“Ngày ấy, nếu tôi không sốt ruột mà từ chiến trường về quê tìm thì hẳn bà ấy đã đi lấy chồng rồi, vì nghĩ con trai Hà Nội đào hoa, không thương mình thật lòng!”.
Nói rồi ông tủm tỉm cười, quay sang nhìn vợ. Bà cũng nở nụ cười. Ấy là câu chuyện tình có hậu của vợ chồng người lính Trường Sơn Nguyễn Tiến Ngọc và Ngô Thị Lý (hiện ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội).
Nguyễn Tiến Ngọc vào Trường Sơn tháng 2-1972, là lính công binh thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Binh trạm 47, Sư đoàn 472. Trải qua nhiều vị trí công tác, đến đầu năm 1974, anh được điều chuyển về đại đội vệ binh của sư đoàn. Khi sư đoàn ở bản Na Lai (huyện Mường Phìn, tỉnh Savannakhet, Lào) thì đại đội vệ binh và tổng trạm 4000 của sư đoàn đóng quân xa nhau, nhưng khi di chuyển vào N7 bên dòng Xelanong thì hai đơn vị ở cạnh nhau. Và anh đã “phải lòng” chiến sĩ tổng đài Ngô Thị Lý lúc nào không hay. “Ngày ấy, Ngô Thị Lý là hoa khôi của tổng trạm. Ngoài tôi còn có rất nhiều “vệ tinh” xung quanh nên bà ấy nào có để ý đến tôi! Thế nên tôi phải nghĩ ra “chiến lược” để lọt vào mắt xanh đấy!”-ông Nguyễn Tiến Ngọc nhớ lại.
Tấm ảnh kỷ niệm sau ngày cưới của ông bà Nguyễn Tiến Ngọc-Ngô Thị Lý, năm 1976. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Ban đầu, Tiến Ngọc mang mấy bộ quân phục rộng thùng thình sang nhờ Ngô Thị Lý sửa giúp. Người con gái mới 20 tuổi, quê ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) khéo tay lại rất nhiệt tình, đồng đội nhờ sửa thì vô tư giúp đỡ. Qua mấy lần như thế, bỗng một hôm cô thấy có mảnh giấy cồm cộm trong túi áo của anh. Tò mò, cô lấy ra xem thử. Trái tim cô đập rộn ràng khi thấy đó là lá thư anh gửi cho mình. Ngoài lời cảm ơn chân thành vì cô đã sửa giúp mấy bộ quần áo là những dòng tâm tình bộc lộ nỗi lòng thầm mong trộm nhớ… Táo bạo hơn, anh còn “đặt vấn đề” hai người tìm hiểu nhau!
Quá bất ngờ nhưng cũng thấy vui vui, Ngô Thị Lý đọc xong thư thì vội đốt luôn bởi sợ “nhỡ ai biết được”. Ngày ấy, kỷ luật chiến trường rất nghiêm khắc. Nhưng rồi cô vẫn liên tiếp nhận được những lá thư bày tỏ tình cảm của anh. “Không kẹp thư trong quần áo thì kẹp trong… sách, được người bạn thân trao tận tay tôi. Sau này tôi mới biết anh nhờ cô ấy làm “chân gỗ” để dễ bề bày tỏ tình cảm”-bà Lý tiếp lời chồng.
“Hai đơn vị ở cạnh nhau nhưng không phải cứ muốn là gặp được. Hằng ngày, lợi dụng việc ra suối lấy nước về sinh hoạt hoặc đi tuần tra, tôi lại vòng qua lán của cô ấy. Chỉ cần liếc thấy bóng, nghe thấy tiếng là cũng vui rồi!”-ông Tiến Ngọc âu yếm nhìn vợ, rồi tiếp tục câu chuyện. Tình yêu đầu đời như ngọn lửa thôi thúc con tim để ông tìm mọi cách gặp gỡ, tiếp chuyện với bà.
