Những năm là phóng viên chiến trường, tôi vinh dự có dịp theo sát bước chân Quân Giải phóng trên những nẻo đường kháng chiến. Để vào chiến trường, tôi cũng phải cùng bộ đội vượt qua nhiều cung đường trên dải Trường Sơn, còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh...
Những năm là phóng viên chiến trường, tôi vinh dự có dịp theo sát bước chân Quân Giải phóng trên những nẻo đường kháng chiến. Để vào chiến trường, tôi cũng phải cùng bộ đội vượt qua nhiều cung đường trên dải Trường Sơn, còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh.
Nói đến Trường Sơn là nói đến gian khổ khôn cùng, là máu và lửa, là hy sinh… Kể bao nhiêu cũng không hết. Nhưng đường Trường Sơn hùng vĩ cũng để lại bao ấn tượng về cái đẹp của Tổ quốc giang sơn Việt Nam, của những con người ra đi để viết nên trang sử vàng.
Ai từng qua Trường Sơn đều biết, Trường Sơn không chỉ có máu lửa mà có cả hoa thơm bướm lượn. Bướm trắng Trường Sơn bay rợp trời cũng có mà bướm trắng Trường Sơn có khi còn là những tà áo bạc màu của các cô thanh niên xung phong trên những đoạn đường đang phải san lấp để bộ đội, xe cộ qua lại.
Vượt thác, băng ghềnh (năm 1972).
Đi chiến trường, tôi luôn ước mơ: Ngoài những bức ảnh chiến đấu khốc liệt, làm sao tôi ghi được cảnh đẹp của đất nước, những hình dáng, tư thế đẹp của người chiến sĩ và tôi cũng đã chụp được những bức ảnh: Hai chiến sĩ thông tin, một nam một nữ rải dây trên đỉnh núi mà hình bóng họ in lên vách đá thật lãng mạn; hình ảnh của chiến sĩ xe tăng mùa xuân ra trận không quên hái những cụm phong lan trắng muốt treo lủng lẳng trên sườn xe tăng; ảnh bộ đội dừng chân trên đường bất ngờ gặp đoàn dân công dân tộc Vân Kiều, họ cùng nhau múa hát tưng bừng bên cạnh đoàn voi thồ… Nhưng hôm nay, tôi muốn giới thiệu với các đồng chí một bức ảnh, một khoảnh khắc Trường Sơn mà khi chụp cũng như sau 40 năm, khi nhìn lại, trong tôi lại dâng trào cảm xúc khó tả. Khi ấy, đoàn quân nối đuôi nhau tiến bước bỗng phải dừng lại vì phía trước nước lũ đang dâng lên làm nghẽn lối. Mọi người còn băn khoăn không biết các chỉ huy sẽ xử lý ra sao. Bỗng từ phía sau, một tốp chiến sĩ nhanh nhẹn vượt lên, hình như họ là những chiến sĩ trinh sát. Tôi liền xách máy ảnh chạy theo. Họ đã đi mất hút. Mấy chục phút sau, phía trước mặt tôi có một khoảng sáng. Đó là nơi thác nước đang đổ ào ào và một vách đá tai mèo. Tôi lấy máy ảnh đưa lên định chụp một cảnh đẹp nhưng trước mắt tôi lại xuất hiện những chiến sĩ đang thoăn thoắt leo lên vách đá. Có thể họ là những chiến sĩ vừa nói tới. Tôi có cảm tưởng đang chứng kiến những động tác của người dơi hay người nhện mà mình đã xem trong các phim ảnh thời niên thiếu. Linh tính báo cho tôi biết, đây sẽ là chất liệu của một bức ảnh đẹp-một tác phẩm. Tôi sung sướng đến run người. Nhưng góc chụp và những nhân vật kia đang ở tình thế ngược sáng. Tôi lại là người mới vào nghề (chưa được hai năm), việc chụp ngược sáng cũng không phải dễ. Tôi phải xử lý nhanh vì diễn biến trước mắt sẽ không chờ mình. Mạnh dạn, tôi để tốc độ và ánh sáng sao cho hình người thì đen mà hậu cảnh thì sáng, thác nước tuyệt đẹp, mong được bức ảnh mà kỹ thuật chuyên môn gọi là ảnh xi-lu-ét (silouett).
Nhưng lúc ấy tôi cũng không tự tin lắm vì khẩu độ và ánh sáng (cửa chập) không khéo sẽ ra bức ảnh không theo ý muốn. Lúc ấy, gương mặt và trang phục đối tượng rõ thì bối cảnh sẽ không còn, mà bức ảnh này thành công là nhờ hai yếu tố: Con người và bối cảnh. Giới nghề ảnh chuyên môn thường nói: Có lúc ưa may hoặc trời cho, hoặc “tổ đãi” mới có được. Oái oăm thay, bức ảnh khi đem về tòa soạn, người duyệt đã không cho in để đưa vào mẫu. Nó bị loại vì người duyệt không chú ý đến tính chất ngược sáng của tấm phim, soi lên thấy nhân vật trong phim trong vắt, ông cho rằng đây là bức ảnh chụp thiếu sáng, không thể sửa được. Tôi lúc ấy là lính mới trong nghề, không biết nói sao, đành nhận lại từ sọt rác và đem về cất vào tủ. Mấy chục năm sau, khi tôi chuẩn bị xuất bản cuốn sách đầu tiên của đời mình, cuốn “Khoảnh khắc”, tôi đã tìm ra tấm phim đó và in mẫu. Thật bất ngờ, đó là bức ảnh đạt yêu cầu. Hình người thì đen đậm, tương phản với bối cảnh sáng rực rỡ là thác nước.
Trong Liên hoan Ảnh báo chí thế giới tại Pháp cuối năm 2014, bức ảnh được treo trân trọng và tạo sức hút đối với người xem. Một vài người hỏi mua. Và hôm nay, trong Triển lãm Ảnh chiến tranh tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (IDECAF, 24 Tràng Tiền, Hà Nội), nó cũng được khách tham quan, đồng nghiệp trong và ngoài nước dừng lại khá lâu so với những bức khác.
Bài và ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH