Năm 2008, tôi có dịp tham dự một hội thảo khoa học tại Đài Bắc. Nhân dịp đó, tôi liên lạc với một người bạn thân, giáo sư Raymond Yeh, để đến thăm ông này. Giáo sư Yeh là cựu Trưởng khoa Khoa học Máy tính tại trường Đại học Texas và Đại học Maryland. Ông là một nhà khoa học, là tác giả của rất nhiều tài liệu nghiên cứu và của mười cuốn sách giáo trình được dạy trong các trường đại học tại Hoa Kỳ. Ông đã đào tạo nhiều thế hệ khoa học gia và giáo sư nổi tiếng ngày nay. Mặc dù đã về hưu và sống tại Đài Bắc nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực khoa học và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Giáo sư Yeh vui mừng mời tôi ghé qua tư gia ăn tối. Điều bất ngờ là trong bữa ăn đó cũng có sự hiện diện của phi hành gia Edgar Mitchell* và một người bạn của ông tên là Thomas K, cũng đến thăm giáo sư Yeh.
Chú thích:
* Phi hành gia Edgar Mitchell khởi xướng việc nghiên cứu về sự tương quan giữa con người và vũ trụ để tìm hiểu về những sự kiện không thể giải thích, khuyến khích việc xây dựng mối liên hệ giữa khoa học và trải nghiệm nội tâm trong viện nghiên cứu do chính ông cùng một số người bạn lập ra tại Palo Alto, California, nhưng ông đã bị một làn sóng dư luận khắt khe chỉ trích. Ông qua đời vào năm 2016.
Giáo sư Yeh mở đầu giới thiệu với mọi người:
- Phi hành gia Edgar Mitchell là một nhà khoa học lỗi lạc với nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về không gian tại Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông là một trong sáu người đã đặt chân lên mặt trăng bằng phi thuyền Apollo 14 vào ngày 31 tháng 1 năm 1971. Trên hành trình trở về trái đất, nhìn qua cửa sổ của phi thuyền, ông thấy trái đất thật nhỏ bé so với vũ trụ bao la và bất ngờ trải nghiệm một cảm giác bình an lạ lùng không thể diễn tả.
Khi trở về, ông tìm đủ mọi cách để tìm hiểu về cái cảm giác đó. Là nhà khoa học, Edgar Mitchell cố gắng nghiên cứu để giải thích sự bình an lạ lùng này qua các lý thuyết khoa học nhưng không thành công. Ông quy tụ một số khoa học gia nổi tiếng, thành lập một viện nghiên cứu về mối liên hệ giữa khoa học và trải nghiệm nội tâm (Institute of Noetic Science); nhưng qua nhiều năm, những nhà khoa học lỗi lạc nhất này cũng chưa thể đi đến một kết luận nào cả. Do đó, lần này tôi mời ông ấy đến gặp Hòa thượng Thánh Nghiêm, mong rằng ngài có thể giúp ông ấy giải đáp thắc mắc về trải nghiệm này.
Trong bữa ăn tối hôm đó, chúng tôi đàm đạo thân mật về các lý thuyết khoa học vừa được phát minh vào lúc đó. Tôi nhận thấy phi hành gia Mitchell là người có đầu óc cởi mở, với sự hiểu biết rộng và sâu sắc hơn những nhà khoa học khác mà tôi đã gặp.
Ông Mitchell nói:
- Các phát minh khoa học mới nhất hiện nay đang thúc đẩy nhân loại phải thay đổi cách suy nghĩ và quan niệm của họ, ngay cả với những gì mà trước đây chúng ta vẫn cho là đúng. Càng ngày càng có thêm nhiều khám phá mới, dữ kiện mới, có thể hoàn toàn thay đổi nền tảng khoa học mà chúng ta đã xây dựng từ mấy trăm năm nay. Thí dụ như, trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi hành tinh, kể cả mặt trời, mặt trăng đều quay quanh trái đất. Dĩ nhiên hiện nay chúng ta biết rằng điều này hoàn toàn sai. Mặt trời chỉ là trung tâm của một Thái Dương hệ, quả đất của chúng ta và các hành tinh liên hệ đều quay quanh mặt trời. Tuy nhiên, vũ trụ thì vô cùng rộng lớn và có rất nhiều Thái Dương hệ khác mà chúng ta chưa biết đến. Theo ước tính của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thì có khoảng hơn một tỷ Thái Dương hệ trong vũ trụ bao la mà Thái Dương hệ của chúng ta chỉ là một phần nhỏ trong đó.
Ông Mitchell bất chợt trầm ngâm, giọng xúc động:
- Chỉ khi con người đi ra ngoài không gian mới thật sự thấy được chúng ta quá nhỏ bé giữa vũ trụ bao la ngoài sức tưởng tượng này. Hiện nay, chúng ta biết rằng sự sống đã có mặt trên trái đất này từ hàng triệu năm nay, nhưng biết đâu sự sống cũng có thể hiện hữu ở các hành tinh khác hay các Thái Dương hệ khác nữa. Chúng ta cho rằng loài người là thông minh nhất khi so sánh với các loài vật, nhưng biết đâu có những sinh vật thuộc hành tinh khác còn thông minh hơn mà chúng ta chưa hề biết đến.
Cách đây không lâu, chúng ta cho rằng vật thể nhỏ nhất trên thế giới là phân tử (Molecule), nhưng sau đó chúng ta tìm ra nguyên tử (Atom) và nghĩ rằng nguyên tử là vật thể nhỏ nhất. Hiện nay, chúng ta biết rằng nguyên tử không phải là nhỏ nhất mà còn có những hạt lượng tử nhỏ hơn nhiều (Quark). Nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu thì có lẽ sẽ còn có những thứ nhỏ hơn nữa. Do đó, kiến thức của chúng ta luôn luôn thay đổi theo các khám phá mới của khoa học. Nếu chúng ta có thể chứng minh được rằng hạt vi lượng (Neutrino) di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng thì quan niệm về thuyết Tương đối của Einstein phải thay đổi và quỹ đạo của mọi hành tinh trong vũ trụ sẽ khác hẳn những gì chúng ta đo được ngày nay.
Ông ngừng lại và nhấn mạnh từng chữ:
- Vấn đề là chúng ta sẽ phản ứng như thế nào với những dữ kiện mới được khám phá? Liệu chúng ta có chấp nhận rằng những gì chúng ta tin tưởng từ bấy lâu nay chỉ là những lý thuyết không còn giá trị nữa không? Hay chúng ta vẫn bám chặt lấy quan niệm cũ vì đã coi chúng như là chân lý tuyệt đối?
Giáo sư Yeh đồng tình tiếp lời:
- Khoa học thực nghiệm chỉ là tập hợp những kiến thức thu thập được từ nhiều cuộc thí nghiệm, với những dữ liệu được đo lường, quan sát và kiểm chứng. Là khoa học gia, chúng ta luôn luôn tìm kiếm, học hỏi và nghiên cứu dựa trên lý luận, đặt ra những giả thuyết, rồi chứng minh rằng chúng đúng hay sai. Tất cả những gì chúng ta xây dựng đều hoàn toàn dựa vào các công cụ đo lường; nhưng với sự tiến bộ của khoa học, khi các công cụ này ngày một tinh vi hơn, chính xác hơn, chúng ta sẽ tìm thêm được những dữ liệu mới để bổ sung cho những dữ liệu trước và tiếp tục xây dựng nền khoa học hiện nay. Nói cho đúng thì khoa học thực nghiệm là một tiến trình luôn luôn thay đổi để bổ sung cho những gì bất toàn trước đây.
Ông Mitchell mỉm cười:
- Nhưng sẽ có một lúc nào đó chúng ta tìm ra những dữ liệu hoàn toàn khác với những dữ liệu trước đó. Chúng ta sẽ đặt ra những giả thuyết mới để thay đổi các quan niệm hiện tại và chúng ta sẽ có một cuộc cách mạng khoa học lật đổ tất cả những gì chúng ta xây dựng trước đây.
Bất chợt, ông Mitchell quay qua hỏi tôi:
- Anh cũng là một nhà khoa học, vậy anh nghĩ như thế nào?
Tôi suy nghĩ, rồi trả lời:
- Một cuộc cách mạng khoa học như thế có lẽ cần nhiều thứ hơn là việc đưa ra một lý thuyết mới để đánh đổ những lý thuyết trước. Theo tôi nghĩ, trước hết, chúng ta phải nghiệm lại các quan niệm trước để tìm hiểu tại sao chúng không còn đúng nữa. Như giáo sư Yeh đã nói, nếu chúng ta phát minh ra những công cụ tinh vi hơn, chính xác hơn, thì chúng ta hiểu rằng công cụ trước đây không hoàn hảo. Nếu chúng ta có thể chứng minh rằng những dữ liệu mới này hợp lý hơn, chính xác hơn, giá trị hơn, thì chúng ta có thể đưa ra bằng chứng để biện minh cho lý thuyết mới này và thay thế lý thuyết trước đã không còn giá trị nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian để thay đổi tư duy của mọi người.
Chúng tôi tiếp tục thảo luận về các phát minh khoa học, nhưng phần lớn là cuộc đối thoại giữa phi hành gia Mitchell và giáo sư Yeh. Tôi và ông Thomas chỉ ngồi nghe, đôi khi thêm vào vài câu xã giao. Tôi thấy ông Thomas chăm chú vào cuộc đối thoại, thỉnh thoảng lại mỉm cười nhưng không nói gì. Có lẽ vì ông là một doanh nhân chứ không phải là khoa học gia như chúng tôi nên ông kiệm lời hơn.
Sau bữa ăn, ông Mitchell hỏi tôi:
- Ngày mai chúng tôi sẽ đến gặp Hòa thượng Thánh Nghiêm, anh có muốn đi cùng với chúng tôi không?
Dĩ nhiên tôi không thể từ chối một cơ hội hiếm có như vậy.
Buổi gặp gỡ được sắp đặt trước này diễn ra tại giảng đường Đại học Đài Bắc cho một số sinh viên và giáo sư tham dự. Giáo sư Yeh là người chủ trì buổi nói chuyện.
Giáo sư Yeh bắt đầu cuộc gặp mặt:
- Mitchell, ông hãy kể về trải nghiệm lạ lùng khi bay trên không gian vũ trụ cho Hòa thượng Thánh Nghiêm nghe và hỏi ngài về những thắc mắc của ông đi.
Phi hành gia Mitchell lên tiếng:
- Thưa Hòa thượng, sau khi hoàn tất sứ mệnh trên mặt trăng, chúng tôi bắt đầu bay trở về trái đất. Khi bay trong không gian, phi thuyền của chúng tôi phải liên tiếp xoay tròn theo trục di chuyển 360 độ để giảm sức nóng phát ra từ ánh sáng mặt trời. Do đó, cứ mỗi hai phút thì tôi lại nhìn thấy trái đất, mặt trăng và mặt trời qua cửa kính của phi thuyền. Tôi cũng phải nói thêm là bên ngoài không gian, vì không có bầu khí quyển nên chúng tôi nhìn thấy các hành tinh rất rõ. Khi ở trên trái đất, chúng ta nhìn lên bầu trời và thấy các vì sao lấp lánh vì ảnh hưởng của bầu khí quyển; nhưng trong không gian, tất cả đều sáng rõ như một mạng lưới khổng lồ với hàng ngàn hàng vạn vì sao trông như những hạt kim cương tỏa sáng. Đó là một hình ảnh tuyệt vời đối với các phi hành gia chúng tôi lúc đó. Ngày nay, mọi người đều có thể nhìn thấy hình ảnh này qua kính viễn vọng Hubble, hay qua các hình ảnh mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ chụp được và đưa lên mạng. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy vũ trụ đẹp vô cùng, không lời nào có thể diễn tả được.
Là một nhà khoa học, tôi biết rằng tất cả những tế bào, những nguyên tử trong cơ thể tôi, hay cơ thể của những người bạn tôi trong phi thuyền, và ngay cả những nguyên tử cấu tạo nên phi thuyền, đều phát xuất từ hành tinh của chúng ta hay chính là khởi nguồn trong vũ trụ. Mọi hiện tượng vật chất đều phát xuất từ vũ trụ này. Từ đó, tôi ý thức rằng thân thể của tôi và tất cả mọi vật trong vũ trụ không có gì sai biệt. Thay vì là một cá thể độc lập, một thành phần riêng rẽ, tôi ý thức rằng tất cả cùng chung một nguồn gốc. Ngay khi đó, toàn thân tôi bỗng nhiên rung động mãnh liệt. Tôi thấy mình chìm đắm trong một cảm giác bình an lạ lùng không thể diễn tả. Trải nghiệm này tiếp tục diễn ra mỗi khi tôi không bận rộn. Là phi hành gia, dĩ nhiên chúng tôi rất bận vì vừa phải điều khiển phi thuyền, vừa phải hoàn thành những thí nghiệm khoa học trong phi thuyền, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng dừng lại nhìn ra ngoài cửa sổ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của vũ trụ và cảm nhận cảm giác bình an lạ lùng này.
Với mỗi vòng quay của phi thuyền, tôi lại nhìn thấy trái đất, mặt trăng, mặt trời, cùng các vì tinh tú lấp lánh. Tôi thấy vũ trụ giống như một tấm lưới với hàng triệu vì sao toát ra thứ ánh sáng rực rỡ, và tôi ý thức rõ ý niệm “vạn vật đồng nhất thể”. Tôi hiểu rằng nếu đã đồng nhất với tất cả thì vạn vật đều liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời được. Đây là một quan niệm mới lạ mà từ trước đến nay, các nhà khoa học chúng tôi không ai nghĩ đến.
Trong trải nghiệm bình yên đặc biệt đó, tôi tự hỏi: “Tôi thực sự là ai? Tôi từ đâu tới đây? Rồi tôi sẽ đi về đâu? Vũ trụ được hình thành và có mối liên hệ như thế nào với trái đất cùng những con người sống ở đó? Có phải chúng tôi, những người đầu tiên du hành ra ngoài không gian, đã cảm nhận được sự tương quan rõ rệt giữa con người và vũ trụ, khác hẳn với ý niệm của những người chưa từng rời trái đất?”.
Từ ý niệm này, tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc phải tìm cách thay đổi các quan niệm định kiến chật hẹp đã giam cầm bao nhiêu thế hệ từ trước đến nay bằng một quan niệm mới về sự tương quan giữa con người và vũ trụ. Có lẽ các định luật khoa học, các kiến thức được xây dựng từ ngàn xưa sẽ phải thay đổi khi chúng ta nhìn lại tất cả những gì chúng ta đã làm trên trái đất này, sau khi chứng kiến sự nhỏ bé của chúng ta so với vũ trụ bao la. Ngay như nền khoa học hiện đại bắt đầu khoảng bốn trăm năm trước với Isaac Newton cũng sẽ phải thay đổi khi con người bước ra khỏi tầm ảnh hưởng của sức hút trái đất.
Khi lan man nghĩ đến đó, tôi chợt nghĩ đến những bậc tiên phong như Copernicus, Galileo và những nhà khoa học lỗi lạc khác đã đưa ra ý kiến về sự tương quan giữa trái đất và vũ trụ nhưng phải chịu đựng sự chống đối, kỳ thị của những quan niệm thiển cận, hẹp hòi lúc bấy giờ. Người thì bị thiêu sống, người thì bị giam cầm cho đến chết, nhưng sự thật vẫn là sự thật, không thể chối cãi. Tất cả khuynh hướng bảo thủ, hẹp hòi trước sau cũng phải thay đổi khi người ta biết hướng tầm mắt lên cao, xóa bỏ thành kiến cũ và mở rộng tâm hồn để nhìn ra vũ trụ bao la.
Phi hành gia Mitchell ngừng lại suy nghĩ, rồi tiếp tục:
- Khi trở về trái đất, tôi luôn thắc mắc về cái cảm giác bình an lạ lùng này. Tôi tìm đọc rất nhiều sách vở khoa học nhưng không tìm thấy gì có thể giải thích hiện tượng trên. Tôi chuyển qua nghiên cứu các sách vở tôn giáo của phương Tây nhưng cũng không tìm được gì. Tôi tìm đến những học giả thông thái nhưng không ai có thể trả lời được thắc mắc của tôi. Một người bạn khuyên tôi nên tìm đọc các tài liệu về tôn giáo phương Đông, và tôi bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, nhất là các sách nói về đại định (Samadhi). Tôi thấy có sự trùng hợp giữa trải nghiệm mà tôi đã trải qua trên không gian với trải nghiệm của các hiền triết phương Đông, khi họ diễn tả về trạng thái thiền định.
Giáo sư Yeh chợt hỏi:
- Phải chăng cảm giác đó là thấy mình hợp nhất với vạn vật?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Đúng thế, lúc đó tôi không thấy có sự khác biệt giữa mình và vạn vật nữa. Cái cảm giác hòa hợp, rung động cùng với sự chuyển động của vũ trụ, là một trải nghiệm kỳ lạ không thể diễn tả được bằng lời.
Giáo sư Yeh quay sang hỏi Hòa thượng Thánh Nghiêm:
- Bạch Hòa thượng, theo quan niệm của Phật giáo, trải nghiệm không còn thấy sự phân biệt giữa mình và vạn vật của phi hành gia Mitchell có phải là một sự chứng ngộ không?
Hòa thượng Thánh Nghiêm mỉm cười nhìn ông Mitchell:
- Trước hết tôi rất mừng cho phi hành gia Mitchell đã có một trải nghiệm đặc biệt. Trong hàng ngàn, hàng vạn người, không mấy ai có được trải nghiệm như thế. Trong cuộc sống, khi người ta trải nghiệm một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, có thể thay đổi hẳn các trải nghiệm cá nhân từ trước, ta có thể coi đó như là một sự chứng ngộ. Tuy nhiên, đó cũng có thể chỉ là một cảm giác nhất thời.
Thí dụ như, cách đây không lâu, một đệ tử của tôi cũng có một trải nghiệm đặc biệt. Sau một khóa tu thiền kéo dài bảy ngày, anh ta trở về nhà. Trên đường về, anh ta thấy tất cả cây cối, hoa lá, từ những con côn trùng nhỏ bé cho đến những chiếc lá cây, ngọn cỏ đều vui mừng chào đón anh. Anh cảm nhận được một niềm an lạc tuyệt vời như hòa nhập với ngoại cảnh và tin rằng mình đã chứng ngộ. Anh vội vã trở lại kể cho tôi nghe về trải nghiệm đó. Tôi nói với anh rằng tuy đó là một khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt vời nhưng cũng có thể biến đi ngay trong chốc lát. Đừng coi cảm giác đó là một sự chứng ngộ. Nếu không tin, anh hãy thử trở lại khu vườn đó để xem những cây cỏ, hoa lá, muông thú có chào đón anh như trước không.
Khi quay trở lại, anh không cảm nhận được trải nghiệm như trước nên đã hỏi: “Làm thế nào để con có thể lấy lại cái cảm giác tuyệt vời đó?”. Tôi trả lời: “Không ai có thể sở hữu mãi mãi trải nghiệm đã qua đó. Nếu muốn nắm giữ nó mãi thì anh thật tham lam. Có được trải nghiệm này chỉ là một kết quả của quá trình tu tập mà thôi. Đó không phải là sự chứng ngộ như anh kỳ vọng. Mục đích của tu tập thiền định là để phát triển trí tuệ và xóa bỏ bản ngã. Nếu chúng ta đạt đến trạng thái Vô ngã thì thế giới này còn tồn tại nữa không? Nếu chúng ta đạt đến trạng thái Tâm vô phân biệt thì làm gì còn có chúng ta hay thế giới này nữa? Đối với đa số mọi người, thế giới này thật sự hiện hữu, nhưng đối với những người đã chứng ngộ thì thế giới này chỉ là huyễn ảo, không có thật, do đó tất cả trải nghiệm dù là trải nghiệm gì đi chăng nữa, cũng chỉ là huyễn ảo chốc lát mà thôi. Chúng ta không nên để ý đến nó hay muốn nắm giữ nó mãi làm gì”.
Giáo sư Yeh hỏi thêm:
- Bạch Hòa thượng, như thế thì dù chúng ta có được những trải nghiệm gì cũng không nên bám víu vào nó hay sao?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
- Cho dù trải nghiệm đó diễn ra thế nào đi nữa, hãy để cho nó đến và đi một cách tự nhiên. Có thể nó chỉ là điều xuất phát từ tâm thức, sẽ thay đổi, vì tất cả mọi sự đều sẽ đổi thay. Dù nó hiện hữu như thật, vẫn hãy coi nó chỉ là những hiện tượng của tâm thức mà thôi.
Tuy nhiên, đối với những người đã trải nghiệm, rồi hoàn toàn thay đổi nhận thức của họ và luôn luôn sống với tâm thức đó, thì chúng ta có thể kết luận rằng người đó đã chứng ngộ. Theo quan niệm của Phật giáo, người này đã có một “nhân” lành từ trước và đến nay nó bắt đầu trổ “quả”.
Hòa thượng Thánh Nghiêm chia sẻ tiếp:
- Phi hành gia Mitchell là một nhà khoa học, nhưng không thể giải thích trải nghiệm đó bằng lý luận của khoa học, không thể chứng minh nó qua các cuộc thí nghiệm, hay tạo ra lý thuyết bằng phương pháp luận lý. Ông tin rằng đây là một kiến thức mới, mà khoa học cần khám phá, nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, ông nên biết rằng cảm giác đó là một trải nghiệm tâm linh nằm trong phạm trù của tôn giáo mà khoa học không thể giải thích. Triết học hay luận lý học cũng không thể giải thích được, vì nó là một trải nghiệm tinh thần xảy ra cho một người duy nhất - là ông mà thôi. Trải nghiệm ấy đã làm thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của ông. Từ đó, ông cảm thấy nó trở thành một phần của ông, không thể tách rời ra được nữa. Trải nghiệm này vượt khỏi phạm trù của khoa học bởi vì những người trải nghiệm được việc này không thể diễn tả, giải thích được, không thể chứng minh được, và cũng không ai có cùng một trải nghiệm tương tự như thế, nó là một trải nghiệm có tính chất duyên căn cá nhân. Ai uống nước thì tự mình biết nóng hay lạnh. Trong trường hợp của ông, chỉ mình ông cảm nhận được sự an lạc hòa hợp cá nhân vào vũ trụ, nhập với tất cả, không còn phân biệt giữa mình và vũ trụ nữa. Lúc đó cũng có các phi hành gia khác ở trong phi thuyền. Tại sao họ không có được trải nghiệm giống như ông? Tại sao chỉ mình ông có được cảm nhận đó? Nếu nói theo khoa học thì một khi ông cảm nhận được điều gì, tất cả những người khác cũng đều phải thấy như thế. Tóm lại, đây là điều mà khoa học không thể giải thích hay chứng minh, vì nó nằm ngoài phạm trù của khoa học.
Giáo sư Yeh hỏi tiếp:
- Ông Mitchell, trải nghiệm lạ lùng đó có trở lại với ông nữa không? Khi trở về trái đất, ông còn có cảm nhận đó nữa không?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Có chứ, tôi vẫn cảm nhận được và sống trong niềm an lạc vô biên này. Nó hoàn toàn thay đổi quan niệm của tôi về con người và vũ trụ, vì thế tôi mới tìm cách giải thích nó theo khoa học, luận lý học, triết học và tâm linh. Tôi đồng ý với Hòa thượng Thánh Nghiêm về điều ngài dạy; nhưng là người nghiên cứu khoa học, tôi vẫn muốn tìm cách kết nối khoa học với trải nghiệm nội tại, để mở ra một chân trời mới cho kiến thức còn thiếu sót của nhân loại hiện nay.
Giáo sư Yeh tiếp tục đặt câu hỏi:
- Ông nghĩ sao về các lý thuyết khoa học còn thiếu sót hiện nay? Chẳng hạn như giả thuyết về sự hình thành vũ trụ qua vụ nổ Big Bang?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Khoa học thực nghiệm được xây dựng từ những lý luận, rồi được chứng minh qua các cuộc thí nghiệm với những dữ liệu chính xác. Giả thuyết về sự hình thành vũ trụ qua vụ nổ Big Bang mặc dù được đa số chấp nhận nhưng chưa ai có thể chứng minh nó một cách chính xác. Do đó, nó vẫn chỉ là một giả thuyết. Nó giải thích được một số hiện tượng, nhưng nó chưa hoàn chỉnh để có thể được công nhận là sự thật tuyệt đối. Theo tôi thì với đà tiến triển của khoa học ngày nay, giả thuyết này có thể trở nên lỗi thời, khi có thêm những bằng chứng hay dữ liệu khác. Tôi không nghĩ vũ trụ chỉ là kết quả của một vụ nổ, mà là một cái gì đó vận động, thay đổi không ngừng, do đó rất khó định nghĩa thật rõ ràng.
Giáo sư Yeh đặt vấn đề:
- Nhưng nếu loại bỏ lý thuyết về vụ nổ Big Bang thì phải chăng thời gian không bắt đầu từ lúc tạo lập ra vũ trụ mà là một cái gì đó không có khởi thủy?
Phi hành gia Mitchell giải thích thêm:
- Đối với tôi, thời gian chỉ là một sự đo lường có tính tương đối. Chính con người đề xướng ra cái gọi là “thời gian” trên trái đất này chứ tự nhiên không phân chia ra như thế. Con người tạo ra quan niệm về thời gian, rồi chia nó ra thành nhiều mảnh vụn. Trái đất quay quanh mặt trời một vòng thì được xem là một năm, rồi một năm có mười hai tháng, mỗi tháng có một số ngày, rồi ngày chia ra giờ, giờ chia ra phút, phút chia ra giây v.v… Sự phân chia này chỉ mang tính giới hạn trên trái đất mà thôi. Nếu chúng ta đi lên Hỏa Tinh, hay Kim Tinh, chúng ta sẽ phải thay đổi thời gian khác đi. Nếu chúng ta tiếp tục đi vào không gian thì thời gian trên trái đất sẽ không còn giá trị nữa.
Giáo sư Yeh quay qua hỏi Hòa thượng Thánh Nghiêm:
- Bạch Hòa thượng, một nhà khoa học không gian và là một phi hành gia nổi tiếng như ông Mitchell đây cũng không hoàn toàn tin vào giả thuyết về sự hình thành vạn vật qua vụ nổ Big Bang, mà cho rằng vũ trụ là một cái gì đó luôn luôn thay đổi. Nếu thế phải chăng vạn vật không có khởi đầu hay chấm dứt, mà chỉ là một diễn trình thay đổi không ngừng? Bạch Hòa thượng, liệu quan niệm này có khác với quan niệm của Phật giáo trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) không?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
- Cho đến nay, mọi người đều cho rằng vạn vật được hình thành từ vụ nổ Big Bang. Các nhà khoa học cũng dựa vào giả thuyết này để đưa ra các lý luận khoa học về không gian, thời gian v.v... Tôi mừng vì một nhà khoa học lỗi lạc và là phi hành gia nổi tiếng như ông đây lại nghĩ khác. Ông tin rằng vũ trụ luôn luôn thay đổi và vận động không ngừng, do đó rất hợp với quan niệm “thành, trụ, hoại, diệt” vì mọi sự vật, mọi hiện tượng luôn luôn thay đổi, không có khởi đầu hay chấm dứt. Điều này rất hợp với quan niệm của Phật giáo.
Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm rằng vũ trụ quan của Phật giáo không phân chia thời gian và không gian như là hai thực thể khác biệt mà bao gồm cả thời gian lẫn không gian. Thời gian bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Không gian cũng bao trùm cả sáu hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới). Nhưng thời gian có thật sự hiện hữu không? Không! Thời gian chỉ được tạo ra khi có một đối tượng trong không gian chuyển động, và nếu ta đo được sự chuyển động đó thì thời gian hiện hữu. Nói cách khác, nếu ta cảm thấy không gian thay đổi thì thời gian hiện hữu. Nếu không gian không chuyển động thì sẽ không có thời gian. Nhưng nói như thế thì không gian có hiện hữu không? Cũng không! Nếu ta không cảm nhận được thời gian thì không gian cũng không hiện hữu. Tất cả chỉ là một cái gì đó uyên nguyên rỗng lặng.
Nói cách khác, vũ trụ quan của Phật giáo là sự phối hợp giữa không gian và thời gian. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, tất cả đều liên hệ với nhau, tương tức và tương nhập chặt chẽ. Tóm lại, mọi sự vật trong vũ trụ đều có tính tương đối, nghĩa là đều vô thường, vô ngã và duyên sinh. Thời gian và không gian tuy có tên gọi khác nhau nhưng cùng chung một bản thể, hay “vạn vật đồng nhất thể”, một là tất cả, tất cả là một.
Hòa thượng Thánh Nghiêm tiếp tục giải thích:
- Ngày nay, ngành vật lý không gian đã chứng minh điều này bằng thuyết Tương đối của Albert Einstein. Đặc biệt là quan niệm về không gian bốn chiều, nêu rõ ý nghĩa: không gian và thời gian không phải là hai điều tuyệt đối có tự thể riêng biệt, mà chỉ có tính tương đối thôi. Phải dùng từ “kỳ gian” (space-time) để gọi chung cho cả hai mới đúng, vì tính chất của chúng là dung thông, hòa hợp với nhau làm một, thâu nhiếp và tương nhập với nhau một cách tuyệt diệu.
Với trí óc siêu việt, Einstein đã tìm ra được luật Tương đối, thấy được vận tốc, thời gian, không gian, khối lượng đều là những gì tương đối chứ không tuyệt đối. Công thức E = mc2 của ông đã chứng minh rằng năng lượng (energy) chính là khối lượng (mass) của vật đó khi di chuyển nhanh bằng lũy thừa của vận tốc ánh sáng. Lúc đó, vật chất sẽ biến thành năng lượng và khi năng lượng chuyển động chậm lại thì nó sẽ biến thành vật chất.
Hòa thượng Thánh Nghiêm quay qua phi hành gia Mitchell rồi nói một cách rõ ràng:
- Như ông cũng biết, năng lượng là khối lượng và khối lượng cũng là năng lượng, hay tinh thần là vật chất và vật chất cũng là tinh thần. Đó chính là lời Đức Phật đã dạy trong kinh Hoa Nghiêm từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước: “Tâm là vật, vật cũng là tâm – vạn vật đồng nhất thể, đó chính là nguyên lý 'sự sự vô ngại pháp giới'”. Muốn tiếp thông với cảnh giới Hoa Nghiêm này, ông phải đi vào bằng cánh cửa tâm linh chứ những cảm giác phân biệt hay luận lý dựa trên sự suy ngẫm của “thức” thì không thể được. Chỉ có cánh cửa tâm linh mới có thể tổng hợp được thời gian và không gian, đưa ông vào cuộc sống “hằng mà chuyển” thôi.
Lúc nãy, ông nói rằng ông không tin vũ trụ này được hình thành bởi vụ nổ Big Bang, mà vũ trụ này thay đổi không ngừng. Nhưng ai có thể cảm nhận được sự thay đổi của vũ trụ như thế? Phải chăng chính là con người? Những sinh vật khác không thông minh như con người nên không ý thức rõ về vũ trụ như con người. Con người có ý niệm rõ ràng về thời gian và không gian. Khi thời gian hiện hữu, không gian cũng hiện hữu, đó chính là quan niệm căn bản về sự tạo lập vũ trụ.
Hòa thượng Thánh Nghiêm quay sang nói với giáo sư Yeh:
- Lúc nãy, ông hỏi quan niệm này có trùng hợp với quan niệm của kinh Hoa Nghiêm không? Đúng thế, chủ trương của kinh Hoa Nghiêm là “pháp giới duyên khởi”, nghĩa là mọi sự, mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, tất cả đều nương vào nhau, nhân sinh quả, quả lại sinh nhân, lớp lớp trùng trùng, có khi dung thông, có khi đối chọi, ảnh hưởng lẫn nhau mà sinh ra, không một cái gì có thể tự tồn, tự lập riêng rẽ. Cái này có là nhờ cái kia, cái kia có là nhờ cái này. Lớp lớp trùng trùng không cùng tận nên gọi là “trùng trùng duyên khởi”.
Vì thế, “một cũng là tất cả, tất cả cũng là một”, mọi sự, mọi vật đều có liên quan mật thiết với nhau, đều tuân theo định luật của vũ trụ như vô thường, vô ngã. Điểm đặc biệt của kinh Hoa Nghiêm là nói về cái thể “động” của vũ trụ mà đặc tính của nó là biến hóa, thay đổi không ngừng.
Hòa thượng Thánh Nghiêm nhìn mọi người một lượt và nhấn mạnh:
- Sự thay đổi này cũng là đặc tính của cuộc sống vô thường của chúng ta mà không mấy ai để ý đến. Chúng ta sinh ra, lớn lên, rồi già và chết. Trong mỗi giây, mỗi phút, cơ thể chúng ta đều thay đổi với hàng vạn tế bào chết đi và hàng vạn tế bào được sinh ra. Sự thay đổi được đo lường qua thời gian và chia làm ba thời: “Quá khứ, hiện tại và vị lai”. Thật ra, sự phân chia này chỉ là tương đối mà thôi vì trong một thời vẫn có thể nói đến các thời kia. Ba thời có thể riêng rẽ hay xen lẫn với nhau, thay đổi hay dung thông với nhau. Thí dụ như khi suy tư, chúng ta có thể ý thức được nhiều việc trong quá khứ, hiện tại, hay vị lai.
Mọi sự, mọi vật trong vũ trụ đều tác động với nhau theo nhân duyên và tạo thành những sự, những vật. Sự tác động và biến chuyển này diễn tiến và thay đổi không ngừng trong vòng sinh hóa. Chính nhờ có sự phân chia thời gian này mà chúng ta có thể hiểu rõ được luật Vô thường, Vô ngã, Duyên sinh và Nhân quả. Kinh Hoa Nghiêm giải thích cho chúng ta biết rõ vũ trụ được tạo ra do vô tận duyên khởi, hình tướng tuy khác nhưng tất cả đều chung một bản thể, bình đẳng và dung thông. Bản thể đây chính là tâm chân như. Từ chân như phát sinh ra vạn hữu. Vạn hữu là giả huyễn mà chúng ta lại cho là thật.
Nhờ biết cách quan sát thật tướng qua công phu thiền định sâu xa mà chúng ta hiểu được và thấy rõ mọi sự, mọi vật như nó là. Khi chúng ta thực hành nhìn sâu vào mọi sự, chúng ta vượt qua cái tướng bên ngoài để thấy rõ cái thể bên trong. Khi chúng ta biết hướng tâm lên cao, vượt khỏi thế giới hiện tượng sai biệt để đạt tới cảnh giới vô sai biệt này thì chúng ta mới hiểu rõ được thật tướng của sự vật.