Tất nhiên việc tìm hiểu của hai người rất kín đáo. Ngoài cô bạn gái thân thiết của bà hằng ngày làm “liên lạc” giữa hai người thì không ai ở đơn vị biết được. Bà đọc thư xong cũng đốt luôn. Đến tháng 7-1975 thì Ngô Thị Lý có quyết định phục viên. Trước ngày bà về quê, ông trao cho bà mấy cuốn album ảnh nhờ chuyển giúp cho gia đình ở xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Mục đích cũng là để ngầm giới thiệu với gia đình người con gái mình thương yêu. Nhưng ông không hề biết, ngày trở về, trong tim bà còn vương vấn một mối âu lo khác…
“Ở Trường Sơn, tuy là có cảm mến anh nhưng trong lòng tôi luôn lo nghĩ anh là trai Hà Nội, làm sao có thể trọn đời yêu thương một người con gái quê mùa như mình. Mấy năm ở Trường Sơn đã biến một người con gái trẻ trung xuân thì thành cô gái da xanh tái, tóc rụng gần hết. Bây giờ giải phóng rồi, anh về Thủ đô sẽ có biết bao cô gái đẹp xung quanh… Đó là lý do khi phục viên, tôi đã không để địa chỉ cụ thể quê quán cho anh”-bà Lý trầm ngâm kể.
Về nhà khoảng một tuần thì Ngô Thị Lý cùng cô bạn đồng hương cũng tìm đường về thăm bố mẹ Ngọc để thực hiện lời hứa nhận chuyển món quà anh gửi cho gia đình. Đó là một ngày mưa gió. Tìm được đường vào nhà Nguyễn Tiến Ngọc thì hai cô cũng ướt hết. Chỉ có cô em gái ở nhà, bố mẹ anh đang đi cấy, hai người cứ đứng rét run bên hiên nhà chờ bố mẹ anh về. Sau đó, ông bà tiếp đón hai cô gái rất chu đáo. Nhưng trong lòng Ngô Thị Lý thì đã quyết, “mình chỉ liên hệ với gia đình anh một lần này thôi!”…
Thế nên mấy tháng sau, khi Nguyễn Tiến Ngọc bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, Ngô Thị Lý như không tin đó là sự thật. Anh trách cô sao không trả lời một lá thư nào của anh và bày tỏ với cô nỗi nhớ thương cháy bỏng. Còn Ngô Thị Lý thì vừa ngạc nhiên vì không hiểu sao anh lại tìm ra địa chỉ nhà mình, vừa hạnh phúc vì biết rằng anh đã không quên cô!
“Sau khi bà ấy về quê, qua cơ quan quân lực, tôi hỏi được địa chỉ nhà. Chuyến về phép ấy, tôi tìm đến vừa để bày tỏ quyết tâm muốn gắn bó trọn đời với bà ấy, vừa cũng muốn “lấy lòng” gia đình Lý”. Và ông đã thành công trọn vẹn, bởi ngay sau đó, bố mẹ Ngô Thị Lý đã nói với cô, “chỉ ưng Tiến Ngọc làm con rể” (lúc ấy cũng có không ít người mối lái muốn tìm hiểu cô).
Không đầy một năm sau, trong chuyến về phép thứ hai, tháng 6-1976, đám cưới giản dị mà ấm áp của Nguyễn Tiến Ngọc và Ngô Thị Lý đã diễn ra trong lời chúc phúc của họ hàng hai bên. Sau đó, Tiến Ngọc quay trở lại Trường Sơn để làm nhiệm vụ. Trước ngày lên đường, vợ chồng anh cùng lên Bờ Hồ chụp tấm ảnh kỷ niệm, cũng là lời thầm hứa sẽ sống bên nhau đến đầu bạc, răng long. Năm 1977, ông Ngọc được phục viên, về công tác tại Nhà máy Đại tu ô tô số 1 (Cục Vận tải đường bộ, Bộ Giao thông vận tải) rồi sang Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc ngày nay) theo chương trình trao đổi lao động giữa nước ta và bạn. Mình bà chèo chống, vừa phụng dưỡng bố mẹ chồng, vừa chăm sóc hai con nhỏ chờ ông trở về.
Giờ đây, căn nhà ấm áp của ông bà ở phường Nhân Chính luôn ngập tràn tiếng cười của các thế hệ con cháu, dâu rể. 44 năm chung sống, ông bà luôn hòa thuận và tôn trọng nhau. Con cháu ông bà tự hào lấy đó là tấm gương để noi theo. Còn bà khoe với tôi, trong những lúc khó khăn nhất, phải rau cháo qua ngày để nuôi con cũng chưa khi nào hối hận vì đã lựa chọn gắn bó với ông-người bạn đời luôn hiểu, yêu thương và đồng hành với mình!
THU THỦY