ tức lộn ruột. Sẵn máu nóng, bà quay sang nhà ông Khánh tru tréo: “Úi giời ơi, đằng ấy có nhốt chó vào không? Đúng là chủ nào chó nấy, sang chơi còn làm bậy!”. Vợ ông Khánh xa xẩm mặt mày. Thế có lộn ruột không. Ông Khánh bị vợ nguýt dài: “Đấy, ông còn kêu là hàng xóm tốt nữa đi!”.
Bên này, vợ ông Cần phải dọn hậu quả của con chó, vừa bực tức vì làm đổ nước ra sàn nhà, đứng dưới gốc khế tia sang: “Lần sau mà còn thả chó rông là không xong đâu nhá!”. Thấy tiếng bà chủ, con vẹt chêm vào: “Ông ong âu á…” (không xong đâu nhá), quých cờ ly, quých cờ ly!
Ông Khánh lại bị vợ lườm. “Đấy, ông thấy chưa, cả chủ và vẹt đều chửi mình”. Vợ ông Khánh chạy ra, tiến sát cây khế: “Đằng ấy đừng có mà dạy vẹt chửi người. Đúng là ngoa ngoắt”. Ông Khánh chùng xuống, tim thắt lại, sao ra nông nỗi này cơ chứ!
Vợ con bực bõ khuyên ông Khánh xây bức tường ranh giới giữa hai nhà cao lên. Ờ cũng phải. Lâu nay hai nhà vẫn để tường thấp, chỉ cần bước qua là sang nhà nhau, thoải mái quá thành ra sinh chuyện. Ông Khánh sang nhà ông Cần, chỉ để nói một câu là sẽ xây tường mới cao lên hơn hai mét, nguyên phần đất của ông Khánh. Ông Cần lâu không gặp bạn, nay thấy bạn già đi nhiều, lòng xa cách quá, thở dài: “Ừ, thôi ông cứ xây. Cũng đỡ con gà con chó qua lại quấy quả”.
Ông Khánh mua gạch, cát, nhờ thợ làm hơn một ngày thì xong. Phần tán khế tôi ở đất nhà ông Cần, xòe sang nhà ông Khánh một chút cũng bị vợ ông Khánh phạt trụi. Ngứa mắt, vợ ông Cần quở: “Có mấy cành khế chĩa sang mà cũng phải ra tay!”. Đằng kia nói sang: “Gớm, chả chặt đi để treo chim cho nó ị sang bên này à, ngày nào cũng phải quét dọn!?”.
Từ ngày ông Khánh xây tường cao lên, lời đồn thổi khiến vợ chồng ông Cần rát cả mặt. Ông Cần sinh ra nghĩ nhiều, rồi nghi kỵ. Không biết ý đồ của nhà bên đó thế nào. Ông Cần ghét luôn cả các công trình nghiên cứu của ông Khánh. Tuy mỗi người làm ở một cơ quan khác nhau, không ràng buộc quyền lợi, nhưng bức tường đã rạch vào lòng ông Cần một vết thương, mỗi lúc một lớn, theo tốc độ của sự đồn thổi. Còn ông Khánh nhận thấy thái độ bực bõ của bạn mình khi nhìn thấy nhau ngoài cổng, cũng sinh ra nghĩ ngợi. Cả hai đều nghĩ rằng người kia đang rất ghét mình. Sự thể còn nghiêm trọng hơn vì trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Cần phủ nhận tài năng của ông Khánh.
Ít lâu sau, vợ ông Cần trở về ôm theo mối hậm hực. Bà nói với chồng: “Này nhá, ông cũng ăn học như người ta, thế mà người ta là phó giáo sư rồi. Ông cứ được phong cái học hàm học vị gì đó đi cho tôi nở này nở mặt”. “Lại làm sao rồi?” “Thì người ta nói ầm lên. Tôi không chịu được!” Sẵn bực, hôm đó có con chuột chết được lôi ra từ cái khe sân, bà Cần ném vèo sang nhà ông Khánh. Hai hôm sau nhà ông Khánh chịu hậu quả, mùi mẽ ngoài sân rất khó chịu, dò tìm khắp nơi mới biết nguồn cơn.
Chịu mùi, thấy vô lý, bà Khánh đoán người đã gây ra chuyện. Bà bắc ghế nhìn sang, thấy bên đó đi ra đi vào. Bà tự nhủ, phải trả thù! Bà Khánh nói chồng đi tìm xỉ than ngoài đường phố. “Đằng kia họ ném chuột chết sang nhà mình, anh hãy nghiền xỉ than ra, tối lựa ném sang bên đó!”.
