"Tỷ muốn ăn bánh đậu không?”
“Không muốn.”
“Tỷ muốn ăn kẹo Đường nhân1 không?”
1 Đồ chơi làm bằng đường, dùng đường loãng đổ thành hình người, chim thú, có thể chơi hoặc ăn.
“Không muốn.”
“Tỷ muốn ăn…”
“Tiểu tiểu thư, Thanh Thu chẳng muốn ăn gì cả.”
Thanh Thu dựa vào đầu giường trêu tiểu tiểu thư Vệ Vi của nhị phu nhân. Cô bé này không thông minh tinh quái như mẹ mình chút nào, ngược lại còn rất ngây thơ, đôi mắt đen láy mở to hết cỡ nhìn nàng, trong đấy có một khao khát - khao khát đối với kẹo.
“Nhưng Vi Vi muốn ăn.”
Một người là họ hàng của nhị phu nhân, có tiền đồ, nhưng nàng không muốn có quan hệ gì với nhị phu nhân cả. Hơn nữa mấy năm nay nàng sống một mình vẫn rất ổn, nàng phải xem thế nào đã.
Nàng khẽ véo cái má bầu bĩnh của tiểu tiểu thư, an ủi cô bé: “Đợi Thanh Thu khỏi rồi sẽ làm cho tiểu thư ăn”.
“Ừm, được.” Cô bé chẳng ngồi yên được bao lâu lại nằm bò xuống cạnh giường, “Bao giờ tỷ khỏi?”.
“Sắp rồi.” Thanh Thu bị cô bé quấn lấy có chút động lòng, tĩnh dưỡng cũng lâu rồi, xương cốt sắp cứng cả lại, đúng là nên ra ngoài luyện tập.
“Thế là lúc nào?”
Thanh Thu và tiểu tiểu thư nói qua nói lại, thương lượng mãi, cuối cùng hứa hẹn bao giờ vết thương khỏi sẽ nấu năm bát canh chua ngọt, làm sáu miếng bánh mật ong, một bánh bao tai thỏ, ngoài ra còn phải đưa cô bé ra ngoài dạo phố mới coi như đổi lại được yên ổn. Tiểu cô nương thỏa mãn nắm tay a hoàn rời đi, để lại một mình Thanh Thu tiếp tục ngồi tựa đầu giường ngẩn ngơ.
Nàng không biết nên từ chối “ý tốt” của hai vị phu nhân thế nào, trong lòng đầy phiền muộn. Người ở thiện phòng thích nhất là mang tin tức đi trao đổi. Chẳng mấy ngày họ đã biết việc hai vị phu nhân đang tìm tướng công cho Thanh Thu, quận vương phủ vốn rất bình lặng, thoáng chốc đã dậy sóng. Trong phủ Thanh Thu vẫn luôn được mọi người quý mến. Ý muốn làm quản gia của mấy người trước kia bị lão quản gia gạt phăng bỗng nổi lên, lần lượt tìm cách gặp được quận vương phi hoặc nhị phu nhân.
Lão quản gia thở hồng hộc chạy tới tìm nàng: “Thanh Thu, hôm qua vương phi lại tìm cháu phải không?”.
Nàng vội rót chén trà cho quản gia: “Vệ thúc lo gì chứ, cháu có chạy mất đâu”.
“Là ta lo cho cháu, cháu định trả lời vương phi thế nào? Không thể nói thẳng là không muốn lấy chồng được, đúng không?”
Nhớ đến những lời đồn đại trong phủ, nàng như cười như không ngồi xuống, đáp: “Sai, ai nói cháu không muốn lấy chồng, chẳng phải từ lâu cháu đã muốn được gả vào nhà thúc, thúc quên rồi sao?”.
“Nói năng linh tinh, để dì Lưu Hoa của cháu nghe thấy, không chừng vặt sạch râu ta đấy.” Lão quản gia không có con, hai vợ chồng nương tựa lẫn nhau, bình sinh sợ nhất bị vợ vặt râu. Ông đưa tay lên sờ mặt lòng sợ hãi, “Chỉ là hỏi thôi mà, cháu muốn hại chết ta? Thật uổng công ta tận tâm tận lực nói giúp cháu”.
“Nói giúp? Thúc càng nói thì quận vương phi càng muốn tìm cách tống cổ cháu đi, ban trưa vương phi còn cho người tới thông báo rằng, ngày kia phải đến phủ thừa tướng, chỉ đích danh cháu đi cùng bà ấy.”
“Sao lại muốn cháu đi cùng?”
Nếu không phải vì nể sự chăm sóc lo lắng của lão quản gia dành cho mình ngày ấy, thì bây giờ nàng đã sớm vặt sạch chỏm râu hoa râm của ông rồi. Nhìn vẻ mặt nghi hoặc của lão quản gia, Thanh Thu bất lực đáp: “Thúc thật biết cách giả vờ, chẳng phải chính thúc đưa ra chủ ý thối ấy ư, đến phủ thừa tướng còn có thể làm gì? Nhất định họ đã sắp xếp trước rồi, để cháu và Khổng hàn lâm vợ vừa mất kia gặp nhau, tốt nhất là ghép đôi ngay tại trận”.
“Cháu ghét công tử ấy đến thế ư? Thực ra người ta lớn tuổi hơn cháu, nhất định sẽ chăm sóc cháu thật tốt, cháu không còn nhỏ nữa, cũng phải xuất giá, đúng không?”
“Ai nói nữ tử nhất định phải xuất giá, cháu sống thế này rất ổn.” Nàng chưa từng nói không lấy chồng, nhưng tình hình bây giờ khiến nàng không muốn gả đi nữa, cái gì mà lớn tuổi như vậy chưa thành thân, là lỗi của nàng chắc?
