TRƯƠNG GIA BÌNH NHỮNG GIẤC MƠ TIẾP NỐI GIẤC MƠ
Tháng 4/2013, Đại hội cổ đông thường niên Công ty Cổ phần FPT đã nhất trí bầu chọn chủ tịch Hội đồng quản trị - ông Trương Gia Bình tiếp tục kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc. Người sáng lập và giữ vị trí cao nhất của FPT suốt 25 năm qua này quả thật đã khiến mọi người luôn tin tưởng trao trọng trách cho ông.
Trương Gia Bình có gương mặt sáng, nụ cười tươi và một phong thái năng động. Nhưng đó chỉ mới là vẻ ngoài, ông chinh phục người khác còn bằng trí tuệ, năng lực vô cùng đặc biệt. Tư tưởng, sự quyết tâm, tầm nhìn, hành động của ông đã cuốn hút cả một tập thể lớn, họ cùng hướng về một lý tưởng, đồng sức đồng lòng gặt hái từ thành công này đến thành công khác một cách vang dội.
Một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ
Trương Gia Bình sinh năm 1956 tại Hà Nội, ông tốt nghiệp khoa Toán Cơ, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov (Moscow), Liên bang Nga năm 1979 và bảo vệ luận án Tiến sĩ cũng tại đại học này năm 1982. Năm 1991 ông được nhà nước công nhận danh hiệu Phó Giáo sư.
Sự nghiệp của ông gắn liền với sự phát triển của FPT - một công ty hàng đầu, đại diện tiêu biểu cho sự phát triển về công nghệ thông tin tại Việt Nam. Trong suốt quá trình phát triển của FPT, ông là người tập hợp lực lượng với tầm nhìn xa và luôn đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng vượt bậc của FPT.
Ngày 13/09/1988, ông Trương Gia Bình đã cùng với 12 nhà khoa học khác thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm (Food Processing Technology - viết tắt là FPT). Hai năm sau đó, công ty dấn thân vào tin học, lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ. Cái tên FPT vẫn giữ nguyên nhưng thay vào đó là ba chữ Financing and Promoting Technology.
Bằng năng lực xuất chúng, Trương Gia Bình đã lèo lái con thuyền FPT tiến như vũ bão, trở thành công ty tin học số 1 Việt Nam vào năm 1998, sau 10 năm thành lập.
Tháng 3/2002, sau khi cổ phần hóa FPT, ông trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn FPT.
Ngày 13/12/2006, cổ phiếu FPT chính thức niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh -HOSE). Cổ phiếu FPT trở thành một cổ phiếu blue chip có sức hút mãnh liệt với giá trị rất cao trên thị trường. Và Trương Gia Bình trở thành một cái tên dẫn đầu trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán với giá trị cổ phiếu lên tới 2.600 tỷ đồng.
Năm 2010, Trương Gia Bình được bình chọn vào Top 10 nhân vật công nghệ thông tin tiêu biểu của Việt Nam thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21.
Năm 2012, Trương Gia Bình được bổ nhiệm vào Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và xây dựng năng lực cạnh tranh do Phó Thủ tướng Nguyên Thiện Nhân đứng đầu.
Ngày 22/5/2013, Trương Gia Bình là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được Tập đoàn truyền thông Nikkei (Nhật Bản) trao Giải thưởng Nikkei vì những đóng góp của ông cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Ý tưởng độc đáo
Trương Gia Bình trở nên nổi tiếng, giàu có, được nhiều người ngưỡng mộ không phải vì những thành tích đáng nể của ông và FPT, mà chính là cách thức ông làm nên những thành công đó. Thậm chí khi ông đưa ra những ý tưởng rất khó thực hiện, nhưng với cách thuyết phục của mình, người ta vẫn tin rằng ông sẽ làm được.
Năm 1986, một trong những bạn cùng lớp nói với ông rằng ông không thể sống bằng đồng lương của một giáo sư chỉ năm đô - la một tháng và khuyên ông nên đi làm kinh doanh.
Công việc kinh doanh đầu tiên của ông đã tạo ra lợi nhuận 3.800 đô-la nhờ việc mua một lô máy điều hòa không khí cũ và tân trang rồi bán lại. Sau đó, ông cung cấp tất cả các máy tính cho một học viện khoa học và rồi ông không bao giờ dừng lại, ông bắt đầu kinh doanh máy tính và bây giờ ông là nhà phân phối chính của Microsoft và có 14.000 nhân viên phục vụ trong tập đoàn của mình.
Nhắc đến Trương Gia Bình, không thể không nhớ đến 3 ý tưởng làm nên sự khác biệt độc đáo và cũng là kim chỉ nam xuyên suốt sự nghiệp của ông:
Ý tưởng thứ nhất: Đưa chiến tranh nhân dân vào thương trường. Trương Gia Bình thấm nhuần những bài học từ lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và ông hiểu rằng, chiến thắng đó là nhờ biết dựa vào nhân dân. Ông để tâm học hỏi trực tiếp từ những vị tướng quân đội và sau này tổng kết trong bài "Chiến tranh nhân dân ứng dụng vào quản trị kinh doanh". Ông cho rằng sức mạnh đó là riêng có của người Việt Nam, các quốc gia khác, nền văn hóa khác khó lòng học được.
Ý tưởng thứ hai: Genetic. Trương Gia Bình quan niệm, bất cứ một cái gì trường tồn phải có một cấu trúc hết sức đặc biệt, có thể đặt tên nó là genetic. Thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ những thương hiệu tồn tại qua hàng trăm năm. Vì sao các doanh nghiệp đó làm được kỳ tích như vậy? Ông nhận ra rằng, đó là nhờ các doanh nghiệp ấy có một bản ngã riêng biệt và bất biến, tồn tại qua nhiều thế hệ lãnh đạo không khác gì tính di truyền.
Khi bắt tay thiết kế hệ thống gen cho FPT, ông không biết phải bắt đầu như thế nào và cũng không nhận được sự đồng tình, tin tưởng của mọi người. Nhưng ông vẫn kiên định và quyết tâm theo đuổi ý tưởng đó. FPT lúc này có khoảng 350 người, ông liên tưởng đến một dân tộc thiểu số ở Việt Nam và định đi tìm hiểu cách thức tồn tại của họ. Chưa kịp đi, ông lại tìm được một cuốn hương ước và nhận thấy ở đó có nhiều điều mình tìm kiếm. Ông mơ hồ đoán định được phần nào Genetic nhưng vẫn không thiết kế nổi. Cho đến khi FPT xuất khẩu phần mềm sang Ấn Độ, ông bắt đầu nghiên cứu về ISO và nhận thấy sự minh bạch cũng như quy trình rất hoàn chỉnh. Tiêu chuẩn ISO lại có cả biến dị, có cả giai đoạn check, tức là sau một quy trình phải kiểm tra xem có cải tiến được không? Thế là bản thiết kế bộ gen cho FPT đã hình thành.
Ý tưởng thứ ba: Thác số. (Ý tưởng này về sau người ta viết thành những cuốn sách rất nổi tiếng như "Thế giới phẳng”). Trương Gia Bình dự báo rằng sau khi internet ra đời, không sớm thì muộn sẽ có một cuộc lật đổ, thay đổi vị trí các quốc gia trong tương lai. Bởi với sự kết nối internet, sẽ có những dòng chảy thông tin ào ào từ chỗ nhiều đến ít, từ chỗ nhiều tri thức đến chỗ ít tri thức, đồng thời sẽ có dòng chảy công việc theo sau. Ý tưởng thác số thể hiện qua sự thành công của FPT software trên toàn cầu. Và để tiếp "nước" cho dòng thác số, trường Đại học FPT được thành lập để đào tạo đội ngũ lập trình viên có kỹ năng và ngoại ngữ tốt. Tháng 11/2012, Đại học FPT là trường đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars, một trong ba chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường đại học trên toàn thế giới.
Hành động táo bạo
Theo Trương Gia Bình, trên thương trường, không liều lĩnh thì khó có thể "sống" được. Chỉ có điều là liều lĩnh phải đi kèm với quyết tâm và rút kinh nghiệm từ những thất bại.
Năm 1998, sau 10 năm phát triển, FPT trở thành công ty tin học số 1 Việt Nam. Nhưng Trương Gia Bình không dừng lại ở đó và ngủ quên trên chiến thắng. Ông đã đặt ra thách thức mới cho bản thân cũng như FPT: Toàn cầu hóa, với mục tiêu hiện thực là Xuất khẩu phần mềm. Để cho dễ nhớ, ông gói gọn mục tiêu của công ty vào 3 chữ số 5-2-8. Số 5 chỉ 5.000 lập trình viên chuyên nghiệp của FPT vào năm 2005. Số 2 chỉ 200 triệu USD doanh số phần mềm xuất khẩu cũng vào năm đó. Số 8 chỉ giá trị của công ty tại thị trường chứng khoán Nasdaq là 8 tỷ đô-la Mỹ.
