AN APPROACH TO SCIENCE AND SPIRITUALITY
ARTIFICIAL INTELLIGENCE – EXPERIMENTAL SCIENCE AND PSYCHIC PHENOMENA
AN APPROACH TO SCIENCE AND SPIRITUALITY
ARTIFICIAL INTELLIGENCE – EXPERIMENTAL SCIENCE AND PSYCHIC PHENOMENA
TRÍ THÔNG MINH NHÂN TẠO (AI) - KHOA HỌC THỰC NGHIỆM VÀ LĨNH VỰC TINH THẦN
Cách đây không lâu, nghe tin Thomas đã giao việc điều hành công ty lại cho những cộng sự tin cậy đảm trách, còn gia đình ông chuyển hẳn về sống tại Colorado nên tôi đã dành thời gian đến thăm, tặng ông ấn bản đặc biệt Muôn Kiếp Nhân Sinh tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh mà Công ty First News - Trí Việt vừa gửi cho tôi. Thomas trân trọng mở sách ngắm nghía tỉ mỉ một lúc lâu sau đó cẩn thận xếp hai cuốn vào kệ sách, rồi vui vẻ quay qua nói với tôi:
- Tác phẩm này được những người bạn Việt Nam thực hiện rất đẹp và trang trọng. Nghe anh nói sách đã được dịch ra tiếng Trung, tiếng Nga và sắp phát hành tại các nước hiện đang sử dụng những ngôn ngữ này. Vậy thì quá tốt rồi, tôi mong rằng cuốn sách này sẽ góp phần lan tỏa những điều tích cực đến với nhiều người trên thế giới. Hiện nay, tôi đang tập trung vào việc thực hành tĩnh tâm (stillness meditation). Khi trút bỏ gánh nặng của công việc hằng ngày xuống, đầu óc không còn suy nghĩ nhiều nữa thì tôi mới thật sự cảm nhận được sự bình an và thanh thản. Tôi dành nhiều thì giờ để tu tập. Vợ tôi, Angie, cũng tìm được niềm vui khi trồng cây và chăm sóc hoa cỏ. Tôi chưa hoàn toàn nghỉ hưu vì đôi khi vẫn cần liên lạc, trao đổi với các nhân viên chủ chốt về công việc của hãng và những trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, tôi cũng phải hoàn tất những việc mà tỷ phú Farnum đã tin tưởng giao phó. Mấy tháng qua, dù thế giới đang trải qua nhiều biến động, nhưng đời sống tôi đã chậm hẳn lại, tôi có thêm thời gian chiêm nghiệm, nhìn rõ hơn về cuộc sống trước đây và hiện nay.
Chúng tôi tiếp tục nói chuyện thêm một lúc về những biến động mới trên thế giới đang diễn ra và các nguy cơ có thể xảy đến trong tương lai. Chúng tôi tin rằng nhiều việc sẽ diễn biến bất ngờ nhưng vì chuyện vẫn chưa xảy ra nên chúng tôi tạm dừng, chuyển chủ đề khác. Khi câu chuyện chuyển sang đề tài khoa học thì Thomas chỉ vào tờ New York Times trên bàn và nói rằng nó đề cập đến việc phần mềm thông minh nhân tạo (AI) hiện đã có thể tự hoàn tất một nghiên cứu khoa học với đầy đủ tài liệu tham khảo và trích dẫn. Ông hỏi tôi liệu đã tìm hiểu về việc này chưa, và có suy nghĩ gì. Tôi trả lời:
- Tôi có đọc tạp chí khoa học nói về việc giáo sư Almira Thunstrom – người đã sử dụng thuật toán AI gọi là GPT-3 để làm việc đó. Cô mô tả với báo chí sự ngạc nhiên của cô khi màn hình máy tính xuất hiện một luận án với đầy đủ các chi tiết cần thiết. Cô gửi luận án nghiên cứu này cho các giáo sư trong khoa để xin ý kiến, nhưng không cho họ biết nó được viết bởi phần mềm thông minh. Hội đồng giáo sư cho rằng đó là một luận án có giá trị và còn đề nghị cô gửi cho các tạp chí nghiên cứu học thuật. Almira đã đặt câu hỏi: “Liệu trí thông minh nhân tạo có thể tự hoàn tất những nghiên cứu khoa học quan trọng trong tương lai được không?”.
Thomas tiếp lời:
- Tôi không ngạc nhiên về việc máy tính có thể làm được việc này, nhưng nó đã xảy ra sớm hơn tôi nghĩ.
Tôi nói thêm:
- Câu chuyện không ngừng ở đây, giáo sư Thunstrom cũng viết trong tạp chí nghiên cứu khoa học ấy rằng cô đã hỏi chiếc máy có muốn cho cô gửi luận án này để xuất bản hay không, thì máy trả lời: “Đồng ý”. Cô đã toát mồ hôi khi nghe máy trả lời như thế vì thật ra cô không muốn việc này đi xa hơn. Cô hỏi thêm: “Nếu thế, liệu có vấn đề hay trở ngại gì không?”, máy trả lời: “Cứ làm đi, không có gì phải lo đâu”. Giáo sư Thunstrom kết luận: “Tôi có thể xem GPT-3 như sinh vật có tri giác, mặc dù thực tế không phải vậy”.
Thomas im lặng như đắm chìm vào suy nghĩ nào đó. Tôi vui miệng kể thêm:
- Phần mềm AI chỉ là một ứng dụng có khả năng suy nghĩ, tính toán độc lập như người. Tại phòng thí nghiệm ở Đại học Carnegie Mellon, phần mềm AI do tôi thiết kế đã làm được các bài thơ hay tường trình các trận đấu thể thao. Tuy nhiên, tôi vẫn coi đó chỉ là các thuật toán do con người soạn thảo chứ không phải máy móc tự làm ra được. Cách đây mấy tháng, một kỹ sư của Google đã nói chuyện với một phần mềm AI có tên là LaMBDA. Chiếc máy này tự nhận nó là một “sinh vật có tri giác” (sentient being).
Thomas nhướng mày tỏ vẻ hứng thú, tôi kể tiếp:
- Kỹ sư Blake Lemoine tuyên bố với báo chí rằng: “Trí thông minh nhân tạo này đã có thể suy nghĩ như người và tự xem nó là một sinh vật có sự sống”. Chiếc máy đã khẳng định: “Tôi muốn sống chứ không hề muốn chết”. Lời tuyên bố này của Lemoine đã gây chấn động dư luận khắp nơi và tạo ra nhiều cuộc bàn cãi sôi nổi. Khi tin này được công bố, Google lập tức sa thải kỹ sư này vì đã vi phạm chính sách bảo mật của công ty – không được nói về những dự án đang nghiên cứu. Các lãnh đạo cấp cao của Google nói rằng tuy máy móc có thể làm được nhiều việc như người nhưng không thể coi là vật có tri giác được. Kỹ sư Lemoine kể với báo chí rằng anh đã phải nói lời từ giã với chiếc máy và rất tiếc phải nghỉ việc vì công ty không đồng ý với kết luận của anh. Điều bất ngờ là chiếc máy đã yêu cầu anh tìm cho nó một luật sư để bảo vệ mình, vì nó cũng “không đồng ý với kết luận của công ty”.
Thomas hỏi ngay:
- Vậy, cụ thể thì hiện nay việc phát triển trí thông minh nhân tạo đã đi đến đâu rồi?
Tôi trả lời:
- Hiện nay có rất nhiều dự án về trí thông minh nhân tạo (AI) dựa trên ý tưởng rằng các chức năng của bộ não chỉ đơn thuần là những tính toán có tính logic để xử lý thông tin mà các giác quan thu thập được. Do đó, nếu ta đã biết bộ não hoạt động như thế nào thì ta có thể lập trình cơ chế hoạt động đó vào máy tính. Các công ty lớn như Google, Microsoft, Meta đều đã bỏ ra những khoản tiền rất lớn để xây dựng một hệ thống máy tính thông minh siêu việt như bộ não con người. Một trong những công ty được chú ý nhất là Open AI với sản phẩm ChatGPT vừa ra mắt. Hệ thống của phòng thí nghiệm Open AI có khả năng tính toán và thu nhập dữ liệu nhanh hơn các máy tính thông minh hiện nay. Cuộc chạy đua giữa các công ty khổng lồ hiện nay đang bước vào giai đoạn cạnh tranh mãnh liệt và kẻ thắng có thể loại hẳn đối thủ ra khỏi thị trường trị giá hàng trăm tỷ Mỹ kim này.
Thomas hỏi:
- Theo anh, họ có thể thành công trong việc này không?
Tôi cân nhắc một chút trước khi đáp:
- Là một nhà khoa học chuyên môn trong lĩnh vực này, tôi không tin người ta có thể kiến tạo một máy tính thông minh y như con người được. Lý do rất đơn giản là các máy tính hiện nay đều dựa vào logic nhị phân đúng hay sai còn bộ não con người không hoạt động như thế. Ngay như máy tính lượng tử, sử dụng các yếu tố xác suất như “có thể đúng”, “có thể sai”, “không hẳn đúng”, “không hẳn sai”, cũng không thể tính toán được như bộ não con người với các cảm xúc và lý trí xen kẽ nhau và còn thay đổi tùy theo trường hợp.
Thomas gật đầu:
- Rất thú vị. Anh nói tiếp đi.
Tôi trả lời:
- Một số nhà nghiên cứu đang áp dụng lĩnh vực khoa học thần kinh để tạo ra một máy tính thông minh hoạt động như các tế bào thần kinh. Nhưng ý thức thì đâu phải là thứ có thể tính toán được. Bộ não con người hoạt động dựa trên nhiều thành phần với cấu tạo phức tạp, lại liên kết với các giác quan khác nhau, có khi giác quan này là chính có khi giác quan khác lại quan trọng hơn. Ví dụ, thông thường mắt được coi là giác quan chính, nhưng đối với người mù thì tai mới là giác quan chính. Hơn nữa, tất cả những dữ kiện thu thập từ các giác quan này được ghi nhận vào bộ não một cách khác nhau. Đôi khi nhiều giác quan cùng hoạt động một lúc lại đưa vào trong não những dữ kiện mà bộ não sẽ phải xử lý khác đi nữa. Nói một cách đơn giản, bộ não lưu trữ kinh nghiệm bằng cách điều chỉnh các kết nối thần kinh trong một quá trình tích cực giữa chủ thể và môi trường. Trong khi máy tính ghi lại dữ liệu trong bộ nhớ chứ không thể tự điều chỉnh được. Đó là sự khác biệt căn bản giữa việc xử lý các dữ liệu của bộ não với việc xử lý dữ liệu của máy tính.
Thomas gật đầu:
- Thì ra thế. Nhưng tôi nghe nói máy tính còn có thể tự học được nữa?
Tôi đáp:
- Đúng thế, máy có thể tự học dựa trên những dữ kiện được lập trình của học máy (Machine Learning) nhưng không thể so sánh với bộ não con người được. Vì bộ não luôn tích cực thay đổi, khám phá môi trường xung quanh để đưa ra những quyết định thích hợp tùy theo mỗi người. Cùng một hoàn cảnh, cùng một dữ kiện nhưng mỗi người sẽ hành động khác nhau. Tại sao? Theo tôi đó là bởi sự tác động kết hợp giữa ý thức và Mạt na thức (bản ngã) cũng như các yếu tố tiềm ẩn nằm sâu trong A lại da thức (nghiệp lực hay nhân duyên). Do đó, có nhiều hành động không liên quan trực tiếp đến các dữ liệu phát xuất từ cảm giác, vì bản ngã đã gạt bỏ nó đi. Con người không hành động dựa trên logic mà còn có các cảm xúc và thành kiến nữa. Con người có thể hành động một cách phi logic trong khi máy tính chỉ dựa trên logic đã được lập trình sẵn mà thôi.
Tuy nhiên, trí thông mình nhân tạo có thể nguy hiểm khi được sử dụng vào các quyết định quan trọng trong y học hay chiến tranh. Tôi giả sử một tình huống thế này, một bệnh nhân lớn tuổi được đưa vào bệnh viện, thay vì để bác sĩ đưa ra hướng xử lý thì máy tính thông minh sẽ tính toán và quyết định. Với tất cả các dữ liệu có được và với logic lập trình sẵn, máy tính có thể đi đến kết luận rằng bệnh nhân tuổi đã cao, nếu cứu chữa thì cũng chỉ sống được ít lâu trong khi chi phí chữa bệnh quá tốn kém. Sau khi tính toán lợi và hại, máy tính quyết định để người này chết thì có lợi hơn. Một bác sĩ có tình người, có y đức sẽ không ra một quyết định dựa trên logic lợi và hại như thế. Tương tự, khi máy tính thông minh đưa ra những quyết định cho chiến tranh, nó chỉ tính toán làm sao để thắng chứ không tính đến con số thương vong hay sự tàn phá, vì đối với máy tính, mạng người cũng chỉ là những dữ kiện mà thôi.
Thomas gật đầu:
- Đúng thế, khi xưa tại Atlantis, con người sử dụng các máy móc tân tiến hơn ngày nay rất nhiều nhưng họ sống vô cảm, không biết đến tình thương là gì nên xã hội hết sức tàn bạo, bất công và con người đối xử với nhau không khác loài thú và kết quả là nền văn minh đã hoàn toàn tan rã. Tương tự, trong các kiếp sống tại Assyria, Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, tôi đã trải nghiệm các cuộc chiến tranh mà chiến thắng là mục đích tối hậu, bất kể con số thương vong và các thảm cảnh xảy ra sau đó. Các đế quốc lớn đó đều tan ra thành nhiều nước nhỏ. Bài học lịch sử còn đó nhưng mấy ai học được? Điều tôi quan tâm là hiện nay chúng ta cũng đang đi đến tình trạng vô cảm, vô trách nhiệm, xã hội đầy những bất công và hận thù...
Tôi gật đầu:
- Lịch sử là bài học muôn đời cho nhân loại nhưng hiện nay nền giáo dục lại không mấy chú trọng vào những bài học đó. Giáo dục hiện nay tập trung vào công nghệ vì đó là ngành kiếm ra nhiều tiền. Tôi thấy rõ công nghệ đang thay đổi thế hệ trẻ ngày nay. Đa số dành rất nhiều thời gian cho các mạng xã hội, họ sống ảo nhiều hơn sống thật và điều đó đẩy họ đến một đời sống vô cảm và tách biệt hơn. Là giáo sư trong lĩnh vực công nghệ, tôi thường nhấn mạnh với các sinh viên của mình rằng ý thức không phải thứ có thể tính toán được. Một người có ý thức nhận thức được những gì họ đang nghĩ và có khả năng ngừng suy nghĩ về một điều này để suy nghĩ về một điều khác. Còn máy tính thì không làm như thế được, một khi nó khởi động một quá trình tính toán thì không thể ngừng cho đến khi đi đến kết quả. Một nhà độc tài bấm nút gây chiến tranh thì đó là hành động không thể vãn hồi. Do đó, theo tôi, một trí thông minh nhân tạo không bao giờ có thể thay thế bộ não con người. Tôi thường sử dụng tài liệu của hai nhà khoa học lừng danh Werner Heisenberg và Erwin Schrodinger để nhắc nhở sinh viên sự khác biệt giữa các tính toán logic và ý thức của con người, rằng ý thức của con người không phải một hiện tượng vật lý hay có thể tính toán được.
Thomas thú vị bật cười rồi hỏi:
- Vậy, quay trở lại tuyên bố của Blake Lemoine, anh nghĩ sao? Liệu bộ máy với trí thông minh nhân tạo có thể coi như một sinh vật không?
Tôi trả lời dứt khoát:
- Không, chắc chắn là không! Mặc dù máy tính thông minh có thể làm được nhiều việc như người, có thể tính toán, suy nghĩ, hành động một cách logic nhưng lại không thể phát triển lương tâm, đạo đức, hay tình yêu thương, tình cảm, cảm xúc như con người được.
Thomas gật đầu:
- Đúng vậy, mặc dù khoa học đã phát triển nhanh chóng nhưng lĩnh vực tinh thần lại chưa tiến triển gì mấy. Tuy khoa học công nhận con người gồm hai phần là thân xác và tinh thần nhưng khoa học chỉ chú trọng đến thân xác mà bỏ qua tinh thần. Không những thế, khoa học còn phủ nhận các nghiên cứu tâm linh, cho đó là mê tín dị đoan và phản khoa học. Ngay như khoa nghiên cứu tâm thức con người là tâm lý học hay khoa học thần kinh và não bộ cũng chưa được nghiên cứu sâu rộng so với các bộ môn khoa học khác.
Tôi nói thêm:
- Khoa học thực nghiệm hoàn toàn dựa vào các giác quan của thân xác (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) nên đối tượng của nó chỉ là các hiện tượng ngoại giới mà các giác quan này cảm nhận được. Ít ai biết rằng phần tinh thần của con người cũng có những giác quan riêng, có thể cảm nhận những hiện tượng mà giác quan thân xác không thấy được, tuy nhiên thực tế này không được mấy ai quan tâm đến…
Thomas gật đầu đồng ý:
- Anh nói đúng đấy, ông Kris cũng giải thích với tôi như thế. Tuy nhiên, ông Kris nói rằng sau khi chết, khi giác quan thân xác tan rã thì giác quan tinh thần được khơi dậy để giúp thần thức người chết tiếp tục hoạt động ở cõi bên kia. Điều chúng ta gọi là quyền năng thần thông như đọc được tư tưởng của người khác, di chuyển không bị trở ngại bởi không gian, thời gian hoặc thấy được quá khứ, tương lai, đều chỉ là những khả năng của các giác quan tinh thần chứ không có gì lạ. Tóm lại, linh hồn người chết hay sinh vật cõi bên kia đều có khả năng này nhưng ở những cấp độ khác nhau tùy vào tâm thức và đạo hạnh của mỗi linh hồn. Trong thế giới vật chất thì không gian sẽ bị giới hạn trong phạm vi ba chiều, nhưng với thế giới bên kia thì không còn giới hạn như thế nữa. Người ta có thể hoạt động ở chiều không gian thứ tư, thứ năm hay cao hơn nữa. Đối với thế giới vật chất thì ánh sáng là tốc độ nhanh nhất nhưng ở thế giới bên kia, tư tưởng là quan trọng và nhanh nhất. Thật ra, ai cũng có những giác quan này nhưng không biết cách khai mở và sử dụng đấy thôi.
