Biết rõ các mục tiêu trong đời là đi được hơn một nửa chặng đường đến thành công.
Đ
ể áp dụng thành công bất kỳ phần nào của triết lý làm giàu này, bạn phải có tinh thần sẵn lòng đón nhận nó. Việc này không khó. Nó bắt đầu từ sự nghiên cứu, phân tích và thấu hiểu ba đối thủ mà bạn cần phải hạ gục. Đó là tính thiếu quyết đoán, ngờ vực và sợ hãi.
Giác quan thứ sáu sẽ không bao giờ hoạt động nếu một trong ba thái độ tiêu cực trên tồn tại trong đầu bạn. Các thành viên của bộ tam này có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu một kẻ xuất hiện thì hai kẻ kia thế nào cũng quanh quẩn đâu đó.
Thiếu quyết đoán là mầm mống của sợ hãi! Hãy ghi nhớ điều đó. Thiếu quyết đoán dẫn đến ngờ vực, và hai yếu tố này pha trộn với nhau tạo thành nỗi sợ hãi. Quá trình "pha trộn" thường diễn ra chậm và đó là lý do tại sao ba kẻ thù giấu mặt này tỏ ra rất nguy hiểm. Chúng sinh sôi nảy nở nhưng thường không dễ nhận ra sự hiện diện đó.
Phần còn lại của chương này mô tả trạng thái tinh thần bạn cần có được trước khi có thể áp dụng triết lý làm giàu này vào thực tế. Chương này cũng phân tích một điều kiện đã từng giúp giảm đáng kể số lượng người nghèo khó, và NẾU lên một chân lý mà tất cả những ai muốn tích lũy của cải đều phải thấu hiểu, của cải ở đây có thể được hiểu dưới dạng tiền bạc hay một trạng thái tinh thần nào đó nhiều khi có giá trị hơn cả tiền bạc.
Mục đích của chương này là nhằm mổ xẻ nguyên nhân và cách chữa trị sáu nỗi sợ hãi cơ bản của con người. Trước khi có thể khuất phục địch thủ, chúng ta phải biết hắn là ai, có những thói quen gì và đồn trú nơi đâu. Trong quá trình đọc, hãy tự phân tích bản thân một cách cẩn thận để xem có nỗi sợ nào trong sáu nỗi sợ hãi trên đang tồn tại trong bạn. Hãy luôn nhớ rằng đôi khi những nỗi sợ hãi đó ẩn náu trong tiềm thức của bạn, nơi chúng rất khó bị phát hiện và tiêu diệt.
SÁU NỖI SỢ HÃI CƠ BẢN
Có sáu nỗi sợ căn bản và vài kiểu kết hợp giữa chúng mà mỗi người chúng ta đã hoặc sẽ phải chịu đựng lúc này lúc khác trong đời. Hầu hết mọi người đều may mắn nếu họ không phải đương đầu với cả sáu nỗi sợ hãi này cùng một lúc. Xếp theo thứ tự về tính phổ biến, chúng bao gồm:
Nỗi sợ nghèo khó
Nỗi sợ bị chỉ trích
Nỗi sợ đau ốm
Nỗi sợ bị mất tình yêu thương của người khác
Nỗi sợ tuổi già
Nỗi sợ chết
Ngoài ra còn có những nỗi sợ hãi khác, nhưng chúng thường chỉ là những biến thể của một trong các nỗi sợ cơ bản trên.
Lo sợ không gì khác hơn là một trạng thái tinh thần của con người. Và trạng thái tinh thần lại nằm trong tầm kiểm soát và định hướng của bạn.
Con người có thể không sáng tạo ra được gì cả nếu anh ta không nhận thức và được thúc đẩy bởi một luồng tư tưởng nào đó. Và phát biểu sau còn có ý nghĩa quan trọng hơn: Các luồng tư tưởng của con người có thể ngay tức khắc tự chuyển hóa thành các dạng vật chất tương đương bất kể những tư tưởng đó là chủ động hay bị động. Thậm chí những luồng tư tưởng được cóp nhặt một cách tình cờ (tư tưởng có thể do người khác truyền bá) cũng quyết định số phận tài chính, kinh doanh, nghề nghiệp hay xã hội của bạn giống hệt các luồng tư tưởng do chính bạn tự hình thành và phát triển.
Điều này giải thích tại sao một số người có vẻ như may mắn trong khi những người khác có năng lực ngang bằng thậm chí giỏi hơn, được đào tạo bài bản hơn, kinh nghiệm hơn, thông minh hơn thì dường như luôn đồng hành với vận rủi. Thực tế này có thể được lý giải bằng lời khẳng định mọi người đều có khả năng kiểm soát hoàn toàn tâm trí của mình, và bằng sự kiểm soát này ai cũng có thể mở rộng đầu óc để khám phá các luồng tư tưởng của những trí tuệ khác hoặc đóng chặt tâm hồn và chỉ thừa nhận tư tưởng của mình mà thôi.
Thiên nhiên đã ban cho con người quyền kiểm soát tuyệt đối chỉ một thứ mà thôi, đó là tư tưởng. Điều này, cộng thêm với một thực tế khác là mọi thứ do con người tạo ra đều bắt nguồn dưới hình thức một tư tưởng, sẽ dẫn dắt chúng ta đến rất gần với nguyên tắc làm chủ nỗi sợ hãi.
Nếu quan điểm cho rằng tất cả các tư tưởng đều có khuynh hướng tự ngụy trang dưới lớp áo của những trạng thái vật chất tương đương là sự thật (không còn nghi ngờ gì nữa, điều này luôn đúng), thì rõ ràng các luồng tư tưởng về sợ hãi và nghèo đói không thể được chuyển hóa thành lòng can đảm và của cải vật chất được.
NỖI SỢ HÃI CƠ BẢN ĐẦU TIÊN: SỢ NGHÈO KHÓ
Không thể có sự thỏa hiệp giữa nghèo khổ và giàu sang! Hai con đường dẫn tới sự nghèo khó và giàu sang luôn ngược chiều nhau. Nếu bạn muốn được giàu có, bạn phải từ chối bất cứ hoàn cảnh nào có thể làm bạn trở nên nghèo khó. (Từ "của cải" ở đây được sử dụng theo nghĩa rộng nhất, ám chỉ sự giàu có về cả vật chất lẫn tinh thần). Xuất phát điểm của con đường dẫn đến sự giàu sang là khát vọng. Ở Chương 1, bạn đã được hướng dẫn đầy đủ cách sử dụng đúng đắn khát vọng của mình. Trong chương nói về nỗi sợ hãi này, bạn sẽ được chỉ dẫn toàn diện để chuẩn bị tinh thần cho việc vận dụng khát vọng một cách thiết thực nhất.
Vậy thì, đây là lúc tự bạn nhận lấy thử thách để đánh giá xem bạn hấp thu triết lý làm giàu này đến đâu. Đây là thời điểm bạn có thể trở thành nhà tiên tri và tiên đoán một cách chính xác rằng tương lai sẽ mang đến cho bạn những gì. Nếu sau khi đọc xong chương này, bạn vẫn sẵn sàng chấp nhận sự nghèo khó thì bạn đã quyết lòng cam chịu nghèo khó rồi. Có lẽ đó là số phận của bạn.
Nếu bạn cho rằng mình nhất định phải giàu có, trước hết hãy xác định hình thức và quy mô sự giàu có mà bạn mong muốn. Bạn đã biết con đường dẫn tới giàu sang. Bạn đã được trao cho tấm bản đồ chỉ dẫn chi tiết lộ trình đó. Nếu bạn ngần ngại không xuất phát hoặc dừng lại trước khi về đến đích thì hãy tự trách mình. Đó là trách nhiệm của bạn. Không có lý do nào có thể biện minh cho việc bạn trốn tránh trách nhiệm khi không thể hay từ chối quyền được giàu có trong cuộc sống. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một điều, một điều duy nhất bạn có thể kiểm soát được, đó là trạng thái tinh thần của bạn. Trạng thái tinh thần là một cái gì phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Bạn phải tự tạo ra nó chứ không thể bỏ tiền ra mua từ người khác.
NỖI sợ hai mang tính hủy diệt nhất
Sợ nghèo khó là một trạng thái tâm lý không hơn không kém, nhưng nó cũng đủ sức hủy hoại các cơ hội thành công của con người.
Nỗi sợ này làm tê liệt khả năng suy luận, hủy hoại sức tưởng tượng, giết chết tính tự lực, làm xói mòn lòng nhiệt tình và làm mất thế chủ động. Ngoài ra, nó còn dẫn tới sự thiếu kiên định trong mục đích, khuyến khích sự trì hoãn, vô hiệu hóa khả năng tự kiểm soát, tước đi sức hấp dẫn của một tính cách, hủy hoại khả năng tư duy chính xác, làm phân tán sự tập trung nỗ lực và biến sức mạnh ý chí thành thứ vô dụng. Lại nữa, nỗi sợ nghèo khó hủy hoại tham vọng, che lấp ký ức và “mời gọi” mọi kiểu thất bại. Tồi tệ hơn, nó giết chết tình yêu thương và gây phương hại đến những cảm xúc tốt đẹp nhất của bạn, nó làm bạn trằn trọc, khốn đốn và bất hạnh hàng đêm - bất kể sự thật hiển nhiên rằng bạn đang sống trong một thế giới luôn có thừa mọi thứ mà bạn mong muốn. Không có gì đứng chắn giữa bạn và khát vọng của mình, ngoại trừ sự thiếu một mục đích rõ ràng.
Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, sợ nghèo đói được xếp đứng đầu danh sách sáu nỗi sợ căn bản có sức hủy diệt lớn nhất. Nỗi sợ hãi này đứng đầu danh sách vì nó là nỗi sợ hãi khó chế ngự nhất. Sợ nghèo đói xuất phát từ khuynh hướng vốn được kế thừa của con người, đó là khuynh hướng “bóc lột” đồng loại về mặt kinh tế. Gần như mọi động vật cấp thấp đều có động cơ thúc đẩy là bản năng, nhưng khả năng "tư duy" của chúng bị hạn chế, vì vậy chúng sát hại lẫn nhau. Con người, nhờ trực giác cấp cao cùng với khả năng tư duy và suy luận, không “ăn thịt” đồng loại của mình theo nghĩa thông thường. Họ chỉ cảm thấy thỏa mãn hơn khi "nuốt" được nhau trên phương diện tài chính. Hám lợi là một trong các bản chất của con người. Vì vậy, có hàng ngàn loại luật lệ được đặt ra để bảo vệ con người trước đồng loại của mình.
Con người luôn muốn có được một gia tài lớn và sẽ tìm đủ mọi cách để thực hiện điều đó, trong khuôn khổ pháp luật, nếu có thể hoặc bằng mọi thủ đoạn nếu cần.
Phép tự phân tích bản thân có thể làm bộc lộ các điểm yếu mà bạn không muốn thừa nhận. Nhưng tự đánh giá rất cần thiết cho những ai không muốn có một cuộc sống tầm thường và nghèo đói. Hãy nhớ rằng, khi lục vấn bản thân từng điểm một, thì bạn vừa là bồi thẩm đoàn, vừa là quan tòa, vừa là công tố viên lại vừa là luật sư bào chữa; vừa là nguyên đơn lại vừa là bị đơn; và trên tất cả, bạn đang đứng trước một phiên tòa. Hãy đối diện với sự thật. Hãy hỏi dứt khoát và trả lời rõ ràng. Khi cuộc "thẩm vấn" kết thúc, bạn sẽ hiểu rõ mình hơn. Nếu bạn cảm thấy mình không thể làm một quan tòa công minh trong cuộc phán xử này, hãy nhờ một người nào đó hiểu rõ bạn làm giúp trọng trách đó. Bạn đang đứng trước sự thật. Hãy tìm ra nó bằng mọi giá mặc dù nhất thời nó có thể làm bạn bối rối và xấu hổ!
Đa số con người, khi được hỏi rằng họ sợ điều gì nhất, đều dõng dạc nói rằng "Tôi chăng sợ gì cả". Một câu trả lời... không chính xác, bởi vì ít ai chịu nhận rằng mình có những điểm hạn chế, khiếm khuyết hay đang bị giày vò về mặt tinh thần và thể xác bởi một nỗi sợ hãi nào đó. Cảm giác sợ hãi ẩn nấp một cách tài tình và kín đáo đến mức con người có thể sống cả một đời mà không nhận ra sự hiện diện của nó. Chỉ có một cuộc phân tích hết sức dũng cảm mới có thể phơi bày bộ mặt thật của con ma sợ hãi - kẻ thù chung của tất cả chúng ta. Khi tiến hành một cuộc phân tích như thế, hãy nghiên cứu tỉ mỉ tính cách của bạn. Dưới đây là danh sách những dấu hiệu mà bạn cần lưu ý:
Các dấu hiệu của NỖI sợ đói nghèo
Lãnh đạm. Thường thể hiện qua sự thiếu tham vọng; cam chịu nghèo khó; chấp nhận những gì cuộc sống ban cho mà không một lời phản đối; bạc nhược về cả thể xác lẫn tinh thần; thiếu sáng kiến, trí tưởng tượng cũng như lòng nhiệt thành và tính tự chủ.
Thiếu quyết đoán. Thói quen cho phép người khác suy nghĩ thay cho mình, còn mình thì đứng ngoài và không có quan điểm rõ ràng.
E ngại. Thường được thể hiện qua những chứng cứ ngoại phạm và những lời bào chữa nhằm thanh minh, che đậy, hoặc xin lỗi vì thất bại của mình. Đôi khi, sự e ngại thể hiện qua lòng đố kỵ với những người thành đạt hoặc chỉ trích họ.
Lo lắng. Thường được thể hiện bằng việc bới lông tìm vết ở người khác, khuynh hướng tiêu xài quá tay, thiếu chăm sóc vẻ bề ngoài của bản thân, hay cáu bẳn và nhăn nhó, luôn căng thẳng, thiếu cân bằng trong cuộc sống, thiếu ý thức về bản thân và thường xuyên uống nhiều rượu và sử dụng ma túy.
Thận trọng thái quá. Đó là thói quen luôn nhìn thấy mặt tiêu cực của một vấn đề, chỉ nghĩ và nói về những khả năng thất bại có thể xảy ra thay vì tập trung tìm kiếm phương tiện đi đến thành công. Biết hết mọi con đường dẫn tới thảm họa nhưng không bao giờ tìm ra kế hoạch phòng tránh thất bại. Luôn trông chờ "thời cơ chín muồi" để bắt đầu nhưng rồi cuối cùng "thời cơ chín muồi" không bao giờ đến và việc chờ đợi này trở thành một thói quen cố hữu tự lúc nào. Luôn nhớ tới những người từng thất bại và luôn quên những tấm gương thành công. Chỉ nhìn thấy lỗ tròn ở giữa chiếc bánh mà không để ý tới phần bánh xung quanh.
Do dự. Thói quen để lại ngày mai những gì có thể làm được từ... năm ngoái. Dành khá nhiều thời gian để bào chữa cho những việc đã làm sai hơn là bắt tay vào công việc mới. Dấu hiệu này cũng gần giống tính thận trọng thái quá, e ngại và lo lắng. Từ chối nhận trách nhiệm. Có ý muốn thỏa hiệp hơn là đấu tranh. Thỏa hiệp với khó khăn thay vì đương đầu với chúng và xem chúng là những bậc thang để tiến lên. Mặc cả từng xu với cuộc đời thay vì mưu cầu sự an khang, thịnh vượng, giàu có mãn nguyện và hạnh phúc. Luôn hoạch định những việc cần làm phòng khi thất bại thay vì triệt thoái mọi đường rút lui có thể. Thiếu, thậm chí hoàn toàn không có sự tự tin, sự kiên định, sự tự chủ, óc sáng tạo, lòng nhiệt thành, tham vọng, tính cần kiệm và khả năng lý luận sắc bén. Chỉ chờ đợi sự nghèo khó mà không ra sức tìm kiếm của cải. Thường kết giao với những người bạc nhược chấp nhận nghèo khổ thay vì tìm kiếm những người bạn luôn mưu cầu sự thịnh vượng.
Khi tiền bạc lên tiếng!
Có người hỏi: "Tại sao ông lại viết quyển sách nói về tiền bạc này? Tại sao sự giàu có chỉ được đo bằng tiền?". Một số người tin rằng có nhiều hình thức giàu có khác còn đáng được ao ước hơn cả tiền bạc.
Đúng vậy, có những tài sản không thể đo bằng tiền, tuy nhiên, cũng có hàng triệu người phản đối ý kiến này với lý lẽ: "Có tiền mua tiên cũng được!".
Lý do chính để tôi viết quyển sách này là trên thực tế, có hàng triệu người, nam có nữ có, đang... chết khiếp vì nỗi sợ nghèo khó. Nỗi sợ hãi này tác động đến con người ra sao đã được nhà báo Westbrook Pegler mô tả khá rõ nét:
“Tiền bạc đôi khi chỉ là những vỏ sò, những miếng kim loại hay những mảnh giấy. Chúng không thể mua được những báu vật của trái tim và tâm hồn. Nhưng rất nhiều người, trong lúc túng bấn, không thể nhớ tới điều này và giữ vững tinh thần của họ. Khi một người sa cơ phải sống vất vưởng ngoài đường, không thể tìm được một việc để làm, thì những gì đang diễn ra trong đầu anh ta đều có thể được nhìn thấy qua vẻ ủ rũ và chán nản từ đôi vai, chiếc mũ, dáng đi đến cái nhìn. Anh ta không thể thoát khỏi mặc cảm tự ti khi nhìn những người có công ăn việc làm ổn định, ngay cả khi biết rằng họ không hơn anh ta nếu xét về tính cách, khả năng và trí thông minh.
Mặt khác, những người này (trong đó thậm chí có cả bạn bè của anh ta) lại có cảm giác kẻ cả và đôi khi coi anh ta như một tai ương cần tránh xa một cách vô ý thức. Anh ta có thể vay mượn ai đó một lần, nhưng chẳng thấm vào đâu nếu chi tiêu như thường lệ, và anh ta cũng không thể hỏi mượn mãi. Tự bản thân việc vay mượn, trong trường hợp một người vay mượn để sống qua ngày, là một kinh nghiệm đau thương; đồng tiền vay mượn đó thiếu sức sinh sôi nảy nở để có thể giúp anh ta lấy lại tinh thần. Tất nhiên, không nguyên tắc nào trong cuốn sách này có thể áp dụng cho những kẻ ăn không ngồi rồi hay những người vô tích sự, mà chỉ áp dụng đối với những người chí ít có một ước vọng bình thường và có lòng tự trọng.
Phụ nữ ở cùng hoàn cảnh lại là những người hoàn toàn khác. Chúng ta thường không nghĩ về phụ nữ khi đề cập đến những người thất bại. Họ hiếm khi để mình rơi vào cảnh cơ hàn, hiếm khi chúng ta nhìn thấy họ đi ăn xin, và thật khó nhận ra họ trong đám đông qua những dấu hiệu rõ ràng thường được dùng để nhận diện những người đàn ông sa cơ lỡ vận. Dĩ nhiên, tôi không đề cập đến ở đây những “mụ phù thủy” đang lê bước trên đường phố, tương tự như cánh đàn ông vô công rồi nghề đã nhắc tới ở trên. Tôi muốn nói đến các phụ nữ trẻ, những người đứng đắn và thông minh. Chắc chắn có nhiều người trong số họ thất bại, nhưng nỗi thất vọng của họ không lộ ra ngoài.
Khi một người đàn ông sa cơ thất thế, anh ta mới có thời gian để nghiền ngẫm. Anh ta sẽ đi hàng dặm để xin việc làm và khám phá ra rằng chỗ ấy đã tuyển được người rồi, hoặc đó chỉ là công việc không có lương cứng mà chỉ được hưởng khoản hoa hồng còm cõi nhờ bán những món linh tinh mà sở dĩ có người chịu mua chẳng qua là vì họ động lòng trắc ẩn. Bỏ qua những công việc đó, anh ta lại thấy mình quay về với đường phố, đi lang thang khắp nơi mà chẳng biết đi đâu. Anh ta cứ đi, đi mãi. Anh ta nhìn chằm chằm vào những ô kính của cửa hiệu trưng bày những loại hàng hóa xa xỉ không dành cho anh ta và cảm thấy tự ti, rồi nép mình nhường chỗ cho những người khác vào ngắm nhìn và say sưa chọn lựa. Anh tha thẩn vào một nhà ga xe lửa hoặc ghé vào một thư viện công cộng nào đó nghỉ chân và hưởng nhờ chút hơi ấm lò sưởi, nhưng đó không phải là đi tìm việc, và anh ta lại tiếp tục đi. Có thể anh ta không biết, nhưng sự lang thang vô định đó “tố giác” tình trạng thất nghiệp của anh ta dù rằng dáng vẻ anh ta chưa bộc lộ điều gì cả. Có thể anh ta vẫn chải chuốt trong những bộ quần áo thời còn có việc làm ổn định, nhưng những bộ quần áo không che giấu được vẻ chán nản của con người.
Anh ta gặp hàng ngàn người khác nhau, từ những nhân viên kế toán, thư ký, dược sĩ đến cả những người lao động chân tay, tất cả mọi người đều bận rộn với công việc của mình và từ tận đáy lòng anh ta ghen tị với họ. Họ có sự độc lập về mặt tài chính, lòng tự trọng, nhân cách. Còn anh ta không thể thuyết phục được bản thân rằng mình cũng là người tốt, mặc dù cứ vài giờ anh ta lại tranh luận với chính mình và đưa ra một “phán quyết” hết sức vừa ý.
Chính tiền bạc đã tạo ra sự khác biệt ở con người đó. Chỉ cần có một ít tiền thôi, anh ta sẽ lại là chính mình.”
NỖI SỢ HÃI CƠ BẢN THỨ HAI: SỢ BỊ CHỈ TRÍCH
Tại sao con người lại có nỗi sợ này, không ai biết! Nhưng có điều chắc chắn là nỗi sợ này rất phát triển trong mỗi cá nhân.
Tôi luôn cho rằng nỗi sợ hãi cơ bản này là một phần trong bản chất tự nhiên của con người, nỗi sợ hãi này làm ta không những tìm mọi cách tước đoạt của cải hay tài sản của đồng loại mà còn biện minh cho hành động của mình bằng cách chỉ trích tính cách của họ. Có một thực tế ai cũng biết, rằng kẻ trộm thường chỉ trích người mà hắn ăn trộm, các chính trị gia mưu cầu chức vị không phải bằng năng lực và phẩm cách của mình, mà bằng cách gièm pha công kích các đối thủ của họ.
Các nhà thiết kế thời trang và sản xuất quần áo đã nhanh chóng lợi dụng nỗi sợ hãi căn bản này. Kiểu dáng của mỗi mùa luôn thay đổi. Vậy, ai tạo ra những kiểu dáng đó? Dĩ nhiên không phải là người mua, mà là các nhà sản xuất và thiết kế. Tại sao họ lại thường thay đổi như vậy? Câu trả lời thật hiển nhiên: để bán được nhiều hơn.
Nỗi sợ bị chỉ trích cướp mất sự sáng tạo của con người, hủy hoại óc tưởng tượng, hạn chế cá tính, làm mất dần tính tự lực, và gây ra hàng trăm kiểu thiệt hại khác nữa. Các bậc cha mẹ thường gây cho con cái những tổn thương không thể bù đắp được qua những lời chỉ trích mắng mỏ. Mẹ của một người bạn cùng phòng thời niên thiếu của tôi thường phạt roi cậu ấy mỗi ngày và luôn kết thúc bằng câu: "Rồi mày sẽ phải vào trại cải tạo trước tuổi hai mươi thôi con ạ!". Kết cục là cậu ấy bị vào trại cải huấn thật, vào năm mười bảy tuổi.
Mỗi người đều có cả kho những lời chỉ trích và sẵn sàng biếu không cho bất cứ ai dù người bị chỉ trích có yêu cầu hay không. Những người thân nhất với bạn lại thường là những người có lỗi lớn nhất. Chỉ trích phải được xem là một tội ác (trên thực tế nó là tội ác xấu xa nhất) đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào cố tình tạo ra mặc cảm tự ti trong đầu óc con cái mình bằng những lời chỉ trích không cần thiết. Những ông chủ hiểu rõ bản chất con người thường nhận được những kết quả tốt nhất nhờ biết cách góp ý xây dựng thay vì chỉ trích nhân viên. Các bậc cha mẹ cũng có thể nhận được kết quả đó từ con cái mình. Hãy nhớ, chỉ trích chỉ gieo nỗi sợ hãi hay oán hận vào trái tim con người mà không mang lại thiện cảm hay tình yêu thương.
Các dấu hiệu của NỖI sợ bị chỉ trích
Nỗi sợ này cũng phổ biến như nỗi sợ nghèo khó và tác động tiêu cực của nó tới sự thành công của mỗi cá nhân cũng mạnh không kém gì nỗi sợ nghèo khó, chủ yếu là do nỗi sợ này hủy diệt sức sáng tạo và làm thui chột khả năng vận dụng óc tưởng tượng. Những dấu hiệu chính là:
E dè. Thường biểu hiện qua sự căng thẳng, rụt rè nhút nhát trong các cuộc đối thoại hay hội họp với người lạ, cử chỉ vụng về, mắt chớp liên hồi.
Thiếu tự tin. Lac giọng, căng thẳng trước sự hiện diện của người khác, bộ dạng khúm núm, trí nhớ kém.
Thiếu cá tính. Thiếu quyết đoán, thiếu sức lôi cuốn và khả năng diễn đạt ý kiến một cách rành mạch. Có thói quen né tránh vấn đề thay vì quyết tâm đối mặt với vấn đề. Dễ dàng thuận theo ý kiến người khác mà không cần xem xét cẩn thận.
Mặc cảm tự ti. Có thói quen tự chấp thuận và tự bằng lòng như một phương cách để che giấu cảm giác tự ti. Thích dùng những từ ngữ "đao to búa lớn" để gây ấn tượng với người khác (và thường không hiểu được nghĩa thực sự của từ mình nói). Hay bắt chước cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói và phong cách của người khác. Thích khoe khoang những thành tích tự tưởng tượng ra, thích tỏ ra rằng mình hơn người để che giấu mặc cảm tự ti.
Thích chơi ngông. Có thói quen cố tỏ ra "bằng chị bằng em", tiêu xài quá khả năng thu nhập.
Thiếu sáng kiến. Thường thất bại trong việc nắm bắt các cơ hội để tự thăng tiến, sợ thể hiện chính kiến, thiếu tự tin vào lập trường của mình, hay có những câu trả lời thoái thác trước những câu hỏi của cấp trên, luôn do dự trong cử chỉ và lời nói, thậm chí gian dối trong cả ngôn từ cũng như hành vi.
Không có tham vọng. Tinh thần và thể xác bạc nhược, không dám tự khẳng định mình, chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định, dễ bị tác động, có thói quen chấp nhận thất bại mà không phản kháng, thường rút lui khi vấp phải sự chỉ trích. Có thói quen nói xấu sau lưng và xu nịnh trước mặt người khác, nghi ngờ người khác mà không có lý do, thiếu tế nhị trong lời nói và hành động, không có thành ý chấp nhận những lời phê bình về lỗi lầm do mình gây ra.
NỖI SỢ HÃI CƠ BẢN THỨ BA: SỢ ĐAU ỐM
Nỗi sợ này có căn nguyên về cả mặt thể chất lẫn mặt xã hội của nó. Nó liên hệ mật thiết với nỗi sợ tuổi già và cái chết. Chúng ta sợ đau ốm bởi những hình ảnh khủng khiếp in đậm trong trí óc chúng ta về những gì xảy ra khi thần chết đột ngột gõ cửa. Chúng ta sợ còn vì những khoản chi phí khổng lồ từ các hóa đơn tiền thuốc.
Một thầy thuốc ước tính rằng 75% số người đi khám chuyên khoa mắc chứng nghi bệnh, tức là họ chỉ tưởng tượng ra rằng mình có bệnh chứ thực ra không làm sao cả. Điều này chứng tỏ một cách thuyết phục rằng nỗi sợ bệnh tật, ngay cả khi không có mảy may một triệu chứng nhỏ nào, cũng làm phát sinh những triệu chứng sợ hãi một cách rất tự nhiên.
Tâm trí con người quả thật mạnh mẽ ghê gớm! Nó có thể vừa xây dựng lại vừa hủy diệt.
Qua một loạt các thí nghiệm được tiến hành vài năm trước đây, các nhân viên của tôi chứng minh được rằng con người có thể bị bệnh thật vì những lời chẩn đoán giả tạo. Chúng tôi cho ba người quen tiếp xúc với "các bệnh nhân mắc chứng nghi bệnh". Họ được dặn dò từ trước là hãy hỏi vài câu đại khái như, "Ông/bà có bệnh gì à?", hay "Ông/bà trông có vẻ ốm nặng đấy". Người hỏi đầu tiên thường chỉ khiến người kia cười và trả lời một cách vô tư "Ồ, không có gì, tôi không sao cả!" Người thứ hai đặt câu hỏi thường nhận được câu trả lời là, "Tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi cảm thấy không được khỏe cho lắm". Còn người thứ ba khi chưa hỏi dứt câu đã nhận được sự thừa nhận lập tức rằng ông/bà ta thực sự thấy không khỏe trong người.
Có những chứng cứ hùng hồn chứng minh rằng bệnh tật đôi khi bắt nguồn từ những suy nghĩ tiêu cực. Những suy nghĩ đó “thẩm thấu” dần vào tâm trí bạn qua ý kiến của người khác hoặc do bản thân tự tạo ra.
Các bác sĩ thường chuyển bệnh nhân của họ vào những môi trường mới, bởi vì sự thay đổi "thái độ tinh thần" là cần thiết.
Mầm mống của nỗi sợ hãi bệnh tật luôn tồn tại trong tâm trí mỗi chúng ta. Lo lắng, sợ hãi, mất tinh thần và thất vọng có thể là nguyên nhân làm cho những hạt giống đó nảy mầm và phát triển.
Các dấu hiệu của NỖI sợ bị đau ốm
Các triệu chứng của nỗi sợ hãi phổ biến này bao gồm:
Tự kỷ ám thị. Có thói quen sử dụng phép tự kỷ ám thị một cách tiêu cực bằng cách tìm kiếm và chờ đợi triệu chứng của đủ các loại bệnh. "Thích" tưởng tượng ra rằng mình mắc phải những căn bệnh và luôn nói về nó như thể mình đang bệnh thật. Có thói quen thử những trò quái đản hay lý thuyết kỳ cục mà người khác gợi ý là có tác dụng chữa bệnh. Hay tán chuyện với người khác về các cuộc giải phẫu, các vụ tai nạn hay các loại bệnh tật khác. Thích thực hành ăn kiêng, tập thể dục, tự làm giảm cân mà không hề tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Thích tự chữa trị tại nhà, dùng các loại thuốc độc quyền, và đôi khi cả những loại thuốc "lang băm".
Chứng nghi bệnh (thuật ngữ chuyên môn chỉ chứng tưởng tượng rằng mình có bệnh). Thói quen hay nói về bệnh tật và luôn dồn hết tâm trí vào bệnh tật đến nỗi luôn trong trạng thái như đang đón chờ bệnh đến. Không thuốc gì có thể chữa được bệnh này. Nó phát sinh từ lối suy nghĩ tiêu cực và chỉ có những ý nghĩ tích cực mới có thể chữa lành. Người ta cho rằng chứng nghi bệnh gây tổn hại cho sức khỏe như một căn bệnh nan y thực sự.
Thể dục. Sợ đau ốm thường gây trở ngại cho việc tập thể dục đúng cách và hậu quả là làm tăng cân.
Tính nhạy cảm. Sợ đau ốm làm con người giảm sức đề kháng đối với bệnh tật và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tật xâm nhập cơ thể dễ dàng hơn. Nỗi sợ bệnh tật liên hệ mật thiết với nỗi sợ nghèo đói, đặc biệt trong trường hợp những người mắc chứng nghi bệnh. Họ luôn lo lắng về các hóa đơn viện phí, tiền thuốc men phải trả. Tuýp người này thường dành nhiều thời gian để chờ đón bệnh tật, luôn nói về cái chết và dành dụm tiền bạc để lo chuyện hậu sự cho mình.
Tự nuông chiều bản thân. Có thói quen dùng căn bệnh tưởng của mình để tìm sự thương cảm nơi người khác. Họ thường viện cớ đau ốm để biện minh cho sự lười biếng và thiếu tham vọng của mình (Con người thường hay dùng “mẹo” này để trốn tránh công việc).
Sống bê tha. Có thói quen mượn rượu và ma túy để làm giảm các cơn đau thay vì tìm cách loại bỏ nguyên nhân gây ra nó.
Thói quen đọc các sách nói về bệnh tật và lo lắng thái quá về khả năng bị bệnh tật đánh quỵ.
NỖI SỢ HÃI CƠ BẢN THỨ TƯ: SỢ BỊ MẤT ĐI TÌNH YÊU THƯƠNG
Ghen tuông và một số dạng khác của chứng loạn thần kinh phát sinh từ nỗi sợ bị mất đi tình yêu thương của người khác. Đây là nỗi sợ hãi đau đớn nhất trong số sáu nỗi sợ hãi cơ bản. Có lẽ nó có sức tàn phá ghê gớm nhất đối với cơ thể và tinh thần con người so với những nỗi sợ khác.
Các dấu hiệu của nỗi sợ bị mất tình yêu thương
Các dấu hiệu rõ rệt có thể nhận thấy là:
Ghen tuông. Có thói quen nghi ngờ vô cớ bạn bè và người mình yêu thương. Hay buộc tội vợ hoặc chồng không chung thủy mà không có chứng cứ xác đáng. Nói chung, họ nghi ngờ mọi người và không tin tưởng tuyệt đối ai cả.
Tìm lỗi nơi người khác. Có thói quen tìm kiếm lỗi lầm của bạn bè, người thân, các đối tác và cả người yêu của mình khi thoáng bị khiêu khích, hoặc chẳng cần một nguyên cớ nào cả.
Máu đỏ đen. Có thói quen cờ bạc, ăn cắp, lừa đảo, bằng không thì cũng tận dụng mọi trò may rủi khác để kiếm tiền chu cấp cho người yêu vì tin rằng tiền bạc có thể mua được tình yêu. Có thói quen chi tiêu quá khả năng thu nhập, mắc nợ như chúa chổm, thích gây ấn tượng với tình nhân bằng quà cáp. Thường bị chứng mất ngủ, thần kinh căng thẳng, thiếu kiên trì, ý chí yếu ớt, thiếu khả năng tự kiềm chế, thiếu tự lực, hay cáu kỉnh.
NỖI SỢ CƠ BẢN THỨ NĂM: SỢ TUỔI GIÀ
Nỗi sợ này chủ yếu xuất phát từ hai nguồn. Một là, mọi người thường nghĩ rằng tuổi già đi đôi với nghèo khó. Hai là, sự lo lắng về những gì chờ đợi họ ở thế giới bên kia.
Nguyên nhân phổ biến nhất của nỗi sợ tuổi già có liên quan đến khả năng bị nghèo đói. "Nhà nghèo" không phải là một từ dễ nghe. Nó làm người ta rùng mình khi đối mặt với ý nghĩ rằng họ sẽ sống những ngày cuối đời trong cảnh túng quẫn và phải dựa vào nguồn từ thiện.
Khả năng bị đau ốm cũng dễ xảy ra hơn khi con người già đi và chính nó cũng góp phần gây nên nỗi sợ hãi về tuổi già. Nguy cơ suy giảm tình dục theo tuổi tác cũng gây ra nỗi sợ tuổi già, vì không ai muốn mình sẽ mất đi ham muốn tình dục cả.
Một nguyên nhân khác góp phần làm tăng nỗi sợ tuổi già là khả năng bị mất tự do và độc lập, vì tuổi già thường đi kèm với sự lệ thuộc về mặt thể xác và tài chính.
Các dấu hiệu của nỗi sợ tuổi già
Những dấu hiệu thông thường nhất của nỗi sợ tuổi già là:
Thiếu nhiệt huyết. Đó là khuynh hướng trở nên chậm chạp và hình thành cảm giác tự ti, tin tưởng một cách sai lầm rằng bạn đang “trượt dài” vì tuổi tác. Thói quen giết chết mọi sự sáng tạo, trí tưởng tượng và tính tự lực vì sai lầm nghĩ rằng mình đã quá già để duy trì những phẩm chất đó.
Tự biện hộ. Có thói quen tự biện hộ một cách đầy nuối tiếc rằng mình “già rồi", đơn giản bởi vì bạn đang bước qua tuổi bốn hoặc năm mươi, thay vì lật ngược quy luật tuổi tác và vui mừng vì đã đạt đến độ tuổi của khôn ngoan và hiểu biết toàn diện.
Ăn mặc và hành động không phù hợp. Cố gắng tỏ ra trẻ trung hơn nhiều so với tuổi của mình bằng cách luôn cố bắt chước theo mốt và phong cách của tuổi trẻ.
NỖI SỢ HÃI CƠ BẢN THỨ SÁU: SỢ CÁI CHẾT
Với nhiều người, đây là nỗi sợ ác nghiệt nhất trong tất cả các nỗi sợ cơ bản. Nguyên do thật rõ ràng. Những đau đớn khủng khiếp của nỗi sợ hãi gắn liền với ý nghĩ về cái chết, trong đa số các trường hợp, có thể xuất phát từ tâm lý cuồng tín tôn giáo. Những người được coi là "thiếu văn minh" lại ít sợ chết hơn so với những người được xem là "văn minh". Hàng trăm triệu năm qua, con người vẫn không ngừng hỏi những câu hỏi vẫn chưa có lời đáp, "tôi từ đâu đến?" và "tôi sẽ đi về đâu?".
Trong các thời kỳ u mê tăm tối của quá khứ, không ít những kẻ khôn ranh và gian trá đã không chậm trễ đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi trên nhưng với một cái giá.
"Hãy bước vào lều của ta, tin vào giáo lý của ta, chấp nhận những tín điều của ta, ta bảo đảm anh sẽ được một chỗ trên thiên đường sau khi chết", một lãnh tụ tôn giáo đã nói thế. Ông ta tiếp tục: "Cứ đứng bên ngoài đi, rồi quỷ sẽ bắt anh đi và vĩnh viễn thiêu đốt anh dưới địa ngục".
Ý nghĩ về sự trừng phạt vĩnh viễn nơi địa ngục hủy hoại mọi thú vui trong cuộc sống và làm hạnh phúc trở nên hão huyền.
Mặc dù không có gì chứng minh các lãnh tụ tôn giáo có khả năng dẫn ai đó lên thiên đàng hay xuống địa ngục, nhưng cái khả năng bị đẩy xuống địa ngục dường như vẫn khủng khiếp tới mức chỉ thoáng nghĩ về nó thôi cũng đủ khiến người ta có những liên tưởng như thể điều khủng khiếp đó đang diễn ra thật. Cảm giác tâm lý đó làm tê liệt lý trí và tạo ra nỗi sợ hãi về cái chết.
Ngày nay, nỗi sợ chết không phổ biến như trong thời kỳ xã hội không có các trường cao đẳng và đại học. Các nhà khoa học đã soi rọi ánh sáng chân lý lên khắp thế giới và chân lý nhanh chóng giải thoát con người khỏi nỗi sợ cái chết. Những người trẻ tuổi được học tập trong các trường cao đẳng và đại học không còn cảm thấy kinh sợ khi nhìn thấy lửa và lưu huỳnh. Nhờ sự tiến bộ của khoa học, những nỗi sợ hãi từng ám ảnh tâm trí con người trong thời kỳ mông muội đã bị xua tan.
Toàn bộ thế giới này được tạo thành bởi bốn yếu tố: thời gian, không gian, năng lượng và vật chất. Vật lý cơ bản cho chúng ta biết rằng cả vật chất lẫn năng lượng (hai yếu tố duy nhất con người có thể biết) đều không thể được tạo ra hay bị hủy diệt. Chúng có thể được chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác nhưng không mất đi.
Cuộc sống là năng lượng, nếu không muốn nói là tất cả mọi thứ cũng được tạo thành từ năng lượng. Nếu năng lượng và vật chất đều không thể bị hủy diệt, thì cuộc sống con người cũng vậy. Cuộc sống, một dạng khác của năng lượng, có thể được chuyển hóa hoặc thay đổi qua nhiều quy trình khác nhau, nhưng không thể bị hủy hoại. Vì thế, chết cũng là một sự chuyển hóa.
Và nếu cái chết không phải là một sự thay đổi, hay chuyển hóa thuần túy thì không có gì xảy ra sau cái chết ngoài việc đó là một giấc ngủ bình yên và bất tận, một giấc ngủ chẳng có gì đáng sợ cả. Nếu như bạn có thể chấp nhận lô-gic này, bạn đã vĩnh viễn xóa bỏ nỗi sợ hãi về cái chết trong tâm trí mình.
Các dấu hiệu của NỖI sợ cái chết
Các dấu hiệu thường thấy của nỗi sợ này là:
Thói quen nghĩ về chuyện chết chóc thay vì tận hưởng tối đa những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống. Lý do nói chung là do sống không mục đích, không có nghề nghiệp phù hợp. Nỗi sợ này thường bắt gặp ở những người có tuổi nhưng thỉnh thoảng những người trẻ tuổi cũng là nạn nhân của nó. Phương thuốc hiệu nghiệm nhất chữa nỗi sợ này là khát vọng cháy bỏng vươn tới thành công cộng thêm với sự giúp đỡ hữu ích của những người xung quanh. Những người bận rộn hiếm khi có thời gian để nghĩ đến cái chết bởi họ luôn thấy cuộc sống quá sống động và thú vị.
Đôi khi nỗi sợ cái chết liên hệ mật thiết với nỗi sợ nghèo đói, bởi cái chết của một người có thể làm cho những người thân thiết còn lại rơi vào cảnh cơ hàn.
Trong các trường hợp khác, nỗi sợ cái chết thường xuất phát từ bệnh tật và sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
Nguyên nhân phổ biến nhất của nỗi sợ cái chết là sức khỏe kém, nghèo đói, không có nghề nghiệp phù hợp, thất tình, bệnh tâm thần và cuồng tín trong tôn giáo.
THẢM HỌA CỦA SỰ LO LẮNG VÀ SUY NGHĨ TIÊU CỰC
Lo lắng là một trạng thái tinh thần có cơ sở từ nỗi sợ hãi. Nó tiến triển chậm, nhưng âm ỉ. Nó xảo quyệt và tinh vi. Nó từng bước tự giấu mình cho tới khi làm tê liệt khả năng suy luận, hủy hoại sự tự tin và óc sáng tạo của bạn. Lo lắng là một hình thức của nỗi sợ hãi được duy trì liên tục gây ra bởi sự thiếu quyết đoán. Do đó, nó là một trạng thái tinh thần có thể kiểm soát được.
Trí não trong trạng thái bất ổn không có khả năng hoạt động tốt. Thiếu quyết đoán tạo ra trạng thái bất ổn đó. Hầu hết mọi người đều thiếu sức mạnh ý chí để có thể quyết định ngay lập tức cũng như sẵn sàng bảo vệ quyết định của mình sau đó.
Chúng ta không lo lắng về hoàn cảnh một khi đã đạt được quyết định và có phương án hành động dứt khoát. Có lần tôi phỏng vấn một tử tù sắp lên ghế điện hai giờ sau đó. Ông ta là người điềm tĩnh nhất trong số tám tử tội cùng xà-lim với mình. Sự bình tĩnh của ông ta thúc giục tôi đặt câu hỏi rằng ông ta cảm thấy thế nào khi sắp bước sang thế giới bên kia chỉ trong chốc lát nữa thôi. Với một nụ cười đầy tự tin, ông ta nói: "Tôi cảm thấy rất tốt đẹp. Hãy nghĩ xem, anh bạn, các rắc rối của tôi sẽ sớm qua đi. Tôi chăng có gì trên đời này ngoài toàn những chuyện rắc rối. Việc tìm kiếm miếng cơm manh áo thật quá gian nan. Chăng bao lâu nữa tôi sẽ không còn cần những thứ ấy. Tôi cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết từ khi biết mình chắc chắn phải chết. Tôi đã chuẩn bị tâm trạng để sẵn sàng chấp nhận số phận của mình một cách thanh thản nhất".
Ông ta vừa nói vừa ăn ngấu nghiến bữa ăn tối cuối cùng tương đương khẩu phần cho ba người. Ông ta ăn từng miếng ngon lành như thể chẳng có tai họa nào sắp xảy đến. Đức tính kiên quyết đã khiến người đàn ông này cam chịu số phận của mình. Quyết đoán cũng có thể ngăn cản một người chấp nhận những hoàn cảnh không mong muốn.
Sáu nỗi sợ hãi cơ bản này tạo ra trạng thái lo lắng thông qua sự thiếu quyết đoán. Hãy tự làm dịu đi mãi mãi nỗi sợ cái chết bằng cách quyết định chấp nhận cái chết như một biến cố không ai tránh được. Hãy loại bỏ nỗi sợ tuổi già bằng cách chấp nhận nó không phải như một điều bất lợi mà như niềm hạnh phúc lớn lao vì tuổi già mang đến sự khôn ngoan, tự chủ và uyên thâm mà những người trẻ tuổi không thể có được. Hãy làm chủ nỗi sợ bị mất tình yêu bằng quyết định sống thăng bằng. Hãy chặn đứng nỗi sợ bị chỉ trích bằng cách không lo lắng về những gì người khác nói hay nghĩ về mình. Hãy vượt qua nỗi sợ bệnh tật bằng quyết định quên đi mọi dấu hiệu của đau ốm. Hãy xua tan nỗi sợ nghèo đói bằng sự bằng lòng với bất cứ món của cải nào bạn có thể tích lũy được mà không phải lo lắng gì.
Hãy tiêu diệt thói quen lo lắng dưới mọi hình thức bằng cách quyết định rằng không điều gì xảy ra trong cuộc sống này là đáng để bạn phải lo lắng. Quyết định đó sẽ mang đến cho bạn sự cân bằng, tự tin, bình an trong tâm hồn và yên tĩnh trong tư tưởng. Đó là những yếu tố tạo nên hạnh phúc cho bạn.
Nếu tâm trí bạn đầy rẫy những nỗi sợ hãi, bạn không chỉ phá hủy các cơ hội đưa ra những quyết định khôn ngoan của cá nhân mình mà còn lan truyền các xung động hủy diệt ấy đến những người mà bạn tiếp xúc, hủy hoại cả cơ hội của họ.
Ngay cả một con chó hay một con ngựa cũng nhận ra khi nào người chủ của chúng mất dũng khí. Chó và ngựa bắt được những rung động sợ hãi do người chủ của chúng phát ra và chúng cũng hành xử y như vậy.
Các xung động của sự sợ hãi truyền từ người này sang người khác cũng nhanh và chắc chắn như âm thanh của giọng nói con người truyền từ đài phát thanh tới một chiếc radio.