Giáo sư Yeh hỏi phi hành gia Mitchell:
- Hòa thượng đã trình bày về sự thành lập vũ trụ qua lăng kính của Phật giáo. Là một nhà khoa học về không gian, ông nghĩ sao về quan niệm này?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Có nhiều quan niệm khác nhau về sự tạo lập vũ trụ. Ngay cả những nhà khoa học thông thái nhất cũng không đồng ý với nhau, người nói thế này, người nói thế khác. Người đặt ra lý thuyết này, người đưa ra quan niệm khác. Tất cả đều là những giả thuyết, chưa ai chứng minh được một cách rõ ràng với các dữ liệu chính xác. Tuy nhiên, nếu nói tất cả là "Không" thì đa số mọi người sẽ hiểu lầm là không có gì, và nếu nói vũ trụ không có thật thì không ai tin được. Càng tìm hiểu về những điều này, các nhà khoa học, ngay như chính tôi đây, cũng bối rối. Hãy cho rằng vũ trụ là một cái gì đó thật sự hiện hữu đã, nhưng khoa học sẽ giải thích như thế nào? Ai tạo ra nó? Nó đến từ đâu? Nó bắt đầu như thế nào? Khoa học thực nghiệm đòi hỏi phải có sự chứng minh, giải thích, đưa ra những lý thuyết, rồi tìm ra những dữ liệu để biện minh cho lý thuyết đó đúng hay sai.
Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của nhiều phát minh, và con người đã khám phá ra rất nhiều thứ mà trước đó người ta chỉ tưởng tượng ra, nay đã thành sự thật. Hiện nay có rất nhiều lý thuyết mới và quan niệm mới, nhiều hơn tất cả những lý thuyết từ trước đến nay. Phải nói rằng nhân loại đã đi rất xa, đã đặt chân lên mặt trăng, đã tiến vào vũ trụ, nhưng còn biết bao nhiêu thứ khác chúng ta chưa biết đến. Việc giải thích về vũ trụ vẫn là điều mà những nhà khoa học như chúng tôi chưa hiểu rõ.
Tuy nhiên, quan niệm về sự tương thông và dung nhiếp chứ không phân chia này là một quan niệm rất hợp với lý thuyết vật lý lượng tử. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã nghiên cứu việc sử dụng những công cụ khoa học của ngành vật lý lượng tử để tìm ra sự tương quan giữa khoa học và tâm linh. Dĩ nhiên, chúng tôi chưa đi đến một kết luận nào rõ ràng nhưng đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy vật lý lượng tử sẽ đưa nền khoa học thực nghiệm tiến xa hơn trước.
Giáo sư Yeh thắc mắc:
- Nếu thế thì thuyết Big Bang sẽ không còn giá trị nữa sao?
Phi hành gia Mitchell chia sẻ:
- Không những tôi mà các nhà khoa học khác cũng nghĩ như thế. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy giả thuyết này không hoàn toàn như mọi người vẫn nghĩ. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học tìm ra những dữ liệu mới, trái ngược với các dữ liệu về vụ nổ Big Bang này. Dĩ nhiên phải cần nhiều cuộc thí nghiệm nữa trước khi chúng ta có thể kết luận rõ ràng.
Nhưng theo tôi nghĩ, khoa học mỗi ngày một phát triển, người ta sẽ tìm được nhiều dữ liệu mới để chứng minh rằng một số lý thuyết trước đây không còn đúng nữa. Thí dụ như ngày trước Einstein cho rằng tốc độ của ánh sáng là tuyệt đối, không gì có thể đi nhanh hơn tốc độ của ánh sáng. Quan niệm của vật lý lượng tử về tính “vô định xứ” (quantum non-locality) chứng minh rằng có những tín hiệu có thể đi nhanh hơn vận tốc của ánh sáng. Trong thí nghiệm về cảm giác nhận thức siêu việt (Extrasensory Perception - ESP), khi một tư tưởng nảy ra, người khác có thể nhận biết được ngay lập tức. Tôi đã thực hiện thí nghiệm này trên mặt trăng và người ở trái đất nhận ngay được những tín hiệu này, không những một lần mà hàng chục lần. Nếu chúng ta đo lường thời gian và khoảng cách thì những tín hiệu này di chuyển nhanh hơn vận tốc của ánh sáng rất nhiều. Theo quan niệm của vật lý lượng tử về tính “vô định xứ” thì những tín hiệu của cảm giác, hay đơn giản hơn là tư tưởng phát xuất từ bộ óc con người, có thể di chuyển nhanh không giới hạn.
Giáo sư Yeh góp thêm lời:
- Một yếu tố của quan niệm về tính “vô định xứ” là lý thuyết về sự tương quan giữa hai thực thể với nhau. Nếu một thực thể rung động hay cảm nhận được điều gì thì thực thể kia cũng nhận thấy ngay lập tức. Điều này tuy vẫn chỉ là một giả thuyết khoa học nhưng cũng có thể dùng để giải thích về sự cảm thông giữa hai người hay quan niệm về Nhân quả.
Phi hành gia Mitchell gật đầu:
- Đúng thế, quan niệm về Nhân quả của Phật giáo rất thích hợp với các lý thuyết khoa học ngày nay. Vật lý đã chứng minh rằng nếu ta ném một vật lên không trung, vật đó sẽ phải rơi xuống vì sức hút của trái đất. Tương tự, một hành động xảy ra cũng sẽ đem lại một kết quả. Bất cứ động lực nào phát ra cũng có một phản lực ngược lại. Ngày nay, tất cả các nhà khoa học đều chấp nhận quan niệm này.
Giáo sư Yeh tiếp tục đặt câu hỏi cho Hòa thượng Thánh Nghiêm:
- Bạch Hòa thượng, phi hành gia Mitchell vừa giải thích về mối tương quan giữa hai thực thể. Vậy điều này có thể giải thích về nghiệp lực trong thuyết Nhân quả của Phật giáo như thế nào?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
- Theo Phạn ngữ, Karma có nghĩa là hành động. Bất cứ một hành động nào như cử chỉ (thân), lời nói (khẩu) hay ý nghĩ (ý) cũng đều tạo ra một phản lực hay nghiệp. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng những hành động này phải dựa trên ý thức (consciousness). Do đó, giữa nghiệp (karma) và thức có mối tương quan chặt chẽ với nhau, tương tự như giả thuyết khoa học về sự tương quan lượng tử mà phi hành gia Mitchell vừa trình bày.
Thức thuộc về phạm trù tinh thần. Phật giáo có rất nhiều cách giải thích về thức. Theo phái Duy Thức (Vijnanamatra) thì thức có thể chia thành nhiều phần chi tiết nhưng ta có thể tạm chia thức ra làm sáu phần là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý, tương ứng với sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và óc. Ngoài ra còn thức thứ bảy hay căn thức (Mạt na thức) và thức thứ tám là tàng thức (A lại da thức).
Nghiệp lực được tạo ra do thức thứ sáu (ý thức) vì nó tạo ra sự phân biệt, do đó còn gọi là phân biệt thức. Chính thức thứ sáu này phân biệt phải trái, tốt xấu, đúng sai v.v… Năm thức trước (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) không phân biệt, chỉ là nhận thức các cảm giác, nên không tạo nghiệp.
Khi các cảm giác này diễn ra, thức thứ sáu sinh ra các ý niệm phân biệt và hợp tác với thức thứ bảy hay căn thức (Mạt na thức) để tạo thành nghiệp nhân. Khi một nghiệp nhân xảy ra, nó có thể đem lại một hậu quả ngay trong lúc này hay có thể xảy ra ở một lúc khác. Một nhân có thể tạo ra quả ngay trong đời này hoặc có thể chờ đến đời sau. Tuy nhiên, đã gây nhân gì thì gặt quả đó. Trồng đậu thì được ăn đậu, trồng dưa thì được ăn dưa. Không thể có việc trồng đậu mà lại ra quả dưa được. Nghiệp nhân gây ra trong kiếp này đôi khi được lưu trữ trong thức thứ tám hay tàng thức và tác động ở kiếp sau.
Nói cách khác, từ kiếp sống này qua kiếp sống khác, cái duy nhất được duy trì là nhân, hay chủng tử, được lưu trữ trong tàng thức. Chính thức thứ tám này chứa đựng tất cả chủng tử của nghiệp lực và chúng tiếp tục đi theo mỗi cá nhân như bóng với hình, từ kiếp này qua kiếp khác.
Theo quan niệm của Phật giáo thì sự sống con người được hình thành bằng ba thực thể: sinh lực, hơi ấm và tàng thức. Sinh lực giúp người ta sống, hơi ấm là sự chuyển động của sinh lực tạo ra năng lượng, và tàng thức ảnh hưởng đến đời sống của mọi người theo luật Nhân quả. Khi sinh lực cạn dần, người ta sẽ già và chết. Khi chết, hơi ấm mất đi và cái cuối cùng ra đi là tàng thức. Nó sẽ dẫn dắt người ta đi vào đời sống ở kiếp khác.
Vì trong đời sống hàng ngày con người tạo nghiệp tốt hay xấu qua hành động, lời nói và ý nghĩ, nên những chủng tử của nghiệp lực này được lưu trữ trong tàng thức. Một số chủng tử hoạt động không ngừng, ảnh hưởng qua bảy thức trên, tạo thành tính tình, năng khiếu, thói quen của một cá nhân vì bất cứ hành động nào (nghiệp nhân) cũng tạo ra những phản lực (nghiệp quả).
Tuy nhiên, một số chủng tử tiềm ẩn trong tàng thức không phát động ngay mà chờ đến thời điểm thuận tiện khác nên con người tiếp tục trải qua kiếp sống này đến kiếp sống khác. Khi có đủ duyên, những chủng tử này phát động theo luật Nhân quả dưới một dạng thức khác. Thể xác có thể là một con người, hay cũng có thể là một con vật do sự dẫn dắt của nghiệp lực.
Theo quan niệm của Phật giáo, kiếp sống hiện nay chẳng phải là kiếp sống đầu tiên hay cuối cùng, mà chúng ta đã sống hàng trăm, hàng triệu kiếp sống trước đây và sẽ có vô số những kiếp sống sau nữa. Kiếp sống con người thì có hạn, kéo dài cao lắm là tám chục hay một trăm năm, nhưng tàng thức thì không bao giờ hết, kéo dài liên tục và đó chính là vòng luân hồi vô tận mà Đức Phật đã chỉ rõ trong giáo lý của Ngài.
Dĩ nhiên các bậc thánh nhân thì khác, vì họ đã được giải thoát khỏi sự chi phối của nghiệp lực. Họ đã biết cách tu hành để chấm dứt vòng sinh tử luân hồi, và đó chính là mục đích tối hậu mà Đức Phật đã nhận ra và truyền dạy cho loài người. Sứ mệnh của Phật giáo là được giải thoát khỏi sự chi phối của vòng Luân hồi.
Giáo sư Yeh tiếp tục đặt câu hỏi để làm rõ hơn nữa những chia sẻ của Hòa thượng Thánh Nghiêm:
- Bạch Hòa thượng, vậy làm thế nào để hóa giải các nghiệp lực này đây?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
- Nếu người ta biết cách chuyển hóa thức thứ tám (A lại da thức), biến thức thành trí thì họ sẽ vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của nghiệp thức. Điều này đòi hỏi phải có công phu tu luyện, và chỉ có cách duy nhất ấy thôi. Dĩ nhiên, sự tu luyện có nhiều lối, người thích tu Thiền, người thích tu Tịnh, người thích tu Mật v.v… tùy theo căn cơ mỗi người.
Giáo sư Yeh hỏi thêm:
- Hòa thượng đã chia sẻ rất rõ về Nghiệp, Nhân quả và vòng Luân hồi, nhưng là nhà khoa học, ông nghĩ thế nào về việc này, thưa phi hành gia Mitchell?
Phi hành gia Mitchell trả lời:
- Đứng trên phương diện khoa học, chúng tôi không có sự giải thích rõ ràng về Nghiệp như Hòa thượng Thánh Nghiêm vừa trình bày. Chúng tôi chưa có một công cụ khoa học nào để giải thích về Nghiệp thức hay chứng minh rằng có một đời sống ở kiếp sau. Chúng tôi có thể vẫn đọc sách và tìm hiểu về quan niệm này, nhưng chúng tôi không thể đo lường hay chứng minh được. Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng bất cứ hành động nào cũng tạo ra phản ứng. Do đó, khoa học có thể công nhận quan niệm về luật Nhân quả, nhưng việc lưu trữ những lực này ở một nơi nào đó, rồi để chúng khởi phát vào lúc khác là điều chúng tôi không thể chứng minh trong phòng thí nghiệm.