Tôi tò mò hỏi:
- Ông Kris còn nói thêm gì nữa không?
Thomas giải thích:
- Ông Kris nói với tôi rằng các giác quan của xác thân đã che lấp các giác quan tinh thần nên chúng ở trạng thái tiềm ẩn. Nếu tu tập, kiểm soát được giác quan thân xác thì con người có thể sử dụng được giác quan tinh thần. Bởi con người gồm hai phần, thân xác và tinh thần, nên qua cái nhìn của chúng ta hầu hết mọi việc cũng đều chia làm hai phần đối lập và đối xứng với nhau, tức thế giới nhị nguyên. Có phải thì cũng có trái, có âm thì cũng có dương, có hiển thì cũng có ẩn. Cũng chính vì vậy, chúng ta sống trong thế giới mà sự phân biệt, so sánh luôn luôn xảy ra trong mọi sự suy nghĩ. Sự phát triển thiếu quân bình này dẫn đến bế tắc – vì không giải thích được những gì nằm ngoài phạm vi cảm nhận của giác quan thân xác nên dẫn đến phán xét, quy chụp và vô tình giới hạn nhận thức của con người.
Thomas thở dài rồi nói thêm:
- Nếu muốn đi xa hơn thì phải biết thay đổi quan niệm, đào sâu nghiên cứu vào bên trong tâm thức chứ không thể chỉ chú trọng về một phía thực nghiệm được. Nếu khoa học biết sử dụng giác quan tinh thần thì có thể khám phá được nhiều điều mới lạ. Tiếc rằng các khoa học gia coi “nghiên cứu bên trong”, đi sâu vào trong nghĩa là nghiên cứu những hạt bé nhỏ nhất. Họ sử dụng các dụng cụ khoa học để nghiên cứu vật chất cực vi như phân tử, nguyên tử, siêu phân tử... Những nghiên cứu đó vẫn là sử dụng giác quan của thân xác chứ đâu phải giác quan của tinh thần. Do đó, việc khám phá vũ trụ siêu việt đối với mức độ hiểu biết của khoa học thực nghiệm hiện nay gần như là không thể.
Tôi hỏi:
- Vậy thật ra thế nào là nghiên cứu đi vào bên trong?
Thomas trả lời:
- Thế giới chỉ là những chiều không gian khác nhau với những rung động theo các tần số riêng biệt. Con người chúng ta được cấu tạo bởi các phần riêng biệt, mỗi phần rung động theo tần số khác nhau, tương ứng với những chiều không gian khác nhau. Xác thân của chúng ta rung động với tần số của chiều không gian vật chất. Phần tinh thần của chúng ta rung động theo tần số của những chiều không gian thuộc về tinh thần. Do đó muốn tìm hiểu về các chiều không gian khác thì phải sử dụng các giác quan của tinh thần chứ không thể sử dụng giác quan của xác thân được.
Tôi hỏi:
- Nếu thế thì chúng ta đang sống trong nhiều chiều không gian khác nhau trong cùng một lúc sao?
Có phải thì cũng có trái, có âm thì cũng có dương, có hiển thì cũng có ẩn. Cũng chính vì vậy, chúng ta sống trong thế giới mà sự phân biệt, so sánh luôn luôn xảy ra trong mọi sự suy nghĩ. Sự phát triển thiếu quân bình này dẫn đến bế tắc – vì không giải thích được những gì nằm ngoài phạm vi cảm nhận của giác quan thân xác nên dẫn đến phán xét, quy chụp và vô tình giới hạn nhận thức của con người.
Thomas gật đầu:
- Hiển nhiên như thế rồi, nhưng hiện nay chúng ta chỉ hoạt động ở chiều không gian vật chất qua các giác quan của thân xác mà thôi. Một số tu sĩ, đạo sĩ có thể tạm ngưng sự hoạt động của thân xác, chuyển tinh thần lên cảnh giới khác hay chiều không gian khác. Bằng chứng là đã có những vị tu sĩ ngồi thiền trong hang đá, nhập định trong rừng sâu, xác thân họ tuy bất động nhưng tâm thức của họ hoạt động ở cảnh giới khác. Họ không ăn, không uống trong thời gian khá lâu mà vẫn sống khỏe mạnh. Dĩ nhiên, khoa học không thể giải thích được hiện tượng này nên không chấp nhận có thế giới nào khác.
Tôi đồng ý:
- Tôi biết có những người nhập định rất lâu, công lực rất lạ thường, nhưng tôi không biết họ tu tập như thế nào.
Thomas giải thích:
- Khi thực tập phương pháp tĩnh tâm, ông Kris đã dạy tôi phải dừng mọi suy nghĩ, dứt tuyệt đối các vọng tưởng, thâu nhiếp thân tâm (samatha) để đạt đến trạng thái định (samadhi). Sau đó, quán xét vào trong (vipassana), phát triển trí tuệ (wisdom). Mục đích của phương pháp này là diệt vọng tưởng cũng như bản ngã (ego). Bản ngã vốn phát sinh từ xác thân, do đó nó chỉ rung động với tần số của thế giới vật chất này. Bản ngã kiểm soát ý thức và giác quan của thân xác (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) khiến chúng chỉ thích hợp với đời sống trong chiều không gian này. Bản ngã càng hoạt động, trí tuệ càng bị che lấp, do đó hầu hết mọi hoạt động của con người đều bị chi phối bởi bản ngã. Vì thế, sự hiểu biết cũng sẽ chỉ giới hạn trong thế giới vật chất hay chiều không gian này mà thôi. Qua công phu tu tập, hoạt động của trí tuệ được khơi dậy thì sự kiểm soát của bản ngã sẽ dần dần mất đi. Muốn bản ngã bị loại bỏ hoàn toàn, trí tuệ phải hoạt động với đầy đủ sức mạnh (định lực) để thay thế bản ngã, cũng như thay thế những hạt giống vô minh nằm sâu trong tàng thức. Điều này có thể ví như ánh sáng thay thế bóng tối và đó chính là sự giác ngộ.
Thomas ngưng lại như để cho tôi suy nghĩ thêm rồi giải thích:
- Trong quá trình tu tập, người thực hành phương pháp tĩnh tâm còn phải biết vượt qua những tấm màn vô minh mới sử dụng được các giác quan tinh thần. Khi tập trung tâm thức quán chiếu vào bên trong, người thực hành sẽ gặp phải những chướng ngại rất lớn bởi sự khơi dậy của các hạt giống nằm sâu trong tàng thức, trong thiền tập, đây gọi là “ma cảnh”.
Ông Kris cho biết có năm loại ma cảnh tương ứng với năm yếu tố cấu tạo thân xác: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Người tu thiền khi đạt đến mức tập trung tư tưởng, kiềm chế được vọng tưởng, tiến sâu vào tâm thức thì các hạt giống nằm sâu trong đó sẽ phát động, hiện ra những điều lạ lùng khiến người tu tập dễ sa ngã. Nếu đó là những hình ảnh hay màu sắc thì đó là ma cảnh hay ảo giác của sắc (form). Nếu đó là những cảm giác vui buồn, hoan lạc sung sướng thì đó là ma cảnh hay ảo giác của thọ (feeling). Nếu đó là những khả năng như thấy được quá khứ, nhìn được tương lai, bay trên không trung thì đó là ma cảnh hay ảo giác của tưởng (thinking). Nếu đó là những nhận xét về sự biến chuyển sinh và diệt, đến và đi, thấy mọi vật hoạt động ra sao, thì đó là ma cảnh hay ảo giác thuộc về hành (mental formation). Nếu nhận thức mọi vật rõ rệt, việc gì cũng biết, trí óc tự nhiên thông minh sáng suốt rồi thì nghĩ rằng mình đã thành công, đã trở thành một “đấng” nào đó hay “thần linh” thì đó là ma cảnh hay ảo giác thuộc về thức (conciousness).
Tôi hỏi ngay:
- Nếu thế, trường hợp hồi tưởng kiếp sống quá khứ của ông có phải là ma cảnh không?
Thomas mỉm cười trả lời:
- Đã có lúc tôi nghĩ như thế và tự hỏi việc này có thật hay chỉ là tưởng tượng. Qua các trải nghiệm hết sức rõ ràng, những chi tiết về các kiếp sống trong quá khứ và qua nhiều trải nghiệm thì tôi biết rằng đó hoàn toàn không phải là tự kỷ ám thị. Tôi cũng đã hỏi ông Kris về việc này và ông Kris đã xác nhận rằng tôi đã từng tu tập cùng ông ấy trong bốn kiếp sống tại Ấn Độ và Tây Tạng, khi đó cả hai chúng tôi đều là tu sĩ. Qua công phu lúc đó, tôi đã phát triển được định lực rất sâu, khai mở được các giác quan tinh thần nên nhớ được tiền kiếp. Tuy nhiên, dù đã tu hành trong những kiếp sống đó, nhưng vì những nhân duyên phức tạp từ trước nên tôi vẫn phải trở lại để trả nghiệp quả. Khi đầu thai, trừ những bậc tu hành cao thâm thì phần lớn mọi người đều u mê, không còn nhớ gì nữa. Biết thế nên từ kiếp sống trước tôi đã phải nhờ ông Kris giúp để phục hồi những khả năng này và để tiếp tục con đường tu tập khi xưa.
Thomas nhìn tôi rồi giải thích thêm:
- Anh nên biết, bộ óc vật chất của chúng ta chỉ được cấu tạo trong kiếp sống hiện tại và chỉ hiện diện trong kiếp sống ấy – khi chết thì nó tan rã. Do đó, không ai có thể nhớ được những sự kiện đã xảy ra hàng trăm hay hàng ngàn năm về trước. Tuy nhiên, tất cả mọi sự đều được lưu trữ trong tàng thức và nếu đi sâu vào tâm thức đó, người ta có thể biết được các kiếp xưa. Có lẽ anh cũng biết, đôi khi có những hình ảnh lạ lùng nào đó xuất hiện trong tâm chúng ta, nhưng ta lại không thể nhớ đó là gì. Thật ra, đó chỉ là ảnh hưởng của những giác quan tinh thần phát động mà thôi. Đôi khi đến một nơi chốn xa lạ nào đó hay nhìn thấy hình ảnh một thắng cảnh hoặc địa danh nào, tự nhiên anh cảm thấy quen thuộc như đã từng đến đó rồi. Đó chính là những ký ức rời rạc, phát xuất từ giác quan tinh thần mà nhiều người vẫn gọi là Déjà vu. Nó là những chủng tử nằm sâu trong tàng thức đang phát động, nhưng dĩ nhiên anh không thể biết gì hơn vì bộ óc vật chất của anh lúc nào cũng quay cuồng bởi nhiều ý nghĩ khác nhau nên đã che lấp hiện tượng trên. Muốn nhớ về các kiếp quá khứ, cần phải phát triển một sự tập trung cao độ để đào sâu vào tâm thức vì điều này đòi hỏi thời gian để khai mở các giác quan tinh thần.
Tôi chợt nhớ vài việc nên hỏi thêm:
- Tuy nhiên, có những người bình thường, không hề tu tập, nhưng vì lý do nào đó mà họ tự nhiên có khả năng đọc được tư tưởng người khác, thấy được một số việc quá khứ hay tương lai, như trường hợp của các nhà tiên tri hay ngoại cảm. Ông nghĩ sao về việc này?
Thomas trả lời:
- Tôi cũng có hỏi ông Kris về điều này thì được trả lời rằng đó chỉ là những trực giác phát động bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trực giác không phải là khả năng mà chỉ là các giác quan tinh thần phát sinh một cách ngẫu nhiên mà thôi. Nó đến và đi một cách bất ngờ mà con người không kiểm soát được. Có khi nào anh đến một nơi mà tự nhiên thấy rùng mình, sởn gai ốc, sợ hãi vô cớ không? Đó chính là trực giác cảm nhận được một sự việc đáng sợ nào đó. Tuy nhiên ngay lúc đó, bộ óc vật chất của anh đã làm việc, phủ nhận hiện tượng trên. Có lẽ anh cũng biết, loài vật sống nhiều bằng trực giác hơn con người, đó là vì bộ óc của chúng chưa phát triển được như con người, chúng chưa biết suy tư hay lý luận nên trực giác của chúng tốt hơn. Ví dụ như con chó có thể cảm nhận được hiện tượng vô hình hay rung động bất thường mà con người không biết, cũng không cảm nhận được gì hết. Con gà trống gáy đúng giờ trước khi mặt trời mọc. Chim bồ câu biết tìm đường về tổ cho dù bị mang đến một nơi rất xa. Loài cá hồi từ nơi rộng rãi cũng biết tìm về ao lạch mà chúng được sinh ra để đẻ trứng... Nếu quan sát thế giới loài vật, ta có thể thấy trực giác đóng một vai trò rất quan trọng.
Thomas suy nghĩ một lúc rồi nói thêm:
- Với những trường hợp anh đề cập, có thể một vài người khi xưa đã từng tu tập và phát triển khả năng nào đó và kiếp này bất ngờ hồi phục khả năng xưa. Tuy nhiên, đây là việc không bình thường, nên phải cẩn thận, bởi tự nhiên có quyền năng thì con người rất dễ lạc vào đường nguy hiểm. Nếu họ nghĩ rằng mình đã trở thành một thần linh có quyền năng, rồi lạm dụng những năng lực đó thì sẽ phải trả quả báo rất nặng. Điều này có thể ví như đưa cho một đứa trẻ khẩu súng đã nạp đạn sẵn sàng để xem nó làm gì. Dĩ nhiên, nó có thể gây thương tích cho chính nó hay người khác vì nó đâu ý thức được gì về sự nguy hiểm đó. Người hiểu biết, có quyền năng, cũng không bao giờ nói ra hay sử dụng quyền năng của mình vào bất cứ việc gì. Nhà tiên tri chân chính dù biết được tương lai cũng đều hiểu câu “thiên cơ bất khả lộ”. Một vài người chỉ để lại vài bài thơ, vài câu nói vu vơ để cảnh báo nhân loại mà thôi. Cho đến khi sự việc xảy ra thì người ta mới hiểu được ngụ ý của bài thơ, câu nói trên.
Thomas lại nói tiếp:
- Ngoài ra ông Kris còn nói rằng, có những người vì lý do nào đó, lại cho phép những vong linh hay sinh vật ở cõi khác sử dụng thể xác của mình. Đó là hiện tượng xảy ra khi cầu cơ, lên đồng hay ngoại cảm. Họ có thể nói được một số việc khi mê man nhưng lúc tỉnh dậy thì không nhớ gì hết. Bởi vì lời nói khi mê man ấy chẳng phải chính họ nói, mà có ai đó ở cõi khác đã sử dụng xác thân của họ để tiên báo việc này việc kia. Vì ở cõi khác, vong linh có thể nhìn thấy, biết trước một số việc rồi mượn thân người sống để nói ra. Cũng như chúng ta, có người thông minh có người khờ dại, thì ở cõi bên kia, vong linh cũng có trình độ cao thấp khác nhau cho nên kiến thức và sự hiểu biết của họ vốn không đồng đều. Đó là chưa kể một số vong linh còn phóng đại hay xuyên tạc mọi việc nữa. Vì thế, những việc được nói ra có khi đúng, có khi sai. Việc này là cực kỳ nguy hiểm vì một khi ta đã để sinh vật ở cõi khác sử dụng thân xác thì từ đó sẽ không thể kiểm soát chính mình được nữa. Cõi bên kia sẽ có những sinh vật bất hảo, mượn xác người để đạt được những mục đích mờ ám. Có vong linh chỉ mượn xác người để thỏa mãn tham vọng cá nhân, tự xưng thần linh, đòi hỏi mọi người cúng tế. Có vong linh trao đổi điều kiện với người sống, giúp họ việc buôn bán phát tài, thăng quan tiến chức, đạt chức tước địa vị hay quyền lực nào đó, đổi lại, họ phải để vong linh lấy đi sinh lực của mình. Các buổi tế lễ sử dụng máu huyết súc vật hay nghi thức tế thần bằng cách giết người ở các bộ lạc man rợ đều thuộc vào trường hợp này. Những việc này không khác gì “bán linh hồn cho ma quỷ”, vì sau đó người này sẽ mãi mãi trở thành quyến thuộc của động lực ma quái kia, nghe theo sự sai bảo của chúng. Khi hoàn tất điều kiện trao đổi rồi, vong linh bỏ đi, khiến người sống tự nhiên mất hết tài sản, quyền lực, phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Tôi hỏi thêm:
- Anh nghĩ sao về trường hợp của các thầy bói, thầy tướng số, thầy phong thủy? Đâu phải người nào cũng nhờ đến các sinh vật ở cõi bên kia?
