Có khả năng nhận ra và nắm bắt thời cơ thật sự là một điều rất quan trọng. Tôi đã học được bài học quan trọng về động lực thúc đẩy và chọn đúng thời điểm từ William Levitt, “người cha tuyệt vời của những vùng ngoại ô”. William nổi tiếng tới mức ông đã có mặt trên trang bìa của tạp chí Time ra ngày 3 tháng 7 năm 1951. Mọi chuyện bắt đầu sau khi Thế chiến thứ II kết thúc.
Trước Thế chiến thứ II, ngành công nghiệp nhà ở chưa phát triển như ngày nay; các nhà xây dựng địa phương thời đó không thể xây được quá vài căn nhà một năm. Cách thức xây dựng khi đó quá chậm chạp và cồng kềnh nên không đáp ứng kịp nhu cầu đang gia tăng về nhà ở của hàng nghìn nam nữ quân nhân vừa trở về sau chiến tranh. Nhiều người gặp khó khăn về nhà ở đến nỗi một đôi vợ chồng đã dựng lều hai ngày bên cạnh cửa sổ một cửa hàng bách hóa ở thành phố New York để cho thiên hạ thấy đựơc hoàn cảnh khó khăn của họ.
William Levitt đã giải quyết đựơc cơn khủng hoảng về nhà ở sau Thế chiến thứ II bằng cách áp dụng các kỹ thuật dây chuyền lắp rắp vào quá trình xây dựng nhà. Nhờ đó mà hàng loạt ngôi nhà được dựng lên một cách nhanh chóng với chi phí thấp. Giá nhà của Levitt rẻ đến nỗi những người lái xe buýt, giáo viên hay công nhân nhà máy đều có thể mua được. Ông là một nhà xây dựng vĩ đại, là người sáng tạo ra những phương pháp xây dựng hiện đại, đồng thời cũng là người đã kiến tạo nên những khu ngoại ô hiện đại như chúng ta thấy ngày nay. Ông đã chia quá trình xây dựng thành 27 hoạt động riêng biệt và đã sử dụng các đội công nhân được chuyên môn hóa cho từng công đoạn như làm mộc, lợp ngói, sơn, làm mái, v.v. trong suốt quá trình xây dựng.
Bill Levitt là người rất tham vọng. Ông luôn để tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất. Thời gian ông cho tiến hành xây dựng 17.000 ngôi nhà cùng một lúc ở Levittown, New York chính là minh chứng hùng hồn cho điều này. Cứ sau mỗi ngày làm việc, ông lại một mình đi nhặt từng chiếc đinh còn vương vãi trên công trường. Ông luôn nhắc nhở công nhân của mình phải chú ý thu gom mùn cưa bởi họ có thể bán cho các công ty khác để lấy tiền. Để giảm chi phí mua gỗ, ông đã mua riêng rừng và nhà máy cưa. Ông cũng tiết kiệm chi phí đáng kể bằng cách mua nguyên liệu, dụng cụ trực tiếp từ các nhà sản xuất thay vì từ nhà phân phối. Thậm chí ông còn cho sản xuất riêng đinh để phục vụ việc xây dựng của m̀inh. Levitt yêu cầu mọi việc phải hoàn hảo. Cứ thứ Bảy hàng tuần ông lại lái chiếc Cadillac màu đen đi khắp các con phố của thị trấn Levittown để kiểm tra những công trình trong thị trấn mà ông đã cho xây dựng. Levitt còn chịu khó lắng nghe cả những câu chuyện tầm phào của người dân trong thị trấn để chắc chắn rằng mọi thứ ông làm đều trong điều kiện hoàn hảo nh́ât.
Levitt đã cho xây dựng 140.000 ngôi nhà phù hợp với những người thuộc tầng lớp trung và hạ lưu ở cả Mỹ và Canada bao gồm các bang New York, Pennsylvania, New Jersey, Maryland và Georgia. Năm 1968, Levitt đã bán công ty của mình cho ITT, một tập đoàn lớn được điều hành bởi nhà kinh doanh tài ba Harold Geneen với giá 92 triệu đô-la bằng cổ phiếu, và đến nay số cổ phiếu này có giá trị ước tính là 2 tỉ đô-la.
Levitt nghỉ hưu và cưới một cô vợ xinh đẹp như “búp bê trong tủ kính”. Sau đó, ông bắt đầu tiêu tiền vào những thứ xa xỉ như chiếc du thuyền dài gần 80 mét La Belle Simone (được đặt theo tên người vợ thứ ba của ông) cùng ngôi biệt thự 30 phòng ở Mill Neck, New York. Cuộc sống của ông trôi qua một cách nhẹ nhàng và bình lặng. Trong bản hợp đồng bán công ty có một điều khoản quy định Levitt không được phép xây dựng bất cứ thứ gì ở Mỹ trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, Levitt đã bắt đầu cho xây dựng một số dự án ở các khu vực địa phương tại Iran, Venezuela và Nigeria. Levitt đã dùng chính số cổ phiếu ở ITT để ký quỹ vay tiền làm các dự án mới của mình.