Người luôn nói về những ý nghĩ tiêu cực và không mang tính xây dựng trên thực tế phải gánh chịu hậu quả từ chính những lời nói đó dưới hình thức những "đòn đáp trả" tiêu cực không kém. Thậm chí những xung lực tư tưởng không mang tính xây dựng - chỉ riêng điều đó thôi chứ chưa cần tác động của lời nói - cũng đủ tạo ra những hệ quả xấu theo nhiều cách khác nhau. Điều trước tiên, và có lẽ là quan trọng nhất cần nhớ là, những ý nghĩ không mang tính xây dựng sẽ phá hủy khả năng tưởng tượng sáng tạo. Thứ hai là, sự hiện diện trong tâm trí bạn bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào cũng làm phát sinh một tính cách tiêu cực, làm người khác khó chịu và thường biến họ thành người đối kháng với bạn. Hậu quả thứ ba là những suy nghĩ tiêu cực không chỉ ảnh hưởng tới người khác mà còn khắc sâu vào tiềm thức của người suy nghĩ và dần dà trở thành một phần trong tính cách của anh ta.
Công việc của bạn trong cuộc sống là mưu cầu sự thành đạt. Để thành đạt, bạn phải tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, có được những nhu cầu vật chất thiết yếu của cuộc sống, và trên tất cả, bạn phải được hạnh phúc. Toàn bộ những dấu hiệu của thành công NẾU trên đều bắt nguồn dưới hình thức của những xung lực tư tưởng.
Bạn có thể kiểm soát được tâm trí mình, bạn có quyền đưa vào tâm trí mình bất kỳ xung lực tư tưởng nào bạn muốn. Trách nhiệm sử dụng tâm trí một cách xây dựng cũng đi đôi với đặc quyền này. Bạn là người làm chủ số phận của mình. Điều đó cũng chắc chắn như bạn có quyền kiểm soát tư tưởng của riêng mình. Bạn có thể gây ảnh hưởng, định hướng và cuối cùng là kiểm soát môi trường tinh thần của riêng mình, làm cho cuộc sống của bạn trở thành hình mẫu mà bạn mong muốn. Hoặc bạn cũng có thể không để ý gì đến quyền được lựa chọn cuộc sống để rồi tự buông mình vào bao la "bể khổ", nơi bạn bị vùi dập ba chìm bảy nổi như một mảnh gỗ nhỏ trên đầu những con sóng đại dương.
Nhưng ảnh hưởng tiêu cực
Ngoài sáu nỗi sợ hãi cơ bản trên, con người còn phải chịu đựng một tai họa khác nữa. Đó là một mảnh đất phì nhiêu cho các hạt mầm thất bại sinh sôi nảy nở. Và sự hiện diện của nó thường không dễ nhận ra. Nó ăn sâu và thường nguy hiểm hơn tất cả sáu nỗi sợ hãi cơ bản kia. Nếu bạn muốn gọi tai họa đó ra bằng một cái tên, chúng ta hãy tạm gọi nó là Tính dễ nhiễm trước những tác động tiêu cực.
Những người tự tạo lập được một gia tài lớn luôn có ý thức bảo vệ chính mình chống lại những tác động tiêu cực. Ngược lại, những người nghèo khó không bao giờ có khả năng đó. Những người thành đạt ở bất kỳ lĩnh vực nào phải học cách tỉnh táo để sẵn sàng đối phó với những tác động đó. Nếu bạn đọc cuốn sách này để tìm cách làm giàu, hãy xét mình cẩn thận, xem bạn có phải là người dễ bị nhiễm những ảnh hưởng tiêu cực hay không. Nếu bạn lơ là trong việc tự phân tích bản thân, bạn sẽ mất quyền đạt được những mục tiêu mà bạn đang khao khát.
Hãy nghiên cứu kỹ bản phân tích sau. Khi đọc hệ thống câu hỏi, bạn hãy trả lời một cách trung thực nhất. Hãy làm điều đó một cách thận trọng như bạn đang tìm kiếm những kẻ thù phục kích bạn trong bụi rậm và dũng cảm đương đầu với những khuyết điểm của bạn như đương đầu với kẻ thù đích thực.
Bạn có thể dễ dàng bảo vệ mình trước những kẻ thù trong cuộc sống bởi đã có pháp luật, cảnh sát và tòa án đối phó với chúng. Nhưng "tai họa thứ bảy" này rất khó chế ngự bởi nó tấn công trong khi bạn không để ý đến sự hiện diện của nó, khi bạn ngủ và cả lúc bạn thức. Thêm vào đó, vũ khí tấn công của nó là vô hình vì chỉ đơn thuần là một trạng thái tinh thần. Những ảnh hưởng tiêu cực rất nguy hiểm vì nó tấn công con người bằng nhiều hình thức khác nhau. Đôi khi nó xâm nhập đầu óc bằng những lời lẽ đầy thiện ý của bạn bè hay người thân. Ở những thời điểm khác, nó lại đến từ bên trong qua trạng thái tinh thần riêng của một cá nhân. Nhưng nói chung, những ảnh hưởng tiêu cực cũng như những chất độc chết người, mặc dù không phải lúc nào cũng là một cái chết ngay tức khắc.
Làm thế nào để tự bảo vệ mình trước nhưng ảnh hưởng tiêu cực?
Để tự bảo vệ bản thân trước những tác động tiêu cực, dù đó là do bạn tự tạo ra hay là ảnh hưởng từ những người xung quanh, hãy nhớ rằng sức mạnh ý chí chính là tấm lá chắn. Bạn phải sử dụng nó một cách thường xuyên liên tục cho tới khi ý chí dựng nên một bức tường miễn dịch trước những ảnh hưởng tiêu cực trong tâm trí bạn.
Hãy nhận thức rằng bạn, cũng như mọi người khác, về bản chất vốn lười biếng, lãnh đạm và dễ nhiễm trước mọi cám dỗ có vẻ "tương thích" với các điểm yếu của mình.
Hãy nhận thức rằng về bản chất bạn rất dễ nhiễm tất cả những nỗi sợ hãi cơ bản và bạn cần tạo cho mình thói quen chống lại tất cả những nỗi sợ hãi đó.
Hãy nhận thức rằng các thói hư tật xấu thường tác động đến bạn thông qua tiềm thức vì thế chúng rất khó bị phát hiện. Thế nên, hãy “bế quan tỏa cảng” trước những người muốn làm bạn ngã lòng hay mất can đảm bằng mọi cách.
Hãy dọn sạch tủ thuốc của bạn và ngừng ngay việc nghĩ đến những cơn cảm cúm, đau nhức và các căn bệnh tưởng tượng khác.
Hãy cố gắng kết bạn với những người có thể giúp bạn suy nghĩ tích cực và hành động vì chính bản thân mình.
Đừng trông chờ những phiền muộn trắc trở vì chúng luôn có khuynh hướng làm bạn thất vọng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, điểm yếu phổ biến nhất của con người là thói quen mở rộng tâm hồn mình cho những ảnh hưởng tiêu cực từ những người xung quanh. Điểm yếu này càng gây thiệt hại nặng nề hơn vì hầu hết con người đều không nhận ra rằng họ đã bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực đó.
Danh sách các câu hỏi sau đây được soạn ra để giúp bạn nhìn nhận rõ ràng hơn con người thực của mình. Hãy đọc qua hệ thống câu hỏi ngay bây giờ và hãy dành trọn một ngày mà bạn có đủ thời gian đọc lại kỹ càng các câu hỏi và trả lời chúng một cách trọn vẹn. Khi bạn làm điều đó, tôi khuyên bạn nên đọc câu hỏi và trả lời thật lớn tiếng để bạn có thể nghe giọng nói của chính mình. Điều này sẽ khiến bạn dễ dàng trung thực với chính mình hơn.
CÁC CÂU HỎI TỰ PHÂN TÍCH BẢN THÂN
• Bạn có thường than phiền là "cảm thấy mọi việc tồi tệ" ? Nếu có thì đâu là nguyên nhân?
• Bạn có bới lông tìm vết người khác mỗi khi gặp sự khiêu khích dù nhỏ nhất?
• Bạn có thường phạm lỗi trong công việc không? Nếu có thì tại sao?
• Bạn có mỉa mai và công kích trong khi đối thoại với mọi người không?
• Bạn có cố tình tránh kết giao với ai không? Nếu có thì tại sao?
• Bạn có thường cảm thấy không thể thấu hiểu người khác và chính mình không? Nếu có thì nguyên nhân do đâu?
• Bạn có cho rằng cuộc sống là vô ích và tương lai vô vọng không?
• Bạn có thích nghề nghiệp của mình không? Nếu không thì vì sao?
• Bạn có hay tự thương hại mình không? Nếu có thì tại sao?
• Bạn có đố kỵ với những người giỏi hơn mình không?
• Bạn dành nhiều thời gian để nghĩ về điều gì nhất: thành công hay thất bại?
• Bạn cảm thấy tự tin hơn hay mất tự tin khi ngày càng lớn tuổi?
• Bạn có học được bài học nào từ lỗi lầm không?
• Bạn có cho phép người thân hay người quen làm bạn lo lắng không? Nếu có thì tại sao?
• Bạn có thỉnh thoảng cảm thấy phấn khích với cuộc sống nhưng đôi khi lại chìm sâu trong sự chán nản không?
• Ai là người truyền cảm hứng cho bạn nhiều nhất? Tại sao?
• Bạn có nhân nhượng trước những những ảnh hưởng tiêu cực mà nếu muốn bạn vẫn có thể tránh được?
• Bạn có cẩu thả trong vẻ bề ngoài của mình không? Nếu có, lúc nào và tại sao?
• Bạn có biết cách phớt lờ mọi phiền muộn bằng cách làm cho mình bận rộn đến mức không còn quan tâm gì đến nó nữa?
• Bạn có cho rằng bạn là "một sinh vật yếu đuối" khi để người khác suy nghĩ và quyết định mọi chuyện thay mình?
• Có bao nhiêu điều phiền toái có thể ngăn chặn được quấy nhiễu bạn? Tại sao bạn lại chịu đựng chúng?
• Bạn có mượn rượu bia, thuốc lá, ma túy và các chất kích thích khác để "xoa dịu thần kinh" của mình không? Nếu có, tại sao bạn đã không thử sử dụng sức mạnh của ý chí?
• Có ai "làm tình làm tội" bạn không? Tại sao?
• Bạn có mục đích sống rõ ràng nào không? Đó là gì và đâu là kế hoạch thực hiện nó?
• Bạn có chịu đựng bất kỳ nỗi sợ hãi nào trong số sáu nỗi sợ hãi cơ bản NẾU trên không? Hãy kể ra nếu có.
• Bạn có phương cách gì bảo vệ chính mình trước những ảnh hưởng tiêu cực từ người khác không?
• Bạn có chủ động sử dụng phép tự kỷ ám thị để làm phấn chấn tinh thần bạn không?
• Bạn đánh giá điều gì quan trọng nhất, sở hữu của cải vật chất hay sở hữu đặc quyền kiểm soát những suy nghĩ cá nhân?
• Bạn có dễ bị ảnh hưởng bởi người khác không, những người luôn chống lại quan điểm riêng của bạn?
• Hôm nay bạn có gặt hái thêm được chút gì cho kho tàng kiến thức hay tâm hồn của bạn không?
• Bạn có sẵn sàng đối mặt với những nghịch cảnh làm bạn bất hạnh, hay lảng tránh trách nhiệm?
• Bạn có thường phân tích lỗi lầm và thất bại để rút ra các bài học kinh nghiệm, hay cho rằng đó không phải là việc của bạn?
• Bạn có thể kể tên ba điểm yếu lớn nhất của bạn không? Bạn đang làm gì để sửa đổi chúng?
• Bạn có khích lệ người khác chia sẻ những lo lắng của họ với bạn để nhận được sự cảm thông từ bạn không?
• Từ những kinh nghiệm thường ngày, bạn có chọn ra được những bài học hay những ảnh hưởng giúp bạn vượt lên chính mình không?
• Sự hiện diện của bạn có luôn luôn gây ảnh hưởng xấu đến người khác không?
• Thói quen nào của người khác làm bạn khó chịu nhất?
• Bạn tự thiết lập ý kiến riêng của mình hay chấp nhận chịu ảnh hưởng của người khác?
• Bạn có biết cách tạo ra một trạng thái tinh thần có thể bảo vệ bạn khỏi mọi tác động làm bạn nhụt chí không?
• Nghề nghiệp của bạn có truyền cho bạn niềm tin và hy vọng không?
• Bạn có ý thức được rằng nếu sở hữu một sức mạnh tinh thần đủ mạnh có thể làm bạn miễn nhiễm trước mọi hình thức sợ hãi không?
• Tôn giáo của bạn có giúp bạn suy nghĩ tích cực không?
• Bạn có cảm thấy rằng bạn có bổn phận chia sẻ lo lắng của người khác không? Nếu có thì tại sao?
• Nếu bạn tin rằng "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", bạn biết gì về chính mình qua việc học hỏi từ những người bạn thân thiết?
• Bạn có nhận ra mối liên hệ nào giữa những người bạn chơi thân nhất của mình với bất kỳ nỗi bất hạnh nào bạn đã trải qua?
• Có thể nào một người được bạn xem là bạn bè nhưng trên thực tế là kẻ thù không đội trời chung với bạn vì những ảnh hưởng tiêu cực người đó gây ra cho bạn?
• Bạn căn cứ vào đâu để đánh giá ai là người tốt, ai là kẻ xấu?
• Cộng sự thân tín của bạn vượt trội hay thấp kém hơn bạn về trí tuệ?
• Bạn dành bao nhiêu thời gian trong một ngày để:
a. Cho công việc
b. Để ngủ
c. Vui chơi, thư giãn
d. Thu thập kiến thức hữu ích
e. Những việc vô ích
• Ai trong số những người bạn quen biết
a. Khích lệ bạn nhiều nhất
b. Khuyên răn bạn nhiều nhất
c. Làm bạn nhụt chí nhất
• Nỗi lo lắng lớn nhất của bạn là gì? Tại sao bạn chịu đựng nó?
• Khi người khác tự nguyện cho bạn những lời khuyên, bạn chấp nhận chúng mà không hề hỏi tại sao hay phân tích động cơ của họ?
• Bạn ao ước điều gì nhất? Bạn có ý định đạt được điều đó không? Bạn có sẵn sàng đặt những mong muốn khác xuống dưới khát vọng lớn nhất đó không? Bạn bỏ ra bao nhiêu thời gian mỗi ngày để thực hiện khát vọng đó?
• Bạn có hay thay đổi ý kiến không? Nếu có thì tại sao?
• Bạn có thường hoàn thành mọi công việc mà bạn bắt tay vào không?
• Bạn có dễ bị ấn tượng bởi thành tích kinh doanh, học hàm học vị, bằng cấp hoặc tài sản của người khác không?
• Bạn có dễ bị tác động bởi những gì người khác nói hay nghĩ về bạn không?
• Bạn có dễ dàng cúi mình trước người khác chỉ vì địa vị xã hội hay tình trạng tài chính của họ?
• Bạn tin ai là người vĩ đại còn sống? Người này hơn bạn ở phương diện nào?
• Bạn mất bao lâu để trả lời các câu hỏi này? (Ít nhất một ngày để phân tích và trả lời toàn bộ các câu hỏi).
Nếu bạn trả lời tất cả các câu hỏi này một cách trung thực, bạn sẽ hiểu rõ chính mình hơn đại đa số những người khác. Hãy đọc kỹ các câu hỏi và quay lại với chúng mỗi tuần một lần trong vài tháng liên tiếp, bạn sẽ ngạc nhiên vì giá trị to lớn của những kiến thức bổ sung mà bạn thu lượm được từ việc trả lời một cách thành thật những câu hỏi đó. Nếu bạn không chắc chắn về một số câu trả lời cho một vài câu hỏi nào đó, hãy tham khảo ý kiến của những người hiểu rõ bạn, nhất là những người không có động cơ xu nịnh tâng bốc bạn và chỉ nhìn bạn qua con mắt khách quan của họ. Kinh nghiệm này sẽ làm bạn ngạc nhiên đấy.
ĐIỀU DUY NHẤT BẠN CÓ THỂ TUYÊT ĐỐI KIỂM SOÁT
Bạn nắm quyền kiểm soát tuyệt đối một thứ duy nhất, đó là tư tưởng của bạn . Đó là một thực tế có ý nghĩa và mang tính khích lệ nhất mà con người từng biết. Nó phản ánh bản chất tuyệt diệu của con người. Đặc quyền thiêng liêng này là công cụ duy nhất mà nhờ đó con người có thể kiểm soát được số phận của mình. Nếu bạn thất bại trong việc kiểm soát tâm trí của mình, bạn chẳng thể kiểm soát được cái gì khác. Tâm trí là tài sản tinh thần của bạn! Hãy bảo vệ và sử dụng nó cẩn thận với niềm tin tuyệt đối. Bạn đã được ban cho một sức mạnh ý chí để thực hiện mục đích đó.
Thật không may là pháp luật không có điều khoản nào bảo vệ con người trước những kẻ, vô tình hay cố ý, đầu độc tâm hồn người khác bằng những lời khuyên bảo tiêu cực.
Những người có đầu óc tiêu cực từng cố thuyết phục Edison rằng ông không thể chế tạo được một chiếc máy có thể thu và phát lại giọng nói con người, "bởi vì", họ nói, "từ trước tới nay chưa từng có người chế tạo ra được chiếc máy đó". Edison không tin điều đó. Ông biết rằng trí tuệ con người có thể tạo ra bất cứ thứ gì nó tưởng tượng ra được và tin tưởng. Nhận thức đó chính là sự khác biệt đã nâng Edison thành người vĩ đại so với những người cùng thời.
Những người có đầu óc tiêu cực từng bảo F. W. Woolworth rằng ông sẽ phá sản khi cố điều hành một cửa hiệu bán những món hàng chỉ với mức giá cố định năm đô- la và mười xu. Nhưng ông không tin. Ông biết rằng ông có thể thực hiện được mọi kế hoạch nếu như có niềm tin. Bỏ ngoài tai mọi lời nói ra nói vào của người khác, ông đã tích lũy được một gia tài lên đến hơn một trăm triệu đô-la Mỹ.
Thomases đa nghi đã nhạo báng một cách đầy khinh miệt khi Henry Ford lần đầu tiên chạy thử chiếc xe hơi được thiết kế thô kệch trên đường phố Detroit. Nhiều người nói, chuyện này không bao giờ trở thành thực tế cả. Người khác lại nói không ai bỏ tiền để mua chiếc máy kỳ cục ấy. Ford đáp: "Tôi sẽ phủ lên khắp trái đất này những chiếc xe hơi đáng tin cậy đó". Và ông đã làm được điều đó! Vì lợi ích của những ai muốn có những gia tài khổng lồ, hãy nhớ rằng trên thực tế, sự khác biệt duy nhất giữa Henry Ford và phần đông các công nhân của ông là: Ford có đầu óc và biết kiểm soát nó, còn những người khác cũng có đầu óc nhưng họ không thích kiểm soát chúng.
