Chào các bạn! Cô tên là Minh. Cô là nhà trị liệu tâm lý bằng việc sử dụng múa và chuyển động cơ thể. Nghề này nghe lạ nhỉ?
Bình thường chúng mình hay giao tiếp với mọi người xung quanh như thế nào? Bằng cách dùng lời nói để kể chuyện và diễn đạt cảm xúc, mong muốn đúng không nào? Nhưng đôi khi chúng mình còn khua chân, múa tay để làm rõ hơn điều muốn nói. Tất cả mọi bộ phận trên cơ thể đều biết nói, ví dụ nhé: đôi lông mày co nhíu lại là chúng mình đang căng thẳng hay cau có; đôi vai căng cứng là chúng mình cần nghỉ ngơi, thư giãn.
Hồi xưa xửa xừa xưa, khi tất cả chúng mình còn bé tí xíu, chưa biết nói, người thân chúng mình vẫn hiểu chúng mình muốn gì nhé. Các con có biết tại sao không? À, lúc đó, chúng mình sử dụng ngôn ngữ cơ thể: chúng mình khóc òa lên, thế là mẹ sẽ biết ngay là chúng mình đói mà cho bú, hay nhõng nhẽo mà ôm vào lòng. Cứ thế, chúng mình thể hiện yêu thương và trò chuyện với người lớn bằng cách khóc nhè hay cười toe toét, rồi chuyển động nét mặt, đập chân đập tay nữa chứ.
Cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ của chúng mình chơi với nhau như ba người bạn thân thiết. Khi chuyển động cơ thể thay đổi, cảm xúc và suy nghĩ cũng thay đổi luôn. Ví dụ nhé, khi bạn “cơ thể” bị đau, bạn ấy nhăn nhó, khó chịu, thế là bạn thể hiện “cảm xúc” lập tức - buồn, tức giận, chán ghét bản thân - và rồi bạn “suy nghĩ”, cho rằng tại mình xấu xí, bạn không còn tự tin và yêu chính mình nữa.
Trong buổi trị liệu, cô và thân chủ dùng chuyển động cơ thể để diễn đạt những cảm xúc mà đôi khi lời nói cũng không diễn tả nổi. Khi quan sát từng chuyển động, cô cũng múa theo để lắng nghe và thấu hiểu những cảm xúc bên trong họ. Điều đó giúp họ cảm thấy được hiểu, được chia sẻ, được gợi mở để “múa ra” những bức xúc trong lòng. Bằng kiến thức trị liệu học từ trường đại học ở Mỹ, cô hỗ trợ và hướng thân chủ thay đổi cách chuyển động cơ thể trong không gian, tiết tấu đa dạng rồi dần dần chuyển hóa những tổn thương cảm xúc hoặc cơ thể theo hướng cân bằng và tích cực.
Cô đã và đang múa/chuyển động cùng các bạn H’mông bị bạo hành, các bạn tự kỷ, người già mất trí nhớ, người khuyết tật và phụ nữ bị bạo hành. Qua những buổi múa/chuyển động trị liệu, cô hướng mọi người đến sự kết nối, thấu hiểu và sự thay đổi tích cực. Và để họ phát triển toàn diện, hài hòa cả về cơ thể, trí tuệ, cảm xúc và tâm hồn.
Rất nhiều quốc gia trên thế giới coi múa là di sản văn hóa. Từ ngàn đời xưa, cha ông chúng mình đã múa. Múa không phải chỉ là biểu diễn văn nghệ, mà còn để trò chuyện với tâm hồn của chính mình, với mọi người và vạn vật thiên nhiên nữa. Ai còn sống là còn chuyển động. Mỗi chuyển động cơ thể dù đơn giản nhất như hơi thở, nhịp đập trái tim, ánh mắt khi chạm vào cảm xúc vui buồn, tức giận thì cũng trở nên có hồn và đẹp như những điệu múa. Cô ước gì một ngày nào đó tất cả mọi người trên Trái Đất này đều cùng tự do nắm tay múa vui với nhau như anh em một nhà.