Trong khoảng thời gian tiếp quản hoạt động kinh doanh nhà ở của Levitt, ITT đã không điều hành tốt được như Levitt. Với các vướng mắc gặp phải, thay vì sử dụng tài thương thuyết khéo léo, ITT đã giải quyết bằng cách tung ra thật nhiều tiền tới mức không còn kiểm soát được mình đang làm những gì. Tập đoàn này thực sự đã lãng phí rất nhiều tiền của. Họ không biết nhặt nhạnh từng cái đinh, cũng không hề quan tâm đến các tiểu tiết mà chỉ biết phung phí tiền bạc vào việc mua đất ở nhiều nơi khác nhau một cách vô tội vạ trước khi biết được khu đất đó có thể không nằm trong quy hoạch. ITT đã làm tất cả những gì mà một công ty lớn thường làm và đã lãng phí rất nhiều tiền, nhưng tập đoàn này không hề để tâm đến điều đó. Trong vòng bốn năm, cổ phiếu của ITT đã mất90% giá trị. Và khi các dự án ở nước ngoài của ITT gặp khó khăn về tài chính, số nợ của họ đã lên đến hàng triệu đô-la.
Sau 15 năm, ITT quyết định rao bán công ty của Levitt. Levitt vì muốn tiếp tục công việc xây dựng nên đã mua lại công ty từ tay ITT. Levitt lại bắt đầu cho xây dựng nhà ở tại Mỹ nhưng ông đã không thể quay trở về thời kỳ hưng thịnh như trước kia. Và Levitt nhanh chóng lâm vào tình trạng suy thoái với nhiều vấn đề khó khăn khác mà bản thân ông không thể giải quyết được. Cuối cùng ông đã phá sản và mất tất cả.
Năm 1993, tôi được mời tới dự một bữa tiệc dành cho 100 người thành công nhất do một doanh nhân có quyền lực tổ chức tại biệt thự của ông ta ở Đại lộ số 50. Sau khi những khó khăn của tôi vào đầu những năm 1990 lắng xuống, tôi đã bắt đầu làm ăn thực sự thuận lợi; tôi mua được khu đất ở 40 Phố Wall và cho xây dựng tòa tháp kiêm khách sạn Trump International ở đó. Tôi đã được mời đến dự tiệc dù rằng không uống được rượu. Tại buổi tiệc, tôi để ý thấy một người đàn ông đã nhiều tuổi ngồi ở một góc phòng. Tôi lại gần bắt chuyện với ông và nhận ra đó chính là nhà xây dựng tài ba William Levitt. Lúc này ông đã khoảng 82 tuổi. Không một ai trong bữa tiệc quan tâm hay nói một lời nào với ông bởi tất cả đều đang nói chuyện với nhau và bàn công việc làm ăn của mình. Tôi thực sự đã rất kinh ngạc khi thấy ông ở đó.
Là một người kinh doanh bất động sản, tôi cảm thấy vô cùng thích thú khi được nói chuyện với Levitt bởi vì tôi vẫn luôn ngưỡng mộ những gì ông đã làm được. Tôi cất lời: “Chào ông Levitt. Dạo này ông thế nào?”. Ông đáp: “Không ổn chút nào anh Donald”. Tôi nói: “Tôi hiểu. Tôi đã đọc báo và biết mọi thứ trở nên khó khăn với ông như thế nào”. Ông nói: “Tình hình thực sự rất, rất khó khăn và đã làm tôi cảm thấy thực sự bẽ mặt”. Tôi tò mò và hỏi lại: “Chính xác chuyện gì không ổn đã xảy ra thưa ông?”.
Levitt rầu rĩ trả lời: “Tôi đã đánh mất động lực của mình Donald ạ”. Đây là người đàn ông tài ba, năng nổ, là người đã cho xây dựng 140.000 ngôi nhà và đã cách mạng hóa ngành công nghiệp nhà ở. Đây cũng chính là người đã đánh mất động lực và mất tất cả. Có lẽ đây là lần duy nhất từ trước đến giờ tôi nghe được lời chia sẻ như vậy.
Một lúc nào đó, tất cả chúng ta có thể sẽ đánh mất động lực của chính mình. Và nếu điều đó xảy ra, quan trọng là bạn phải biết mình sẽ làm gì. Tôi cho rằng sự hiểu biết của Levitt là vô cùng xuất sắc. Vì vậy tôi thực sự rất ngạc nhiên và buồn cho ông. Một thời gian ngắn sau đó, Levitt đã ra đi mãi mãi mà không còn một thứ gì; tất cả chỉ bởi ông đã đánh mất động lực của bản thân. Còn tôi đã học được một bài học lớn từ William Levitt ngay tối hôm đó. Kể từ đó, tôi đã dành nhiều thời gian để học hỏi và vận dụng sức mạnh của động lực vào cuộc sống cũng như công việc kinh doanh của mình. Tôi không bao giờ muốn đánh mất động lực của bản thân. Với bài học này, bạn hoàn toàn áp dụng được trong mọi ngành nghề chứ không chỉ riêng ngành bất động sản.
