Hãy có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Đừng tìm nhà lãnh đạo ở bên ngoài bản thân.
- Ngạn ngữ của thổ dân Hopi
Sống từ nội tâm hướng ra bên ngoài
Ai cũng muốn có một cuộc sống tự tin, viên mãn. Vậy thì tại sao lại có quá nhiều người khốn khổ luôn kiếm tìm cuộc sống ấy nhưng chẳng bao giờ thành công? Nguyên nhân chính là do chúng ta đã bị mắc kẹt ở cuộc sống bên ngoài và không còn nhận biết mình là ai từ sâu thẳm bên trong. Nếu sự tự tin hoặc thiếu tự tin là do yếu tố nội tại tạo nên, thì liệu có phải ta nên bắt đầu tìm kiếm nó từ bên trong?
Amy, 22 tuổi, làm việc cho một công ty máy tính ở New York. Cô chán ngán và mỏi mệt với những chuyện lặp đi lặp lại mỗi sáng: nhịp sống vội vã, giờ cao điểm và nạn kẹt xe. Cô có ít bạn và nhìn chung là cô cảm thấy không hạnh phúc với cuộc sống của mình. Cuối cùng, với sự động viên của mẹ, Amy quyết định chuyển đến California để “tìm lại chính mình”. Sau vài tháng, Amy nhận ra: “Los Angeles không giống như những gì người ta vẫn thường nói về nó”. Thế là Amy lại quyết định chuyển đến thành phố Seattle, nơi cô phải đối diện với sự thật rằng nỗi buồn của cô nằm ngay trong chính bản thân cô – và đó mới là nơi cô cần chú tâm đến.
Đáng tiếc là sự thay đổi về không gian không thể giúp chúng ta tìm lại chính mình. Cái tôi của chúng ta không đứng đợi ở một góc đường xa xôi nào đó để ta kiếm tìm. Chúng ta chỉ đơn giản đóng gói các thói quen cũ và mang chúng theo như mang hành lý, bất kể ta đi đâu. Mặc cho cuộc sống xung quanh thay đổi, ta vẫn cứ hành xử theo cách cũ. Nếu mỗi sáng ta thức dậy với thái độ tích cực, lạc quan ở Detroit thì ta cũng sẽ thấy tích cực và lạc quan khi thức dậy ở vùng Địa Trung Hải. Nếu ta thức dậy với tâm trạng lo âu, bi quan ở Buffalo thì ta cũng sẽ cảm thấy như thế ở Nam Thái Bình Dương. Không phải lúc nào cỏ ở nơi khác cũng xanh tươi hơn.
Những người cảm thấy mình chưa toàn vẹn và trống trải thường tìm cách sửa đổi những thói quen xấu hoặc lấp đầy khoảng trống trong lòng mình từ bên ngoài. Chẳng hạn như trường hợp của Mario, một bác sĩ cảm thấy mình không có quyền sống nếu không làm việc. Nhập viện vì bị suy sụp tinh thần, Mario đã được tham dự chương trình điều trị bảy mươi giờ nhưng vẫn chưa thể bình phục. Nhu cầu được thừa nhận cũng như khát khao của anh về sự tôn vinh, quyền lực và tầm quan trọng của bản thân đã không được thỏa mãn. Thói tham công tiếc việc đã nuốt chửng anh và khiến anh không đủ sức chống cự với chứng suy sụp đang ngày càng thắng thế.
Trường hợp của Lynn cũng là một ví dụ điển hình. Một lần, Lynn nói với tôi: “Lòng tự tin của tôi được xác định bởi những gì tôi đã làm; và điều đó tạo nên nét riêng của tôi. Tôi đánh đồng năng lực và giá trị bản thân với những gì mình gặt hái được. Nếu tôi chẳng đạt được gì thì có nghĩa là tôi chẳng có năng lực và cũng chẳng có chút giá trị nào. Điều đó cũng giống như việc tôi là ai phụ thuộc vào việc tôi có khả năng gặt hái thành công hay không, chứ không phụ thuộc vào việc tôi là một người tốt hay những giá trị tốt đẹp mà tôi có được. Điều này nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng đó đúng là tình trạng của tôi”.
