Ngày 22-6-2022, tại TP Hồ Chí Minh, Đảng bộ Văn phòng Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng tặng Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Phần thưởng cao quý này thêm một lần nữa ghi nhận công lao to lớn của người con quê hương “đất thép” Củ Chi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quân đội...
“Đất thép” nuôi chí anh hùng
Thượng tướng Phan Trung Kiên thăm hỏi đồng bào dân tộc ở Tà Thiết, xã Lộc Thành (Lộc Ninh, Bình Phước) năm 2010.
Cơn bạo bệnh cùng những vết thương, mảnh đạn còn nằm trong thân thể từ những năm tháng chiến tranh khiến sức khỏe của Thượng tướng Phan Trung Kiên giảm sút. Dù phải ngồi xe lăn đến dự lễ trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng nhưng thần thái của Thượng tướng Phan Trung Kiên vẫn toát lên vẻ cương nghị, gần gũi, thân thiện của một người anh hùng. Mọi người vây quanh, nâng chiếc xe lăn đưa ông vào hội trường. Ông dành cho mọi người ánh mắt trìu mến lẫn niềm tự hào khi gặp lại những cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nay đang giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành những lời chúc mừng, sự kính trọng đối với Thượng tướng Phan Trung Kiên và khẳng định đây là phần thưởng cao quý của Đảng đối với công lao và sự cống hiến mà đồng chí Phan Trung Kiên đã dành cả cuộc đời mình đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, trưởng thành từ người chiến sĩ, trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ở đồng chí hội tụ đầy đủ nhân cách “Trí-Dũng-Nhân-Tín-Liêm-Trung” của một vị tướng tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ trang trọng này, bà Huỳnh Thị Nga-phu nhân của Thượng tướng Phan Trung Kiên đã bày tỏ niềm xúc động, tự hào, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào, chiến sĩ toàn quân, đã luôn quan tâm, quý trọng Thượng tướng Phan Trung Kiên, dành tình cảm ấm áp tình đồng chí, đồng đội cho gia đình. Truyền thống cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ mà Thượng tướng Phan Trung Kiên đã góp phần xây đắp, gia đình, con cháu sẽ luôn gìn giữ, phát huy, nguyện suốt đời trung với Đảng, hiếu với dân, son sắt niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Thượng tướng Phan Trung Kiên sinh năm 1946 trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh). Cha là liệt sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Cậu bé Phan Trung Kiên lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến kẻ thù gây bao tội ác đối với đồng bào mình. Năm 15 tuổi, Phan Trung Kiên tham gia cách mạng, làm giao liên, hoạt động du kích trong vùng địch tạm chiếm. Với sự thông minh, gan dạ, nhiệt huyết cách mạng, lập nhiều thành tích, ông vinh dự được kết nạp Đảng khi vừa tròn 20 tuổi, giữ cương vị Đội trưởng Đội biệt động Vùng 3 Gò Môn-Sài Gòn. Năm 23 tuổi, ông tham gia Huyện ủy Hóc Môn. Năm 1978, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông tham gia 36 trận đánh, diệt hàng trăm tên địch. Ông 5 lần được nhận Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ điển hình của Nam Bộ. Hình ảnh người anh hùng Phan Trung Kiên đã được đưa vào bộ tem bưu chính Việt Nam.
Trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, sau khi nước nhà thống nhất, Thượng tướng Phan Trung Kiên đảm nhận nhiều cương vị quan trọng trong quân đội. Trước khi nghỉ hưu, Thượng tướng Phan Trung Kiên là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Vị tướng trọn vẹn nghĩa tình với nhân dân
Nhờ công việc làm báo, tôi may mắn có nhiều lần được tháp tùng Thượng tướng Phan Trung Kiên trong những chuyến công tác. Lần đầu tiên là ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2004, tôi nhận được lệnh của chỉ huy, 4 giờ sáng có mặt ở sân bay quân sự Tân Sơn Nhất để cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Phan Trung Kiên dẫn đầu đi thăm, chúc Tết quân, dân huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vừa từ trên xe xuống, Thượng tướng Phan Trung Kiên đến hỏi thăm tổ bay về công tác chuẩn bị cho chuyến công tác. Thấy tôi trẻ nhất đoàn, ông nắm tay hỏi han, động viên. Chiếc trực thăng cất cánh khi bình minh vừa ló rạng phía chân trời. Đến các đơn vị ở Côn Đảo, ông vào việc ngay. Sau những lời hỏi thăm, động viên, chúc tết, ông trực tiếp đến các khu vực canh trực, SSCĐ, khu tăng gia sản xuất, bếp ăn... của từng đơn vị. Với những vấn đề khó khăn, vướng mắc, ông gọi lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân khu 7, Bộ CHQS, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ tư lệnh Hải quân... có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Thượng tướng Phan Trung Kiên cùng các em nhỏ ở xóm “mồ côi” xã Trừ Văn Thố, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Dương, năm 2010.