Khi mới bắt đầu hướng tới một mục tiêu lớn nào đó, chẳng hạn như có một công việc tuyệt vời ở Phố Wall, trở thành thị trưởng nhiệm kỳ tới của thành phố New York hoặc xây được tòa nhà cao nhất thế giới, bạn vẫn chưa tạo được cho mình bất cứ động lực nào. Bạn chưa có mối quan hệ hay bất cứ thành tích nào. Không ai để ý đến bạn và cũng sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Động lực được hình thành như thế này – tôi sẽ lấy ngành bất động sản làm ví dụ, tuy nhiên những người bán hàng, chính trị gia, doanh nhân, nhà phát minh, nhà quản lý công ty, luật sư hay bất kể người làm trong lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng được – đó là ban đầu bạn phải tìm kiếm những thương vụ hay các khu đất mà bản thân bạn biết rằng có thể may mắn sẽ không mỉm cười với bạn. Sau đấy bạn vẫn kiên trì tiếp tục tìm kiếm; đồng thời dành thời gian tìm hiểu và quy tụ một đội ngũ các chuyên gia có thể có mặt ngay khi đã nắm trong tay một dự án xây dựng hoặc nâng cấp nhà bao gồm: người định giá, giám định viên, luật sư, kế toán và nhà thầu. Mới đầu, sẽ không ai biết bạn là ai. Họ không tin tưởng bạn vì bạn chưa có bất cứ điều gì nổi trội. Họ không biết liệu bạn có muốn làm việc thật không hay đó chỉ là một dự án không đáng tin cậy và có thể chấm dứt khi mọi chuyện trở nên quá khó khăn. Như vậy khi mới đầu, mọi chuyện dường như chưa có gì xảy ra.
Nhưng dần dần, mỗi ngày qua đi và mỗi mối quan hệ bạn có được sẽ giúp bạn tạo dựng động lực cho chính mình. Bạn sẽ cho mọi người thấy bạn sẽ không dừng ḷai khi chưa đạt được một điều gì đó. Vì vậy bạn vẫn xây dựng động lực dần dần, rồi một ngày, hy vọng và cơ hội sẽ mở ra với bạn. Bạn sẽ có được một tài khoản hoặc sẽ ký được một hợp đồng nào đó. Bạn nói với mọi người về các mối quan hệ của mình và sự tín nhiệm của bạn bất ngờ được tăng lên. Mọi người bắt đầu tin tưởng bạn. Bạn vẫn tiếp tục làm việc, và giờ đây bạn đã ở một vị trí cao hơn. Như vậy sau một thời gian, bạn đã xây dựng được động lực thúc đẩy nhiều tới mức mọi thứ trở nên suôn sẻ và bạn bắt đầu có nhiều lựa chọn hơn. Bạn kể với mọi người về điều đó và giá trị của bạn được tăng lên một cách khác thường. Mọi người đều thấy bạn có động lực phát triển và họ cùng muốn trở thành một phần trong đó!
Nhưng phải làm gì để tạo được động lực thúc đẩy bản thân? Câu trả lời rất đơn giản. Trước hết bạn cần tập trung niềm đam mê và sức mạnh vào một mục tiêu cụ thể. Hãy chọn lĩnh vực nào bạn am hiểu hoặc có khả năng làm tốt nhất. Hãy bắt đầu việc tạo dựng động lực bằng cách thật am hiểu lĩnh vực bạn đã chọn.
Khi đang theo học ngành tài chính tại trường Wharton, tuy các khóa học rất thú vị nhưng chúng vẫn chưa đủ đáp ứng được lòng khao khát hiểu biết của tôi về lĩnh vực bất động sản. Tôi biết mình muốn trở thành một nhà phát triển bất động sản tài ba, và vì thế, trong thời gian rảnh rỗi ở Wharton, tôi đã học cách mua bán bất động sản. Điều này không nằm trong chương trình giảng dạy nhưng tôi vẫn học và đã bắt đầu tạo được động lực cho riêng mình.
Hãy tìm một người thầy thông thái để giúp bạn tạo dựng động lực cho bản thân. Đối với tôi, người thầy thông thái của tôi chính là cha tôi. Khi mới tốt nghiệp trường Wharton, tôi đã bắt đầu xây dựng vốn hiểu biết thực tế bằng việc giúp đỡ cha trong các thương vụ bất động sản, và chính điều này đã làm tăng động lực của tôi một cách đáng kể. Để tạo dựng động lực, hãy tìm một công việc trong lĩnh vực mà bạn ưa thích càng sớm càng tốt. Hãy làm bất cứ công việc gì để tích lũy kinh nghiệm và hãy bắt đầu tạo dựng động lực thực sự cho bản thân.
Làm việc cho cha tôi thực sự rất thú vị, nhưng tôi cần nhiều hơn thế. Một điểm vô cùng quan trọng là bạn phải giữ cho động lực của mình tiếp tục lớn mạnh; bạn phải liên tục thử thách bản thân. Tôi đã thử thách bản thân theo một con đường khá chông gai, đó là khi tôi quyết liều một phen chuyển tới Manhattan để xây dựng sự nghiệp riêng. Tôi đã mang theo mình động lực được tạo dựng cẩn thận trong suốt 5 năm làm việc cùng với cha ở Queens và Brooklyn và dùng nó để bắt đầu phát triển sự nghiệp bất động sản trên đấu trường hạng nhất của Manhattan. Sau đó, bằng ý chí quyết tâm và sức mạnh của lòng nhiệt huyết, tôi đã làm cho động lực của mình thêm lớn mạnh. Động lực cũng giống như những quân bài chủ đạo trong cuộc chơi mà bạn phải luôn giữ được và phải liên tục biến chúng thành những quân bài mạnh hơn.
