Hành trình mà bạn tham gia khi đọc quyển sách này sẽ có ý nghĩa và có tác dụng chữa lành nhiều nhất nếu bạn bắt đầu bằng việc trang bị cho mình một cơ sở nhận thức. Vì thế, chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi căn bản nhất: Vì sao chúng ta lại lập kế hoạch để có những trải nghiệm nhất định, trong đó có cả những thử thách gay go trong đời sống chúng ta?
Nghiệp
Nghiệp đôi khi được coi như là “nợ vũ trụ”, nhưng trong quá trình nghiên cứu về việc lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời, tôi dần cho rằng nó là sự thiếu hụt hoặc sự vắng mặt của những trải nghiệm cân bằng. Ví dụ, nếu bạn có một đứa con khuyết tật và dành cả đời mình để chăm sóc và yêu thương đứa con ấy, khi kiếp sống này trôi qua một trong hai hoặc cả hai người sẽ có cảm nhận về một trải nghiệm không cân bằng. Ở mức độ linh hồn, rất có thể bạn sẽ muốn tìm cách cân bằng các trải nghiệm từ kiếp sống đó, và nếu như vậy, các bạn sẽ lên kế hoạch cùng nhau đầu thai lần nữa và sẽ đổi vai cho nhau. Như thế, bạn sẽ chọn được sinh ra với tình trạng khuyết tật cơ thể, và bạn sẽ yêu cầu đứa con trước đây đóng vai trò là mẹ hoặc là cha của bạn. Vì tình yêu lớn lao dành cho bạn và vì muốn cân bằng những trải nghiệm của kiếp sống trước, đứa con trước đây của bạn rất có thể sẽ đồng ý với yêu cầu của bạn. Và thế là một kiếp sống khác sẽ được khởi động.
Cảm giác cân bằng của linh hồn bắt nguồn không phải từ điều linh hồn làm cho một linh hồn khác, mà từ việc trải nghiệm điều nó chưa được trải nghiệm trước đây. Ví dụ, linh hồn của đứa con trước đây của bạn cảm nhận một sự cân bằng sau khi nó trải nghiệm việc chăm sóc. Tương tự, linh hồn của bạn sẽ cảm nhận một sự cân bằng sau khi bạn trải nghiệm việc đón nhận sự chăm sóc. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho trường hợp bạn đã bỏ rơi đứa con tật nguyền trong kiếp sống trước. Dù bạn có chọn lựa chắc chắn là sẽ “bù đắp” lại cho đứa con trước đây trong một kiếp khác, hành vi bù đắp đó cũng không thực sự tạo ra cảm giác cân bằng. Thật ra, cảm giác cân bằng đến từ trải nghiệm bị bỏ rơi. “Hãy nghe kỹ nhé.” Jeshua nhấn mạnh. “Nghiệp không cân bằng thông qua việc làm điều tốt cho người khác, như cách người ta hay nghĩ. Không phải cứ làm điều tốt cho ai đó là sẽ cân bằng được nghiệp với người đó, mà là phải tự mình đi qua trải nghiệm đó.”
Cũng như thế, cần phân biệt cân bằng nghiệp với giải phóng nghiệp. Nghiệp được cân bằng khi linh hồn cảm thấy đã trải nghiệm mọi mặt của một vấn đề. Nghiệp được giải phóng khi nguyên nhân cơ bản của tình trạng mất cân bằng được giải quyết. Sự khác biệt này là đáng kể; trừ phi chúng ta chữa lành được nguyên nhân cơ bản tạo ra nghiệp, bằng không chúng ta sẽ có khuynh hướng tạo nghiệp mới ngay cả khi nghiệp gốc đã được cân bằng.
Ví dụ, trong một tiền kiếp, bạn có niềm tin sai lầm rằng nguồn tài nguyên của Vũ trụ là hạn chế và không đủ để phân phát cho tất cả. Rồi niềm tin sai lầm đó tạo nên nỗi sợ to lớn ở bên trong bạn, đến nỗi bạn quyết định ăn trộm thực phẩm của nhà hàng xóm. Vào cuối đời, khi bạn trở về với cõi vô hình và xem xét lại cuộc đời mình, bạn có một khát khao muốn cân bằng trải nghiệm này. Vì thế, bạn lên kế hoạch để trải nghiệm việc mất tài sản trong kiếp sống tiếp theo. Bạn cũng chọn mang theo cả năng lượng sợ hãi và niềm tin sai lầm về sự khan hiếm vào trong thân xác nhằm mục đích chữa lành cho những năng lượng tiêu cực này.
Những trải nghiệm mà bạn hoạch định cho kiếp sau là để cân bằng nghiệp, nhưng chưa chắc đã điểm mặt chỉ tên được nỗi sợ hay niềm tin sai lầm đó. Nếu không được chữa lành, nỗi sợ và niềm tin sai lầm đó có thể sẽ thôi thúc bạn có những hành động tạo thêm nghiệp. Nghiệp gốc chỉ được giải phóng khi nỗi sợ và niềm tin sai lầm dẫn đến việc hình thành nghiệp được chữa lành. Ở cấp độ linh hồn, bạn hiểu điều này và vì thế bạn có thể lập kế hoạch, ví dụ như, sẽ trải nghiệm cảnh bần hàn hay thất bại về tài chính trong lần đầu thai tiếp theo, không phải là để tự trừng phạt vì hành vi trộm cắp trong tiền kiếp, mà để phóng chiếu những khía cạnh trong tâm thức (nỗi sợ và niềm tin vào sự túng bấn) đang cần được chữa lành. Mặc dù chúng ta không thích và hay kháng cự lại tình trạng đau khổ, nó lại là một cơ chế chữa lành tiềm năng ngay cả khi chúng ta không ý thức được sự chữa lành sẽ xảy ra khi nào hoặc bằng cách nào. Tuy nhiên, nhận biết có ý thức về mục đích của nó có thể giúp chúng ta học được những bài học liên quan và tạo ra sự chữa lành cần thiết theo một cách ít gay cấn hơn.
Trong một buổi thảo luận của chúng tôi, Jeshua đã mô tả nghiệp như “một loạt niềm tin sai lầm về bản thân và thế giới… niềm tin vào nỗi sợ hãi và sự chia rẽ.” Tôi tin là, ngay thời điểm then chốt này, trong sự tiến hóa của nhân loại, chúng ta đang quay trở lại trạng thái của tâm thức hợp nhất mà trong đó những nỗi sợ và niềm tin vào sự chia rẽ đang được chữa lành. Trái với cách hiểu bình thường, sự chữa lành này có thể xảy ra hoàn toàn nhanh chóng, nếu không muốn nói là xảy ra tức thì. Jeshua đã nói:
Sự giải phóng nghiệp lực có thể xảy ra ngay lập tức khi linh hồn nhận ra bản chất thật sự của mình: Thần thánh thuần khiết, là một với Linh Thần. Khi nhận thức được điều này thì niềm an lạc sâu sắc đâm chồi: Khi linh hồn có thể hiểu được điều này, nó sẽ dễ dàng giải phóng bản thân khỏi sự ràng buộc của nghiệp lực.
Có một câu chuyện trong Kinh thánh về một tội nhân bị treo lên thập tự giá ở bên cạnh tôi. Người đó xúc động sâu sắc bởi nguồn năng lượng của lòng trắc ẩn mà tôi phát ra, và bởi vì người ấy đã đạt đến trạng thái chấp nhận cái chết đang đến gần, tôi bảo anh ta: “Hôm nay, anh sẽ theo ta đến thiên đường.” Ngay lúc đó đã có sự giải phóng nghiệp lực thật sự, một trạng thái thức tỉnh mà anh ta nhớ mãi trong những kiếp sống sau này.
Có một nghịch lý đang diễn ra nơi này, đó là điều vốn có trong tính nhị nguyên [trong thế giới không gian ba chiều]. Nghiệp lực nặng có thể tạo ra sự khai sáng; những linh hồn đã khám phá toàn bộ mặt tối của họ và mang theo nghiệp nặng trên đôi vai có thể trở thành những vị thầy vĩ đại và giàu lòng trắc ẩn nhất. Họ có thể đã mất nhiều thời gian mới được tự do, nhưng họ sẽ đều nói với bạn rằng khó khăn không nằm ở số lượng những nghịch cảnh và nỗi khổ họ đã phải trải qua, mà ở việc nhìn nhận rằng nghịch cảnh đó không có thật, rằng đó là kết quả của niềm tin vào nỗi sợ hãi và sự chia rẽ, và rằng sự thật là họ đã tự do ngay từ đầu rồi.
Việc giải phóng nghiệp lực không khó ở chỗ bạn phải đi qua nhiều đau khổ mà ở chỗ nó đi ngược lại những ảo ảnh có nguồn gốc sâu xa đã ám lên tâm thức nhân loại trong một thời gian dài. Chìa khóa là nhận thức được bạn thật sự là gì [linh hồn] và hãy nhớ rằng bạn luôn có tình yêu không điều kiện của Linh Thần và rằng bạn an toàn và tự do ngay ở Hiện tại. Nhận thức như vậy có khó khăn không? Chắc chắn bạn sẽ nghĩ là có.