Theo tôi thì quan niệm về Luân hồi hiện nay vẫn là một điều không thể giải thích bằng khoa học. Chúng tôi biết từ ngàn xưa, mỗi quốc gia, mỗi nền văn minh trên thế giới đều có những niềm tin mà ngày nay khoa học không thể giải thích. Quan niệm đó đúng hay sai, có giá trị hay không, là điều mà khoa học không thể thẩm xét. Do đó, chúng tôi chỉ có thể coi đó là những niềm tin mà thôi. Người ta có thể tin thế này hay thế khác, nhưng không thể chứng minh bằng những dữ liệu trong phòng thí nghiệm được. Tuy nhiên, là người đã có một trải nghiệm chỉ có thể giải thích trên phương diện tâm linh chứ chưa thể giải thích bằng khoa học, nên tôi có một ý nghĩ khác.
Theo tôi, đức tin tôn giáo và lý thuyết khoa học có thể bổ sung cho nhau và tạo ra những lý thuyết mới, đó là sức mạnh của một kiến thức mới. Phật giáo chủ trương mọi vật đều do nhân duyên tạo thành, từ “Không” biến thành “Có”. Khoa học cũng biết rằng khi năng lượng đông đặc lại sẽ kết thành vật chất. Nói cách khác, vật chất chính là do năng lượng hợp thành. Do đó, chúng ta có thể sử dụng giác quan để nhận thức về vật chất, tôi có thể nhìn, có thể sờ nắm vật chất - như cái bàn này hay cái ghế này. Sự hiểu biết về năng lượng và vật chất là một ngành khoa học dựa trên óc thông minh của con người. Chúng ta có thể coi sự thông minh là khả năng nhận biết dựa trên những dữ kiện. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra những định luật khoa học mới, hay những danh từ mới, để giải thích về sự tương quan giữa con người và vũ trụ.
Mặc dù khoa học đã tiến triển rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều thứ mà chúng ta cần khám phá. Để tìm hiểu thêm về những thứ này, chúng ta cần sử dụng những công cụ khoa học tối tân, những lý thuyết mới, để khám phá thêm và phát triển kiến thức của nhân loại. Biết đâu một ngày nào đó khoa học sẽ có thể giải thích và chứng minh các lý thuyết Phật giáo, và cả hai sẽ bổ sung cho nhau để thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.
Hòa thượng Thánh Nghiêm tiếp lời:
- Không đơn giản như thế đâu. Tôi muốn nói rõ rằng khoa học và Phật giáo là hai môi trường hoàn toàn khác biệt. Tuy cả hai có một số điểm tương đồng nhưng khoa học không bao giờ có thể giải thích được những điều thâm sâu diệu vợi của Phật giáo. Tại sao thế? Bởi vì giáo lý của đạo Phật vượt ra ngoài khả năng của ngôn ngữ, vượt ra ngoài nhận thức về mặt tri giác, vượt ra ngoài sự hiểu biết thông thường mà các giác quan đem lại, vì nó là những hoạt động sâu thẳm của trí tuệ chứ không được xây dựng dựa trên sự thông minh.
Khoa học thực nghiệm hoàn toàn được xây dựng dựa trên giác quan của con người, vốn giới hạn. Có rất nhiều thứ mà giác quan không thể nhận biết được. Thí dụ như chúng ta không thể nghe được một số âm thanh có tần số quá thấp hay quá cao. Mắt chúng ta không thể nhìn thấy một số thứ vì chúng rung động ở một tần số khác. Ngay cả suy nghĩ của chúng ta cũng rất giới hạn vì kiến thức chúng ta có hoàn toàn dựa trên những ký ức đã được tích lũy từ trước, hay dựa trên những điều đã được truyền dạy. Suy nghĩ của chúng ta có tính thiên chấp. Từ sự giới hạn này dẫn đến những lý thuyết sai lầm và thành kiến hẹp hòi. Dĩ nhiên, theo thời gian, một số lý thuyết sai lầm sẽ được sửa đổi và thay thế bằng những lý thuyết khác. Khoa học có thể giúp con người phát triển kiến thức và chinh phục được thiên nhiên nhưng làm sao những thứ hữu hạn có thể giải thích những cái vô hạn được?
Khoa học giải thích mọi sự dựa trên ngôn từ nhưng quan niệm của Phật giáo vượt khỏi giới hạn của ngôn từ. Khoa học dựa trên sự suy luận nhưng quan niệm của Phật giáo vượt khỏi những lý luận thông thường, do đó không thể nghĩ, bàn. Nếu không thể diễn tả được bằng các lý luận hay ngôn từ thì làm sao khoa học có thể nghiên cứu những cái vô giới hạn này?
Khoa học thực nghiệm đặt căn bản trên trí thông minh qua khả năng suy luận và phân tích của bộ óc, nhưng quan niệm của Phật giáo không dựa trên sự thông minh của bộ óc, mà đặt căn bản trên một thứ trí tuệ khác gọi là trí tuệ Bát nhã (prajna), nên không thể giải thích bằng trí thông minh được.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của khoa học có thể giúp chúng ta hiểu thêm về các định luật bất biến của vũ trụ, mở rộng tầm mắt cho mọi người. Khoa học cũng giúp ích cho sự phát triển của Phật giáo trong tương lai để đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Giáo sư Yeh hỏi thêm:
- Phi hành gia Mitchell, ông có đồng ý như thế không?
Phi hành gia Mitchell gật đầu:
- Tôi hoàn toàn đồng ý với Hòa thượng Thánh Nghiêm. Hôm nay, chúng ta đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng. Mặc dù vẫn có một số quan niệm khác biệt, nhưng điều đó không quan trọng. Khi tôi nhìn thấy vẻ đẹp của vũ trụ, tôi cảm nhận được mối tương quan giữa tôi và vạn vật, nhưng tôi không thể đưa ra một phương trình toán học để giải thích sự kiện đó. Tôi cảm nhận được một điều kỳ lạ xảy đến với tôi, nhưng tôi không biết lý giải như thế nào nữa.
Là một nhà khoa học, tôi rất quan tâm đến những hiện tượng không thể giải thích này nên vẫn muốn tìm ra một giải pháp hợp lý hơn. Tôi biết điều này là không dễ. Có thể mất vài chục năm, vài trăm năm nữa để giải thích, hay có thể không bao giờ giải thích được. Tuy nhiên, tôi muốn đưa ra những câu hỏi, và đặt vấn đề về sự tương quan giữa khoa học với trải nghiệm tâm linh để những nhà khoa học sau này tiếp tục nghiên cứu.
Tôi biết rằng sự chết, sự tái sinh, nghiệp lực là những khái niệm hết sức quan trọng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, vì tôi tin đó là những biên giới mà hiện nay khoa học chưa đạt đến, nhưng trước sau gì chúng ta cũng phải tìm hiểu thêm. Tôi tin rằng theo thời gian, nhân loại sẽ tiến bộ và biết đâu một ngày nào đó sẽ đạt được sự hiểu biết sâu sắc về các quan niệm mà hiện nay họ chỉ coi là niềm tin tôn giáo. Nếu chúng ta không học hỏi và nghiên cứu thì tôi không biết tương lai của nhân loại sẽ ra sao.
Phi hành gia Mitchell cảm thán:
- Khi tôi từ không gian trở về trái đất với một trải nghiệm lạ lùng, tôi thấy mình hoàn toàn khác hẳn. Tôi có thể nhận thức rõ ràng về tình trạng của nhân loại hiện nay. Tôi thấy rõ sự tàn bạo đang gia tăng khắp nơi. Tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của những nạn nhân chiến tranh như thể nó xảy ra với chính mình vậy. Tôi thấy rõ những hậu quả mà con người đang gây ra cho trái đất này, chẳng hạn như việc tàn phá môi trường không thương tiếc. Càng ngày con người càng trở nên ích kỷ, tham lam, vô cảm, lãnh đạm, mà không nhìn thấy những hậu quả họ đang gây ra cho chính họ, cho gia đình họ, hay cho đất nước của họ. Do đó, tôi thấy chúng ta cần phải thay đổi những quan niệm lỗi thời từ trước, vượt ra khỏi những tranh chấp thường tình để hướng đến những gì cao thượng, tốt đẹp hơn. Tiếc thay, hiện nay, chính quốc gia của tôi cũng đang tiếp tay cho ảnh hưởng xấu xa này. Làm sao chúng ta có thể nói là nhân loại đã văn minh hơn trước, đã tiến bộ hơn trước trong khi chúng ta không ý thức gì về những việc chúng ta đang làm?
Giáo sư Yeh tiếp tục đặt câu hỏi:
- Bạch Hòa thượng, chúng ta chỉ có một kiếp sống rất ngắn. Như phi hành gia Mitchell vừa nói, liệu chúng ta có thể hy vọng rằng sẽ có sự thay đổi trong tương lai gần hay không? Tương lai của nhân loại sẽ ra sao?
Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:
- Tôi luôn luôn lạc quan về tương lai của con người. Hiện nay đã có hơn bảy tỷ người sống trên trái đất này, tôi tin rằng nếu vẫn có những người biết suy nghĩ như phi hành gia Mitchell đây và họ ý thức được về sự tàn bạo, thù hận, ích kỷ, tham lam... rồi tìm cách nuôi dưỡng lòng từ bi, hướng đến chân thiện mỹ, thì họ có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên những người chung quanh. Chừng nào chúng ta còn hy vọng về một tương lai tốt đẹp, thì tương lai đó sẽ diễn ra. Nếu chúng ta tuyệt vọng, và phó mặc cho mọi việc xảy ra, thì thật đáng tiếc.
Tại sao tôi không cảm thấy bi quan? Bởi vì cách đây không lâu tôi có đọc một cuốn sách khoa học đề cập đến thuyết Hỗn độn, trong đó tác giả, cũng là một nhà khoa học, đã sử dụng một thí dụ về ảnh hưởng một cánh bướm nhỏ bé rung động chập chờn tại khu rừng xứ Brazil nhưng lại có thể gây ra một trận cuồng phong lớn ở Texas. Một việc tuy nhỏ nhưng có thể tạo ra những tác động lớn đến không ngờ.
Điều này có thể giải thích cho tình trạng hiện nay. Nếu một người có ý thức và làm những điều thiện lành, dẫu chỉ là việc nhỏ, thì họ cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực, giúp thay đổi những người chung quanh. Nếu nhiều người cùng chung sức làm những việc lành, thì cả thế giới sẽ thay đổi.
Hòa thượng Thánh Nghiêm quay qua các sinh viên đang ngồi dự thính và nhấn mạnh:
- Hiện nay, đa số mọi người đều bận rộn với sinh kế nên họ không ý thức gì về hệ quả của hành động, lời nói và tư tưởng của mình. Họ tiếp tục tạo nghiệp cho mình và cho những người chung quanh. Song, vẫn có người ý thức về tình trạng khủng hoảng đang xảy ra và không ngừng kêu gọi mọi người hãy tỉnh thức, tránh làm những việc ích kỷ, tham lam, thù hận, năng làm những việc tốt lành. Dù chỉ một hay hai người khởi xướng làm việc tốt cũng có thể ảnh hưởng đến những người khác, giống như phi hành gia Mitchell đây. Tôi hy vọng các giáo sư và sinh viên tham dự buổi nói chuyện hôm nay sẽ ý thức hơn về việc làm của mình và phóng tầm mắt lên một bình diện cao hơn như, phi hành gia Mitchell đang cố gắng đề xướng để chấm dứt những tranh chấp thường tình, xu hướng ích kỷ, tham lam hiện tại, nhờ đó chúng ta sẽ có được một tương lai tốt đẹp hơn.
