Baghdad, dưới triều vua Harun al-Rashid có một người phu khuân vác đáng mến vì sự thông minh và tính tình vui vẻ của mình.
Một buổi sáng kia, anh đang đứng chờ xem có ai nhờ anh giúp việc không thì có một phu nhân còn rất trẻ, đeo một chàng mạng lớn bằng the tới nơi và hỏi anh bằng một giọng êm ái:
- Nghe đây, anh khuân vác, cầm lấy cái thúng và đi theo ta!
Người phu khuân vác rất lấy làm vinh hạnh, đội thúng lên đầu, đi theo người phụ nữ và nói:
- Ôi một ngày sung sướng, ôi một ngày có cuộc gặp gỡ tốt đẹp!
Sau khi mua những thức ăn ngon lành, một khối lượng rất lớn khiến người phu khuân vác phải còng lưng để mang chiếc thúng trên vai, người phu nhân trẻ tuổi ấy tới trước một ngôi nhà sang trọng, mặt trước có những cây cột rất đẹp, một bộ cửa bằng ngà trên đó có một tấm biển mang hàng chữ mạ vàng: “Ai nói những chuyện không liên quan gì tới mình sẽ được nghe những lời không hài lòng”. Họ dừng lại, người phụ nữ gõ lên cánh cửa mấy tiếng nhẹ nhàng. Một phu nhân khác ra mở cửa, và người khuân vác khi nhìn thấy người phụ nữ này, đã suýt để rơi chiếc thúng với tất cả những gì đựng bên trong. Sự xuất hiện ấy quá bất chợt: Anh chưa bao giờ thấy một sắc đẹp tương tự như người đứng trước mặt mình.
Hai người mời anh vào nhà, sau khi đi qua một phòng xép tới một cái sân rộng thông với nhiều phòng ngang nhau. Ở cuối sân có bộ bàn ghế rất đẹp, ở giữa có một chiếc ghế ngai xung quanh có bốn cây cột bằng gỗ mun gắn những viên ngọc và kim cương sáng lấp lánh. Người khuân vác trao hàng và nín thở trước quang cảnh lộng lẫy ấy. Nhưng cái làm anh chú ý hơn cả là sự xuất hiện của phu nhân thứ ba, đẹp hơn cả người thứ hai mà anh vừa nhìn thấy.
Qua cách xưng hô của hai người kia với vị phu nhân này, anh cho đây là người chủ chính, anh đã không nhầm. Người ấy tên là Zobeide, người ra mở cửa là Safie và Amine là người đi chợ mua thức ăn. Trong khi Amine và Safie lấy thức ăn trong thúng ra thì Zobeide hiền lành lấy tiền trả cho người phu khuân vác rất hậu.
Người này, rõ ràng đã rất thỏa mãn, nhưng còn chần chừ chưa chịu đi khi thấy ba sắc đẹp ấy đang tập trung tại đây.
- Anh còn đợi gì nữa? - Nàng Zobeide hỏi. - Anh chưa được trả đủ tiền công hay sao?
- Thưa bà, - người phu khuân vác nói, - không phải cái đó giữ tôi lại, tôi đã được trả công nhiều hơn sự khó nhọc của mình, tôi chỉ ngạc nhiên không thấy một người nam giới nào giữa ba phu nhân có sắc đẹp hiếm có. Tha lỗi cho tôi về sự không kín đáo này.
Anh đọc luôn một câu ca dao của những người ở Baghdad, nói rằng bàn ăn không đủ bốn người thì không tốt, và kết luận rằng các bà có ba người, tất nhiên các bà cần một người thứ tư. Các phu nhân không những không bực mình mà còn bật cười với câu nói của anh.
- Anh bạn, - nàng Zobeide bảo anh, - anh đã đi xa hơn sự thiếu kín đáo đấy, nhưng tôi muốn cho anh biết rằng chúng tôi là ba chị em ruột, chúng tôi sinh sống một cách bí mật mà mọi người không biết tí gì. Chúng tôi rất muốn mời anh ở lại dùng bữa, vì thấy anh là người thật thà, nhưng với điều kiện anh không được hỏi chúng tôi điều gì, anh phải giữ đúng phép lịch sự và tính trung thực.
Người phu khuân vác long trọng cam kết và cúi mình trước ba vị phu nhân để cảm ơn đã cho cái vinh dự ấy với một người thuộc tầng lớp anh. Sau đó Amine mang thức ăn đặt trên bàn, và sau khi nàng đã thắp sáng nhiều ngọn nến làm bằng nhựa cây lô hội và hổ phách xám tỏa ra mùi hương dễ chịu và ánh sáng mát dịu, nàng ngồi xuống cùng với các bà chị và anh phu khuân vác. Họ bắt đầu ăn, uống, hát và ngâm thơ. Các phu nhân muốn làm cho anh say với lý do mời anh uống để mừng cho sức khỏe của họ. Những lời nói tốt được thốt ra một cách hào hứng. Cuối cùng lúc họ thấy mình là người vui vẻ nhất trên đời thì có tiếng gõ cửa.
Safie chạy ra cửa sau đó quay lại.
- Thưa các chị, - nàng nói, - đây là dịp tốt để làm cho buổi tối của chúng ta thêm vui vẻ. Trước cửa nhà chúng ta có ba nhà sư khất thực, trông cách ăn vận thì có vẻ là như thế. Nhưng cái sẽ làm các chị ngạc nhiên là cả ba đều chột mắt bên phải, râu, tóc và lông mày cạo nhẵn. Họ nói là họ vừa tới Baghdad lạ lẫm và trời lại tối, họ không biết sẽ nghỉ ở đâu nên gõ cửa nhà chúng ta, yêu cầu vì tình thương của Thượng đế nhân đức cho họ tạm trú lại. Họ rất trẻ và tỏ ra lễ phép, hình như rất thông minh nữa. Em không thể không buồn cười về những bộ mặt ngộ nghĩnh và giống nhau của họ. Các chị có cho họ vào nhà không?
- Cho họ vào! - Zobeide nói. - Nhưng phải nhớ căn dặn họ không được nói những gì không liên quan đến họ, bảo họ đọc kỹ hàng chữ trên tấm biển trước cửa.
Nghe vậy, Safie chạy ra mở cửa, và ngay sau đó, nàng trở vào mang theo ba nhà sư khất thực khiêm tốn cúi chào họ trước khi bước vào trong phòng. Khi họ đã ngồi vào bàn, các phu nhân mang thức ăn ra cho họ. Họ ăn uống giữ gìn ý tứ, không nói một lời nào, nhưng đến cuối bữa, họ đề nghị với các phu nhân cho họ được hòa nhạc nếu nhà có nhạc cụ. Nàng Safie xinh đẹp mang ra cho họ một cây sáo dân tộc, một cây sáo Ba Tư và một cái trống xứ Basque. Mỗi người nhận ở tay nàng một nhạc cụ ưa dùng, họ bắt đầu chơi một giai điệu. Các phu nhân biết phần lời hát theo. Tiếng nhạc, tiếng hát ngày càng lớn và đang lúc náo nhiệt thì có tiếng gõ cửa. Safie ngừng hát chạy ra.
Cần phải biết đêm nay vua Harun al-Rashid, theo thói quen của mình, đi vi hành từ chập tối, theo sau có quan tể tướng Ja’afar và viên tổng quản Masrur. Cả ba đều cải trang thành lái buôn. Khi đi qua chỗ này, nhà vua nghe thấy tiếng đàn hát, tiếng cười lớn, quay lại nói với quan tể tướng:
- Gõ cửa nhà này, họ làm gì mà ầm ĩ lên như vậy, chúng ta phải vào xem sao.
Và quan tể tướng đã gõ cửa nhà các phu nhân theo lệnh của nhà vua. Safie mở cửa, dưới ánh sáng của cây nến quan tể tướng thấy đây là một phụ nữ rất đẹp. Ông làm đúng vai trò của mình, cung kính cúi chào và lễ phép nói:
- Thưa phu nhân, chúng tôi là ba lái buôn ở Mosul mới tới đây chừng mươi ngày. Tối nay chúng tôi tới chơi nhà một bạn hàng ở Baghdad theo lời mời của ông ta. Vì không thuộc đường đi, khi trở về chúng tôi bị lạc, không thể tìm ra nơi tạm trú của mình được. Chúng tôi xin các phu nhân làm ơn cho nghỉ lại đây trong một phòng xép nào đó, được không?
Safie quay vào xin ý kiến các chị, họ đồng ý cho ba người lái buôn vào nhà. Nhà vua, quan tể tướng và viên tổng quản được Safie dẫn vào chào các phu nhân, các nhà sư khất thực và anh phu khuân vác một cách lịch thiệp.
- Các vị là những vị khách nồng hậu. - Zobeide nói với họ. - Nhưng trước hết, các vị không phiền lòng khi tôi yêu cầu một ân huệ.
- Ân huệ nào, thưa bà? - Quan tể tướng hỏi lại. - Liệu người ta có thể từ chối một điều gì đó với các phu nhân xinh đẹp không?
Zobeide nói tiếp:
- Ở đây chỉ cần mắt chứ không cần lưỡi, các vị không được nói đến những gì không liên quan tới các vị, vì sợ rằng các vị đã phải nghe những lời không mấy hài lòng.
- Chúng tôi vâng lời bà. - Ngài tể tướng đáp. - Chúng tôi không phải là những người tọc mạch, cũng không phải là những người tò mò.
Nói xong mọi người ngồi xuống và người ta uống chúc mừng những vị khách mới tới. Trong khi ngài tể tướng tiếp chuyện các phu nhân thì đức vua vẫn ngắm nhìn những sắc đẹp khác thường, sự vui vẻ và trí thông minh của các nàng. Mặt khác nhà vua cũng lấy làm ngạc nhiên khi thấy ba nhà sư khất thực đều chột mắt bên phải cả. Chuyện này cũng dễ hỏi, nhưng người ta đã cấm không được nói. Và còn rất nhiều điều đáng ngạc nhiên khác trong tối nay.
Lúc này, Zobeide đứng lên, thở dài và bước ra khỏi phòng nói:
- Bây giờ chúng ta phải làm bổn phận của mình... Nàng vào phòng bên, một lát sau bước ra, tay cầm hai sợi dây buộc cổ hai con chó đen đi theo. Tay kia nàng lấy một chiếc roi đánh hai con chó rất đau mặc cho chúng kêu rền rĩ rất đáng thương. Xong việc, nàng ôm lấy những con vật khốn khổ và cùng khóc với chúng, sau đó lại nhốt chúng vào phòng cũ.
Ba nhà sư khất thực, nhà vua cùng những người đi theo, người phu khuân vác đều ngạc nhiên về hình phạt này, nhưng vì đã cam kết ngậm miệng, nên họ không thể đặt câu hỏi được. Zobeide đứng lặng một lúc giữa nhà cho đỡ mệt.
- Chị thân mến! - Nàng Safie xinh đẹp nói. - Xin mời chị về chỗ để em làm bổn phận của em, được chứ?
- Phải! - Zobeide trả lời và ngồi vào chỗ.
Safie cầm lấy cây lư cầm dạo một vài nốt, sau đó cất tiếng hát có đàn đệm theo. Nàng hát một bài hát về sự đau khổ của nỗi cách xa một cách rất tình cảm khiến mọi người thích thú. Nàng hát và chơi đàn rất lâu. Sau đó đến lượt Amine thay phiên cầm lấy đàn hát tiếp cùng với đề tài ấy, cuối cùng vì quá cảm động nàng ngất đi. Khi ngã xuống thảm, vai áo nàng bị rách để lộ rõ trên hai vai những vết sẹo ghê sợ đối với các vị khách.
Trong khi Zobeide và Safie chăm sóc người bị ngất thì một trong số nhà sư khất thực không thể nén được nữa buột miệng nói:
- Thà rằng ngủ ngoài trời còn hơn là vào nhà này nếu chúng ta biết trước là sẽ có những cảnh ấy.
Nghe thấy vậy, nhà vua quay sang ba nhà sư khất thực và phu khuân vác.
- Thế này là thế nào? - Ngài hỏi họ.
- Trời ơi, chúng tôi cũng không hiểu gì hơn ông.
- Sao, các vị không là người trong nhà này ư? Các vị không biết gì về hai con chó cái đen và về người phụ nữ có những vết sẹo trên vai ư?
- Trời ơi! - Các nhà sư khất thực lại nói. - Cả đời chúng tôi chưa bước chân vào đây, chúng tôi tới đây trước các ông một lúc thôi.
Việc đó càng làm cho nhà vua ngạc nhiên hơn.
- Nghe đây! - Nhà vua nói với mọi người. - Ở đây có bảy người đàn ông mà chỉ có ba phụ nữ, chúng ta sẽ buộc họ phải làm rõ những điều chúng ta muốn biết. Nếu họ từ chối thì chúng ta phải cưỡng chế họ.
Khi trở lại chỗ ngồi, Zobeide đã nghe thấy những lời cuối cùng ấy và nàng trở nên rất giận dữ, vỗ mạnh tay ba cái, nàng kêu to:
- Ra đây mau!
Ngay lập tức, một cánh cửa bật mở và bảy tên nô lệ da đen, lực lưỡng, kiếm trên tay, xông vào, mỗi tên túm lấy một người, quật xuống đất và lôi ra giữa nhà. Nhà vua khốn khổ, ngài tể tướng, viên tổng quản, ba nhà sư khất thực và anh phu khuân vác thấy mình sắp phải trả giá bằng mạng sống cho sự tò mò ấy, nhưng trước khi nhận được nhát kiếm chết người thì một trong những tên nô lệ nói với Zobeide và các cô em:
- Kính thưa các chủ nhân đáng kính, các vị ra lệnh cho chúng tôi chặt đầu họ chứ?
- Khoan! - Zobeide trả lời. - Ta cần thẩm vấn họ trước đã.
Và quay sang các vị khách:
- Trả lời cho chúng ta rõ các người là ai, nếu không các người chỉ còn một thời gian ngắn để sống thôi. Ta đã tưởng các người thật thà cũng như những người chức dịch ở đất nước này. Các người đã không giữ lời, đã muốn biết những bí mật của chúng ta.
Trước hết nàng hỏi ba nhà sư khất thực, thấy họ đều chột mắt, nàng hỏi họ có phải anh em không.
- Không, thưa phu nhân, chúng tôi không phải là anh em máu mủ. - Người thứ nhất trả lời. - Chúng tôi chỉ là anh em khi là nhà sư khất thực thôi, có nghĩa là khi xem xét cách sống của chúng tôi.
- Có phải các người sinh ra đã bị chột mắt không?
- Không, thưa phu nhân! - Người thứ hai trả lời. - Tôi bị như vậy vì một câu chuyện đáng kinh ngạc, mọi người sẽ thích thú, nếu nó được viết ra. Sau nỗi bất hạnh ấy, tôi cạo râu tóc làm sư khất thực.
- Thưa phu nhân! - Người thứ ba nói. - Cũng có thể nói ngay với bà rằng chúng tôi không phải là thường dân mà là con những vị vua có danh tiếng trên thế gian này.
Nghe tới đây, Zobeide bớt giận.
- Để họ được tự do. - Nàng nói với những tên nô lệ. - Nhưng các người hãy cứ ngồi đấy. Người nào kể rõ chuyện mình và nói rõ những lý do đến ngôi nhà này thì không bị xử tội và muốn đi đâu thì đi. Nhưng ta sẽ không tha cho người nào từ chối cho chúng ta sự thỏa mãn ấy.
Ba nhà sư khất thực, nhà vua, quan tể tướng, viên tổng quản và anh phu khuân vác ngồi trên thảm giữa nhà trước mặt ba phu nhân ngồi trên ghế và các nô lệ của họ.
Anh phu khuân vác lên tiếng đầu tiên:
- Thưa phu nhân! - Anh nói. - Bà đã biết câu chuyện của tôi và lý do tôi đến ngôi nhà này. Em gái bà đã thuê tôi mang hàng cho bà ấy, tôi đã đi theo bà ấy từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, sau đó tôi tới nhà bà và bà đã có lòng tốt đón tiếp tôi. Tôi sẽ mãi mãi nhớ cái ơn này.
Khi người phu khuân vác nói xong, Zobeide hài lòng nói:
- Thôi anh đi ngay để chúng ta không bao giờ nhìn thấy anh nữa.
- Thưa bà, - người phu khuân vác nói, - xin bà cho tôi ngồi lại. Thật là không công bằng là sau khi đã kể chuyện mình mà tôi lại không được nghe chuyện của các vị kia.
Zobeide chấp nhận điều này, anh phu khuân vác tới ngồi trên mép ghế, vui mừng vì đã thoát khỏi vòng nguy hiểm. Sau anh, một trong ba nhà sư khất thực bắt đầu kể chuyện mình.
1. CHUYỆN NHÀ SƯ KHẤT THỰC THỨ NHẤT
- Thưa phu nhân! - Nhà sư nói với Zobeide. - Để bà hiểu tại sao tôi lại mất con mắt bên phải cùng lý do tôi buộc phải mặc áo nhà sư khất thực, tôi phải nói ngay tôi là con trai một vị vua. Đức vua, cha tôi, có một người em cũng làm vua như ngài ở một nước láng giềng. Chú tôi rất yêu thương tôi từ lúc tôi còn ít tuổi vì ngài không có con.
Khi tôi học xong và khi cha tôi cho tôi được tự do, thì hàng năm tôi vẫn đi thăm chú tôi và ở lại nước này một hoặc hai tháng, sau đó tôi về với cha tôi. Đôi khi tôi cũng đi tới các vùng lân cận. Sau chuyến đi cuối cùng ấy, khi về kinh thành của cha tôi, tôi thấy trước cổng có năm trăm lính cận vệ đầy đủ vũ khí bao vây lấy tôi một cách dữ tợn. Tôi hỏi viên chỉ huy lý do của việc này. Viên chỉ huy nói: “Bây giờ quân đội thuộc quyền chỉ huy của quan tể tướng, người thay thế cha ngài vừa mới qua đời, tôi sẽ bắt giam ngài để đợi lệnh của nhà vua mới”.
Nói xong, lính cận vệ túm lấy tôi, mang tôi đến trước mặt kẻ chiếm ngôi. Tên tể tướng phiến loạn có một mối hận thù với tôi từ lâu. Đây là đầu đuôi câu chuyện: Khi còn rất nhỏ, tôi thích bắn nỏ. Một lần, nấp ở tầng dưới lâu đài, tôi đang ngắm bắn. Có một con chim bay qua, tôi bắn, nhưng trượt, và mũi tên ngẫu nhiên đâm vào mắt của viên tể tướng ấy vừa đi qua, và lão bị chột. Khi thấy sự kiện thảm thương ấy, tôi đã tới xin lỗi viên tể tướng, tự tôi đến xin lỗi, nhưng lão ta vẫn giữ mối thù này. Lão đối xử một cách dã man với tôi khi đã nắm được quyền hành. Lão túm lấy tôi như một kẻ điên rồ, chọc móng tay vào mắt phải tôi và lôi con ngươi ra. Thế là sau vụ này, tôi thành người chột mắt.
Nhưng kẻ cướp ngôi không chỉ tàn ác như vậy. Lão nhốt tôi vào một thùng gỗ, sai lính mang vào rừng, chém đầu tôi sau đó để chim ác rỉa xác tôi. Người đao phủ đi theo một người cưỡi ngựa áp tải chiếc thùng gỗ và dừng lại để thi hành mệnh lệnh ấy khi vào tới rừng. Nhưng những lời cầu khẩn và nước mắt của tôi đã làm cho họ mủi lòng.
- Đi đi! - Anh ta bảo tôi. - Đi khỏi vương quốc này và không bao giờ trở lại đây nữa vì ngài sẽ chết ở đây và ngài cũng là nguyên nhân cái chết của tôi nữa.
Tôi cảm tạ anh ta về ân huệ ấy, tôi chỉ có một mình, tôi mất một con mắt và cố gắng tránh một tai họa lớn hơn.
Trong tình cảnh ấy, tôi đã phải đi rất lâu, đêm đi, ngày tránh vào những nơi hẻo lánh, theo sức khỏe của mình. Cuối cùng thì tôi cũng đã đến nước của chú tôi. Tôi kể cho ngài nghe những biến cố bi thảm đã xảy ra ở vương quốc cha tôi và lý do sự tàn tật của tôi. Ngài an ủi tôi và long trọng tuyên bố tôi là người kế nghiệp của ngài trước các triều thần.
Chúng tôi sống yên ổn trong một vài năm. Chú tôi vẫn nhớ tới cha tôi, cho tôi tham gia vào công việc triều chính làm tôi vô cùng vinh hạnh. Một hôm, chúng tôi đang ngồi ở sân lâu đài thì nghe thấy tiếng kèn, tiếng trống và tất cả những âm thanh của chiến tranh. Một đám bụi dày nổi lên, trời tối sầm, chúng tôi hiểu ra một đội quân lớn đang xông tới! Chính là lão tể tướng đã cướp ngôi của cha tôi, cướp vương quốc của người và nay muốn cướp đất nước của nhà vua, chú tôi, với một đội quân hùng hậu.
Chỉ có đội cận vệ ít ỏi trong tay, chú tôi không thể chống lại số kẻ thù đông như vậy. Chúng tràn ngập thành phố, và vì các cổng thành không kịp đóng, chúng tràn cả vào lâu đài chú tôi. Chú tôi chống trả một cách can đảm, nhưng ngài đã chết sau khi tiêu diệt được khá nhiều quân địch. Phần tôi, tôi cũng đã chiến đấu được một lúc lâu, nhưng thấy đuối sức, tôi rút lui và may mắn thoát được trên một khúc ngoẹo trên đường. Tôi tới trú tại nhà một viên võ quan mà sự trung thành tôi đã biết rõ.
Đau đớn về thể xác, bị tước đoạt mọi của cải, tôi đi đến một mưu kế, nó là nguồn gốc giữ được tính mạng của tôi. Tôi cạo râu tóc và khoác áo nhà sư khất thực, ra khỏi thành phố mà không ai nhận ra. Sau đó tôi ra khỏi vương quốc của chú tôi bằng những con đường vắng vẻ.
Sau nhiều tháng đi như vậy, tôi đến cổng thành của vương quốc này vào buổi chiều. Tôi dừng bước và đang xem nên đi đâu, thì gặp nhà sư khất thực này. Anh ta chào tôi và tôi chào lại. “Thấy anh, tôi biết anh cũng là người lạ như tôi”. Anh ta trả lời là tôi đã không nhầm. Cũng lúc ấy, nhà sư khất thực thứ ba đi tới. Chúng tôi chào nhau và biết anh ta cũng mới tới Baghdad lần đầu. Như là anh em, chúng tôi kết nghĩa và quyết định sống bên nhau.
Trời tối, không biết đi đâu trong thành phố xa lạ này, chúng tôi đành đi lang thang. Một sự may mắn cho chúng tôi là đã tới trước cửa nhà phu nhân và chúng tôi gõ cửa, bà đã nhận chúng tôi với tấm lòng thân ái, từ thiện, chúng tôi không thể nào không cảm ơn bà. Đấy, thưa bà, cái mà bà đòi hỏi, tôi đã trả lời, tại sao tôi mất con mắt bên phải, tại sao tôi cạo trọc râu tóc và tại sao tôi tới đây.
- Đủ rồi! - Zobeide nói. - Chúng tôi hài lòng, người đi đâu thì đi đi.
Nhà sư khất thực xin với Zobeide cho anh ở lại để nghe câu chuyện của hai nhà sư anh em, sau khi được phép, anh ngồi lên ghế. Nhà sư khất thực thứ hai bắt đầu kể chuyện mình với Zobeide.
2. CHUYỆN NHÀ SƯ KHẤT THỰC THỨ HAI
- Thưa phu nhân! - Anh nói. - Vâng lệnh bà, và muốn nói rõ tại sao tôi chột mắt bên phải, tôi phải kể cho bà nghe về việc của mình. Từ tuổi ấu thơ, nhà vua cha tôi nhận thấy tôi là một đứa trẻ thông minh, nên cố gắng chăm lo cho tôi học hành. Tôi giỏi về môn viết chữ và vượt hẳn những vị thầy dạy viết tài giỏi có tiếng trong vương quốc. Nhà vua Ấn Độ biết tôi có tài viết lách nói với cha tôi ngài sẽ rất sung sướng được tiếp đón tôi ở xứ sở của mình. Cho rằng không gì tốt hơn đối với một vị hoàng tử vào tuổi tôi đi ra nước ngoài, cha tôi gửi tôi tới đấy với chức vụ sứ thần, cùng một đoàn tùy tùng khiêm tốn.
Đi đường được một tháng thì một hôm chúng tôi thấy từ xa, một đám mây bụi tung lên trong đó năm mươi người cưỡi ngựa vũ khí trang bị đến tận răng. Đó là những tên cướp đang phóng ngựa tới chỗ chúng tôi. Chúng tôi chỉ có mười con ngựa chở hành lý và quà biếu mà tôi phải mang tới nhà vua Ấn Độ theo lệnh của cha tôi, mặt khác chúng tôi có rất ít người, bà cũng biết là những tên kẻ cướp ấy có thể nghiền nát chúng tôi là chắc chắn. Tôi chạy trốn vào một cái hang, ngủ đêm tại đó sau khi ăn một vài quả rừng hái ở dọc đường.
Hôm sau, tôi tiếp tục đi mà không biết mình sẽ đến đâu. Sau một tháng, tôi tới một thành phố giàu có và đông dân, hình như lúc này cũng đang trong mùa xuân. Không biết tìm ai, tôi đến gặp một ông thợ may đang khâu vá trong cửa hiệu, tôi kể cho ông nghe câu chuyện của mình. Ông nghe chăm chú và tỏ ra thương cảm đối với tôi.
- Anh hãy giữ, - ông nói, - không để ai biết câu chuyện anh vừa kể với tôi, vì nhà vua của vương quốc này là kẻ thù của vua cha anh, chắc chắn ông ta sẽ tống anh vào tù khi thấy anh ở đây.
Tôi cảm ơn ông thợ may và hứa với ông làm theo đúng những lời khuyên của ông. Vì thấy tôi đói nên ông đã cho tôi ăn và thu xếp cho tôi một nơi nghỉ...
Vài hôm sau, thấy tôi đã hồi sức sau một chuyến đi dài ngày, ông thợ may mua cho tôi một cái rìu, một cuộn dây thừng và một bộ áo quần ngắn rồi nói rằng những người nghèo khó ở đây kiếm sống bằng cách đi đốn củi và yêu cầu tôi cũng làm như vậy, ông nhờ những người đốn củi trong vùng giúp đỡ tôi. Họ dẫn tôi vào rừng từ sáng sớm, tôi đội trên đầu một bó củi lớn về bán được nửa đồng tiền vàng của xứ này. Dần dần tôi kiếm đủ tiền trả cho ông thợ may số tiền mà ông đã ứng ra để chi tiêu cho tôi.
Tôi sống bằng cách đó trong một năm trời cho đến một ngày kia, theo thói quen, tôi vào khoảnh rừng nhiều cây để đốn củi. Khi đang đánh bật rễ một cây, tôi thấy một chiếc vòng bằng kim loại gắn trên một chiếc nắp cũng bằng thứ kim loại ấy. Tôi bới đất xung quanh và nhấc cái nắp lên thì thấy dưới đó có những bậc thang. Tôi xuống thang mang theo chiếc rìu. Khi tới chân thang, tôi thấy một lâu đài lớn có những chiếc cột bằng đá vân, bên trong có những chiếc lọ và đầu cột bằng vàng đặc. Trong khi tôi đang mê mải nhìn thì một phu nhân ở phòng bên bất chợt bước ra. Tôi lễ phép chào nàng.
- Anh là ai, là người hay là thần? - Nàng hỏi tôi.
- Thưa bà! - Tôi nói. - Tôi là người.
- Do sự tình cờ nào mà anh tới đây? - Nàng thở dài hỏi tôi. - Tôi ở đây đã hai mươi lăm năm nay, trong suốt thời gian đó anh là người đàn ông đầu tiên mà tôi gặp.
Với vẻ đẹp lộng lẫy, tính hiền hậu và thật thà trong sự đón tiếp ấy, tôi hoàn toàn yên tâm. Tôi kể cho nàng nghe những chuyện kỳ lạ nào khiến tôi từ một hoàng tử trở thành người kiếm củi và tại sao tôi vào được cái nhà giam này.
- Ôi, hoàng tử! - Nàng lại thở dài. - Đúng đây là một nhà giam. Chàng có nghe thấy nói về nhà vua vĩ đại Ifitamus, vua của đảo Gỗ Mun bao giờ chưa? Gọi như vậy vì trên đảo này có rất nhiều loại gỗ ấy. Thiếp là công chúa con vua. Một vị thần đã bắt và nhốt thiếp vào đây. Thiếp không thể nào tự an ủi được, nhưng thời gian và sự cần thiết đã làm thiếp phải nhìn và phải chịu đau đớn với con quỷ ấy. Cứ mười ngày một lần, hắn về đây xem thiếp có mặt ở nhà không và mang thức ăn về. Khi nào cần gọi hắn, bất kể là ngày hay đêm, thiếp chỉ cần đụng vào lá bùa treo trước cửa phòng mình, thì tức khắc hắn trở về. Hắn đã đi được bốn ngày, thiếp lại phải gặp hắn trong sáu ngày nữa. Do đó tại sao chàng có thể ở lại đây cùng thiếp mà không e ngại gì.
Trong khi nàng dẫn tôi đi thăm lâu đài, do vô ý, tôi đã đá phải lá bùa và làm nó rách thành nhiều mảnh.
Ngay lập tức, cả lâu đài rung chuyển từ nền móng với những tiếng động ghê gớm, tiếp theo là những tia chớp sáng lòe trong đêm tối.
- Chàng chạy mau! - Công chúa kêu lên. - Nếu không vị thần ấy sẽ giết chết chàng.
Tôi làm theo lời nàng, nhưng vì quá hốt hoảng nên tôi đã bỏ quên chiếc rìu và đôi giày ở lại. Tôi vừa leo lên khỏi thang gác, chiếc cầu thang mà tôi đã xuống, thì nóc lâu đài mở toang, một vị thần xuất hiện.
- Đã có chuyện gì xảy ra và tại sao nàng gọi ta về? - Hắn hỏi công chúa bằng giọng giận dữ.
- Không có chuyện gì cả. - Nàng trả lời. - Khi thiếp đi ngang qua đây, do vô ý bước hụt ngã vào nên lá bùa bị rách. Không có chuyện gì khác.
- Mi là đứa nói dối vụng về! Tại sao có chiếc rìu và đôi giày ở đây?
- Thiếp chưa bao giờ trông thấy chúng. - Công chúa trả lời. - Có thể là do thuận tay, người mang nó ở đâu về mà không biết.
Vị thần ấy trả lời bằng những câu nguyền rủa và những cú đánh mà từ xa tôi nghe thấy rất rõ. Tôi hạ chiếc nắp hầm và phủ đất lên, trở về thành phố với bó củi mà không biết phải làm gì tuy rất thương công chúa.
Sau đó chừng một tiếng đồng hồ từ lúc về đến nhà thì ông thợ may vào phòng tôi nói:
- Có một ông già mà tôi không quen, tới đây với chiếc rìu và đôi giày của anh, nói là nhặt được ở trên đường. Ông ta bảo đã được các bạn anh cho biết anh đang ở đây. Ông ta muốn tự tay mình giao những thứ đó cho anh, anh ra nói chuyện với ông ta.
Nghe thấy vậy, mặt tôi tái xanh, người run lẩy bẩy. Ông thợ may đang hỏi tôi tại sao thì cửa bật mở. Ông già sốt ruột không thể chờ được nữa, xuất hiện với chiếc rìu và đôi giày của tôi. Đó là vị thần đã bắt cóc nàng công chúa trên đảo Gỗ Mun, cải trang như vậy để đi tìm tôi.
- Ta là thần, - hắn bảo tôi, - con trai của thần Iblis, là vua của các thần. Đây có phải là chiếc rìu của nhà ngươi không?
Hắn nói thêm và đưa đôi giày ra:
- Đây có phải là đôi giày của nhà ngươi không? Không để tôi có thời gian trả lời, hắn túm ngang người tôi mang ra khỏi phòng và bay lên không trung với tốc độ chóng mặt, cuối cùng đỗ xuống lâu đài dưới đất của hắn. Công chúa đảo Gỗ Mun đang sống dở chết dở nằm trên mặt đất, nước mắt đầm đìa.
- Đồ lừa đảo! - Vị thần chỉ tay vào tôi rồi hỏi nàng. - Mi có biết người này không?
Nàng buồn bã nhìn tôi, trả lời không ngập ngừng:
- Tôi không biết, tôi chưa nhìn thấy người này bao giờ.
- Nếu vậy, - vị thần rút kiếm ra và nói, - nếu đúng là không biết hắn thì mi cầm lấy thanh kiếm này và chặt đầu hắn đi!
- Than ôi! - Công chúa nói. - Làm thế nào mà ta làm theo lệnh của ngươi được? Ngươi đánh ta khiến ta không nhấc nổi cánh tay lên nữa.
Vị thần quay sang phía tôi:
- Còn mi, mi có biết nó không?
- Làm thế nào mà tôi biết được. - Tôi trả lời. - Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người này.
- Nếu vậy, - hắn nói tiếp, - cầm lấy thanh kiếm này và chặt đầu nó đi. Đó là cái giá để ta trả tự do cho nhà ngươi.
- Tôi sẽ vĩnh viễn bị người đời nguyền rủa nếu tôi hèn nhát giết người phụ nữ đang trong tình trạng hấp hối thế này. Ông muốn làm gì tôi thì làm, tùy ý, nhưng tôi không thể làm theo lệnh dã man ấy.
- Ta thấy rõ, - vị thần nói, - các ngươi đang chế giễu ta, cả hai đứa. Ta phải xét xử không chậm trễ.
Dứt lời, vị thần giơ kiếm lên và đâm trúng tim nàng công chúa khốn khổ khiến nàng chết ngay lập tức.
- Giết cả ta nữa đi! - Tôi bảo hắn. - Ta sẵn sàng nhận nhát kiếm, ta coi đây là ân huệ với ta mà ngươi có thể làm được.
- Việc trả thù của ta không phải như thế. - Hắn đáp. - Ta muốn biến nhà ngươi thành chó, thành lừa, thành sư tử, hoặc thành chim là tùy ý của ta, nhưng ta muốn để ngươi tự lựa chọn.
Những lời nói đó cho tôi một vài hy vọng để lay chuyển hắn.
- Ôi vị thần! - Tôi nói với hắn. - Xin ngài bớt giận, vì ngài không muốn giết tôi, xin cứ để nguyên thân hình tôi, chứ đừng biến thành những con vật như vậy.
- Không! - Hắn cười nói. - Ta phải cho ngươi biết là ta có những pháp thuật gì.
Nói xong, hắn xách ngang người tôi bay lên một đỉnh núi cao. Tới nơi, hắn bốc một nắm đất, lẩm bẩm những lời gì đó mà tôi không hiểu, sau đó ném vào người tôi.
- Hãy bỏ bộ mặt người, - hắn bảo tôi, - mang lấy bộ mặt khỉ!
Nói xong hắn biến mất, tôi ở lại trên đỉnh núi một mình và biến thành khỉ, đau đớn trên một xứ sở xa lạ, không biết rằng mình đang ở gần hay ở xa vương quốc của cha tôi.
Tôi xuống núi, tới một đồng bằng bên bờ biển. Tôi ra tận mép biển. Biển lặng sóng, tôi nhìn thấy một con tàu cách đất liền chừng một nửa hải lý (đơn vị đo lường cũ, khoảng 0,9 kilômét - ND). Để không bỏ lỡ một dịp may, tôi lấy một cành cây to, mang ra biển, ngồi lên trên và với một cây gậy tôi chèo.
Khi tới gần con tàu thì thủy thủ và hành khách chạy tới mạn tàu. Tôi bám vào một sợi dây và trèo lên boong tàu. Vì không thể nói được nên tôi lâm vào một tình trạng bối rối ghê gớm. Những người lái buôn mê tín cho rằng tôi mang nỗi bất hạnh cho chuyến đi nếu để lại tôi trên tàu, người này nói: “Tôi sẽ giết nó bằng cái bơi chèo”. Người kia nói: “Tôi sẽ cho nó một mũi tên xuyên qua người”. Người khác nữa lại nói: “Ném nó xuống biển”. Tôi chạy đến bên ông thuyền trưởng, bám lấy áo ông, trong tư thế van nài khiến ông cảm động, nhất là khi thấy tôi khóc, ông bảo vệ tôi, nhận tôi làm con nuôi của đoàn thủy thủ.
Tàu đi tiếp chừng năm chục ngày thì tới một cảng của một thành phố xinh đẹp, đông dân, buôn bán sầm uất. Đây là thủ đô của một nước lớn. Một vài võ quan của nhà vua lên tàu, tập hợp các lái buôn và thủy thủ lại, nói với mọi người như sau:
- Nhà vua của chúng tôi có một vị tể tướng viết chữ rất đẹp, vị quan ấy vừa qua đời cách đây mấy hôm, nhà vua rất buồn phiền về việc này. Ngài có một lời hứa long trọng rằng sẽ trao chức tể tướng cho ai viết được chữ đẹp như người quá cố. Rất nhiều người đã tới viết thử, nhưng cho đến nay, trong toàn vương quốc, chưa có ai xứng đáng với chức vị ấy. Các người có muốn tới viết thử không?
Nhiều lái buôn cho rằng chữ mình đẹp, muốn đạt được cái ngôi thứ cao trọng ấy, tới viết những gì mà họ muốn. Khi mọi người đã viết hết, tôi tiến lên cầm lấy cuộn giấy mà một người đang cầm trên tay. Mọi người, nhất là các lái buôn vừa viết thử, tưởng rằng tôi muốn xé cuộn giấy hoặc ném nó xuống biển, đều kêu ầm lên, nhưng viên thuyền trưởng đã đứng ra bảo vệ tôi một lần nữa.
- Để yên cho nó viết! - Ông nói. - Nếu nó bôi bẩn tờ giấy, tôi hứa với các bạn là tôi sẽ trừng phạt nó ngay tức khắc...
Thấy mọi người không phản đối, tôi cầm lấy bút và viết lên giấy sáu kiểu chữ khác nhau thường dùng của người Ả Rập, trong mỗi kiểu chữ tôi viết một đoạn thơ hai câu hoặc một bài thơ tứ tuyệt ca tụng nhà vua. Chữ viết của tôi không chỉ đẹp vượt xa những người lái buôn mà còn vượt xa cả những người viết đẹp nhất trong vương quốc này, tôi dám nói như vậy. Khi tôi viết xong, các viên võ quan cảm thấy ngượng ngùng trước tài năng của tôi, cuộn tờ giấy lại, mang về trình với nhà vua. Nhà vua ngạc nhiên, không thể không cho đòi tôi tới.
- Mang ngay tức khắc con khỉ quý hiếm ấy tới đây! - Ngài nói.
Các võ quan trở lại con tàu, mặc cho tôi một tấm áo gấm, mang tôi lên bờ, và đặt tôi lên một con ngựa của chính nhà vua. Tôi đi qua thành phố đông nghịt người, vì đã có tiếng đồn là nhà vua đã chọn một con khỉ làm quan tể tướng của mình. Nhà vua đón tiếp tôi một cách vui vẻ, cho tôi ngồi cùng bàn ăn với ngài và thán phục tôi, một con vật, khéo tay và thông minh đến như vậy. Sau khi đã thử thách tôi qua nhiều việc làm khác nhau, nhà vua ra hiệu hỏi tôi có biết chơi cờ không, tôi gật đầu tỏ ý muốn đấu cờ với ngài, tôi cúi đầu xuống, tay đặt lên đầu, ra hiệu rằng tôi sẵn sàng nhận cái vinh hạnh đó. Ngài thắng tôi ván thứ nhất, nhưng tôi thắng tiếp ngài ván thứ hai và thứ ba, tới mức ngài không muốn chỉ một mình mình chứng kiến sự kiện kỳ lạ ấy mà còn cho gọi công chúa, con gái ngài là Phu nhân Sắc đẹp tới.
Viên tổng quản chạy đi, một lát sau trở lại cùng với công chúa. Nàng đeo chàng mạng, nhưng khi bước vào phòng nàng bỏ chàng mạng ra và hỏi vua cha:
- Muôn tâu, có lẽ hoàng thượng đã quên. Con lấy làm lạ tại sao vua cha lại cho con tới trước mặt một người lạ như thế này. Đúng đây là một con khỉ khi nhìn vẻ bề ngoài, nhưng thực ra đây là một hoàng tử trẻ tuổi con một vị vua. Chàng đã bị biến thành khỉ do phép lạ. Một vị thần, con trai của phu nhân Iblis, đã làm việc này sau khi đã giết chết công chúa con vua đảo Gỗ Mun.
Ngạc nhiên về lời tâu ấy, nhà vua quay về phía tôi, ra hiệu cho tôi, hỏi những lời của công chúa con gái mình vừa nói có đúng không, tôi đặt tay lên đầu ra hiệu rằng công chúa đã nói đúng.
- Con gái thân yêu! - Nhà vua nói. - Tại sao con biết đây là một vị hoàng tử bị hóa phép thành khỉ?
- Muôn tâu hoàng thượng, hoàng thượng cần nhớ rằng lúc còn bé con đã ở bên một bà già. Bà ấy là một pháp gia có tài, bà đã dạy con bảy mươi phép của pháp thuật ấy. Con có thể mang lâu đài của cha ra giữa đại dương hoặc tới núi Caucasus. Cũng nhờ vào pháp thuật ấy, con biết ai đã bị hóa phép thành con vật.
- Nếu như vậy, - nhà vua nói, - con có thể làm hoàng tử trở lại nguyên hình được không?
- Được! Muôn tâu hoàng thượng, - công chúa trả lời, - con có thể làm hoàng tử trở lại hình hài cũ được.
- Con làm đi! - Nhà vua nói. - Con sẽ làm ta hài lòng vì ta muốn vị tể tướng sau này của ta và con kết duyên với nhau.
Nàng công chúa đọc thần chú với một ngôn ngữ khó hiểu, sau đó nàng đọc kinh Koran. Bỗng nhiên trời đất tối sầm như đêm và bộ máy tạo hóa như tan biến. Chúng tôi quá sợ hãi và càng sợ hãi hơn khi thấy vị thần, con trai của phu nhân Iblis bỗng nhiên xuất hiện dưới dạng một con sư tử lớn. Khi thấy công chúa, nó mở ngoác mồm xông vào để xé xác nàng. Nhưng công chúa đã đề phòng, nàng nhảy lùi một bước và có thời gian để nhổ một sợi tóc, nói một vài câu gì đó, thế là biến vị thần thành một cơn lốc lửa quay cuồng, cơn lốc lửa biến đi mất khi nàng thổi vào nó một hơi rất mạnh.
Nhưng ngay lúc đó, cơn lốc lửa quay lại chui vào trong phòng chúng tôi đang ngồi, chúng tôi bị lửa vây quanh. Chúng tôi sẽ bị thiêu cháy nếu công chúa không kịp thời tới ứng cứu. Tuy nhiên, nhà vua cũng đã bị cháy râu, viên tổng quản bị ngất đi, còn tôi bị tia lửa bắn vào con mắt bên phải nên bị chột. Nhà vua và tôi tưởng mình sẽ bị nguy khốn thì nghe thấy tiếng reo hò: “Thắng lợi rồi! Thắng lợi rồi!”, nhìn ra chúng tôi thấy vị thần cháy thành than.
Không để mất thời gian, công chúa tiến lại phía chúng tôi, yêu cầu người ta mang đến cho mình một chén nước, công chúa đọc mấy câu thần chú, lấy nước hắt vào người tôi và nói:
- Nếu mi bị phù phép thành khỉ thì hãy biến thành người như trước kia!
Công chúa vừa nói hết câu thì lúng túng tôi trở lại thành người như cũ và bị chột một mắt. Nhưng tôi chưa kịp vui mừng thì một tia lửa từ xác vị thần từ trên cao rơi xuống đúng vào công chúa và thiêu cháy nàng trong chớp mắt.
Sự đau buồn vì mất người con gái làm cho nhà vua ốm nằm liệt giường trong một tháng ròng, còn tôi trong thời gian ấy phải ở lại trong lâu đài theo lệnh của nhà vua. Khi chưa bình phục hẳn, ngài đã cho gọi tôi tới.
- Hoàng tử! - Ngài nói. - Hãy nghe lệnh của ta đây, nếu ngươi không làm theo thì ngươi sẽ bị mất mạng.
Tôi cam đoan sẽ làm theo mệnh lệnh của nhà vua.
- Xưa nay ta vẫn sống trong sự bình yên hoàn toàn, không có một tai họa nào xảy đến với ta. Việc ngươi tới đây làm nảy nở thêm hạnh phúc cho ta. Nhưng rồi con gái ta đã chết, ngôi báu của nó không còn nữa. Ta còn sống thì đây là một sự kỳ diệu. Ngươi là nguyên nhân của tất cả những bất hạnh ấy, điều mà ta không thể nào tự an ủi được. Đó là lý do tại sao ngươi phải ra đi, và ra đi ngay lập tức, ta sẽ rất sầu não nếu ngươi còn ở đây. Ta tin rằng còn ở đây ngươi sẽ gây cho ta những bất hạnh khác nữa.
Tôi muốn nói, nhưng không dám mở miệng trước những lời giận dữ ấy và tôi đã phải rời khỏi lâu đài của nhà vua. Bị hắt hủi, bị đuổi đi, bị mọi người bỏ rơi, tôi cạo râu tóc, mặc áo nhà sư khất thực vào người. Tôi vừa đi vừa khóc, không phải cho số phận của mình mà cho nàng công chúa xinh đẹp vì tôi đã chết một cách thảm thương. Tôi đi qua nhiều xứ sở xa lạ và cuối cùng quyết định tới Baghdad trong hy vọng kể lại cho Người dẫn dắt các tín đồ ở đây câu chuyện kỳ lạ này. Tôi tới đây lúc chiều nay, và người tôi gặp đầu tiên là nhà sư khất thực anh em, người kể chuyện của mình trước tôi. Bà đã biết đoạn cuối, thưa phu nhân, đó là lý do mà tôi tới đây.
- Đúng thế! - Zobeide nói. - Bây giờ người đi đâu thì đi đi, ta cho phép.
Đáng lẽ ra đi thì nhà sư khất thực lại xin được ở lại như nhà sư thứ nhất và sau đó, anh lên ngồi ghế bên người bạn của mình. Nhà sư khất thực thứ ba thấy đến lượt mình, quay về phía Zobeide và bắt đầu kể chuyện.
3. CHUYỆN NHÀ SƯ KHẤT THỰC THỨ BA
- Tôi tên là Ajib, - anh nói, - và tôi là con một nhà vua tên là Kazib. Sau khi cha tôi qua đời, vì thích đi du lịch, tôi cho đóng một đội tàu hạ thủy lên bờ biển đảo của chúng tôi để đi thăm hỏi những người dưới quyền. Những chuyến đi trước đã cho tôi một vài kinh nghiệm về nghề hàng hải nên nay tôi có ý định đi khám phá những vùng ngoài hòn đảo của mình. Sau khi đóng xong mười con tàu, chúng tôi ra đi.
Chuyến đi của chúng tôi bình an vô sự trong bốn chục ngày, nhưng tới đêm ngày thứ bốn mươi mốt, bão táp nổi lên dữ dội khiến mười con tàu tách rời nhau, mỗi tàu đi một ngả. Con tàu của tôi bị sóng dữ nhấn chìm xuống biển sâu. Mọi người đều bị chết đuối, nhưng Thượng đế đã thương hại tôi, tôi bám vào được một mảnh ván, gió đưa tôi vào một hòn đảo có nhiều cây. Quá mệt nhọc, tôi nằm lăn ra ngủ bên bờ biển.
Hôm sau, tôi đi lùng sục trên đảo nhưng không thấy dấu vết nào là có người ở đây. Tôi tìm nơi thuận tiện để ở lại và hy vọng thấy được một cánh buồm ở nơi chân trời.
Tôi sống trong tình cảnh buồn thảm ấy trong một tháng ròng. Thời gian ấy, tôi thấy nước biển ngày càng hạ dần xuống, hòn đảo ngày càng lớn lên. Cuối cùng, tôi thấy hòn đảo của tôi nối với đất liền bằng một con sông nhỏ. Tôi lội qua sông, nước chỉ lên tới đầu gối.