Lão quản gia thở dài khuyên nhủ: “Bất luận thế nào chuyến đi ngày kia cháu cũng phải nhận lời, sống trong nhà người ta, không thể không cúi đầu, quận vương phi cũng là có ý tốt, cứ đi đi”.
Người ta có ý tốt, nàng phải nhận lời sao? E là cuối cùng nàng phải gã cho cái vị Khổng hàn lâm kia, mới xứng với ý tốt của quận vương phi. Không nói tới những chuyện khác, chỉ riêng việc người này trước kia có quan hệ với tiểu tử nhà họ Cao thôi, nàng đã thấy không thoải mái rồi. Phàm những ai có quan hệ với nhà họ Cao, nàng đều lập tức tránh xa, không muốn vì người đó mà trong lòng không vui. Làm đầu bếp trong phủ quận vương cũng chẳng phải việc gì quá ưu tú, cùng lắm nàng không làm nữa. Nếu không phải có cơ duyên ngẫu nhiên, thì nàng định mở một phường đậu phụ nho nhỏ, duy trì kế sinh nhai là được, việc gì phải lưu lại đây mà sống với nỗi lo không biết tâm tư người khác thế nào, nghe người ta sai bảo?
Nàng vừa mới hé lộ ý định cho lão quản gia nghe, ông đã lập tức mang chuyện về nhà, mách với dì Lưu Hoa. Từ sau khi cha nàng mất, chẳng ai có thể nói được nàng, chỉ có dì Lưu Hoa còn khiến nàng phải suy nghĩ đôi chút. Đây là người duy nhất trên thế gian này được coi là người thân của nàng, phu thê ấy cũng coi nàng như con gái. Trông dì Lưu Hoa mới chỉ năm mươi, nhưng trước mặt tướng công lại vô cùng đanh đá, rất biết cách xử lý Thanh Thu. Bà chỉ cần làm bộ khóc lóc thảm thương, kể lể việc mẹ nàng mất sớm, cha nàng không dạy dỗ nàng tốt, cuối cùng nàng rơi vào cảnh chẳng ai cần, rồi đổ hết lên đầu bà. Dì Lưu Hoa đòi sống đòi chết, Thanh Thu sẽ lập tức mềm lòng, cam đoan sẽ ở lại quận vương phủ làm trâu làm ngựa cho người ta sai khiến. Chẳng phải chỉ bảo nàng đi gặp nam tử hay sao, bảo nàng đi gặp nữ tử nàng cũng đi ngay.
Đến ngày hôm ấy, quận vương phi thương nàng trên người còn đang bị thương, đặc biệt chuẩn bị cho nàng một chiếc kiệu nhỏ. Thanh Thu cảm khái, thì ra quận vương phi vẫn nhớ mình đang bị thương, xem ra không đợi được muốn tống khứ nàng đi lắm rồi, vết thương còn chưa lành đã muốn nàng đi xem mặt. Khi ra khỏi cổng, nàng cố ý quấn thêm hai vòng vải trắng quanh cổ, chỉ nói là mùa hè trời nóng nực, vết thương tái phát, mùi cao nồng quá, không thể không làm thế.
Theo phong tục của Nam Vu, nam nữ đi xem mặt không được nhìn chính diện, sau khi được bà mối giới thiệu, một ngày nào đó hai người sẽ đến nơi đông đúc, đứng từ xa nhìn nhau một cái. Nữ tử xấu hổ, đa phần chỉ ngẩng đầu liếc nhanh người kia, còn chưa nhìn rõ người nào mới là người mình sẽ thành thân, đã quyết định rồi.
Phủ thừa tướng cách phủ Hiền Bình quận vương khá xa, họ xuất phát từ sáng sớm, đi nửa canh giờ mới tới nơi. Ngồi trong kiệu, Thanh Thu rất buồn ngủ, lại lắc lư suốt quãng đường dài, khi xuống kiệu hai chân đã mềm nhũn, mặt trắng bệch. Nói cho cùng thì sức khỏe chưa hồi phục hẳn, nàng thầm oán hận trút hết bực tức lên người Khổng hàn lâm mà mình sắp gặp mặt.
Khổng Lương Niên là học sĩ hàn lâm nổi danh ở nước Nam Vu, mọi người đều nói người đó thi thơ uyên bác. Y thường cả năm chỉ mặc áo bào màu lam của hàn lâm viện, tóc búi cao đầu đội quan ngọc, cư xử điềm đạm đúng mực, ai gặp cũng phải khen. Chỉ đáng tiếc thê tử của y bạc mệnh, chưa làm tròn lời thề sống tới đầu bạc răng long đã bệnh mà mất. Khổng Lương Niên vốn là môn sinh được Tống thừa tướng quý nhất, rất được thừa tướng xem trọng, đến cuộc sống của y, ông cũng rất quan tâm, sợ y không có người sớm hôm chăm sóc, nên mới sốt sắng giục y tái giá.
Lúc này Khổng Lương Niên đang ngồi nghiêm chỉnh trong phòng nhỏ của phủ thừa tướng, đợi xem mặt một nữ tử.
Nữ nhi đó tên Thanh Thu, mấy năm trước đã từng gặp một lần, khi ấy y vừa lấy vợ, nàng còn nhỏ, là vị hôn thê của một bằng hữu. Giờ gặp nhau, lại là vì hôn sự, thật khiến người ta muôn phần bối rối. Mấy hôm trước nghe nói nàng bị thương, cũng cho người mang quà tới, nhưng không biết bây giờ thế nào.
Còn Thanh Thu tới bái kiến thừa tướng phu nhân trước, đón nhận những cái nhìn thăm dò đánh giá của bà ấy.