Sau lần đó, tôi có dịp đi cùng Thượng tướng Phan Trung Kiên trong nhiều chuyến công tác, lúc đi kiểm tra SSCĐ, công tác huấn luyện, lúc đi thăm, chúc tết đồng bào ở vùng căn cứ cách mạng, biên giới, hải đảo. Chuyến đi nào tôi cũng cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm và gần gũi, đầy tình nghĩa ở ông đối với đồng chí, đồng đội, với nhân dân. Tôi nhớ mãi chuyến thăm, chúc tết ở vùng căn cứ cách mạng Tà Thiết, xã Lộc Thành (Lộc Ninh, Bình Phước) cuối năm 2010. Rừng Tà Thiết có nhiều di tích lịch sử lưu giữ những sự kiện, dấu tích hào hùng của dân tộc. Khi xe của đoàn vừa đến cổng sóc Tà Thiết, bà con ùa ra đón chào, mừng vui khôn xiết. Các cụ già ôm chầm Thượng tướng Phan Trung Kiên như đón người thân đi xa trở về. Các em nhỏ ríu rít mừng vui vây quanh ông. Phải có những tình cảm đặc biệt, phải có những kỷ niệm, sự chở che, tình quân dân keo sơn trong những năm tháng đau thương, khốc liệt của chiến tranh và những chuyến về nguồn, chăm lo cho người dân sau chiến tranh thì mới có được tình cảm nồng ấm như thế.
Hôm ấy, ông ở lại rừng một đêm như để được sống lại ký ức, sống trong tình quân dân, nghĩa đồng bào. Thượng tướng Phan Trung Kiên có tình cảm đặc biệt dành cho đồng bào nơi đây. Từ khi còn đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân khu 7, ông đã có sáng kiến xây dựng khu dân cư, khôi phục các di tích lịch sử, xây dựng khu tưởng niệm ở Tà Thiết. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà con nơi đây đã đùm bọc, chở che cho các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 24-5-2002, Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 khởi công dự án xây dựng khu định canh, định cư Tà Thiết có tổng diện tích 240ha, gồm 62 căn nhà và các công trình: Sân bóng đá, trung tâm y tế, trường học... Mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp một căn nhà và 3ha đất canh tác.
Một lần khác, khi chúng tôi đi cùng ông về thăm xóm “mồ côi” ở xã Trừ Văn Thố, huyện Chơn Thành (nay thuộc huyện Bàu Bàng), tỉnh Bình Dương, vừa thấy Thượng tướng Phan Trung Kiên, đám trẻ đã chạy ùa tới vây quanh, cất tiếng gọi: “Ông nội”, “Ông ngoại”! Nhiều người lần đầu về đây lấy làm lạ, nhưng khi hiểu ra phía sau đó là một câu chuyện tình nghĩa, ai cũng cảm động. Xã Trừ Văn Thố có một khu dân cư khoảng 20 hộ dân, được gọi là xóm “mồ côi”. Cha mẹ của những đứa trẻ ở đây từng là trẻ mồ côi được nuôi dưỡng ở Trường Thanh Thiếu niên 3, TP Hồ Chí Minh trong những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1990, một dự án kinh tế mới được lập, 70 thanh niên mồ côi của trường đã xung phong lên Bình Dương lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới. Khi dự án bị giải thể năm 1997, các gia đình lần lượt tứ tán, chỉ còn 20 hộ dân ở lại bám trụ với vườn, rừng. Các hộ dân ấy trong suốt nhiều năm không hề có hộ khẩu, không có chứng minh thư nhân dân, trẻ em không được đến trường... Năm 2006, khi đọc được một bài báo viết về xóm “mồ côi”, Thượng tướng Phan Trung Kiên rất day dứt. Ông đã trực tiếp về nơi đây. Sau đó, ông và một số đơn vị quân đội đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ, liên hệ với các ngành chức năng để làm các thủ tục khai sinh, hộ khẩu cho con cháu của các hộ dân. Anh Trần Văn Tuấn, Tổ trưởng xóm “mồ côi” xúc động nói:
- Bộ đội Cụ Hồ đã khai sinh cho các gia đình nơi đây với hơn 200 nhân khẩu. Con cháu của các hộ dân nơi đây đều gọi Thượng tướng Phan Trung Kiên là “ông nội”, “ông ngoại” vì những tình cảm nồng ấm ông dành cho mọi người...
Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN