Thuộc về một thế hệ thanh niên bị cuốn hút vào phong trào kháng chiến rộng lớn bao phủ khắp nước trong những năm 1940, Phạm Xuân Ẩn, đầu thập kỷ sau, lại dính chặt với các cuộc biểu tình chống chiến tranh vào tháng Giêng và tháng Ba năm 1950 ở Sài Gòn. Tiếp theo đó, ông được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch triệu tập ra chiến khu D là vùng kiểm soát của Việt Minh ở miền Nam. Là bạn chiến đấu ngay từ giờ đầu và là bác sĩ riêng của Hồ Chí Minh, bác sĩ Thạch mất năm 1968 ở tuổi 59 khi ông trở lại miền Nam bằng đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng đầu những năm 1950, ông không những chỉ huy vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn cả đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Ông Thạch muốn đào tạo Ẩn thành người đầu tiên trong mạng lưới tình báo chiến lược của Việt Minh. Nhiệm vụ đâu có dễ dàng! Không chống lại được sức ép của gia đình, nhiều thanh niên phải rời bỏ hàng ngũ kháng chiến sau một thời gian ngắn tham gia. Nếu có điều kiện, cha mẹ cho con đi học ở nước ngoài. Ẩn lúc này chưa phải là đảng viên. Để thuyết phục người chiến sĩ trẻ nhận công tác tình báo, bác sĩ Thạch phải rất khôn khéo. Phạm Xuân Ẩn không phải là người dễ bị thuyết phục. Sau này ông kể lại: “Chịu ảnh hưởng của truyền thống gia đình, tôi chúa ghét tình báo, đặc vụ hay cảnh sát. Khi còn trẻ, tôi đã nhiều lần bị cảnh sát bắt vì chống lại họ. Khi tôi tham gia biểu tình, tôi nhìn thấy cảnh sát đánh đập những người chúng bắt được. Vì vậy, khi người ta đề nghị tôi làm công việc tình báo, tôi không thích lắm. Làm sao tôi có thể làm cái nghề chó săn, chim mồi?”.
Bác sĩ Thạch chấm dứt cuộc trao đổi và nói rằng không thể thoái thác nhiệm vụ “cách mạng” giao phó. Ẩn đành chịu nghe ông. Chỉ còn lựa chọn cách thực hiện nhiệm vụ như thế nào mà thôi.
Người ta không thể vừa làm điệp viên lại vừa hoạt động chính trị công khai. Nếu tích cực tham gia biểu tình chống Pháp hay chống việc Mỹ ồ ạt đưa viện trợ quân sự vào miền Nam Việt Nam cho quân đội viễn chinh Pháp để tiếp tục chiến tranh thì có nguy cơ bị lộ mặt và bị tóm cổ, nhất là anh đã tích cực tham gia cuộc biểu tình lớn đưa tang Trần Văn Ơn bị cảnh sát giết hại trước đó.
Tháng Hai năm 1952, nhân dịp Tết Nguyên đán, ông nhớ rất kỹ: “Đó là năm Thìn, năm con Rồng”. Ẩn xin nghỉ phép một tháng ở Sở Thuế quan để vào “khu D” gặp bác sĩ Thạch. Người bác sĩ riêng của Hồ Chí Minh yêu cầu Ẩn cắt mọi quan hệ với phong trào sinh viên và mang một bộ mặt hoàn toàn khác. Anh chấp hành. Từ bỏ mọi hoạt động công khai, anh biến mình thành “một người Việt Nam trầm lặng”.
Cấp trên của Phạm Xuân Ẩn phải thử thách trước khi kết nạp anh vào hàng ngũ Đảng. Ông kể lại với tôi rằng ông “trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó là Đảng Lao động Việt Nam từ tháng Ba năm 1953, sau khi Stalin tạ thế ở Moscow”, và lễ kết nạp đã được tiến hành năm sau trong rừng U Minh, một căn cứ của Việt Minh ở miền đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, phải sau tám năm đi theo kháng chiến, ông mới vượt qua được thử thách để đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ông biết sự dấn thân này là vĩnh viễn, không có chuyện lùi bước. Lễ kết nạp chính thức do người phụ trách Đảng ở địa phương chủ tọa. Đó là Lê Đức Thọ, hai mươi năm sau, là người đối thoại với Henry Kissinger ở Paris. Trước đó, những người cộng sản đã trao cho Ẩn đọc chương trình của Đảng Lao động Việt Nam “bằng tiếng Pháp”, ông nhấn mạnh và không giấu nổi một nụ cười.
Vào thời điểm này, người Pháp đang dựng nên một quốc gia Việt Nam liên kết do Bảo Đại cầm đầu. Những sĩ quan người Việt trong quân đội Pháp đều thuyên chuyển sang quân đội non trẻ của quốc gia này, hình thành nên cái khung đầu tiên. Ẩn chưa làm nghĩa vụ quân dịch theo luật định lúc đó. Năm 1954, ông tự xoay xở xin được một chân ở TRIM - tên gọi tắt của cơ quan liên lạc ba bên giữa quân đội Sài Gòn, quân đội Pháp và phái đoàn viện trợ Mỹ. Ông nói rõ thêm: “Trong ban liên lạc này chỉ một mình tôi là hạ sĩ quan còn mọi người đều là sĩ quan cả”. Như vậy, ông luôn cặp kè với các sĩ quan phụ trách tương lai của Bộ tham mưu quân đội Nam Việt Nam, sau này sẽ nhúng tay vào các cuộc đảo chính quân sự để tranh giành quyền lực. Nhiều người trong đám này nhờ cậy đến vốn tiếng Anh của ông để hoàn chỉnh hồ sơ đi tu nghiệp ở các học viện quân sự tại Mỹ. Đó là trường hợp của Nguyễn Văn Thiệu, sau này là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa từ 1965 đến 1975. Ẩn chơi thân với viên phi công Nguyễn Cao Kỳ, sau này là Thủ tướng từ 1965 đến 1967 rồi Phó Tổng thống trong bốn năm. Cả hai người đều có chung một điểm, đó là thích nuôi chó. Phạm Xuân Ẩn thiết lập quan hệ cá nhân - trong khuôn khổ TRIM - với các nhân viên trẻ cựu CIA, sau này trong cuộc chiến tranh của Mỹ sẽ trở lại điều khiển cơ quan này. Sổ tay của ông ghi chép địa chỉ của họ bắt đầu dầy cộm lên từng tập.
Chỉ thị của cấp trên đưa xuống cho ông lúc này liên quan đến tin tức các cuộc di chuyển của quân đội Pháp, các phương tiện sử dụng và tính chất của viện trợ Mỹ, những kho xăng dầu. Ông nói: “Chẳng hạn như trước khi chết, tướng De Lattre de Tassigny năm 1951 đã sang Mỹ xin thêm viện trợ Mỹ. Kết quả của chuyến đi đó ra sao?”. Khi Việt Minh biết được một đơn vị viễn chinh Pháp sắp tham gia hành quân, Ẩn được giao nhiệm vụ tìm hiểu xem đơn vị đó sẽ có những phương tiện gì. Một vấn đề kép được đặt ra một cách gay gắt: Sau Hiệp định Genève 1954, quân đội Pháp sẽ rút về nước, ảnh hưởng của Mỹ sẽ thay thế rất nhanh ảnh hưởng của Pháp, làm sao bảo đảm an toàn tốt nhất và điều kiện làm việc của “điệp viên chiến lược” đầu tiên của Việt Minh? Có phải tiếp tục ở lại trong quân đội Nam Việt Nam không? Nếu không, có một bình phong nào tốt hơn không?
Mười Hương, một cán bộ của Đảng khẳng định đã tìm ra cách giải quyết. Vào thời gian đó, ông là cấp trên của Phạm Xuân Ẩn. Ông nói với Ẩn: “Nếu vẫn ở lại trong quân đội cố lắm cũng chỉ leo được lên cấp đại tá là cùng. Một đại tá không thể thu lượm được nhiều tin tình báo đâu. Còn nếu hoạt động như một chính khách thì trong bối cảnh rối ren này sẽ có lúc bị bắt. Vì vậy tốt nhất là làm báo! Làm báo cũng là làm chính trị nhưng không ai biết mình làm chính trị. Nhưng một khi trở thành nhà báo thì phải là nhà báo giỏi. Bởi vậy phải đi Mỹ học”.
Năm 1957, Phạm Xuân Ẩn ra khỏi quân đội Sài Gòn, nơi từ ba năm nay ông làm thư ký ở Nha chiến tranh Tâm lý. Không khí chính trị lúc đó ngột ngạt lắm. Hai năm trước đó, Washington đã áp đặt Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng. Dần dần được Mỹ ủng hộ, Diệm gạt dần những người của Cựu hoàng Bảo Đại, khi mà Cựu hoàng lúc này chỉ là một Quốc trưởng hữu danh vô thực vì luôn vắng mặt. Sống lưu vong ở Pháp, hậu duệ cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã bị phế truất sau một cuộc trưng cầu dân ý do Diệm giật dây vào tháng Mười năm 1955. Những sĩ quan bị coi là thân Pháp thích sang tị nạn ở Pháp hơn là ở lại trong nước phục vụ chế độ Diệm, nhưng cũng có nhiều người khác chịu cúi mình đi theo Diệm.
Tháng Bảy năm sau, Sài Gòn bác bỏ việc tổ chức Tổng tuyển cử như Hiệp định Genève dự kiến. Phía Nam vĩ tuyến 17, đường ranh giới phân chia Nam - Bắc, một chế độ cảnh sát dần dần được dựng lên dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, một viên quan lại cũ theo Công giáo của triều đình Huế, và em ông ta là Ngô Đình Nhu. Một người em nữa là Ngô Đình Cẩn mà ông Ẩn biết khá rõ làm mưa làm gió ở miền Trung. Viện trợ quân sự của Mỹ giúp trang bị và hình thành quân đội Nam Việt Nam nay gọi là Việt Nam Cộng hòa. Diệm tiến hành một cuộc thanh trừng gắt gao chống lại Cộng sản và mọi phần tử liên kết với Cộng sản tiếp theo cuộc tiêu diệt chống giáo phái và các tổ chức ngầm đã ủng hộ Bảo Đại.
Nhiều cán bộ Việt Minh đã tập kết ra Bắc cũng như hàng vạn người miền Bắc mà chủ yếu là giáo dân đã di cư vào Nam, tạo thành cơ sở chống cộng của chế độ Diệm. Hà Nội chờ đợi nhưng không ảo tưởng nhiều lắm, xem Hiệp định Genève có được thi hành không. Việt Minh chỉ để ở miền Nam những tiểu tổ và tạm rút vào bí mật - họ gọi là điều lắng, nghĩa là điều động đi địa phương khác, nằm im không hoạt động một thời gian. Bản thân miền Bắc cũng có những khó khăn của mình. Tại đây đã diễn ra cuộc cải cách ruộng đất, mà họ gọi là chỉnh đốn tổ chức ở nông thôn, đấu tranh chống hữu khuynh, các phần tử chống Đảng trong các tầng lớp trí thức thành thị, đã gây ra những xáo trộn sâu sắc và mất ổn định chính trị trong một thời gian dài, nghiêng về các thế lực cứng rắn kiểu Stalin.
Việc trở lại cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam và thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được quyết định ở Hà Nội từ năm 1959 nhưng chỉ được công khai vào năm sau. Năm 1962 mới tái lập Bộ chỉ huy quân sự miền Nam. Trong lúc đó, những đảng viên cộng sản ở lại tại chỗ và rút vào bí mật ở miền Nam khoảng 60.000 người, theo ước tính của Hà Nội, đều đặt trong tình thế bị uy hiếp nặng nề. Nguy cơ bị tố cáo rất lớn. Ông Ẩn nhấn mạnh: “Ở Sài Gòn, 80% cán bộ Đảng bị cầm tù hay thủ tiêu. Cũng có thể nói các mạng lưới của họ cũng bị vỡ hàng loạt”.
Đối với Phạm Xuân Ẩn, nhiệm vụ ưu tiên lúc này là tìm cách đi Mỹ học làm báo. Cũng không phải là dễ. Để cấp thị thực đi du học, người Mỹ điều tra nhân thân rất kỹ. Ẩn phải chứng minh là có một lý lịch trong sạch, thế mà ông lại có cô em út ở miền Bắc. Ông Mười Hương quyết định là Ẩn phải giấu chi tiết đó đi. Nếu người Mỹ hỏi thì cứ một mực khai là không biết tí gì về người em gái đó. Người Mỹ không hỏi gì và vì Ẩn nói thạo tiếng Anh nên được cấp thị thực ngon lành. Chỉ có chi phí cho chuyến đi và ở lại học là khó khăn hơn cả. Ẩn cố sức dành dụm thì cũng chỉ đủ mua vé khứ hồi. Anh phải tự xoay xở thêm. Mai Chí Thọ, em út Lê Đức Thọ5, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã giúp Ẩn gom đủ số tiền. Trước khi lên đường, Ẩn vào bệnh viện thăm cha vừa kịp lúc ông đang hấp hối trên giường bệnh. Làm ma cho cha xong, Ẩn lên đường.
5 Mai Chí Thọ có tên thật là Phan Đình Đống còn ông Lê Đức Thọ có tên thật là Phan Đình Khải.
Cấp trên quyết định Ẩn phải ở lại Mỹ học trong bốn đến sáu năm cho đến nơi đến chốn, nhưng anh chỉ ở lại được hai năm. Anh cư trú tại khu đại học ở quận Cam, bang California và là “người Việt Nam đầu tiên” ở đây, ông vừa cười vừa kể lại. Đúng vậy, sau năm 1975, quận Cam đã trở thành một “Sài Gòn nhỏ” (Little Saigon) của dân di cư người Việt đa phần là chống Cộng sản. Đến nay đã có tới 150.000 người Việt Nam định cư ở đây. Ẩn hết cả tiền để dành. Để tiếp tục có tiền theo học, anh tìm được một chân dạy tiếng Việt tại một trường quân sự Mỹ.
Làn sóng thanh trừng Cộng sản tiếp tục ở miền Nam Việt Nam. Nhiều đồng chí của Ẩn đã bị bắt giam. Chính ông Mười Hương cũng bị rơi vào lưới bủa vây của cơ quan an ninh. Ẩn biết được tin này nhờ bức thư viết bằng mật mã của người em ông đang bị giam tại nhà tù của Diệm. Có lẽ em ông cũng cho biết cuộc khởi nghĩa sắp được phát động. Ẩn đã rút ngắn thời gian lưu trú ở Mỹ.
Năm 1959, khi trở về Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã ba mươi hai tuổi. Lạ nước, lạ cái, không còn ai quen biết, khi máy bay hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất, ông vô cùng lo lắng: “Liệu nhân viên an ninh có thể chộp mình khi từ trên máy bay bước xuống?”. Nhưng không xảy ra chuyện gì. Và suốt tháng sau ông vẫn sống yên ổn tại nhà mẹ để tìm hiểu xem mình có đang bị giám sát, theo dõi không. Ẩn cũng không biết Đảng có biết rằng ông đã trở về không và làm sao bắt liên lạc với các đồng chí trong lưới còn sống hoặc đang nằm yên trong nhà tù. Ông thận trọng chờ cho lưới chủ động trước. Trong khi chờ đợi, ông muốn tìm hiểu thêm thái độ của chế độ Sài Gòn đối với ông ra sao nên đến thăm bác sĩ Trần Kim Tuyến, là người mấy năm trước được CIA giúp đỡ, đã lập cơ quan tình báo gọi là “mật vụ” của chế độ Sài Gòn.
Bác sĩ Tuyến, hồi đó được mệnh danh là ông đốc-tờ “nhỏ thó” vì tầm vóc thấp bé, là một người tính tình vồn vã, dễ gần, cặp mắt tinh nhanh. Tôi đã được ông Ẩn giới thiệu làm quen trước khi chiến tranh kết thúc.
Tuyến là người mạnh mẽ, theo đạo Thiên Chúa, gốc miền Bắc, tính hay tò mò để ý đến chuyện người khác, lúc nào cũng tươi cười, đôi khi ăn nói ngọt xớt nhưng cũng mất nhiều thiện cảm trong khi làm không ít người phải sợ hãi. Năm 1959, mặc dù có thái độ dè dặt đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em rất có thế lực là cố vấn Ngô Đình Nhu - lúc này đã trở nên mất lòng dân và xa rời thực tế - nhưng bác sĩ Tuyến vẫn là trùm đặc vụ của chế độ, rất thân cận với Tổng thống Diệm.
Năm 1957, với tư cách ấy, ông Tuyến đã giúp Phạm Xuân Ẩn hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để được phép rời Việt Nam đi Mỹ du học. Vậy nên việc Ẩn khi từ Mỹ trở về theo phép lịch sự đến thăm Tuyến không thể dấy lên những mối nghi ngờ dù nhỏ nhất. Ông Ẩn còn nhân dịp đó thăm dò tình hình thử xem “đối phương” có ý tứ gì với mình không, dù Trần Kim Tuyến không phải là hạng người dễ bộc lộ suy nghĩ của bản thân.
Ông đốc-tờ “nhỏ thó” đó đề nghị Ẩn làm việc cho ông ta và để che mắt người khác, xin cho Ẩn một chỗ làm tại Việt Tấn xã - cơ quan thông tấn chính thức của chế độ Sài Gòn - vì ông đã được đào tạo có bài bản về nghiệp vụ báo chí ở Mỹ. Cuộc đời lắm chuyện éo le và đó thật sự là một cơ hội hiếm có đối với ông Ẩn. Ẩn được đề nghị chọn nghề làm báo để nắm tình hình mật, nhưng chủ động đưa ra lời đề nghị làm việc lại là chế độ Sài Gòn chứ không phải các đồng chí cộng sản của ông - những người đầu tiên nghĩ ra mưu kế này. Ông tự nhủ nếu Văn phòng Tổng thống bật đèn xanh để tuyển dụng ông thì điều đó có nghĩa là ông được bình yên vô sự, giữ kín được tung tích của mình. Thế là ông nhận lời. Vì Phủ Tổng thống không nói gì nên Phạm Xuân Ẩn được đưa lên làm nhân viên mật vụ cho Dinh Độc lập, tức Phủ Tổng thống ở Sài Gòn.
Được sự che chở của cấp cao, Ẩn đã đặt chân được vào giới báo chí ở Sài Gòn. Thật là kịp thời, vì sau đó Tuyến bị thất sủng do có một mưu toan đảo chính bất thành năm 1960. Ông Ẩn nhớ lại: “Tuyến đã được cử đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Ai Cập nhưng Abdel Nasser - Tổng thống Ai Cập lúc đó không chấp thuận một cựu trùm mật vụ làm Đại sứ. Bị gạt ra rìa, Tuyến được chứng kiến sự tan rã dần dần của các lưới do mình lập ra trước đây”. Tháng Mười một năm 1963, một nhóm tướng tá do tướng Dương Văn Minh cầm đầu và được Đại sứ quán Mỹ ủng hộ đã lật đổ chính quyền và sát hại anh em Diệm - Nhu. Lần này, bác sĩ Tuyến còn bị gạt ra rìa xa hơn và sau khi nhóm tướng lĩnh đảo chính bị lật đổ vào đầu năm sau, tướng Nguyễn Khánh lên thay, Tuyến bị bắt giam mất mấy tháng. Vừa đúng lúc đó, Ẩn đã đứng vững chân trong vỏ bọc của mình. Thời gian làm ở Việt Tấn xã chỉ được một năm, nhưng Ẩn đã làm được nhiều việc. Ông quen biết với Nguyễn Thái, Giám đốc Việt Tấn xã, một trong số ít người đầu tiên tu nghiệp báo chí ở Hoa Kỳ. Trước đây, chính Thái đã có lần đề nghị Ẩn làm phóng viên thường trú của Việt Tấn xã tại Hoa Kỳ nếu muốn ở lại Mỹ sau khi học xong. Nay thấy Ẩn về làm việc cho Việt Tấn xã, Thái càng vui thích vì trong cơ quan có nhiều phóng viên học ở nước ngoài làm tình báo cho bác sĩ Tuyến, một con người ngạo mạn và lười biếng khiến Thái không ưa. Vì không thể chọc tức người đứng đầu cơ quan mật vụ, Thái giao cho Ẩn được toàn quyền giám sát những nhà báo đó. Sau khi vạch rõ cho Tuyến thấy sự uể oải của các phóng viên đó chỉ làm lộ công việc tình báo mà họ đã nhận làm, Ẩn đã chấn chỉnh và bắt họ làm việc nghiêm túc.
Vấn đề Việt Nam dần dần trở thành tâm điểm của thời sự quốc tế. Hãng thông tấn Anh Reuters ký thỏa thuận với Việt Tấn xã sử dụng chung một phóng viên làm việc cho cả hai bên. Phạm Xuân Ẩn được chỉ định đảm nhiệm vị trí này, chắc không phải do ngẫu nhiên nếu việc này gây nên lòng ghen tị của một số người. Bác sĩ Tuyến đồng ý để ông Ẩn không lĩnh lương của cơ quan mật vụ nữa, nhưng giữa hai người vẫn giữ quan hệ mật thiết với nhau như trước. Ẩn còn làm cho Việt Tấn xã một thời gian nữa và kể từ 1961, ông chỉ còn làm việc choReuters. Ngoài ra, thỉnh thoảng ông viết bài cho New York Herald Tribune và Christian Science Monitor.
Phạm Xuân Ẩn, thứ hai, bên trái qua, đang tác nghiệp như một ký giả chiến trường cho các hãng tin quốc tế. Ảnh: Tư liệu
Trong bảy năm trời và dường như vượt quá mong đợi, Phạm Xuân Ẩn đã đạt được mục tiêu do Đảng Cộng sản đề ra cho ông: học nghề làm báo và làm việc cho một tờ báo có thế lực của phương Tây. Mối quan hệ mật thiết giữa ông và trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, ít ra trong thời gian đầu, đã giúp ông có được tấm bình phong rất chắc chắn, không ai có thể đặt vấn đề nghi vấn. Trong thời gian ông đi học ở Mỹ, nhiều cơ sở tình báo cộng sản đã bị phá vỡ. Sau khi về nước, ông đã bỏ nhiều công sức để chắp nối “đường dây” với phong trào cách mạng nhưng không thành công. Cuối cùng, ông đã liên lạc được với “tổ chức” thông qua một người làm phó cho ông Mười Hương, trùm tình báo của Việt Cộng.
Tôi hỏi ông: “Hoạt động bí mật như thế có ảnh hưởng đến công việc trong nghề báo không?”.
- Không khi nào. - Ông giải thích. - Trong khi làm báo cáo gửi về Trung tâm cũng như trong các lần gặp gỡ, trao đổi với các nhà báo, tôi không bao giờ cảm thấy có điều gì trở ngại trong khi cùng một lúc phải đảm nhiệm hai loại công việc ấy. Trái lại, tôi lại thấy hai việc đó hỗ trợ cho nhau. Dù thế nào, tôi chỉ nói lên sự thật. Tôi không bao giờ nói dối với bất cứ bên nào.
Đối với một điệp viên, lợi ích của tấm bình phong báo chí phụ thuộc vào độ tin cậy của các tin tức và nội dung phân tích phù hợp với sự thật đến mức nào. Sự tín nhiệm của cả hai bên đối với ông Ẩn là ở chỗ ấy. Không một ai, kể cả của cơ quan CIA của Mỹ hay CIO của chế độ Sài Gòn lại có thể nghi ngờ rằng công việc được ông Ẩn thực hiện là do dụng ý xuyên tạc sự thật. Tại cơ quan báo Time, ông được hưởng quy chế full staff (đầy đủ quyền hạn) chỉ dành cho những nhà báo Mỹ đi làm việc ở nước ngoài.
Những bài phóng sự của Phạm Xuân Ẩn đăng trên tờ tuần báo Time có độ chính xác cao đến mức Robert Shaplen, phóng viên tờ The New Yorker đồng thời là người bạn chung của chúng tôi, phải tự hỏi không chút ghen tị rằng, đâu là do nguồn của Phạm Xuân Ẩn cung cấp. Để thỏa mãn tò mò và xóa tan mọi nghi vấn, một buổi sáng, ông Ẩn đánh xe đưa chúng tôi đi chợ chim và động vật cảnh, nơi ông thường xuyên lui tới, không những vì sở thích mà còn để mua thức ăn cho chim và chó của ông.
Nhiều năm sau, ông Ẩn giải thích cho tôi: “Tôi đã giải thích cho Bob (tức Robert Shaplen6) nếu chợ không bán châu chấu có nghĩa là vùng nông thôn, nơi sản sinh ra châu chấu đã bị Việt Cộng kiểm soát. Còn đến khi nào lại thấy châu chấu đem ra bán ở chợ, tức là vùng đó đã được quân chính phủ lấy lại. Đối với các giống chim quý hiếm và thú săn, tình hình cũng như vậy”.
6 Robert Shaplen (1917-1988), nhà báo, sử gia Mỹ có uy tín về vấn đề chiến tranh Việt Nam; tác giả của hai cuốn sách gây tiếng vang: The Road from War (tập hợp 22 bài viết về chiến tranh Việt Nam trên tờ The New Yorker từ 1965-1970) và The Lost Revolution là công trình bàn về cuộc chiến người Pháp và Mỹ gây ra tại Việt Nam kéo dài từ 1946-1965.
Điều đó xem ra chỉ là một bài học đơn giản về nghiệp vụ báo chí. Ông Ẩn đã giải thích cho Bob: “Trong một thành phố tràn ngập tin đồn, tốt nhất là phải đa dạng hóa các nguồn tin. Tạo lập được một mạng lưới cung cấp nguồn tin quả là một việc công phu, mất nhiều thời gian. Anh phải tỏ ra thẳng thắn, thật thà và phải bảo đảm an toàn cho người cung cấp tin. Phải giúp đỡ họ, phải cung cấp trở lại cho họ những tin tức người ta muốn biết. Phải năng mời mọc đi ăn trưa, ăn tối, tặng quà năm mới. Ở Sài Gòn, người ta quen giao du với nhau như thế mà!”.