Quyển sách này sẽ giúp các bạn nhớ ra những phẩm chất thật sự của mình: lớn lao, thông tuệ, yêu thương, vô hạn, vĩnh hằng và là Sinh linh Thiêng liêng [Sacred Being] đã lên kế hoạch cho cuộc sống hiện nay của bạn. Khi bạn nhớ ra trọn vẹn hơn, bạn sẽ thấy rõ ràng hơn bao giờ hết là mình có thể cân bằng, giải phóng nghiệp lực và chữa lành theo những cách bạn cần. Bạn là đấng sáng tạo quyền năng của hết thảy những gì bạn trải nghiệm, cả những thử thách được bạn lên kế hoạch trước khi chào đời và sự chữa lành bạn tạo nên trong từng phút giây Hiện tại này.
Chữa lành
Chúng ta cũng lên kế hoạch cho những thử thách và các trải nghiệm sống khác nhằm chữa lành những năng lượng và khía cạnh khác của tâm thức có thể không liên quan đến nghiệp lực của chúng ta. Ví dụ, trong cuốn sách Kế hoạch của linh hồn, tôi chia sẻ câu chuyện của Penelope, một phụ nữ trẻ đã chọn bị điếc bẩm sinh. Khi nhà ngoại cảm Staci Wells và tôi tiếp cận quá trình lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời của Penelope, chúng tôi khám phá thấy mẹ cô trong kiếp trước cũng là mẹ cô trong kiếp này. Trong kiếp sống trước, Penelope nghe thấy mẹ cô bị bạn trai bà bắn chết. Penelope bị tổn thương tâm lý từ biến cố này, dẫn đến việc cô tự tử trong kiếp sống đó. Vì thế, cô trở về Linh giới, mang theo cái gọi là “năng lượng tổn thương chưa được xử lý”, giờ đây cần được hàn gắn. Trong buổi lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời, vị hướng dẫn tâm linh của Penelope hỏi liệu cô ấy có muốn sinh ra bị điếc để tránh bị tổn thương tương tự và để cô ấy có thể hàn gắn những tổn thương từ kiếp trước hay không. Penelope đáp: “Vâng, đó là điều con muốn và điều con ước được làm.” Thế là mở ra việc lên kế hoạch cho trải nghiệm cuộc đời của người điếc hoàn toàn.
Tôi cũng liên hệ đến câu chuyện của Pat, một quý ông đã lên kế hoạch từ trước khi sinh là sẽ trải nghiệm mấy mươi năm nghiện rượu. Pat góp phần dựng nên kế hoạch cuộc đời này bởi cách thức ông chết trong kiếp sống trước. Trong kiếp đó, Pat chết trận; ông là người lính cuối cùng đứng giữa trận địa. Khi đi loanh quanh ở trận địa để tìm kiếm các đồng đội đã ngã xuống, ông cảm thấy vô cùng khiếp sợ. Trong trạng thái sợ hãi tột độ, ông lại bị bắn chết. Năng lượng sợ hãi vì thế đã vương vấn trong ý thức của ông, rất cần được chữa lành. Trước khi ra đời, Pat hiểu là trải nghiệm nghiện rượu kéo dài sẽ đẩy ông vào những cảm xúc đau khổ đủ để ông phải tìm kiếm Thượng Đế, để rồi ông sẽ có được sự tỉnh thức tâm linh và điều này sẽ chữa lành nỗi sợ mà ông đã mang vào cơ thể. Một hôm, sự chữa lành của Pat bắt đầu khi ông đi làm về, uống hết giọt rượu cuối cùng trong nhà, ngã khuỵu gối và cầu xin Thượng Đế giúp đỡ. Ngay lúc đó, Pat cảm nhận sự hiện diện của Thượng Đế. Vài tuần sau đó, ông quyết định cai nghiện và không bao giờ say xỉn nữa. Pat đã vạch ra và hoàn thành trọn vẹn kế hoạch chữa lành: ông lên kế hoạch để nỗi sợ trong ông được biểu đạt thông qua chứng nghiện rượu, vì chứng nghiện rượu làm tổn thương cảm xúc, vì sự tổn thương về mặt cảm xúc thôi thúc ông khám phá tâm linh, và sự thức tỉnh tâm linh đã chữa lành nỗi khiếp sợ trong ông.
Kế hoạch cuộc đời của chúng ta được thiết kế nhằm chữa lành những nguồn năng lượng còn vương vấn và chưa được hàn gắn từ những kiếp trước. Đó có thể là sự phán xét (với mình hay với người), đổ lỗi (cho mình hay cho người), căm giận, tội lỗi và nhiều cảm xúc tiêu cực khác. Nếu một kiếp sống kết thúc nhưng những cảm xúc này vẫn còn hiện diện trong ý thức chúng ta, chúng trở thành phần cặn bã vương lại trên linh hồn chúng ta. Rồi linh hồn chúng ta sẽ tìm cách chuyển hóa những cảm xúc này bằng cách lên kế hoạch (hoặc trong một số trường hợp, gần như tự bị thu hút vào) những kiếp sống phản chiếu những cảm xúc này trở lại với chúng ta để chúng ta có thể giải quyết chúng. Những gì chưa được chữa lành sẽ phải được chữa lành trong một kiếp sống khác.
Phụng sự tha nhân
Ở góc độ linh hồn, khát vọng được phụng sự tha nhân là một động lực chủ yếu cho việc lên kế hoạch cho những trải nghiệm sống cụ thể. Khát vọng này là sự thể hiện hữu cơ của tâm thức Nhất thể, là trạng thái tồn tại tự nhiên của chúng ta ở nơi Quê nhà phi vật chất của mình. Khi dùng từ Nhất thể, tôi muốn nói rằng thực sự chỉ có một sinh linh trong Vũ trụ bao la. Bạn, tôi và thật ra là mọi người chỉ là những sự thể hiện cá nhân hóa của Nhất thể này. Đây là lý do mà thuật ngữ “phụng sự tha nhân” thật ra có hàm ý “phụng sự tha nhân giả lập” [service to seeming others].
Cứ cho là ở góc độ linh hồn thì bạn và tôi đang hoạch định một cuộc đời chung. Khi ở trong trạng thái tâm thức Nhất thể, bạn hiểu rằng tôi là bạn, theo đúng nghĩa đen. Như thế, một cách tự nhiên, bạn có xu hướng muốn phụng sự tôi. Ngược lại, vì tôi trải nghiệm rằng bạn là tôi theo nghĩa đen, tôi đương nhiên cũng muốn phụng sự bạn.
Phụng sự tha nhân là một con đường ngày càng tăng tốc trong quá trình tiến hóa. Cho đi điều gì sẽ nhận lại điều ấy. Việc giảng dạy thật ra là đồng nghĩa với việc ta đang cho mình cơ hội được học kỹ về điều ấy. Một sai lầm phổ biến của người mộ đạo – thật ra thì không phải là sai lầm; trải nghiệm nào cũng để học hỏi – là quá tập trung vào sự phát triển của bản thân, như thể sự phát triển ấy không liên quan gì tới việc phụng sự tha nhân. Việc quá tập trung vào bản thân, ngay cả khi sự tập trung đó nhằm phát triển tâm linh, thật ra lại làm chậm sự tiến hóa của chính mình. Chúng ta hay quên sự thật này sau khi chúng ta đầu thai, nhưng ở góc độ linh hồn thì chúng ta có nhận thức sâu sắc về nó. Vì thế, chúng ta lên kế hoạch sẽ phụng sự tha nhân để nuôi dưỡng sự mở rộng và tiến hóa của cái Nhất thể mà chúng ta đều là những bộ phận cấu thành nên nó.
Phụng sự nghĩa là gì? Tất nhiên, phụng sự có thể hiểu là hành động vì lòng từ bi bác ái1. Một trong những vai trò phổ biến nhất của việc phụng sự với lòng từ tâm là làm cha mẹ, nuôi dưỡng con cái. Tuy nhiên, cũng có khi vai trò đó được định sẵn là vai trò tiêu cực từ trước khi sinh ra. Thật ra, lý do ai đó gây khó khăn cho chúng ta nhiều nhất trong đời rất có thể là vì [linh hồn] ta đã yêu cầu họ từ trước. Con cái của Pat, chẳng hạn, hiểu từ trước khi ra đời là chứng nghiện rượu của ông ấy sẽ ngăn cản ông ấy hiện hữu trọn vẹn hoặc yêu thương như lẽ ra phải thế. Họ đã chọn ông là cha, không phải bất chấp mà chính bởi chứng nghiện rượu định mệnh đó. Họ cảm thấy trải nghiệm có một người cha say xỉn sẽ là phương án tốt nhất cho sự tiến hóa của họ.