Thừa tướng phu nhân xuất thân danh giá, bây giờ chồng vinh vợ quý, cũng được Cáo Mệnh2. Bà nghĩ rất xa, nếu sau này con đường làm quan của Khổng Lương Niên rộng mở, người bên gối xuất thân không môn đăng hộ đối thì thật đáng ngại biết bao. Nữ tử trước mặt dung mạo cũng xinh đẹp đoan trang, nhưng thận phân thấp. Không biết tại sao quận vương phi lại nhất định giới thiệu cô ta, những nữ tử có gia cảnh tốt bên ngoài còn rất nhiều, nếu không phải vì nể mặt quận vương phi, thì bà không bao giờ đồng ý để Khổng Lương Niên gặp nữ tử này.
2 Cáo Mệnh: Phụ nữ được phong hiệu.
Trước buổi gặp mặt hôm nay, bà đã hỏi qua ý của Khổng Lương Niên, tốt nhất là y hãy từ chối, như thế cũng dễ dàng ăn nói với quận vương phi hơn, ai ngờ Khổng Lương Niên lại đồng ý ngay, dường như không thể đợi thêm được nữa.
Một quản gia thiện phòng, cho dù là quản gia thiện phòng trong phủ quận vương, cũng chỉ là kẻ nhóm lửa nấu nướng, có gì đáng gặp?
Thừa tướng phu nhân hỏi Thanh Thu mấy câu, rồi khéo léo bảo nàng đi tới gian phòng bên cạnh.
Ở đó sớm đã có một nam tử đợi nàng, tuổi gần ba mươi, trên khuôn mặt tuấn tú phảng phất vài nét ưu tư, đủ để khiến người khác vừa nhìn đã ưng. Ấn tượng lần gặp gỡ từ mấy năm trước khá mơ hồ, chỉ có điều đây là lần xem mặt đầu tiên trong đời nàng, chắc chắn sẽ kết thúc trong thất bại.
Đầu tiên nàng kháng cự việc xem mặt này từ tận đáy lòng, người ta xem mặt chỉ là đứng từ xa nhìn một cái, tại sao nàng phải ở riêng với đối phương trong một căn phòng? Mặc dù cửa phòng để mở, người hầu kẻ hạ đi qua đi lại đều nhìn thấy, nhưng cái việc đáng xấu hổ nhường ấy lại do một tay người khác thao túng mà thành, nàng chẳng khác gì con bò bị người ta ấn đầu xuống uống nước? Hay ai cũng cho rằng chuyện nam nữ không cần đề phòng nàng với Khổng Lương Niên?
Thứ hai, Khổng Lương Niên và tiểu tử đoản mệnh họ Cao kia có quen biết, nàng lấy ai chứ quyết không lấy y, việc này chắc chắn là không thể.
Nam - từng thành thân, nữ - bà cô già, củi khô gặp lửa lớn, tài tử gặp giai nhân, chắc chắn sẽ thành một giai thoại… Cùng Tống phu nhân vào trong phòng thưởng trà trò chuyện, quận vương phi càng nghĩ càng hài lòng. Về phần bà, có thể gạt phắt khả năng quận vương đa tình động lòng với nữ tử kia, với thừa tướng phu nhân, lại có thể cùng chia sẻ ưu sầu lo lắng, thật là vẹn cả đôi đường.
Đáng tiếc, hai người trong phòng chếch chếch bên cạnh lại không nghĩ như thế. Quả nhiên Khổng Lương Niên vừa mở miệng hỏi thăm cuộc sống của nàng có tốt không, không đợi y nhắc đến người và việc của vài năm trước, Thanh Thu đã không khách sáo đáp: “Nếu Khổng hàn lâm còn nhớ tới chút tình khi xưa, thì xin hãy nói với thừa tướng phu nhân rằng, ngài thấy Thanh Thu không vừa mắt, được không?”.
Khổng Lương Niên rất bất ngờ, nhìn vẻ mặt vô cùng kiên quyết của nàng, có chút thất thần. Mấy năm trước hai nước giao chiến, Nam Vu nhất thời thua trận, ba vạn quân đóng ngoài biên ải vừa chết vừa bị thương quá nửa, trong thiên hạ không biết bao nhiêu gia đình đau đớn xót xa. Người nhà họ Cao khi ấy vì quá đau lòng, không quan tâm gì đến Thanh Thu đã được đính ước, lúc cha nàng qua đời cũng chẳng thấy tăm hơi họ đâu. Xuất phát từ đạo nghĩa bằng hữu, bàn bạc với thê tử xong, y cũng định tới thăm nom chăm sóc, không ngờ nàng mấy lần đều đóng cửa không gặp. Sau đó Thanh Thu chịu tang cha liền ba năm để lỡ mất tuổi xuất giá, chắc chắn trong lòng căm hận, nên đến y nàng cũng quyết đẩy ra xa mình ngàn dặm. Sau này nghe ngóng hỏi thăm được rằng nàng đã vào phủ quận vương làm quản gia thiện phòng, Khổng Lương Niên mới yên tâm phần nào.
Từ hơn tháng trước, thừa tướng phu nhân đã nhắc tới mối hôn sự này với y, trong lòng Khổng Lương Niên chưa từng suy nghĩ nghiêm túc về việc này. Ái thê vừa mất, chẳng còn tâm trạng làm gì, nếu là người khác, y đã từ chối từ lâu, nhưng người con gái trước mắt lúc này khiến y chẳng cách nào cự tuyệt.
Ánh mắt y lại rời đến miếng vải trắng quấn quanh cổ nàng, không biết vết thương nặng tới mức nào, mà quấn chặt thế kia.
“Thanh Thu… ta chỉ muốn chăm sóc cho nàng.” Nhớ tới trước kia, y luôn có cảm giác phải thay bạn thân làm tròn nghĩa vụ.