Phi hành gia Mitchell lên tiếng:
- Tôi hoàn toàn tâm đắc với những lời chia sẻ của Hòa thượng Thánh Nghiêm. Đôi khi tôi cũng bi quan, nhưng tôi không muốn như thế.
Giáo sư Yeh nói lời kết cho buổi gặp gỡ:
- Hôm nay chúng ta đã có một buổi nói chuyện thú vị và hữu ích, nhưng chúng ta không thể tiếp tục vì Hòa thượng Thánh Nghiêm còn phải trở về chùa chuẩn bị cho khóa lễ. Thay mặt ban tổ chức, tôi xin cảm ơn Hòa thượng Thánh Nghiêm và phi hành gia Edgar Mitchell, mong rằng trong tương lai chúng ta sẽ có thêm những buổi nói chuyện như thế này.
Trong lúc Hòa thượng Thánh Nghiêm rời giảng đường thì một số sinh viên kéo lên xin được chụp ảnh kỷ niệm với phi hành gia Mitchell. Tôi và Thomas, người bạn của Mitchell, vẫn ngồi dưới hàng ghế khán giả. Trong suốt buổi nói chuyện, ông này vẫn giữ im lặng, nhưng không hiểu sao lúc này ông Thomas quay qua hỏi tôi:
- Anh nghĩ sao về buổi nói chuyện này?
Tôi trả lời rằng tôi rất quan tâm khi nghe Hòa thượng Thánh Nghiêm giải thích về mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo, cũng như nêu lên sự khác biệt giữa hai lĩnh vực này.
Ông Thomas gật đầu:
- Nhưng anh nghĩ thế nào về vòng Luân hồi và luật Nhân quả?
Tôi trả lời:
- Tôi hoàn toàn tin tưởng luật Nhân quả và Luân hồi, gây nhân gì thì gặp quả đó. Dĩ nhiên đối với những người chưa quen thuộc với quan niệm này thì có thể đây là một điều khó tin, nhất là những người thiên về khoa học hay những người luôn đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng.
Ông Thomas tiếp tục hỏi:
- Nếu thế, anh có tin rằng con người có linh hồn không? Sau khi chết, linh hồn này sẽ đầu thai vào một thể xác khác, kiếp sống khác chứ?
Lần đầu tiên tôi thấy vị doanh nhân vốn luôn giữ thái độ im lặng trầm tĩnh này lại chịu nói nhiều như thế. Hẳn đây phải là một đề tài mà ông quan tâm.
Tôi giải thích:
- Linh hồn chỉ là một danh từ thông thường được sử dụng để gọi tên một cái gì đó tồn tại sau khi thể xác này chết đi. Lúc nãy, Hòa thượng Thánh Nghiêm giải thích rằng theo quan niệm của Phật giáo thì cái duy nhất tồn tại sau khi chết là tàng thức (A lại da thức), một cái kho chứa mọi loại hạt giống (chủng tử), tốt cũng như xấu, mà chính người đó đã gieo.
Một lần nữa, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi ông Thomas hỏi tiếp:
- Nếu thế thì theo anh, linh hồn và tàng thức khác nhau như thế nào?
Đây là một câu hỏi khó giải thích rõ ràng nên tôi trả lời vắn tắt:
- Theo sự hiểu biết của tôi thì linh hồn ám chỉ một cái gì đó không thay đổi, di chuyển từ kiếp này qua kiếp khác, giống như một người đi du lịch qua thời gian, qua nhiều kiếp sống. Trong khi tàng thức là một cái gì đó sống động, luôn luôn thay đổi, nó là tập hợp của nhiều chủng tử, được góp lại qua những trải nghiệm trong nhiều kiếp.
Ông Thomas gật đầu như thể tâm đắc với một điều gì đó thú vị:
- Theo như anh giải thích về linh hồn thì sau khi chết, người đó sẽ tái sinh thành một người khác ở kiếp sau. Dù người đó làm gì chăng nữa thì vẫn tái sinh trở lại thành người, vì linh hồn là một cái gì đó bất tử, không thay đổi. Trong khi quan niệm của Phật giáo về tàng thức lại cho rằng tùy hoàn cảnh hay nhân duyên, sau khi chết, một người có thể tái sinh làm người hay súc vật. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi giải thích, dù tin rằng ông Thomas có thể đã biết:
- Đúng thế, tùy nhân duyên tốt hay xấu mà sau khi chết, một người có thể tái sinh thành người hay thành súc vật. Hơn nữa, họ cũng có thể trở thành ma, quỷ hay xuống địa ngục. Do đó, vòng Luân hồi không chỉ giới hạn trong thế giới của loài người mà còn có cõi giới khác nữa.
Ông Thomas mỉm cười, đồng cảm với tôi:
- Hay lắm! Điều anh nói rất thú vị và làm tôi bất ngờ vì có người am hiểu, đồng cảm. Có lẽ chúng ta cần gặp nhau thêm nhiều lần nữa để thảo luận, chia sẻ về đề tài thú vị này. Tôi có những trải nghiệm riêng và muốn tìm hiểu thêm về các kiến thức của Phật giáo về Luân hồi, Nhân quả, duyên nghiệp v.v… Tiếc rằng giờ đây giáo sư Yeh và ông Mitchell đã xong việc. Tôi và ông Mitchell phải trở về khách sạn thu xếp ra phi trường để kịp chuyến bay về New York chiều nay.
Chúng tôi tạm biệt nhau, ông Thomas chủ động trao cho tôi tấm danh thiếp và thiện ý mời tôi nếu có dịp ghé qua New York thì cho ông biết. Tôi cũng lịch sự đáp lại và hứa sẽ liên lạc với ông ấy để trao đổi thêm về đề tài thú vị này.
Tuy nhiên, vì bận rộn với nhiều công việc nên tôi dường như quên hẳn cuộc gặp gỡ và lời hứa này trong nhiều năm.
* * *
Năm năm sau, vào năm 2013, tôi có dịp tham dự một buổi hội thảo về khoa học ở New York và sau đó đi ăn tối tại một nhà hàng gần khách sạn. Vừa bước vào nhà hàng và đang chờ đợi để được đưa đến bàn ăn thì tôi bất ngờ nghe có tiếng gọi tên mình và thấy ông Thomas cùng vợ đang ngồi tại một bàn gần cửa sổ. Ánh mắt ông lộ vẻ vui mừng khi thấy tôi và lịch sự mời tôi ngồi ăn cùng với vợ chồng ông ấy.
Ông Thomas mở lời:
- Thật bất ngờ được gặp anh ở New York, sao anh đến mà không báo cho tôi biết? May là có duyên gặp anh ở đây, chúng ta đã có lời hẹn và chưa có dịp nói hết câu chuyện tại Đài Bắc năm năm về trước. Anh có muốn chúng ta tiếp tục thảo luận sâu về đề tài này không?
Thật ra lúc đó tôi chưa kịp nhớ về câu chuyện khi trước mà ông vừa nhắc, và cũng ngần ngại vì sự hiện diện của Angie, vợ ông. Có lẽ đoán được ý tôi, ông Thomas trách nhẹ:
- Này anh bạn, anh đã nhất trí rằng chúng ta cần nhiều thời giờ hơn để tiếp tục đề tài còn dở dang này. Hay là anh ghé qua nhà tôi để chúng ta tiếp tục câu chuyện nhé. Anh thấy được không? Anh còn ở đây đến bao giờ?
Đọc được sự chân thành trong ánh mắt Thomas, dĩ nhiên tôi không thể từ chối một lời mời thật lòng như thế nên đã đồng ý ghé thăm ông ấy vào hôm sau. Ông Thomas căn dặn:
- Anh cho tôi địa chỉ khách sạn và thời gian anh có thể đi, ngày mai tôi sẽ cho người đến đón anh.
Hôm sau tôi dành buổi tối đến nhà riêng của ông. Chúng tôi tiếp tục trao đổi về đề tài Luân hồi, Nhân quả. Buổi nói chuyện đặc biệt này kéo dài trong nhiều giờ, và đến lúc đó tôi khẳng định được là ông Thomas có mối quan tâm đặc biệt đến Luân hồi.
Hôm đó, ông Thomas hỏi:
- Anh nói rằng anh tin vào sự Luân hồi, Nhân quả nhưng đó chỉ là một niềm tin tôn giáo hay còn là điều gì khác nữa? Là một nhà khoa học quan tâm nhiều đến triết học, đến nhiều tôn giáo, nhất là Phật giáo, ngoài niềm tin ra, anh phải có bằng chứng nào đó chứ?
Tôi trả lời:
- Là một nhà khoa học từng nghiên cứu nhiều về Phật giáo, tôi không chỉ đơn thuần tin vào giáo lý của Đức Phật mà đã trực tiếp trải nghiệm, quan sát, kiểm chứng một giai đoạn dài. Tôi đã suy ngẫm, phân tích một cách khoa học về những lời dạy của Ngài trong khá nhiều năm và thấy nó rất hợp lý và giải thích được vì sao nó trở thành một chân lý. Do đó, đây không chỉ là một niềm tin thuần túy, dù ngày nay đạo Phật đã có nhiều biến tướng không còn nguyên bản - ngay ở những nước Á Đông - mà không ít người đã nhận ra nhiều người không tốt đã dùng đạo Phật, chùa chiền, tín ngưỡng Phật giáo để trục lợi và phục vụ cho mục đích, lợi ích riêng của họ. Trở lại với bằng chứng Luân hồi, đã có rất nhiều bằng chứng về sự tái sinh trong các kiếp sống như trường hợp của Edgar Cayce, một nông dân tại tiểu bang Kentucky với học vấn chưa quá bậc trung học. Chỉ qua một cơn bạo bệnh mà ông ấy đã nhớ lại kiếp sống trước kia, kiếp sống mà ông là một thầy thuốc. Không những thế, từ đó ông có thể chẩn bệnh, chữa bệnh chính xác hơn những y bác sĩ đương thời. Ông đã để lại nhiều tài liệu y học giá trị mà hiện nay nhiều trường đại học y vẫn đang nghiên cứu và áp dụng.
Ông Thomas mỉm cười và gật đầu đồng ý:
- Tôi có đọc qua một số tư liệu về trường hợp Edgar Cayce. Đây thực sự là một trường hợp đặc biệt về Luân hồi, nhưng chắc còn những trường hợp khác nữa chứ?
Tôi nói tiếp:
- Nếu không hoàn toàn tin tưởng vào vòng Luân hồi thì có thể giải thích sao về trường hợp của những đứa trẻ với năng khiếu đặc biệt mà chúng ta thường gọi là thần đồng? Chắc ông cũng biết Mozart soạn nhạc từ năm lên bốn và chủ trì các buổi hòa tấu từ năm lên tám. Tuy còn rất nhỏ nhưng Mozart đã có thể soạn nhạc cho hàng chục loại nhạc khí khác nhau chỉ trong vài ngày mà không hề qua một lớp dạy nhạc nào. Beethoven cũng thế, ông ấy bắt đầu soạn nhạc từ lúc mới lên ba và có thể sử dụng hàng chục loại nhạc khí khác nhau. Ai đã dạy những đứa trẻ này như thế nếu không phải họ đã trải qua rất nhiều kiếp sống từng học và am hiểu sâu về âm nhạc?
Hẳn ông cũng biết Galileo vừa là một nhà toán học, vừa là một nhà thiên văn học đã đưa ra bằng chứng về quỹ đạo của các hành tinh từ khi còn bé. Ông ấy đã vẽ bản đồ vũ trụ với những hành tinh mà khi đó kính viễn vọng còn chưa được phát minh ra. Ngay cả những nhà khoa học thông thái thời bấy giờ chưa mấy ai biết về những hành tinh này. Ai đã dạy cho một đứa bé chưa đầy mười tuổi, chưa học qua bậc tiểu học những kiến thức tuyệt vời như thế, nếu không phải ông ấy đã từng được sinh ra vào những kiếp sống ở những nền văn minh mà nay đã biến mất trên bề mặt địa cầu?