1 Nghĩa cử phát xuất từ tình thương. Tương tự với thuật ngữ “tâm từ” [metta] của Đạo Phật. (TG)
Không phải tất cả những người đóng vai trò tiêu cực nhất trong cuộc đời chúng ta đều là do làm theo yêu cầu của chúng ta. Chẳng hạn, trong chương nói về đề tài cưỡng hiếp, các bạn sẽ thấy là phần cao hơn trong linh hồn kẻ hãm hiếp đã cho phép, từ trước khi sinh ra, xây dựng một tình huống cưỡng hiếp để phần thấp hơn hoặc phần tối hơn của linh hồn có cơ hội chữa lành cảm giác tức giận. Beverly, người phụ nữ đã bị cưỡng hiếp, không yêu cầu trải nghiệm này, nhưng cô ấy biết trước khi sinh ra là vụ cưỡng hiếp có thể sẽ xảy ra. Linh hồn cô ấy đã đồng ý với kế hoạch này vì những lý do mà tôi sẽ khám phá trong chương đó.
Ba tầng của linh hồn và những niềm tin lệch lạc về việc chữa lành
Trong khi nghiên cứu cho cuốn sách đầu tiên, tôi chưa từng gặp chuyện phần cao hơn của linh hồn cho phép phần thấp hơn của linh hồn thực hiện một hành vi như cưỡng hiếp, ít nhất là theo những ý nghĩa này. Nên lần này, tôi đã rất bối rối vì theo hiểu biết trước đây của tôi thì linh hồn chúng ta luôn Yêu thương. Jeshua đã giải thích bằng luận điểm sau: “Linh hồn vừa yêu thương vừa không yêu thương. Linh hồn đang phát triển và tiến hóa, không phải lúc nào cũng biết hết hay lúc nào cũng yêu thương. Linh hồn là phần đang trải nghiệm của bạn, và thông qua trải nghiệm mà nó đi từ không yêu thương sang yêu thương.”
Có ba “tầng” linh hồn: phần Linh Thần (Spirit), phần Linh Hồn (Soul), và phần con người phàm trần hay phàm ngã (personality). Cốt lõi của sinh mệnh chúng ta là phần linh thiêng nhất, là cái mà một số người gọi là Linh Thần, Thượng Đế hoặc sự hiện diện Tôi Là. Phần này của linh hồn luôn luôn thông tuệ và luôn luôn yêu thương. Đó là phần của cõi giới Sinh linh: thường hằng, bất biến, Nhất thể với tất cả các sinh mệnh khác, và là Vạn vật.
Linh hồn thuộc về cõi giới Đang Thành [Becoming]. Đây là phần tham gia vào thế giới nhị nguyên của chúng ta. Linh hồn tiến hóa thông qua trải nghiệm. Nó có thể tạo nên cái mà chúng ta có thể xem là sai lầm. Nó có thể quên sự kết nối vĩnh hằng với Linh Thần và cảm thấy bị ngắt rời khỏi Tình yêu, nơi nó được tạo ra và sẽ phát triển thành.
Phần phàm ngã là một sự biểu hiện của cái năng lượng khổng lồ và rộng lớn hơn nhiều, chính là linh hồn. Phàm ngã được truyền cảm hứng bởi linh hồn, và linh hồn học hỏi từ những trải nghiệm của phàm ngã, cụ thể là những cảm nhận được trải nghiệm bởi phàm ngã. Có nhiều sự chữa lành có thể xảy ra và thực sự xảy ra ở Quê nhà phi vật chất khi chúng ta quay lại đó giữa hai lần đầu thai, nhưng một số sự chữa lành chỉ có thể xảy ra thông qua trải nghiệm sống trong thử thách và khắc phục khó khăn ở thể vật lý. Trong cõi phi vật chất, chúng ta có sự hiểu biết nhiều hơn, nhưng cuộc sống trên Trái Đất cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để chuyển hóa sự hiểu biết đó thành trải nghiệm được cảm nhận. Đó là sự khác biệt giữa việc có trí tuệ và bộc lộ trí tuệ.
Linh hồn hiểu biết nhiều hơn cái phàm ngã trần tục nhưng không nhất thiết phải đồng nhất hoàn toàn với Linh Thần. Linh hồn có tính đa chiều; nó có thể thể hiện đồng thời trong nhiều chiều hoặc nhiều cuộc đời khác nhau. Sự chữa lành mà mỗi chúng ta thực hiện trong cuộc đời hiện tại sẽ mang lại sự chữa lành cho các phàm ngã khác đã được linh hồn tạo ra, và sự chữa lành của họ sẽ mang lại sự chữa lành cho chúng ta. Trong chương nói về bệnh tâm thần, các bạn sẽ thấy là Michela đã đồng ý từ trước khi ra đời là sẽ trải nghiệm nhiều dạng bệnh tâm thần cực đoan để cô ấy có thể chữa lành cho bản thân và nhờ đó sẽ mang lại sự chữa lành cho nhiều kiếp khác của linh hồn cô ấy.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Linh Thần hoặc Thượng Đế cho phép bệnh tâm thần và các hình thức đau khổ khác xảy ra? Một câu trả lời là, Linh Thần vốn dĩ là vô hạn. Giả sử Linh Thần ra tay ngăn cản không cho linh hồn vạch ra kế hoạch đầu thai với những trải nghiệm nào đó thì bản thân Linh Thần đã trở nên bị giới hạn, điều này mâu thuẫn với bản chất của Linh Thần. Vì vậy, Linh Thần cho phép linh hồn trải nghiệm toàn bộ những biểu hiện của vô minh, khiếp sợ và cả bóng tối.
Khi linh hồn hoạch định kế hoạch đầu thai trên Trái Đất, kế hoạch đó được sáng tạo nên bởi cả sự hiểu biết và vô minh, tình yêu và nỗi sợ. Vô minh bao hàm các niềm tin lệch lạc, một vài niềm tin lệch lạc phổ biến nhất là: “tôi vô giá trị”, “tôi bất lực”, “tôi đơn độc”, “yêu là đau khổ”, “cuộc sống không đáng tin cậy”, và “sống là chịu đựng.” Dựa theo những niềm tin này linh hồn sẽ thu hút các tình huống đời sống tương ứng. Qua thời gian, khi thế giới phản chiếu các niềm tin này vào phần phàm ngã, chúng sẽ trở thành nhận thức có ý thức. Khi phần phàm ngã hiểu được sức mạnh sáng tạo của niềm tin và nhận diện sự thật là thế giới quan bên ngoài của một người thật ra là sự phản chiếu của đời sống nội tâm thì họ sẽ bắt đầu công việc chữa lành cho những niềm tin lệch lạc ấy.
Việc làm này không chỉ cần ý định và nhận thức mà còn cần cả những trải nghiệm đưa đến sự phủ định niềm tin lệch lạc. Tốt hơn, chúng ta có thể sáng tạo ra những trải nghiệm tích cực khi chúng ta hành xử như thể nó là sự thật – như thể chúng ta cảm thấy bản thân có giá trị, như thể chúng ta biết mình có sức mạnh, như thể yêu đương là an toàn và cuộc sống đầy niềm vui. Đi qua thời gian và những trải nghiệm tích cực được lặp đi lặp lại, những niềm tin lệch lạc của chúng ta sẽ được chuyển hóa. Có lẽ quan trọng nhất là những niềm tin lệch lạc không thể được thay đổi bằng cách buộc bản thân chúng ta suy nghĩ khác đi. Những niềm tin lệch lạc thay đổi khi và bởi vì cảm xúc thay đổi. Liệu bạn có thể cảm nhận là mình có giá trị, có sức mạnh và không cô đơn? Liệu bạn có thể cảm nhận sự hiện diện của Linh Thần và Tình yêu mà Vũ trụ dành cho bạn? Liệu bạn có thể cảm thấy vui sướng và tin tưởng vào cuộc đời? Để thật sự giải phóng, những niềm tin phải được giải quyết ở góc độ cảm xúc. Nó có thể là công việc phải làm cả đời.
Nếu thế giới bên ngoài phản chiếu những niềm tin của chúng ta lại cho chúng ta, và nếu vì thế mà chúng ta lặp lại các trải nghiệm và thậm chí là toàn bộ các kiếp sống đã cung cấp bằng chứng cho những niềm tin đó, làm sao chúng ta có thể chữa lành những niềm tin lệch lạc của mình? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu rằng đau khổ đến từ những câu chuyện chúng ta tự thêu dệt về bản thân. Ví dụ, trải nghiệm bị người tình bỏ rơi rõ ràng là không tốt không xấu. Tuy nhiên, nếu bạn phản ứng kiểu: “Sẽ không còn ai yêu thương tôi nữa” hoặc “Tôi sẽ không đời nào được hạnh phúc” thì bạn đã sáng tác nên một câu chuyện khiến bạn cảm thấy đau khổ. Ngay trước khi trí óc bạn sáng tác nên câu chuyện đó, bạn có điều mà Jeshua gọi là giây phút lựa chọn. Trong giây phút đó, bạn đã chọn cách phản ứng với sự kiện bên ngoài. Bạn phản hồi từ một không gian bên trong bạn. Khi bạn nhận biết được khoảng không gian này, bạn cũng nhận biết được bạn thực sự là ai: không phải là nạn nhân mà là một nhà sáng tạo đầy quyền năng. Sự chữa lành được sinh ra từ nhận thức này.
