G
iờ tan học hôm đó, Vệ Bắc ở lại rất muộn mới đọc xong bài tập đọc. Cậu cất sách vở vào cặp rồi ra khỏi lớp. Bấy giờ trời đã tối lắm rồi, cả trường chỉ còn mỗi cậu, Diệp Sơ và bác bảo vệ già đang ngồi ngủ gà ngủ gật bên ánh đèn tù mù.
Vệ Bắc vốn chưa bao giờ muốn quan tâm đến Diệp Sơ, nhưng khi ngẩng đầu lên, nhìn thấy con đường nhỏ tối om đối diện trường học, cậu nhóc bỗng nảy ra ý đồ đen tối.
“Diệp Thừa Cân, cậu có sợ tối không? “ Cậu nhóc hỏi, nghe là biết chẳng hề có ý tốt gì.
Diệp Sợ chớp mắt rồi khẽ lắc đầu.
“Nghe nói quanh đây có ma chuyên bắt cóc trẻ con đấy….” Cậu cố ý dài giọng ra hòng hù doạ Diệp Sơ.
Diệp Sơ không trả lời. Ánh mắt cô bé chăm chú nhìn phía sau lưng Vệ Bắc.
Đang đắc chí vì tưởng doạ được Diệp Sơ, bỗng Vệ Bắc phát hiện ra ánh mắt của cô có gì đó không ổn. Dù sao thì cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ con, nên cậu cũng hơi rờn rợn hỏi: “Diệp Thừa Cân, cậu nhìn cái gì thế hả?”.
Diệp Sơ giơ ngón tay lên, chỉ về phía sau lưng cậu.
Vệ Bắc nuốt nước bọt, chậm rãi quay đầu lại. Từ trong ngõ tối âm u xuất hiện một tên côn đồ tóc dài đáng sợ, tay lăm lăm con dao rọc giấy. Hắn nở nụ cười nham hiểm, lừ lừ tiến lại gần hai đứa trẻ.
“Oắt con, có mang theo tiền không?” Lưỡi dao sắc lẻm lấp loáng dưới ánh đèn đường.
“Không mang!” Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Vệ Bắc đã cao lớn ra dáng con trai lắm rồi. Ngựa non vẫn còn háu đá, cậu thét to, không mảy may run sợ.
Tên côn đồ kia gây án đã nhiều lần nhưng chưa từng gặp phải thằng nhóc nào mới tí tuổi mà đã dám phản kháng như thế. Hắn vung dao lên toan doạ nạt cậu nhóc, nào ngờ tên tiểu quỷ kia chẳng những không sợ mà còn thừa dịp hắn không để ý, giơ chân đạp cho gã một cước đau điếng.
Sau cú đạp đau buốt óc, gã côn đồ tức đến xì khói. Hắn vung tay toan túm lấy Vệ Bắc. Trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc này, giữa màn đêm đen bỗng vang lên tiếng chó sủa inh ỏi, A Bảo nhà ta không biết từ đâu lao ra, há mõm đớp thẳng vào đùi gã người lớn xấu xa.
Gã côn đồ ngã lăn ra đất, tiếng kêu la thảm thiết của gã vang vọng khắp con ngõ nhỏ. Những nhà dân quanh đó vội vàng chạy đến. Tất cả những gì họ thấy nơi đầu ngõ là một con chó và một đứa bé trai đang cùng nhau tấn công một gã thanh niên tóc dài đang gào rú lăn lộn trên mặt đất. Một cô bé mũm mĩm đứng bên cạnh nhìn chăm chú. Bàn dân thiên hạ sửng sốt đến ngây cả người.
Sau đó, bố mẹ hai đứa trẻ cũng chạy tới. Mọi người đồng tâm hiệp lực giải tên côn đồ nhiều lần trấn tiền của các em học sinh khu này lên đồn công an.
Về sau, câu chuyện này gây ra tiếng vang lớn ở địa phương. Chẳng là hai bạn trẻ của chúng ta đang sống trong thời đại thần tượng những người anh hùng nhỏ tuổi như Lại Ninh5, không biết tự lượng sức được coi là hăng hái làm việc nghĩa nên cả đài truyền hình cũng cử người xuống phỏng vấn cậu bé “anh hùng” dũng cảm bắt cướp. Về sau, một đồn mười, mười đồn trăm, sự tích này được lưu truyền thành một câu chuyện nhuốm đầy màu sắc thần bí li kì. Ngay cả A Bảo cũng thành ngôi sao trong con mắt hàng xóm láng giềng, huống hồ Vệ Bắc.
5 Lại Ninh (1973-1988), người thành phố Nhã An tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ngày 13 tháng 3 năm 1988, quê nhà xảy ra trận cháy lớn, với mong muốn được bảo vệ quê nhà và những khí tài quan trọng của nhà nước, em đã chủ động tham gia đội cứu hoả rồi anh dũng hi sinh sau gần 5 tiếng đồng hồ chiến đấu với ngọn lửa. Tháng 5 năm 1988, Trung ương Đoàn Thanh niên Trung Quốc và Uỷ ban giáo dục nhà nước Trung Quốc đã phong tặng em danh hiệu “Anh hùng thiếu niên”.
Chưa đầy một tháng sau, sau khi bàn bạc kĩ lưỡng, ban giám hiệu đã quyết định phá lệ trao tặng Vệ Bắc bằng khen anh hùng nhỏ tuổi, dũng cảm làm việc nghĩa đầu tiên trong lịch sử nhà trường. Vệ Đông Hải dẫn con trai lên nhận bằng khen, làm bố đã được bảy năm mà đây lần đầu tiên ông được nhờ con mà nở nụ cười tươi rói.
Vệ Đông Hải phấn khởi lắm, trên đường cầm tấm bằng khen về nhà, ông còn mua một quả bóng rổ làm phần thưởng cho con trai.
Sự thật chứng mình, quyết định của Vệ Đông Hải là cực kì sai lầm!
Mới mua quả bóng rổ hôm trước thì hôm sau cửa sổ nhà bà Hàn hàng xóm đã vỡ tan tành “không biết ai là thủ phạm”. Đến ngày thứ năm thì đến lượt cửa sổ phòng học vỡ. Một tuần sau thì ngay cả cửa sổ phòng hiệu trưởng cũng vỡ nốt!
Cuối cùng, cô giáo Lý Phương Phương không thể nào chịu nổi nữa, buộc phải tịch thu quả bóng rổ của Vệ Bắc. Cô sa sầm mặt, quyết định thực hiện chuyến “thăm nhà học sinh” lần đầu tiên trong cuộc đời làm giáo viên. Chuyến thăm nhà được quyết định trong lúc kích động này đã trở thành kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian giảng dạy của cô giáo Lý, đến nỗi rất lâu sau khi nhắc đến chuyện “thăm nhà học sinh” cô vẫn liên tưởng đến chiếc chổi lông gà mà Vệ Đông Hải dùng để đánh con trai rồi cứ thế run rẩy hết cả người.
Gia đình này bạo lực quá! Kinh khủng quá!
Vì bị bố đánh nên suốt một tháng sau Vệ Bắc ngoan hẳn. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng Vệ Đông Hải đánh con như đánh đàn, cô giáo Lý cảm thấy hình như tại mình đến gặp phụ huynh nên Vệ Bắc mới bị đòn đau, trong lòng cô vô cùng áy náy, nghiêm túc quyết định sẽ bỏ qua thái độ ngang ngạnh bướng bỉnh của Vệ Bắc, chọn cách giáo dục mềm mỏng nhẹ nhàng đối với cậu bằng cách giao cho cậu công tác lông gà vỏ tỏi nhất lớp – lớp phó lao động.
Ý đồ cô giáo Lý là, lớp phó lao động thì cũng là cán bộ lớp, nếu thấy con trai làm cán bộ cấp “lớp”, có khi bố Vệ Bắc sẽ không đánh cậu nữa. Hơn nữa lớp phó lao động ngày nào cũng phải ở lại quét dọn vệ sinh nên có thể phân tán tinh thần, tiêu hao thể lực, rất có lợi cho những đứa trẻ hiếu động như Vệ Bắc. Chỉ có điều cô giáo không thể ngờ rằng, chính quyết định này đã khiến Vệ Bắc nảy sinh ân oán với kẻ thù truyền kiếp suốt cuộc đời của cậu. Dĩ nhiên điều này để sau hẵng nói.