Một điều cần lưu ý, đó là nếu bạn dừng lại, động lực cũng sẽ biến mất. Đó cũng là điều đã xảy ra với tôi vào cuối những năm 1980. Tôi từng cưỡi lên con sóng động lực tới đỉnh cao của giới bất động sản New York. Bước khởi đầu của tôi khá suôn sẻ và thời điểm cũng rất hoàn hảo. Tôi nhảy vào cuộc chơi khi các khu đất ở tầng hầm của West Side Penn Central được rao bán với giá thấp nhất nhưng không ai ngoài tôi tỏ ra quan tâm tới chúng. Và tôi đã có được thương vụ đó mà không mất một đồng nào. Rồi thị trường bất động sản ở Manhattan bất ngờ bùng nổ và phát triển vượt bậc trong vòng 16 năm sau đó. Tất cả những gì tôi nhìn thấy khi đó là thời cơ tốt. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ mãi luôn như vậy. Trong suốt 16 năm đó tôi chỉ phấn đấu vì một điều: xây dựng động lực ngày càng lớn mạnh. Vậy mà sau đó tôi đã dừng lại.
Thời điểm đó, Business Week đã cho đăng một bài báo về tôi, trong đó có viết: “Tất cả những gì ông ấy chạm vào đều biến thành vàng”. Tôi đã tin điều đó là sự thật, và đã hành động như thể những gì bài báo đó nói là hoàn toàn chính xác. Tôi đến Paris và tận hưởng cuộc sống với một niềm đam mê khác: những người phụ nữ đẹp – các siêu mẫu. Tôi đã đánh mất phương hướng của cuộc sống. Tôi đã nghĩ rằng lĩnh vực bất động sản thật dễ dàng. Tôi không bao giờ tưởng tượng được động lực mình đã gây dựng dần dần qua từng thương vụ lại có thể biến mất. Nhưng điều đó thực sự đã xảy ra, và khi đó nó gần như hủy hoại tôi. Đó là một sự thật th́ú vị khác về động lực: ńếu bạn không tự làm cho động lực ngày càng lớn mạnh, động lực sẽ chỉ đứng yên và sẽ bất ngờ làm hại bạn cũng như đánh đổ toàn bộ những gì bạn đã gây dựng. Đó l̀à điều cũng đã x̉ảy ra với Bill Levitt v̀à gần như cũng đã xảy ra v́ới ngay cả bản thân tôi.
Những gì không hủy hoại được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn
Sự thất bại có hai khả năng: hoặc hủy hoại bạn, hoặc làm bạn mạnh mẽ hơn. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này: “Điều gì không hủy hoại được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”. Tôi thực sự rất kính trọng và nể phục những người từng phải tr̉ải qua nghịch cảnh và đứng dậy được sau cú ngã. Đầu những năm 1990, tôi chính là một trong những người như vậy. Tôi đã phải trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn và rút ra được rất nhiều điều về bản thân, sau đó tôi trở lại với nhiều kinh nghiệm hơn, mạnh mẽ hơn và giỏi giang hơn. Điều này không khác gì so với chuyện của Frank Sinatra vào đầu những năm 1950. Frank Sinatra đã lơ là và không còn ṭâp trung vào mục tiêu của bản thân. Ông ấy không để mắt tới mục đích của mình và đã có những quyết định tồi tệ. Và cũng giống như tôi, nh̃ưng vấn đề của Frank Sinatra cũng có chút liên quan đến những người phụ nữ xinh đẹp.
Sammy Davis Jr. có kể một câu chuyện rất thú vị trong cuốn sách của ông mang tựa đề Yes I Can rằng Sammy - người đang có sự nghiệp thăng hoa (dẫu không nhận được sự đỡ đầu nào dù rất nhỏ từ Sinatra) - đã thấy Frank đi xuống sân khấu Broadway với một dáng vẻ thảm hại. Thời điểm đó, sự nghiệp của Frank đang xuống dốc; từ một ca sĩ tên tuổi lừng lẫy nhất từ trước đến giờ, ông đã trở thành trò cười của khán giả và không có nổi một bài hát mới nào. Trải nghiệm này là một tiếng gọi thức tỉnh đối với Frank. Ông đã quyết tâm lấy lại sự tập trung và thành công của mình.
Tôi ćó thể nhận xét được nhiều điều về một người qua cách họ đối phó với những hoàn cảnh khó khăn. Tôi từng thấy nhiều người bề ngoài có vẻ cứng rắn nhưng lại dễ dàng đầu hàng trước áp lực. Tôi cho rằng đó là vấn đề về cách thức bạn nhìn nhận thất bại: nếu thừa nhận thất bại thì sau đó bạn sẽ bị đánh gục thực sự. Nếu bạn nhìn nhận rằng tuy tình hình rất tệ nhưng mình sẽ quyết tâm vượt qua thì bạn sẽ có một cơ hội tốt hơn nhiều. Tôi biết được điều này từ chính những trải nghiệm của bản thân.
Chúng ta không thể biết một tình huống nào đó có thể diễn ra theo chiều hướng nào. Chúng ta cũng sẽ không thể biết trước kết cục của mọi chuyện sẽ ra sao. Tôi đã từng rơi vào nhiều tình huống rất tồi tệ, nhưng khi đã vượt qua được, cảm giác lại trở nên rất tuyệt vời.