Ông nghĩ sao về một đứa bé mới lên năm như Blaise Pascal có thể giải những bài toán cực kỳ phức tạp, kể cả những phương trình toán làm nhức đầu những bậc thầy về toán khi đó? Khoa học giải thích trường hợp này như thế nào nếu chúng ta không tin rằng con người đã trải qua nhiều kiếp sống và đã từng được dạy bảo, học hỏi trong quá khứ?
Ông Thomas hỏi:
- Anh nghĩ rằng những người này có thể hồi tưởng lại kiến thức mà họ đã trải qua, đã học được ở kiếp trước hay sao? Tại sao những người khác lại không nhớ được gì?
Tôi trả lời:
- Nếu một người được rèn luyện kỹ lưỡng một chuyên môn nào đó và tiếp tục theo đuổi chuyên môn ấy trong nhiều kiếp sống tiếp theo, do những nhân duyên đặc biệt, họ sẽ có thể nhớ lại được những kiến thức tiềm thức này.
Thí dụ như văn hào John Stuart Mill có thể nói, viết thông thạo tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh khi mới lên bốn tuổi mặc dù ông sinh ra ở nước Anh và cha mẹ ông chỉ biết nói tiếng Anh. Không những thế, khi vừa lên tám, ông đã viết hẳn một cuốn sách gần tám trăm trang về lịch sử triều đại các vua chúa La Mã với những niên đại, năm tháng rõ ràng đến từng chi tiết, đến nỗi các nhà sử học phải ngạc nhiên về độ chính xác của nó.
Đi xa hơn vào lĩnh vực văn chương, ta sẽ thấy từ năm lên ba, văn hào Voltaire thuộc lòng những bài luận xuất sắc của các bậc thầy văn chương sống ở thế kỷ trước. Theo quan niệm của Phật giáo thì tất cả những gì mình làm hay suy nghĩ đều được lưu giữ lại trong tàng thức (A lại da thức) dưới hình thức là những chủng tử. Khi nào những chủng tử này phát động đều do những nhân duyên đặc biệt, vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta.
Có lẽ ông cũng thấy, trong cùng một gia đình, cùng cha mẹ, được nuôi dưỡng trong cùng hoàn cảnh như nhau, được giáo dục như nhau nhưng tại sao anh chị em, mỗi người một tính nết, không ai giống ai. Có người thích âm nhạc, có người thích khoa học, có người thích thể thao. Có người mới nghe giảng bài đã hiểu ngay, trong khi người khác học mãi cũng không hiểu gì cả. Tại sao lại có sự khác biệt như thế? Nếu không vận dụng quan niệm về nhân quả thì người ta phải giải thích như thế nào đây? Phải chăng tính tình, nhân cách con người đều chịu ảnh hưởng của cái nhân, hay những chủng tử, đã được gieo trồng trong quá khứ? Một người thợ giỏi vì đã từng hành nghề đó trong quá khứ. Một học sinh thông minh vì đã học qua môn đó từ trước rồi. Điều này có thể giải thích tại sao có người giỏi toán trong khi người khác có tài về âm nhạc.
Chúng tôi tiếp tục bàn luận về đề tài này đến khuya và cảm thấy rất tâm đắc vì có nhiều ý tưởng trùng hợp. Đến lúc đó tôi thực sự ngạc nhiên khi biết vị doanh nhân này có một kiến thức rất rộng và rất quan tâm đặc biệt về luật Luân hồi. Ông cũng tỏ ra rất cởi mở, khác hẳn lần gặp đầu tiên.
Ông Thomas khẩn khoản mời tôi ghé lại thăm ông mỗi khi có dịp ghé qua New York. Lần này tôi bắt tay ông hứa sẽ ghé thăm ông để tiếp tục đàm đạo về đề tài này. Kể từ lúc đó, chúng tôi đã trở thành bạn thân với nhau.
Nhiều năm sau tôi mới biết lý do tại sao ông Thomas lại quan tâm đến đề tài này, vì ông đã có những trải nghiệm sâu sắc về Luân hồi qua một trường hợp đặc biệt mà ông đã kể lại cho tôi.
* * *
Vào một ngày cuối thu năm 2016, tôi đến thăm ông Thomas tại căn nhà nghỉ dưỡng của ông ở Colorado. Hôm đó chỉ có hai người, cuộc chuyện trò được bắt đầu với những phát minh khoa học công nghệ hiện đại, ông hỏi tôi:
- Là một khoa học gia chuyên nghiên cứu về công nghệ, anh nghĩ sao về những phát minh công nghệ ngày nay?
Tôi trả lời:
- Ngày nay, khoa học đã phát triển vượt bậc. Công nghệ phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt. Một sản phẩm vừa được phát minh ra đã có thể trở nên lỗi thời vì ngay sau đó đã có sản phẩm khác mới hơn xuất hiện. Một lý thuyết mới vừa được đề xướng đã có những lý thuyết khác được đưa ra, thay đổi lý thuyết đó.
Ông Thomas lắc đầu tỏ vẻ không tán đồng:
- Nếu công nghệ phát triển nhanh như anh nói thì chúng ta cần xem xét cẩn thận ảnh hưởng của nó trong thời đại này, rồi tự hỏi xem liệu chúng ta có đi quá trớn hay không. Tuy khoa học đã đạt được những bước tiến lớn và đây được coi là điều tốt, nhưng chúng ta cũng cần thận trọng đối với tác động của nó trong tương lai. Tiến trình lịch sử đôi khi lặp lại những sai lầm quá khứ mà chúng ta vô tình không nhận thức rõ hay chưa học được bài học chúng ta cần học.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao ông nghĩ như thế?
Ông Thomas mỉm cười trả lời:
- Anh là người nghiên cứu về công nghệ nhưng có bao giờ anh nghĩ rằng trong sự tiến bộ lại ẩn chứa mầm mống của tai họa không ai ngờ đến không? Thí dụ như việc phát minh ra thuốc súng đã châm ngòi cho những cuộc chiến tranh khốc liệt. Sự tiến bộ của khoa học về nguyên tử đưa đến thảm họa chiến tranh hạt nhân. Hiện tại, anh nghĩ sao về những thiết bị như iPhone mà Apple đang quảng cáo khắp nơi?
Tuy ngạc nhiên về câu hỏi của ông Thomas nhưng tôi cũng rút cái điện thoại iPhone trong túi mình ra:
- Theo tôi thì đây là một phát minh tuyệt vời. Ông xem này, nó vừa là điện thoại, vừa là máy nghe nhạc, vừa là máy ảnh, vừa là máy điện toán có thể giúp ta tìm kiếm tin tức trong vài giây. Tất cả thu gọn vào một vật nhỏ bé có thể đút vừa túi áo. Nếu nó không phải là một phát minh tuyệt vời thì còn gì nữa đây?
Ông Thomas lắc đầu:
- Trên phương diện công nghệ thì đó là một phát minh tuyệt vời, nhưng chúng ta cũng cần xét đến hệ quả của nó nữa chứ. Theo tôi, những thứ này có thể là một tai họa cho nhân loại. Có thể anh không để ý đến đấy thôi, nhưng anh hãy nhìn bọn trẻ mà xem. Thay vì chú tâm vào việc học, chúng chỉ biết theo dõi mọi thứ qua chiếc iPhone và bị “thôi miên” trong một “thế giới ảo” qua màn hình nhỏ bé này. Những người trẻ ngày nay như đều bị một loại “ma lực” hấp dẫn, rút hết sinh lực và trí thông minh của chúng. Trong tương lai, công nghệ sẽ tàn phá nhân loại vì họ sẽ đánh mất rất nhiều thứ mà thế hệ trước đã xây dựng. Công nghệ là con dao hai lưỡi, nhưng đa số không hiểu rõ điều này. Họ coi đó là văn minh, là tiến bộ mà không biết rằng thế hệ tương lai sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho những phát minh mà họ coi là kỳ diệu này.
Những điều ông Thomas nói làm tôi liên tưởng đến việc các sinh viên của tôi ngày hôm nay không còn chăm chỉ học như trước nữa. Nhiều người đến lớp nhưng vẫn bị xao lãng bởi những tin tức trong chiếc iPhone, không chú tâm vào những điều đang được giảng dạy. Tôi thường phải nhắc nhở họ chăm chú nghe bài giảng nhưng chỉ vài phút sau, một số sinh viên lại lén lút rút iPhone ra, lướt Facebook, rồi gửi tin nhắn cho nhau.
Ông Thomas tiếp tục:
- Tệ hơn nữa là những cái như video game. Những thứ này đã dạy cho người trẻ những hành vi kỳ lạ, khác thường, khó lòng tưởng tượng được. Chúng học cách bắn giết, cướp bóc trong những cuộc phiêu lưu của “thế giới ảo”, rồi về sau không còn biết rõ đâu là thật và đâu là ảo nữa. Do đó, chúng sẽ mất đi khả năng phân biệt đâu là đúng, đâu là sai. Từ những đứa trẻ cho đến những thanh niên lớn tuổi, ai ai cũng say mê với những điều nguy hại mà phần lớn chỉ coi là trò chơi vô hại này. Không ai hiểu rằng tuy công nghệ có thể mang đến nhiều lợi ích nhưng chúng cũng tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy. Những người trẻ chưa biết phân biệt, chưa được dạy bảo cẩn thận nên dễ dàng trở thành nạn nhân của thứ “ma lực” này. Chúng dán tai, dán mắt vào chiếc điện thoại nhỏ bé và quên đi tất cả mọi sự xảy ra chung quanh, bởi vì chúng chỉ biết sống trong “thế giới ảo” mà thôi. Có những đứa trẻ quên ăn, quên ngủ và sống trong “thế giới ảo” này, do đó chúng không thể trưởng thành, không có trách nhiệm với thế giới chung quanh, trở nên dửng dưng vô cảm, vì đầu óc của chúng đã bị “thôi miên” rồi.
Tuy có phần đồng ý với nhận xét của ông Thomas, nhưng tôi cũng góp thêm vài lời để bào chữa:
- Khoa học công nghệ đã giúp ích cho con người rất nhiều. Chúng ta cần có cái nhìn cởi mở với những phát minh trong nhiều lĩnh vực, thay vì quy tội cho chiếc iPhone.
Ông Thomas bật cười:
- Khoa học công nghệ hiện nay còn nhiều thiếu sót cần phải bổ túc thêm. Người ta không thể dạy khoa học kỹ thuật mà không đề cập đến đạo đức hay bổn phận của những người có trách nhiệm làm việc trong đó. Khoa học mà không có lương tâm, công nghệ mà không có trách nhiệm thì chỉ mang lại thảm họa cho nhân loại sau này.
Ông Thomas cảm thán:
- Với tốc độ phát triển quá nhanh, với thị trường tiêu thụ khổng lồ, với số thu nhập quá cao, người ta khó có thể kìm hãm được đà phát triển của những sản phẩm này, từ đó dẫn đến những lỗi lầm khó sửa. Tôi không lên án khoa học hay công nghệ, tôi chỉ muốn nói rằng điều chúng ta cần làm là phát triển khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu và sử dụng trí tuệ để biết rõ những hậu quả chúng ta có thể tránh được.