Năm 1972, Robert Shaplen đưa lên các trang báo của tờThe New Yorker kể lại chuyến đi chợ chim bữa ấy, cho biết thêm, trên đường đi chợ về, Ẩn kết thúc câu chuyện: “Nhà báo giỏi là người moi được nhiều tin bổ ích vì anh có cơ hội và chỗ đứng có thể nghe được nhiều chuyện từ nhiều nguồn khác nhau”. Xem ra Bob cũng “tâm phục, khẩu phục” lắm, khi nghe Ẩn nói. Anh ta đánh giá Ẩn là “người Việt làm báo chăm chỉ nhất và được nhiều người kính trọng nhất”.
Phạm Xuân Ẩn được tin cậy đến mức sau chiến thắng của Cộng sản năm 1975, các nhà báo nước ngoài đều lần lượt buộc phải rời khỏi Nam Việt Nam, cơ quan báo Time do ông được giao phụ trách vẫn tiếp tục hoạt động cho đến một năm sau mới bị nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa. Năm 1989, Ẩn gặp lại Morley Safer khi ông ta trở lại Sài Gòn (nay được gọi là thành phố Hồ Chí Minh) là đồng tác giả của chương trình Soixante minutes (Sáu mươi phút) trên kênh truyền hình Mỹ CBS. Trong một câu chuyện riêng tư nhưng sau đó đã được Safer công bố, ông Ẩn kể rằng: “Cấp trên của tôi không bao giờ yêu cầu cắt xén các tin tức báo cáo về, vì như thế trước sau cũng sẽ bị lộ. Người ta luôn luôn nhắc nhở tôi không được làm điều gì tác hại đến công việc làm báo của mình”. Phạm Xuân Ẩn còn có một quan niệm rõ ràng về nghề làm báo. Ông nói vẻ trịnh trọng: “Nhà báo giỏi là những người giữ được các bản ghi chép của mình và phải tiếp tục tra cứu không ngừng”.
Trong phòng khách của ông đầy ắp sách báo và được xếp đặt ngăn nắp. Khi cần tìm tài liệu, đó là tháng Hai năm 2005, ông rút ra một bản sao về “sự bố trí lực lượng” của quân đội Nam Việt Nam đề ngày 11 tháng Mười một năm 1974, tức là chỉ trước khi Cộng sản quyết định mở cuộc tiến công chiến lược dẫn đến toàn thắng. Những con số đưa ra rất ấn tượng: “Trong quân đội Nam Việt Nam có gần một triệu lính chính quy, trên một triệu người bán quân sự trong đó trên một trăm nghìn cảnh sát và gần một triệu tự vệ chiến đấu. Không kể trang bị gồm máy bay tiêm kích, ném bom và hàng trăm máy bay lên thẳng”. Tuy nhiên, từ khi Buôn Ma Thuột thất thủ đến khi Sài Gòn đầu hàng chỉ có bảy tuần lễ! Phạm Xuân Ẩn vừa giở từng trang vừa nhắc lại: “Nixon muốn xây dựng quân đội Sài Gòn thành đội quân mạnh thứ năm trên thế giới”. Khi ông thu được bản tài liệu về “bố trí lực lượng” của quân đội Sài Gòn, ông đã không nhầm: “Đội quân mạnh thứ năm thế giới” đó chỉ tồn tại trên giấy cũng như trong đầu óc của những người lập ra nó.
Ông nói: “Trung bình hai ba tháng một lần, tôi đi báo cáo về ‘trung tâm’ đặt trong vùng Củ Chi nhưng không phải là nơi ngày nay người ta giới thiệu cho khách du lịch xem”.
Phần lớn chỗ gặp đó là ở Hố Bò, một khu rừng chỉ cách Sài Gòn hai chục kilômét về phía Tây Bắc. Ông thường vắng mặt vào ngày nghỉ cuối tuần, như vậy kín đáo hơn. Tại huyện Củ Chi cách Sài Gòn chừng ba chục kilômét một phần trồng cây cao su có một hệ thống địa đạo quanh co do các bộ phận của Bộ Tham mưu tiền phương của Cộng sản sử dụng. Ngày nay, chỉ còn một phần nhỏ được tu tạo lại để giới thiệu cho khách du lịch. Khi đi báo cáo cấp trên, ông Ẩn bao giờ cũng đi tay không, trong túi trống rỗng. Phải tính đến nguy cơ có thể bị chặn lại giữa đường, rất hiếm khi ông đem theo tài liệu mà do các giao liên chịu trách nhiệm. Họ có kinh nghiệm chuyển giao tài liệu hơn. Trong giới báo chí Sài Gòn, việc vắng mặt vài ngày ít có nguy cơ bị phát hiện vì phần lớn các phóng viên ra “mặt trận” đều đặn hoặc đi các tỉnh xa để lấy tin và tư liệu viết bài.
Phạm Xuân Ẩn đã hoạt động bí mật cho đến ngày chiến thắng vì ông có nhiều cách đề phòng tối đa. Chính tay ông lựa chọn rất kỹ các liên lạc và ông không lưỡng lự khi phải loại bỏ một ai đó do cấp trên dự kiến nhưng ông thấy không hoàn toàn tin cậy. Trong số 45 thành viên trong lưới cùng hoạt động với ông, hai mươi bảy người đã bị bắt hoặc bị sát hại. Ông tự nhốt mình trong phòng vệ sinh nhà ông để chọn lọc, mã hóa các tài liệu thu thập được. Nếu bị bất ngờ, ông có một khoảng thời gian đủ để tiêu hủy nhờ có những con chó becgiê Đức đã được ông huấn luyện và đặt chúng ngồi từ xa, cách nhau một quãng ngắn. Chỉ một dấu hiệu nhỏ khác thường, không cất tiếng sủa và chỉ gầm gừ nhỏ hay vẫy tai ra hiệu, là đủ để ông nhận ra có biến và tiêu hủy ngay tài liệu vào hố vệ sinh tự hoại.
Khi phải đi gặp liên lạc viên trong thành phố, điều mà ông hết sức tránh, ông phải tin chắc rằng ông và người đó không bị theo dõi và bao giờ cũng đem theo chó becgiê. Vợ ông đi sau, cách một quãng để nhỡ ông bị địch bắt là nó quay lại báo ngay cho vợ ông. Chỉ có vợ và mẹ ông biết ông hoạt động bí mật. Mọi người xung quanh không ai nghi ngờ điều gì. Ông không bao giờ giắt súng trong người, vả lại ông cũng không thạo sử dụng vũ khí vì chưa bao giờ được theo học một khóa huấn luyện quân sự nghiêm chỉnh. Cho đến khi nào được xác minh xong, ông cứ để cho tin đồn lan truyền rằng ông là một nhân viên tình báo CIA. Dù sao ông cũng rất biết Eduard Lansdale trong thời gian ông làm việc ở TRIM, sau này thăng lên cấp tướng. Lansdale được Phạm Xuân Ẩn gọi là “kẻ làm ra các ông vua” do ông ta là chuyên gia chống du kích và đã đóng một vai trò quyết định ở Philippines, chống cuộc nổi loạn của người Huk do Cộng sản chỉ đạo. Sau này, nhiều người Mỹ cũng đến hỏi ý kiến Phạm Xuân Ẩn về việc xử lý các mối quan hệ với người Việt sao cho tốt.
Chính ông đã duy trì khá lâu những phản xạ tự nhiên có được từ thời kỳ đó. Hai chục năm sau chiến thắng năm 1975 và căn cước của ông được công khai hóa, ông nói về Cộng sản cứ như ông không phải là người của họ. Ông thường bắt đầu bằng “Cộng sản nghĩ rằng”, và điều đó khiến một người bạn Việt Nam của ông đã vặn lại: “Tại sao lại nói thế? Anh không phải là Cộng sản sao?”. Một nhận xét mà ông thường nêu lên không chút giữ gìn: “Cộng sản hay gọi tôi là Mỹ con, là con người Mỹ”. Ông kể lại như một câu chuyện đùa thú vị! Lời nói hai mặt xa lạ với ông. Đơn giản ông chỉ giữ thói quen hay nói những người cộng sản hay Đảng ở ngôi thứ ba, chứ không nói Đảng ta, hay Cộng sản chúng ta - nhằm để tránh những lỡ lời có thể khiến ông trong hoàn cảnh khác phải trả giá đắt.
Một buổi chiều, khi ông viết một bức thư bằng mực bí mật, con gái ông, còn đang đi học, bất chợt bắt gặp. Ông không có thì giờ giấu trang giấy trắng nên giả vờ như làm chuyện khác. Đứa bé gái đem chuyện đó kể với một trong các anh của nó: “Ba viết gì mà chẳng có chữ nào hiện trên giấy”. Thấy con nói thế, hôm sau, ông đánh lạc hướng chú ý của con bằng cách giải thích cho nó hiểu rằng do ánh sáng ngược chiều, con đứng sấp bóng nên không nhìn thấy chữ viết hiện trên giấy đó thôi.
Năm 1961, khi được nhận vào làm ở hãng thông tấn Anh Reuters, các cơ quan mật vụ tiến hành kiểm tra căn cước để cấp thẻ nhà báo làm cho nước ngoài. Muốn làm điều tốt cho Ẩn, bác sĩ Tuyến nói với họ rằng Ẩn không làm việc cho Tuyến, nhưng khi viết vào bản khai lý lịch thì Ẩn lại viết ngược lại, nghĩa là có nhận làm cho bác sĩ Tuyến. Để tránh một cuộc điều tra đi sâu hơn, Ẩn yêu cầu bác sĩ Tuyến phải nói lại và bác sĩ Tuyến buộc phải cải chính điều ông đã nói với cơ quan mật vụ. Một lần khác, được tin người liên lạc của ông với kháng chiến bị bắt và bị sát hại, Ẩn lo sợ thật sự. Mật thư của Ẩn báo cáo về “trung tâm” rằng một nhân viên CIA đã lọt vào hàng ngũ Việt Cộng. Thư đó do người liên lạc mang đi đã lọt vào tay địch và đến tay bác sĩ Tuyến, ông này báo lại cho Ẩn. Ông đốc-tờ “nhỏ thó” muốn biết nhân viên nào trong cơ quan mật vụ đã có thể báo cho Việt Cộng về sự hiện diện của một điệp viên trong hàng ngũ họ. Tuyến hỏi Ẩn: “Anh có nghĩ rằng cơ quan chúng ta đã bị Việt Cộng thâm nhập không?”. May cho Ẩn, một nhân viên của Tuyến đã kể cho ông biết đầu đuôi sự việc nên Ẩn có thời gian chuẩn bị lời đối đáp, bình tĩnh trả lời Tuyến: “Không, tôi không nghĩ thế! Người Mỹ đã kiểm tra rất kỹ lý lịch của chúng ta. Đây chẳng qua là chuyện ghen tức nội bộ để chiếm chỗ của một đồng nghiệp được trả lương cao hơn”. Câu chuyện dừng lại ở đó.
