Con người ở nơi nào? Đương nhiên là ở trong nhà rồi!
Nhưng ngôi nhà có thể cho chúng ta an trú mãi mãi không? Trong thế giới động vật, dù là một chú chim bé nhỏ thì sau khi trưởng thành, chúng cũng đều rời tổ để bay cao, bay xa đến những phương trời mới, chứ không ở mãi trong cái tổ của nó. Chú chó nhỏ sau khi lớn khôn cũng thích chạy nhảy đó đây chứ không thích nằm mãi ở trong nhà. Chữ “nhà” (家) trong tiếng Trung Quốc gồm có bộ “miên” (宀: mái nhà), và bộ “thỉ” (豕: con heo) bên dưới, ngày nào cũng lười biếng nằm lỳ trong nhà thì có khác gì con heo đâu?
“Nhà” không phải là nơi để ta cư trú an lạc mãi mãi, vậy chúng ta sẽ cư trú nơi nào? Cư trú trong tiền bạc ư? Vậy nếu bị lừa tiền, lỗ vốn, công ty phá sản, cổ phiếu trượt giá, thì bạn cư trú ở nơi nào?
Cư trú trong tình yêu? Quả thật tình yêu là thứ mà con người theo đuổi, thế nhưng, thế sự vô thường, rồi tình yêu cũng sẽ thay đổi. Khi vợ chồng ly hôn, người mình yêu trở thành kẻ thù của mình thì bạn sẽ cư trú ở nơi đâu?
Cư trú trong danh vị? Nhưng “cây to lắm gió”, danh cao thì bị người ganh ghét. Bạn thử ngẫm mà xem, sau mỗi lần bầu cử, sẽ có bao nhiêu người hân hoan nhậm chức, có bao nhiêu người ngậm ngùi rời khỏi chức vụ của mình? Vậy sau khi mất chức thì bạn sẽ cư trú ở nơi nào?
Hay cư trú trong sự nghiệp? Vì sự nghiệp mà mỗi ngày chúng ta đều bận tối mày tối mặt, bận đến mức không có thời gian quan tâm đến cha mẹ, vợ con, không có thời gian để về nhà ăn bữa cơm tối cùng gia đình, không những quên rằng mình có một gia đình, mà thậm chí còn quên luôn cả sức khỏe của chính bản thân. Vì thế, trong Kim cương kinh có nói: “Không lấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm nơi cư trú của thân và tâm”.
Vậy nói cho cùng thì con người nên sống ở đâu? “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”1.
1 Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm: Đừng trụ vào đâu cả để mà sinh cái tâm.
Bạn nhìn mặt trời ở trên không trung đi. Bạn cho rằng nó không có điểm tựa, nhưng thật ra nó hoàn toàn không hề bị chông chênh. Vô trụ2 chính là điểm an trú của nó! Cũng như người xuất gia vậy, trông có vẻ họ không nhà cửa, nhưng thật ra nơi nào cũng là nhà của họ, điều đó thật là tự do, tự tại biết bao nhiêu!
2 Vô trụ: Không trụ ở một chỗ nào cả.
Trong cuộc sống của chúng ta, công danh, phú quý, tiền bạc, vật chất không phải là không quan trọng, nhưng chúng ta hãy sử dụng nó chứ đừng để nó “sử dụng” chúng ta. Người xưa có câu: “Đi dưới tán hoa, trên người không vương lá”. Đào Uyên Minh không vì năm đấu gạo bổng lộc triều đình mà chịu khom lưng; Hoàng đế Thuận Trị cảm thán: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, không bằng thầy tu nửa buổi nhàn” cho thấy ông khát khao cuộc sống tự tại, giải thoát biết bao!
“Ta an lạc trong đạo pháp chứ không an lạc trong niềm vui của thế tục”, đây là phương pháp tối ưu để thân tâm an trú, cuộc đời thăng hoa, an nhiên tự tại, vô ưu vô phiền. Chỉ có “an trú tại thân tâm”, ta mới có thể có cuộc sống viên mãn, vui vẻ. Vậy nên con người đừng sống trong ngũ dục1, lục trần2, mà hãy sống thanh nhàn, tự tại, đừng bao giờ bị nô lệ bởi tiền bạc. Nếu thân tâm an trú trong an lạc, ta sẽ có thể tự thích ứng, tùy duyên phóng khoáng, sống cuộc sống an nhiên tự tại!
1 Ngũ dục: Năm ham muốn, năm dục lạc, bao gồm: tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ.
2 Lục trần: Sáu cảnh bên ngoài, bụi bặm làm ô nhiễm thân tâm của ta, gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.