Giống như Mario và Lynn, nhiều người trong chúng ta tìm kiếm sự tự tin thông qua cảm giác được tôn vinh, cho dù bản thân bị quá tải trước những dự án, thời hạn và nhiều công việc bận rộn khác. Cũng không ít người dùng rượu, các mối quan hệ không lành mạnh, thức ăn không tốt cho sức khỏe, hoặc tài
sản vật chất để tạo nên sự tự tin cho mình. Chúng ta trở thành nô lệ của thói hám danh, quyền lực, sự giàu có và những thành tựu về vật chất vì nghĩ rằng chúng là giải pháp cho những vấn đề của mình. Chúng ta điên cuồng tìm kiếm mục tiêu của mình thông qua công việc, các mối quan hệ, chất kích thích, xe hơi và những ngôi nhà to. Chúng ta nghĩ rằng sự nghiệp của ta, con cái ta, những thú tiêu khiển, hay Tiến sĩ Phil(*), hoặc Oprah(**)… sẽ cho ta câu trả lời. Chúng ta sắp xếp lại nội thất, thay đổi công việc, ly hôn rồi tái hôn, thiết lập các mối quan hệ bằng hữu, mua một chiếc tủ áo mới, thay đổi màu tóc, xây một ngôi nhà, sinh con đẻ cái… - tất cả đều là nỗ lực nhằm hướng đến một cuộc sống tự tin.
Nhà lãnh đạo người Israel – Golda Meir, đã có lần quan sát và nhận xét: “Khi đi làm, bạn hay nghĩ về bọn trẻ ở nhà. Đến khi về nhà, bạn lại nghĩ đến mớ công việc chưa hoàn thành ở công ty. Sự đấu tranh ấy diễn ra bên trong con người bạn. Trái tim bạn bị chiếm chỗ”. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại cuộc sống bên ngoài không thể mang đến cho ta điều ta tìm kiếm bởi việc cần làm nằm ở bên trong.
(*) Tiến sĩ Phillip Calvin McGrow: Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ. Ông hiện đang chịu trách nhiệm thực hiện chương trình truyền hình mang tên “Dr. Phil", ra mắt từ năm 2002. Đây là một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất tại Mỹ.
(**) Oprah Winfrey: Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng nhất tại Mỹ, bà cũng phụ trách một chương trình truyền hình đối thoại mang tên bà, được phát sóng trên toàn nước Mỹ.
Đức Đạt Lai Đạt Ma đã so sánh hai hoàn cảnh sống để chứng minh rằng hạnh phúc được quyết định bởi trạng thái tinh thần hơn là bởi các sự kiện bên ngoài. Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ bất ngờ nhận được một khoản tiền lãi lớn từ việc đầu tư kinh doanh hiệu quả. Thế là cô quyết định nghỉ hưu khi tuổi đời còn trẻ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc sống của cô trở lại bình thường và người phụ nữ ấy nói rằng cô chẳng hạnh phúc hơn so với trước đây.
Trái ngược với câu chuyện trên là trường hợp của một thanh niên bị nhiễm HIV. Chàng trai này đã mất một năm trời mới vượt qua cú sốc và lấy lại niềm tin. Tuy nhiên, bằng cách nắm bắt cơ hội khám phá tâm hồn mình, cuộc đời anh đã chuyển hướng tích cực hơn. Anh biết trân trọng cuộc sống, sống hết mình cho hiện tại và cảm thấy hạnh phúc hơn so với trước lúc biết mình bị bệnh.
