Hùng anh dòng dõi Lạc Hồng
Ngô Quyền đại thắng trên sông Bạch Đằng
Dân ta hơn chín trăm năm
Dưới thời Bắc thuộc lầm than khôn cùng
Hán Vương khét tiếng gian hùng
Sai con vượt biển thẳng đường sang ta
Là Lưu Hoàng Tháo từ xa
Mấy ngàn thuyền chiến đều ra chiến trường
Cho quân áp sát biên cương
Ngờ đâu gặp phải Đức Vương Ngô Quyền
Đi từ châu Ái đi lên
Trị tên Công Tiễn theo quân giặc ngoài
Nội ứng Nam Hán lâu rồi
Quân ta kế hoạch kịp thời phản công
Toàn dân trên dưới một lòng
Quyết tâm bảo vệ non sông cõi bờ
Trận tiền bày sẵn thế cờ
Gỗ đem vót nhọn đợi chờ lập công
Đóng thành bãi cọc trên sông
Bạch Đằng thủy chiến oai phong dưới trời
Ra quân thủy, bộ khắp nơi
Thủy triều lên xuống xa khơi giữa dòng
Đoàn quân cọc ẩn dưới sông
Quân ta lừa giặc vào tròng, kế hay
Giả vờ thua chạy như bay
Giặc quân cứ tưởng thắng ngay trận tiền
Thủy triều xuống, cọc nhô lên
Giết quân xâm lược giữa miền tràng giang
Giặc thuyền tan vỡ ngổn ngang
Tướng, quân tử trận vô vàn trên sông
Quân ta đồng loạt tấn công
Giặc thua tan tác chẳng mong ngày về
Quân ta thắng trận tứ bề
Một ngày tan giặc, quân về quang vinh
Tiệc bày thưởng tướng, khao binh
Ầm ầm trống trận, rập rình nhạc quân
Tin vui lan khắp xa gần
Mừng ngày thắng trận toàn dân vui vầy
Chín trăm năm lẻ đến nay
Thời kỳ Bắc thuộc từ đây không còn
Bạch Đằng vang dội chiến công
Rạng ngời trang sử non sông anh hùng.
Chú thích:
1. Có ba chiến thắng trên sông Bạch Đằng đều dùng trận địa cọc gỗ vót nhọn và lợi dụng thủy triều lên xuống. Chiến thắng Bạch Đằng đầu tiên là vua Ngô Quyền đánh quân Nam Hán vào năm 938. “Trận địa cọc” là một sáng tạo rất sớm trong nghệ thuật quân sự Việt Nam mà người khởi xướng là Ngô Quyền. Chiến thắng thứ 2 là vua Lê Đại Hành đánh quân Tống vào năm 981, và chiến thắng thứ 3 là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên vào năm 1288.