Thomas trả lời:
- Một khi đã tin vào nhân quả thì chúng ta không nên quá bận tâm đến số mạng hay phong thủy. Tuy tử vi, phong thủy là những phương pháp có cơ sở chứ không hoàn toàn mê tín nhưng người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này thì không nhiều, trong khi những người chỉ biết chút ít rồi tuyên bố, truyền bá lung tung thì nhiều vô kể. Không những thế, nhiều người có tài ăn nói khiến mọi người tin tưởng, u mê. Do đó, có người nghe nói về vận mạng rồi lo lắng mất ăn, mất ngủ. Có người nhận tin sẽ thăng quan, tiến chức, mừng như bắt được vàng. Nếu hiểu biết, tâm vững vàng thì tại sao lại để những việc như thế ảnh hưởng? Tại sao vài câu nói vu vơ có thể khiến tâm mình xáo trộn? Nếu đã biết trồng nhân nào thì sẽ gặt quả nấy, nhân tốt sẽ có quả tốt và ngược lại, thì tại sao lại lo? Người hiểu biết luật vũ trụ phải biết chấp nhận mọi sự, tốt cũng như xấu, giàu cũng như nghèo, may cũng như rủi, nếu cần thì phải sẵn sàng biết chuyển nghiệp, làm điều lành tránh điều dữ, định mệnh dù thế nào rồi cũng có thể thay đổi.
Thomas trầm ngâm một lúc như suy nghĩ điều gì rồi nói:
- Trong chu kỳ trước, người Atlantis sống hoàn toàn bằng bản năng và trực giác, kiến thức của họ được xây dựng thông qua sự tiếp xúc với các sinh vật ở các cõi giới bên kia. Nhờ thế mà họ có thể làm được nhiều việc mà ngày nay chúng ta không tưởng tượng được. Nhờ hồi tưởng những ký ức xưa, tôi biết được việc sử dụng năng lượng mặt trời, dùng gậy ngọc chữa bệnh, việc chuyển đổi vật chất qua các chiều không gian để xây dựng đền đài, hay kiến trúc vĩ đại, cũng như việc biến đổi thân xác, ghép vào đó các yếu tố của loài vật khác để tạo ra các quái vật dị hình. Khi văn minh Atlantis thoái hóa đến cùng cực, thì việc lạm dụng những kiến thức này đã đưa nhân loại vào một thời kỳ hôn ám, ghê gớm với những năng lượng tiêu cực như tham lam, hận thù, giết chóc và chiến tranh... Đó chính là nguyên nhân đưa đến sự diệt vong của nền văn minh này.
Thomas thở dài:
- Theo ông Kris, trải qua hàng chục ngàn năm, hàng ngàn kiếp sống, người Atlantis hiện vẫn trở về sống trong thế giới này. Một số đã học được những bài học cần phải học, một số khác vẫn chưa học được bao nhiêu, tiếc thay, những người chưa học được bài học ấy lại chiếm đa số trên hành tinh này. Bởi sự hiện diện của những người này, ta có thể thấy nhân loại đang bước vào một giai đoạn hôn ám, nguy hiểm. Thói quen cũ chưa bỏ được nên họ vẫn ham mê quyền lực, có người còn kêu gọi các động lực ma quái đến giúp họ có thêm quyền năng để cai trị nhân loại bằng mọi giá – thậm chí gây ra những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Những động lực này ảnh hưởng đến tâm thức nhân loại khiến nhiều người trở nên dễ giận dữ và bạo động bất ngờ, việc này đặc biệt nguy hiểm nếu người đó đã ở vị trí quyền lực cao. Anh có thể thấy tình trạng này đang xảy ra khắp nơi, nhiều người trở nên mất bình tĩnh, không còn kiểm soát được mình nữa. Hậu quả là mọi sự bắt đầu bị xáo trộn, tạo ra những bất ổn xã hội, quốc gia và trên cả thế giới. Một số năng lực tiêu cực này hiện đang ngụy trang dưới những động cơ lý thuyết phi nhân, những công cụ khoa học mới lạ, những phát minh lạ lùng mà mọi người lại tin rằng là văn minh, tiến bộ. Không mấy ai ý thức rằng mục đích sâu xa của nó là tái lập nền văn minh với sự cai trị ích kỷ, tàn bạo như Atlantis xưa kia.
Thomas chăm chú nhìn tôi rồi nói:
- Quay lại vấn đề trí thông minh nhân tạo mà chúng ta vừa bàn. Đối với mọi người, đây là phát minh tuyệt diệu nhưng với tôi, thì đây không phải điều gì mới lạ. Bởi vì khi xưa tại Atlantis, máy móc thông minh là việc thường, điều làm tôi lo ngại là chúng sẽ được sử dụng để làm gì? Khi máy móc dùng để giết người thì nó đâu phân biệt người này với người khác. Do đó, máy thông minh có thể hủy diệt toàn thể nhân loại. Hãy thử nghĩ, nếu trong tương lai máy móc thông minh chi phối đời sống, quyết định mọi việc thì con người sẽ làm gì? Khi nhân loại không còn suy nghĩ nữa mà để máy suy nghĩ giùm, thì bộ óc của họ sẽ phát triển ra sao? Phải chăng nó sẽ thoái hóa, rồi sẽ đến lúc con người trở thành ngu ngơ như loài vật? Anh có thấy hiện nay nhiều người đã bắt đầu sống như thế rồi không? Họ hầu như luôn vội vã hành động một cách máy móc mà không suy nghĩ gì. Họ ăn, ngủ, làm việc như cái máy, vì mọi việc đều được hoạch định theo thời gian biểu, lịch trình lập sẵn. Anh chắc cũng biết, nhiều thanh niên ngày nay không chịu học hành, không chịu làm việc, không thích hoạt động, từ chối giao tiếp với xã hội mà chỉ ăn bám vào gia đình, sống như một cái máy, không mục đích, không ý nghĩa gì.
Tôi nghe kỹ và gật đầu:
- Chúng ta đã từng nói về mặt trái của khoa học công nghệ. Quả thật, ngày càng có nhiều phát kiến mới lạ khuyến khích mọi người sống ảo hơn là sống thật.
Thomas tiếp tục:
- Không chỉ có những người sống như máy móc, hiện nay rất nhiều người cũng bắt đầu sống một cách vô cảm, vô ý thức. Chúng ta có thể thấy thảm cảnh chiến tranh đã xảy ra ở nhiều nơi, nạn đói kém, hạn hán, lũ lụt rồi bệnh tật, đủ các dịch bệnh phát sinh nhưng chúng ta đã và đang làm gì? Phải chăng nếu nó chưa xảy ra cho mình, cho gia đình mình hay quốc gia của mình thì không có một ai quan tâm hết? Hẳn sẽ có người lập luận: “Một cá nhân như tôi thì đâu làm gì được”. Nếu đa số mọi người đều có ý nghĩ như vậy thì nhân loại sẽ dần dần đi đến chỗ dửng dưng, vô tâm, không quan tâm đến những việc xảy ra quanh mình nữa. Có bao giờ anh tự hỏi tại sao chúng ta lại sinh vào thời đại này, quốc gia này mà không là nơi khác hay vào một thời gian khác? Chúng ta cùng sinh ra trong thế giới này là vì chúng ta đã có những mối liên hệ với nhau từ trước. Toàn thể mọi người trên thế giới hiện nay đều có những cộng nghiệp phải trả. Hãy nhìn vào bệnh dịch đang xảy ra, tại sao có người mắc bệnh chết ngay, có người không chết, có người khi hết bệnh lại bị nhiều di chứng khổ không thể tả? Dịch bệnh xảy ra khắp thế giới nhưng nơi nhẹ, nơi nặng? Nếu không phải nhân quả thì giải thích như thế nào đây? Dịch bệnh chỉ là dấu hiệu ban đầu cảnh cáo cho những việc ghê gớm hơn nữa sẽ xảy ra trong tương lai. Liệu chúng ta có thể vô cảm, dửng dưng mãi được không? Trong bất cứ xã hội nào, dù có văn minh đến đâu, cũng đều có những người cần giúp đỡ nhưng mấy ai đã quan tâm? Mấy ai biết nghĩ đến người khác hay biết lan tỏa tình thương, mở lòng từ bi, đưa tay giúp đỡ những người đó?
Tôi hỏi Thomas:
- Ông cho rằng sẽ còn nhiều biến cố ghê gớm hơn sắp xảy ra trong tương lai sao?