Tôi có những người bạn đã chọn cách từ bỏ và chấp nhận thất bại của bản thân. Đó quả là một việc làm ngớ ngẩn, và tất nhiên họ không bao giờ vượt qua được thất bại. Đừng bao giờ thừa nhận rằng mình đã bị đánh bại. Mà nếu bị thất bại thì cũng chẳng sao. Điều đó có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng chỉ cần bạn nhớ rằng đừng bao giờ đầu hàng trước những khó khăn thử thách, bởi không ai biết được phía trước có những cơ may thế nào đang chờ đợi mình.
Lăn tảng đá lên đỉnh đồi
Tôi đã lơ là và phải đối mặt với những thất bại nặng nề không thể ngờ. Các ngân hàng cùng lúc đã tạo sức ép rất lớn với tôi. Động lực của tôi cũng vì thế mà chững lại. Điều này thật kinh khủng nhưng tôi không thể từ bỏ, tôi phải tiếp tục tiến lên phía trước, đồng thời cố gắng rút kinh nghiệm từ các sai lầm của bản thân. Tôi tập trung trở lại vào công việc, vào các kế hoạch cho các thương vụ và vào những bất động sản mới bởi đó là những gì có thể làm tôi phấn chấn hơn. Bắt tay vào các dự án mới giúp tôi dần lấy lại động lực làm việc, tuy hơi chậm nhưng rất chắc chắn và chỉ sau một thời gian mọi thứ đối với tôi lại trở nên suôn sẻ.
Từ thất bại của bản thân, tôi đã rút ra cho mình một bài học là phải luôn duy trì sự tập trung và không ngừng xây dựng động lực. Nếu bạn biết giữ cho động lực của mình ngày càng lớn mạnh thì những rắc rối hiện tại có thể chỉ là vấn đề tạm thời. Hơn nữa, rắc rối của bạn có là vấn đề tạm thời hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn nhìn nhận sự việc và xác định hoàn cảnh của mình. Nếu bạn cảm thấy mọi hy vọng đã tiêu tan thì sự việc sẽ diễn ra đúng theo chiều hướng đó. Còn ngược lại, nếu bạn chỉ xem thất bại như một khoảng thời gian tạm lắng hay một giai đoạn chững lại trong sự nghiệp của mình và vẫn tiếp tục làm những công việc mà mình đam mê thì thành công sẽ đến với bạn.
Tất cả chúng ta ai cũng phải trải qua các vấn đề khó khăn. Đó là hiện thực cuộc sống. Bạn thể hiện cá tính nổi bật của mình qua cách đương đầu với những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Thời gian sẽ hàn gắn mọi vết thương, chỉ cần bạn luôn giữ cho mình thái độ tích cực và tiếp tục tiến lên. Mỗi khi tiếp cận một dự án, tôi biết nhất định sẽ có những khó khăn, thử thách và tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận chúng. Tôi không chán nản trước những khó khăn bởi tôi biết công việc của mình là giải quyết những rắc rối đó. Hãy là người có thể xử lý các tình huống nan giải và bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của mình.
Bất cứ ai cũng đều có khả năng làm những việc dễ dàng, nhưng giải quyết được những tình huống khó khăn thì không phải ai cũng làm được. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ là người nổi bật giữa đám đông. Tôi đã nhận ra rằng nếu việc gì đó quá dễ thì cũng không đáng làm. Rất nhiều người khác đã và đang chọn làm những công việc đó, và thường những công việc dễ dàng như vậy cũng không mang lại nhiều lợi nhuận. Còn công việc của tôi khó khăn đến nỗi đôi lúc tôi cảm thấy mình giống như Sisyphus, một vị vua đã bị lời nguyền phải lăn tảng đá lớn lên đỉnh đồi rồi chỉ để nhìn nó lăn xuống và ông đã phải làm công việc này vĩnh viễn.
Đôi khi cuộc sống là vậy, thế nên tôi chỉ biết tiếp tục tiến lên và không bao giờ bỏ cuộc. Sự chuyên tâm của tôi đủ mạnh để có thể tạo ra những nỗ lực xứng đáng, và tôi tin động lực của bản thân chắc chắn sẽ khiến những nỗ lực của mình không trở nên vô nghĩa. Tôi thực sự đã học được rất nhiều điều từ những tình huống khó khăn và nan giải.
Tìm hiểu thấu đáo những vấn đề khó khăn
Sai lầm xảy ra hàng ngày, vì vậy hãy chấp nhận và học cách đối diện với chúng. Mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra như dự định. Biết rằng sẽ có sai lầm không có nghĩa bạn là một người bi quan hay suy nghĩ tiêu cực; mà đơn giản bạn là người có đầu óc thực tế và đã chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống như một cách tự bảo vệ mình. Rắc rối, thất bại, sai lầm và mất mát đều là một phần của cuộc sống. Đó là những điều bạn phải chấp nhận. Đừng quá đau buồn hay nản chí khi những điều đó xảy đến. Hãy có một sự chuẩn bị tốt. Càng chuẩn bị sẵn sàng cho khó khăn bao nhiêu, bạn càng trụ vững trước thách thức bấy nhiêu.