Mối nghi hoặc đã lớn trong lòng ông Khánh tự bao giờ. Thế nên ông dễ dàng làm theo lời vợ. Tường đã xây cao, ông Khánh lựa nửa đêm thanh vắng mở cổng ném bọc xỉ vào sân, vào những lồng chim treo ở gốc khế. Tôi cười khành khạch. Sáng sau bên ông Cần ồn ã tiếng chửi quở. Bà Cần đoán già đoán non thủ phạm, nên nói với chồng, chúng ném xỉ than thì ta phải chơi cao tay hơn, dùng rác bẩn.
Vịn vào những chuyện trong “Tam quốc”, vợ ông Khánh bàn với chồng, kiểu gì “bên đó” cũng chuẩn bị ra tay đấy. Nên đề phòng. Đã có sức mạnh thì phòng thủ không tốt bằng tấn công. Bà nói với chồng phải chuẩn bị thứ gì đó mạnh hơn. Rác bẩn. Một thứ vũ khí lợi hại khiến đối phương phải chịu thảm cảnh, đồng thời có khả năng dằn mặt. Vô tình “ý tưởng” của hai bà lại giống nhau quá.
Hai ông chồng bị kéo vào cuộc đối đầu của các bà vợ và những bực bội cá nhân. Chẳng hiểu kiến thức uyên thâm của các ông đã trốn đi đâu, hay sự bùng nổ của mối hiềm khích bé nhỏ đã bị những thứ ghen tỵ rất đời sống thổi bùng cho lớn lên, che khuất lý trí, để các ông nhập cuộc theo bản năng? Tôi cười ngặt. Gió lộng thổi rờn rợn con phố, mới thấy đôi khi nhân cách con người bị khuất lấp, trồi lên những hành vi vô nhân.
Tối đó hai ông chồng bí mật chuẩn bị rác bẩn, đợi lệnh vợ. Chuẩn bị xong túi rác, ông Cần nhìn đồng hồ mới hơn chín giờ tối, ngồi đọc sách chờ mà thấy tâm trạng bất an, nói: “Bà nó à, tôi cứ thấy làm sao ấy. Tự dưng lại đi ném thứ bẩn thỉu sang nhà người ta. Dù gì tôi với ông Khánh đồng niên, hai gia đình từng thân thiết”. Bà Cần tru lên: “Ông cứ hiền quá sẽ bị người ta bắt nạt. Tường xây cao rồi đấy, thân thiết nỗi gì! Chẳng lẽ để họ ném phân vào nhà cũng cam? Này nhé, tôi không cần biết ông văn hóa, trình độ thế nào, tôi chỉ muốn ông bảo vệ tôi, bảo vệ cái nhà này”.
Phía bên kia, ông Khánh cũng thấy lòng bất an. Mình làm thầy của bao nhiêu học trò, trong đó dạy cả đám tiến sĩ, những bài học nhân nghĩa, đức độ cũng từ khuôn miệng mình, được phụ họa bằng bàn tay có lúc úp lên vầng tim, có lúc chém vào không khí phần phật, vậy mà giờ lại chuẩn bị rác bẩn ném sang hàng xóm. Ném sang nhà một tiến sĩ. Như thế có đúng tầm của một người có học hàm học vị? Thấy chồng nhấp nhổm, bà Khánh nhắc: “Đừng nương tay. Chuyện không đơn giản như cái bàn nghiên cứu của ông. Thoát khỏi sách vở và trở về thực tế đi”.
Cỡ mười hai giờ đêm, gió đông rít gào, hai ông chồng rón rén bước, đẩy được cửa sắt nhà mình ra, đặng tiến về phía cổng nhà đối phương, tay lăm lăm bọc rác.
Tôi xào xạc. Chứng kiến cảnh này chẳng đẹp mắt chút nào. Tôi tuy chỉ là cây khế nhưng còn hơn tuổi hai ông, giờ thấy hai ông đang trượt khỏi quỹ đạo của người có học.
