Thiên tai là tai họa đến từ thiên nhiên. Nói cách khác, những tai họa từ thiên nhiên đem đến mà chúng ta không ai có khả năng chống lại được thì gọi là “thiên tai”. Thông thường, khi một thỏa thuận hay một hợp đồng được ký kết thường luôn kèm theo một điều khoản: “Nếu như tổn thất ngoài ý muốn như thiên tai, dịch bệnh, không nằm trong những điều khoản đã ký kết thì sẽ không được bồi thường”.
Mặc dù thiên tai rất đáng sợ nhưng cũng không phải không phòng bị được. Ví dụ: Khi sắp có mưa bão lớn, trước đó cần phải hoàn thành các công trình đang dang dở, chứ không phải chờ đến khi thiệt hại nặng nề rồi mới nói không thể chống lại thiên tai. Thường ngày phải chú ý nạo vét, tu bổ các công trình thủy lợi, đến mùa lũ nước mới có thể mau chóng rút đi, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây nên.
Một số nước nằm trong vành đai đứt gãy của vỏ trái đất, thường xuyên xảy ra động đất. Tuy nhiên, hiện nay khoa học đã phát minh ra máy đo động đất, có thể dự đoán được sóng địa chấn xảy ra lúc nào và ở đâu. Nếu như trước đó đã có sự phòng bị tốt thì khi thiên tai động đất xảy ra, ít nhất cũng có thể giảm bớt những thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. Giống như hai huyện Nghi Lan và Hoa Liên là những khu vực thường xuyên xuất hiện bão và động đất, nhưng chỉ cần làm tốt công tác dự báo, thì có thể giảm thiểu tổn thất xuống mức thấp nhất.
Trước đây, từng có một số người lan truyền những tin đồn thất thiệt, họ nói rằng ngày tận thế sắp đến, nhưng cho đến bây giờ trái đất vẫn nguyên vẹn không hề có chuyện gì xảy ra. Nhật Bản từng tuyên bố muốn tiêu diệt Trung Quốc, nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn phát triển hùng mạnh trở thành một trong những cường quốc trên thế giới. Cho nên, tai họa trên thế gian có lớn đến mức nào cũng không đáng sợ như trong trí tưởng tượng con người và cũng không phải là không có cách giải quyết.
Ngoại trừ những thiên tai kể trên, còn rất nhiều những tai họa trên mặt đất, như lũ quét, sóng thần, động đất, sạt lở, thậm chí còn có sấm sét, mưa bão kéo dài liên tiếp, mưa đá, nắng nóng, hạn hán, v.v. Những thảm họa này xảy ra ngày càng nhiều, mức độ tàn phá ngày càng lớn, khiến cho con người có cảm giác dường như ngày tận thế đang đến rất gần.
Trước đây, thường xuyên thấy báo đài đưa tin, ở Ấn Độ mỗi năm có hàng ngàn người chết vì nắng nóng. Mùa đông ở nhiều nơi trên thế giới, cũng có rất nhiều người chết cóng trên đường, trên hè phố. Hiện nay phương tiện truyền thông đại chúng rất phát triển, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận được thông tin liên quan đến những vụ thiên thạch rơi, sao chổi cùng với tin tức về các lỗ thủng tầng ozon, bão cát hoành hành, v.v. Thật sự những thiên tai đó khiến cho mọi người vô cùng hoang mang lo lắng, không biết nơi nào trên thế giới này mới là nơi an toàn.
Con người chúng ta, khi ngồi trên máy bay lại sợ gặp phải nhiễu loạn không khí, khi ngồi trên xe hơi cũng sợ gặp phải tai nạn giao thông. Trước đây, người ta vẫn thường truyền tai nhau những chuyện kỳ lạ xung quanh khu vực tam giác quỷ Bermuda, mỗi khi tàu thuyền hay máy bay đi qua khu vực đó, có trường hợp tự nhiên biến mất. Đến nay, khoa học thế giới vẫn chưa có một lời giải thích rõ ràng cho hiện tượng kỳ lạ này.
Các đế vương thời xưa lãnh đạo một quốc gia đều phải tu nhân tích đức, cầu xin ông trời thương xót, giảm bớt tai họa xuống nhân gian. Người Trung Quốc cũng luôn có quan niệm phải sống thuận theo tự nhiên, cho nên không được phá hủy môi trường thiên nhiên, nếu không, kết quả chúng ta nhận lại từ tự nhiên sẽ hoàn toàn ngược lại với những kỳ vọng của con người.