Tôi đi rất lâu trên cát và đã thấm mệt. Cuối cùng tôi tới được một nơi cao ráo, đã rất xa biển, thì bất chợt tôi thấy từ xa một mảng trời đỏ rực như đang có một đám cháy lớn. Tôi tiến lại phía đó, khi tới gần tôi thấy mình đã nhầm. Cái mà tôi cho là lửa thì đó là một lâu đài bằng đồng đỏ, ánh sáng mặt trời chiếu vào làm ta có cảm giác như nó đang bốc cháy.
Tôi dừng bước trước lâu đài, đang ngồi để ngắm kiểu kiến trúc của nó, thì thấy mười người con trai đang đi dạo. Họ ăn vận chỉnh tề, nhưng điều làm tôi rất ngạc nhiên là họ đều chột mắt bên phải. Đi theo họ là một ông già đạo mạo vóc người cao lớn.
Tôi lấy làm lạ vì tại sao lại một lúc gặp nhiều người chột mắt đến như vậy, mà đều chột mắt bên phải cả. Trong khi tôi đang cố gắng suy nghĩ về hiện tượng lạ lùng này thì họ đến bên tôi chào hỏi vui vẻ. Sau đó họ hỏi tôi lý do nào khiến tôi tới đây. Tôi kể chuyện đắm tàu, chuyện mình đã sống đơn độc quá lâu khiến họ vô cùng thương cảm. Sau đó, những vị lãnh chúa trẻ ấy mời tôi vào lâu đài của họ. Tôi nhận lời mời, chúng tôi đi qua một dãy hành lang của nhiều phòng lớn và phòng xép, cuối cùng vào một phòng lớn có mười chiếc ghế bọc vải xanh xếp thành vòng tròn, ở giữa vòng tròn có một chiếc ghế cùng màu nhưng lớn hơn dành cho ông già, mười chàng trai ngồi trên những chiếc ghế kia.
- Anh bạn, - một người trong số họ bảo tôi, - anh hãy ngồi trên tấm thảm ở giữa nhà, và đừng hỏi những gì không liên quan đến anh, cả việc tại sao chúng tôi đều chột ở mắt phải. Không nên tò mò, nếu không sự tàn tật ấy cũng xảy ra với anh đấy.
Ông già không ngồi lâu, ông đứng lên và đi ra, nhưng sau đó lại trở vào mang cháo chia cho mười người. Ông già cũng đưa suất ăn cho tôi như những người khác, cuối bữa, ông già tiếp chúng tôi mỗi người một cốc rượu vang.
Đến khuya, trong lúc chúng tôi đang ngồi yên lặng thì ông già đi vào phòng bên, khi đi ra đội trên đầu một mâm phủ vải xanh, trên đó có mười cái bát. Ông đặt trước mặt mỗi người một cái bát trong đó có tro than, bột màu đen trộn lẫn vào nhau. Mỗi người cầm lấy chiếc bát của mình và bôi tro lên mặt, trông sợ đến phát khiếp. Sau khi làm nhem nhuốc mặt mày, họ bắt đầu khóc lóc, than vãn, đấm tay vào đầu, vào ngực, miệng nhắc đi nhắc lại:
“Đây là kết quả của sự lười biếng và thói ăn chơi của chúng tôi!”
Họ làm việc này hầu như suốt đêm. Khi kết thúc, ông già mang nước ra cho họ rửa tay, rửa mặt, họ thay áo quần cũng bị bôi bẩn bằng bộ sạch sẽ, như là họ chưa từng làm cái việc lạ lùng mà tôi vừa là khán giả.
Cảnh ấy cũng diễn ra vào đêm hôm sau và những đêm tiếp đó, tới mức tôi không thể cưỡng lại tính tò mò của mình, tôi hỏi họ hoặc là họ cho tôi biết rõ câu chuyện, hoặc là chỉ đường cho tôi trở về vương quốc của mình. Tôi nói là tôi không thể sống mãi với họ mà mỗi đêm lại xảy ra cái cảnh ấy trong khi tôi chẳng biết lý do của nó.
Một trong các vị lãnh chúa ấy nói thay mọi người:
- Nếu anh muốn bị bất hạnh như chúng tôi thì anh chỉ cần nói, chúng tôi sẽ thỏa mãn cái mà anh yêu cầu.
Nhưng chúng tôi khuyên anh nên tò mò ít thôi, nếu không anh sẽ bị chột như chúng tôi.
- Mặc kệ! - Tôi trả lời. - Tôi xin tuyên bố rằng, nếu tai họa ấy đến với tôi, tôi không coi các anh là thủ phạm, tôi tự chịu trách nhiệm.
Anh còn bảo tôi, nếu khi tôi bị hỏng mắt, thì tôi không hy vọng gì ở lại đây với họ bởi số người của họ đã đủ rồi, không thể tăng thêm nữa. Tôi vẫn khăng khăng giữ ý kiến của mình. Mười người con trai thấy không thể lay chuyển được nguyện vọng của tôi, họ đi chọc tiết một con cừu, lột da nó, đưa cho tôi một con dao và nói:
- Cầm lấy con dao này, chúng tôi sẽ cho anh biết anh sẽ dùng nó để làm gì. Chúng tôi sẽ cho anh vào tấm da cừu và khâu lại, sau đó chúng tôi sẽ đặt anh ở trước lâu đài và ra về. Một con chim rất lớn, người ta gọi là chim thần, sẽ bay tới và sẽ quắp anh bay lên tận mây xanh. Nhưng không nên sợ hãi. Nó sẽ hạ cánh đặt anh lên một đỉnh núi cao. Tới nơi, anh lấy dao rạch tấm da cừu và thoát ra. Chim thần sẽ bay đi khi thấy người và để anh được tự do. Từ đấy anh sẽ đến một lâu đài rất lớn, có gắn vàng, kim cương và đá quý. Anh tới trước cửa, cửa để ngỏ, và đi vào. Mọi người chúng tôi đã tới lâu đài ấy, nhưng chúng tôi sẽ không nói với anh những gì chúng tôi đã nhìn thấy, anh tự tìm hiểu lấy. Cái mà chúng tôi có thể nói là tại đấy chúng tôi đã mất con mắt bên phải và hình phạt mà anh đã chứng kiến cũng từ đấy mà ra.
Tôi chui vào tấm da cừu, các anh khâu giúp lại, mang tôi ra trước lâu đài, đặt xuống, sau đó rút lui. Chim thần nhanh chóng bay tới, lao xuống quắp lấy tấm da cừu bằng những móng sắc và mang tôi tới một đỉnh núi cao.
Khi được đặt xuống đất, tôi đã kịp thời sử dụng con dao, rạch tấm da cừu và chui ra, chim thần bay mất khi nhìn thấy tôi. Vì sốt ruột muốn tới ngay lâu đài, tôi bước nhanh nhưng cũng mất nửa ngày trời mới tới được. Cửa để mở. Tôi bước vào thấy một cái sân rất rộng, xung quanh có chín mươi chín cây cột bằng gỗ trầm hương và một cây cột bằng vàng đúc, không kể những cầu thang rất đẹp dẫn lên các lầu phía trên. Một trăm lối đi dẫn ra những khu vườn hoa, những kho tàng đầy của quý.
Tôi đi qua một cửa để ngỏ gần đấy vào trong một phòng lớn, có bốn chục cô gái rất xinh đẹp mà trí tưởng tượng của tôi cũng không thể đạt được đến điểm ấy, đang ngồi. Họ ăn vận kiều diễm. Tất cả đều đứng lên khi thấy tôi, không đợi những lời ngợi khen của tôi, họ tỏ ra rất vui mừng:
- Thưa đức ông, hãy là vị khách nồng hậu! Đã từ lâu chúng em trông đợi một hiệp sĩ như chàng. Phong cách của chàng lộ rõ những đức tính chúng em hằng mong muốn. Chúng em hy vọng rằng chàng không thấy chúng em là không xứng đáng với chàng.
Tôi kể cho họ nghe câu chuyện về tôi cho tới chiều tối. Thế là những cô gái này mang tới rất nhiều nến làm sáng rực những bức tường căn phòng; trong khi các cô khác dọn bàn ăn, đặt lên đó những quả khô, mứt kẹo và những thức ăn ngon; các cô khác nữa thì chơi âm nhạc. Tất cả đã sẵn sàng để mời tôi ngồi vào bàn. Các cô cùng ngồi với tôi, và chúng tôi ngồi ăn uống rất lâu. Sau đó các cô chơi nhạc và cất tiếng hát thành một dàn hợp xướng êm ái. Các cô khác bắt đầu khiêu vũ, từng đôi một, hết người này đến người khác nhảy một điệu nhảy đẹp nhất thế gian.
Đã quá nửa đêm, tất cả những cuộc vui ấy chấm dứt, một cô quay sang phía tôi và nói:
- Chàng đã mệt vì đi đường hôm nay, đã đến lúc chàng đi nghỉ. Phòng ngủ của chàng đã được chuẩn bị và chúng em mong rằng chàng có một giấc ngủ ngon lành.
Đúng là tôi đã có một giấc ngủ ngon. Tôi chỉ thức dậy vào lúc mặt trời mọc hôm sau. Khi tôi vừa ăn vận xong thì bốn chục cô gái tràn vào phòng tôi, đầm đìa nước mắt thay vì sự vui vẻ như tối hôm qua. Các cô lần lượt tới ôm hôn tôi hết người này đến người khác.
- Tạm biệt, hoàng tử thân yêu, tạm biệt! Chúng em phải đi.
Nước mắt của họ làm tôi đau đớn. Tôi yêu cầu các cô cho tôi biết rõ nguyên nhân của sự buồn rầu của họ.