Các nhà khoa học và các nhà tâm linh học hiếm khi đồng ý với nhau, nhưng họ đều cùng cho rằng vật chất không thể mua được sự tự tin. Chẳng hạn, các cuộc nghiên cứu về hạnh phúc đã cho thấy sự giàu sang, vật chất, tuổi tác, sắc đẹp và những yếu tố bên ngoài không thể làm cho người ta hạnh phúc hơn hay tự tin hơn, mặc dù có nhiều người vẫn cho rằng chúng có thể. Những người có thân hình hấp dẫn không hẳn hạnh phúc hơn những người khuyết tật. Hạnh phúc và sự tự tin không phải là sản phẩm phụ của hoàn cảnh sống, mà chúng chính là sản phẩm của trạng thái tinh thần – cách chúng ta trải nghiệm cuộc sống của mình.
Những của cải vật chất mà chúng ta thường tự hào: một căn nhà mới, chiếc xe hơi đắt tiền, một tài khoản lớn trong ngân hàng, v.v. có thể mang đến cho ta danh vọng nhất thời, nhưng chúng sẽ tiêu tan chỉ sau một thời gian ngắn. Bi kịch cuộc sống hay những mất mát đau thương có thể làm chúng ta suy sụp trong một thời gian, nhưng rồi dần dần, tâm trạng của ta cũng sẽ trở lại bình thường. Bất luận là ở đỉnh cao danh vọng hay tận đáy sâu của sự tuyệt vọng, hầu hết chúng ta rồi sẽ quay về với giới hạn hạnh phúc của mình. Vậy khi đó, điều gì sẽ quyết định mức độ hạnh phúc của ta? Câu trả lời chính là những điều kiện nội tại; chính chúng sẽ giúp ta vững bước giữa những thăng trầm của cuộc đời và vượt qua quãng đường dài phía trước. Khi điều không may xảy đến, chàng thanh niên bị nhiễm HIV đã không chấp nhận để mình trở thành nạn nhân của căn bệnh. Trái lại, anh đã biến điều đó thành cơ hội để sống một cuộc đời thật tích cực, thay vì thụ động chờ đợi những gì mà cuộc sống ban phát cho.
Sống hết mình
Rất nhiều người trong chúng ta đang sống thu mình lại; và bởi không nhận biết được môi trường sống xung quanh nên ta không nhận ra rằng có thể mình đang tự hủy hoại lòng tự tin của bản thân. Tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời với ý nghĩ mình là nạn nhân từ sự giáo dưỡng lệch lạc của gia đình. Nhận định sai lầm này như những thanh chắn cài ngang chiếc lồng giam hãm tôi với ý nghĩ: “Mình chẳng có quyền quyết định cuộc đời mình”. Tôi chẳng hay biết gì về điều đó, nhưng sự giam hãm về tinh thần này đã giới hạn tôi trong một cuộc sống câm lặng tuyệt vọng, thay vì sống tự do viên mãn. Ở tuổi thanh niên, cái vòng luẩn quẩn của sự bất hạnh ấy vẫn tiếp diễn, như thể người cha nghiện rượu của tôi (ông đã qua đời cách đây 5 năm) vẫn còn tiếp tục chi phối cuộc đời tôi vậy.
Khi bắt đầu tự giải phóng bản thân bằng cách áp dụng mười bí quyết của sự tự tin, tôi đã không còn thấy mình là nạn nhân tuyệt vọng của hoàn cảnh nữa. Khi ấy, tôi đã học cách ưu tiên cho cuộc sống nội tại, để tự do chọn lựa và thấy được rằng tôi hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm đối với điều kiện sống của mình. Với quyết tâm trở thành một người sống sót chứ không phải một nạn nhân, tôi đã từ bỏ những điều nằm ngoài tầm kiểm soát cũng như những gì mình không muốn để dành chỗ cho những điều mình thật sự mong muốn. Cuộc đời tôi đã thay đổi từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong nhờ ứng dụng mười bí quyết này:
MƯỜI BÍ QUYẾT SỐNG TỰ TIN
1. Phân tách: Tách biệt cái tôi tự tin ra khỏi bản ngã của mình.
2. Sử dụng năng lực tri giác: Giải phóng bản thân khỏi những ảo giác của quá khứ làm che lấp đi bản chất thật sự của bạn.
3. Lựa chọn: Ghi nhớ rằng bạn có quyền lựa chọn trong từng khoảnh khắc, bất kể hoàn cảnh có khó khăn đến mức nào.
4. Lạc quan: Nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, ngay cả khi bạn đang ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.
5. Tăng cường sức mạnh: Nghĩ về bản thân như một người tự chủ chứ không phải là một nạn nhân; và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm với số phận của mình.
6. Ứng xử hài hòa: Nhượng bộ những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và tận dụng chúng theo cách tốt nhất.
7. Tư duy mở: Thực hành lối tư duy mở trước hoàn cảnh mới.
8. Nguyên lý Khoảng chân không: Loại bỏ những điều bạn không muốn để tập trung vào những điều bạn thật sự mong muốn.
9. Nguyên lý Lực hút nam châm: Cuốn hút mọi người và mọi việc nhằm phản ánh sự tự tin của bạn về bản thân.
10. Nguyên lý Chiếc Boomerang: Lòng tự tin được phản chiếu từ trong nội tâm sẽ quay trở lại với cuộc đời bạn, ở dạng này hay dạng khác.
Sam, người đã 4 năm chung sống với căn bệnh ung thư phổi, quyết định rằng từ nay, anh không cần biết mình còn sống được thêm bao nhiêu ngày nữa nhưng sẽ sống một cuộc đời thật sự có ý nghĩa. Và quả thực, anh đã làm đúng như thế. Anh không còn kìm nén bản thân trong bất cứ việc gì. Anh sống hết mình với cảm xúc, ôm siết những người anh yêu mến đồng thời tạo dựng các mối quan hệ khăng khít. Anh bắt đầu ăn mặc theo ý thích, tự do diễn đạt quan điểm của mình đồng thời luôn vững tin vào nó dẫu người khác có phản bác. Những người xung quanh tỏ ra hết sức nể phục trước sự thay đổi này của anh.
Bạn có thể học cách sống tự tin từ những người đã từng đối mặt với các sự kiện nghiêm trọng trong quá khứ hay hiện tại, chẳng hạn như tổn thương tâm lý, bệnh nan y, mất đi người thân hay vừa bị mất việc. Khi những rủi ro này đổ ập xuống đời ta, cuộc sống của ta sẽ chẳng còn chỗ cho những lý thuyết suông.
Khi ấy, ta buộc phải đối diện với thực tế rằng ta không thể tiếp tục để cho hoàn cảnh quyết định cuộc đời mình nữa đồng thời phải thay đổi nền tảng niềm tin của mình để có được một cuộc sống từ nội tâm hướng ra bên ngoài. Tuy nhiên, thực tế thì không phải chúng ta chờ đợi một biến cố xảy đến với mình mới có thể tạo ra một cuộc sống tự tin. Chúng ta có thể có được nó ngay bây giờ mà không cần phải vội vã. Chúng ta chẳng có được sự đảm bảo nào ở tương lai, nhưng ta có thể sống một cuộc sống tự tin ngay từ bây giờ.
Mười bí quyết này sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn từ bên ngoài để bạn có thể hình dung rõ môi trường bạn đang sống - để bạn nhìn nhận lại cuộc đời mình một cách rõ ràng và khách quan hơn. Đây cũng là điều Teilhard de Chardin(*) đã nói: “Không gì bằng một đôi mắt hoàn hảo trong một thế giới có nhiều điều để khám phá”.
(*) Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955): Linh mục dòng Tên người Pháp, đồng thời còn là một nhà triết học, cổ sinh thái học và địa chất học.