Khi có bất kỳ điều không mong đợi đột nhiên xảy đến với bạn, hãy bình tĩnh. Hãy tự nhủ với bản thân rằng: “Mình biết chuyện này sẽ xảy ra”. Hãy suy nghĩ linh hoạt và tìm cách ứng phó với sự kiện tồi tệ đó để không làm lỡ mất nhịp độ công việc. Sau đó hãy tự hỏi bản thân rằng nếu biết trước thì mình phải chuẩn bị thế nào cho tình huống không may này. Hãy cố gắng rút ra những bài học từ tình huống đó, rồi tiếp tục tiến bước; chắc chắn bạn sẽ không mắc phải sai lầm tương tự một lần nữa. Đó là cách để khắc phục sai lầm và giải quyết các vấn đề. Đó cũng là cách để con người trưởng thành và trở thành người chủ động trong công việc, trong sự nghiệp và cả trong cuộc sống của mình.
Tuy nhiên, sẽ có thời điểm mọi cố gắng của bạn lại trở nên không cần thiết, dù là trong công việc, sự nghiệp hay một mối quan hệ nào đó. Đôi khi sự việc diễn ra khiến bạn phải đặt câu hỏi xem mình có nên tiếp tục hay không. Nếu vẫn thấy hứng thú với công việc mình đang làm và chắc rằng sẽ phát triển được, hãy tiếp tục. Đừng để những nghi ngờ và tình trạng bấp bênh rầy rà ngăn cản bạn. Còn nếu cảm thấy không còn đam mê với công việc của mình nữa, hãy tìm cho mình một công việc khác có thể đem lại nhiều hứng thú hơn.
Phương châm của tôi là: “Không bao giờ từ bỏ”, và tôi thực hiện theo phương châm này rất nghiêm túc. Tôi chỉ từ bỏ khi biết chắc rằng mình không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi không cho phép bất cứ rắc rối hay khó khăn nào cản đường mình bởi tôi biết chỉ cần nỗ lực hết sức thì những thử thách đó cũng sẽ không là gì cả. Nhưng khi thấy sự không trung thực và tàn nhẫn nhen nhóm trong bất cứ công việc kinh doanh nào, tôi sẽ cẩn thận đánh giá lại khả năng tham gia vào thương vụ đó.
Năm 1975, tôi đã rất vất vả khi làm việc cùng với chính quyền thành phố và các ngân hàng trong một thương vụ nhằm bảo vệ khu vực xung quanh Grand Central Terminal và Đại lộ số 42 khỏi bị phá hủy. Các ngân hàng tuyên bố sẽ không cho tôi vay tiền nếu không có sự chấp nhận giảm thuế của thành phố. Còn thành phố sẽ không cấp chứng nhận giảm thuế cho tôi nếu không có một khoản vay nợ từ ngân hàng. Cả hai bên đều không có động thái gì trước vấn đề của tôi. Tôi đã phải mất nhiều tháng ròng để đàm phán tới lui và chứng minh với chính quyền thành phố cùng các ngân hàng liên quan thấy rằng thương vụ này sẽ thành công, và rằng mọi người sẽ được hưởng lợi từ dự án xây dựng khách sạn Grand Hyatt mà tôi đang có kế hoạch xây dựng để thay thế khách sạn Commodore cũ kỹ.
Cuối cùng thành phố đã đồng ý cho tôi một khoản cắt giảm thuế rất hào phóng. Khi tôi thông báo tin đó cho các ngân hàng, họ vẫn muốn trì hoãn việc cho vay vốn.
Sau đó, khi nhiều nhà làm công tác quy hoạch phát triển có tiếng ở New York nghe phong phanh về khoản cắt giảm thuế hậu hĩnh của tôi đã lên tiếng phản đối. Vì thế dự án của tôi đã bị trì hoãn hết lần này đến lần khác, và điều này thực sự là một thử thách đối với quyết tâm và ý chí của tôi. Thất bại trong tất cả những lần thương lượng với ngân hàng khiến tôi nảy sinh tư tưởng muốn bỏ cuộc. Tuy vậy, tôi đã không từ bỏ. Tôi vẫn tiếp tục cố gắng và cuối cùng đã hoàn thành được thương vụ đó. Và thực tế thương vụ đó là một thành công vẻ vang của tôi khi nó thực sự mang lại lợi ích cho cả thành phố, cho ngân hàng và cho bản thân tôi.
Trải nghiệm đó đã dạy tôi rằng phải biết chấp nhận khó khăn, thất bại, lần lượt giải quyết từng vấn đề một và không bao giờ từ bỏ cho đến khi công việc được hoàn thành. Bạn hãy điều khiển cuộc sống của mình theo hướng đó. Đừng sợ các sai lầm hay thất bại bởi chúng ta sẽ học được rất nhiều điều từ đó. Hãy học hỏi từ các sai lầm và sử dụng kiến thức để tạo nên những kỳ tích cho chính mình.
Khi lên đến đỉnh vinh quang, hãy biết đáp đền
Để giữ vững động lực của mình, hãy liên tục tạo ra cho bản thân những thử thách ngày càng lớn hơn. Bạn định làm gì khi đã lên đến đỉnh cao của thành công? Khi bạn đứng trên bục vinh quang thì đó chính là lúc bạn cần đền đáp lại xã hội. Hãy tham gia các hoạt động từ thiện, nuôi dạy con cái, truyền đạt kiến thức cho những người khác và góp sức xây dựng đất nước ngày một lớn mạnh. Tôi kiếm được rất nhiều tiền, và tôi cũng dùng rất nhiều tiền để làm từ thiện.