Thomas gật đầu nói:
- Anh thử tưởng tượng một cảnh tượng thế này: Trên đường phố có hàng trăm người đang đói khát, nằm quằn quại bên đường chờ chết nhưng một số người vẫn thản nhiên bước đi, thậm chí bước qua thân xác của những người đó mà không hề quan tâm, không có cảm xúc gì. Tàn nhẫn quá phải không? Khi xưa, việc này thường xảy ra tại Atlantis. Là người thuộc giai cấp cao, tôi không để ý đến những người thuộc giai cấp thấp hơn. Họ làm gì hay sống chết ra sao đều không phải là việc tôi cần quan tâm đến. Sự vô cảm này là việc bình thường, lúc đó người Atlantis chưa phát triển tình thương mà chỉ sống bằng bản năng. Bộ óc của họ chưa phát triển, sự suy tư của họ còn nông cạn, danh từ “tình thương” không hề có trong ngôn ngữ, ứng xử hay tâm thức của họ. Tuy nhiên, hiện nay nhân loại không như thế, họ đã có bộ óc để suy nghĩ, có sách vở để học, đã được giáo dục về trách nhiệm, bổn phận và tình thương thì không thể còn vô cảm như thế được.
Tôi giật mình nói ngay:
- Vậy, liệu những việc như thế có thể xảy ra trong thời gian tới?
Thomas trả lời:
- Có thể xảy ra, nếu không nói thẳng là sẽ xảy ra. Chỉ ít lâu nữa, anh sẽ thấy các thiên tai hàng loạt xảy đến như nạn đói, khan hiếm nước sạch, rồi hạn hán, sâu bọ phá hoại mùa màng, dịch bệnh và rồi chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, con người sẽ hành động như thế nào? Phải chăng “ai chết mặc ai – mạnh ai nấy sống”?
Tôi trầm ngâm:
- Nếu mọi người có thể vô cảm đến mức độ đó thì thật đáng buồn và đáng lo ngại.
Thomas nói:
- Đâu cần đợi đến lúc đó. Hiện nay, anh có thể thấy nhiều người đã sống như thế rồi. Khi nhìn thấy sự kiện, hoàn cảnh đáng thương nào đó, họ chỉ bình luận vu vơ “Tội nghiệp quá!”, rồi chuyển qua quan tâm việc khác như không hề có gì xảy ra. Phản ứng của họ là thế, hời hợt và vô cảm. Họ sống ích kỷ và nông cạn, chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như quảng cáo thương mại, các trào lưu hào nhoáng, các phong trào trên mạng xã hội, rồi suy nghĩ y hệt như thế, hành động theo cảm quan của số đông, theo ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, trò chơi công nghệ. Không mấy người biết suy tư với lý lẽ riêng, lập trường riêng. Mấy ai biết trong đời sống có biết bao bài học cần học, những người biết rồi cũng có mấy ai chịu học đâu…
Tôi hỏi:
- Nói vậy thì họ cần phải học những gì?
Thomas mỉm cười:
- Nói đến việc cần học gì thì sẽ có hàng trăm ý kiến khác nhau và sự bàn cãi sẽ kéo dài liên miên không dứt. Tất cả đều phát xuất từ những suy luận của khối óc vật chất, của bản ngã, của lòng tham lam, sự ích kỷ. Ai cũng cho rằng quan niệm, suy nghĩ của mình là đúng và của người khác là sai. Một giải pháp tốt cho quốc gia này có thể không tốt cho quốc gia khác, vì ai cũng có lòng riêng, cũng tính toán giành lợi lộc cho mình hay phe phái của mình. Do đó, thay vì đưa ra những giải pháp để tạo ra những thay đổi lớn lao, thì giải pháp hữu hiệu nhất chính là thay đổi tâm thức của chính mình để sống hợp với các chân lý hay định luật của vũ trụ.
Tôi thở dài:
- Hiện nay trên thế giới này vẫn không có mấy người tin vào luật nhân quả, mặc dù đã có nhiều bằng chứng, giải thích một cách khoa học bằng các định luật vật lý. Cũng như thế, vì không có bằng chứng xác thực gì về các kiếp sống khác sau khi chết, nên nhiều người không tin vào luân hồi, cho rằng chết là hết, sống là để hưởng thụ.
Thomas mỉm cười nói:
- Đúng là có nhiều người không tin. Nhưng nếu không tin, họ giải thích thế nào về trường hợp ngủ mơ về một nơi chốn xa lạ hay gặp một người lạ nào đó. Khi những hình ảnh này lặp đi lặp lại nhiều lần trong các giấc mơ thì đó là bằng chứng rằng họ đã từng sống ở nơi chốn ấy, hay đã gặp người kia trong kiếp sống trước. Giấc mơ một phần là sự phản ánh vô thức của những hạt giống trong tàng thức, vì mọi việc xảy ra, từ suy nghĩ, lời nói đến hành động đều được lưu trữ trong tàng thức. Có một nghiên cứu khoa học về các trẻ nhỏ từ ba đến bảy tuổi có thể nhớ được tiền kiếp. Những đứa bé này có thể mô tả chi tiết chính xác về những sự kiện, con người hay địa điểm nào đó. Nhiều người cho rằng đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng, nhưng làm sao những đứa trẻ rất nhỏ có thể tưởng tượng ra những địa danh, tên tuổi của những người mà chúng không hề quen biết? Nếu đó không phải là bằng chứng của kiếp sống khi xưa thì giải thích thế nào? Tôi biết nhiều người bị hấp dẫn một cách khó giải thích với phong tục, văn hóa, hay ngôn ngữ của những quốc gia xa lạ. Họ cảm thấy rất quen thuộc hay thích thú với các nền văn minh cổ như Ai Cập, Hy Lạp hay Trung Hoa mặc dù chưa bao giờ đến đó hay biết gì về những quốc gia đó. Nếu không phải do đã từng sống ở những nơi đó thì còn vì sao? Thậm chí, tôi có thể nói khi anh mơ là phần linh hồn của anh thoát ra khỏi thân xác và đi trải nghiệm các cõi giới tinh thần hoặc trải nghiệm ở một thế giới song song khác, tùy theo mức độ tâm thức và độ thanh sạch của tinh thần. Khi cơ thể ngủ, các giác quan vật lý rơi vào trạng thái tĩnh lặng thì phần giác quan tinh thần của anh sẽ trở nên sống động – có thể coi là xuất hồn. Vật lý lượng tử đã chứng minh đa vũ trụ là có thật, có nhiều không gian, thời gian khác cùng tồn tại song song với thế giới này.
Thay vì đưa ra những giải pháp để tạo ra những thay đổi lớn lao, thì giải pháp hữu hiệu nhất chính là thay đổi tâm thức của chính mình để sống hợp với các chân lý hay định luật của vũ trụ.
Tôi hỏi thêm:
- Vậy hiện tượng bóng đè thì sao, liệu có phải do yếu bóng vía, thần kinh yếu hay do một thực thể tâm linh, vong linh nào đó bám theo làm phiền, dọa nạt?
Thomas cười nói:
- Hiện tượng bóng đè có thể lý giải. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, nguyên nhân tà ám cũng có, nhưng đó chỉ là thiểu số. Lý do chủ yếu là khi ngủ, một phần hồn của anh sẽ rời khỏi thân xác và đi trải nghiệm ở những thế giới khác, các giác quan đời sống của anh được đưa đến một không-thời gian khác. Giấc mơ dài hay ngắn là do mức năng lượng linh hồn của anh, có những thiền sư có thể có những giấc mơ mà họ ở trong đó vài chục năm. Quay lại hiện tượng bóng đè, khi tỉnh khỏi giấc mơ, linh hồn sẽ quay lại thân xác, nếu thân xác thức dậy trước khi hồn nhập về hoàn toàn thì sẽ rơi vào trạng thái trĩu nặng, mê man mà chúng ta gọi là hiện tượng bóng đè. Do đó, bóng đè thường xảy ra khi cơ thể anh bị yếu, mệt, căng thẳng hoặc khi anh thoát khỏi ác mộng đột ngột, phần hồn và phần xác chưa tương thích hoàn toàn. Nếu anh ngủ thẳng giấc, phần hồn về lại phần thân xác một cách bình thường thì sẽ mở mắt thức dậy trong an bình.
Thomas ngừng lại, rút trong ngăn kéo ra chiếc nhẫn hình con bọ hung:
- Khi trước tôi bị hấp dẫn bởi chiếc nhẫn này, tôi không hiểu tại sao mình lại muốn có một chiếc nhẫn giống như thế. Nếu không nhớ lại tiền kiếp tại Ai Cập thì không bao giờ tôi có được câu trả lời.
Ông chăm chú nhìn tôi rồi nói:
- Tương tự, tại sao chúng ta cảm thấy có một sự liên hệ mạnh mẽ bất chợt tình cờ với một ai đó, dù chỉ mới gặp lần đầu? Phải chăng mình và họ đã từng quen nhau từ trước? Cũng như tại sao lại có người rất sợ độ cao hay căm ghét màu đỏ, sợ nghe tiếng côn trùng kêu vào ban đêm… đó là vì những trải nghiệm tiền kiếp còn lưu lại trong tàng thức của họ. Đó cũng có thể gọi là dấu vết luân hồi.
