Chiến lược mà chúng tôi lựa chọn không theo nguyên tắc về đa dạng hóa mà chúng tôi đang theo đuổi.
- Warren Buffett, 1993
Có lẽ hơn 99% nhà đầu tư cần phải đa dạng hóa danh mục đầu tư sâu rộng hơn nữa.
- Warren Buffett, 1998
Đây là hai trong số những phát biểu có vẻ rất mâu thuẫn với nhau. Vậy thực sự quan điểm của Warren Buffett là gì đối với "đa dạng hóa"? Ông ủng hộ hay chống lại phương thức đầu tư này? Ông có làm theo lời khuyên của mình đối với người khác hay không, hay là câu trả lời của ông quá phức tạp chứ không đơn giản chỉ là một lời khẳng định hoặc phủ định?
Chắc chắn tất cả các nhà đầu tư đều được khuyên bảo vào một lúc nào đó rằng: "Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ!"(4) Đa dạng hóa là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại. Nó được dạy cho sinh viên tài chính ở hầu hết các trường đại học trên khắp thế giới. Nó luôn được nhồi vào đầu họ trong tất cả các khóa học tài chính mà họ tham gia, từ tài chính doanh nghiệp cho đến lý thuyết quản lý danh mục đầu tư. Các chuyên viên đầu tư cũng cổ xúy cho khái niệm này. Các nhà tư vấn đầu tư cũng xem việc đề xuất chiến lược tập trung cho danh mục đầu tư của khách hàng là sự tư vấn thiếu trách nhiệm.
Các sinh viên tài chính và chuyên viên đầu tư không chỉ được dạy cần phải đa dạng hóa bên trong các lớp tài sản, mà họ còn được dạy phải đa dạng hóa trên nhiều lớp tài sản. Sự đa dạng hóa trên nhiều lớp tài sản thường được gọi là phân bổ tài sản(5). Có nhiều loại lớp tài sản khác nhau. Chúng gồm có cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tiền mặt và một số thứ khác nữa. Ý tưởng ở đây là nhà đầu tư nên mua không chỉ nhiều mã cổ phiếu khác nhau, mà họ còn nên mua trái phiếu, bất động sản và các loại tài sản khác. Ngoài ra, họ nên giữ một ít tiền mặt. Lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại cho rằng bạn càng đa dạng hóa càng tốt.
Tuy nhiên, đa dạng hóa là một quy tắc mà Warren Buffett hoàn toàn không thích. Trái lại, chiến lược đầu tư của ông chủ yếu là tập trung vào một vài cổ phiếu trong danh mục của mình – ít nhất điều này đã diễn ra trong phần lớn sự nghiệp lâu dài của ông. Nhưng trong thời gian gần đây, Berkshire Hathaway, công ty mà Buffett và đối tác Charlie Munger đã điều hành nhiều thập kỷ qua, bắt đầu đa dạng hóa nhiều hơn trước. Điều này có khơi dậy một khía cạnh mới trong phong cách đầu tư của Buffett không? Hơn 10 năm trước, ông vẫn chế nhạo các chuyên gia đầu tư và bất cứ ai khuyến nghị đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách rộng rãi. Chẳng hạn, ông nói về đa dạng hóa trong lá thư gởi cổ đông năm 1993 như sau:
Chiến lược mà chúng tôi áp dụng không đi theo lý thuyết đa dạng hóa tiêu chuẩn được trình bày dưới đây. Do đó, nhiều chuyên gia sẽ nói rằng chiến lược này chắc chắn sẽ rủi ro hơn chiến lược được nhiều nhà đầu tư truyền thống áp dụng. Chúng tôi không tán thành. Chúng tôi tin rằng chính sách tập trung hóa danh mục đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro rất tốt nếu nó gia tăng cả mức độ tư duy của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp đang xét lẫn mức độ thoải mái mà họ cảm thấy từ những đặc điểm kinh tế của nó trước khi tiến hành mua. Cùng với phát biểu trên, chúng tôi định nghĩa rủi ro là "khả năng mất mát hoặc bị thương tích".
Có lẽ, để đảm bảo tuyệt đối không có sự mơ hồ trong quan điểm của họ, Charlie Munger đã phát biểu rõ thêm một chút. Năm 1996, Barron’s đã trích lời ông nói rằng lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại là "một dạng hội chứng mất trí mà tôi không thể phân loại được". Bất kể những thành công vang dội mà họ đã đạt được, và nếu Buffett và Munger không từng là giáo sư tài chính, có lẽ sự nghiệp của họ đã chấm dứt từ lâu.
Dù trước đây Buffett cũng đưa ra những bình luận tốt đẹp về việc tập trung hóa các khoản mục đầu tư của mình, chúng ta không nên kết luận rằng Buffett hoàn toàn không đoái hoài gì đến các nguyên tắc đa dạng hóa và phân bổ tài sản. Có nhiều bằng chứng cho thấy ông vẫn ủng hộ việc đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, ông cho rằng lý thuyết tài chính đã đi quá xa đối với khái niệm này.
Berkshire hiện đang sở hữu hơn 70 công ty con và có những khoản đầu tư cổ phiếu lớn trong hàng tá công ty đại chúng đang được giao dịch trên sàn chứng khoán. Nó nắm giữ một lượng tiền và các loại chứng khoán mang lại thu nhập cố định có giá trị hơn 70 tỷ USD, bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu bang, trái phiếu doanh nghiệp và các loại chứng khoán có thế chấp bằng bất động sản khác. Điều này dường như tạo nên một danh mục đầu tư khá đa dạng. Tuy nhiên, trong thực tế, ngay cả một danh mục đầu tư đa dạng như thế cũng còn tập trung hóa nhiều hơn mức lý thuyết tài chính khuyến nghị. Chỉ mới vài năm trước đây, danh mục đầu tư của Berkshire mang tính tập trung hóa cao hơn nhiều so với hiện nay.
TĂNG THU NHẬP, GIẢM RỦI RO
Dù Buffett có suy nghĩ ra sao về đa dạng hóa đi nữa thì lý do mà các chuyên viên tài chính ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này chính là ở chỗ đa dạng hóa giúp giảm thiểu rủi ro trong đầu tư. Thực ra, danh mục đầu tư càng đa dạng thì khả năng giảm rủi ro càng lớn. Nhờ đa dạng hóa danh mục đầu tư, bạn có thể giảm thiểu tác động mà một loại cổ phiếu nào đó có thể gây ra nếu nó bất ngờ sụt giá.
Tất nhiên còn có nhiều cách khác để giảm thiểu rủi ro. Nhưng giảm rủi ro không phải là mục đích duy nhất của đa dạng hóa. Mục tiêu thực sự là tạo ra càng nhiều thu nhập càng tốt với rủi ro thấp nhất có thể.
Đây không phải là một ý tưởng phù phiếm tùy hứng được tạo ra trong tháp ngà. Đằng sau khái niệm này là một suy luận logic toán học vững chắc và nhiều lý lẽ xác thực. Suy luận toán học này liên quan đến một phương pháp thống kê được gọi là hiệp phương sai (covariance) – phương pháp này cho biết hai biến số, ví dụ như thu nhập từ hai loại cổ phiếu, thay đổi thì có quan hệ với nhau ra sao. Hệ số tương quan (correlation coefficient) sẽ tiêu chuẩn hóa hiệp phương sai để nó luôn nằm trong khoảng giữa +1 và -1. Điều này giúp diễn giải nó một cách dễ dàng hơn.
Đến đây, bạn có thể lắc đầu nghĩ rằng: "Mình cần phải học thêm một lớp về toán cao cấp chỉ để đọc hiểu một quyển sách về Warren Buffett hay sao?". Bạn hãy thở phào nhẹ nhõm vì câu trả lời là: không cần thiết. Nhưng nếu hiểu được những khái niệm này thì bạn sẽ dễ dàng nắm bắt phương pháp tiếp cận của Buffett đối với hoạt động đầu tư một cách đơn giản, dễ hiểu.
Nếu hệ số tương quan giữa hai cổ phiếu bằng +1 thì hai cổ phiếu này được gọi là có sự tương quan thuận tuyệt đối. Ví dụ, một cổ phiếu tăng giá trị 10% thì cổ phiếu kia tăng giá trị 5%. Nếu cổ phiếu đầu giảm 10% thì cổ phiếu sau cũng giảm 5%. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi nắm giữ cả hai loại cổ phiếu này trong một danh mục đầu tư bởi vì chúng luôn chuyển động cùng chiều và có tỷ lệ chính xác so với cổ phiếu kia.
Ngược lại, nếu hệ số tương quan là -1 thì hai cổ phiếu được gọi là có sự tương quan nghịch tuyệt đối. Nếu một cổ phiếu tăng 10% giá trị thì cổ phiếu kia có thể giảm 8%. Nếu cổ phiếu đầu giảm 10% thì cổ phiếu sau tăng 8%. Nếu cùng được nắm giữ trong một danh mục đầu tư, chúng sẽ tạo ra một hàng rào hoàn hảo bởi vì chúng luôn chuyển động ngược chiều nhau theo tỷ lệ chính xác với cổ phiếu kia.
Còn nếu hệ số tương quan bằng 0, thì hai cổ phiếu này hoàn toàn không có liên quan gì với nhau. Điều này có nghĩa là biết được hoạt động của cổ phiếu này cũng không rút ra được gợi ý gì về hoạt động của cổ phiếu kia.
Dĩ nhiên, hệ số tương quan có thể có bất kỳ giá trị nào trong khoảng từ -1 đến +1. Vận dụng một số phương pháp toán khá phức tạp, bất cứ giáo sư tài chính nào cũng có thể chứng minh rằng miễn là hệ số tương quan giữa hai cổ phiếu nhỏ hơn +1 thì việc sở hữu cả hai cổ phiếu sẽ luôn có ích. Hơn nữa, hệ số tương quan càng nhỏ, lợi ích thu được càng lớn. Việc giải thích tại sao điều này xảy ra lại mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, nền tảng cơ bản của nó được giải thích như sau: thu nhập kỳ vọng của một danh mục đầu tư là mức trung bình có trọng số của những khoản thu nhập kỳ vọng của mỗi cổ phiếu trong danh mục, nhưng rủi ro của danh mục không phải là mức trung bình có trọng số của rủi ro của từng cổ phiếu. Xét về mặt toán học, đây chính là tất cả ý nghĩa của sự đa dạng hóa.
Đúng như bạn nghi ngờ, Buffett chẳng dành nhiều thời gian để tính toán các hệ số tương quan. Ông không cần làm vậy; bạn cũng không cần nếu bạn biết áp dụng những suy luận hợp lý. Vì trong thực tế, hệ số tương quan luôn nhỏ hơn +1, nên suy luận hợp lý là tất cả những gì bạn cần quan tâm. Bạn cũng phải công nhận rằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ luôn mang lại lợi ích cho bạn. Những lợi ích này cụ thể là gì? Nó có thể được tóm tắt bằng nhận định sau đây:
Một danh mục đầu tư được đa dạng hóa phù hợp sẽ mang lại mức thu nhập kỳ vọng cao nhất trước bất cứ mức độ rủi ro nào, hoặc mức độ rủi ro thấp nhất dành cho bất cứ mức thu nhập kỳ vọng nào.
Chắc chắn một số nhà đầu tư sẽ cho rằng các giáo sư tài chính, những người nghĩ ra khái niệm này, sống trong một thế giới lý thuyết nào đó ít có sự tương đồng với thực tế. Phải công nhận rằng, khi các vị giáo sư thuyết giảng thì mọi người thường cảm thấy buồn ngủ. Nhưng khi Warren Buffett nói thì tất cả họ chăm chú lắng nghe. Đó là vì các giáo sư dựa vào những lý luận toán học, chứa đầy những công thức phức tạp, để đi đến nhận định của mình. Còn Buffett lại nổi tiếng với việc đưa ra nhận định bằng những suy luận hợp lý thông thường. Các giáo sư thích sự phức tạp; còn Buffett thích sự đơn giản hơn.
Mặc dù nhận định nêu trên nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng thực ra nó ẩn chứa một số khái niệm phức tạp bên trong. Trước hết là từ "phù hợp". Nó ám chỉ rằng không phải tất cả các danh mục đầu tư đa dạng hóa đều được đa dạng hóa một cách phù hợp. Thật ra, trên lý thuyết, danh mục được đa dạng hóa phù hợp là một danh mục bao gồm tất cả các mã cổ phiếu. Vâng, đúng vậy, tất cả các mã cổ phiếu! (Nói chính xác hơn, thực sự nó bao gồm tất cả các lớp tài sản, nhưng do quyển sách này viết về Warren Buffett, một con người luôn ưu tiên cho sự đơn giản, nên chúng tôi sẽ hạn chế việc thảo luận những điều khác ngoài cổ phiếu).
Hơn nữa, sự khác biệt duy nhất giữa một danh mục được đa dạng hóa phù hợp này và một danh mục khác được đa dạng hóa phù hợp khác chính là tỷ lệ của quỹ đầu tư vào từng cổ phiếu. Hai danh mục đầu tư có thể có những cổ phiếu giống nhau, nhưng chúng không đồng nhất trừ phi mỗi cổ phiếu được đầu tư với những khoản tiền có tỷ lệ giống nhau.
Nhận định này cũng nêu ra khái niệm thu nhập "kỳ vọng", tức không phải các khoản thu nhập thực tế. Điều này là do không ai biết được chắc chắn trước rằng mức thu nhập thực tế của một cổ phiếu hay một danh mục cổ phiếu sẽ là bao nhiêu. Do đó, thu nhập kỳ vọng phải được ước tính. Sự ước tính này phần nào dựa trên mức độ rủi ro liên quan là bao nhiêu. Điều này mang lại cho chúng ta một quy tắc căn bản khác của lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại: rủi ro càng lớn, thu nhập kỳ vọng càng cao. Một danh mục được đa dạng hóa phù hợp có mức độ rủi ro cao hơn một danh mục được đa dạng hóa phù hợp khác, thì nó cũng được kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập lớn hơn.
Thực ra, "rủi ro" là một biến số quan trọng khác trong việc thảo luận về đa dạng hóa (và trong nhận định nêu trên). Ở đầu chương này, chúng ta đã biết Buffett định nghĩa rủi ro là khả năng bị mất tiền. Nhưng cũng có những cách định nghĩa rủi ro khác. Các nhà nghiên cứu tài chính thường tập trung vào tính không ổn định. Thực sự thì lý thuyết tài chính hóa ra cũng bàn về một loại rủi ro rất đặc biệt còn là rủi ro tổng quát, được tính toán bằng một biến số toán học khác gọi là độ sai biệt (variance), hoặc căn bậc hai của nó, độ lệch chuẩn (standard deviation). Một lần nữa, xin lưu ý rằng bạn không nên sợ hãi vì những khái niệm toán học này. Bạn không cần phải có bằng đại học toán học mới hiểu được quyển sách này. Tuy nhiên, nếu hiểu được chúng rõ ràng, bạn sẽ càng biết ơn vì phương pháp tiếp cận bằng suy luận hợp lý thông thường trong đầu tư của Buffett.
Điều thú vị là lý thuyết tài chính xem một cổ phiếu có tính rủi ro nếu nó thể hiện một khuynh hướng đi lên hoặc đi xuống với khoảng cách lớn. Buffett cho rằng điều này thật ngớ ngẩn. Xét cho cùng thì tại sao một cổ phiếu tăng giá lại được xem là rủi ro? Buffett chỉ lo lắng về rủi ro rằng cổ phiếu sẽ rớt giá. Lý thuyết đầu tư thường tập trung vào rủi ro toàn phần, nhưng Buffett chỉ lo lắng về rủi ro sụt giảm giá.
BUFFETT DỰA VÀO SUY LÝ THÔNG THƯỜNG
Lý thuyết tài chính cho rằng đa dạng hóa là tốt vì nó giảm đi mức độ rủi ro toàn phần. Hơn nữa, lý thuyết này cho rằng hệ số tương quan càng nhỏ thì rủi ro càng được giảm thiểu. Buffett biết rằng lý thuyết này còn nhiều hạn chế. Một hạn chế lớn là các hệ số tương quan không phải là một con số tĩnh. Chúng luôn thay đổi theo thời gian. Đôi khi, chúng thay đổi một cách rất nhanh chóng.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng đa dạng hóa có thể bảo vệ danh mục đầu tư của họ rất chặt chẽ. Một số cổ phiếu có thể xuống giá, nhưng những cổ phiếu khác sẽ tăng giá. Kết quả là toàn bộ danh mục đầu tư được bảo vệ. Một số nhà đầu tư thậm chí còn nghĩ rằng một danh mục được đa dạng hóa phù hợp sẽ bảo vệ họ khỏi những cơn bán tháo của thị trường. Không may là sự việc không phải lúc nào cũng diễn biến giống như thế. Các nhà đầu tư thường hoảng loạn khi thị trường bán tháo. Họ bắt đầu bán mà không cần phân biệt gì nữa. Những cổ phiếu trước đây được xem là không có tương quan với một cổ phiếu khác bất ngờ xuống giá. Ngay cả những danh mục bao gồm chứng khoán nước ngoài cũng gánh chịu thiệt hại trong cơn bán tháo hoảng loạn. Mỉa mai thay, sự đa dạng hóa thường mang lại khả năng bảo vệ ít nhất vào lúc sự bảo vệ đó được cần đến nhất.
May mắn là những vụ bán tháo hoảng loạn cũng hiếm khi xảy ra. Ngoại trừ những sự kiện khác thường như vậy, đa dạng hóa tỏ ra thực sự có thể giảm mức độ rủi ro của một danh mục đầu tư. Đa dạng hóa trên thực tế có tác dụng rất tốt trong hầu hết các điều kiện thị trường khi hệ số tương quan nằm ở mức tương đối ổn định, nó không bao giờ là một hằng số hoàn hảo. Đây là lý do tại sao một số nhà đầu tư phức tạp săn lùng những cổ phiếu không có mối tương quan nào cả. Thực tế là, nhiều quỹ đầu tư rủi ro chuyên tìm kiếm những tài sản không tương quan, và sau đó đầu tư dài hạn hoặc ngắn hạn vào chúng. (Một khoản đầu tư ngắn hạn bao gồm cả việc mượn và bán cổ phiếu mà bạn không sở hữu với ý định mua lại cổ phiếu ấy khi nó giảm giá sau này. Trong đầu tư ngắn hạn, giá trị của khoản đầu tư tăng lên khi giá cổ phiếu rớt xuống. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì hầu hết các nhà đầu tư mong muốn).
Tuy nhiên, đại đa số các nhà đầu tư không phải lúc nào cũng lao vào tính toán hệ số tương quan trước khi quyết định tăng thêm một vài mã cổ phiếu nào đó vào danh mục đầu tư của họ. Buffett cũng thế. Các chuyên gia phân tích định lượng có thể làm điều này rất thường xuyên, nhưng rất ít, nếu không muốn nói là không có nhà đầu tư bình thường nào lại đi tính hệ số tương quan trước khi ra quyết định đầu tư. Họ không cần phải tính làm gì cả!
Sau đây là một ví dụ đơn giản cho thấy lý do tại sao trong hầu hết các trường hợp, sự suy lý thông thường – một trong những khái niệm được Warren Buffett ưa thích – cũng có tác dụng tương tự. Giả sử bạn thích General Motors (GM) và quyết định mua một số cổ phiếu của họ. Nếu GM là cổ phiếu duy nhất mà bạn sở hữu thì rõ ràng bạn đang có một danh mục đầu tư hết sức rủi ro. Một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến tất cả các cổ phiếu. Tuy nhiên, một số rủi ro chỉ tác động đến GM. Nếu nền kinh tế bắt đầu rơi vào suy thoái, xác suất lớn là toàn bộ thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu GM không ký được một hợp đồng thuận lợi với công đoàn của mình thì đây là một rủi ro chỉ dành cho GM. Những rắc rối với công đoàn công ty khó có thể ảnh hưởng đến giá trị của nhiều cổ phiếu khác.
May mắn là bạn có thể giảm nhẹ khả năng chịu ảnh hưởng bởi một số rủi ro của riêng GM bằng cách mua thêm một loại cổ phiếu khác vào danh mục đầu tư của mình. Rõ ràng, mua cổ phiếu của công ty Ford Motor không có nhiều ý nghĩa lắm. Xét cho cùng thì
Ford và GM đều hoạt động trong một ngành và cùng chịu tác động của một số rủi ro giống nhau. Thực ra, Ford cũng phải thương lượng với công đoàn tương tự như GM mà thôi. Nếu bạn thực sự muốn giảm mức độ rủi ro cho danh mục của mình, tốt hơn hết hãy mua thêm cổ phiếu từ một công ty trong một ngành không có tương quan với GM. Một ứng cử viên tốt có thể là cổ phiếu sáng giá (blue-chip stock, còn được gọi là cổ phiếu dẫn dắt) trong lĩnh vực công nghệ như Microsoft.
Chắc chắn các chuyên viên trong ngành sẽ tán đồng, nhưng không phải họ dựa vào suy luận hợp lý thông thường. Họ sẽ nói rằng GM và Microsoft sẽ tạo ra một danh mục tốt hơn so với GM và Ford bởi vì hệ số tương quan giữa GM và Microsoft thấp hơn hệ số tương quan giữa GM và Ford. Thực ra, khi bạn trả phí tư vấn, bất cứ giáo sư tài chính nào cũng sẵn lòng chứng minh điều này cho bạn bằng cách thực hiện phép phân tích hồi quy và sẽ thực sự tính ra con số cụ thể. Nhưng mức độ phức tạp này quả thật là không cần thiết. Thay vào đó, bạn có thể chỉ làm như Warren Buffett vẫn thường làm – sử dụng sự suy luận hợp lý thông thường.
Buffett không sở hữu GM hoặc Microsoft, nhưng trực giác cho ông biết rằng việc bổ sung cổ phiếu Microsoft vào danh mục có GM sẽ giảm rủi ro nhiều hơn so với việc bổ sung Ford vào danh mục đó. Xét kỹ hơn thì Microsoft và GM thuộc những ngành hoàn toàn khác nhau. Họ sẽ không bị tác động bởi nhiều yếu tố rủi ro giống nhau. Nếu giá vỏ xe tăng lên, nó sẽ tác động đến lợi nhuận của GM. Nhưng giá vỏ xe cao hơn không thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của Microsoft! Trái lại, Ford và GM có nhiều điểm chung. Vì thế, có nhiều khả năng một biến cố tác động đến công ty này cũng sẽ tác động đến công ty kia.
NHIỀU HƠN = TỐT HƠN, HAY NHIỀU HƠN ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ NHIỀU HƠN?
Giả sử bạn quyết định bổ sung một số cổ phiếu Microsoft vào danh mục đầu tư của mình. Bạn có thể giảm rủi ro hơn nữa bằng cách mua thêm cổ phiếu thứ ba không? Dĩ nhiên là bạn có thể. Lý tưởng nhất là bạn nên tìm kiếm một cổ phiếu không có sự tương quan nào với cả GM lẫn Microsoft. Có lẽ một công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng như Duke Energy là thích hợp nhất.
Việc giảm rủi ro phụ thuộc không chỉ vào mức độ tương quan với nhau giữa các cổ phiếu trong cùng một danh mục, mà còn dựa vào số lượng cổ phiếu trong danh mục đó. Bạn càng bổ sung thêm nhiều cổ phiếu vào danh mục đầu tư thì bạn càng giảm thiểu được rủi ro.
