Mọi người thường cho rằng, hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ, họ trở thành vợ chồng và cùng chung sống với nhau. Tuy nhiên, hôn nhân không chỉ là mối quan hệ của hai người mà còn là mối quan hệ của cả hai gia đình. Người đời thường nêu ra tiêu chuẩn “môn đăng hộ đối”, tức là kinh tế, thành phần gia đình, trình độ giáo dục, v.v. cũng cần tương xứng với nhau. Cho dù những điều kiện trên đã đầy đủ, nhưng nếu như quan niệm sống, tư tưởng nhận thức của hai bên không giống nhau, cũng khó có thể cùng sống với nhau đến răng long đầu bạc.
Có một đôi thanh niên nam nữ nọ, hai người rất tâm đầu ý hợp đã từng bàn đến chuyện hôn nhân. Phía gia đình người con trai rất coi trọng việc hội họp gia đình. Mỗi lần cô gái được mời đến nhà dùng cơm, đều thấy những người anh chị em của bạn trai đã kết hôn, luôn so sánh về sự giàu có, thành tựu. Đặc biệt là những lễ nghi khi dùng cơm quá phiền phức, khiến cho cô gái kia vốn có bản tính vui vẻ, thích sự tự do cảm thấy không phù hợp. Bởi vậy nên cô đã đưa ra lời chia tay, từ bỏ cuộc hôn nhân với người bạn trai mà mọi người đều cho là đẹp đôi ấy. Có thể thấy rằng, nếu quan niệm sống không tương xứng, không thể dung hòa với nhau thì khó có thể sống cùng nhau trọn vẹn kiếp người.
Cho dù đã kết hôn cũng không thể chỉ dựa vào một tờ giấy đăng ký kết hôn để ràng buộc mối quan hệ hôn nhân, nhất định phải có sự quan tâm và yêu thương, có chung sở thích, chung chí hướng mới có thể giữ được trái tim của nhau.
Có một cô vợ, sở thích lớn nhất trước khi kết hôn đó chính là đi nghe buổi biểu diễn đàn Cello. Sau khi kết hôn, rất nhiều lần cô muốn người chồng cùng mình đi xem khi có buổi nhạc hội, nhưng luôn bị người chồng miễn cưỡng lấy lệ rồi cho qua không quan tâm. Có một lần, người vợ quyết tâm mua xong vé lễ hội âm nhạc, và yêu cầu người chồng bất luận thế nào cũng phải đi xem biểu diễn cùng cô ấy. Người chồng bất đắc dĩ nên chỉ có thể miễn cưỡng làm theo. Đến lúc buổi biểu diễn bắt đầu, tiết mục đầu tiên mới biểu diễn được một nửa thì người chồng đã ngủ, hơn nữa lại còn ngáy rất lớn giống như ngáy thi với tiếng đàn Cello trên sân khấu vậy. Mặc cho người vợ vừa đá, vừa thúc, vừa véo người chồng vẫn cứ ngủ ngon, lúc này người vợ nhìn người chồng ngủ cảm thấy cô đơn vô cùng, không kìm được nỗi buồn chán mà rơi nước mắt.
Có lúc, vợ chồng bất đồng ý kiến trong việc giáo dục con cái cũng sẽ khiến cho không khí gia đình trở nên căng thẳng. Có một vị giáo sư họ Lý, vì có những mâu thuẫn trong quan niệm giáo dục con cái với người vợ. Khi đó người vợ tức giận đã viết thư gửi đến Bộ Quốc Phòng tố cáo chồng mình câu kết với kẻ địch, nói ông ấy đã tham dự vào những cuộc gặp gỡ của địch. Bởi vậy mà ông ấy đã bị giam giữ ở Lục Đảo hơn mười năm.
Nhà triết học Sokrates đã từng nói đùa rằng: “Vì tôi cưới được một cô vợ đanh đá, cho nên mới thành một nhà triết học”. Không phải ai cũng có cuộc sống hôn nhân tốt đẹp. Trong cuộc sống hiện thực, có người vì hôn nhân không mỹ mãn mà tha hương xứ người, có người ra nước ngoài du học để tránh mặt, có người dứt khoát tham gia vào quân đội, v.v. họ quyết định rời đi vì không muốn cùng đối phương sống những tháng này đau khổ nữa.
Có những cặp vợ chồng, yêu nhau được nhiều năm mới kết hôn, vậy mà khi đã về chung nhà lại không sống với nhau nổi mấy tháng. Bởi vì quan niệm sống của hai người không hợp nhau, thói quen sinh hoạt cũng khác biệt, quan điểm về giá trị cuộc sống cũng khác nhau. Khi mua đồ, họ cũng có sở thích về màu sắc, kiểu cách khác nhau, đối với vật dụng trong nhà, trang hoàng nội thất cũng không đồng nhất quan điểm. Thậm chí chỉ vì dùng kem đánh răng không giống nhau mà họ cũng xảy ra tranh cãi, cuối cùng dẫn đến ly hôn. Câu nói “vì sai lầm mà kết hợp, vì hiểu rõ mà phân ly” thật đúng vậy!
Trước đây, có rất nhiều cặp vợ chồng vâng lời của cha mẹ hai bên, thông qua mai mối mà kết hôn, nhưng họ vẫn có thể chung sống cùng nhau đến răng long đầu bạc. Đó là vì hai người biết tôn trọng, bao dung lẫn nhau, bởi vậy chúng ta thấy, hôn nhân sắp đặt thời xưa cũng chưa hẳn là không tốt.
Có người tính cách quá mạnh mẽ, mọi việc phải theo ý bản thân, nếu không được như mong muốn của mình thì sẽ cảm thấy thất vọng, đây là một loại cố chấp. Con người vì quá chấp nhất, nên đã không tìm ra được điểm chung trong quan điểm, tư tưởng, cũng không cho phép sự khác biệt tồn tại. Kiểu tính cách này trong xã hội, trong giao lưu với bạn bè, hay trong hôn nhân, trong đối nhân xử thế đều rất khó kết giao hòa đồng với mọi người. Thậm chí cho dù là xuất gia làm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc là làm linh mục, nữ tu ở trong đoàn thể thì họ cũng không thể hòa hợp cùng với mọi người.
Có một câu chuyện cười rằng, nếu như Columbus có một cô vợ đa nghi, không ngừng chất vấn: “Ông đi đâu? Đi cùng ai? Đi làm gì? Khi nào trở về? Vì sao có việc Nữ Hoàng Anh Elizabeth II muốn tặng ông ba chiếc thuyền?” Cô vợ cứ nghi ngờ như vậy thì Columbus có thể phát hiện ra châu lục mới được không? Cho nên, một cuộc hôn nhân mỹ mãn, phải có những điều kiện tiên quyết đó là vợ chồng phải tin tưởng nhau, cùng giúp đỡ, tôn trọng, khoan dung, tha thứ cho nhau, mới có thể cùng nhau bổ sung những thiếu sót và cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp được.