Warren Buffett chính là một minh chứng lớn: nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett đã đóng góp hơn 30 tỷ đô-la trong phần vốn của mình vào quỹ từ thiện của Bill và Melinda Gates – một quỹ tập trung chủ yếu vào các vấn đề về sức khỏe toàn cầu như Liên minh GAVI, một tổ chức chuyên phân phát vắc-xin cho trẻ em ở những nước nghèo, và đầu tư cho giáo dục như chương trình học bổng United Negro College Fund’s Gates Millennium. Buffett mong muốn tiền của mình phải được dùng để khắc phục những vấn đề phức tạp và các con của ông cũng hoàn toàn tán thành với ý kiến đó của cha.
Sẵn lòng truyền đạt kiến thức và hiểu biết của mình cho mọi người cũng là một điều rất quan trọng. Tôi tin rằng con người có thể tiếp thu nhanh hơn và hiệu quả hơn khi họ học bằng phương pháp thực hành trong thực tế công việc, và tôi rất sẵn lòng truyền đạt cho mọi người những kiến thức họ cần có để thành công. Tôi đã có nhiều bài diễn thuyết dài 2 tiếng về cùng một nội dung tại các cuộc hội thảo đầu tư của The Learning Annex, và tôi đã quyên góp phần lớn số tiền thù lao đó vào từ thiện.
Để giữ cho động lực luôn vững mạnh, bạn cần có những giá trị nội tại cũng như giá trị về tiền bạc, và bạn phải nhận ra lúc nào là thời điểm để bắt đầu đền đáp lại.
CHIA SẺ CỦA ZANKER
Tôi luôn tạo ra động lực trong những việc mình làm. Năm 1982, sau khi những câu chuyện về nỗ lực của The Learning Annex trong việc tung 10.000 đô-la từ tầng cao nhất của tòa nhà Empire State được đăng trên trang nhất của một tờ báo lớn, tôi đã dùng chính động lực có được từ may mắn bất ngờ ấy để đưa danh tiếng công ty phát triển xa hơn. Chúng tôi cũng đã dùng chính động lực của những người được mời đến diễn thuyết để dẫn hướng cho sự phát triển của The Learning Annex. Nguồn động lực lớn lao mà chúng tôi có được đến từ rất nhiều nhà diễn thuyết, bao gồm Tony Robbins, George Foreman, Robert Kiyosaki, Jim Cramer cùng nhiều người khác. Sự kết hợp của chúng tôi với Donald Trump đã để lại dấu ấn về The Learning Annex trong mọi người và đã mang lại cho chúng tôi nguồn động lực rất mạnh mẽ. Đó là sự phát triển hết sức ngoạn mục. Nếu bạn tìm được một đối tác luôn sẵn sàng chung lưng đấu cật với mình thì chắc chắn điều đó có thể giúp cho động lực của bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Nói về động lực, tôi nhớ tới một bộ phim gây sốt là The Secret đã làm mưa làm gió trên màn ảnh toàn thế giới và giành được sự quan tâm của hàng triệu người Mỹ hồi năm ngoái. Đến nay, cơn sốt về bộ phim này vẫn lan rộng trên khắp thế giới. Bộ phim được bàn luận trên hàng trăm diễn đàn và trang web. Hàng triệu người hâm mộ cuồng nhiệt đã đổ xô đi mua đĩa DVD The Secret với cuốn sách cùng tên, và rồi The Secret đã tiến thẳng tới vị trí dẫn đầu của mọi bảng xếp hạng uy tín nhất.
Tham gia bộ phim The Secret là những chuyên gia hàng đầu và sau bộ phim này họ còn xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình như Oprah Winfrey Show, The Ellen DeGeneres Show, Larry King Live và The Montel Williams Show. Tạp chí The Los Angeles Times cũng đã công nhận The Secret là một “hiện tượng văn hóa”. Nói tóm lại, The Secret chỉ cho bạn biết cách vận dụng những động lực để đẩy bản thân tới thành công trong kinh doanh cũng như trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Tôi luôn có niềm đam mê đối với việc hoàn thiện bản thân. Tôi nhận ra rằng bộ phim The Secret có một sức hút rất lớn đối với khán giả. Tôi bắt đầu mời những chuyên gia nổi tiếng đã xuất hiện trong đĩa DVD đó như Jack Canfield, James Ray, Loral Langemeier cùng Lisa Nichols tới tham gia diễn thuyết tại The Learning Annex. Đó thực sự là một thành công lớn, và tôi đã quyết định tận dụng hơn nữa động lực có được từ The Secret.