Quyết liệt trong thực hiện thể hiện rõ bản lĩnh của ông. Bước thứ nhất, thuyết phục ông Lê Quang Tiến, Phó Tổng giám đốc Tài chính trước đây, nhân vật đang giữ toàn bộ tiền của FPT chi khoản ngân sách một triệu đô-la Mỹ cho dự án này. Kế đến ông Bình nói chuyện với Lê Thế Hùng, một bộ óc điện tử của FPT, phó tiến sĩ toán lý nhận ngay trách nhiệm xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng ISO 9001 cho toàn bộ các quá trình của FPT, trong đó đặc biệt chú trọng đến quá trình sản xuất phần mềm. Và sau nữa, nhận thấy rào cản về ngôn ngữ chính là điểm yếu của nhân lực Việt, ông Bình đã yêu cầu nhân viên phần mềm đi học các lớp ngoại ngữ nâng cao, các kỳ thi Toefl... và đặc biệt phải giao dịch và báo cáo bằng tiếng Anh. Chính việc này đã khiến cho các nhân viên nhanh chóng sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
Khi đã chuẩn bị khá ổn về nội lực, ông Bình đã tiến hành hàng loạt các dự án đặt nền móng cho mục tiêu xuất khẩu phần mềm, nhất là việc táo bạo thành lập chi nhánh ở Ấn Độ, văn phòng tại Mỹ, mở trung tâm đào tạo phần mềm FPT Aptech... FPT nhanh chóng nổi lên trên thị trường phần mềm.
Thành công đến, không chỉ là đem lại nguồn ngoại tệ cho FPT, mà quan trọng hơn, chính sự khởi xướng này đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Ông Bình cũng chính là người tác động đến việc hình thành chính sách phát triển phần mềm, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia. Theo ông Bình, đây chính là thành công lớn nhất của ông nói riêng và FPT nói chung.
Bên cạnh xuất khẩu phần mềm, Trương Gia Bình đưa FPT dấn thân vào nhiều lĩnh vực khác như viễn thông, nội dung số, phân phối và sản xuất một số sản phẩm công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng hệ thống bán lẻ. Trong mỗi lĩnh vực, FPT luôn nỗ lực vươn lên dẫn đầu với chất lượng sản phẩm, dịch vụ tối ưu nhất.
Con đường Trương Gia Bình cũng như FPT chọn chính là công nghệ, vươn tới tầm cao năng suất lao động mới bằng những tri thức mới thông qua công nghệ. Phát huy tối đa khả năng sáng tạo và linh hoạt để nắm bắt những cơ hội mới, nỗ lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ trong mọi hoạt động ở mọi cấp là yêu cầu đối với từng nhân viên FPT, hướng tới mục tiêu chung One FPT - Tập đoàn Công nghệ Toàn cầu Hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể hơn, mục tiêu chiến lược One FPT năm 2024 là "Phải trở thành Tập đoàn Toàn cầu Cung cấp Dịch vụ Thông minh (Global Leader in Smart Services)".
Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, Trương Gia Bình đang có một nước cờ mới, mà con cờ chính là chú robot thông minh Smartoshin. Ông kỳ vọng, Smartoshin có thể trở thành người giúp việc thông minh trong các gia đình, hỗ trợ bác sĩ tại các bệnh viện, hay là giáo viên tốt hướng dẫn học sinh... Trương Gia Bình vẫn tiếp tục mơ những giấc mơ mới và hiện thực hóa chúng.
Văn hóa FPT - sức mạnh to lớn
Trương Gia Bình cho rằng, sự gắn kết và làm nên bản sắc của một dân tộc chính là văn hóa. Đối với doanh nghiệp cũng vậy, cần có một văn hóa riêng. Đây chính là sức mạnh của FPT. Ngay từ buổi khởi đầu, ông đã dày công xây dựng nền văn hóa cho FPT. Văn hóa FPT trước hết là văn hóa ứng xử: Người FPT "Tôn trọng cá nhân - Đổi mới - Đồng đội", lãnh đạo FPT cần "Chí công - Gương mẫu - Sáng suốt". Điểm khác biệt cốt lõi của FPT là chấp nhận mọi người như họ vốn có: cả mặt mạnh, mặt yếu, cả điểm tốt và không tốt. FPT luôn tôn trọng, lắng nghe và tạo điều kiện để mỗi thành viên được là chính mình. Tại FPT, mọi người không phải chỉ đến để làm việc kiếm tiền, mà còn vì lý tưởng bản thân, vì sứ mệnh của công ty. Đồng thời, trong môi trường này, họ không chỉ làm việc, mà còn có những hoạt động khác khiến họ cảm thấy đây là nhà của mình, cộng đồng và không gian sống của mình với những mối quan hệ bạn bè, có những hoạt động vui chơi giải trí, văn nghệ, thể thao... Văn hóa FPT đã giúp cho FPT vượt qua những thử thách và thất bại khắc nghiệt nhất trên thương trường, giúp FPT duy trì và phát triển không ngừng.
"Theo triết lý người Việt, tôi rất hạnh phúc"
Nếu nói ông Bình là người tài giỏi trong công việc, thì liệu trong cuộc sống hàng ngày, ông có gì đặc biệt? Ông quan niệm cuộc sống hạnh phúc giống như các biểu tượng trên chiếc trống đồng: một nhà mái cong, một người đàn ông, một người đàn bà, một đứa trẻ, một đấu gạo, trên nóc nhà có một con chim. "Có thể thấy người Việt cổ quan niệm rằng, chúng ta là người hạnh phúc khi có một nơi để ở, có một mái nhà để sống và có gạo để ăn. Nếu thế, tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc. Bất kể chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, tôi vẫn đã có một gia đình, có người yêu thương mình. Đó chính là nền tảng để tôi tự tin mạo hiểm dấn thân trong kinh doanh" - ông Bình chia sẻ.
Ông Châu, người bạn lâu năm của ông Bình và hiện là Phó Chủ tịch FPT cho biết, ông Bình có một tài năng đặc biệt là khi công ty có vấn đề ông có thể đánh giá thực trạng và chèo lái công ty vào con đường đúng đắn, và đây chính là tài năng thật sự của ông.
Ông Bình kể cho tôi nghe một câu chuyện và qua đó tôi thấy tài năng của ông trong việc đối nhân xử thế. Một lần khi ông tự lái xe đến một sự kiện và lái xe về khi sự kiện này kết thúc thì bị một đám du thủ du thực vây quanh. Ông biết rằng mình đã gặp vấn đề. Ông quan sát đám đông để xem ai là kẻ cầm đầu và tiến đến anh ta, đưa tay ra và nói với anh ta rằng ông muốn tặng cho họ tất cả vật dụng cá nhân của mình, đồng hồ, tiền bạc và tất cả mọi thứ ông có vì ông nhận ra rằng dù ông không làm thế họ vẫn có thể lấy tất cả. Và ông kết bạn với họ, mời họ uống rượu với ông và họ cười nói vui vẻ với ông. Câu chuyện này cho thấy rõ hơn về tính cách ông Bình, cùng với những gì tôi đã đọc về khả năng của ông trong việc tìm hiểu người dân, thị trường và điều chỉnh theo tình hình để ông có thể tiếp tục di chuyển với tốc độ nhanh.
Ông có một cá tính đa diện đầy màu sắc, thu hút người khác bằng sự duyên dáng riêng của mình. Ông cao, đẹp trai và quyến rũ. Tôi không bao giờ cảm thấy vội vã trong các cuộc phỏng vấn và ông dành cho tôi thời gian để hỏi bất kỳ câu hỏi nào tôi muốn. Với ông, một từ quan trọng để thành công là "Sáng tạo". Nếu bạn có nó, bạn có thể làm bất cứ điều gì nhưng nếu không có nó, bạn có thể không làm được gì cả.
"Từ khóa của tôi là Đam mê", ông Bình trả lời ngay lập tức sau khi nghe yêu cầu của tôi "Chỉ dùng một từ duy nhất để nói về sự thành công của mình".