Ông Thomas im lặng một lúc như để hồi tưởng về một điều gì đó, rồi nói tiếp:
- Anh có biết rằng điều này đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ rồi không? Vì thiếu ý thức nên con người đã để cho những sản phẩm có “ma lực” này rút hết sinh lực của họ. Đa số mọi người trở nên thụ động, quên đi tất cả mọi sự chung quanh. Họ không còn sống với sự tỉnh thức nữa mà đã trở thành những cỗ máy hoàn toàn vô cảm trước hoàn cảnh xã hội. Họ chỉ biết nghĩ đến mình và trở nên ích kỷ, tham lam, tàn bạo không khác gì loài vật. Theo thời gian, nhân loại sẽ mất đi khả năng nhận xét hay hiểu biết, vì những thứ được gọi là “công nghệ” này sẽ kết nối vào bộ óc của họ, làm tê liệt cơ quan này, khiến con người không còn biết suy nghĩ mà trở thành một kiểu người sống không ra sống, chết không ra chết, hoàn toàn thụ động theo mệnh lệnh của cái “ma lực” kia.
Nếu không ý thức rõ ngay từ lúc này, sự thông minh của chúng ta sẽ dần dần bị thay thế bởi những hiện tượng tâm thức “máy móc” mà chúng ta cho là tiến bộ. Chúng ta phải biết phân biệt giữa bộ óc thông minh (intelligence) và trí tuệ nội tại (wisdom). Thông minh mà thiếu trí tuệ sẽ đưa con người vào những nhận xét mê lầm. Khi đó, con người sẽ trở thành những cỗ máy, những “xác sống”. Bộ óc không biết suy nghĩ sẽ dễ dàng bị kiểm soát để làm những việc phi nhân tính. Trong tương lai, nếu không biết sử dụng bộ óc để phân biệt phải trái, đúng sai, con người sẽ trở thành những cỗ máy chỉ biết làm những gì được sai khiến.
Ông Thomas ngừng lại như để cho tôi suy nghĩ về điều ông nói, rồi tiếp tục với lời lẽ xúc động:
- Là nhà khoa học về công nghệ, anh có thể nghĩ rằng tôi là người không am hiểu về sự tiến bộ của khoa học ngày nay, nhưng anh có biết tôi đã từng sống trong hoàn cảnh tương tự từ hàng ngàn năm trước rồi không? Tôi đã trải nghiệm nhiều điều mà ngày nay tuy chưa xảy ra nhưng rồi sẽ xảy ra, và tôi hiểu rõ hậu quả của nó. Hiện nay anh cũng biết, với sự tiến bộ của khoa học, người ta có thể ghép những tế bào của động vật vào cơ thể con người, hay đặt vào cơ thể con người những thiết bị gọi là “trí tuệ nhân tạo” khiến họ phát triển những khả năng mà người thường không thể làm được. Anh có thể coi đó là người hay là “nửa người, nửa siêu nhân” (cyborg) cũng được. Anh có biết hệ quả của việc này là thế nào không?
Hiện nay thế giới đang trải qua giai đoạn hỗn loạn, xáo trộn, mà thật ra thì mọi quốc gia đều đang gánh chịu những nghiệp quả mà họ đã gây ra trong quá khứ. Mỗi quốc gia, cũng như mọi cá nhân, đều có những nghiệp quả riêng do những nhân mà họ đã gây ra. Cá nhân thì có “biệt nghiệp” riêng của từng người, nhưng quốc gia thì có “cộng nghiệp” mà tất cả những người sống trong đó đều phải trả. Chu kỳ “thành, trụ, hoại, diệt” như anh đã biết là thứ mà mỗi người, mỗi quốc gia, đều không thể tránh khỏi. Ngay như trái đất cũng thế, nó cũng phải trải qua thời gian được hình thành, phát triển, rồi suy thoái và tàn lụi. Tuy nhiên, đời người thì ngắn, còn sự thay đổi của một quốc gia hay một nền văn minh thì kéo dài lâu hơn nên không mấy ai ý thức được điều này. Nếu nhìn vào lịch sử, anh có thể thấy những nền văn minh phát triển cực thịnh rồi suy tàn như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, gần đây Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Ý cũng đang trên đà suy thoái, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Tôi lặng người một hồi lâu. Tôi thật không ngờ một người vốn ít nói như ông Thomas lại hùng hồn với những nhận xét sâu sắc đến thế. Điều ông nói cũng là điều mà tôi đang trăn trở bấy lâu nay. Trong cuộc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (AI) và học máy (machine learning), tôi đã bàng hoàng khi thấy những con robot thông minh trong phòng thí nghiệm tại Đại học Carnegie Mellon nơi tôi làm việc, có thể làm được những điều mà chúng tôi không ngờ. Khi tôi cài những thuật toán học máy phức tạp vào những con robot này để chúng chơi cờ vua với nhau, chúng đã có thể học và tính hàng trăm nước cờ để thắng đối thủ. Điều mà tôi và các giáo sư tại đây không ngờ là những con robot “vô tri giác” này lại có thể tìm cách lừa nhau để thắng cuộc – không phải bằng việc đoán trước nước cờ của đối thủ, mà tìm cách lừa bịp lẫn nhau và đây là điều chúng tôi không hề lập trình cho chúng. Sự tiến bộ của trí thông minh nhân tạo đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng tôi.
Tôi gật đầu đồng ý:
- Ông nói đúng đó, phần lớn những khoa học gia như chúng tôi vẫn đang chìm đắm trong những ảo tưởng về sự tiến bộ của khoa học nhưng không mấy ai nghĩ đến những hậu quả trong tương lai. Hiện nay, một số phụ huynh đã bắt đầu đặt vấn đề về việc trẻ em nghiện Internet, video game; và một số khoa học gia cũng lưu ý đến việc phát triển quá nhanh của trí thông minh nhân tạo nhưng chưa ai tìm được giải pháp hợp lý cho tình huống này. Nhưng ông vừa nói rằng ông đã trải qua kinh nghiệm này trong quá khứ, vậy câu chuyện là thế nào?
Ông Thomas im lặng suy nghĩ, rồi ôn tồn trả lời:
- Thật tình tôi cũng không muốn nói ra điều này. Nhưng khi xưa, tôi rất tâm đắc khi nghe Hòa thượng Thánh Nghiêm nói rằng chỉ cần một số người ý thức làm những việc thiện lành, dù là việc nhỏ, họ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực, có thể đem lại sự thay đổi lớn. Nếu một cánh bướm nhỏ có thể tạo ra một trận cuồng phong thì việc chia sẻ những trải nghiệm của tôi qua những kiếp sống cũng có thể giúp nhiều người hiểu biết về những quy luật bất biến trong vũ trụ, và biết đâu họ sẽ nhận ra điều gì đó để thay đổi. Khi trước chúng ta đã bàn luận rất nhiều về Luân hồi và Nhân quả, nhưng tôi chưa nói rõ cho anh biết tại sao tôi lại quan tâm đến việc này. Nhân buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi có thể chia sẻ với anh về những kiếp sống của tôi trong quá khứ.
Tôi lặng người nhìn ông Thomas. Ông dừng lại một lúc như để cho tôi suy nghĩ. Tuy ngạc nhiên nhưng tôi vẫn giữ im lặng, không muốn cắt đứt dòng tư tưởng của người bạn này. Ông Thomas đắm chìm trong suy tư một lúc khá lâu, rồi nói:
- Điều tôi chia sẻ sau đây chỉ là trải nghiệm của tôi qua những kiếp sống trước kia mà thôi. Dĩ nhiên anh có thể tin hoặc không tin, tùy theo sự hiểu biết của anh.
Trong thế giới khoa học quay cuồng ngày nay, dĩ nhiên khó ai tin được những điều kỳ lạ mà ông Thomas đã kể cho tôi ngày hôm đó. Có nói ra thì hầu hết mọi người sẽ cho rằng đó chỉ là sự tưởng tượng, do đó tôi không có ý định chia sẻ câu chuyện được nghe với ai mà chỉ giữ riêng cho mình.
Tôi đã thấy một người nổi tiếng như phi hành gia Edgar Mitchell khi đề xướng việc nghiên cứu các hiện tượng tâm linh, các quy luật vũ trụ ẩn tàng trong thiên nhiên, sự hiện hữu của sinh vật ngoài hành tinh, sự tương quan giữa vũ trụ và con người mà còn bị dư luận truyền thông chỉ trích thì mấy ai tin được những chuyện về tiền kiếp hay luân hồi?
* * *
Khi anh Nguyễn Văn Phước, người sáng lập Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News trao đổi về những kiến thức tâm linh trong những cuốn sách tôi đã phóng tác, viết lại từ nhiều năm về trước, tôi vô tình nhắc đến câu chuyện đó, anh Phước đề nghị tôi nên chia sẻ câu chuyện thú vị này với độc giả Việt thông qua một cuốn sách. Lúc đầu, tôi rất ngại vì đã không viết về những đề tài này trong nhiều năm. Tôi đã dự định gác bút, kể cả việc viết về các đề tài liên quan đến công nghệ. Tuy nhiên, với sự khích lệ và nguồn cảm hứng từ anh Phước khi anh tin tưởng câu chuyện từ những nhân vật có thật này sẽ có thể giúp đỡ cho nhiều người về mặt tinh thần - tôi đã liên lạc với ông Thomas để hỏi xin ý kiến về việc viết một cuốn sách kể về các trải nghiệm tiền kiếp của ông. Thoạt đầu tôi đã nghĩ ông Thomas có thể sẽ không chấp thuận, vì câu chuyện của ông quá đặc biệt và riêng tư. Nhưng bất ngờ thay ông đã đồng ý, với một điều kiện duy nhất là không để tên tuổi thật của ông và những người có liên quan trong những câu chuyện này. Ông nói: “Anh có thể viết và chia sẻ những điều này với những người bạn của anh nhưng không nên để tên thật của tôi trong đó. Tôi không muốn trở thành đề tài cho dư luận bàn ra tán vào”.
Tôi biết ông Thomas là một doanh nhân nổi tiếng và thành công trên thị trường tài chính New York. Những cộng sự, đồng nghiệp và bạn bè của ông đều là những nhân vật tên tuổi trong xã hội nước Mỹ và thế giới hiện nay. Hiển nhiên không ai muốn trở thành đề tài cho những tờ báo lá cải hay các trang mạng xã hội đàm tiếu.
Trong mấy năm qua, tôi bay đến New York gặp ông Thomas nhiều lần để ghi kỹ lại về những câu chuyện tiền kiếp lạ thường của ông. Chúng tôi nói chuyện với nhau một cách rất khẩn trương nhưng thân mật, tự nhiên để ông có thể chia sẻ sâu và chi tiết hơn về những trải nghiệm tiền kiếp của mình. Lúc đầu, chúng tôi không đi theo thứ tự nào vì đây không phải là một cuộc phỏng vấn hay để viết một cuốn hồi ký. Tôi ghi chép lại tất cả những chi tiết quan trọng, rồi hệ thống lại những thông điệp trong câu chuyện của ông. Tôi cũng trao đổi liên tục với ông trong quá trình viết, để ông góp ý và biên tập, chỉnh sửa kỹ lưỡng hơn, đúng theo những gì ông muốn truyền đạt.
Sau đó, ông đề nghị: “Theo tôi thì chúng ta nên thay đổi vài chi tiết trong đó, viết lại theo thứ tự thời gian, để có thể trở thành một cuốn sách sinh động chứ không phải chỉ là những mẩu đối thoại liên tục giữa chúng ta. Đây không phải là tài liệu nghiên cứu hay một cuộc phỏng vấn dài với những câu hỏi và trả lời”. Và ông khẳng định sau một lúc trầm ngâm: ”Đây sẽ là một cuốn sách đặc biệt!”.
Vì thế tôi chỉnh sửa lại theo thứ tự thời gian, qua các kiếp sống, theo dòng lịch sử, và viết ”văn học hóa” một số chi tiết, câu chuyện để trở thành một cuốn sách lôi cuốn, chuyển tải những thông điệp quan trọng chứ không chỉ là tổng hợp các tư liệu. Tôi mong các bạn đọc xong cuốn sách cũng đồng ý như thế, và nếu có sơ suất gì, xin hãy lượng thứ bỏ qua.
Và sau đây là câu chuyện của ông Thomas.