Hiện tại, The Learning Annex vừa hợp tác với Jack Canfield để sản xuất một PBS(*) đặc biệt về tất cả những gì liên quan đến The Secret. Dự án này sẽ hướng dẫn mọi người cách có được những gì mình muốn bằng việc suy nghĩ đơn thuần theo một chiều hướng cụ thể. Jack Canfield là một tác gia từng khiến độc giả phải kinh ngạc, một người thầy khai sáng và một doanh nhân hiểu biết sâu rộng, đồng thời còn là đồng tác giả của loạt sách mang tên Chicken Soup for the Soul, cuốn sách đã bán được hơn 100 triệu bản trên toàn thế giới. Ông đã đích thân dạy cho hàng triệu người công thức thành công độc nhất vô nhị của mình. Trong PBS đặc biệt của The Learning Annex, Jack còn chỉ khán giả cách kiếm được nhiều tiền hơn, cách định hướng tốt nhất về cuộc sống, gặp gỡ bạn tâm giao và nhiều điều thú vị khác chỉ bằng việc thay đổi cách suy nghĩ và tạo ra thực tế cho bản thân.
(*) PBS (Public Broadcasting Service, có nghĩa “Dịch vụ Truyền thông Công cộng") là mạng truyền thông công cộng phi lợi nhuận, có 349 đài truyền hình làm thành viên ở Hoa Kỳ, cũng có một số đài truyền hình cáp ở Canada.
Đây cũng là một phần trong kế hoạch của tôi để đưa The Learning Annex đạt mức doanh thu hàng tỷ đô-la. Tôi đã gặp các giám đốc truyền thông và những nhà sản xuất như Mark Burnett và Peter Guber để xây dựng kênh chương trình cho The Learning Annex. Khi nghĩ đến sự tự lực, mọi người sẽ nghĩ đến The Learning Annex. Mà đúng vậy, thực tế cho thấy, dù chỉ mới đưa vào hoạt động, nhưng chúng tôi đã trở thành một thương hiệu lớn mạnh hàng đầu.
Một khi bạn đã có động lực, hãy luôn giữ cho động lực ấy vững mạnh. Hãy theo đuổi một xu hướng kinh doanh đòi hỏi động lực thật lớn. Sau đó, bạn nên cộng tác với những người khác để đạt được những mục tiêu lớn lao hơn và hãy để động lực thúc đẩy dẫn bạn lên tới những đỉnh cao tiếp nối của thành công.
Mỗi ngày sẽ có một cơ hội mới để bạn có thể tự hoàn thiện bản thân, lớn mạnh và tiến lên một cấp độ mới.
Bằng động lực của bản thân, hãy đoạt lấy những gì mà bạn đam mê. Hãy làm việc hết mình và những thành công đầy ngạc nhiên, thú vị sẽ đến với bạn.
Để đạt được thành công rực rỡ trong bất kỳ lĩnh vực nào bạn cũng cần phải tạo dựng động lực cho bản thân. Động lực là tất cả những gì liên quan đến năng lượng và việc lựa chọn đúng thời điểm. Khi khởi sự bất kỳ điều gì, đương nhiên bạn chưa hề có động lực. Lúc ấy mọi thứ còn vô cùng khó khăn và không ai chú ý tới bạn. Bạn dường như không thể đi đến đâu, nhưng nếu bạn vẫn kiên trì và tiếp tục làm việc để hướng tới những mục tiêu của mình, sớm muộn bạn cũng sẽ là một trong số những con người và sự kiện được chú ý. Khi bạn có những mối quan hệ, có được sự tín nhiệm và đạt được một thành công nào đó thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tại sao lại như vậy? Đơn giản vì bạn có động lực thúc đẩy, nhưng đừng coi đó như một điều sẵn có mà hãy cố gắng gây dựng và vun đắp. Nếu bạn mất đi động lực thúc đẩy, tất cả thành công của bạn sẽ chấm dứt và mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Làm bất cứ công việc gì khi đã mất động lực thúc đẩy đều vô cùng nguy hiểm. Khi mất động lực, xem như thời cơ của bạn đã hết. Vì vậy, hãy chú ý đừng bao giờ để mất đi động lực của mình.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
◆ Khi bắt đầu làm việc gì mới, bạn không hề có động lực.
◆ Bạn đang tạo dựng động lực cho bản thân qua mỗi hành động bạn làm cũng như từng nhiệm vụ bạn hoàn thành.
◆ Khi động lực của bạn đạt đến lượng tới hạn, mọi người đều cảnh giác đề phòng bạn và sẽ đưa bạn vào tầm ngắm của họ.
◆ Mọi người đều muốn trở thành một phần của động lực thúc đẩy khi nhìn thấy nó.
◆ Để có động lực, hãy tập trung vào một mục tiêu cụ thể với niềm đam mê và tất cả sức mạnh của mình.
◆ Kiến thức chuyên môn sẽ giúp bạn tạo dựng động lực thật vững chắc.
◆ Một người thầy thông thái nhiều trải nghiệm sẽ giúp bạn tạo dựng động lực.
◆ Để nuôi dưỡng nguồn động lực, hãy không ngừng thử thách bản thân.
◆ Hãy nhớ phải tiến lên; nếu bạn dừng lại, động lực của bạn cũng sẽ dừng lại.
◆ Hãy sử dụng những sự việc bất lợi và những thử thách đặc biệt to lớn để khiến bạn mạnh mẽ hơn.
◆ Đừng bao giờ chối bỏ bản thân.
◆ Khi bạn lên đến đỉnh cao của thành công, hãy giữ động lực tiếp tục vững mạnh bằng cách đền đáp lại cho xã hội.