Ông Châu cho biết ông Bình là một nhà lãnh đạo tài năng. Ông khuyến khích mọi người và là người giải quyết các vấn đề khó khăn, nhưng ông không thích công việc điều hành hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Ông thích những thách thức. Ông đã không dạy chúng tôi cách làm việc, ông dạy chúng tôi làm thế nào để ước mơ.
-Ông dạy họ ước mơ như thế nào? - Tôi hỏi ông Bình.
-Bằng cách chia sẻ niềm đam mê của tôi. Phải có mục đích, mục tiêu và sự kết nối. - Ông Bình trả lời.
Ông muốn cho đi hầu hết tiền bạc của mình vì ông cho rằng khi ông cho đi tiền thì con cái ông có khả năng khao khát và sống một cuộc sống thành công. Ông quan niệm rằng khi ta cho đi tiền của mình, ta sẽ nhận được nhiều nhất, và khi đó đồng tiền sẽ tự nhân lên. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện ông đã thu gom quần áo cũ để tặng cho người dân nghèo miền núi. Và giờ đây ông có cả một bộ máy chuyên trách công tác giúp đỡ và chia sẻ với cộng đồng.
"Người trẻ có thể mạo hiểm tất cả mọi thứ kể cả mạng sống. Bây giờ trẻ em không có gì để mạo hiểm. Khi tôi lớn lên, cuộc sống riêng của mình là không có gì; vì vậy chúng tôi đã mạo hiểm tất cả mọi thứ để đạt được thành công.”
Đó là lời chia sẻ về động lực thành công của Trương Gia Bình với thế hệ trẻ ngày nay. Và đó cũng là những điều tâm huyết ông mong muốn làm để giúp người trẻ ước mơ và hành động như ông đã từng làm.
ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ: VUA CÀ PHÊ VIỆT
Đặng Lê Nguyên Vũ là một doanh nhân nổi tiếng và thành công khi tuổi đời còn khá trẻ. Tên tuổi của anh gắn liền với cà phê và những hoài bão, tham vọng vượt xa xuất phát điểm của anh, cũng như khát khao vươn ra tầm thế giới.
Dám nghĩ khác, nghĩ táo bạo với một quyết tâm đi đến cùng để thực hiện ước mơ, Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến mọi người tin rằng, sự sáng tạo của anh đã đưa cà phê lên một tầm vóc mới, đồng thời, cà phê cũng khơi nguồn cho mọi người sức sáng tạo vô biên. Đó là lý do mọi người gọi anh là Vua cà phê.
Từ cơ sở nhỏ mơ chuyện lớn lao
Câu chuyện bắt đầu từ một quyết định đã làm thay đổi cuộc đời Đặng Lê Nguyên Vũ: Rời bỏ đại học ngành y, khởi nghiệp thu mua cà phê về rang xay. Trên chiếc xe đạp cà tàng, những ý tưởng đã dần lớn theo những vòng quay bánh xe. Nung nấu trong đầu chàng trai Tây Nguyên này là câu hỏi: Tại sao Việt Nam, mà chủ yếu là Buôn Mê Thuột, nơi có hạt cà phê vào loại ngon nhất thế giới, xuất khẩu cà phê cũng vào hàng đầu thế giới, nhưng giá trị thu về vẫn thấp, nông dân vẫn nghèo? Những nhà xuất khẩu cà phê thô chỉ được hưởng một phần nhỏ, trong khi lượng tiền khổng lồ rót vào túi những hãng chế biến cà phê. Nguyên Vũ nhận ra, chỉ có chế biến cà phê, thì giá trị cà phê mới tăng lên gấp nhiều lần. Điều đó Việt Nam hoàn toàn có thể. Bởi đâu chỉ có hạt cà phê chất lượng, bí quyết rang xay cà phê của Việt Nam, đặc biệt là Buôn Mê Thuột đâu hề kém cạnh nơi nào. Ai đã từng thưởng thức ly cà phê Ban Mê, sẽ chẳng thể quên hương vị nồng nàn, quyến rũ của nó.
Phải làm cái gì đó khác, để thay đổi những thói quen cũ, nhưng lại phù hợp với xu hướng phát triển. Đó chính là tầm nhìn. Đặng Lê Nguyên Vũ đã có một nhận thức và tầm nhìn xa rộng về cà phê Việt Nam. Nhưng bắt đầu từ con số không, không thể trách nhiều người cho rằng anh không tưởng, viển vông. Nhưng anh vẫn quyết tâm, bởi anh nhìn thấy con đường. Và anh có sức sáng tạo không giới hạn chảy trong huyết quản.
Đặng Lê Nguyên Vũ đã đặt một cái tên khởi đầu sự nghiệp của mình, mà nghe qua ai cũng thấy "ngông": "Hãng cà phê Trung Nguyên". Chữ "Hãng", trong tiếng Việt, và trong giới kinh doanh, phải là một cơ sở to tát, chứ không thể là một căn nhà nhỏ ọp ẹp và chiếc máy rang xay cà phê cũ kỹ công suất thấp. Nhưng không lâu sau đó, cà phê Trung Nguyên vượt ra khỏi ranh giới Đắk Lắk, và làm một cuộc đổ bộ rầm rộ, nhanh chóng đến Sài Gòn năm 1998 qua phương thức nhượng quyền thương hiệu. Đây là cách mở rộng kinh doanh hiệu quả nhất bởi nó huy động được nguồn lực từ nhiều người khác để lớn mạnh, tạo thành một sức mạnh tổng hợp. Những năm của thập kỷ 90 thế kỷ trước, xuất hiện ở đâu, những quán cà phê Trung Nguyên cũng có sức hút mãnh liệt với dân ghiền cà phê.
Đâu chỉ có thế, cà phê Trung Nguyên còn dẫn dắt những người thưởng thức cà phê đến với những cảm thức mới về cà phê. Với việc tạo ra những loại cà phê khác nhau, hương vị khác nhau một cách tinh tế, Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến khách hàng có thể tự biến mình trở thành người sành điệu về cà phê qua việc phân biệt sự khác nhau trong từng hương vị của cà phê.
Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là "Vua cà phê Việt" một cách chính thức trên tờ tạp chí uy tín National Geographic Traveller và tháng 8/2012, tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi "zero to hero" (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).
Cà phê Trung Nguyên đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.
Nâng tầm vóc cà phê Việt
Đau đáu trong lòng Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là làm sao để đưa cà phê Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên thị trường thế giới.
Để thực hiện khát vọng lớn lao này, anh không ngừng học hỏi, đúc kết từ những bí quyết xây dựng thương hiệu cà phê của các nước khác, các hãng cà phê hàng đầu khác trên thế giới để mang về những cách thức chế biến cà phê ngon nhất. Anh tìm ra điểm hạn chế của cà phê Việt Nam và đệ trình Chính phủ các kế hoạch dài hạn, các dự án phát triển ngành cà phê Việt Nam, trong đó phần quan trọng là giúp đỡ nông dân trồng cà phê từ khâu canh tác đến thu hoạch và tiêu thụ, hướng đến mục tiêu đưa ngành cà phê Việt Nam đạt 20 tỷ USD/năm. Giấc mơ đưa Đắk Lắk trở thành "Thiên đường cà phê", "Thánh địa cà phê toàn cầu" nghe thật to tát, nhưng với Đặng Lê Nguyên Vũ, ước mơ - khao khát - hành động chưa bao giờ là những điều không tưởng. Với anh, ước mơ phải thật lớn, khao khát phải cháy bỏng và thực hiện chúng với niềm tin mãnh liệt bằng tất cả sức mình và theo đường lối cấp tiến khoa học. Đặc biệt là trong những giấc mơ thành đạt của anh luôn có lòng tự tôn dân tộc và tình yêu thương vô bờ bến với những người dân cùng đồng hành với mình. Chính vì vậy, trong kế hoạch thực hiện của anh phải tiến hành đồng thời cả ba quy trình: Khoa học - Văn hóa - Tâm linh. Nghĩa là, trồng cà phê theo lối tự nhiên, không độc hại, gây tổn thương môi trường; thu hoạch, chế biến theo tiêu chuẩn tiên tiến, cùng với việc tổ chức các lễ hội cà phê, lễ hội cồng chiêng, tôn vinh những sáng tạo trong lĩnh vực cà phê và xây dựng những biểu tượng, niềm tin trong một thế giới đang khủng hoảng.
"Tồi có 3 mục tiêu lớn trong đời:
Đưa ngành cà phê Việt Nam đạt 20 tỷ USD/năm và đưa Trung Nguyên ra toàn cầu.
Xây dựng học thuyết cà phê - sáng tạo có trách nhiệm. Học thuyết này xuyên qua tất cả tôn giáo, dân tộc, chính trị để đến với tất cả mọi người.
Xây dựng hoài bão lớn cho dân tộc, đua tranh với những nước hùng mạnh nhất.'
Đặng Lê Nguyên Vũ
Viễn cảnh này thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của nhiều người, cả trong và ngoài nước Việt Nam. Nhiều chuyên gia đến hợp tác với Trung Nguyên đã thốt lên rằng, không ngờ Việt Nam lại có ý tưởng táo bạo đến vậy!
Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang từng ngày thực hiện giấc mơ của mình. Làng cà phê Trung Nguyên ra đời là một trong những công trình hiện thực hóa cho ý tưởng "Thiên đường cà phê" trong một phạm vi nhỏ. Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo ra một không gian đậm chất cà phê, để mọi người không chỉ thưởng thức những giọt cà phê sóng sánh mà còn được thư giãn trong sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc độc đáo, được hiểu thêm về cà phê cũng như văn hóa Tây Nguyên với các hiện vật tại bảo tàng.
Bản sắc cà phê, Trung Nguyên, và bản sắc "Vũ"
Tạp chí National Geographic Traveller và tạp chí Forbes đã tôn vinh Đặng Lê Nguyên Vũ là "Vua cà phê Việt". Đó là một danh hiệu xứng đáng dành cho anh. Anh sống và gắn bó với cà phê từng hơi thở, từng nỗi đau đáu, đi tìm con đường phát triển, xây dựng thương hiệu và bản sắc riêng cho cà phê Việt nói chung và Trung Nguyên nói riêng. Không hề quá khi nói rằng, sự xuất hiện của Đặng Lê Nguyên Vũ đã đánh thức cà phê Việt, làm cho tầm vóc cà phê lớn lên, có sức sống, có hồn. Anh trăn trở đi tìm và xây dựng học thuyết về cà phê, khơi dậy văn hóa cà phê. Giờ đây người ta có thể thấy ngày càng rõ nét diện mạo của cà phê Việt, bản sắc cà phê Việt và tầm ảnh hưởng của cà phê trong tâm thức, đời sống của người dân Việt cũng như thế giới.
Tháng 11/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ là người châu Á duy nhất được mời tham dự hội thảo "Thiết lập chương trình nghị sự quốc tế" tổ chức tại Lucerne (Thụy Sĩ) và gây kinh ngạc khi khẳng định "học thuyết cà phê" sẽ thay thế các học thuyết đã gãy đổ. Tham luận của anh đã được đăng trên cuốn Báo cáo chỉ số hòa bình toàn cầu 2012 và Báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp toàn cầu 2012.
Sự kiện này hỗ trợ cho chiến lược mà Đặng Lê Nguyên Vũ đã dành bao tâm huyết, đó là chinh phục thị trường thế giới, để Việt Nam nói chung và Trung Nguyên nói riêng sẽ là thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới! Nếu bạn muốn là người dẫn đầu, hãy cạnh tranh với những người dẫn đầu vì chỉ cần chiến thắng họ, bạn chắc chắn là người dẫn đầu - đó chính là con đường mà Vũ vạch ra và theo đuổi để đạt mục tiêu của mình.Trên con đường ấy, Trung Nguyên đang tiến vào thị trường Mỹ với những bước đi vững chắc, lấy châu Á là thị trường nội địa của mình và tâm điểm bệ phóng là Singapore.
Giá trị cốt lõi:
Khát vọng lớn
Tinh thần quốc gia, tinh thần quốc tế
Không ngừng sáng tạo đột phá
Thực thi tốt
Tạo giá trị và phát triển bền vững
Gần đây, Trung Nguyên đã thay đổi và làm mới hình ảnh của mình qua việc làm mới những quán cà phê. Không đơn thuần là một quán cà phê bình thường mà là một không gian cà phê đậm chất hơn, đẳng cấp hơn với những hạt cà phê thơm ngon, chiếc máy rang xay tại chỗ, những hình ảnh và thông tin phong phú về cà phê. Hướng đi này cho thấy Trung Nguyên vẫn tiếp tục khẳng định một con đường đi riêng, với bản sắc độc đáo, với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo cho mọi người khi đến với cà phê Trung Nguyên. Nhìn vào hệ thống quán cà phê màu sắc mới mẻ này, người ta có thể thấy chiến lược cạnh tranh của Trung Nguyên cũng như của Đặng Lê Nguyên Vũ rất bình tĩnh, tự tin trước người khổng lồ Starbucks. Trong khi người ta lo ngại Trung Nguyên sẽ bị Starbucks nhấn chìm thì Đặng Lê Nguyên Vũ đã chỉ ra sự khác biệt giữa Trung Nguyên và Starbucks. Trung Nguyên là cà phê. Starbucks không có bản sắc của cà phê, mà là một thương hiệu "fast foods". Với bản sắc riêng, Trung Nguyên vẫn chinh phục thị trường nội địa một cách thuyết phục.
Những thành công của Trung Nguyên là thành quả của Đặng Lê Nguyên Vũ. Điều đó quá rõ. Có thể nhiều người cho Vũ là lập dị, kỳ quặc, khác thường... nhưng không thể phủ nhận rằng anh là một nhà lãnh đạo tài giỏi. Nếu không nghĩ lớn, sẽ chẳng thể bắt đầu một điều gì lớn lao. Nếu không quyết tâm thực hiện những mục tiêu lớn, vội vàng bỏ cuộc khi thử thách không chỉ là những chướng ngại vật trên đường đi mà còn là sự không ủng hộ của nhiều người, thì sẽ chẳng bao giờ đi đến đích. Có những lúc người ta thấy Đặng Lê Nguyên Vũ đơn độc trên hành trình của mình, hoặc may mắn thì có vài người ủng hộ, nhưng anh vẫn tiến về phía trước. Anh có một niềm tin, có lập luận sắc bén về những gì mình đã chọn. Không ít lần anh thất bại, nhưng không bao giờ bỏ cuộc. Anh đã biến thất bại thành những bài học kinh nghiệm quý giá để rồi tìm ra một hướng đi khác, một cách thức khác để đi tiếp đến thành công.
Trong mỗi công việc, mỗi vấn đề, Đặng Lê Nguyên Vũ luôn tìm rõ ngọn nguồn, bản chất cốt lõi và tìm cách giải quyết từ gốc. Chính vì vậy mà những bước đi của anh rất vững chắc. Có một điều không thể không nói đến, đó là trong trái tim anh, khối óc anh luôn là những suy nghĩ táo bạo, lớn lao, nhưng cách thức thực hiện của anh ngày càng cân nhắc hơn, dựa trên nền tảng và những nguồn lực tốt hơn để đạt được những thành quả vững chắc hơn. Đặng Lê Nguyên Vũ đã đạt đến độ chín với sự từng trải, chiêm nghiệm và sâu sắc đến đáng nể phục. Ở người đàn ông mới ngoài tứ tuần này không chỉ có một sức hút kỳ lạ khiến người khác cuốn theo anh, mà quan trọng hơn là anh có một sức lan tỏa, ảnh hưởng mãnh liệt.
Sứ mạng với thế hệ trẻ
Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng hề giấu giếm bí quyết thành công của mình. Trái lại, anh còn đặt rất nhiều kỳ vọng ở thế hệ trẻ kế tiếp và tin rằng mỗi người đều có thể trở thành những con người tài giỏi. "Mọi công dân đều có quyền nghĩ lớn", anh nói.
Nguyên Vũ chia sẻ: "Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam, mong muốn họ tin rằng những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được". Anh muốn mình là nguồn cảm hứng để khơi dậy sức mạnh ở họ. Bản thân anh, xuất phát điểm thấp, một hành trình dài đầy thử thách, nhưng anh đã làm được, và tiếp tục làm hơn thế nữa. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể tin tưởng ở anh, và họ sẽ có một sự nghiệp như thế hoặc hơn thế nếu thật sự dám dấn thân.
Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định, rất nhiều thanh niên Việt Nam có thể có mộng làm giàu, dám nghĩ, dám làm. Nhưng điều đó chưa đủ. Phải biết cách để thực hiện nữa: "Nếu không ước mơ, làm sao có hiện thực? Nếu không hành động, đừng mong có thành quả". Và công thức thành công của anh là: (1) Phải có ước mơ lớn, (2) Lựa chọn đúng lĩnh vực và (3) Giải quyết vấn đề một cách thông minh. Chính nhờ yếu tố thứ 3 này mà những ước mơ lớn của Đặng Lê Nguyên Vũ không hề viển vông mà đang dần trở thành hiện thực khiến nhiều người khâm phục. Nghĩ được, làm được, còn gì tuyệt vời hơn thế nữa!
Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu việc "truyền lửa" đến thanh niên bằng việc tặng hàng triệu cuốn sách "Nghĩ giàu Làm giàu" của Napoleon Hill cho thanh niên cả nước. Anh tin rằng có những cuốn sách sẽ làm thay đổi cuộc đời, và "Nghĩ giàu Làm giàu" là một cuốn sách như vậy.
NGUYỄN MINH TUẤN: ĐẲNG CẤP CHẤT LƯỢNG LÀM NÊN SỰ GIÀU CÓ
Năm 2012, Nguyễn Minh Tuấn đã được UBND TP.HCM vinh danh là một trong những Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu. Người đàn ông có vẻ ngoài lịch lãm, hòa nhã này đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế TP.HCM từ khi là một người thợ đến một doanh nhân thành đạt.
Từ sự kiên trì theo đuổi ước mơ, đam mê nghề nghiệp và sự sáng tạo, đổi mới không ngừng, Nguyễn Minh Tuấn đã xây dựng thành công thương hiệu Kềm Nghĩa, nâng vị thế của một ngành nghề lên một đẳng cấp mới, với chất lượng và tính thẩm mỹ cao.
Nguyễn Minh Tuấn nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt nhiều năm liền từ năm 2005-2010.
Thương hiệu Kềm Nghĩa được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao 12 năm liền, lọt vào Top 100 thương hiệu mạnh nhất quốc gia, Thương hiệu mạnh Việt Nam.
Ước mơ cháy bỏng của chàng thợ mài kềm
Cơ duyên đưa Nguyễn Minh Tuấn đến với nghề thợ kềm rất đơn giản: Tuấn có một người chị mở tiệm làm móng, muốn có người mài kềm. Hồi đó ở Sài Gòn chỉ có hai người mài kềm là ông Sáu Chợ Thiếc và ông Năm Sài Gòn. Nguyễn Minh Tuấn đã học cách thức kinh doanh từ ông Năm Sài Gòn và kỹ thuật mài kềm từ ông Sáu Chợ Thiếc. Hai con người này rất khác nhau. Ông Sáu Chợ Thiếc tay nghề cao hơn ông Năm Sài Gòn, nhưng tủ đồ của ông xập xệ, cáu bẩn, ông lại ở trần vật lộn với cây kềm. Trong khi đó, ông Năm Sài Gòn luôn mặc sơ mi trắng ủi phẳng phiu. Bên cạnh là cô con gái làm nhiệm vụ thư ký, vừa ghi chép sổ sách, vừa phát số thứ tự cho khách hàng. Ông luôn trọng chữ tín và làm hài lòng khách hàng. Vì vậy mà ông giàu lắm, con ông đều có xe hơi riêng.
Với nhận thức và tư duy nhạy bén, Nguyễn Minh Tuấn sớm nhận ra vấn đề của mình. Anh yêu nghề mài kềm, và muốn trở thành một người thợ giỏi. Nhưng anh cũng mộng làm giàu từ nghề này. Và anh thấy hai ước muốn đó không có gì mâu thuẫn. Khi quan sát những người Hoa sinh sống ở Chợ Lớn, anh thấy họ thành công nhờ làm thương mại giỏi trên nền tảng là những sản phẩm do chính họ sản xuất. Từ đó anh hiểu rằng, để thành công, anh phải làm ra được sản phẩm có chất lượng và bán được sản phẩm đó.
Sau vài năm học việc, anh mở một cửa hàng nhỏ, mài kéo cắt móng tay, bán các dụng cụ làm móng và chăm sóc tóc. Tuy chăm chỉ làm việc nhưng nguồn thu rất hạn chế. Sau 3 năm, anh nhận ra rằng mình phải thay đổi, nếu chỉ dựa vào công sức mài kềm và kinh doanh nhỏ lẻ thì không thể ổn định cuộc sống, huống gì lớn mạnh. Anh giao cho vợ trông coi cửa hàng để anh tập trung suy nghĩ tìm hướng đầu tư sản xuất. Đến năm 1992, Nguyễn Minh Tuấn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với số vốn chỉ vài chục triệu đồng và quy mô diện tích khoảng 300 m2.
Lúc này anh làm sản phẩm theo các mẫu mã của nước ngoài, gắn tên nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt của thị trường. Bên cạnh đó, anh gắn thương hiệu "Nghĩa Sài Gòn" cho các sản phẩm bán tại cửa hàng của mình. Đây chính là cái nền đầu tiên để anh từng bước xây dựng thương hiệu, dần dần loại bỏ những sản phẩm mang tên nước ngoài. Người ta bắt đầu thích sản phẩm "Kềm Nghĩa" không chỉ bởi chất lượng, mà còn nhờ bao bì bắt mắt và có thể dùng thử sản phẩm trước khi mua. Chính điều này thể hiện cam kết của Kềm Nghĩa về chất lượng từ ngày đầu khởi nghiệp đến nay.
Cuộc chinh phục thị trường
Giờ đây, sản phẩm của anh đã thống lĩnh thị trường nội địa và có mặt trên hơn hai mươi nước khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Điều đáng kinh ngạc là anh chiếm lĩnh được cả thị trường Trung Quốc, nơi mà thứ gì cũng rẻ nhất thế giới, và cả Đức, Thụy Sĩ - những xứ sở nổi tiếng nhất thế giới về chất lượng và thương hiệu. Anh mỉm cười giải thích: "Tôi bán kềm cắt móng tay của mình với giá gấp bốn lần so với những người Trung Quốc vì kềm của tôi sắc hơn của họ, và thấp hơn 50% giá so với Đức và Thụy Sĩ tuy chất lượng bằng 80% của họ - kềm của tôi không bền bằng của họ nhưng lại bén hơn. Đó là bí mật của tôi".
Anh bồi hồi nhớ lại thuở ban đầu khi làm ra những chiếc kềm đầu tiên, Tuấn đem chúng đến các cửa hàng làm đẹp. Tuy nhiên, anh không được hoan nghênh. Mặc dù vậy, Nguyễn Minh Tuấn không nản chí. Anh tin rằng, nhất định sẽ có lúc nào đó sản phẩm của mình được chấp nhận, đó chính là lúc sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của họ. Anh tìm tòi, nghiên cứu để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, thậm chí là tìm ra được cái hạn chế của những sản phẩm có mặt trên thị trường để hoàn thiện sản phẩm của mình. Đây cũng chính là yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh, vượt lên trên những đối thủ của mình. Nguyễn Minh Tuấn nhận thấy, sản phẩm của Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng kém, vì vậy không đáp ứng được nhu cầu của những người thợ chuyên nghiệp. Anh lập tức xác định hướng đi của mình là đây. Dù cho giá bán sản phẩm của Kềm Nghĩa đắt gấp nhiều lần so với hàng Trung Quốc, nhưng lại được những người thợ chuyên nghiệp chấp nhận, bởi nó đáp ứng được những yêu cầu: thép tốt, chốt khéo và sắc bén.
Thời cơ đến với Nguyễn Minh Tuấn khi nhu cầu thị trường tăng lên đáng kể do mỗi một người đều muốn có bộ dụng cụ cắt móng riêng nhằm đảm bảo ngăn chặn việc lây lan bệnh AIDS qua việc sử dụng bộ cắt móng chung. Nguyễn Minh Tuấn đã nhắm đến đối tượng khách hàng cá nhân, và anh đã nhanh chóng đưa sản phẩm trở nên phố biến rộng rãi. Bằng hệ thống phân phối và bán lẻ chuyên nghiệp, Kềm Nghĩa đã chiếm lĩnh 80% thị phần tại Việt Nam. Hiện công ty có hơn 120 đại lý, và xuất hiện khắp hầu hết các siêu thị, chợ, cửa hàng bán vật dụng chăm sóc móng, làm đẹp. Thương hiệu Kềm Nghĩa trở thành thương hiệu mạnh nhất trong lĩnh vực của mình với sự khác biệt và nổi trội.
Mọi tấm huy chương đều có 2 mặt. Với khao khát làm giàu và dành trọn tâm huyết để theo đuổi mục tiêu của mình, Nguyễn Minh Tuấn lao tâm khổ tứ rất nhiều, tinh thần và thể chất đôi khi bị vắt kiệt. Anh đã từng bị stress liên miên.
Rất may, anh đã tìm ra phương thuốc tự cân bằng cho bản thân: chơi thể thao. Nhờ đó mà chúng ta luôn nhìn thấy một doanh nhân Nguyễn Minh Tuấn có phong thái năng động, lịch lãm với nụ cười hòa nhã và thân thiện.
Không những chỉ chú trọng vào chất lượng của sản phẩm, Nguyễn Minh Tuấn sớm nhận ra giá trị cần được đưa vào sản phẩm: tính thẩm mỹ. Mặc dù đây là một sản phẩm cơ khí, nhưng để phục vụ nhu cầu làm đẹp, chúng cần phải có tính thẩm mỹ để tạo ra cảm hứng ở người sử dụng. Giỏi nghề, khéo tay và hiểu rõ yêu cầu khách hàng nhờ tích lũy kinh nghiệm từ hồi làm thợ mài kéo giúp anh tự tay thiết kế những mẫu kềm và các dụng cụ làm đẹp khác mềm mại, uyển chuyển, rất thân thiện, tạo sự thoải mái tối đa khi sử dụng. Bản thân những người sử dụng trực tiếp sản phẩm của Kềm Nghĩa cũng cảm thấy được trân trọng, nâng niu và hài lòng. Nhờ vậy, Kềm Nghĩa đã góp phần giúp người phụ nữ trở nên tự tin, quyến rũ, hạnh phúc và thành đạt hơn trong cuộc sống.
Sáng tạo và khác biệt
Thành công của Nguyễn Minh Tuấn xuất phát từ một nguyên tắc rất đơn giản. Trước tiên, phải có một mong muốn lớn và không bao giờ từ bỏ mong muốn này. Kế tiếp, phải nuôi dưỡng mong muốn đó và làm tất cả mọi thứ để nó trở thành sự thật.
Ngay từ khi khởi nghiệp là một anh thợ mài kềm trình độ học vấn thấp, tay nghề còn non nớt, anh đã nung nấu một ước mơ, một khát khao cháy bỏng là trở thành một người chủ trong nghề này. Dẫu cho trải qua nhiều khó khăn của buổi đầu, anh vẫn không hề thay đổi sự lựa chọn của mình, vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu, tìm ra con đường đi riêng, có thể vượt qua những đối thủ cạnh tranh bằng những ưu thế đặc biệt, vượt trội do mình tạo ra. Anh đã dày công nghiên cứu, quan sát và phân tích rõ ngọn nguồn các vấn đề kỹ thuật và thương mại của lĩnh vực mà mình theo đuổi, tìm ra những khe cửa hẹp, những yếu điểm của thị trường, những nhu cầu thật sự của người tiêu dùng.
Để đạt đến chất lượng cao nhất, Nguyễn Minh Tuấn đã xác định công nghệ là then chốt. Anh đầu tư những trang thiết bị hiện đại, dây chuyền công nghệ khép kín và được quản lý bằng hệ thống chất lượng ISO. Bên cạnh đó, anh cũng quy tụ những con người có nhiều kinh nghiệm, luôn phát huy tinh thần học hỏi, tư duy sáng tạo, góp phần quan trọng trong việc đưa ra thị trường những sản phẩm tinh vi về kỹ thuật, sắc sảo về kiểu dáng nhằm thỏa mãn cao nhất thị hiếu của khách hàng.
Không chỉ sáng tạo và thay đổi mẫu mã để các sản phẩm kềm cắt móng ngày càng hoàn thiện, Nguyễn Minh Tuấn còn xem việc đa dạng hóa sản phẩm là một chiến lược lâu dài. Đây sẽ là việc để Kềm Nghĩa trở thành nhà cung cấp các sản phẩm làm đẹp trọn vẹn. Tháng 9/2008, thương hiệu Nghĩa Beauty ra đời với các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp. Tháng 9/2009, nhãn hàng nước sơn móng O'Beauty xuất hiện trên thị trường với đặc tính nổi trội mà không phải sản phẩm nào cũng có: tính an toàn cho người sử dụng đã được các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế châu Âu, Mỹ chứng nhận, được sản xuất theo dây chuyền công nghệ và nguồn nguyên liệu từ Pháp.
Gởi cả trái tim và khối óc vào sản phẩm
Nguyễn Minh Tuấn đã dành trọn niềm đam mê của anh vào nghề nghiệp cũng như công việc kinh doanh của mình. Nhưng để nuôi dưỡng niềm đam mê đó, anh đã gởi cả trái tim và khối óc của mình vào đó. Có như thế mới mong làm ra những sản phẩm tốt, được người tiêu dùng đónnhận. Hơn thế nữa, anh còn là người thể hiện sự tôn trọng và yêu mến kháchhàng qua từng sản phẩm. Cầm sản phẩm của anh trên tay, họ thấy cả sự chân thành, sự nỗ lực hoàn thiện để đem đến sự hài lòng cao nhất. Người ta không tìm thấy một sự cẩu thả nào trong các sản phẩm, các mẫu mã bao bì hay cách trưng bày sản phẩm Kềm Nghĩa. Và chính họ đã bình chọn cho Kềm Nghĩa là Hàng Việt Nam chất lượng cao 10 năm liền.
Tất cả những điều anh cố công làm đều xuất phát từ triết lý thành công của anh: "Nếu bạn yêu thương người khác thế nào thì bạn sẽ được nhận lại tình yêu của họ như thế". Với anh, những khách hàng chính là người thân đáng để anh trao cho họ tình yêu thương vô bờ bến bằng những chăm chút cho từng sản phẩm gửi đến họ. Tất cả gói gọn trong một từ duy nhất giúp anh thành công, chính là chữ "TÂM".
Bài học từ thất bại
Thương trường không phải lúc nào cũng thuận lợi theo ý mình. Mặc dù quan điểm của Nguyễn Minh Tuấn rất có lý, nhưng anh đã vấp phải thất bại khi nó không phù hợp với thực tế.
Anh cho rằng, cái tệ của nhiều người Việt là luôn nghĩ đến việc làm sao để rẻ hơn, thay vì làm thế nào cho tốt hơn. Chính vì thế, Nguyễn Minh Tuấn cho rằng anh đã quyết tâm làm ra sản phẩm tốt thì anh có quyền định giá sản phẩm cao, vừa khẳng định giá trị sản phẩm vừa có nguồn lợi nhuận tốt để nâng cao thu nhập của người lao động, tương xứng với những gì họ bỏ ra. Đây là một tư duy mới mẻ đối với doanh nhân Việt, và chính tư duy đó đã đưa Nguyễn Minh Tuấn đến con đường làm giàu, đến một vị thế cao trên thương trường. Giá sản phẩm của anh cao gấp 4 lần so với sản phẩm Trung Quốc nhưng thị trường vẫn chấp nhận, thậm chí mỗi lần tăng giá, doanh thu lại càng tăng.
Tuy nhiên, khi anh quyết định tăng giá bán vào tháng 3/2007 thêm 15% và tăng tiếp 60% vào 4 tháng sau thì nhận được phản ứng tiêu cực từ phía thị trường. Quyết định này trùng hợp với thời điểm kinh tế khủng hoảng, nhu cầu giảm; hai yếu tố cộng lại khiến doanh thu lập tức giảm 40%, Nguyễn Minh Tuấn buộc phải thu hẹp sản xuất, cho nhiều công nhân nghỉ việc.
Có thể nhiều người khi gặp sự cố này sẽ thay đổi quyết định và điều chỉnh chiến lược về giá. Nhưng Nguyễn Minh Tuấn vẫn quyết định giữ giá bán, bởi giảm giá đồng nghĩa với lợi nhuận thu về thấp, càng khiến công ty khó khăn hơn. Anh nhìn lại chiến lược tăng giá của mình bị sơ suất ở điểm nào và từng bước điều chỉnh, khắc phục một cách linh hoạt. Sang năm 2008, doanh thu chỉ giảm 5% và năm 2009 đã phục hồi với mức tăng 15%. Từ đó anh rút ra bài học rằng, mọi quyết định dù lý thuyết là đúng, vẫn phải cần đúng lúc, đúng chỗ mới có thể phát huy hiệu quả.
Chăm lo từ chính người lao động của mình
Vốn đã không may mắn từ thuở nhỏ, lăn lộn đi làm công để kiếm sống nên Nguyễn Minh Tuấn hiểu được hoàn cảnh của những người đi làm công. Vì thế, việc làm hướng về cộng đồng của anh, trước hết chính là việc anh lo lắng cho người lao động của mình. Anh luôn có thái độ chan hòa, yêu thương họ, tạo điều kiện để họ làm việc và xem công ty như mái nhà thứ hai của mình. Chính điều này đã giúp cho công ty Kềm Nghĩa có một sức mạnh nội tại rất lớn, bởi các nhân viên đồng lòng góp sức vì sự phát triển của công ty, xem sự phát triển của công ty chính là sự phát triển của bản thân mình, gia đình mình.
