1. Việt Nam là quốc gia đông dân với hơn 96 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao là yếu tố đầu tiên tác động đến xu hướng phát triển của ngành bán lẻ. Khả năng thay đổi thói quen tiêu dùng dễ hình thành ở bộ phận chiếm số đông này. Kéo theo việc thay đổi thói quen tiêu dùng, người trẻ cũng sẽ có thời gian gắn bó với thương hiệu mới lâu hơn, do đó, các chuỗi cửa hàng bán lẻ sẽ nhắm vào đối tượng khách hàng này đầu tiên. Tiềm năng đó sẽ thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
2. Sự phát triển mạnh mẽ của internet, điện thoại thông minh (smart phone), tivi thông minh (smart tivi) và truyền hình trả tiền ở Việt Nam đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành bán lẻ, doanh nghiệp bán lẻ. Internet là chất keo kết nối doanh nghiệp, thị trường với người tiêu dùng. Rất nhiều đơn vị bán hàng thông qua cửa hàng đã vận hành song song hai mô hình bán hàng trực tuyến (online) và trực tiếp (offline). Công nghệ đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến lĩnh vực bán lẻ. Kết quả nghiên cứu của công ty Nielsen vừa công bố cho thấy, môi trường kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử là những nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thay đổi của môi trường bán lẻ. Và 50% lãnh đạo doanh nghiệp cũng tin rằng thương mại điện tử sẽ đóng góp 30% hoặc có thể cao hơn nữa vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam. Hơn 32% lãnh đạo nghĩ rằng thương mại điện tử sẽ mang lại cho họ 20% trong tổng doanh thu của hoạt động kinh doanh trong 5 năm tới.
Tình hình kết nối mạng dữ liệu di động tại Việt Nam năm 2020: Một con số đáng kinh ngạc tại Việt Nam khi chúng ta có tới hơn 145,8 triệu kết nối mạng dữ liệu di động tính tới tháng 1 năm 2020. Điều đó có nghĩa là mỗi người có thể sử dụng nhiều thiết bị di động khác nhau để luân phiên làm việc, giải trí… Với nguồn pin trên thiết bị di động là giới hạn, trong khi tổng lượng thời gian họ sử dụng internet là quá nhiều trong ngày.
Tình hình sử dụng Internet tại Việt Nam 2020: Theo báo cáo thống kê, hiện đang có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2020. Trong đó, tổng số người sử dụng các dịch vụ có liên quan tới internet tại Việt Nam đã chính thức tăng khoảng 6,2 triệu (tăng hơn 10,0%) kể từ năm 2019 tính đến năm 2020. Một kết quả thống kê đáng mừng đó là, tình hình sử dụng Internet ở Việt Nam trên tổng dân số hiện đang đứng ở mức 70% tính đến thời điểm tháng 1 năm 2020.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2020 có khả năng lên tới 13 tỷ đô-la. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi có đến 68 triệu người dùng Internet trên tổng số 96 triệu người Việt Nam, là động cơ thúc đẩy mảng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
3. Mạng xã hội Facebook đã có tác động lớn đến bán lẻ Việt Nam. Facebook mới đây đã đưa ra một số thống kê về thói quen và hành vi sử dụng của người Việt cho thấy tại Việt Nam, mỗi tháng có tới 30 triệu người dùng Facebook, trong đó có 27 triệu người sử dụng các thiết bị di động để truy cập. Năm giờ là thời gian trung bình một người dùng Facebook Việt Nam dành ra mỗi ngày để lang thang trên mạng xã hội, gấp đôi số thời gian để xem tivi. Facebook cho biết những con số này cao hơn 13% so với mức độ sử dụng Facebook trung bình của thế giới.
Nghiên cứu của công ty Nielsen cũng chỉ ra trong 5 nhân tố sẽ làm thay đổi môi trường bán lẻ trong tương lai thì nhân tố quan trọng nhất là môi trường trực tuyến và thương mại điện tử.
Trong ngành bán lẻ, xu hướng kinh doanh “one- to-one” (một đối một) hay “me-commerce” (thương mại mang tính cá nhân) sẽ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình. McKinsey và Visually đã đưa ra nghiên cứu liên quan đến xu hướng này.
4. Thị trường bán lẻ trong nước đón nhận nhiều luồng đầu tư mới từ nước ngoài khi Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối được nêu rõ trong các quy định của AEC. Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã và đang tham gia một loạt các FTA song phương và đa phương cũng là một cú hích lớn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
5. Sáp nhập các doanh nghiệp bán lẻ: Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang sôi động bởi các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hiện các kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ chiếm 25% thị phần, thấp hơn các nước trong khu vực như Philippines với 33%, Thái Lan với 34%, Trung Quốc với 51%, Malaysia với 60% và Singapore lên đến 90%. Vì vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam chính là “mảnh đất màu mỡ” để đầu tư. Các thương vụ mua bán, sáp nhập được thực hiện gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Có thể kể đến các thương vụ mua siêu thị Nguyễn Kim, Metro, Big C của doanh nghiệp Thái Lan hay thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatex của Vingroup.