Linh hồn của bạn sử dụng các thử thách và khủng hoảng để sáng tạo nên nhu cầu lựa chọn. Nếu bạn chưa bao giờ trải qua thử thách hay khủng hoảng, nếu vây quanh bạn luôn là những người đầy yêu thương và những tình huống an bình, bạn sẽ không có nhu cầu phải chọn lựa. Bạn, phần phàm ngã trần tục, sẽ lấy thế làm vui, nhưng bạn sẽ không có động lực để hướng về bên trong, nhớ lại bản chất thật sự của mình và hạ quyết tâm chữa lành. Linh hồn của bạn, thường mong mỏi hợp nhất những khía cạnh chưa được chữa lành, sẽ có cảm giác chưa trọn vẹn, và nó sẽ vẫn cảm thấy mù mờ bởi lớp trầm tích của những niềm tin lệch lạc chưa được xử lý. Linh hồn của bạn tìm cách chữa lành từ bên trong. Vì bạn là một phần mở rộng của linh hồn trong hình tướng vật lý, bạn ở “bên trong” linh hồn và vì thế có thể mang lại sự chữa lành cho nó.
Nếu linh hồn của bạn còn những khía cạnh chưa được chữa lành thì bạn không cần chịu đau khổ liên tục tới khi sự chữa lành được hoàn tất. Như Pamela Kribbe đã chỉ ra: “Quá trình phát triển không đi theo mạch tuyến tính. Các kiếp sống có nhiều trải nghiệm tiêu cực được xen kẽ với những kiếp sống yên lành hơn, cho phép linh hồn phục hồi sau những trải nghiệm tổn thương và tập trung vào những khía cạnh khác của chính nó. Linh hồn không bị thúc bách phải chọn lựa những tình huống tồi tệ cho tới khi nó ‘đón nhận lấy điều đó’”. Sau cùng thì, và mặc dù mọi chuyện có thể khác đi, linh hồn của bạn mong ước bạn chữa lành cho đến khi bạn được vẫy vùng trong niềm vui sướng.
Sự tương phản
Quê nhà phi vật chất của chúng ta rất giống với hình ảnh được miêu tả từ xưa: một cảnh giới an lành và yêu thương, tràn ngập niềm vui và ánh sáng. Trong cõi giới như vậy, chúng ta không trải nghiệm sự tương phản. Chúng ta khát khao và lên kế hoạch được sống ở Trái Đất bởi vì nơi đây tràn ngập tính nhị nguyên: thăng và trầm, nóng và lạnh, tốt và xấu, yêu thương và không yêu thương. Linh hồn của chúng ta học hỏi thông qua sự tương phản. Sự tương phản giúp chúng ta hiểu biết hơn về bản thân. Sự tương phản cũng phục vụ cho việc tạo ra những cảm xúc sâu sắc, và thông qua cảm xúc mà chúng ta phát triển, học hỏi. Cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm rất có thể sẽ sâu sắc hơn nếu chúng ta quên đi rằng đời sống trên Trái Đất chỉ là một màn kịch trên sân khấu, một vở kịch do chính chúng ta viết nên. Khi chúng ta tin tưởng rằng ảo ảnh cuộc sống trên Trái Đất là thật, thì được mất dường như lớn hơn và vì thế cảm xúc của chúng ta sẽ có xu hướng mạnh hơn. Độ sâu sắc của trải nghiệm đẩy mạnh sự tiến hóa của chúng ta – nếu chúng ta cảm nhận và học để làm việc với cảm xúc theo những cách đầy yêu thương. Các sinh linh vô hình thường ca ngợi điều kỳ lạ về những cơ hội tinh tấn tâm linh trên Trái Đất và cách con người có thể tiến hóa vượt bậc trong một kiếp sống so với những gì họ có thể đạt được trong một “quãng thời gian” lâu hơn nhiều.
Sự tương phản đặc biệt rõ trong kế hoạch học hỏi thông qua những sự đối lập của cuộc đời. Trong một bản thiết kế cuộc sống chi tiết, linh hồn lên kế hoạch trải nghiệm chính xác điều ngược lại với điều mà nó muốn học hỏi nhất. Có vô số khoảng tối và vô số biến dị của kế hoạch học hỏi thông qua sự đối lập. Vào thời điểm này của lịch sử, một kế hoạch chung được lập cho linh hồn của những người muốn học hỏi về tâm thức hợp nhất – tình trạng Nhất thể của vạn vật – là đầu thai vào những gia đình mà họ rất khác biệt so với với mọi thành viên trong gia đình. Những xích mích giữa các cá nhân và hệ quả là sự tẩy chay dẫn họ đến chỗ cảm thấy bị chia rẽ. Nỗi đau khi cảm nhận sự chia rẽ dẫn dắt họ hướng vào bên trong và qua thời gian thì họ dần đi đến trạng thái cảm-biết về tính Thần thánh trú ngụ bên trong họ. Khi họ cảm nhận tính Thần thánh bên trong bản thân, họ có thể cảm nhận tính Thần thánh bên trong mọi người. Họ nhận ra là tính Thần thánh thấm đẫm vạn vật và mọi sinh linh, họ nhận ra là Nó là bản chất sâu thẳm của mọi tạo vật. Nhận thức này là khởi đầu của tâm thức hợp nhất, một tâm thức mà nhân loại đang tiến nhanh vào đó.
Thử thách đời sống giúp phát triển phần phàm ngã
Tôi thường được hỏi: “Vì sao tôi phải chịu đựng đau khổ thì linh hồn của tôi mới có thể tiến hóa và chữa lành?” Câu trả lời cho câu hỏi chính đáng và tự nhiên này là thử thách đời sống có vai trò giúp đỡ bạn, phần phàm ngã thể hiện trong kiếp sống trên Trái Đất, cũng như linh hồn của bạn.
John Friedlander – một nhà ngoại cảm, nhà giáo, chuyên gia chữa lành và người dẫn kênh danh tiếng – giải đáp câu hỏi này bằng một ví dụ sau đây. Giả sử là trong nhiều năm ròng, và có lẽ là với nhiều công việc, bạn đã phải làm việc với những người rất khó chịu. Bạn thấy mệt mỏi và nặng nề với điều này. Có những lúc bạn cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa. Bạn thường mơ mộng sẽ trúng số để có thể nghỉ hưu và, như bạn hay nói với bạn bè là: “không bao giờ phải làm việc với những loại người này nữa.”
Nếu kế hoạch của cuộc đời bạn là học hỏi về sự tử tế và lòng bao dung thì bạn khó lòng hoàn thành giấc mơ trúng số. Năng lượng trội trong hào quang của bạn là năng lượng của bài học cuộc sống đã định sẵn và chính năng lượng này tạo tác ra trải nghiệm của bạn. Bởi vì tâm trí của cái tôi không hiểu được mối gắn kết giữa “làm việc với người khó chịu” và cơ hội học về sự tử tế và bao dung, nên có thể bạn sẽ thấy các tình huống này của đời sống là bất công hoặc khắc nghiệt. Tuy nhiên, khi bạn phát triển sự tử tế và bao dung, bạn sẽ trở nên vô cùng phong phú và linh hồn của bạn cũng vậy.
Bạn và linh hồn của bạn tham gia vào một quá trình cộng tác tuyệt vời, có ý nghĩa và có lợi cho cả đôi bên.
Quá trình lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời
Sau khi kết thúc một cuộc đời trên Trái Đất, bạn hòa nhập trở lại với linh hồn.1 Cụm từ “hòa nhập trở lại” dễ gây hiểu lầm trong ngữ cảnh này, bởi vì bạn chưa bao giờ tách khỏi linh hồn của mình. Tuy vậy, ý thức của bạn hòa trộn vào ý thức của linh hồn mình theo một cách hoàn thiện hơn. Một đợt sóng biển chưa bao giờ tách khỏi đại dương, nhưng khi con sóng ấy chết, nó đoàn tụ với biển cả theo cùng một cách bạn đoàn tụ với linh hồn. Linh hồn của bạn trở nên phong phú bởi toàn bộ những gì bạn mang lại, toàn bộ những gì bạn trải nghiệm trong đời.