Cho đến nay, Buffett và những người thích áp dụng phương pháp thiên về toán học có rất nhiều điểm chung. Tuy nhiên, những khác biệt thường xuất hiện khi bạn đặt câu hỏi bao nhiêu cổ phiếu là đủ. Những người thực sự tin vào lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại – chúng ta tạm gọi họ là những người cực đoan – nói rằng không có giới hạn nào cả. Bạn cứ việc bổ sung thêm bất cứ cổ phiếu nào mà bạn thích. Càng nhiều càng vui. Bạn nên nhớ rằng, theo những người cực đoan, mỗi cổ phiếu phải thuộc về một danh mục được đa dạng hóa phù hợp. Thực ra, có thể họ sẽ khuyên nhà đầu tư nên tránh mua những cổ phiếu đơn lẻ. Thay vào đó, họ sẽ cố vấn cho nhà đầu tư chuyển tiền vào những quỹ đầu tư. Các quỹ đầu tư, có thể là một quỹ tương hỗ hoặc quỹ chứng khoán tổng hợp ETF(6), thường đầu tư vào một rổ cổ phiếu lớn được bao gồm trong một chỉ số thị trường đặc biệt. Ví dụ, quỹ đầu tư theo dõi chỉ số S&P 500 bao gồm tất cả 500 cổ phiếu.
Warren Buffett sẽ không chấp nhận lời khuyên kiểu này. Chắc chắn ông không sử dụng tiền của Berkshire để mua thật nhiều cổ phiếu. Ông xem ý tưởng này là sự lố lăng vì hai lý do rất đơn giản. Trước hết, ngay cả khi lý thuyết là đúng và tất cả các cổ phiếu đều thuộc về một danh mục đa dạng hóa, điều này cũng không thể thực hiện được trong thực tiễn. Thứ hai, thậm chí nếu một ai đó có thể xoay xở mua được cổ phiếu của tất cả các công ty mà họ có thể mua, thì họ cũng chỉ mua những cổ phiếu tốt và tránh các cổ phiếu xấu, tất nhiên giả sử rằng bạn có khả năng phân biệt được sự khác nhau giữa chúng.
Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn từng lập luận này. Dĩ nhiên, sẽ vô cùng khó khăn, nếu không nói là không thể, để các cá nhân mua cổ phiếu của tất cả các công ty đại chúng tồn tại trên thị trường. Nhưng ngày nay, bạn có thể đạt được gần như vậy bằng cách mua cổ phiếu của các quỹ đầu tư. Có vô số quỹ tương hỗ và quỹ ETF tồn tại trên thị trường để theo sát mọi chỉ số. Dường như mỗi ngày có một quỹ đầu tư mới xuất hiện trên thị trường. Nếu bạn mua số lượng và loại chứng khoán đủ lớn từ những quỹ đầu tư này, bạn có thể thực sự tiếp cận đại đa số các cổ phiếu trên thị trường mà không cần trực tiếp mua chính các cổ phiếu này. Ngày nay, các nhà đầu tư trên khắp thế giới hoàn toàn có thể tiếp cận hầu hết những cổ phiếu của Mỹ bằng cách này. Những người cực đoan rất ủng hộ chiến lược này.
Có lẽ bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng Buffett cũng nghĩ vậy – ít nhất dành cho những nhà đầu tư bình thường. Hóa ra là người chọn cổ phiếu vĩ đại nhất thế giới nghĩ rằng các nhà đầu tư bình thường không nên lựa chọn cổ phiếu. Thay vào đó, con người đã làm nên một gia tài khổng lồ bằng cách chỉ nắm giữ vài cổ phiếu chọn lọc lại nghĩ rằng các nhà đầu tư bình thường chỉ nên mua cổ phiếu của các quỹ đầu tư. Trong một buổi nói chuyện ở trường Đại học Florida năm 1998, Buffett nói rằng: "Có lẽ hơn 99% những người tham gia đầu tư nên đa dạng hóa một cách rộng rãi". Thậm chí trong thư gởi cổ đông năm 2003, ông viết: "Những quỹ đầu tư có giá mua rất thấp (như quỹ Vanguard’s) thường thân thiện với nhà đầu tư theo đúng bản chất của nó và là sự lựa chọn tốt nhất cho hầu hết những người muốn sở hữu chứng khoán".
Những nhận xét trên có lẽ tạo ra cú sốc cho tất cả những fan hâm mộ Buffett vì họ luôn được giáo huấn để tin rằng chiến lược đầu tư tốt nhất là chỉ mua cổ phiếu của một vài công ty tốt nhất mà thôi. Buffett và cánh tay phải của mình là Charlie Munger thậm chí còn sử dụng những từ ngữ chế nhạo sự đa dạng hóa và ca ngợi sự tập trung hóa trong danh mục. Hầu hết những quyển sách viết về Buffett đều nhấn mạnh đến sự xem thường của ông đối với vấn đề đa dạng hóa và sở thích tập trung hóa của ông. Vậy sự thật nằm ở đâu? Điều gì có thể giải thích sự đối lập rõ ràng này? Thông điệp thực sự của Buffett là gì?
Buffett muốn nói rằng đa dạng hóa không dành cho ông, nhưng nó hoàn toàn có lợi cho hầu như tất cả những người khác. Như bạn có thể thấy, Berkshire Hathaway hoàn toàn không sở hữu cổ phiếu của một quỹ đầu tư nào cả. Chắc chắn Buffett sẽ xem việc mang tiền của Berkshire đi mua cổ phiếu quỹ đầu tư là ngớ ngẩn. Rõ ràng ông tin rằng các nhà đầu tư bình thường nên làm theo những gì ông nói, chứ không phải những gì ông làm.
Cũng trong buổi nói chuyện ấy ở Đại học Florida, ông tiếp tục giải thích rằng đa dạng hóa là một ý tưởng tồi đối với những người thực sự hiểu được cách định giá doanh nghiệp. Ông nói với khán thính giả rằng nếu họ thực sự giỏi trong kỹ năng định giá doanh nghiệp, thì sở hữu cổ phiếu của khoảng sáu công ty là mức đa dạng hóa tối đa mà họ cần có.
Như bạn có thể tưởng tượng, tài sản cá nhân của Buffett hoàn toàn không được đa dạng hóa. Thực tế, phần lớn tài sản của ông được đầu tư vào cổ phiếu Berkshire Hathaway. Và trong nhiều năm qua, tài sản của Berkshire chưa hề được xem là được đa dạng hóa đúng mức. Nhưng Berkshire đang trải qua một quá trình chuyển biến. Ngày nay, danh mục đầu tư của Berkshire đã trở nên đa dạng hóa hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử của công ty.
Berkshire đã trở nên quá to lớn và có quá nhiều tiền dành cho đầu tư, nên họ không thể không đa dạng hóa. Sự tăng trưởng thần kỳ của Berkshire đã buộc Buffett phải tiến hành một thay đổi chiến lược mạnh mẽ. Những hạng mục đầu tư hiện nay của Berkshire rõ ràng đang phát đi những tín hiệu cho thấy có sự chuyển đổi trong chiến lược từ tập trung hóa sang đa dạng hóa. Tuy phương pháp tiếp cận này giúp Berkshire trở thành một công ty ít rủi ro hơn, nhưng nó cũng có thể làm giảm những khoản thu nhập trong tương lai. Thật ra, bản thân Buffett đã cảnh báo rằng Berkshire sẽ không thể tạo ra mức thu nhập trong tương lai như nó đã làm được trong quá khứ. Đơn giản chì vì Berkshire đã trở nên quá lớn để có thể làm được điều đó.
VẤN ĐỀ NẰM Ở BIÊN ĐỘ
Nếu Buffett không phản đối sự đa dạng hóa như uy tín trước giờ của ông buộc chúng ta tin như vậy, thì tại sao ông lại chờ quá lâu như thế để đa dạng hóa tài sản của Berkshire? Như chúng ta đã thấy, một câu trả lời có thể là lúc trước ông không cần phải làm vậy. Khi Berkshire còn là một công ty nhỏ, việc tập trung hóa các hạng mục đầu tư của nó rất dễ dàng. Giờ đây công ty đã trở nên quá lớn nên việc tập trung hóa trở nên khó khăn hơn.