"Hãy trả lại cho cộng đồng khi bạn đã gặt hái thành quả từ họ" là cốt lõi văn hóa kinh doanh mà Nguyễn Minh Tuấn hun đúc cho Kềm Nghĩa. Vì thế, anh đã tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, chia sẻ lợi nhuận có được từ kinh doanh cho cộng đồng, góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Suy cho cùng, một doanh nhân làm giàu đâu chỉ để đem lại một cuộc sống sung túc cho bản thân, thỏa mãn những khát vọng của cá nhân mình. Mà hơn thế, họ còn làm cho rất nhiều người hưởng được những lợi ích từ thành công của họ. Đó mới thật sự là thành công bền vững. Nguyễn Minh Tuấn đã, đang và sẽ làm được như thế, và hơn thế nữa, "cho cuộc sống thêm ý nghĩa".
LÝ NGỌC MINH: DỰNG NGHIỆP TỪ ĐẤT - VINH QUANG TỪ ĐẤT
NNgười ta gọi ông là "Edison Việt Nam", "ồng vua gốm sứ Việt Nam" hay người "biến hạt bụi thành... vàng ngọc"... Đó chính là "Chân dung thu gọn" của ông Lý Ngọc Minh, người khai sinh ra Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long, trị giá trên 100 triệu đô-la Mỹ; tạo ra hon 3.000 việc làm cho người lao động; các sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Sĩ và Mỹ, với giá trị xuất khẩu chiếm 70-80% doanh thu...
Sản phẩm sứ Minh Long vinh dự được chính phủ Việt Nam dùng làm quà tặng cấp Quốc gia ở những sự kiện lớn như Hội nghị APEC năm 2006, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17. Gốm sứ cao cấp Minh Long đã đạt nhiều danh hiệu quốc gia và giải thưởng Châu Á Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award - GPEA)...
Năm 2007, ông Lý Ngọc Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ông Lý Ngọc Minh đón chúng tôi trong sảnh lớn ở tầng hai, khu văn phòng trung tâm Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long. Người đàn ông quyền lực với vẻ ngoài nho nhã, bặt thiệp, ân cần trò chuyện với chúng tôi. Những trang đời được mở ra, những câu chuyện riêng ẩn được kể lại, những quãng thăng trầm được nhắc đến...về một con người đã dùng cả cuộc đời mình thực hiện giấc mơ gốm sứ.
Từ giấc mơ của một cậu bé
Sinh ra trong một gia đình đã 3 đời làm nghề gốm, cha mất khi cậu bé Lý Ngọc Minh chưa đầy 7 tuổi. Con đông, nhà nghèo, mẹ phải tái giá khi cậu chưa đầy 10 tuổi. 12 tuổi, khi cùng cha dượng xem triển lãm gốm Tân Hòa Phát, Lý Ngọc Minh đã "bén duyên" với gốm sứ để rồi mấy mươi năm sau chính mình làm nên một thương hiệu rạng danh tổ nghiệp.
Dù lúc ấy chỉ là một cậu bé, nhưng vẻ đẹp kỳ diệu của những món đồ gốm trong lần theo chân cha dượng dự triển lãm đã ám ảnh Ngọc Minh... Lần đầu tiên trong đời cậu bé thấy được những thứ đồ sứ tinh xảo, xinh đẹp đến vậy, thật khác xa với những sản phẩm gia dụng bình dân, đơn giản với 2 màu men xanh nâu truyền thống mà cậu thấy hàng ngày trong lò gốm của mẹ và những người hàng xóm. Trong lòng cậu bé đã nhen nhóm một cuộc "cách mạng" nghề gốm trên chính quê hương và lò gốm nhà mình.
Được gia đình cho theo học cả hai trường của người Việt và người Hoa nhưng cậu bé Minh sớm phải nghỉ học khi chưa kịp tốt nghiệp tiểu học vì gia cảnh nghèo khó. Nhưng lòng ham học hỏi thôi thúc cậu tìm cách theo đuổi một chương trình hàm thụ tiếng Trung qua thư ở một trường học Đài Loan. Một cô gái đã đồng hành cùng cậu trên con đường khổ luyện đó và sau này trở thành người vợ hiền đồng hành với Lý Ngọc Minh suốt cả cuộc đời.
Với vốn tiếng Trung khá tốt cậu tự tìm đọc tài liệu về cách tạo màu men sứ qua sách báo tiếng Hoa dịch từ các tài liệu của Anh, Pháp, Đức, Ý,... Mê mẩn với những sắc màu rực rỡ trên các tuyệt phẩm gốm sứ của phương Tây, 16 tuổi Lý Ngọc
Minh cùng người bạn thân thiết là Dương Văn Long mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu men sứ (gọi là phòng thí nghiệm nhưng thực ra đó chỉ là một cái kho đất sơ sài cùng dụng cụ thí nghiệm là mấy cái keo, lọ, chai xì dầu đựng axit, chiếc cối cà, ống hút.). Sau ba năm miệt mài trong phòng thí nghiệm, kiến thức kỹ thuật từ lò gốm của gia đình khác xa với kỹ thuật của thế giới, trải qua hàng ngàn thất bại hai chàng trai trẻ đã tìm ra công thức tạo nên men sứ của riêng mình, kết hợp được nét độc đáo của kỹ thuật truyền thống Việt Nam và thế giới. Năm 1970, hai người bạn cùng nhau thành lập Công ty Gốm sứ Minh Long.
Sản phẩm đầu tiên là chiếc bình hoa sặc sỡ được mẹ mang từ Bình Dương ra Chợ Lớn (Sài Gòn) chào hàng. Ngay lập tức sản phẩm được đón nhận, người ta chuyền tay nhau trầm trồ bởi màu men tươi tắn, bởi kiểu dáng đẹp, lạ mắt. Tiếng lành đồn xa, thương lái tìm về đến tận Bình Dương đòi gặp cho được "ông chủ lò gốm" và không thể tin được rằng đó chỉ là hai chàng trai trẻ nhà quê lấm lem trong chiếc quần soọc. Thành công đầu tiên khiến cả hai chàng trai trẻ càng trở nên tự tin dấn thân trên con đường gốm sứ.
Hai năm sau, Lý Ngọc Minh bắt gặp bình hoa sản xuất từ Đài Loan có kiểu dáng, họa tiết rất tinh xảo giá 200 USD (tương đương 55.000 đồng trong khi vàng chỉ có 50.000 đồng một lượng lúc bấy giờ). Đó là một món tiền quá lớn với một người mới khởi nghiệp nhưng không thể không mua để nghiên cứu. Nâng chiếc bình trên tay ngắm nghía, anh quyết định không thể cứ hài lòng với mấy món đồ gốm sơ sài, mình phải làm được bằng như thế hoặc hơn người ta! Minh Long bắt đầu xuất khẩu sản phẩm qua các nước Âu Mỹ và trở thành công ty gốm sứ cao cấp Việt nam nổi tiếng với gần 200 nhân công.
Khát khao ấy chưa kịp thực hiện thì sau ngày thống nhất đất nước, Công ty Gốm sứ Minh Long bị xếp vào dạng cần phải cải tạo tư sản. Sự nghiệp được xây đắp bằng mồ hôi nước mắt quay về con số không. Giấc mơ gốm sứ tạm gác lại, chàng trai trẻ ngoái lại nhìn lò xưởng nằm im lìm không ngọn khói, leo lên chiếc xe đạp cọc cạch, rướn mình trườn bánh trên con đường gồ ghề trước mắt tìm mảnh đất hoang cuốc đất trồng rau.
Nhưng ngay cả trồng rau thì anh cũng không thể chấp nhận mình là một nông dân ưng lòng với những điều ai cũng làm được, không thể kiếm sống qua ngày một cách tạm bợ. Vườn rau của anh chỉ sử dụng các giống rau quả nhập khẩu, độc đáo, chất lượng cao, chăm bón với quy trình khoa học ... Chẳng mấy chốc rau của anh nổi tiếng khắp vùng, không bao giờ đủ bán.
Nghề nông đem lại cuộc sống khấm khá cho gia đình, nhưng đó không phải là mục đích cuối cùng, cái anh muốn là lãnh đạo địa phương biết đến để không quên một Lý Ngọc Minh đam mê nghề gốm. Lấy hiện thực cuộc sống để nuôi dưỡng ước mơ, điều đó đã đánh động đến ông Bảy Thân (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học tỉnh Bình Dương) đến tận nơi thăm rẫy hoa màu rau trái của anh. Trước khi ra về ông Bảy Thân nắm vai anh lắc lắc: "Tao thấy mày làm nghề nông cũng tốt, nhưng không phải nghiệp của mày. Hãy trở về với nghề gốm sứ đi".