1 Nói một cách chính xác, phần phàm ngã là bất tử. Chủ đề này nằm ngoài phạm vi thảo luận của quyển sách này. Các độc giả quan tâm có thể tìm đọc quyển Psychic Psychology: Energy Skills for Life and Relationships [Tạm dịch: Tâm lý học Ngoại cảm: Các kỹ năng sử dụng năng lượng vào đời sống và các mối quan hệ], của John Friedlander và Gloria Hemsher để có lời giải thích chi tiết và cặn kẽ hơn. (TG)
Rốt cuộc thì, linh hồn của bạn sẽ ngóng chờ để đón chào một kiếp sống vật lý mới và quá trình sáng tạo một phàm ngã mới lại bắt đầu. Nếu đã đến lúc đầu thai cho một kiếp sống mới, năng lượng của bạn gieo mầm – hình thành nên hạt nhân của năng lượng – phàm ngã mới, con người của bạn trong kiếp sống tiếp theo. Phàm ngã này là hoàn toàn mới. Cái phàm ngã của bạn trong kiếp kế tiếp sẽ không phải là cái phàm ngã hiện tại của bạn, cũng giống như bạn bây giờ không phải bạn của một kiếp sống khác. Việc sáng tạo ra một phàm ngã mới là sự sinh nở thiêng liêng được hoàn thành không chỉ bởi một mình linh hồn của bạn mà bởi sự liên kết giữa linh hồn bạn với Linh Thần. Bạn – phàm ngã mới ra đời – có đời sống và nhận thức. Bạn cảm thấy gắn bó với linh hồn bạn như đứa trẻ gắn bó với mẹ ruột, và bạn nhận thức được trí tuệ lớn lao của linh hồn mình.
Vào một thời điểm nào đó, khi khát vọng tái đầu thai trở nên mạnh mẽ hơn, sẽ có một buổi thảo luận để dựng nên bản thiết kế chi tiết về kiếp kế tiếp của bạn. Trong các buổi thảo luận về lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời mà Staci Wells nhìn thấy, bà thường mô tả bước này như việc “linh hồn mặc thử chiếc áo choàng phàm ngã”. Trong giai đoạn này, bạn tiếp nhận ý kiến từ nhiều vị thầy hướng dẫn tâm linh để hiểu mục đích của những cơ hội và thách thức trong cuộc đời sắp tới. Bạn có thể bày tỏ bất kỳ cảm xúc, nghi ngại hoặc thắc mắc nào. Nếu bạn lo lắng về phần nào của kế hoạch cuộc đời này, các vị thầy hướng dẫn và linh hồn sẽ chìa tay ra hỗ trợ bạn trên tinh thần yêu thương và đồng cảm. Bạn có tự do ý chí, vì vậy bạn phải đồng ý thì bản kế hoạch cuộc đời mới được thông qua. Dù có thể phản đối và thậm chí nói không, nhưng thường thì sẽ bạn đồng ý với bản kế hoạch bởi vì bạn cảm nhận được lòng nhân từ và trí tuệ lớn lao của linh hồn mình và các vị thầy hướng dẫn. Linh hồn bạn cảm thấy biết ơn vì bạn đồng ý, và thật ra thì, linh hồn thấy biết ơn bạn vì tất cả những gì bạn sẽ thực hiện trong lần đầu thai sắp tới. Cả linh hồn và các vị thầy hướng dẫn đều vô cùng ngưỡng mộ lòng can đảm này của bạn.
Linh Thần và linh hồn của bạn dựng nên bản kế hoạch cuộc đời cho bạn dựa trên trực giác, không dựa trên sự phân tích. Linh hồn của bạn có sự thấu hiểu về điều cần nỗ lực cải thiện và những khát vọng được trải nghiệm trong những lĩnh vực này. Linh Thần đáp lại nỗi khát khao này bằng cách trình bày với linh hồn một số bản kế hoạch cuộc đời để lựa chọn. Linh hồn của bạn tiếp nhận và chú tâm vào những lựa chọn này như cách bạn xem các hình ảnh trên một bản trình chiếu. Quá trình lập kế hoạch khó đo lường theo thời gian tuyến tính, và độ dài của quá trình phụ thuộc vào mỗi linh hồn.
Ngôn ngữ được dùng trong quyển sách này, và ngôn ngữ phải được sử dụng nếu chúng ta bàn luận về việc lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời, sẽ khiến cho quá trình này mang dáng vẻ phân tích hơn so với thực tế. Ở đây, chúng tôi sử dụng ngôn ngữ của chiều kích thứ ba và não bộ của chiều kích thứ ba của nhân loại để hiểu những hiện tượng thật ra có tính đa chiều kích. Vì thế, ngôn ngữ được sử dụng để mô tả hiện tượng này chỉ mang tính tương đối về điều thật sự xảy ra. Tương tự như các hiện tượng đa chiều kích khác, việc lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời hoành tráng và huy hoàng hơn nhiều so với những gì mà ngôn ngữ có thể diễn đạt.
Ý chí tự do
Ý chí tự do và việc lập kế hoạch trước khi chào đời đan xen với nhau thành một tấm thảm phức tạp, phong phú. Để hiểu cách chúng phối hợp với nhau, chúng ta hãy lấy ví dụ của một người – tôi sẽ gọi linh hồn này là anh George, dù linh hồn thì lưỡng tính – có nhiều kiếp sống được lên kế hoạch trước khi chào đời, nhưng khi ở trong thể xác, anh ta lại chiều theo ý muốn của người khác. Nói một cách khác, George khát khao sinh ra đời để học hỏi và phát triển theo một số phương thức nhất định, nhưng khi đầu thai thì anh có xu hướng để cho những người khác chỉ huy đời sống của mình. Trong lúc ôn lại cuộc đời đó ở khoảng thời gian sau khi kết thúc một kiếp sống, George hiểu là anh có khuynh hướng này và quyết tâm chữa lành nó. Vì thế, anh lên kế hoạch ở cấp độ linh hồn là quyết tâm đưa lại vào thân xác xu hướng năng lượng chiều theo ý muốn của người khác.
Giả sử là trong nhóm hồn (một tập thể các hồn đang ở cùng một giai đoạn tiến hóa và hay cùng đầu thai với nhau, đóng mọi vai trò có thể tưởng tượng được cho nhau) của George có một hồn khác lại có khuynh hướng đối lập. Linh hồn này, tôi sẽ gọi là Sally, khi đầu thai có khuynh hướng chỉ huy người khác, tùy tiện áp đặt ý chí của cô ấy lên họ. Trong những lần rà soát lại các lần đầu thai, Sally hiểu là cô ấy có khuynh hướng này và hạ quyết tâm phải chữa lành nó. Vì thế, cô ấy lên kế hoạch ở cấp độ linh hồn là ráo riết mang trở lại vào xác thân khuynh hướng lấn lướt kẻ khác.
George cũng biết kế hoạch của Sally, bèn gặp cô ấy và bảo: “Tôi thấy cô đang định đầu thai và mang theo khuynh hướng lấn lướt người khác để chữa lành. Tôi cũng định đầu thai và mang theo khuynh hướng hay chiều theo ý muốn người khác. Chúng ta hãy lên kế hoạch cưới nhau khi tôi 30 tuổi. Dù chúng ta hiểu đây có thể là một cuộc hôn nhân đầy sóng gió nhưng hy vọng là tôi sẽ học được cách giữ vững lập trường và cô thì học được cách tôn trọng ý muốn của người khác.” Nhìn thấy trí tuệ tuyệt vời trong kế hoạch này và cơ hội phong phú cho sự phát triển tâm linh, Sally vui vẻ đồng ý. Thường thì các linh hồn hợp tác với cảm giác vui vẻ, ngay cả khi họ dựng nên những thử thách khó chịu.
Bây giờ, giả sử là khi George 25 tuổi, anh ta nhận công việc làm thuê cho một người chủ hay chà đạp anh ta, đối xử với anh ta thiếu tôn trọng và tàn nhẫn. George dồn hết nội lực bảo vệ lập trường. Anh ta bảo ông chủ: “Hãy thôi đi. Ông không được đối xử với tôi như thế. Nếu ông muốn tôi tiếp tục làm việc ở đây, ông phải tôn trọng và đối xử tử tế với tôi.” Trong giây phút George bày tỏ sự phản kháng như vậy, rung động của anh đã tăng vọt. Nếu anh có thể duy trì rung động tăng vọt này đến khi 30 tuổi, và nếu Sally không nâng cao rung động của cô ấy theo một mức tương tự, thì do Luật Hấp dẫn, sẽ có hai điều có thể xảy ra: hoặc là George và Sally không bao giờ gặp được nhau, hoặc là nếu họ có gặp nhau thì sẽ không hấp dẫn nhau. Trong trường hợp nào thì cuộc hôn nhân được tính trước cũng sẽ không bao giờ xảy ra; rung động khác nhau ngăn cản họ đến với nhau. (Linh hồn của Sally hẳn đã tính đến khả năng này trong khi lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời và đã tạo ra một kế hoạch dự phòng. Trong kế hoạch đó, Sally sẽ gặp gỡ một người bạn đời khác đem lại cho cô ấy cơ hội học được bài cần học.)
