36 năm trước trong mịt mùng khói lửa của 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không”, nhà thơ Tố Hữu đã gặp Phạm Thị Viễn-nữ pháo thủ Đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động-cô gái có cả bố và mẹ bị bom Mỹ giết hại...
36 năm trước trong mịt mùng khói lửa của 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không”, nhà thơ Tố Hữu đã gặp Phạm Thị Viễn-nữ pháo thủ Đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động-cô gái có cả bố và mẹ bị bom Mỹ giết hại. Biến đau thương thành sức mạnh, Viễn và đồng đội đã lập công xuất sắc khi bắn rơi một chiếc F111A “cánh cụp, cánh xòe”. Xúc động từ cuộc gặp gỡ trên, trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/Hỡi em gái mất cha, mất mẹ/Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù/Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ”...
Tôi tìm gặp chị Phạm Thị Viễn ngay sau những ngày Hà Nội mới trải qua trận mưa lụt lịch sử. Con đường đến nhà chị ở phố Tương Mai (quận Hoàng Mai) vẫn lấm lem bùn nước. Một người phụ nữ đã luống tuổi, dáng cao gầy, gương mặt bình dị, chất phác, chậm rãi ra mở cửa. “Tôi là Viễn đây”- chị tự giới thiệu. Nghe tôi đặt vấn đề, giọng chị buồn buồn: “36 năm rồi nhưng tôi cảm thấy như chuyện vừa xảy ra. Tiếng bom rơi, đạn nổ; hình ảnh của bố mẹ, của đồng đội vẫn ở đâu đây...”. Ký ức một thời máu lửa rưng rưng hiện về qua lời kể của nữ pháo thủ năm xưa...
“Ngày đó, tôi là pháo thủ số 1 trong khẩu đội 14,5mm của trung đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động”- chị Viễn nhớ lại. Trung đội gồm 2 khẩu đội, được trang bị 2 khẩu 14,5mm bố trí bên bờ sông Kim Ngưu, nằm trong đội hình đại đội pháo 100mm của khu đội Hai Bà Trưng do Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Tảo chỉ huy. Đêm 18-12-1972, giặc lái Mỹ liều lĩnh đem bom hủy diệt Hà Nội, khẩu đội 14,5mm của Viễn được lệnh tiếp đạn cho pháo 100mm chiến đấu. Ngày 22-12, cấp trên thông báo rất có thể đêm nay B52 sẽ tiếp tục đánh vào thành phố, các trận địa sẵn sàng. Đầu giờ chiều, khẩu đội của Viễn được yêu cầu di chuyển đến trận địa Vân Đồn cùng với các đơn vị tự vệ của Xí nghiệp chế biến gỗ Hà Nội, Nhà máy cơ khí Lương Yên hợp thành trận địa liên hoàn 5 khẩu súng máy cao xạ 14,5mm có nhiệm vụ tiêu diệt bằng được loại máy bay có phiên hiệu F111A, vì qua mấy ngày ta phát hiện loại máy bay này chuyên đánh lén vào các mục tiêu phát lộ sau khi B52 rải thảm. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cấp trên đã điều hai cán bộ dày dạn kinh nghiệm của Bộ Tư lệnh Thủ Đô là Hoàng Minh Giám và Nguyễn Văn Cử trực tiếp chỉ huy trận đánh. Sau khi nhận nhiệm vụ và nghe phổ biến cách đánh, tất cả vào vị trí kiểm tra vũ khí, khí tài, các thông số kỹ thuật, chuẩn bị chiến đấu cao độ. Khoảng 21 giờ 30 phút, còi báo động rú lên từng hồi, loa phóng thanh thông báo máy bay địch xuất hiện cách Hà Nội 80km, 60km rồi 40km. Cả trận địa nín thở chờ địch tới gần. Ngay khi có khẩu lệnh “Bắn!” đanh thép của Đại đội trưởng Hoàng Minh Giám, 5 khẩu pháo đồng loạt nhả đạn, 19 viên đạn vây quanh máy bay thù. Đêm đó cả đơn vị hồi hộp, thao thức. Sáng sớm hôm sau có thông báo chính thức của trên: Liên đội súng 14,5mm đã bắn rơi một chiếc máy bay F111A “cánh cụp, cánh xòe”. Viễn và khẩu đội ôm nhau vui sướng...
Nhưng, chỉ sau chiến công vang dội đó 4 ngày, chị Phạm Thị Viễn phải chịu một cái tang lớn: Bố chị vĩnh viễn ra đi trong một trận bom ác nghiệt của giặc Mỹ. Hôm ấy, đêm 26-12-1972, Hà Nội ngập trong bom rơi, đạn réo. Một loạt bom B52 bất ngờ giội xuống làng Tương Mai, một quả đã rơi trúng căn hầm nơi bố chị Viễn đang trú ẩn... Chị nghẹn ngào kể lại: “Rạng sáng hôm sau, hai cô em gái hốt hoảng tìm tôi ngoài trận địa. Vừa nhìn thấy tôi, chúng đã òa lên nức nở: “Chị ơi! Bố bị bom thả chết rồi”. Đất dưới chân tôi như sụp xuống vì nỗi đau quá lớn. Trong cảnh hoang tàn đổ nát, chị em tôi chết lặng bên hố bom sâu hoắm. Đào bới suốt ba hôm, chúng tôi mới tìm thấy bố nhưng chỉ là một phần thi thể vì xương thịt ông đã bị xé nát và văng ra xa hàng trăm mét. Chị em tôi nhận ra ông qua chiếc áo bông đẫm máu và góp nhặt chút xương thịt còn lại để đem đi an táng. 5 năm trước, bom Mỹ cũng đã giết chết mẹ tôi khi bà nhường nơi trú ẩn cho một em nhỏ trong lần đi bán rau ở khu vực chùa Linh Ứng. Nhìn đàn em thơ trắng khăn tang bên mộ bố mẹ mà lòng tôi quặn thắt, đau đớn khôn cùng...”.
Trong căn phòng giản dị của chị, nổi bật là những tấm ảnh, kỷ vật thời chiến và nhiều bằng, giấy khen của các tổ chức, địa phương ghi nhận những đóng góp của chị. Chỉ tay ra ngoài, chị bảo: “Khu vực này ngày trước là cánh đồng. Căn nhà tôi đang ở được xây trên thửa ruộng của gia đình, bên hố bom đã từng vùi xác cha tôi đêm 26-12-1972”. Rồi, chị nắm chặt tay tôi, chân tình: “Thành tích bắn rơi F111A là của cả tập thể. Nếu có điều kiện, anh có thể gặp anh Trung, chị Hiếu, chị Dần.... để tìm hiểu thêm”.
TRẦN HOÀNG TIẾN
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 16/12/2008)