Còn nàng lại khóc không được cười chẳng xong, có kiểu chăm sóc người khác như thế này sao? Nhìn khuôn mặt đậm chất thư sinh của y, không chừng đang muốn tìm một nương tử về chăm sóc cho mình cũng nên?
“Khổng hàn lâm khách khí rồi, Thanh Thu chẳng thiếu ăn thiếu mặc, cần gì ngài phải chăm sóc cho Thanh Thu?” Thấy y bối rối không biết nên nói thế nào mới phải, ngay sau đó nàng hỏi dồn: “Thanh Thu nghe nói phu nhân mới qua đời, Khổng hàn lâm ít nhiều cũng phải niệm tình phu thê, sao lại để người khác tự do sắp xếp xem mặt như thế? Trước kia Thanh Thu không có cơ hội được gặp phu nhân, nhưng biết phu nhân là người bạc mệnh, ai ngờ sau tình cảnh này lại càng khiến người ta thất vọng xót xa”.
Mấy câu nói của nàng khiến Khổng Lương Niên á khẩu câm lặng, một lúc lâu sau mới thốt nên lời: “Lương Niên và thê tử tương kính như tân, tâm đầu ý hợp, không ngờ nàng lại là người bất hạnh, sau khi nàng mất, trong lòng ta… rất buồn”.
Buồn tới mức thi thể của thê tử vừa khuất còn chưa lạnh đã vội đi xem mặt? Điều này khiến Thanh Thu nhớ đến một vị danh nhân đời trước, nổi tiếng vì tài thơ, từng làm một bài thơ để tưởng nhớ người vợ đã mất, đồng thời khi tới tảo mộ còn đốt bài thơ đó nhằm tỏ lòng nhung nhớ. Tình cảnh ấy thật đáng thương, bài thơ đó cũng được lưu truyền rộng rãi, thậm chí trở thành kiệt tác, nhưng không ai ngờ được rằng, khi tới tảo mộ, luôn có người thiếp đi cùng thi nhân kia. Thanh Thu rất khinh ghét loại người này, khi thê tử còn sống, ông ta đưa vợ đi khắp nơi để giới thiệu chính thức, sau khi khuất rồi còn vờ vịt hoài niệm nhớ thương.
Vì vậy mới nói, thi thư của một số người học nhiều năm cũng chỉ bằng con chó mà thôi. Nhưng bao nhiêu quy luật trên thế gian này đều đứng về phía nam tử, họ có thể tam thê tứ thiếp, có thể uống rượu dạo lầu xanh. Những tài tử có chút tiếng tăm còn có người hai tay dâng mỹ nữ tới cho mà dùng, tập tục như vậy, còn có những nhà giàu nuôi rất nhiều ca kỹ trong nhà, tặng qua tặng lại… Nàng không thể đổ hết lỗi cho Khổng hàn lâm được, ai bảo y là môn sinh được trọng dụng nhất của thừa tướng. Chuyện này chưa chắc Khổng Lương Niên đã nghĩ ra, nhất định là có người thay y làm chủ. Còn nàng, trong con mắt người khác, nàng thật quá đỗi may mắn, nếu không với thân phận là trù nương như nàng, sao có cơ hội tốt thế này.
Rốt cuộc thì người ta là hàn lâm mà, cho dù hai người có từng quen biết, cũng không thể quá thoải mái. Thế là Thanh Thu dịu giọng nói: “Khổng hàn lâm vẫn chưa hết đau thương, chi bằng chuyện hôm nay cứ quyết định thế đi, được không?”.
“Việc này… nàng rồi cũng sẽ phải xuất giá, ta…”, y viết thơ phú thì được, nhưng trong chuyện nam nữ lại không giỏi ăn nói cho lắm. Đối với Thanh Thu, y hoàn toàn không có suy nghĩ nào quá đáng, đối mặt với một nữ tử thốt ra những lời ép người thế này, y chỉ muốn bỏ chạy ngay.
Thanh Thu bất giác thấy lạ lẫm, văn nhân này, tính tình hiền lành lương thiện, sao bộ dạng lại như chắc chắn nhắm vào nàng như thế?
“Thanh Thu gả hay không gả, liên quan gì đến ngài?”
Y như có lời khó nói: “Duyên cớ bên trong không tiện nói với nàng, vài hôm nữa tự nàng sẽ hiểu”.
Hôm nay không hủy hôn sự này, thì hai tháng sau nàng chắc chắn sẽ phải thành thân. Nhìn Khổng Lương Niên trước mắt, Thanh Thu vô cớ nghĩ đến khuôn mặt của tiểu tử họ Cao. Người trong suy nghĩ của nàng sớm đã tan thành mây khói bay tới chín tầng mây rồi. Nàng nhất thời im lặng không trả lời.
Khổng Lương Niên bộ dạng ngập ngừng như định nói lại thôi, cuối cùng vẫn khẽ lên tiếng: “Ta tuyệt đối không có ý giấu giếm, một thời gian sau nàng sẽ hiểu thôi, Thanh Thu cô nương, nàng yên tâm, tất cả sẽ tốt lên thôi”.
Kiểu ra vẻ thần bí này chỉ càng khiến Thanh Thu thêm bực bội, cái gì mà sau này sẽ hiểu, nàng đanh mặt lại: “Không thể nói thì đừng nói, một câu không thể nói là gạt được sao, nói cho ngài biết, bà cô già này không dễ bị lừa đâu!”.
Khổng Lương Niên giật nảy mình, trước kia nữ tử này cũng có xuất thân khá tốt, người bạn thân của y thường khen nàng thông minh. Sao mới vài năm không gặp, nàng lại có thể thốt ra những lời thô tục như vậy?