Nhưng còn có nhiều khía cạnh khác của câu chuyện ngoài điểm này. Bạn hãy nhớ lại lý do tại sao các chuyên gia cho rằng đa dạng hóa là điều nên làm: vì đa dạng hóa giúp giảm rủi ro. Bạn càng đưa nhiều cổ phiếu vào một danh mục đầu tư thì rủi ro càng được giảm thiểu. Thực tế đó đã nêu lên một câu hỏi quan trọng: một nhà đầu tư cần thực sự sở hữu bao nhiêu loại cổ phiếu?
Từ lâu Buffett đã nhận ra rằng mức độ giảm thiểu rủi ro lớn nhất đạt được khi số lượng cổ phiếu trong một danh mục không lớn lắm. Nếu bạn chỉ sở hữu một loại cổ phiếu, bạn có thể giảm rủi ro rất lớn bằng cách chỉ cần bổ sung thêm một loại cổ phiếu khác vào danh mục của mình. Nhưng nếu đã sở hữu hàng chục cổ phiếu, thì việc mua thêm một loại cổ phiếu khác hầu như chẳng giảm mức độ rủi ro thêm chút nào. Suy đi xét lại, thậm chí bạn còn có thể nhận thấy mức độ giảm rủi ro biên tế (marginal reduction in risk) có thêm từ việc bổ sung một loại cổ phiếu khác vào danh mục đầu tư của bạn thường không đáng so với những rắc rối và chi phí phải bỏ ra để theo dõi thêm một công ty nữa. Ngay cả các nhà quản lý quỹ tương hỗ cũng nhận thấy chi phí sẽ tăng lên khi họ tăng thêm cổ phiếu vào danh mục quản lý của quỹ mình. Đây là một trong những khái niệm lý thuyết phức tạp khác mà Buffett chỉ hiểu được bằng trực giác của mình.
Do mức độ giảm rủi ro biên tế sẽ giảm đi khi bạn bổ sung cổ phiếu vào danh mục đầu tư. Bạn cũng có thể suy ngẫm một cách hợp lý khi nào là đủ. Dù chẳng có một con số kỳ diệu nào cả, nhưng xét kỹ thì rõ ràng việc bổ sung nhiều loại cổ phiếu vào danh mục chỉ mang lại ý nghĩa rất ít. Tuy nhiên, trong cộng đồng nghiên cứu vẫn còn nhiều sự bất đồng về số lượng bao nhiêu loại cổ phiếu là đủ. Những người cực đoan theo lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại cho rằng danh mục của một nhà đầu tư nên bao gồm tất cả các cổ phiếu. Họ muốn nhìn thấy càng nhiều càng tốt. Những người trung lập thì cảm thấy chẳng có vấn đề gì khi sống chung với một con số hữu hạn. Một số người thì cho rằng nên sở hữu 100 loại cổ phiếu, một số khác chỉ cần 50 loại. Thậm chí, một số người tin rằng chỉ cần khoảng 20 loại là đủ.
Warren Buffett nghĩ gì về điều này? Ở phần đầu chương, chúng ta đã biết rằng Buffett tin tưởng việc sở hữu khoảng 6 loại cổ phiếu là đủ cho những người biết rõ mình đang làm gì. May mắn là chúng ta có thể kiểm tra danh mục của Berkshire Hathaway để xem thử Buffett có làm những gì mà ông rao giảng hay không. Xét cho cùng thì Berkshire thực sự là một công ty mẹ. Nó rất giống với một quỹ tương hỗ hoặc một công ty đầu tư. Berkshire là một công ty sở hữu những công ty khác. Một số công ty được nó sở hữu toàn phần. Ở một số công ty khác, nó nắm giữ vốn với tỷ lệ rất lớn. Berkshire là một công ty thu mua công ty khác rất tích cực, vì thế số lượng các công ty mà nó sở hữu không ngừng tăng lên. Theo trang web của Berkshire và hồ sơ đăng ký tại Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ, chúng ta có thể đếm được Berkshire sở hữu khoảng 70 công ty con và có phần hùn đa số trong khoảng 40 công ty đại chúng khác. Bảng 1.1 và 1.2 liệt kê một số công ty nổi tiếng mà Berkshire nắm sở hữu(7).
Bảng 1.1: Một số công ty con nổi tiếng của Berkshire
Do các công ty con được sở hữu toàn phần nên rất khó xác định giá trị chính xác của chúng. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng xác định giá trị thị trường của tất cả những công ty đại chúng. Ví dụ, Berkshire sở hữu 200 triệu cổ phiếu Coca-Cola vào cuối năm 2006 có giá trị khoảng 9,7 tỷ USD. Ở thái cực kia, vị thế của Berkshire trong Pier 1 Imports (không được liệt kê trong bảng trên) chỉ có giá trị khoảng 8,8 triệu USD.
Bảng 1.2: Giá trị thị trường của mười mã cổ phiếu đại chúng hàng đầu của Berkshire
Xét tất cả những công ty con được Berkshire sở hữu toàn phần và những công ty đại chúng có phần hùn của Berkshire, liệu có công bằng không khi nói rằng Buffett giờ đây đã tin rằng việc sở hữu nhiều loại cổ phiếu cũng rất có ý nghĩa? Xét cho cùng thì danh mục đầu tư của Berkshire khá đa dạng. Dĩ nhiên, ngày nay nó đã được đa dạng hóa hơn so với một vài năm gần đây. Có lẽ, cuối cùng Buffett phải thừa nhận rằng việc đa dạng hóa rộng rãi không chỉ tốt cho các nhà đầu tư, mà nó cũng tốt cho cả Berkshire nữa.
Tuy nhiên, đó sẽ là một kết luận sai lầm, bởi theo những người cực đoan của lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại, danh mục của Berkshire vẫn còn mang tính tập trung rất lớn. Họ không chỉ nói
Berkshire không có đủ số mã cổ phiếu cần thiết, mà còn chỉ ra các hạng mục đầu tư của nó bị mất cân đối nghiêm trọng khi xét đến giá trị. Thật ra, phần lớn danh mục của Berkshire được đầu tư vào một số ít công ty, và một khoản tiền tương đối nhỏ được đầu tư vào tất cả những công ty khác. Ví dụ, kể từ tháng 12/2006, danh mục cổ phiếu mà Berkshire nắm giữ có tổng giá trị thị trường khoảng 61,5 tỷ USD. Nhưng hơn một nửa số đó, khoảng 33 tỷ USD, được đầu tư vào 4 công ty mà thôi: Coca-Cola, American Express, Wells Fargo và Procter & Gamble. Khoảng 28 tỷ USD còn lại được đầu tư vào ít nhất 36 công ty khác.
Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng danh mục cổ phiếu Berkshire nắm giữ ngày nay được đa dạng hóa hơn nhiều so với bất cứ thời điểm nào trong lịch sử của nó. Trở lại những ngày đầu của Berkshire, nó được đầu tư gần như toàn bộ vốn vào ngành dệt và bảo hiểm. Ngay cả gần đây như năm 1998, khi công ty đã trở thành một hiện tượng chấn động với giá trị vốn hóa thị trường lên đến 100 tỷ USD, các cổ phiếu được nắm giữ cũng ít được đa dạng hóa như mức độ hiện nay. Năm 1998, Berkshire có một số lượng các công ty con thuận lợi, nhưng nó đã tiết lộ vị thế nắm giữ vốn trong 8 công ty đại chúng: American Express, Coca-Cola, Gillette, M&T Bank Corp., PS Group Holdings, SunTrust Banks, the Washington Post Company và Wesco Financial Corp.