Kể từ khi làm lớp phó lao động, ngày nào Vệ Bắc và Diệp Sơ cũng ra về gần như cùng một lúc.
Đến đây cũng cần nói thêm một chút về vấn đề giáo dục con cái. Một khi gặp phải một đứa nhóc ngỗ nghịch như cậu con nhà họ Vệ, cứ phạt đánh mãi cũng không thể giải quyết được vấn đề. Có những lúc ngọt ngào cho quà trẻ hư sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ.
Vệ Bắc tạm thời biết “ăn kẹo ngọt”. Chiêu này của cô giáo Lý có vẻ hiệu quả. Ngày nào sau giờ học cậu cũng ngoan ngoãn ở lại lớp đôn đốc các bạn quét dọn vệ sinh rồi mới về nhà. Diệp Sơ với tư cách lớp trưởng cũng ra về vào lúc ấy, thế là hai trẻ anh trước tôi sau cùng ra khỏi cổng trường. Cho đến tận bấy giờ, khoảng cách giữa hai người vẫn là ba mét. Diệp Sơ đi trước, Vệ Bắc đi sau, không ai hé răng trò chuyện nửa lời.
Ngày tháng cứ thế trôi qua. Nhưng chẳng bao lâu sau, vấn đề lại một lần nữa xuất hiện.
Có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Cậu nhóc hư đốn nhà họ Vệ dù có ngoan ngoãn hơn chút đỉnh, nhưng từ trong xương tuỷ vẫn là một thằng oắt đầu gấu. Từ khi làm cán bộ lớp, cái máu hổ báo ấy còn hung hăng hơn trước. Chẳng thế mà chỉ mới làm cán bộ lớp được một học kì, cậu nhóc đã kiếm thêm được vô khối kẻ thù. Cũng không biết ngày thường cậu đã bắt nạt đám trẻ con đến mức nào mà để đến nỗi chúng phải vùng lên chống áp bức.
Hôm ấy, Vệ Bắc vẫn chỉ đạo các bạn quét dọn vệ sinh như thường lệ còn Diệp Sơ thì giúp cô giáo chép điểm vào sổ. Bởi vậy hai đứa trở thành những người cuối cùng ở lại trong lớp. Vệ Bắc cất dọn sách vở xong xuôi, liếc nhìn Diệp Sơ đang ngồi chép sổ một cái rồi xấu tính ra tắt phụt hết đèn trong phòng học.
Bỗng dưng thấy phòng học tối om, Diệp Sơ biết ngay cậu bạn cá biệt nhà họ Vệ lại gây sự với mình. Cô bé không một lời trách móc, tự thân vận động đi vòng ra cuối lớp bật đèn.
Hồi ấy, đèn trong phòng học được nối hai dây song song, đầu lớp và cuối lớp đều có thể bật và tắt đèn. Thế là Diệp Sơ vừa bật đèn, Vệ Bắc đã nghiến răng nghiến lợi tắt mất. Diệp Sơ không quát cậu mà tiếp tục bật lại. Cứ thế, cậu cứ việc bật còn tôi cứ việc tắt, đèn trong phòng lúc sáng lúc tối, khiến bác bảo vệ đang ngủ gật dưới tầng còn tưởng lớp học có ma, suýt thì xỉu vì sợ.
Sau một hồi đối đầu với Diệp Sơ, Vệ Bắc tự dưng thấy chán. Thường ngày mỗi lần bắt nạt con bé béo này, nó chẳng khóc cũng không ăn vạ, thật sự khiến người ta vô cùng mất hứng. Thế là Vệ Bắc lẳng cặp sách ra sau lưng, buông một câu: “Chán mớ đời!” rồi định mở cửa đi về.
Vừa mới đặt tay lên nắm cửa, Vệ Bắc bỗng sững sờ. Cái gì? Sao lại khoá thế này?