Mười bí quyết này sẽ giúp ta nhận biết được điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân, để có thể kêu gọi sự giúp đỡ hoặc thừa nhận sai lầm của mình mà không cảm thấy xấu hổ hay tự ti. Chúng giúp ta tự tin đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình thay vì trông chờ vào sự đồng thuận của người khác. Chúng sẽ giải thoát ta khỏi những hoài nghi về bản thân và tăng cường niềm tin vào chính mình - niềm tin rằng ta có thể tạo ra và hoàn thành mọi việc một cách tốt đẹp. Ngoài ra, chúng cũng giải thoát ta khỏi sự giam cầm mà ta đã tạo ra bằng những ảo tưởng tiêu cực về bản thân, giúp ta sống hết mình với những điều ưu tiên được sắp xếp lại từ trong ra ngoài.
Khi sống tự tin, bạn sẽ loại bỏ những điều bạn không muốn để tạo ra một điều kiện sống tích cực hơn - nơi bạn cảm thấy hào hứng nhận lãnh trách nhiệm thay vì cảm thấy bị ép uổng, hành hạ. Bạn thể hiện lòng tự tin của mình thông qua ý nghĩ, cảm xúc và hành động. Mười bí quyết này được xây dựng tuần tự dựa vào nhau theo hệ thống bậc thang; và bạn chẳng cần phải tìm kiếm chúng bởi chúng đã hiện diện ở bên trong bạn.
Nền tảng khoa học của mười bí quyết
Không một ai có đầu óc tỉnh táo lại dám nhảy qua khe núi Grand Canyon(*) bởi tất cả đều biết rằng theo nguyên lý về trọng lực, ta sẽ chỉ rơi xuống chứ không thể bay lên được. Thế nhưng, mỗi ngày, rất nhiều người trong chúng ta vẫn thường nhảy xuống “vách đá” trong cuộc sống riêng của mình. Chúng ta không hiểu được tại sao cuộc sống của mình lại trở nên bất ổn. Ta tiếp tục giữ các mối quan hệ không lành mạnh khiến mình bị tổn thương. Ta tìm đến cùng một người để nhận lãnh cùng một sự phản bác từ họ. Ta tiếp tục giải quyết vấn đề theo cách cũ mà ta biết rõ nó chẳng hề hiệu quả. Ta cố chống lại sự thay đổi và bấu víu lấy những gì quen thuộc với mình. Ta sống cho quá khứ hoặc tương lai chứ không vì hiện tại. Ta đề ra những mục tiêu phi thực tế để không ngừng buộc tội bản thân mình. Danh sách này hãy còn dài. Nhưng mười bí quyết này sẽ giúp bạn thay đổi những phương diện bất ổn trong cuộc sống.
(*) Grand Canyon hay Hẻm núi lớn là một khe núi hùng vĩ, dựng đứng được tạo thành do sự xâm thực của sông Colorado ở bang Arizona, Hoa Kỳ, từ hàng triệu năm về trước. Grand Canyon có độ dài 446 km, rộng từ 0,4 đến 24 km và sâu hơn 1.600 mét. Đây là một trong những điạ điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Mỹ. Theo các ghi chép thì Grand Canyon được nhà thám hiểm García López de Cárdenas người Tây Ban Nha tìm thấy vào năm 1540.
Nếu một ai đó cầm quả táo và thả ra, bạn sẽ đoán ngay rằng quả táo sẽ rơi xuống đất. Dự đoán của bạn một phần dựa vào kinh nghiệm của bản thân và một phần dựa vào hiểu biết về lực hút của trái đất. Isaac Newton đã khám phá ra lực hút của trái đất khi ông đang ngồi dưới gốc cây táo. Khi nhìn thấy quả táo rơi xuống bên cạnh, ông muốn biết nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên. Từ sự việc đơn giản này, Newton đã phát triển nó thành định luật về lực hấp dẫn để giải thích sự tương tác giữa địa cầu và các hành tinh, mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao.
Chúng ta tuân theo quy luật lực hút trái đất bởi ta không muốn gặp rắc rối. Chúng ta không chạm vào cái quai nồi kim loại đang nóng bởi ta biết quy luật vật lý về sự dẫn nhiệt của kim loại. Chúng ta cũng không dám chạm vào dây điện hở bởi biết rõ việc đó có thể dẫn đến chết người. Chúng ta biết những nguyên lý này đúng nên phải tuân thủ theo.