Ngay cả những người trung lập trong giới học thuật và các cộng đồng đầu tư chuyên nghiệp cũng tán đồng rằng 8 công ty là quá ít để được gọi đa dạng hóa phù hợp. Họ cũng chỉ ra một số công ty trong nhóm 8 công ty này hoạt động trong những ngành giống nhau, nghĩa là làm giảm thêm mức độ đa dạng hóa của Berkshire. Họ tranh luận rằng Buffett đang để các cổ đông tiếp xúc với nguy cơ quá cao. Tuy nhiên, cần lưu ý là giới học thuật thường tập trung vào rủi ro tổng quát. Còn Buffett tập trung vào rủi ro mất lợi thế. Giới học thuật sẽ đáp lại bằng cách nói rằng đa dạng hóa sẽ mang lại sự bảo vệ tốt cho những rủi ro mất lợi thế và sẽ ngăn ngừa phá sản. Tuy nhiên, họ lại quên rằng đa dạng hóa cũng ngăn bạn trở nên cực kỳ giàu có.
Nếu nhìn vào danh sách 400 người Mỹ giàu nhất do tạp chí Forbes bình chọn hàng năm, bạn cũng không tìm thấy nhiều người làm giàu bằng cách nắm giữ danh mục đầu tư được đa dạng hóa rộng rãi. Top-10 trong danh sách năm 2007 được liệt kê trong bảng 1.3 dưới đây.
Bảng 1.3: Những người giàu nhất nước Mỹ năm 2007 từ danh sách Forbes
Sheldon Adelson và Kirk Kerkorian có được phần lớn tài sản từ ngành trò chơi và giải trí. Larry Page và Sergey Brin là hai người đồng sáng lập của Google. Tiền của Michael Dell được tạo ra từ công ty máy tính mang tên mình. Anh em nhà Koch được thừa hưởng gia sản từ cha họ, người sáng lập ra Tập đoàn Koch Industries.
Cũng như đa số những người cực kỳ giàu có khác, tài sản của Buffett chủ yếu gắn liền với một công ty: Berkshire Hathaway. Nhưng Berkshire không hề giống hầu hết các công ty khác. Berkshire thực sự là một công ty đầu tư. Khi bạn mua một cổ phiếu phổ thông của Berkshire, bạn đang thực sự mua quyền lợi ở tất cả những công ty mà Berkshire sở hữu. Tuy phần đầu tư của Buffett vào Berkshire quả thực có thể được xem là có tính tập trung hơn những gì mà lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại đề cập, nhưng nó mang tính đa dạng hóa cao hơn các tài sản được đại đa số các tỷ phú Mỹ nắm giữ.
Nhưng sự đa dạng hóa không phải là điều giúp Buffett giàu có. Tài sản của ông là kết quả của việc tập trung hóa trong một số ít các công ty. Cuối năm 2006, giá trị vốn hóa thị trường của Berkshire ở mức 170 tỷ USD. Đối với một công ty đầu tư có quy mô lớn đến như vậy thì ngay cả một danh mục đầu tư gồm khoảng 100 mã cổ phiếu vẫn có thể xem là quá tập trung – đặc biệt khi phần lớn tiền được đầu tư vào một vài công ty hoặc cổ phiếu. Như chúng ta đã thấy, Berkshire có những khoản đầu tư khổng lồ vào một số ít các công ty, và những khoản đầu tư khá nhỏ trong các công ty còn lại. Nó đặc biệt tham gia sâu trong ngành bảo hiểm. Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm của Berkshire mang về khoảng 1/4 doanh thu và 1/2 lợi nhuận trong năm 2006. Có rất nhiều quỹ đầu tư tương hỗ với quy mô chỉ bằng một phần nhỏ bé của Berkshire nhưng nắm giữ đến hơn 100 loại cổ phiếu. Nhưng rất ít, nếu có, công ty nào có thể tự hào với mức thu nhập giống như Berkshire đã tạo ra trong một thời gian dài.
Hơn nữa, có thể lập luận rằng chiến lược tập trung hóa chọn lọc của Buffett thực sự cho phép ông kiểm soát rủi ro. Khi Buffett mua một loại cổ phiếu (thông qua Berkshire), ông không mua chỉ vài trăm cổ phiếu như hầu hết chúng ta vẫn làm. Ông thường tiến hành một khoản đầu tư đủ lớn để ngay lập tức xuất hiện bản tin của công ty. Những khoản đầu tư của ông lớn đủ để mang lại cho ông khả năng gây ảnh hưởng đến các quyết định quản trị. Ví dụ, Berkshire sở hữu hơn 15% trong tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Coca-Cola. Thực tế, Buffett đã ngồi trong Hội đồng Quản trị của Coca-Cola khoảng 17 năm. Giờ đây dù ông không còn là thành viên của hội đồng quản trị, nhưng bạn có thể tin rằng ban quản trị sẽ không phớt lờ những lời khuyên của ông, nếu ông cảm thấy cần phải lên tiếng. Bạn cũng có thể tin rằng Giám đốc điều hành Neville Isdell sẽ phải gọi lại cho Buffett càng sớm càng tốt sau khi ông ấy nhận được lời nhắn.
Tuy nhiên, nếu chiến lược tập trung hóa có tác dụng tốt cho Warren Buffett thì chưa chắc nó cũng sẽ tốt cho bạn. Ngay cả khi bạn có vài triệu đô-la để đầu tư và bạn quyết định đầu tư tất cả vào một công ty đại chúng đang được giao dịch công khai, nhiều cơ hội là khoản tiền đó vẫn không đủ để bạn được công ty chú ý. Buffett sẽ khuyên rằng bạn nên đa dạng hóa số cổ phiếu nắm giữ của mình. Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm theo đuổi chiến lược tập trung hóa, bạn có thể phải xem xét một lộ trình hoàn toàn khác biệt, chẳng hạn như dùng tiền để khởi nghiệp. Lý do là chiến lược tập trung hóa có thể giúp kiểm soát rủi ro chỉ khi nào bạn có quyền định hình kế hoạch kinh doanh của công ty và có sức ảnh hưởng đến các quyết định quản trị. Buffett tin rằng nếu bạn không đầu tư đủ tiền để có tiếng nói của mình trong cách công ty triển khai nguồn vốn, thì việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ hỗ trợ bạn nhiều hơn.
CHỈ MUA NHỮNG CỔ PHIẾU TỐT
Chúng ta hãy trở lại lập luận thứ hai mà chúng ta đã nêu ở phần trước. Đó là chống lại ý tưởng đa dạng hóa quá mức. Nếu một danh mục đầu tư được đa dạng hóa phù hợp bao gồm tất cả các mã cổ phiếu, thì chắc chắn nó sẽ bao gồm cả cổ phiếu tốt lẫn cổ phiếu xấu. Chẳng phải tốt hơn khi bạn chỉ mua và nắm giữ những cổ phiếu tốt hơn mà thôi? Rõ ràng câu trả lời là có. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ khả năng nhận diện đâu là cổ phiếu tốt. Trong khi những người mới tham gia thị trường nói với bạn rằng cổ phiếu tốt là những cổ phiếu tăng giá, thì điều khó thực hiện là phải tìm ra được những cổ phiếu tốt trước khi chúng tăng giá. Đây chính là nơi mà những kỹ năng phân tích siêu việt có đất dụng võ, và đó chính là lĩnh vực mà Buffett vượt trội hơn tất cả.
Không thể nào viết một quyển sách về Warren Buffett mà không nhắc đến Benjamin Graham. Graham là tác giả chính của quyển Phân tích Chứng khoán(8) (1934) và Nhà đầu tư thông minh(9) (1949). Ông là giáo sư của Buffett ở Đại học Columbia. Về sau, ông đã thuê Buffett vào làm việc tại công ty đầu tư của mình. Graham đã dạy cho Buffett những giá trị và khiếm khuyết của đa dạng hóa. Graham đã dạy Buffett phân tích kỹ thuật và lựa chọn cổ phiếu. Graham đã dạy Buffett ưu tiên cho những công ty lớn, bị định giá thấp hơn giá trị thực, hoạt động tài chính thận trọng, với lịch sử thanh toán cổ tức đều đặn.
