Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng bức ảnh chụp Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước giờ ra pháp trường với “Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu/ Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết”...
Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng bức ảnh chụp Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước giờ ra pháp trường với “Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu/ Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết” vẫn làm xúc động trái tim bao thế hệ.
Chín phút làm nên lịch sử
Nguyễn Văn Trỗi là thợ điện ở Nhà máy điện Chợ Quán, tham gia Biệt động Sài Gòn. Anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đặt bom phá cầu Công Lý để giết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra, ngày 2-5-1964. Việc không thành, Nguyễn Văn Trỗi bị sa vào tay giặc. Quân địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng anh vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, nhận hết trách nhiệm về mình để bảo vệ đồng đội và tổ chức. Để cứu anh, một tổ chức du kích ở Vê-nê-du-ê-la yêu cầu trao đổi anh với Đại tá không quân Mỹ M.Xmô-len vừa bị tổ chức này bắt cóc, và tuyên bố: “Nếu xử bắn Nguyễn Văn Trỗi thì một giờ sau, ở Vê-nê-du-ê-la, sẽ xử bắn M.Xmô-len”. Hai bên đồng ý trao đổi tù binh. Thế nhưng, khi M.Xmô-len vừa được tự do, Mỹ và tay sai đã tráo trở, lật lọng. 9 giờ 50 phút ngày 15-10-1964, bọn chúng đưa Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường sau nhà lao Chí Hòa xử tử hình. 9 phút cuối cùng của đời mình, chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi đã tranh thủ từng giây, từng phút còn lại vạch trần bộ mặt xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ và khẳng định sự tất thắng của cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Dù Mỹ-ngụy tìm mọi cách bưng bít nhưng ngày hôm sau, tất cả báo chí trong và ngoài nước có phóng viên ở Sài Gòn đều tường thuật tỉ mỉ “9 phút làm nên lịch sử” của người chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi.
Trang nhất Báo QĐND số ra ngày 31-10-1964 đăng bức ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước phút hy sinh của Hãng thông tấn AFP và bài viết của nhà báo Phạm Phú Bằng.
Bài báo trước ngày đi B
Bức ảnh chụp Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường xuất hiện trên Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 31-10-1964. Dưới bức ảnh là bài viết thuộc thể loại tùy bút chính luận, có tựa đề “Muôn năm tinh thần Nguyễn Văn Trỗi”, không đề tên tác giả. Bài viết mang âm hưởng ngợi ca, chất chứa niềm tự hào, nỗi xót thương mà không bi lụy. Lời lẽ nhẹ nhàng mà giá trị tố cáo đanh thép:
"Hãy nhìn xem hình ảnh trên đây, hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi trước khi bị quân thù xử bắn, hình ảnh của một người cách mạng, trước cái chết vẫn ngẩng cao đầu, nét mặt vô cùng tin tưởng, đôi mắt trong sáng lạ thường.
... Hãy nhìn lên bức ảnh anh Trỗi, trong những giây phút cuối cùng giữa sự sống và cái chết, đã đứng thẳng lên tấn công cả một chế độ thù địch ngay trước mũi súng của nó... Tên sĩ quan Mỹ đứng sau anh đã phải cúi gằm mặt xuống. Anh Nguyễn Văn Trỗi! Anh đã thắng, thắng oanh liệt, thắng vẻ vang.
Là một người thợ bình thường và giản dị, chắc khi sống anh đâu có nghĩ đến bia đá tượng đồng. Dẫu sao, đến nay, xin phép anh cho chúng tôi được dựng bia anh trong con tim chúng tôi để ghi khắc những lời anh dặn dò”.
Sau này, chúng tôi được biết bài viết trên là của Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng, khi đó ông là phóng viên Phòng Thời sự Quốc tế, Báo Quân đội nhân dân. Ông nhớ lại: “Số báo ngày 31-10-1964 đã trình bày xong, chuẩn bị chuyển đi nhà in, thì gần tối, tòa soạn nhận được từ Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) bức ảnh anh Trỗi tại pháp trường do phóng viên Hãng thông tấn AFP (Pháp) chụp. Lập tức, Ban Biên tập quyết định bóc bài đã trình bày bên dưới măng-sét, để đăng bức ảnh và yêu cầu có một bài chính luận tùy bút đi kèm. Đây là thể loại tôi từng viết, và cũng có thể vì anh Trỗi cùng quê tôi nên tôi được phân công viết bài này. Trong suốt tháng 10 năm ấy, sự kiện Nguyễn Văn Trỗi đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Nhưng khi nhìn bức ảnh, mới thấy nó có sức tác động ghê gớm. Hình ảnh người thanh niên trẻ trong bộ đồ trắng, cánh tay bị trói gập đằng sau, nhưng tư thế hiên ngang, vẻ mặt bình thản, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng… Đối lập lại là đám quân lính vây quanh anh với đầy súng ống, mũ sắt nhưng dáng vẻ lấm lét, cúi đầu... Có thể do đề tài và tâm lý bị kích động, tôi viết một mạch trong khoảng 40 phút. Tôi viết xong là nộp bài ngay, không còn thời gian đọc lại”.
Một điều đặc biệt nữa là bài báo được viết trước ngày nhà báo Phạm Phú Bằng lên đường vào Nam. Ông được Ban Thống nhất Trung ương chọn vào làm Báo Quân Giải phóng; cùng với nhà báo Thép Mới vào làm Báo Giải phóng, nhà báo Nguyễn Phục Nguyễn vào Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông nhớ lại: “Chỉ còn vài ngày nữa là lên đường. Tôi viết trong tâm trạng mình sắp vào chiến trường miền Nam, vào nơi anh Trỗi hy sinh. Đi không biết có ngày về, nên tôi coi bài viết là quà tặng gửi lại tờ báo mà mình gắn bó 14 năm, từ ngày đầu thành lập”.
Nhà báo Phạm Phú Bằng đã đến cây cầu Công Lý như dự định trước ngày vào Nam, nhưng ông không thể biết được rằng, để đến được đó, ông đã phải mất 9 năm. Ông kể: "Năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, tôi là thành viên trong phái đoàn Quân đội Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong Ủy ban Quân sự bốn bên. Tôi đi qua cây cầu Công Lý, trong phái đoàn làm nhiệm vụ trao đổi tù binh. Giây phút ấy, trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh anh Trỗi với một niềm tin ngày chiến thắng của dân tộc đã đến rất gần”.
Bài và ảnh: HÀ THU