"Được lời như cởi tấm lòng", Lý Ngọc Minh quyết tâm trở lại đốt lửa những chiếc lò đã nguội lạnh ba năm mặc cho gia đình, bạn bè can ngăn, e ngại anh sẽ trắng tay lần nữa.
... đến Thương hiệu Quốc gia
Năm 1990 ông Minh thực hiện cuộc "cách mạng" thứ nhất về công nghệ với 98% sản phẩm được xuất khẩu. Một năm sau, ông được cấp giấy phép xuất khẩu đầu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam và gốm sứ Minh Long tái ngộ khách hàng Âu Mỹ. Đến năm 1995, khi sản xuất đồ sứ bàn ăn cao cấp cũng là lúc ông Minh bắt đầu cuộc tìm kiếm hình hài đặc trưng cho sản phẩm. 5 năm đi khắp các nước châu Âu, rồi đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, những nơi được xem là cội nguồn của gốm sứ để tìm những ý tưởng và công nghệ mới. Nhưng kỹ thuật, công nghệ làm sứ gia dụng hiện đại vẫn không làm ông thỏa mãn, ông nói: "Tôi muốn sản phẩm của mình đậm chất Việt Nam nhưng vẫn hiện đại, mang tầm quốc tế".
Năm 1996 ông Minh thực hiện cuộc "cách mạng" thứ hai, đưa gốm sứ về thị trường nội địa. Cũng năm ấy, trong khi hầu hết cơ sở sản xuất gốm sứ trong nước còn sử dụng công nghệ lạc hậu thì Minh Long đã bỏ ra hàng triệu USD để nhập lò nung của EU, đồng thời đầu tư trang bị dây chuyền sản xuất tiên tiến và hiện đại mang tầm cỡ quốc tế, thuê kỹ sư nước ngoài lắp ráp cùng với những bí quyết sáng tạo riêng như thêm bớt các chi tiết của lò nung để có thể điều chỉnh ngọn lửa phù hợp với màu men độc đáo, tạo sự mịn màng và chiều sâu cho màu men, những điều mà ngay cả các hãng gốm sứ nổi tiếng lâu đời trên thế giới từ châu Âu, Nhật Bản vẫn chưa làm được.
Minh Long luôn thực hiện nguyên tắc: bốn không - bốn có. Đó là "không thời gian, không biên giới, không giới tính, không tuổi tác"; và "có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách riêng và có hồn". Với slogan "Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người", "Hồn Việt trong mỗi nếp nhà", Minh Long đặt giá trị cao nhất về niềm tin chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ.
"Vua gốm sứ Việt" Lý Ngọc Minh đưa chúng tôi vào Showroom Minh Sáng. Lộng lẫy và choáng ngợp, đó là cảm giác đầu tiên đến với chúng tôi trước vô vàn sản phẩm gốm đẹp rạng ngời. Sau đó là sự say mê bởi vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, sang trọng của các sản phẩm gốm sứ tinh xảo đến lạ lùng với màu đỏ thắm, bóng trong, màu xanh vua, màu đỏ cung đình huyền thoại. Rõ ràng một phong cách rất châu Âu nhưng vẫn toát nên hồn cốt Việt. Những chiếc bình rất lạ, mỗi chiếc một kiểu dáng, hoa văn chìm ẩn tinh thần phương Đông, vừa rất ấn tượng theo kiểu phương Tây với màu men tươi sáng lung linh, rực rỡ. Điều đó làm nên "chất riêng" của gốm sứ Minh Long.
Vẻ đẹp của gốm sứ Minh Long ẩn chứa triết lý phương Đông, cũng như trong cách sống, làm việc, quan niệm, ứng xử của ông Lý Ngọc Minh mấy mươi năm qua đều bàng bạc triết lý nhân sinh sâu sắc mà sách vở của hai bậc thức giả Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần mang lại.
Câu chuyện của Minh Long là câu chuyện của hạt bụi bé nhỏ phôi thai trong cuộc hợp hôn của Trời và Đất, được tạo hình, nhúng men, qua ngọn lửa thiêng 1.380 độ C, trang trí rồi bừng sáng bởi hồn cốt Việt. Câu chuyện của đất, tay người và công nghệ cao, rất dân tộc nhưng quốc tế, nhân loại. Đó là nội dung bộ phim tư liệu "Đất của mẹ" do ông Lý Ngọc Minh biên tập và cũng là câu chuyện về chính ông, đời thứ 3 của dòng họ Lý làm rạng rỡ Tổ nghiệp, một dòng họ dựng nghiệp từ đất và vinh quang từ đất!
Một bạn trẻ trong đoàn bất chợt hỏi: "Cháu làm thế nào để có thể thành công như bác?", ông Minh cười hiền: "Bạn trẻ, bạn phải có ước mơ nhưng ước mơ thôi chưa đủ. Bạn phải thắp lửa đam mê và đặt mình vào thế phải thực hiện bằng được ước mơ. Nếu bạn có ngọn lửa đó, nó sẽ thắp sáng vạn vật để làm nên sự sống".
Những thăng trầm, vất vả mấy mươi năm của Lý Ngọc Minh giờ đây chỉ nhẹ nhàng như một giấc mơ, nhưng: "Thành tựu lớn nhất trong cuộc đời tôi vẫn còn ở phía trước kia", ông mỉm cười điềm đạm. Bỗng ông chuyển giọng đầy đam mê, ánh mắt ngời sáng: "Không có gốm thì không có cuộc sống loài người từ lúc khởi thủy mà cũng không có ngành khoa học vũ trụ ngày nay. Còn rất nhiều việc để làm cho gốm và giờ đây tôi đặt hy vọng vào thế hệ thứ tư của Minh Long".
Sản phẩm Minh Long đi khắp thế giới, nhưng đại gia đình ông lại yên bình quây quần ở thành phố nhỏ Bình Dương. Các con ông, không chọn con đường khởi nghiệp ở nước ngoài - nơi họ được đào tạo - mà đều quyết định trở về tiếp tục viết lên câu chuyện gốm sứ của dòng tộc. Ông không buộc họ trở về, chính dòng máu đam mê chảy trong huyết mạch họ thôi thúc họ trở về.
Là một tác giả, tôi gặp rất nhiều người để lại cho tôi những ấn tượng tuyệt vời. Tôi thực sự được chiêm ngưỡng họ, thẩm thấu những trải nghiệm của họ để hiểu biết họ. Với ông Lý Ngọc Minh, cốt cách của một con người trọng tình, trọng nghĩa đã chi phối quan niệm kinh doanh, tôi rất trân trọng. Đẹp tuyệt vời và kỳ ảo, gốm sứ Minh Long thực sự gây sự chú ý và làm ấm tâm hồn người thưởng ngoạn. Tôi có cảm giác đặc biệt này khi nhìn thấy một chiếc bình hoa trang trí hình Bọ Cánh Cam trong cuốn catalogue ông Minh đã tặng tôi. Tôi chỉ muốn đặt nó trong nhà tôi một thời gian ngắn để giới thiệu với bạn bè và những người khách của mình.
Và khi tôi ngỏ ý về điều này, ông Lý Ngọc Minh không chỉ đã đồng ý mà còn muốn tặng nó cho tôi. Đến khi chúng tôi cùng bước vào Showroom Minh Sáng, ông nhận ra chiếc bình đó là hàng trưng bày và không thể cho tặng ai; nếu muốn chế tác một cái khác phải mất 3 tháng, và do đó ông đã cốgắng chọn cho tôimột chiếc bình khác. Nhưng với tôi, chiếc bình ấy rất đặc biệt nên tôi nói rằng tôi sẽ chờ đợi 3 tháng để có được nó. Tôi đã rất sửng sốt khi nhìn thấy giá niêm yết của chiếc bình. Khi biết giá trị của nó lên đến vài ngàn đô-la, tôi không chắc là ông vẫn quyết định tặng nó cho tôi. Nhưng ông đã đề nghị tôi chọn thêm một món quà khác để mang về nhà trong khi chờ đợi chiếc bình đặc biệt đó!
Chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng cảm xúc đọng lại trong tôi thật mạnh mẽ.Đó không phải bởi giá trị của chiếc bình mà đon giản đó làgiá trị của một lối ứng xử rất nhân văn, rất chuẩn mực mà tôi thực lòng cảm kích.