Câu chuyện giả định này minh họa việc lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời và ý chí tự do giao nhau theo những cách hài hòa nhất. Ở đây, George đã dùng quyền tự do ý chí của mình để học bài cần học (đứng lên cất tiếng nói bảo vệ bản thân và thành thực với chính mình), vì thế mà anh không cần phải đối diện với thử thách đã định về một cuộc sống hôn nhân khó khăn nữa.
Con người mới
Mặc dù các thử thách đời sống đem lại sự phát triển lớn lao cho cả phần phàm ngã lẫn phần hồn, sự phát triển không nhất thiết phải đi kèm với việc phải chịu đựng đau khổ. Là con người, chúng ta luôn có quyền tự do khám phá tâm thức và sử dụng quyền sáng tạo của mình. Qua hàng ngàn năm, việc ra quyết định của chúng ta ngày càng dựa nhiều vào nỗi sợ và niềm tin vào sự chia rẽ. Giờ đây, quá trình này đang bắt đầu đảo ngược vì chúng ta đang dần dần đưa ra những quyết định dựa trên tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Loài người đang ở bước ngoặt của hành trình tiến hóa tâm linh. Jeshua đã nói:
Mặc dù việc khám phá các thái cực là một quá trình khả thi, nhưng giờ là lúc tạo nên sự cân bằng mới và bỏ qua cách học hỏi thông qua đau khổ. Đau khổ có thể là một phương tiện giúp thức tỉnh, nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không nên thử những cách học tập khác vui vẻ hơn. Chúng tôi không phán xét việc chịu đựng đau khổ hoặc sự tiêu cực, nhưng chúng tôi sẽ làm mọi điều trong khả năng để giúp các bạn vượt qua nó.
Nhân loại đang tiến hóa và ngày càng thừa nhận tính Nhất thể đằng sau hết thảy tạo vật. Nhân loại giờ đây có năng lực phá vỡ ảo ảnh của nỗi sợ và sự chia rẽ, đồng thời nắm lấy vận mệnh thật sự của mình: trở thành niềm cảm hứng và mở ra cánh cửa tiến vào Trái Đất Mới, là ngôi nhà của nhiều sinh linh khác nhau sống chung trong hòa bình, niềm vui và sáng tạo.
Những con người mới sẽ vượt qua cơ chế học hỏi thông qua việc chịu khổ. Khi chịu ít sự tác động của nỗi sợ hơn, chúng ta sẽ nhận ra óc tò mò, sự sáng tạo và tình yêu trở thành những động lực chủ yếu của chúng ta trong việc phát triển và học hỏi. Khi nỗi lo sợ giảm đi và cảm giác về sự an toàn tăng lên, chúng ta sẽ cho phép trí tò mò tự nhiên về nhau của chúng ta được thỏa sức tung hoành. Chúng ta sẽ từ bỏ các ranh giới không cần thiết và cho phép bản thân cảm nhận điều mà những người khác cảm nhận, kết nối với họ bằng những cách thức đồng cảm sâu sắc. Sự sáng tạo sẽ trở thành một động lực lớn lao khi chúng ta cảm thấy tự do và an toàn để tham gia vào việc tự thể hiện một cách vui vẻ, tự nhiên, đồng thời chia sẻ về bản thân và sự trù phú của chúng ta. Tình yêu thương – sự từ bỏ bản thân và hòa nhập bản thân với điều lớn lao hơn – sẽ mở rộng tâm thức con người theo những cách mà chúng ta chưa từng cho phép mình nghĩ đến.
“Đánh bại” các thử thách cuộc sống
Sự đối kháng với cuộc sống và các thử thách mà cuộc sống mang lại thường bộc lộ thành thái độ “tôi sẽ đánh bại chuyện này.” Nếu bạn tuyên bố với Vũ trụ là bạn sẽ “đánh bại” điều gì, bạn đang yêu cầu Vũ trụ mang bạn đến gần hơn với điều đó.
Khi bạn manh nha năng lượng đánh bại (hay các biến thể của nó, như đấu tranh, chiến đấu, hoặc chinh phục), Vũ trụ cảm nhận được là bạn đang phát ra năng lượng chiến đấu và, như một chiếc âm thoa, nó mang điều ấy đến ngay cho bạn với tinh thần sẵn sàng phục vụ. Không màng đến những ý định thật sự của bạn, Vũ trụ phủ quanh bạn những rung động mà bạn đang cộng hưởng.
Khi bạn nghĩ “tôi muốn đánh bại cái này”, các tế bào trong cơ thể bạn đáp lời và tự đâm đầu vào trạng thái “khó-ở”, và các liệu pháp chữa lành dưới mọi hình thức cũng bị đánh bật khỏi danh sách lựa chọn của bạn. Cái tư tưởng lăm le muốn dùng bạo lực để đối đầu cũng có thể (mà thường hay xảy ra) xuất hiện trong những lĩnh vực khác của đời sống, ví dụ như tiền bạc, quan hệ tình cảm và các tình huống cá nhân.
Bạn có thể cảm thấy mình đã khuất phục một thử thách cụ thể trong cuộc sống, ví dụ như bệnh ung thư. Nếu bệnh ung thư được chữa lành thì không phải nhờ có tư tưởng đấu tranh, mà là bất chấp nó. Năng lượng có trong suy nghĩ, lời lẽ và hành động của bạn có sự cộng hưởng với một tần số thường có ưu thế hơn năng lượng của sự đấu tranh, mặc dù trí óc chủ quan của bạn có thể tin rằng bạn đã tham gia vào cái gọi là một cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.
Trong hàng ngàn năm, con người trên thế giới đã vô tình mang xung đột vào đời sống của họ bằng cách cố gắng đánh bại một thử thách của đời sống. Hòa bình, niềm vui, sự thịnh vượng, sự chữa lành và tất cả những phúc lạc khác trong Vũ trụ không được tạo nên bởi sự đấu tranh đánh bại ai, mà từ hành động nâng niu vạn vật.
Vì sao cần hỏi căn nguyên
Khi bạn hỏi vì sao điều gì đã xảy ra hoặc đang xảy ra là bạn đang tạo ra một vòng xoáy năng lượng thu hút những câu trả lời đến với bạn. Bất kể ý thức có nhận ra câu trả lời hay không thì năng lượng bạn thu hút về thông qua việc đặt câu hỏi vì sao vẫn có tác dụng chữa lành sâu sắc. Tôi không khuyên bạn để mình bị ám ảnh bởi câu hỏi vì sao; ngược lại, sự chữa lành được hút về với bạn khi bạn hỏi vì sao và rồi buông câu hỏi ấy vào Vũ trụ như khi bạn thả quả bóng bay lên bầu trời. Quả bóng sẽ tìm ra đích đến thích hợp và câu hỏi của bạn cũng thế. Khi bạn hỏi tại sao, Vũ trụ sẽ đáp lời, dù không phải lúc nào cũng theo cách mà bạn muốn hoặc trong khuôn khổ thời gian mà bạn yêu cầu.
Nếu sự hé mở ý nghĩa sâu hơn của những sự kiện trong đời chúng ta có ích, vì sao khi đầu thai chúng ta lại không mang theo ký ức trọn vẹn về bản kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời? Có một số lý do. Như đã nêu, việc mất trí nhớ về “thế giới bên kia” khiến cuộc sống trên Trái Đất hình như thật hơn, và điều đó khiến chúng ta trải nghiệm được nhiều cảm xúc dữ dội từ những điều chúng ta học hỏi được trong một lần đầu thai hơn. Ngoài ra, nếu chúng ta đầu thai với trí nhớ đầy đủ về kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời thì chẳng khác gì làm bài thi ở trường học mà cho mở tài liệu vậy: chúng ta sẽ học hỏi được ít so với hơn khi làm bài thi mà không được mở sách, khi chúng ta lục lọi, tìm kiếm và tự mình tìm được câu trả lời như cách mà các bạn đang làm hiện nay. Hơn nữa, việc khám phá ra điều muốn hỏi và tìm thấy câu trả lời là một trải nghiệm giá trị của hành trình này. Nếu biết đáp án, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm kiếm các câu hỏi.
Sau cùng thì, ý định hỏi vì sao không phải để tâm trí hình dung ra toàn bộ kế hoạch cuộc đời của bạn, mà để nhắc bạn hãy quy thuận trái tim mình. Khi bạn chú ý đến tiếng gọi của trái tim, bạn đang thực hiện kế hoạch cuộc đời của bạn, ngay cả khi tâm trí không biết gì về kế hoạch đó.