Gió thổi đến và toàn thân tôi rung rinh. Hai ông rùng mình. Họ tiến về phía cổng nhà nhau, rón rén, ngượng nghịu và lo lắng. Kìa, họ chạm mặt nhau. Cả hai đứng chết sững trong nhiều giây. Ông Cần thấy nhói ở tim. Ông Khánh thấy hai chân nhũn ra. Đọc bao nhiêu sách vở, nghiên cứu bao công trình, hai ông đều chẳng ngờ đến tình huống oái oăm này. Họ nhìn vào thứ mình đang cầm trên tay, rồi không ai bảo ai, rút lui cả. Đêm hồi hộp thở, gió rít mạnh, mấy con chim co ro. Hai cánh cửa sắt được đóng và chốt lại. Ông Cần bỏ túi rác ngoài sân, lui cui bước vào phòng…
***
Nhưng đời mà, nhiều sự ràng buộc chồng chéo khiến người ta phải học cách ứng xử khôn ngoan hơn. Chính ông Cần cũng chẳng ngờ sẽ có lúc phải xuống nước với ông Khánh. Chỉ nửa tháng sau đó, viện nghiên cứu nơi ông Cần công tác cần hoàn thành dự án nghiên cứu về Mỹ học của cái bi sớm để cấp trên nghiệm thu. Ông Cần bí đề tài này. Các chuyên gia của viện cũng không rành, phải tìm thuê chuyên gia. Trông đi trông lại thì chỉ ông Khánh mới là chuyên gia mỹ học đang được đánh giá cao.
Dặn lòng phải bỏ qua cái sĩ diện, ông Cần sang nhà ông Khánh, ngồi uống nước và đề cập đến cái khó của mình. Cả hai vẫn chưa xóa hết ngượng ngùng. Bà Khánh thập thò trong buồng. Ông Khánh vui vẻ bày tỏ, rằng Mỹ học của cái bi là đề tài ông đã và đang quan tâm. Hai ông ngượng nghịu nói chuyện, chẳng ai muốn nhắc đến túi rác trong cái đêm rét mướt đó. Nhưng ánh mắt nói rằng hai ông đều đang rất hiểu ý nhau.
Nhận lời mời của ông Cần, hôm sau ông Khánh sang nhà. Tâm sự dưới gốc khế, ông Khánh bộc bạch muốn được thấu cảm: “Lâu nay chẳng có thời gian, chúng ta đã không ngồi lại hàn huyên, vậy mà tóc đã muối tiêu rồi”. Ông Cần đỡ lời: “Tôi là người vô tâm. Tôi mải mê với dự án, nghiên cứu, làm đẹp mình và cũng bị dư luận đưa lời, thành ra tăng hiềm khích”. Ông Khánh lắc đầu: “Là lỗi của tôi. Tất cả là tại tôi. Cuộc sống có vất vả thật, vì đường con cái nữa, nên tôi có phần hậm hực với ông, thành ra thấy ông giàu có, nhà cao cửa rộng nên không dám sang”. Ông Cần mang chai rượu quý ra rót, trên bàn bày lạc rang, mứt bí đao bà xã làm mời ông Khánh, cố hâm nóng không khí. “Nào, anh em ta lâu ngày không hàn huyên, hôm nay xin mời ông chén rượu, cũng là để kết nối lại tình anh em, láng giềng và chúng ta lại giúp nhau”. Lúc ấy bà Cần đi chợ mua rau về, cúi đầu chào khách. Bà ngượng ngùng xin phép vào nhà. Ông Cần mở lòng: “Đêm hôm đó anh em mình chạm mặt nhau. Về, tôi và bà ấy có vằng nhau. Lâu lắm mới xảy ra to tiếng. Tôi vỡ lẽ hóa ra hai nhà chẳng có gì, chỉ vì bên ngoài đồn thổi, rồi các bà ấy bị kích động mà tạo áp lực cho chúng ta. Hai nhà xí xóa nhé!”. Ông Khánh gật: “Vâng, xí xóa. Nếu đêm ấy mà xảy ra chuyện gì…”.
Chữ “xí xóa” đơn giản mà đậm chất đời. Ông Khánh nâng rượu, cảm kích chạm ly ông Cần. Hai mái đầu hoa râm cúi sát nhau. Cạn ly! Họ cười sảng khoái. Cuối bữa, ông Cần nói: “Mai ta ra Nhật Tân sắm đào, ông nhỉ?”.
Gió đang ấm, hình như xuân chuẩn bị về qua phố. Hoa khế tôi nở sớm, bung ra, tím ngắt, rưng rức, chứng kiến niềm vui của hai người bạn. Bàn rượu của hai ông giản dị, vậy mà nâng niu như đại tiệc. Tôi dâng hoa chúc mừng hai ông.