Trên thực tế, có những nguyên lý tương tự chi phối suy nghĩ, cảm xúc, hành động, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống của ta. Nhưng vì các nguyên lý này không tuyệt đối chính xác như các quy luật vật lý nên chúng ta thường bỏ qua chúng. Ta cứ liên tục tái phạm cùng một sai lầm và đặt bản thân mình vào những tình cảnh bế tắc khiến ta bị vỡ mộng và mất tự tin.
Trong mười năm trở lại đây, khoa học đã ghi nhận nhiều quan niệm vốn đã tồn tại từ rất lâu: não có khuynh hướng chữa lành các vết thương lòng; việc thiền định và tinh thần lạc quan giúp con người sống thọ hơn; người lạc quan sẽ thăng tiến nhanh và dễ dàng hơn; những lời cầu nguyện được linh nghiệm; chúng ta thấy được những điều mình trông đợi; và việc ngắm cảnh thiên nhiên qua khung cửa sổ bệnh viện sẽ giúp bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật hồi phục nhanh hơn so với việc dùng thuốc. Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu quốc gia về sức khỏe tâm thần cho biết bộ não có khả năng thay đổi hệ thống các đường truyền xung điện, đồng thời phát triển các dây thần kinh mới thông qua việc thực hiện thường xuyên và liên tục các bài tập đặc biệt. Nói cách khác, bạn có khả năng thay đổi tư duy của mình bằng cách đổi mới cách thức tư duy. Sau đó, việc này sẽ định hình lại các tế bào thần kinh của bạn và làm thay đổi cách hoạt động của não bộ. Trong cuốn “The Art of Happiness” (Nghệ thuật sống Hạnh phúc), Đạt Lai Đạt Ma và Howard Cutler(*) đã giải thích ngụ ý về khả năng thay đổi mạng lưới các dây thần kinh của não bộ như sau:
“Nó (khả năng này) cũng là nền tảng của ý tưởng rằng sự chuyển hóa nội tại bắt đầu bằng việc học hỏi (tiếp nhận cái mới) và rèn luyện nhằm dần dần thay thế “môi trường tiêu cực” (tương ứng với các khuôn mẫu kích thích tế bào thần kinh tính cách của ta ở hiện tại) bằng “môi trường tích cực” (hình thành những mạch thần kinh mới)”.
Tóm lại, các nhà khoa học cho rằng bạn có thể tự tin hơn bằng cách thay đổi cách sử dụng trí não của mình. Một trong những cách hiệu quả nhất chính là thiền định. Phương pháp này giúp tâm trí bạn trở về với trạng thái tĩnh lặng và nhờ đó, bạn có thể biết được điều gì đang tồn tại trong tâm trí mình. Sự tĩnh lặng này sẽ giúp bạn nhìn thấu được bản thân, khôi phục lại sự cân bằng và từ đó hòa hợp hơn với cuộc sống. Nhịp tim và sóng điện não sẽ chậm lại khi bạn thiền định. Điều này cũng có tác dụng rất tích cực đối với hệ miễn dịch cũng như các hóa chất trong cơ thể, trong đó có một số hoóc-môn có khả năng kéo dài sự sống. Các nhà khoa học cho biết những người có thói quen thiền định mỗi ngày thường ít gặp vấn đề về sức khỏe hơn và sống lâu hơn so với những người khác.
(*) Howard Cutler: Bác sĩ tâm lý nổi tiếng người Mỹ có những nghiên cứu giá trị về các bài thuốc Tậy Tạng.
Nói cách khác, các nhà khoa học đề cao việc tìm về bên trong tâm hồn và kết nối với cái tôi đầy tự tin của mỗi người.