Ý thức nạn nhân
Hiện nay, trên hành tinh chúng ta đang có một sự chuyển đổi lớn lao về ý thức. Sự chuyển đổi này phụ thuộc hoàn toàn vào việc một số người trên cõi trần này thực hiện việc nâng cao rung động của chúng ta, nói đơn giản là trở thành những người tràn đầy yêu thương nhất trong khả năng. Khi chúng ta nâng cao rung động của mình, Trái Đất cũng sẽ tăng rung động theo. Các vị thầy hướng dẫn, các thiên thần, những người thân yêu và những linh hồn khác ở cõi vô hình có thể gửi tình yêu, trí tuệ, ánh sáng cùng niềm hứng khởi đến cho chúng ta, nhưng chúng ta phải đón nhận và phát huy những quà tặng này. Các sinh linh vô hình luôn yêu thương và hướng dẫn chúng ta nhưng lại không thể tạo ra sự chuyển đổi trong ý thức nhân loại cho chúng ta.
Ý thức nạn nhân – niềm tin rằng bạn bị hại bởi ai đó, một trải nghiệm nào đó hoặc bởi cuộc sống nói chung – rung động ở tần số rất thấp. Khi hiểu rằng mình là những chủ thể sáng tạo quyền năng của tất cả những gì bản thân trải nghiệm, dù có thể không biết bằng cách nào hay tại sao, chúng ta sẽ thoát ra khỏi ý thức nạn nhân, nâng cao rung động của mình và từ đó, nâng cao rung động của Trái Đất. Nếu dự định trước khi sinh ra đời của bạn hoặc ý định hiện tại của bạn là góp phần tạo nên sự chuyển hóa trong ý thức nhân loại, hãy hiểu rằng thoát khỏi tư tưởng nạn nhân là cách làm quyết liệt và tuyệt diệu để làm được điều đó.
Ý thức nạn nhân là một niềm tin lệch lạc, là cái đã trở thành một phần của thói quen tư duy bị hạn chế của chúng ta. Nó có lợi ích phụ đầy sức cám dỗ: khiến người khác thông cảm; đó là một phương tiện kết giao với những người có cùng một niềm tin rằng mình là nạn nhân. Ý thức nạn nhân và lợi ích phụ của nó không phải để phán xét bởi thật dễ để tin vào điều chúng ta được dạy dỗ, và nhu cầu được an ủi, kết nối với những người khác rõ ràng là một nhu cầu rất tự nhiên. Tôi không có ý định phán xét sự chọn lựa xem bản thân là nạn nhân mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng đó là một chọn lựa. Chọn lựa khác là nhớ lại bản chất và sức mạnh của chúng ta như là sự thể hiện của những linh hồn bất tử đã hoạch định ra các cuộc đời mà giờ đây chúng ta đang sống, để hiểu bản thân là những đấng sáng tạo, không phải là nạn nhân, của những trải nghiệm này. Nhận thức này sẽ nâng đỡ cả thế giới.
Ý thức nạn nhân có xu hướng kéo dài. Nếu bạn tin bản thân là nạn nhân, bạn rung động ở tần số của nạn nhân và thu hút mạnh mẽ về bản thân những trải nghiệm sẽ khẳng định trong tâm trí của bạn rằng bạn là nạn nhân. Chìa khóa để có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này là thôi đổ lỗi, vì việc đổ lỗi đặt bạn vào trường năng lượng có tần số của ý thức nạn nhân. Chúng ta có thể buông bỏ việc đổ lỗi dễ dàng hơn nhiều khi chúng ta nhận trách nhiệm cho việc đồng ý với các kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời của chúng ta. Linh Thần tự chịu trách nhiệm là mảnh đất màu mỡ cho tâm thức mở rộng và hiểu biết về bản thân bừng nở.
Thái độ phán xét
Tương tự như tâm thức nạn nhân, thái độ phán xét rung động ở tần số rất thấp. Phán xét tạo ra chia rẽ, chia rẽ tạo ra cảm giác sợ hãi và cảm giác sợ hãi tạo ra hầu hết các vấn đề trên thế giới chúng ta. Sự chuyển đổi hiện nay trong tâm thức con người nằm trong sự trở về với Nhất thể hay tâm thức hợp nhất, là trạng thái tồn tại tự nhiên ở Quê nhà phi vật chất. Chúng ta không thể trở về trạng thái của tâm thức Nhất thể này nếu còn thái độ phán xét và do đó chia rẽ với nhau. Hiểu biết về việc lên kế hoạch cuộc sống trước khi chào đời ra sẽ khiến chúng ta dễ dàng buông bỏ thái độ phán xét người khác, vì khi đó chúng ta tiến đến việc nhận thức được rằng mỗi một cuộc đời đã được lên kế hoạch dựa trên tình yêu và được hình thành từ trí tuệ.
Xã hội dành những lời phán xét đặc biệt khó nghe cho những người có các trải nghiệm như vô gia cư, nghiện rượu, nghiện ma túy và HIV: “Cô ấy cần thay đổi thái độ và lối sống,” “Anh ta chẳng hề cố gắng gì cả,” “Cô ấy yếu đuối,” “Anh ta cần tự thay đổi và phấn đấu chứ.” Những lời phán xét về người mắc bệnh HIV đặc biệt khó nghe: “Ông đó chắc là sống bừa bãi lắm,” “Đáng đời bà ta,” và “HIV là cách mà Thượng Đế trừng phạt người đồng tính vì mối quan hệ đồng tính của họ.” Nhưng, thật sự là những trải nghiệm này đã được lên kế hoạch từ trước khi họ ra đời, và đó là những kế hoạch của lòng can đảm, là những kế hoạch chẳng mấy linh hồn dám chọn. Khi chúng ta hiểu về việc lên kế hoạch trước khi chào đời, những phán xét của chúng ta bốc hơi và được thay bằng lòng tôn kính cùng sự ngưỡng mộ dành cho những linh hồn can đảm đã dám đương đầu với những thử thách như thế.
Tuy nhiên, thái độ phán xét cũng có thể là một công cụ nhằm đạt đến sự thấu hiểu về kế hoạch cuộc đời của bạn. Hãy tự hỏi mình: “Tôi hay phán xét điều gì nhất ở những người tôi gặp trong đời?” Rồi hãy hỏi: “Điều tương phản với điều ấy là gì?” Rất có thể là, trước khi bạn được sinh ra thì bạn đã muốn được phát triển và thể hiện phẩm chất đối lập ấy. Đối với đặc tính mà bạn đã chỉ trích ở người khác, có thể là bạn từng có đặc tính ấy trong một kiếp sống cũ, và chắc là hiện nay bạn đang mang đặc tính ấy (ở một mức độ nào đó). Mọi thái độ chê trách người khác đều ẩn chứa sự tự phán xét. Nếu bạn không có nét tính cách mà bạn phán xét thì bạn sẽ không thể nhận ra nó trong người khác hoặc bạn sẽ không phán xét nó khi gặp.
Bởi vì những gì chúng ta trải nghiệm bên ngoài luôn là sự phóng chiếu của đời sống nội tâm, chúng ta không thể ngừng phán xét người khác nếu như chúng ta chưa hoàn toàn ngừng phán xét bản thân. Việc nói những lời không phán xét và tham gia vào những hành động không phán xét không đồng nghĩa với việc không phán xét. Dấu hiệu chân thực nhất của thái độ không phán xét là cách chúng ta trải nghiệm bản thân, vì đó là cách chúng ta thật sự trải nghiệm những người khác.
Điều cần lưu ý ở đây là đừng sa vào phán xét việc phán xét. Mặc dù không ai trong chúng ta thích bị phán xét nhưng vì lý do hợp lý chúng ta vẫn chọn đầu thai trong thời điểm tiến hóa này của nhân loại, khi mà thái độ phán xét là phổ biến. Hiểu một cách đơn giản thì phán xét là một vị thầy đầy sức ảnh hưởng đối với chúng ta, và một số người học hỏi nhiều nhất thông qua trải nghiệm bị phán xét. Trải nghiệm đó là một phương tiện hiệu quả để phát triển lòng thấu cảm, từ tâm, sự độc lập về cảm xúc và nhiều phẩm chất linh thiêng khác. Những kiếp sống mà chúng ta lên kế hoạch trước chào đời là những cơ hội để phát triển và bộc lộ các phẩm chất ấy.
Nổi giận với linh hồn
Nếu bạn đã từng trải nghiệm sự thương, và nếu bạn cảm thấy trải nghiệm tổn thương này được sắp đặt bởi chính phần hồn của mình, bạn có thể sẽ tức giận với nó. Nếu thế, đừng phán xét cơn tức giận đó là xấu, và đừng phán xét bản thân vì đã cảm thấy tức giận. Cơn tức giận và thật ra là toàn bộ cảm xúc của bạn, cho dù là gì, đều có thể hiểu được, tự nhiên, đúng đắn và chân thực. Hãy trân quý chúng. Hãy tôn trọng chúng. Đừng ngăn chặn chúng; thay vào đó, hãy nâng niu chúng bằng tình thương. Hãy hiểu là bạn không phải là cảm xúc của mình; cảm xúc là thứ bạn mang theo. Giống như tất cả những thứ khởi phát, cảm xúc có thể – khi bạn đã sẵn sàng – lắng lại.