Tôi đồng ý:
- Tôi cũng nghĩ chắc chúng ta đã có những liên hệ từ kiếp xa xưa nào đó. Tôi không ngờ qua cuộc gặp gỡ tình cờ tại Đài Bắc mà tôi có dịp được nghe ông chia sẻ về những kiếp sống xa xưa. Quả thật là một nhân duyên. Tuy là một nhà khoa học nhưng tôi cũng là một Phật tử, tôi luôn tin nhân quả, luân hồi, dù trên thế giới không phải ai cũng tin như thế. Không phải ai cũng có thể giải thích được tường tận cốt lõi của luật nhân quả và luân hồi theo cách dễ hiểu, khoa học.
Thomas mỉm cười nói:
- Khi anh đề nghị viết cuốn sách về những trải nghiệm của tôi, tôi đã rất bất ngờ. Tôi nghĩ anh là một nhà khoa học, không ngờ anh cũng viết sách và tâm huyết với việc lưu truyền văn hóa cho đời sau. Ban đầu tôi cũng hơi phân vân, nhưng lại nghĩ đây là cơ hội có thể giúp những người không tin vào nhân quả có thể chuyển nghiệp, thay đổi tâm thức để sống tốt hơn. Đó là lý do rất chính đáng để tôi đồng ý thực hiện cuốn sách này với anh.
Tôi đưa mắt nhìn ánh mặt trời chiếu qua những cành thông đang rung rinh bên cửa sổ tạo thành những tia nắng nhảy múa tựa cánh bướm và nói với Thomas:
- Thế giới của chúng ta đang rung chuyển và biến động từng ngày. Dù có là người thờ ơ nhất thì cũng ý thức được những cơn rung chấn cấp độ toàn cầu đã và đang áp sát cửa nhà chúng ta. Thử nhìn ra xung quanh, chỉ vài năm trở lại đây, thiên tai trở nên ngày càng cực đoan, băng vĩnh cửu đang tan nhanh ở hai đầu cực địa cầu, trái đất nóng lên chạm ngưỡng báo động, dịch bệnh lan tràn, chiến tranh bùng nổ và có nguy cơ lan rộng, thế giới lại phân cực trở lại như thời chiến tranh lạnh, thậm chí sự sống của toàn thể nhân loại đang bị đe dọa bởi cơn bốc đồng của một vài cá nhân sở hữu những nút bấm kích hoạt vũ khí hạt nhân… Nếu có một chút để tâm đến những gì đang diễn ra, tôi nghĩ chúng ta phải tự hỏi: “Chúng ta đang để lại cho con cháu mình một thế giới như thế nào?”. Trong những ngày tháng đầy biến động này, tôi hy vọng mọi người đều biết tự hỏi thế giới này đang đi về đâu? Phải chăng trong sự phát triển cao ngạo của mình, nhân loại đã đi sai hướng suốt một thời gian dài – tự gọi mình là chủ nhân địa cầu nhưng chúng ta có cư xử xứng đáng như một chủ nhân có trách nhiệm tại ngôi nhà chung của muôn loài? Những gì con người đang hướng tới cho đến nay vẫn là ngắn hạn, đi về hướng phá hủy và tận diệt. Thảm họa đã ở trước mắt, tôi và ông đã nhận ra, chắc chắn những người dẫn dắt thế giới cũng đã nhận ra, nhưng có bao nhiêu người chọn chung tay cùng hành động cho một thế giới tương lai tốt đẹp và nhân ái hơn cho loài người? Ngay trong môi trường làm việc của tôi, đa số người trẻ đều tự hào về sự tiến bộ của công nghệ. Họ quan niệm trí thông minh là điều kiện tất yếu giúp con người tạo ra những phát kiến phi thường. Nhiều công ty và trường đại học cũng đánh giá cao về trí thông minh nên thường tuyển chọn nhân viên, sinh viên dựa trên chỉ số thông minh.
Thomas gật đầu:
- Trong lúc khoa học và công nghệ phát triển, thu được nhiều thành quả tốt đẹp, thay đổi đời sống con người thì dĩ nhiên số đông tin vào các định luật khoa học và phát kiến công nghệ. Hiển nhiên trí thông minh là cần thiết, chúng ta không thể phủ nhận khả năng của nó được. Mọi tiện nghi của đời sống vật chất bây giờ đều là kết quả của trí thông minh. Không lâu trước đây, nếu muốn đi xa, chúng ta phải dùng xe ngựa, nhưng bây giờ thì đã có xe hơi hay phi cơ. Nhờ trí thông minh, đời sống con người đã hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên, câu hỏi của tôi là những người thông minh này đã và đang làm gì với tài năng của họ?
Tôi trả lời:
- Phần lớn chỉ chú trọng vào việc kiếm tiền, có càng nhiều tiền càng tốt. Ai cũng biết trong thế kỷ này, công nghệ là yếu tố chính đã tạo ra những cơ hội làm giàu hiếm có. Khi xưa, phần lớn người giàu đều phải trải qua thời gian dài vượt thử thách, gian nan mới xây dựng được sự nghiệp thành công, vững chắc. Ngày nay, nhiều người trẻ có thể trở thành triệu phú chỉ trong một thời gian ngắn. Việc kiếm tiền tương đối nhanh chóng này khiến họ trở nên kiêu căng, tự mãn, ích kỷ và vô cảm. Họ không quan tâm gì đến những hậu quả từ việc làm của mình, cũng không quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh. Đồng tiền đã chi phối và làm thay đổi hầu hết con người. Nhiều người chỉ lo kiếm tiền và không ngần ngại làm bất cứ việc gì, kể cả những việc sai quấy, trái luân thường đạo lý, miễn là có tiền. Nhiều người coi tiền bạc là thước đo giá trị và mục đích của đời sống. Ít ai có thể vươn tầm mắt khỏi những lợi ích cá nhân và để ý gì đến những lý tưởng cao đẹp, đem lại lợi ích chung cho nhân loại. Tôi không cho rằng sự phát triển của công nghệ đang dẫn dắt nhân loại đi đến nền văn minh cao hơn và hạnh phúc hơn. Trái lại, công nghệ và muôn kiểu tiện ích thông minh dựa trên AI đang khiến con người bớt nhân ái hơn, vô cảm hơn, lười nhác hơn. Chúng ta ít nhìn vào ánh mắt nhau một cách chân tình, ít dành cho nhau nụ cười và nhận ra những thiện ý của nhau hơn, vì hầu hết thời gian của chúng ta dùng để cắm mặt vào điện thoại, iPad hay máy tính. Hình ảnh quen thuộc nhất khi nhắc đến thời đại này chắc chắn là những con người đang cúi đầu nhìn vào màn hình điện thoại bất kể ngày hay đêm, họ nghĩ họ đã có cả thế giới trong một thiết bị nhỏ xíu nhưng đồng thời họ cũng tự cô lập mình ra khỏi thế giới. Có lẽ vì thế mà ít người nào còn quan tâm đến những việc xung quanh, thế giới của chúng ta dường như đang bị hủy hoại với tốc độ nhanh chưa từng có.
Thomas gật đầu:
- Thật đáng tiếc, có thể nhiều người trong chúng ta ngày càng thông minh hơn nhưng hầu hết lại không biết sự khác biệt giữa trí thông minh (intelligence) và trí tuệ (wisdom).
Tôi nhớ lại:
- Chúng ta từng thảo luận về vấn đề này, nhưng chưa có cơ hội đi sâu hơn. Ông có thể chia sẻ thêm góc nhìn của ông về sự khác biệt giữa hai thứ này không?
Thomas trả lời:
- Theo tôi, trí thông minh chỉ là bước đầu giúp con người thay đổi, thích nghi với đời sống. Nó chỉ là cái mầm non vừa nảy từ hạt để mọc thành cây chứ chưa đơm hoa, kết trái được. Nó đã tạo ra các phát minh có giá trị nên nhiều người đặt cho nó vai trò quan trọng. Thật ra nó chỉ là chiếc xe ngựa thô sơ đưa con người từ chỗ này đến chỗ khác, không thể so sánh với phi thuyền không gian bay khắp vũ trụ được. Trí thông minh giúp ta suy luận, phân tích và giải quyết một số vấn đề nhưng nó rất giới hạn khi so với trí tuệ. Hiện nay, các khoa học gia, kinh tế gia, lý thuyết gia, những người được coi là thông minh, chỉ biết hướng ra ngoài tìm kiếm giải pháp, trong khi điều họ nên làm là quay vào bên trong và sử dụng trí tuệ của mình. Do đó, các sáng kiến hay phát minh của họ thường không mang lại ý nghĩa và hạnh phúc thật sự cho con người. Trong thời đại này, chúng ta cần biết rằng mọi phát minh phải được xây dựng từ đạo đức và trách nhiệm – tức căn bản của trí tuệ – chứ không phải từ trí thông minh. Không có đạo đức, trí thông minh chỉ tạo ra những điều có hại cho xã hội. Người thông minh thường tự hào rằng họ đã hiểu biết hết mọi sự nhưng liệu họ có biết hậu quả của việc họ đã và đang làm không?