Philip Fisher là một thiên tài về đầu tư khác có ảnh hưởng đến tư duy của Buffett. Fisher giảng dạy ở trường kinh doanh Stanford. Ông là tác giả quyển Cổ phiếu Phổ thông và Lợi nhuận Phi thường(10) (1958). Ông trở nên giàu có khi mua cổ phiếu của Motorola năm 1955 và nắm giữ chúng cho đến khi ông qua đời năm 2004. Fisher đã dạy cho Buffett tất cả những gì cần biết về một doanh nghiệp, bao gồm nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh và khách hàng. Fisher còn dạy Buffett duy trì danh mục đầu tư một cách tập trung và chỉ mua những doanh nghiệp mà ông hiểu rõ.
Nhờ những người dẫn dắt như Graham và Fisher, Buffett đã trở thành một người lựa chọn cổ phiếu xuất chúng. Nhưng những người cực đoan của lý thuyết quản lý danh mục đầu tư hiện đại cho rằng lựa chọn cổ phiếu chỉ là sự lãng phí thời gian. Để làm bằng chứng, họ đã chỉ ra vô số cuộc nghiên cứu đi đến kết luận rằng hầu hết các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp không thể duy trì sự xuất sắc hơn những chỉ số như S&P 500 trong một khoảng thời gian dài.
Họ cũng viện dẫn những nghiên cứu dẫn đến kết luận rằng việc phân bổ tài sản còn quan trọng hơn cả việc lựa chọn cổ phiếu. Như chúng ta đã biết ở phần đầu, phân bổ tài sản là quá trình quyết định một nhà đầu tư nên tiếp cận từng lớp tài sản khác nhau ở mức độ ra sao. Phân bổ tài sản sẽ hoạt động song song với đa dạng hóa. Phân bổ tài sản đơn giản là sự đa dạng hóa trên các lớp tài sản thay vì đa dạng hóa trong từng lớp tài sản.
Một mô hình phân bổ tài sản đơn giản có thể chỉ xem xét ba lớp tài sản: cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt. Những mô hình phức tạp hơn sẽ thêm vào những lớp tài sản khác như bất động sản, hàng hóa, tiền tệ, kim loại quý và những vật liệu thay thế. Còn có các lớp tài sản con để chọn tiếp. Ví dụ, bao nhiêu tiền dành cho cổ phiếu nên dùng để mua cổ phiếu nội địa? Bao nhiêu tiền nên dành cho cổ phiếu nước ngoài? Thị trường nước ngoài nào nên được bổ sung vào danh mục đầu tư? Bao nhiêu tiền sẽ được dành cho những công ty có giá trị vốn hóa lớn, nhỏ và trung bình? Còn trái phiếu thì sao? Bao nhiêu tiền nên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu địa phương và trái phiếu nước ngoài?
Bạn có thể thấy rằng việc phân bổ tài sản đòi hỏi phải ra những quyết định về tỷ lệ một danh mục thuộc từng lớp tài sản. Hơn nữa, tỷ lệ đúng cho nhà đầu tư này có thể không đúng cho nhà đầu tư khác. Một chuyên gia tư vấn đầu tư chuyên nghiệp cần phải xem xét những mục tiêu và ràng buộc của mỗi nhà đầu tư riêng biệt. Chúng có thể bao gồm những yếu tố như thuế hay khả năng có thể (hoặc không thể) chịu được rủi ro.
Ngoài ra, cần phải có những quyết định về việc tái cân bằng danh mục đầu tư. Ví dụ, giả sử bạn quyết định dành 60% danh mục để phân bổ cho cổ phiếu và 40% cho trái phiếu, nếu giá cổ phiếu gia tăng mạnh trong khi giá trái phiếu sụt giảm, bạn có thể nhận ra ngay rằng tỷ lệ này sẽ thay đổi thành 70% cổ phiếu và chỉ còn 30% trái phiếu. Bạn có nên tái lập cân bằng danh mục của mình để đạt được tỷ lệ 60%-40% ban đầu hay không? Nếu có thì bạn có nên tái lập sự cân bằng thường xuyên trong danh mục không? Hãy nhớ rằng nếu bạn tái lập cân bằng thường xuyên thì chi phí giao dịch sẽ tăng cao. Nếu bạn thỉnh thoảng mới tái lập cân bằng, thì sự phân bổ danh mục của bạn có thể lệch khỏi mục tiêu bạn đã đặt ra.
Đây là những câu hỏi mà các nhà tư vấn đầu tư thường đặt ra. Nhiều chuyên gia tin rằng khi nói đến việc xây dựng danh mục đầu tư, vấn đề phân bổ tài sản còn quan trọng hơn nhiều so với việc lựa chọn cổ phiếu. Một trong những nghiên cứu đầu tiên được trích dẫn rộng rãi nhất từng được Gary Brinson, Randolph Hood và Gilbert Beebower tiến hành(11). Họ đã tìm hiểu các quỹ lương hưu và kết luận rằng hơn 90% sự biến động trong thu nhập hàng quý theo thời gian được lý giải bằng việc phân bổ tài sản. Không đến 10% là do việc xác định thời điểm của thị trường hoặc lựa chọn cổ phiếu.
Dựa vào kết quả từ những nghiên cứu như thế này, ai cũng có thể kết luận rằng nếu nhà đầu tư thực sự muốn tự giúp mình, họ có thể làm tốt bằng cách suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc phân bổ bao nhiêu tiền để đầu tư vào từng lớp tài sản và ít lo lắng hơn về việc lựa chọn những cổ phiếu cụ thể để mua vào. Đa phần các nhà đầu tư thường dành rất ít thời gian cho việc phân bổ tài sản. Họ sẽ có lợi nhiều hơn bằng cách suy nghĩ kỹ hơn về tỷ lệ tiền phân bổ cho cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, tiền mặt và các lớp tài sản khác.
Jack Bogle, sáng lập viên của Vanguard, cũng đồng ý việc phân bổ tài sản có ý nghĩa quan trọng hơn việc lựa chọn cổ phiếu. Nhưng ông chỉ ra rằng việc phân bổ tài sản không phải là một hoạt động cực kỳ khó khăn hoặc tốn nhiều thời gian. Thực ra, các quyết định phân bổ tài sản khá đơn giản đối với những nhà đầu tư dài hạn như Warren Buffett, người không quan tâm đến sự biến động trong thời gian ngắn, chẳng hạn theo từng quý.
"Dài hạn" chính xác là gì? Một số nhà đầu tư nghĩ đến dài hạn là hai hoặc ba năm. Với những người khác, dài hạn có nghĩa là 5 hoặc 10 năm. Khi Buffett nói về dài hạn, ông thường ám chỉ đó là vài thập kỷ, chứ không phải vài năm. Nếu ông quyết định đầu tư hôm nay, ông thường không lo lắng quá nhiều về những gì sẽ xảy ra trong năm tới. Thay vào đó, Buffett tập trung vào giá trị mà khoản đầu tư đó có thể đạt được sau 20 hoặc thậm chí 30 năm. Ông khuyên các nhà đầu tư nên mua cổ phiếu như thể thị trường chứng khoán sẽ đóng cửa trong 10 năm tới. Điều này thể hiện rõ thái độ và khung thời gian của ông. Buffett thậm chí còn nói rằng "mãi mãi" là khoảng thời gian thích hợp để nắm giữ một cổ phiếu nào đó.
Mặc dù Buffett không tham gia hoạt động tái lập cân bằng danh mục quá thường xuyên, nhưng điều đó không có nghĩa là ông luôn bị dính chặt vào sự bảo thủ của mình. Dĩ nhiên ông có thừa thông minh để biết rằng ngoan cố hiếm khi mang lại kết quả tốt. Người ta biết ông có thể thay đổi suy nghĩ và quyết định bán sớm một cổ phiếu nào đó. Thực ra, có nhiều khoản đầu tư mà Buffett giao dịch trong thời gian chưa đầy 5 năm(12). Nhưng sự thực vẫn như cũ: Buffett hiếm khi tham gia một cơ hội đầu tư và nghĩ đến chiến lược thoát ra ngắn hạn. Ông nhấn mạnh điều này trong thư gởi cổ đông năm 2005: "Không giống như nhiều tổ chức mua lại doanh nghiệp khác, Berkshire không có ‘chiến lược thoái lui’(13). Chúng tôi mua để nắm giữ".