Trong cuộc trao đổi của tôi với Jeshua, ngài đã nói về việc bạn có thể tức giận với linh hồn:
Đừng xem cơn giận là sứ giả của những sự thật đại loại như “linh hồn tôi đã lựa chọn sai lầm”; hãy xem nó là một sứ giả đến từ vùng tổn thương nhất của bạn. Hãy xem nó là một đứa trẻ cần bạn chú ý và chữa lành. Đừng lo lắng là cơn giận sẽ khiến bạn xa lánh linh hồn hoặc linh hồn sẽ bực bội vì điều đó. Tức giận là một cảm giác hết sức bình thường.
Hãy ôm đứa trẻ giận dữ này trong vòng tay và quan sát xem điều gì xảy ra. Bạn sẽ thấy là đứa trẻ ấy không chỉ giận dữ mà còn cô độc và buồn bã. Nó mong mỏi được bạn đồng hành và hướng dẫn. Sự chữa lành xảy ra trong phút giây mà bạn kết nối với đứa trẻ trong tim bạn. Nếu điều đó xảy ra, bạn đã đồng nhất với linh hồn của mình: Tình yêu chảy xuyên qua bạn và chữa lành bạn từ bên trong.
Hãy bắt tay với cơn giận; đừng chống lại nó. Vùng tổn thương của bạn cần cảm nhận năng lượng của một bậc cha mẹ có trí tuệ, dịu dàng và thấu cảm từ bạn.
Kháng cự
Cảm giác đau khổ xảy ra khi bạn kháng cự các cảm xúc như sợ hãi và giận dữ. Đó là những cảm xúc có thể dâng lên phản ứng với các sự kiện trong đời bạn. Câu châm ngôn “Bạn càng chống, nó càng sống dai” là có thật: Khi bạn chú tâm vào điều gì đó, bạn đang rút năng lượng của mình ra để tiếp vào cho nó, và chống cự là một dạng tập trung quyết liệt. Thế thì làm sao bạn có thể buông bỏ sự chống cự với những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi và tức giận để cho phép dòng suối chữa lành chảy vào thế chỗ?
Để làm được vậy, bạn phải hành động như khi không có những cảm xúc đó. Ví dụ, tôi cảm thấy rất sợ phải tiết lộ trong Lời tựa rằng tôi đã trải qua việc bị bạo hành khi còn bé. (Tôi cũng cảm thấy xấu hổ về chính vấn đề bạo hành.) Đối với tôi, đây là một việc hết sức riêng tư. Trước khi viết về nó, tôi cảm thấy việc làm này chẳng khác gì lột trần mình ra trước cả thế giới. Nếu tôi để cho nỗi sợ và cảm giác xấu hổ dẫn dắt, tôi đã không quyết định chia sẻ khía cạnh này của đời mình. Thay vào đó, tôi đã hỏi: “Bây giờ lòng can đảm sẽ ứng xử thế nào?” Tôi đặt mình vào vị thế có thể bị tổn thương bởi việc cởi mở theo cách này – có một nguồn sức mạnh trong tình trạng dễ tổn thương – và tôi cảm thấy sự tự trọng và tự tôn vì đã đối diện nỗi sợ và cảm giác xấu hổ của mình. Hơn nữa, phần lớn nỗi sợ và cảm giác xấu hổ giờ đây đã tự nhiên tan biến. Theo cách tương tự, các nhà ngoại cảm trong cuốn sách này đã rất cởi mở về một số thử thách mà họ đã trải qua. Chúng tôi không hề can đảm hơn các bạn đâu. Các bạn sẽ buông bỏ việc chống cự lại những tình huống và sự kiện trong đời mình bằng cách làm theo điều mà lòng can đảm bảo bạn làm.
Nếu bạn tin rằng bạn thiếu lòng can đảm, hãy nhớ rằng khi linh hồn bạn lập kế hoạch cuộc đời cho bạn, bạn có cơ hội để cho nỗi sợ khuất phục và để nói không với kế hoạch cuộc đời này. Với lòng can đảm của mình, bạn đã đồng ý với nó. Chỉ những linh hồn can đảm nhất mới chọn đầu thai trên Trái Đất. Bạn là một trong số những linh hồn này. Kế hoạch cuộc đời mà bạn đồng ý càng khó khăn thì bạn càng can đảm khi chấp nhận nó. Nếu bạn quên rằng mình đã can đảm thế nào thì quyển sách này sẽ giúp bạn nhớ lại.
Khi nỗi sợ dấy lên, hãy nhớ điều này: Bạn biết từ trước khi chào đời rằng cảm giác sợ hãi là một phần nổi bật trong khi bạn trải nghiệm đời sống trên Trái Đất. Hiểu nỗi sợ khi sống trong xác thân này là một phần của kế hoạch đã định sẵn. Và như vậy, xin hãy tin chắc rằng: Chỉ những ai can đảm mới lên kế hoạch cho cảm giác sợ hãi. Bạn cần có lòng can đảm để lên kế hoạch giải quyết nỗi sợ, cũng giống như giờ đây bạn cần có lòng can đảm để chuyển hóa nỗi sợ. Việc bạn tồn tại trong xác thân là một dấu hiệu cho thấy bạn có lòng can đảm cần thiết để chuyển hóa những nỗi sợ của bạn thành tình yêu thương. Khát vọng của bạn trong việc chuyển hóa nỗi sợ thành tình yêu thương là một trong những lý do vì sao bạn chọn lựa đầu thai vào thời khắc đặc biệt này của sự chuyển đổi tâm thức.
Chúng ta đến đây để chữa lành
Ở cấp độ căn bản nhất, thỏa ước trước khi chào đời của mọi người là như nhau: chấp nhận và chuyển hóa tất cả những năng lượng không hòa hợp (không yêu thương). Những năng lượng chúng ta chưa chuyển hóa từ bất cứ kiếp sống nào sẽ đến với ta trong kiếp sống này để chúng ta có thể chuyển hóa. Tất cả chúng ta đều đã yêu cầu được có cơ hội này từ trước khi chào đời; thật ra, đó là điều kiện tiên quyết cho việc sinh ra trong cõi vật chất vào thời điểm này. Vì thế, kiếp sống này có tầm quan trọng hàng đầu trong lịch vũ trụ. Chúng ta đến đây để hòa vào Nhất thể và bằng cách làm như vậy, sẽ chữa lành tàn dư của những năng lượng chưa được hợp nhất từ toàn bộ các kiếp sống của chúng ta, cả hữu hình và vô hình.
Khi chúng ta chống cự lại bất cứ khía cạnh nào của đời sống, chúng ta đang chống cự lại sự chữa lành. Sự tắc nghẽn trong một nhánh sẽ tạo ra sự tắc nghẽn cho mọi hướng. Sau cùng thì mục tiêu của mọi thử thách đời sống là như nhau: trao cho chúng ta cơ hội chấp nhận điều mà chúng cứ mãi chống cự. Cũng vậy, mọi thử thách đời sống được chữa lành theo cách tương tự: thông qua việc nhận ra sức mạnh của suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Trải nghiệm sống của chúng ta không được quyết định bởi kế hoạch định sẵn về cuộc đời mà bởi cách chúng ta đáp lại kế hoạch đó. Những lời đáp của chúng ta – tức là suy nghĩ, ngôn từ và hành động của chúng ta trong từng giây phút – tạo ra trải nghiệm và tiềm ẩn khả năng chữa lành của chúng ta.
Ngay ở đây, nhận thức về việc lập kế hoạch trước khi ra đời trở nên rất hữu ích và đem lại sự chữa lành. Khi chúng ta hiểu rằng chính ta đã lên kế hoạch cuộc đời mình thì chúng ta hiểu luôn có ý nghĩa và mục tiêu sâu sắc trong toàn bộ những điều xảy ra. Khi chúng ta hiểu luôn có ý nghĩa và mục tiêu sâu sắc trong toàn bộ những gì xảy ra thì chúng ta sẽ cực kỳ dễ suy nghĩ, trò chuyện và hành động theo những cách đầy yêu thương. Khi chúng ta đáp lại cuộc sống theo những cách đầy yêu thương, sự kháng cự trước đây của chúng ta trở thành sự chấp nhận, sự chấp nhận trở thành sự tiếp nhận, sự tiếp nhận của phát triển thành sự nâng niu, và sự nâng niu được chuyển hóa thành lòng biết ơn đối với những trải nghiệm đã khai mở trái tim và mở rộng linh hồn chúng ta.
Bạn đã hóa thân trên Trái Đất vào thời điểm này để chữa lành bằng cách thức tỉnh đầy ý thức về ký ức rằng mình là một linh hồn. Sự chữa lành xảy ra và được hoàn tất khi bạn thấy ánh sáng của linh hồn mình và hiểu rằng ánh sáng đó chính là bạn.