“Thanh Thu…”
“Phiền ngài đừng gọi thân thiết như thế, ta với ngài đâu thân quen gì.” Nàng bưng chén trà lên nhấp một ngụm, đắng thật, phủ thừa tướng nhỏ nhen, tiếp đãi khách khứa mà dùng thứ trà hạ đẳng thế này, nàng không muốn ở lại thêm dù chỉ một khắc nào nữa.
Khổng Lương Niên như sợ nàng hỏi thêm điều gì đó, vội vội vàng vàng bỏ đi, Thanh Thu không gọi y lại được, đành quay người vào tiếp tục uống trà.
Định uống hết trà sẽ đi tìm quận vương phi báo cáo, nàng đang nhấm nháp hương vị trà thì bỗng một người vội vã đi vào, nói: “Lương Niên, ta vừa nghe nói huynh đến”.
Thanh Thu giật mình phì một tiếng, nước trà trong miệng phun theo kiểu tiên nữ rắc hoa, bắn hết lên người nam tử vừa xuất hiện
Cũng may nam tử đó phản ứng nhanh nhẹn, chiếc quạt trên tay xòe ra che trước mặt, nên mặt không bị dính trà. Nhưng bức tranh hoa mẫu đơn phú quý trên quạt bị trà thấm lên thành một vùng đen sì, xem ra không ổn rồi.
Hắn tức giận quát, “Ngươi có biết chiếc quạt này của ta bao nhiêu tiền không hả?”.
Thanh Thu ho sù sụ không ngừng, ấm ức đáp: “Ngài còn nói, đột ngột lên tiếng như thế, hại người ta sợ gần chết, chiếc quạt này bị hỏng là tại ngài”.
Hai người nhìn nhau bất giác thấy đối phương quen quen, nam tử chăm chú nhìn nàng hồi lâu, đột nhiên đổi giọng, người cũng khẽ nhướn lên: “Ngươi… là Thanh Thu cô nương, ta không nhận sai chứ? Thế nào, đi xem mặt tới tận nhà ta rồi à, thì ra, ngươi chính là người tới đây để gặp Lương Niên. Ha ha, con người huynh trưởng ta không tệ, tốt hơn nhiều so với thiếu gia phường nhuộm vải chứ?”.
Thanh Thu thầm kêu xấu hổ trong lòng, giờ đã nhớ ra người này chính là công tử áo gấm mà nàng gặp trong trà quán của nương tử Triệu gia. Rõ ràng hắn đang chế nhạo nàng đi xem mặt khắp nơi, thật đáng ghét vô cùng! Nhưng nghe khẩu khí của hắn, thì ra người này là công tử của nhà thừa tướng, nàng đành cúi đầu cụp mắt, cố trấn tĩnh để hành lễ, “Thanh Thu bái kiến Tống công tử, Khổng hàn lâm vừa ra ngoài, giờ có lẽ đuổi theo còn kịp”.
Tống Củng là nhị công tử của Tống thừa tướng, cả ngày thích nhất là đi loanh quanh ngoài đường, trêu đùa nữ tử, trông bộ dạng chẳng nghiêm túc chút nào. Nghe nàng nói thế, hắn lại đi tới trước bàn ngồi xống, cười đáp: “Không cần đa lễ, sau này ngươi và Lương Niên thành thân rồi, ta còn phải gọi ngươi một tiếng tẩu tẩu cơ đấy”.
Mặt nàng thoáng sầm lại, lắc đầu, luôn miệng nói không dám, rồi lại xin lỗi vì việc phun nước trà vừa rồi.
Tống Củng biết là nàng không cố ý, đành ném chiếc quạt đó lên bàn: “Biết chiếc quạt này của ta đáng giá bao nhiêu tiền không, trên quạt còn là bút tích của danh gia nổi tiếng, ta bỏ ra hàng trăm lượng vàng mới có được, ngươi đền nổi không?”.
Hàng trăm lượng vàng, sao hắn không nói là khuynh gia bại sản luôn đi? Hắn tưởng nàng là dạng nữ tử dốt nát chỉ biết đầu tắt mặt tối quanh năm, nên tùy tiện nói dối. Sao trên thế gian này lại có loại người như hắn chứ! Thanh Thu mở to mắt nhất thời không biết phải đối đáp thế nào, bộ dạng ngây ngốc.
Nàng không đền nổi, càng không muốn đền, nàng muốn hỏi đền bằng nụ cười hối lỗi có được không?
“Ngươi nói gì đi chứ?” Tống Củng không vội đi tìm Khổng Lương Niên, tò mò hỏi: “Trong thành Việt Đô này, nữ tử muốn gả cho Lương Niên không ít, ngươi có thể cạnh tranh được với bọn họ không? Hay là để ta giúp ngươi? Trông ngươi rất đáng thương, diện mạo không tệ, có điều tuổi tác hơi cao”.
Hắn thật lắm chuyện, một câu đã nói trúng nỗi đau của nàng, Thanh Thu biết loại công tử này ngày ngày chẳng có việc gì làm, chỉ loanh quanh nhàn nhã, văn không bằng Lương Niên, võ không bằng thế tử, nàng thật muốn nói cho hắn biết từ “xấu xa” viết thế nào.
“Thanh Thu phải tới phụng mệnh quận vương phi rồi, xin cáo lui trước.” Nàng không quen trêu đùa với người khác, trong lòng có chút buồn bực, định bỏ đi.
“Đừng đi vội, mẫu thân ta và vương phi vừa vào hoa viên rồi, lát nữa mới ra.” Nói rồi hắn rút ra một chiếc khăn tay phe phẩy quạt, bộ dạng nhàn nhã. Thanh Thu đột nhiên nhận ra, chiếc khăn đó viền thêu hoa màu đỏ, là vật nàng thường dùng, chắc chắn hôm ấy do lôi lôi kéo kéo với nương tử họ Triệu kia trong trà quán, nàng đã đánh rơi khăn tay mà không hay biết.