Theo quyển sách kinh điển Đầu tư cổ phiếu dài hạn (Stocks for the Long Run) của Jeremy Siegel, trọng tâm lâu dài của Buffett có rất nhiều ý nghĩa. Siegel khám phá ra rằng từ 1871 đến 1992, tuyệt đối không có quãng thời gian 30 năm nào (dù bạn chọn điểm khởi đầu là lúc nào đi chăng nữa) mà cổ phiếu không mang lại hiệu quả cao hơn trái phiếu. Thậm chí với khung thời gian chỉ 10 năm, cổ phiếu cũng có hiệu quả hơn trái phiếu trong hơn 80% thời gian đầu tư. Vì thế, cũng như Buffett, bạn cần đầu tư cho dài hạn, bạn không cần phải dành thời gian quá nhiều để suy nghĩ về việc phân bổ tài sản. Như Buffett, dĩ nhiên bạn nên nắm giữ một số tiền mặt và sở hữu một số trái phiếu, nhưng nếu bạn thực sự là nhà đầu tư dài hạn, bạn nên có một danh mục gồm những cổ phiếu tốt để nắm giữ lâu dài. Trên thực tế, Buffett có lẽ đồng ý rằng ít nhất 80% lượng tiền nên được phân bổ cho cổ phiếu khi bạn là nhà đầu tư dài hạn.
Tất nhiên, nếu bạn biết bạn sẽ cần những khoản tiền lớn trong thời gian từ 3 đến 5 năm để trả học phí đại học hoặc mua nhà mới, bạn phải tính toán cả những việc này. Bạn cũng cần chuẩn bị sẵn tiền mặt để thanh toán các chi phí hoặc phòng trường hợp khẩn cấp không lường trước được, hoặc để tận dụng những cơ hội đầy hứa hẹn có thể xuất hiện bất ngờ. Giả sử bạn có kế hoạch dự phòng như vậy – nhưng không đánh bạc may rủi – thì việc phân bổ phần lớn các khoản đầu tư dài hạn vào cổ phiếu sẽ có ý nghĩa rất lớn.
Cũng giống như Buffett, bạn chỉ muốn mua những cổ phiếu tốt. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng không ai – kể cả Buffett – có một lịch sử hoàn hảo. Như nhiều nhà đầu tư khác, Buffett cũng có những quyết định đầu tư thực sự tệ hại. Tám triệu cổ phiếu Pier 1 Imports, mua năm 2004, có vẻ là khoản đầu tư tệ hại nhất của ông trong thời gian gần đây. Cổ phiếu này rớt giá 70% ngay sau khi Buffett mua lần đầu tiên. Nhưng Buffett không tận dụng sự lao dốc của cổ phiếu này bằng cách mua thêm để giảm chi phí mua bình quân như ông thường làm khi một cổ phiếu được ông ưa thích bị rớt giá. Thay vào đó, ông đã chọn cách chấp nhận khoản lỗ và bắt đầu giảm lượng cổ phiếu nắm giữ của Pier 1 Imports. Mặc dù Buffett thích đầu tư dài hạn, nhưng có vẻ ông đã nhanh chóng đánh mất sự tin tưởng vào cổ phiếu này.
Điều quan trọng ở đây là mục tiêu của bạn không nên là kiếm được nhiều hay ít tiền trong mỗi quyết định đầu tư riêng. Giống Buffett, bạn nên nỗ lực tìm kiếm những khoản thu nhập tốt hơn thị trường tính trên danh mục đầu tư toàn phần của bạn trong dài hạn. Bạn cần thường xuyên ra quyết định đúng hơn là sai. Bạn muốn kiếm đủ tiền từ những quyết định đúng hơn là phải bù trừ cho những khoản lỗ không thể tránh khỏi từ những quyết định tệ hại. Để làm được điều này, bạn cần phải biết đâu là điều tốt nhất – và không chỉ trong dài hạn. Bạn cũng cần biết điều gì hiệu quả nhất trong ngắn hạn. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về đầu tư ngắn hạn và dài hạn trong những trang tiếp theo.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
• Đa dạng hóa (diversification) có lẽ là khái niệm quan trọng nhất trong quản lý danh mục đầu tư. Tất cả các tư vấn viên tài chính có năng lực và có trách nhiệm đều thúc giục khách hàng của mình đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, đa dạng hóa không nhất thiết phải là một chiến lược tất-cả-hoặc-không-có- gì. Tài sản cá nhân của Buffett chính là kết quả của sự tập trung hóa – không phải là đa dạng hóa. Nếu bạn có trình độ và năng lực khá về đầu tư và phân tích tài chính doanh nghiệp, hoặc bạn có thể tiếp cận các nhà tư vấn có những kỹ năng này, bạn nên tránh việc đa dạng hóa quá mức. Nhưng nếu bạn thiếu thời gian hay chuyên môn để nghiên cứu các công ty một cách sâu sắc và nắm được tất cả các thông tin về họ, bạn nên đa dạng hóa rộng rãi. Buffett khuyên nhiều người thực hiện đa dạng hóa thông qua các quỹ đầu tư.
• Từ những ngày đầu thành lập, Berkshire Hathaway là một công ty đầu tư vô cùng tập trung. Thậm chí vào cuối những năm 1990, nó có một vài công ty con và chỉ sở hữu một số loại cổ phiếu mà thôi. Tuy nhiên, cuối cùng thì Berkshire đã sở hữu hàng tá cổ phiếu và trên dưới 70 công ty con. Mặc dù Berkshire ngày nay đã trở nên đa dạng hóa hơn bao giờ hết, nhưng sự đa dạng hóa của nó vẫn nằm dưới tiêu chuẩn của lý thuyết tài chính hiện đại. Thậm chí nếu bạn bắt đầu làm giàu bằng phương pháp tiếp cận tập trung hóa, bạn cũng nên chú ý hơn cho sự đa dạng hóa khi tài sản của bạn tăng lên.
• Mấu chốt của đa dạng hóa đầu tư là phải tìm ra những loại tài sản không tương quan với nhau. Một phương pháp tiếp cận đơn giản bằng suy luận hợp lý thông thường cũng có hiệu quả tương đương một phương pháp tiếp cận định lượng phức tạp – vốn đòi hỏi phải tính toán các hệ số tương quan. Khi bổ sung cổ phiếu vào danh mục đầu tư của mình, bạn hãy tránh các cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng bởi những rủi ro giống nhau. Một danh mục đầu tư được cấu trúc hợp lý chỉ cần một vài loại cổ phiếu là có thể giảm rủi ro lớn so với một danh mục đầu tư được cấu trúc kém và có rất nhiều mã cổ phiếu. Buffett cho rằng một danh mục gồm khoảng 6 mã cổ phiếu đủ được xem là đa dạng hóa.
• Hầu hết các nhà đầu tư tích cực dành rất nhiều thời gian để cố gắng lựa chọn được cổ phiếu thành công. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy họ nên quan tâm hơn đối với vấn đề phân bổ tài sản thay vì lựa chọn cổ phiếu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dài hạn như Buffett nhận thấy rằng duy trì một tỷ lệ phân bổ tài sản hợp lý không nhất định là một việc quá khó. Hãy dành đủ thời gian để suy nghĩ về tỷ lệ tiền nên phân bổ vào cổ phiếu và những lớp tài sản khác cũng như khi bạn dành thời gian để suy nghĩ nên mua những cổ phiếu cụ thể nào. Nhưng nếu bạn thực sự là một nhà đầu tư dài hạn, hãy đảm bảo rằng danh mục đầu tư của bạn có những "liều lượng" cổ phiếu khác nhau tốt nhất.