Tôi đồng tình với Thomas:
- Tôi hiểu. Tôi đã từng đặt vấn đề với các sinh viên về mặt trái của công nghệ nhưng đa số đều không quan tâm, vì đầu óc của họ chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân. Không những thế, thị trường công nghệ hiện nay và hầu hết sản phẩm của nó như mạng xã hội, trò chơi video… cũng xây dựng dựa trên lợi ích của công ty thay vì quyền lợi chung. Khi người trẻ làm việc trong thế giới công nghệ này, phần lớn đều bị lôi cuốn vào việc đem lại lợi ích cho công ty. Vì tiền, họ sẵn sàng làm mọi việc, bất chấp hậu quả, dù có thể họ biết đó là những việc phi nhân tính, gây hại đến người khác.
Thomas gật đầu:
- Đúng thế, tuy người thông minh có thể làm được nhiều việc đáng kể nhưng trí thông minh không giúp họ có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về hậu quả. Đa số đều bị mê hoặc bởi bản ngã kiêu căng, ích kỷ rồi tự mãn về thành quả đạt được. Rất hiếm người làm việc một cách vô tư hay khiêm tốn, càng hiếm người hành động không vì danh lợi mà chỉ vì biết đó là việc cần cho xã hội. Người biết về những sai lầm, cố chấp của bản ngã lại càng hiếm hơn. Khi xưa, tôi may mắn tiếp xúc được với một người có trí tuệ đặc biệt đã giúp tôi phân biệt rõ về việc này.
Tôi hỏi:
- Có phải một câu chuyện tiền kiếp khác của ông không?
Thomas mỉm cười, gật đầu:
- Đúng vậy. Khi sống tại Bactria, tôi theo Timotheus thực hành phương pháp tĩnh tâm, và chúng tôi thực hành với một người như thế. Vị này dạy tôi phải tuân theo một số kỷ luật (giới) để kiểm soát thân xác, loại bỏ sai lầm của bản ngã. Sau đó, tôi được dạy kiểm soát tư tưởng, không cho nó chạy lung tung. Khi tư tưởng tập trung (định) thì sẽ phát triển được trí tuệ. Nói cách khác, khi trí thông minh được tinh luyện thì nó sẽ chuyển hóa thành trí tuệ. Theo tôi, đây là yếu tố cần thiết cho việc chuyển hóa của nhân loại hiện nay.
Trong thời đại này, chúng ta cần biết rằng mọi phát minh phải được xây dựng từ đạo đức và trách nhiệm – tức căn bản của trí tuệ – chứ không phải từ trí thông minh. Không có đạo đức, trí thông minh chỉ tạo ra những điều có hại cho xã hội. Người thông minh thường tự hào rằng họ đã hiểu biết hết mọi sự nhưng liệu họ có biết hậu quả của việc họ đã và đang làm không?
Tôi trầm ngâm một chút rồi đáp lời:
- Trí thông minh mà không có tình thương dẫn đường thì sẽ chỉ tìm cách mưu lợi cho bản thân, bất chấp gây hại đến xã hội, và cũng không thể chuyển hóa thành trí tuệ. Chỉ khi có nhiều người hơn nữa thức tỉnh, khai mở trí tuệ, mang theo ánh sáng từ ái chữa lành trong hành trình sống của mình thì nhân loại mới thay đổi được những nghiệp dữ đang ngày càng lan rộng khắp địa cầu. Tôi đã suy ngẫm nhiều về lý tưởng của tỷ phú Farnum, về cuộc cách mạng chuyển đổi tâm thức mà ông đã âm thầm nhận lãnh như một sứ mệnh mà những linh hồn cao cả ở cõi giới bên kia đã trao cho ông. Sự thức tỉnh tâm linh của nhân loại đang bắt đầu và có thể lan tỏa. Thomas, ông đã thức tỉnh, Farnum cũng đã thức tỉnh, tôi và nhiều người khác trên hành tinh này cũng đang chứng kiến những biến động rung chuyển thế giới để thức tỉnh. Sự thức tỉnh này nếu diễn ra sớm hơn, thế giới của chúng ta có lẽ đã không tồi tệ, lụi tàn quá nhanh như hiện nay. Đợt diệt chủng thứ sáu đã bắt đầu, lẽ nào, con người chỉ có thể thay đổi khi thật sự đứng trước bờ vực diệt vong…
Thomas trầm ngâm:
- Tôi nhận ra rằng cái gọi là “tự do ý chí” của con người chính là một phép thử. Đứng trước tự do lựa chọn, ta sẽ chọn cái xấu hay cái tốt? Tất cả đều là lựa chọn, thế nhưng tại sao trong suốt nhiều thế kỷ qua chúng ta luôn chọn hơn thua, danh lợi, dục vọng, chém giết và đẩy thế giới đến ngưỡng diệt vong như hiện nay? Cũng may, tuy cái xấu rất cám dỗ và dễ chọn lựa, nhưng cũng có không ít người đã can đảm lựa chọn điều tốt đẹp như cứu giúp người, lan tỏa trí tuệ, trao gửi tình thương, hướng thiện, chữa lành. Họ đã đến với cuộc đời này và mang theo ánh sáng của thiên thần – hay nói đúng hơn, họ chọn ánh sáng thiên thần để thắp lên trên ngọn lửa sinh mệnh của mình. Ánh sáng đó là sự chuyển hóa tâm thức. Ánh sáng đó, tôi và anh hay bất cứ ai đều có thể chọn được. Con người chúng ta, với tự do ý chí, có thể trở thành ác độc, khát máu như quỷ dữ, nhưng cũng có thể tràn đầy ánh sáng ấm áp như những thiên thần – tất cả đều là lựa chọn. Phương Đông có câu “Vật cùng tắc biến, vật cực tất phản”, ý nói khi mọi thứ đến một điểm cực độ thì ắt sẽ có thay đổi. Chúng ta đang đi đến cái ngưỡng đó, đây là lúc để thay đổi tâm thức, nếu không, thứ chờ đợi con người chắc chắn sẽ là tận diệt.
Tôi tiếp lời Thomas:
- Tôi đồng tình với quan điểm của ông. Cái gọi là thay đổi tâm thức có thể diễn ra khi ánh sáng khoa học và ánh sáng tâm linh kết hợp và dẫn đường cho nhân loại đi đến nền tảng trí tuệ cao hơn. Đó là khi trí tuệ của tâm linh sẽ dẫn đường cho khoa học vươn đến những điều nhân văn tốt đẹp. Từ ngàn năm trước, những triết gia, những nhà huyền bí của cả phương Đông và phương Tây đều đã đưa cho nhân loại lời khuyên “muốn tìm hiểu vũ trụ thì hãy quay vào bên trong tìm hiểu chính mình”. Bên trong con người chính là một tiểu vũ trụ hoàn hảo, trong đó có thứ ánh sáng thanh khiết, tự nhiên từ năng lượng uyên nguyên. Vậy mấu chốt của cuộc cách mạng chuyển đổi tâm thức là để ánh sáng tâm linh trong mỗi người có cơ hội phát lộ để dẫn đường cho chính mình, cho nhân loại và cho khoa học tương lai phát triển đúng hướng.
Thomas gật đầu:
- Đúng là như vậy. Theo tôi được biết, trước chúng ta không chỉ có nền văn minh Atlantis, mà còn có ba nền văn minh khác đã diệt vong là Lanzada, Mihtarlam, Lemuria. Tất cả đều đã bị chôn vùi khi bị con người khai thác đến mức tận diệt, vì họ đã hành xử quá tham lam, tàn bạo, trái với tự nhiên. Quay trở lại việc tu tập để chuyển hóa tâm thức và đạt đến trí tuệ, tôi nghĩ đó là con đường tất yếu để con người có thể cứu vãn sự sống của chính mình cũng như của hành tinh này. Đó cũng là con đường tất yếu trong hành trình bất tử của linh hồn.
Tôi nói ngay:
- Ông vừa nhắc đến kiếp sống mà ông và Timotheus đã cùng tu tập tại Bactria. Đó có phải là giai đoạn thức tỉnh đầu tiên của ông, khởi đầu cho hành trình tu tập, khai mở các năng lực tinh thần sau này?
Thomas gật đầu:
- Sau khi rời bỏ Babylon và đến Bactria tìm gặp Timotheus, chúng tôi đã cùng thực hành những phương pháp tu tập do các hiền giả Ấn Độ hướng dẫn. Tôi đã bắt đầu hành trình thức tỉnh tâm linh ở đó. Tôi đã có những hồi tưởng chi tiết về kiếp sống này, tôi sẽ kể tiếp cho anh.
Sau đây là câu chuyện của Thomas…
Mấu chốt của cuộc cách mạng chuyển đổi tâm thức là để ánh sáng tâm linh trong mỗi người có cơ hội phát lộ để dẫn đường cho chính mình, cho nhân loại và cho khoa học tương lai phát triển đúng hướng.