Thời này khăn tay của nữ tử không phải vật bình thường, là vật mang theo bên mình. Thanh Thu mặc dù biếng nhác, nhưng chiếc khăn tay này nàng vẫn tự thêu, chỉ trách hôm đó đã quá sơ suất, để rơi vào tay hắn, đành cố nén giận nói: “Tống công tử, cái đó hình như là của Thanh Thu”.
Tống Củng không phải cố ý ngày nào cũng mang theo chiếc khăn tay này bên mình, thật trùng hợp, vừa rồi vô tình nghe được tin Lương Niên huynh vào phủ xem mặt, hắn muốn tới xem náo nhiệt. Trước khi đi tiện tay vớ lấy chiếc khăn trong xấp khăn thấm mồ hồi mang theo, không ngờ bị phun trà khắp người, liền lấy ra lau, vừa hay nhận ra chủ nhân của chiếc khăn. Ngay lập tức thấy rất thú vị, hắn vung vẩy chiếc khăn trong tay, cố ý trêu nàng: “Cái gì của ngươi?”.
Thanh Thu hiếm khi đỏ mặt, khăn tay của nữ tử còn mang một ý nghĩa khác, chính là tặng cho tình lang làm vật đính ước. Chiếc khăn này rơi vào tay công tử đáng khinh bạc như hắn, không chừng sẽ xảy ra chuyện. Nàng chẳng nghĩ ngợi nhiều, thò tay định cướp lại, ai ngờ Tống Củng sớm đã có chuẩn bị, nhanh như trạch lẩn xa vài thước, cười ha ha rồi bỏ đi.
Thanh Thu chẳng còn cách nào, đành đi tìm quận vương phi trước, nàng không muốn bước chân vào phủ thừa tướng thêm một lần nào nữa!
Trên đường quay về, quận vương phi liên tục hỏi nàng có hài lòng không, nàng nghĩ đến lão quản gia, nghĩ đến dì Lưu Hoa, đành cười cười nói mấy lời vô thưởng vô phạt. Nói thật thì, quận vương phi không có ý hại nàng, có thể tìm được một nhân tài như Khổng Lương Niên, thật rất hợp với tâm nguyện của nhiều cô gái. Nhưng Thanh Thu có nỗi khổ không thể nói thành lời, thầm nghĩ nếu cứ ép nàng bằng được, thì nàng đành phải ra ngoài mở phường đậu phụ kiếm kế sinh nhai thôi.
Vừa nghĩ tới chuyện này, nhị phu nhân không biết nghe tin từ đâu, biết chuyện quận vương phi làm, vội sai Lục Châu tới gọi nàng. Bất đắc dĩ Thanh Thu đành tới Xuân Lê viện. Đến Xuân Lê viện, Thanh Thu thật muốn chết quách cho xong, nhị phu nhân lại học theo cách của quận vương phi, chuẩn bị sẵn một nam tử ở đó. Hắn chính là người họ hàng rất có tiền đồ mà nhị phu nhân từng nhắc đến với Thanh Thu, nàng cũng đành ngồi trò chuyện một lúc. Lần này thì hay rồi, không xem thì thôi, hễ xem mặt là xem liền hai đám.
Tâm trạng không vui, nhìn gì cũng thấy ngứa mắt, trước bữa tối đến gian bếp mà đã lâu nàng không bước chân vào, thấy người nào cũng không thuận mắt, Thanh Thu sa sầm mặt nổi cơn tam bành một trận mới cảm thấy dễ chịu hơn chút xíu. Sau khi bình tĩnh lại, nàng rút khăn tay ra phẩy phẩy làm quạt, lại nhớ đến chiếc khăn rơi công tử nhà thừa tướng đang giữ, muốn khóc mà không ra nước mắt, nàng đau buồn nghĩ: E rằng muốn làm tiểu nhân chạy vào bếp phát hỏa cũng chẳng được mấy lần nữa rồi.
Bếp trưởng cầm thực đơn hôm nay của thế tử tới gặp nàng bàn bạc, bữa trưa quản gia Thanh Thu không có trong phủ, hắn nhìn thực đơn chỉ có ba chữ “Mãn giang hồng”, chắc dễ làm, bèn bạo gan thử một lần, nhưng bị thế tử mắng cho một trận. Mãn giang hồng rốt cuộc là món gì? Cuối cùng hắn đã hiểu, muốn làm đầu bếp cho thế tử, không chỉ phải biết chữ, mà còn phải biết rất nhiều chữ mới được.
Thanh Thu cầm tờ thực đơn nhìn qua một cái, vị thế tử này được lắm, khẩu vị càng ngày càng quái dị. Mãn giang hồng, nhớ tới tối hôm đó hắn nói muốn đưa nàng tới phủ viện mới để hầu hạ mình mà phát bực, đảo mắt một vòng, Thanh Thu bỗng nảy ra một ý, khẽ cười: “Lâu lắm rồi không nấu ăn, giờ vết thương cũng tạm ổn, bữa tối của thế tử để ta làm, đảm bảo thế tử ăn xong sẽ giận dựng ngược tóc gáy”.
Bếp trưởng thấy Thanh Thu tràn đầy tự tin, thận trọng đi theo phía sau, đợi nàng trổ hết tài năng.
Từ khi Thanh Thu được thăng chức lên làm quản gia, rất ít khi nàng đích thân vào bếp làm cơm, cùng lắm mỗi dịp lễ tết làm một hai món cho quận vương và quận vương phi nếm, bởi vì mỗi lần nàng vào bếp, là phải đao to búa lớn.