Khoa học cũng khẳng định rằng những người sống tự tin không chỉ sống lâu hơn mà còn hạnh phúc và ít tật xấu hơn. Họ biết rõ mình là ai và mục đích sống của mình là gì. Một cô gái đầy tự tin đã nói rằng lòng trắc ẩn đối với người khác là điều quý giá nhất mà cô từng có. Trên thực tế, những người có lòng trắc ẩn thường có óc quan sát tốt, sống thanh thản hơn, ít suy sụp và tự tin vào bản thân hơn. Có lẽ khoa học đã mang đến cho chúng ta một ý nghĩa mới trọn vẹn về câu châm ngôn: “Cho bao giờ cũng tốt hơn là nhận”.
Trong cuốn sách “The Tao of Physics” (Vật lý học Đạo Lão), nhà vật lý học Fritjof Capra đã mô tả sự đồng nhất giữa các chuẩn mực đạo đức phương Đông và vật lý học hiện đại như sau:
“Tôi đã ngồi trên bãi biển vào một buổi chiều tà, ngắm từng đợt sóng cuộn bờ và cảm nhận nhịp điệu hơi thở của mình, rồi tôi bất chợt nhận ra mình đang đắm chìm trong vũ điệu của vũ trụ bao la. Là một nhà vật lý học, tôi biết rằng cát, đá, nước và không khí xung quanh tôi được tạo thành bởi sự dịch chuyển không ngừng của các phân tử và nguyên tử; rằng các phân tử và nguyên tử này bao gồm các hạt nhỏ tương tác với nhau bằng cách hình thành và phá hủy những hạt khác. Tôi cũng biết rằng bầu khí quyển của trái đất đang liên tục bị oanh tạc bởi “các tia sáng ngoài vũ trụ”, các hạt năng lượng cường độ cao trải qua nhiều sự va đập khi đi xuyên qua các tầng không khí. Những điều này rất quen thuộc với tôi khi tôi thực hiện những nghiên cứu về vật lý năng lượng cường độ cao. Nhưng cho đến thời điểm đó, tôi chỉ mới biết về nó thông qua các bản vẽ minh họa, biểu đồ và các lý thuyết toán học. Khi tôi ngồi trên bãi biển đó, những kinh nghiệm trước đây của tôi đã đi vào thực tế; tôi đã thấy những dòng thác năng lượng đang đổ xuống từ ngoài không gian, trong đó những hạt nhỏ liên tục được tạo thành và phá hủy theo một giai điệu nhịp nhàng; tôi đã thấy các nguyên tử, nguyên tố ấy và cả các nguyên tử trong người tôi cũng cùng tham gia vào vũ điệu năng lượng của vũ trụ. Tôi đã cảm nhận được giai điệu ấy; tôi đã lắng nghe âm thanh của nó và tôi biết rằng đấy là vũ điệu của thần Shiva, chúa tể của các vũ công, được những người theo đạo Hindu thờ phụng”.
Với cùng một cách thức, mười bí quyết này tương ứng với các quy luật vật lý. Các nhà khoa học ủng hộ ý tưởng rằng cuộc sống hạnh phúc, thành đạt bên ngoài được tạo thành bởi các yếu tố bên trong, bởi sự tự tin ở mỗi người. Khi bạn hiểu và áp dụng mười bí quyết này, cũng giống như khi bạn tuân theo các quy luật vật lý, bạn sẽ nhận ra hiệu quả của chúng. Và khi bạn nhận thấy được điều đó, bạn sẽ tự tin thay đổi cuộc đời mình. Sự tự tin đó sẽ tăng cường sức mạnh, giúp bạn sẵn sàng để cho cái tôi tự tin dẫn dắt cuộc đời mình.
BẠN CÓ ĐANG SỐNG VỚI LÒNG TỰ TIN?