Lúc đó, Diệp Sơ vẫn đang đứng cạnh cánh cửa cuối lớp. Vệ Bắc đủng đỉnh tiến lại gần, toan mở cánh cửa cuối lớp để ra về. Lúc đi ngang qua, cậu nhóc còn tiện tay còn giật đuôi sam của cô. Mở thử cửa này xem nào. Hả? Khoá nốt rồi à?
Lần này thì Vệ Bắc ngây ra.
Quái, đang yên đang lành, sao tự dưng cửa lại khoá? Cậu hỏi Diệp Sơ: “Cô giáo Lý có đưa chìa khoá cho cậu không?”.
Diệp Sơ không thèm đáp, chỉ chăm chú vuốt lại đuôi sam vừa bị cậu giật.
Vệ Bắc bực bội, bèn giật nốt đuôi sam bên kia của Diệp Sơ. Kiểu tóc tết hai bên mẹ Diệp Sơ làm điệu cho con gái bị Vệ Bắc kéo cho rối bù. Thằng oắt cá biệt ấy đắc ý vô cùng khi thấy con Diệp Tử Sơ vạn-năm-không-biết-khóc-là-gì cuối cùng cũng cau mày. Niềm vui chiến thắng bỗng chốc trào dâng khiến Vệ Bắc cứ thế túm chặt đuôi sam của Diệp Sơ, nói thế nào cũng không chịu buông.
Diệp Thừa Cân, lần này thì chẳng có con chó nào đến giúp cậu được nữa nhé!
Tâm trí xấu xa của cậu đang âm thầm nghĩ như vậy đấy. Nhưng chưa đắc ý được bao lâu, cánh tay bỗng nhói đau. Vệ Bắc trố mắt ra nhìn. Chẳng thấy chó xồ ra, chỉ thấy Diệp Sơ “tợp” cho cậu một phát ngập cả răng!
Ngày hè ấy, Diệp Sơ mài răng ngoạm thẳng xuống cánh tay Vệ Bắc, khiến cậu chàng gào lên oai oái: “Diệp Thừa Cân kia, cậu nhả ngay ra cho tôi!”.
“Cậu tuổi Tuất hả, cái đồ béo ú này!”
…
Mắng hả, đã thế thì cô không những không nhả mà còn nghiến chặt hơn! Cuối cùng thằng con hư nhà họ Vệ đau đến hết chịu nổi: “Lớp trưởng, có gì chúng mình từ từ thương lượng…”.
Thấy Vệ Bắc xin tha, Diệp Sơ mới nhả ra. Vừa mới nới miệng ra một cái, Vệ Bắc đã giật ngay tay lại, cánh tay kia nhanh như chớp túm lấy đuôi sam cô bé: “Diệp Thừa Cân, cậu dám cắn tôi hả!”.
Đúng vào lúc hai bên giao chiến bất phân thắng bại ấy, bác bảo vệ bất ngờ gan dạ trở lại, gọi ngay thầy giáo trực ban đến lớp này kiểm tra tình hình. Vừa mở cửa, bác và thầy giáo đã thấy hai đứa bé kẻ giật tóc, kẻ cắn tay, hung hăng quyết liệt. Nhìn thôi đã đủ choáng váng rồi!
Sau đó, chuyện này được thầy giáo trực ban báo lại với giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, cô giáo Lý giận tới mức suýt ngất.
Cái cậu nhóc ngỗ nghịch kia, có hư thì hư một mình thôi, giờ lại lôi cả bạn lớp trưởng ngoan ngoãn xuống bùn. Nếu cứ thế này thì lớp học còn ra thể thống gì nữa. Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, cô giáo Lý quyết định xử phạt hai đương sự gây ra vụ việc. Hai đứa phải viết bản kiểm điểm và dọn nhà vệ sinh một tháng liền, cách chức lớp phó lao động của Vệ Bắc, để bạn Triệu Anh Tuấn thay thế đảm nhiệm.
Thế là tháng cuối cùng trong năm học lớp một của Diệp Sơ đã khép lại bằng một dấu chấm quét-dọn-nhà-vệ-sinh chẳng lấy gì làm tốt đẹp.