Nhớ lại thời gian đầu khi mới vào vương phủ, quản gia bảo nàng làm một món ăn nhỏ. Nàng thong thả nhìn thực phẩm, nhanh nhẹn vấn tóc lên, sau đó rút từ trong tay áo một miếng vải trắng lớn quấn quanh đầu, không để lộ bất kỳ sợi tóc nào ra ngoài, rồi lại cầm một chiếc tạp dề màu trắng quấn quanh váy. Sau khi bọc người thật kín, còn dùng nước sạch rửa tay, lúc ấy nàng mới đi đến trước bếp, tất cả những hành động đó khiến mọi người đều hoảng sợ, luôn miệng kêu lạ. Nàng làm vậy là vì sợ dầu mỡ khói lửa bám lên người, nhưng cả ngày quanh quẩn trong bếp, làm sao có thể sạch sẽ thơm tho như trước kia? Cũng may một năm sau, Thanh Thu được lên làm quản gia, quy tắc đầu tiên mà nàng lập ra là, phàm bất kỳ ai vào bếp đều phải mặc tạp dề đặc biệt, che hết phía trước. Tạp dề ấy còn to hơn cả những chiếc tạp dề mà đầu bếp trước kia thường dùng, tới nay, xem ra ai cũng thích.
Hôm nay đương nhiên cũng phải trang bị gọn gàng mới ra trận, mọi người vội vàng đi tới phụ giúp, chỉ thấy nàng đứng nhìn thực phẩm nghĩ ngợi hồi lâu, rồi liên tục chỉ trỏ. Cá thì phải cá chép hồng, rau phải là rau dền đỏ, ngũ cốc phải là ngô, thịt phải là gà đen, thứ không thể thiếu nhất chính là gia vị.
Hôm nay món mà nàng phải phục vụ thế tử, chính là Mãn giang hồng mà hắn đã viết - món canh cá rau dền đỏ. Loại rau dền đỏ này, sau khi cho vào nấu canh nước sẽ có màu đỏ tươi, thêm cá chép hồng, chẳng phải là Mãn giang hồng ư? Chỉ là ở món cá thì phải tốn công hơn, hấp chín dùng đũa gỗ lọc thịt cá ra, bỏ vào chảo xào với gia vị thêm chút nước, cuối cùng bỏ ít rau dền đỏ. Khi món ăn được đưa ra màu sắc tươi rói, đựng trong bát bạch ngọc, thêm vài cọng rau thơm, vô cùng đẹp mắt.
Nhìn món canh cá rau dền đỏ thơm nức mũi, bếp trưởng và đám đầu bếp đứng bên cạnh không tiếc lời tán dương: “Quản nhiên là Mãn giang hồng!”.
Có đầu bếp hỏi: “Quản gia Thanh Thu, hoa tiêu1 cần bỏ nhiều thế này thật sao?”.
1 Hoa tiêu: Một loại cây tần bì gai của Trung Quốc, có vị cay, tính nóng.
“Trong phủ quận vương chúng ta thiếu chút đồ này chắc?” Mọi người lập tức lắc đầu không dám nhiều lời, thầm nghĩ: Không thiếu, nhưng tê chết người.
Thanh Thu đột nhiên như nghĩ ra việc gì đó, hỏi bếp trưởng: “Buổi trưa ngươi dùng cái gì để nấu Mãn giang hồng?”.
Hắn ngượng ngùng đáp: “… Ta làm canh bí ngô”.
Những tiếng “xì” đồng loạt vang lên, canh bí ngô không chỉ là kém bình thường nếu đem so với canh cá rau dền đỏ, mà là khác nhau một trời một vực.
Thanh Thu vẫn không ngừng tay, làm thêm hai món ăn nữa, một là gà nấu cốt măng3, hai là chân ngỗng lưỡi vịt ướp, nhìn vô cùng tinh tế, chẳng còn cách nào, thế tử thích nhất món này. Làm xong nàng lại sang một gian chứa đồ khác tìm rất lâu, toàn thân lấm bụi, cuối cùng cũng tìm ra một thứ.
3 Cốt măng: Phần măng đã bóc gần hết lớp ngoài, chỉ để lại phần lõi non bên trong.
Chỉ là mấy món ăn mà thôi, thật không đáng để mọi người bỏ hết công việc dang dở vây lại xem, thực ra là vì khẩu vị của thế tử quá kén chọn. Khi Thanh Thu cầm một cái túi nhỏ từ trong nhà kho đi ra, tất cả đều nhìn nàng chằm chằm, không biết nàng định làm gì. Thanh Thu trừng mắt nói: “Giờ là lúc nào rồi, còn đứng đây làm gì, không sợ lỡ giờ dùng cơm của các chủ nhân hay sao?”.
Lúc ấy mọi người mới trở về vị trí, bắt đầu bận rộn làm việc của mình. Thanh Thu cầm chặt thứ đồ trong tay, suy nghĩ mãi, ngắt ra một ít rắc vào trong bình trà, rồi lại nghĩ, bèn ngắt thêm một ít, thấy vẫn không đủ, nhắm mắt túm một vốc, thả vào bình trà, cho thêm ít đường, rót nước sôi, cuối cùng cũng xong.
Nàng đang định sai người đưa cơm cho thế tử, Hàm Yên vội tranh, lên tiếng trước: “Thanh Thu tỷ tỷ vất vả rồi, để muội đi đưa cơm”.
Nàng quét mắt nhìn quanh bếp, chẳng mấy khi Ngưng Vũ không ở đây, hai người bọn họ ngày nào cũng tranh giành việc đưa cơm cho thế tử. Có trời mới biết họ đi đưa cơm, hay là đi ăn cơm? Ai cũng bảo sắc đẹp có thể ăn, có lẽ hai người bọn họ nhìn thế tử rồi không cần phải ăn cơm nữa.
Thanh Thu đành giao cho nàng ta, rồi chỉ vào ấm trà thanh hoa dặn: “Đây là trà dành riêng cho thế tử, đừng làm đổ”.
Hàm Yên cười ngọt rồi đi ngay, thực ra tới đó chưa chắc đã gặp được thế tử, nhưng có thể đưa đồ ăn cho a hoàn tiểu đinh trong phòng thế tử.
Thanh Thu cởi tạp dề, bỏ khăn quấn đầu ra, thả tóc xuống, ra khỏi bếp thở phào nhẹ nhõm, được rồi, nàng thừa nhận, tim nàng vẫn đang đập rất nhanh, không sao bình tĩnh lại nổi. Nói là muốn để thế tử hài lòng, nhưng nàng đã lén giở trò trong đó, đồ ăn thì không có gì, cùng lắm món canh cá hơi tê, hơi nồng, chỉ có điều bình trà…
Bình thường Thanh Thu rất thích náo nhiệt, đặc biệt nghe mấy người thím làm trong bếp thì thầm rỉ tai nhau những chuyện đồn đại nàng thấy rất vui, thỉnh thoảng còn nói xen vào mấy câu, quốc thái dân an mà, bách tính nhàn rỗi chuyện phiếm qua ngày.
Hôm nay sự náo nhiệt trong thiện phòng không sao xua tan được cảm giác cô độc của Thanh Thu. Nàng ăn không thấy ngon miệng, nên chẳng đợi thiện phòng dọn cơm đã quay về phòng mình. Lần ra tay này khiến nỗi ấm ức cả ngày trong lòng nàng cũng tiên tan không ít.
Chầm chậm quay về phòng, trời đã nhá nhem tối, nàng thắp đèn, rót cho mình một cốc trà nguội, nhàn nhã uống xong, cuối cùng đứng dậy bắt đầu thu dọn tay nải. Thanh Thu vừa xếp vừa nghĩ, lúc này có lẽ thế tử đã dùng xong canh cá, uống xong bình trà hoa khoản đông1 rồi, sau đó… nàng sẽ phải đối mặt với một trận cuồng phong bão vũ, bị đuổi thẳng khỏi phủ. Ừm, thật tốt, thứ mà nàng muốn chính là kết quả ấy, không cần từ chối ý tốt của hai vị chủ nhân, lão quản gia và dì Lưu Hoa cũng không có lý do gì để trách cứ nàng không tiếp tục làm việc trong phủ nữa.
1 Khoản đông (Tussilago farfara) là một loại hoa thuộc họ Cúc.
Nghĩ đến đây, Thanh Thu bất giác đắc ý, hoa khoản đông là thực phẩm dùng làm thuốc, có tác dụng nhuận phổi giảm ho, tiêu đờm. Trước kia vào mùa thu nàng thường nấu cháo hoa khoản đông cho các chủ nhân trong phủ dùng, ai cũng khen ngon, chỉ là có điều cấm kỵ, tuyệt đối không thể dùng cùng hoa tiêu.
Hoa tiêu trong món canh cá rau dền đỏ hình như bỏ hơi nhiều. Còn hoa khoản đông pha trong bình trà cũng cho hơi nhiều.
Nàng biết hai thứ này kỵ nhau nhưng không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng, nên mới bạo gan yên tâm làm cho thế tử dùng. Ha ha, nghe nói ngoài biên ải thế tử ăn gió nằm sương, chắc chắn dạ dày đã được rèn luyện thành sắt đá, chỉ chút ít đó, chẳng hại gì.
Sống trong quận vương phủ hai năm, nàng tích lũy được rất nhiều thứ lặt vặt, chiếc trống bỏi mà tiểu tiểu thư để rơi ở chỗ nàng, hồng bao trong phủ phát mỗi dịp lễ tết, hộp đồ điểm tâm mà dì Lưu Hoa làm cho nàng. Mấy hôm trước bị thương, đồ bổ dưỡng mọi người tặng, thậm chí cả chậu hoa mà Hàm Yên, Ngưng Vũ tặng năm ngoái nhân ngày sinh của nàng, mặc dù chưa ra hoa, nhưng món nào nàng cũng không nỡ vứt đi, nhất thời có chút buồn phiền.
Ra khỏi vương phủ nàng còn nhà, lâu rồi không có ai ở, có lẽ chỉ cần quét dọn qua là được. Tiền bạc thì tiền công mấy năm nay đủ để nàng chi tiêu một thời gian, sau khi mở phường đậu phụ e rằng sẽ gặp khó khăn, nếu thực sự không thể trụ nổi, thì nhà lão quản gia kia chính là nhà nàng. Nàng tính toán đâu vào đấy, hoàn toàn chẳng lo lắng gì đến những chuyện sắp xảy ra, chỉ ngồi đợi người tới gọi.
Nào ngờ đợi mãi tới tận nửa đêm, Thanh Thu đang ngủ gà ngủ gật, mơ mơ màng màng không còn biết là canh mấy, đột nhiên bị những tiếng đập cửa làm cho tỉnh dậy. Nàng khẽ giật mình, thầm nghĩ: Đến rồi.
Đèn dầu sắp cạn, cả căn phòng tối om om, người đến đập cửa giục giã: “Quản gia Thanh Thu? Quản gia Thanh Thu!”.
“Đến đây.”
Nàng chỉnh lại xiêm y, đi ra mở cửa, thì ra là Liêu quản gia hầu hạ bên cạnh quận vương, đằng sau ông ta có mấy nam tử to khỏe, đi trước còn có cả a hoàn hầu hạ bên cạnh quận vương phi cầm đèn lồng dẫn đường.
Giọng Liêu quản gia có phần vui mừng trước hoạn nạn của kẻ khác, “Thanh Thu quản gia ngủ say, chắc không biết thượng phòng xảy ra chuyện, mời đi theo ta”.