Tháng Tám năm 1963, vì những lý do không liên quan đến hoạt động bí mật mà Ẩn có nguy cơ mất việc. Đó là thời kỳ các nhà sư nổi lên chống hai anh em Diệm - Nhu. Một số nhà sư tự thiêu. Washington càng sốt ruột muốn loại bỏ một chế độ đã hoàn toàn mất lòng dân, đàn áp dân và nhanh chóng mất khả năng kiểm soát nông thôn, điều chỉ có lợi cho Việt Cộng. Robert Guillain7 viết trên báo Le Monde một phóng sự dài nói: “Diệm là ‘tiền trạm của Cộng sản’”. Tại Sài Gòn, đâu đâu cũng loan tin đồn về các vụ âm mưu. Lew Conein - con người của “những công việc bẩn thỉu” của CIA theo cách nói của Stanley Karnow8, đã trở lại Nam Việt Nam từ một năm nay. Lew, tôi biết khá rõ, người Mỹ lai Pháp trông có vẻ là một anh chàng tử tế ở Việt Nam từ năm 1955 là kẻ dày dạn trong những việc tồi tệ. Hắn tiếp xúc với các tướng lĩnh bị Diệm - Nhu gạt ra rìa và chỉ mơ tưởng đảo chính để cướp quyền. Nhưng những sĩ quan này trước hết muốn liên minh với chỉ huy của các đơn vị chiến đấu song song với sự che chở của người Mỹ. Đối với Nhà Trắng, một trong những biện pháp cần thiết là triệu hồi Đại sứ Frederick Nolting già yếu và ở quá gần với chế độ Diệm – Nhu, đồng thời thay bằng một người nặng ký là Henry Cabot Lodge. Việc thay đổi Đại sứ này đến phút cuối cùng mới được thông báo để Ngô Đình Nhu không kịp trở tay lao vào một cuộc phiêu lưu khác - một việc mà Nhu sẽ làm thật.
7 Robert Guillain (1908-1998): nhà báo Pháp, tác giả nhiều cuốn sách quan trọng về châu Á.
8 Stanley Karnow (1925-2013): ký giả, sử gia Mỹ; từng là cây bút về chiến tranh Việt Nam gây chú ý; tác giả cuốn Viet Nam: A History (1989) và một số tác phẩm khác.
Lúc này Phạm Xuân Ẩn còn làm với hãng Reuters, chộp được tín hiệu quan trọng do sự tiết lộ trong một bữa ăn tối có nhiều quan chức và nhà báo Mỹ dự ở khách sạn La Cigale ở Sài Gòn. Một đồng nghiệp thấy viên bí thư của Nolting đến dự cặp kè với một cô gái Việt, liền buông lời trêu ghẹo. Viên bí thư tức giận cãi lại: “Mày, để tao yên! Tuần sau phải biến rồi, để tao xả hơi đôi chút”. Ẩn là người duy nhất nghe thấy cuộc trao đổi này và rút ra kết luận rất đúng là Nolting sắp ra đi và viết ngay một bài báo để đưa tin này. Các cơ quan tình báo Nam Việt Nam giận dữ đòi công an mật phải tìm cho ra nguồn tin. Nhiều sức ép đối với hãng Reuters yêu cầu đuổi việc Phạm Xuân Ẩn. Ông cũng không còn dựa được vào bác sĩ Tuyến vốn đã bị thất sủng từ hơn hai năm nay. Đối vớiReuters thế là khó rồi! Sổ tay của Ẩn chi chít địa chỉ các quan chức cấp cao của chế độ cùng những hiểu biết về các mối quan hệ đã thiết lập được với họ - những địa chỉ và quan hệ rất cần cho Reuters, nhất là đang ở cuối cuộc khủng hoảng của chế độ. Sự đe dọa của chính quyền khá mạnh khiến Reuters phải nhận một giải pháp thỏa hiệp, rất ít thỏa mãn. Ẩn sẽ không bị đuổi việc - anh nào có phạm sai lầm gì, trái lại là khác - nhưng sẽ phải đi Singapore để phụ trách chi nhánh Reuters ở đó. Thật may cho Ẩn, đúng vào lúc đó, các tướng lĩnh đảo chính và lên nắm chính quyền. Chuyện của ông được xếp lại. Sau này, một trong những đồng nghiệp Mỹ nói: “Ẩn đã thoát nạn nhờ đảo chính!”.
Không phải chỉ có Ẩn được lợi do đảo chính đem lại. Hà Nội cũng có điều kiện giữ người tình báo giỏi nhất ở lại miền Nam Việt Nam.
Phạm Xuân Ẩn đang thì thầm vào tai Robert Shaplen. Từ trái sang phải: Cao Giao, Phạm Xuân Ẩn, Robert Shaplen, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Hưng Vượng. Ảnh: Richard Avedon