Kiểm soát tâm trí là kết quả của tính tự giác và thói quen. Nếu bạn không thể kiểm soát được tâm trí mình, bạn sẽ bị nó kiểm soát. Không có sự thỏa hiệp nửa vời nào cả. Phương pháp thực tế nhất để kiểm soát tâm trí là thói quen làm cho đầu óc luôn bận rộn với một mục đích rõ ràng được hỗ trợ bởi một kế hoạch xác định. Hãy nghiên cứu tiểu sử của bất kỳ người nào từng đạt được những thành công đáng ghi nhận, bạn sẽ thấy rằng người đó đã kiểm soát tốt tâm trí của anh ta, và hơn thế nữa, anh ta sử dụng quyền kiểm soát đó và hướng nó tới việc giành được mọi mục tiêu đã định.
Không có sự kiểm soát tâm trí, không có thành công!
NĂM MƯƠI LĂM LỜI BIÊN MINH SỬ DỤNG MÊNH ĐỀ “NẾU”
Những người không thành đạt trong cuộc sống đều có chung một đặc điểm rất nổi bật. Đó là họ biết tất cả mọi lý do dẫn đến thất bại và luôn viện dẫn những chứng cứ hết sức chặt chẽ để biện minh cho việc họ không thể thành công.
Một số lời biện minh tỏ ra rất tài tình, trong khi một số khác lại được thực tiễn kiểm chứng là đúng. Nhưng mọi lời biện minh đều không thể được sử dụng để làm ra tiền. Thế giới này chỉ cần biết có một điều duy nhất: bạn có thành công hay không.
Một chuyên gia phân tích tính cách con người đã lập một bản liệt kê những lời biện minh được sử dụng phổ biến nhất. Khi đọc danh sách này, bạn hãy tự kiểm điểm mình thật cẩn thận và quyết định xem những lời biện minh nào bạn đã từng sử dụng. Hãy nhớ rằng, triết lý làm giàu được trình bày trong quyển sách này sẽ làm mất tác dụng của tất cả mọi lời biện minh.
1- NẾU tôi không có vợ và gia đình...
2- NẾU tôi có đủ "lợi thế"...
3- NẾU tôi có tiền...
4- NẾU tôi được học hành đàng hoàng...
5- NẾU tôi có thể tìm được việc làm...
6- NẾU tôi có sức khỏe tốt...
7- NẾU tôi có thời gian...
8- NẾU ở vào một thời điểm tốt hơn...
9- NẾU mọi người hiểu tôi...
10- NẾU hoàn cảnh quanh tôi khác đi...
11- NẾU tôi có thể sống một cuộc đời nữa...
12- NẾU tôi đã không sợ những điều "họ" nói...
13- NẾU tôi đã có một cơ hội...
14- NẾU bây giờ tôi có một cơ hội...
15- NẾU người khác đã không "áp đặt" tôi...
16- NẾU không có chuyện xảy ra ngăn trở tôi...
17- NẾU tôi trẻ hơn...
18- NẾU tôi đã có thể làm điều tôi muốn...
19- NẾU tôi được sinh ra trong giàu có...
20- NẾU tôi có thể gặp "đúng người cần gặp"...
21- NẾU tôi có tài năng như một số người...
22- NẾU tôi đã dám tự khẳng định mình...
23- NẾU tôi nắm bắt được các cơ hội trước đây...
24- NẾU người ta không làm tôi nổi xung thiên...
25- NẾU tôi không phải giữ nhà và trông con...
26- NẾU tôi đã có thể dành dụm được ít tiền...
27- NẾU sếp tôi đã đánh giá đúng năng lực của tôi...
28- NẾU đã có ai đó giúp tôi...
29- NẾU gia đình tôi hiểu tôi...
30- NẾU tôi sống ở một thành phố lớn...
31- NẾU tôi có thể bắt đầu lại...
32- NẾU tôi còn tự do...
33- NẾU tôi có được cá tính của một số người...
34- NẾU tôi không quá béo phì như thế này...
35- NẾU tài năng của tôi được mọi người biết đến...
36- NẾU tôi có được một “bước đột phá”...
37- NẾU tôi thoát được cảnh nợ nần...
38- NẾU tôi không thất bại...
39- NẾU tôi biết được cách làm thế nào...
40- NẾU mọi người đã không phản đối tôi...
41- NẾU tôi không có quá nhiều lo lắng...
42- NẾU tôi cưới được đúng người...
43- NẾU người ta đã không quá ngu xuẩn...
44- NẾU gia đình tôi không quá phung phí tiền của...
45- NẾU tôi đã tin ở bản thân mình...
46- NẾU may mắn đã mỉm cười với tôi...
48- NẾU câu nói quen thuộc "điều gì đến ắt sẽ đến" là
không đúng...
49- NẾU tôi đã không phải làm việc quá cực khổ...
50- NẾU tôi đã không bị mất tiền...
51- NẾU tôi đã sống ở một khu vực khác...
52- NẾU tôi đã không có một "quá khứ"...
53- NẾU tôi có được một doanh nghiệp của riêng mình...
54- NẾU người khác chịu nghe tôi...
55- NẾU... và đây là cái NẾU lớn nhất trong tất cả ... Nếu tôi có can đảm nhìn vào con người thật của mình, tôi sẽ nhận ra tôi sai ở đâu và tôi đã sửa chữa lỗi lầm đó. Khi nhận ra những sai lầm của mình, tôi sẽ có cơ hội vươn tới những thành công mà tôi khao khát. Lẽ ra tôi nên dành thời gian phân tích những điểm yếu của mình, thay vì mất thời gian đi tìm những chứng cứ để biện minh cho chúng.
Xây dựng các “chứng cứ ngoại phạm” để biện minh cho thất bại là trò tiêu khiển rất phổ biến của con người. Thói quen này có tuổi bằng tuổi của nhân loại và cực kỳ nguy hiểm đối với thành công! Tại sao con người cứ bám vào những chứng cứ mà họ ưa thích như thế? Câu trả lời thật hiển nhiên: họ bảo vệ các “chứng cứ ngoại phạm” do chính họ sáng tạo ra! Chúng là sản phẩm của trí tưởng tượng của riêng từng người. Và bản chất của con người là luôn bảo vệ những đứa con tinh thần của họ.
Xây dựng “chứng cứ ngoại phạm” là một thói quen thâm căn cố đế của con người. Thói quen khó thay đổi, đặc biệt khi chúng cung cấp lý lẽ ngụy biện cho những việc chúng ta đã làm. Triết gia Plato đã thấu hiểu chân lý đó khi nói rằng, "Chiến thắng đầu tiên và vinh quang nhất là chiến thắng chính mình. Không thể vượt qua chính mình là điều tồi tệ và đáng xấu hổ nhất".
Một triết gia khác cũng có cùng tư tưởng đó khi ông viết: "Tôi thật kinh ngạc khi phát hiện ra rằng những điều xấu xa nhất mà tôi nhìn thấy ở người khác lại là hình ảnh phản chiếu bản chất của chính tôi".
Còn triết gia Elbert Hubbard, tác giả, chủ bút tờ tạp chí The Fra đồng thời là người sáng lập ra Hội nghệ sĩ Roycrofters, thì nói rằng: "Tôi vẫn lấy làm lạ rằng tại sao người ta thường dành quá nhiều thời gian để cố tình tự lừa dối mình bằng cách tạo ra các chứng cứ ngoại phạm để che đậy các điểm yếu. Nếu được sử dụng khác đi, thời gian đó đủ để sửa chữa mọi sai lầm mà không cần tìm tòi chứng cứ gì cả!".
Để chia tay, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn rằng: "Cuộc sống là một bàn cờ, và đối thủ của bạn là thời gian. Nếu bạn ngập ngừng trước mỗi nước đi hoặc lơ đễnh không nhanh chóng đi những nước cờ quyết định, quân của bạn sẽ bị tiêu diệt bởi đối thủ Thời gian. Bạn đang chơi với một đối thủ không hề biết khoan nhượng trước sự thiếu quyết đoán của bạn!".
Trước đây, bạn có thể có một lời bào chữa hợp lô-gic vì đã không có một cuộc sống như ý, nhưng lời bào chữa đó giờ đây đã lỗi thời, bởi vì bạn đã sở hữu chiếc Chìa Khoa Van Năng có thể mở tung mọi cánh cửa dẫn tới một cuộc sống giàu có.
Chiếc chìa khóa vạn năng này vô hình, nhưng đầy sức mạnh! Bạn có đặc quyền được tạo ra trong tâm trí mình khát khao cháy bỏng về một cuộc sống thịnh vượng theo quan niệm riêng của bạn. Không có khoản lệ phí phải trả nào để sử dụng chiếc chìa khóa này, nhưng nếu không sử dụng nó, bạn sẽ phải trả giá. Cái giá đó là thất bại. Những phần thưởng vô cùng to lớn đang chờ đợi bạn nếu bạn sử dụng chiếc chìa khóa này. Đó là sự toại nguyện dành cho tất cả những ai biết vượt qua chính mình và làm chủ cuộc sống.
Phần thưởng sẽ xứng đáng với nỗ lực của bạn. Liệu bạn có tin vào chân lý đó không và đã sẵn sàng để bắt đầu?
Emerson bất tử từng nói: "Nếu hiểu nhau, chúng ta sẽ gặp nhau". Để kết thúc, tôi xin mượn lời của ông, rằng: "Nếu hiểu nhau, thì tôi và các bạn đã gặp nhau rồi đấy, ngay trên những trang sách này".
Hãy luôn nhớ rằng sự giàu có thực sự không được đo bằng những gì bạn đang có mà bằng những gì bạn mong muốn trở thành.