Bạn đang sống hết mình hay thu mình lại với cuộc sống? Bạn có phải là người luôn cố gắng làm hài lòng người khác? Bạn có tự vấn bản thân? Bạn có bị mất phương hướng hay nhụt chí trước áp lực? Bạn có bị chi phối bởi cụm từ: “Lẽ ra mình nên ....” hoặc “Điều gì sẽ xảy ra nếu ...” và những cụm từ tiêu cực khác? Bạn có đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân và sống cho người khác chứ không phải cho mình? Nếu tất cả câu trả lời của bạn đều là “Có” thì có lẽ lòng tự tin đã không được thể hiện trong cuộc sống của bạn. Để biết chính xác hơn, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
1. Bạn có tìm kiếm sự đồng thuận từ người khác bằng cách cố làm vui lòng họ?
2. Bạn có hà khắc với bản thân mình?
3. Bạn có chống lại sự thay đổi?
4. Bạn có muốn bán lại cuộc đời mình cho người khác?
5. Bạn có dành nhiều thời gian để buồn bực và giận dữ trước những việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình?
6. Bạn có sợ kết thân với người khác?
7. Bạn có bị mất phương hướng hay nhụt chí trước áp lực?
8. Bạn có cảm thấy mình chưa được toàn diện và cần hợp tác với một ai khác?
9. Bạn có thường đặt nhu cầu của mình sau nhu cầu của người khác?
10. Bạn có tự vấn về khả năng làm việc của mình?
11. Bạn có cảm thấy mình xứng đáng với tình yêu thương của những người xung quanh?
12. Bạn có tin rằng mình có thể xoay chuyển tình thế từ xấu sang tốt trong đa số trường hợp?
13. Bạn có nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực trong hầu hết tình huống?
14. Bạn có cảm thấy hài lòng với cuộc sống và những người xung quanh mình?
15. Bạn có sẵn sàng tiếp nhận quan điểm mới và cách thức làm việc mới?
16. Bạn có kỳ vọng điều tốt đẹp nhất trong hầu hết các tình huống?
17. Bạn có tin tưởng vào bản thân?
18. Bạn có khuynh hướng tự ngợi khen và cổ vũ bản thân?
19. Bạn có dễ dàng bày tỏ cảm xúc thật của mình?
20. Bạn có sẵn sàng tiếp thu cái mới?
Thang tính điểm: Hãy khởi đầu với 60 điểm. Trừ đi 2 điểm cho mỗi câu trả lời “Có” từ câu 1 đến câu 10 và cộng thêm vào 2 điểm cho mỗi câu trả lời “Không” từ câu 1 đến câu 10. Trừ đi 2 điểm cho mỗi câu trả lời “Không” từ câu 11 đến câu 20 và cộng thêm vào 2 điểm cho mỗi câu trả lời “Có” từ câu 11 đến câu 20.
THANG ĐÁNH GIÁ VỀ LÒNG TỰ TIN CỦA BẠN:
Thang điểm Xếp hạng Diễn giải
Dưới 60 điểm F Thấp: Sự tự tin của bạn vẫn đang ở trong trạng thái ngủ đông và bạn đang sống thu mình lại.
60 – 69 điểm D Dưới trung bình
70 – 79 điểm C Trung bình
80 – 89 điểm B Tốt
90 – 100 điểm A Xuất sắc: Bạn đang sống với cái tôi đầy tự tin dẫn dắt cuộc đời mình.
Bất luận bạn đạt được điểm thấp hay cao, đừng thất vọng! Các chương tiếp theo sẽ mang đến cho bạn những bài thực hành xây dựng lòng tự tin hết sức thiết thực và hiệu quả. Chúng sẽ chỉ cho bạn thấy rằng cuộc sống tươi đẹp hơn đang ở rất gần bạn. Khi bạn bắt đầu sống một cuộc sống đầy tự tin, có thể bề ngoài bạn vẫn chẳng có gì thay đổi. Có thể bạn vẫn làm công việc cũ với những mối quan hệ cũ. Đôi khi bạn vẫn cảm thấy giận dữ, thiếu nhẫn nại, buồn bã hay thất vọng. Nhưng sự chuyển biến của bạn sẽ diễn ra bên trong. Bạn sẽ nhìn nhận cuộc đời mình với một sự thấu hiểu khác, rõ ràng hơn. Và bạn sẽ có những hành động khác đi nhằm tạo ra một cuộc sống tự tin hơn.