- Thế này! - Một người trong các cô nói. - Để chàng thỏa mãn, em phải nói ngay rằng chúng em là những công chúa, con gái các nhà vua. Chúng em sống ở đây như chàng đã thấy, nhưng mỗi năm chúng em phải vắng nơi này trong bốn chục ngày vì những bổn phận cần thiết mà không thể tiết lộ được. Sau đó chúng em lại trở về lâu đài. Hôm qua là hết hạn một năm và hôm nay chúng em phải tạm biệt chàng, mà chàng vừa mới tới, đây là lý do sự buồn rầu của chúng em. Trước khi đi, chúng em để lại cho chàng tất cả những chìa khóa của một trăm cánh cửa để chàng có thể đi thăm, làm dịu nỗi buồn đơn độc khi chúng em không có mặt ở đây. Nhưng vì sự an toàn và lợi ích của chàng, chúng em dặn chàng là không nên mở cánh cửa bằng vàng. Nếu chàng mở nó thì chúng ta không bao giờ được gặp mặt nhau nữa và sự sợ hãi làm chúng em càng thêm đau đớn. Hy vọng chàng nhớ kỹ lời căn dặn của chúng em. Nó sẽ cho chúng ta sự nghỉ ngơi thanh thản và hạnh phúc trong cuộc đời của chúng ta. Chúng em mong chàng đừng phạm sai lầm, để chúng em có được sự an ủi sau bốn chục ngày. Chúng em có thể mang chiếc chìa khóa cánh cửa bằng vàng đi, nhưng điều đó sợ làm phật ý một hoàng tử như chàng, tỏ ra không tin vào sự thận trọng và tư cách của chàng.
Lời nói của nàng công chúa xinh đẹp đã gây ra cho tôi một sự đau buồn thực sự. Tôi nói với các cô là sự vắng mặt của họ gây ra cho tôi nhiều phiền muộn. Tôi cảm ơn sự chăm sóc của họ với tôi, những lời họ dặn dò tôi. Cuộc chia tay của chúng tôi diễn ra rất cảm động, tôi ôm hôn từng cô, cô này đến cô khác; sau đó họ ra đi, một mình tôi ở lại lâu đài.
Tôi hứa với mình là không được quên lời dặn dò quan trọng mà các cô đã nói: không bao giờ được mở cánh cửa bằng vàng. Tôi cầm chìa khóa mở các cánh cửa vào thăm các phòng có rất nhiều vật quý hiếm nên tôi đã mở chín mươi chín cánh cửa trong ba mươi chín ngày. Chỉ còn cánh cửa thứ một trăm bị cấm.
Đến ngày thứ bốn mươi kể từ lúc các nàng công chúa kiều diễm ra đi. Ngày mai họ sẽ về và sự thích thú gặp lại họ cũng không át nổi tính tò mò của tôi. Nhưng sự yếu hèn ấy đã làm tôi ân hận suốt đời, tôi đã làm theo ý định của mình.
Tôi mở cánh cửa định mệnh ấy. Tôi thấy bên trong là một phòng rộng, mái vòm cuốn, trên sàn là nền bằng vàng đúc trên đó có những ngọn nến đang cháy tỏa ra một hương thơm của hổ phách, soi sáng rực gian phòng. Ánh sáng còn được tăng thêm bởi các ngọn nến thắp bằng dầu thơm. Trong tất cả những vật quý ở đây, cái làm tôi chú ý là một con ngựa màu đen tuyệt đẹp, con vật rất quý mà người ta chưa từng thấy trên đời này. Tôi lại gần nó để ngắm kỹ, tôi thấy nó đã được đóng đủ yên cương bằng vàng, một máng cỏ bằng vàng đựng lúa mạch và hạt vừng một bên, bên kia là chậu nước thơm mùi hoa hồng. Tôi nắm lấy dây cương, mang con ngựa ra khỏi phòng để nhìn kỹ hơn. Tôi nhảy lên lưng ngựa, thúc nó đi nhưng vì ngựa không động đậy, tôi lấy một cái que đập ruồi nhặt được ở trong phòng vụt nó.
Khi que vừa chạm vào người, ngựa hí vang, dang cánh, đôi cánh mà tôi không chú ý, bay tít lên mây xanh. Tôi phải bám chặt lấy cổ con ngựa để giữ cho được thăng bằng. Ngựa bay xuống đất rồi đậu trên nóc một lâu đài, tại đây không đợi tôi kịp nhảy xuống, nó rùng mình hất tôi ngã xuống đất, lông đuôi của nó đập làm vỡ con mắt bên phải của tôi.
Đó là lý do tại sao tôi bị chột mắt. Tôi nhớ rất rõ những lời các chàng trai đã nói trước đây. Con ngựa lại bay đi. Tôi buồn bã đứng lên, ân hận về tai họa mà mình tự chuốc lấy. Tôi đi xuống sân, tay ôm lấy con mắt đang rất đau. Vào gian phòng lớn, thấy mười chàng trai đang ngồi trên những chiếc ghế thấp, điều này làm tôi hiểu đây là lâu đài nơi tôi đã bị chim thần quắp đi.
Mười chàng trai chột mắt tới gặp tôi. Họ không ngạc nhiên khi thấy tôi trở về cũng như thấy tôi bị hỏng mắt.
- Tôi sẽ sai lầm nếu tố cáo các bạn về bất hạnh của mình. - Tôi bảo họ. - Tôi đã tự gây ra và tự mình phải chịu trách nhiệm.
- Những gì đã xảy ra với anh thì cũng đã xảy đến với chúng tôi. Chúng ta sẽ rất hạnh phúc, cả cuộc đời của chúng ta sẽ được bảo đảm, nếu chúng ta không mở cánh cửa vàng ấy trong khi các công chúa vắng mặt. Anh cũng không khôn ngoan hơn chúng tôi, bởi vậy anh cũng phải chịu sự trừng phạt như chúng tôi. Chúng tôi rất muốn nhận anh vào nhóm chúng tôi để ăn chay, sám hối như chúng tôi đang làm mà chúng tôi cũng không biết thời hạn của nó là bao lâu. Nhưng chúng tôi đã tuyên bố lý do không nhận anh được. Do đó, anh phải đi thôi, hãy tới gặp nhà vua ở Baghdad, người sẽ quyết định số phận của anh.
Họ chỉ đường cho tôi và tôi chia tay họ. Trên đường đi, tôi đã cạo râu tóc và khoác áo nhà sư khất thực. Tôi đã đi rất lâu. Cuối cùng thì tôi tới thành phố này chiều nay. Tôi đã gặp hai nhà sư anh em, cả hai cũng là những người mới tới đây. Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy ai cũng hỏng mắt bên phải cả. Nhưng không có thời gian để hỏi han nhau chuyện này, cái quan trọng là đi tìm chỗ nghỉ và bà đã là người hào hiệp cho chúng tôi được tạm trú.
Nhà sư khất thực thứ ba đã kể xong chuyện mình, Zobeide lên tiếng:
- Được! - Nàng nói. - Cả ba được tự do, các người đi đâu thì đi.
- Thưa phu nhân! - Một người trong số họ nói. - Xin bà cho chúng tôi ngồi lại và tha lỗi về sự tò mò của chúng tôi, cho chúng tôi được nghe chuyện của các vị đây chưa nói.
Zobeide quay sang nhìn nhà vua, quan tể tướng và viên tổng quản.
Quan tể tướng Ja’afar nói thay những người cùng đi:
- Thưa phu nhân, như đã thưa với bà trước đây, chúng tôi là những lái buôn ở Mosul, chúng tôi tới Baghdad để mua hàng và trú tại một nơi tạm trú của khách thương. Chúng tôi tới ăn chiều tại nhà của một người bạn hàng ở Baghdad, sau khi ăn uống no say, ông ta cho mời những người khiêu vũ và ca sĩ tới. Vì làm ồn ào nên quân lính đã tới bắt đi một số. May mắn là chúng tôi thoát được, nhưng vì đã khuya, chúng tôi bị lạc đường và chúng tôi không biết đêm nay nghỉ ở đâu. Sự may mắn run rủi cho chúng tôi thấy nhà của phu nhân đang đàn hát và cuối cùng chúng tôi đã gõ cửa.
- Được rồi! - Zobeide bảo họ. - Ta tha cho các người, nhưng với điều kiện tất cả phải đi khỏi đây ngay lập tức, và các người đi đâu là tùy ý các người.
Nhà vua, quan tể tướng, viên tổng quản, ba nhà sư khất thực và anh phu khuân vác đều không dám nói gì bởi vẫn còn bảy tên nô lệ có vũ khí buộc họ phải thận trọng. Khi họ đã ra khỏi nhà, cánh cửa đã khép lại sau lưng họ, nhà vua nói với ba nhà sư khất thực mà vẫn giữ bí mật bản thân mình:
- Còn các ngài, các ngài là người lạ, mới tới thành phố, các ngài định đi đâu trong đêm khuya này?
- Thưa ngài, - họ trả lời, - đó là cái đang làm chúng tôi băn khoăn nhất.
- Các ngài hãy đi theo chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp các ngài lúc cơ nhỡ này.
Rồi nhà vua nói nhỏ với quan tể tướng:
- Mang họ về nhà ông. Và sáng mai ông mang họ tới gặp ta. Ta muốn viết tập truyện phiêu lưu, những câu chuyện của họ xứng đáng có chỗ trong biên niên sử của triều đại ta.
Quan tể tướng dẫn ba nhà sư khất thực về nhà ông, viên tổng quản Masrur đưa nhà vua về lâu đài, còn anh phu khuân vác về nhà mình. Đêm ấy, nhà vua không thể nào ngủ được, tâm trí ngài vẫn bị khuấy động về những chuyện tai nghe mắt thấy tối nay.
Sáng hôm sau, nhà vua cho gọi quan tể tướng tới:
- Những việc mà chúng ta cần giải quyết hôm nay thì không nhiều lắm. - Ngài nói. - Đó là chuyện ba người phụ nữ và hai con chó cái đen là đủ. Đầu óc ta không thể thanh thản khi có những chuyện không hiểu được ấy. Cho gọi các phu nhân ấy tới, cũng đưa cả ba nhà sư khất thực vào đây nữa.
Một khắc đồng hồ sau, tất cả đã đứng cúi chào trước mặt nhà vua. Họ không ngờ đây lại là người lái buôn ở Mosul mà mình ngồi kề bên tối hôm qua. Trước tiên, nhà vua quay sang các phu nhân:
- Các phu nhân cao quý! Có thể là ta đã làm các người ngạc nhiên khi cải trang thành người lái buôn để tới nhà các người tối qua. Không nên e sợ là ta đã bực mình, cho rằng ta gọi các người tới đây để tỏ sự giận hờn. Các người yên tâm, hãy tin rằng ta đã quên chuyện quá khứ và ta rất hài lòng về tư cách của các người. Ta muốn rằng tất cả các phu nhân ở thành Baghdad này có được sự khôn ngoan của các người mà ta đã chứng kiến. Ta nhớ mãi sự bình tĩnh trước những hành vi bất lịch sự mà chúng ta đã phạm phải. Hôm qua ta là lái buôn ở Mosul, lúc này ta là vua Harun al-Rashid, nhà vua thứ năm của nhà Abbas, người giữ vị trí nhà tiên tri vĩ đại của chúng ta. Ta chỉ yêu cầu các người cho ta biết các người là ai, tại sao một trong các người sau khi đã hành hạ hai con chó đen lại khóc với chúng, tại sao trên vai của một trong các người lại đầy những vết sẹo như vậy?
Zobeide lên tiếng và kể chuyện của mình.
4. CHUYỆN NÀNG ZOBEIDE
Kính tình Người dẫn dắt các tín đồ, câu chuyện mà thần thiếp kể với hoàng thượng hôm nay là một trong những câu chuyện lạ lùng nhất mà người ta chưa thấy bao giờ. Hai con chó cái đen và thiếp là ba chị em cùng một cha mẹ sinh ra và thiếp sẽ nói rõ tại sao họ lại biến thành chó. Hai phu nhân cùng sống với thiếp là những chị em cùng cha khác mẹ.
Sau khi cha thiếp qua đời, của cải được chia đều cho các chị em thiếp. Nhận phần của mình xong, hai người em út về sống với mẹ. Ba chị em thiếp sống với mẹ mình, sau này khi qua đời, bà để lại cho mỗi người một nghìn đồng tiền vàng nữa.
Khi lấy chồng, hai người chị để lại thiếp một mình ở lâu đài. Hai người chồng ấy đã tiêu xài hết của cải của các chị thiếp bằng những việc kinh doanh mờ ám và họ bỏ đi. Thiếp mang hai người chị khốn khổ về nhà nuôi nấng.
Chị em thiếp sống chung trong một năm khi thiếp chuẩn bị cho một chuyến ra khơi để buôn bán bằng một phần gia tài của mình. Thiếp mang hai người chị tới Basra, mua một con tàu, thuê đoàn thủy thủ và xếp xuống đó những hàng hóa mua từ Baghdad tới. Mọi người kéo buồm và xuôi gió, tàu đã nhanh chóng tới vịnh Ba Tư. Tàu đi Ấn Độ và sau hai mươi ngày lênh đênh trên biển, tàu cập cảng của một thành phố xinh đẹp. Mới rạng sáng, tàu thả neo.
Trong lúc vội vàng, một mình thiếp lên bờ và vào thành phố. Ở đây thiếp thấy rất nhiều người đứng ngồi lộn xộn, những người đứng thì cầm gậy trên tay. Tất cả đều có những bộ mặt xấu xí khiến thiếp quá sợ hãi. Thấy họ bất động, cả những con mắt cũng vậy, thiếp lại gần thì thấy họ đã hóa thành đá cả.
Cả thành phố yên lặng, và mọi người đều hóa thành đá. Thiếp tới một lâu đài, gõ cửa với tâm trạng sợ hãi. Ở đây cũng trong tai họa ấy. Các cửa đều đóng kín, thiếp có thể đi dọc các hành lang, thấy được sự giàu có của lâu đài. Trời sắp tối mà thiếp đang lạc lõng giữa các hành lang. Cuối cùng thiếp vào được một căn phòng trong đó có một chiếc giường, thiếp định bụng nghỉ lại đây, sáng mai tìm đường ra bến sớm. Thiếp nằm xuống giường trong sự sợ hãi một mình ở nơi vắng vẻ, do đó thiếp không thể nào chợp mắt được.
Khoảng nửa đêm thì thiếp nghe thấy tiếng đàn ông đọc kinh Koran cùng với cách thức như trong các nhà thờ nước mình. Điều đó làm cho thiếp vui mừng. Thiếp đứng lên, mò mẫm đi từ phòng này sang phòng khác hướng theo phía có tiếng người. Thiếp dừng lại trước một cánh cửa của căn phòng có tiếng cầu kinh vọng ra. Nhìn qua khe cửa, thiếp nhận ra đây là một phòng nguyện với rất nhiều đèn nến thắp sáng choang.
Thiếp thấy một chàng trai, mặt mũi khôi ngô, ngồi trên một tấm thảm đang đọc kinh, chàng chăm chú đọc cuốn kinh Koran đặt trên một cái bục nhỏ trước mặt. Vì cửa không gài, thiếp đẩy cửa bước vào, nói lớn:
- Cảm ơn Thượng đế đã cho chúng con một chuyến đi may mắn! Người cũng che chở cho chúng con về tới xứ sở của mình. Nghe tôi, thưa ngài, và chấp nhận lời cầu nguyện của tôi.
Chàng trai quay lại, bình tĩnh nhìn thiếp và hỏi thiếp là ai. Thiếp kể lại chuyện mình, kể về chuyến đi, về những điều đã nhìn thấy trên thành phố đẹp đẽ nhưng chết chóc này.
- Thưa phu nhân! - Chàng nói. - Bà vừa biết tới Thượng đế qua lời cầu nguyện vừa rồi. Bà nên biết rằng, thành phố sinh ra tôi trước nay thờ thần lửa, mọi người sống vô đạo. Nhờ vào bà vú theo đạo Hồi, tôi được dạy dỗ một cách bí mật trong sự tôn thờ Thượng đế mặc dù cha mẹ tôi có sự bất kính với người. Cách đây ba năm, có một lời kêu gọi bay trên thành phố: “Dân chúng, hãy từ bỏ việc thờ thần lửa. Hãy thờ vị thánh duy nhất có lòng từ bi của các người!”. Tiếng nói ấy được thốt ra ròng rã suốt ba năm, đêm nào cũng vậy, nhưng không ai thèm chú ý. Đến ngày cuối cùng của năm thứ ba, vào lúc ba hoặc bốn giờ sáng, thì mọi người trong thành phố này đều hóa thành đá. Nhà vua, cha tôi, cũng chung số phận, người hóa thành pho tượng đá đen ở trong lâu đài mà mọi người có thể nhìn thấy. Tôi là người độc nhất thoát khỏi sự trừng phạt ghê gớm ấy. Từ bấy đến nay tôi phụng thờ Thượng đế với sự tôn kính chưa từng có. Tôi tin chắc rằng người gửi bà tới đây để an ủi tôi vì tôi đã thành tâm với người, tôi xin thú nhận với bà sự cô đơn này đã làm tôi rất đau khổ.
- Thưa hoàng tử! - Thiếp nói với chàng. - Không nghi ngờ gì nữa, Thượng đế đã run rủi tàu của thiếp cập bến cảng, giúp chàng thoát ra khỏi nơi tai họa này. Tàu của thiếp sẵn sàng phục vụ chàng và chàng có thể yên tâm lên tàu.
Chàng trai nhận lời mời của thiếp một cách vui vẻ. Trời sáng hẳn, chúng thần ra khỏi lâu đài, tới bến cảng, gặp hai người chị của thiếp, viên thuyền trưởng cũng như các nô lệ đang lo lắng về thiếp. Sau khi giới thiệu hoàng tử với hai chị, thiếp giải thích cho họ tại sao hôm qua thiếp không kịp trở về tàu.
Các thủy thủ phải mất nhiều ngày sắp xếp lại hàng hóa để chuyển những vật quý như vàng bạc, đá quý của lâu đài xuống tàu. Sau khi chuẩn bị đầy đủ lương thực, tàu nhổ neo.
Hoàng tử trẻ tuổi cùng thiếp và các chị sống những ngày vui vẻ trên tàu; nhưng, than ôi! Sự sum họp ấy không được lâu. Các chị thiếp hy vọng tới đất liền vào ngày hôm sau. Nhưng đêm đến, khi thiếp đang ngủ say, hai chị bí mật thức dậy và ném thiếp xuống biển.
Họ cũng làm như vậy với hoàng tử và chàng đã chết đuối. Còn thiếp, thiếp đã cố gắng bơi, và may mắn dạt vào được một hòn đảo nhỏ, cách Basra chừng hai chục dặm (đơn vị đo lường cũ, một dặm là 1609 mét - ND).
Thiếp đang nghỉ dưới bóng cây thì thấy một con rắn to và dài, có cánh đang trườn tới. Thiếp đứng lên thấy phía sau nó có một con rắn to hơn đang cắn vào đuôi con rắn đang chạy để ăn thịt nó. Đáng lẽ chạy trốn thì thiếp đã can đảm vác một hòn đá ném bẹp đầu con rắn lớn. Con rắn nhỏ hơn thấy được tự do, vỗ cánh bay đi. Thiếp nhìn theo con rắn một lúc lâu, sau đó tìm một nơi khác để nằm nghỉ.
Tỉnh giấc, ngài thấy sự kinh ngạc của thiếp lớn đến chừng nào khi thấy một phu nhân xinh đẹp tay dắt hai con chó cái đen đang đứng trước mặt mình. Thiếp ngồi lên và hỏi nàng là ai.
- Ta là con rắn đã được nàng cứu thoát vừa rồi. - Người đàn bà nói. - Con rắn ấy vốn từ lâu là kẻ thù sinh tử của ta. Ta biết rõ sự phản trắc của hai người chị nàng và để cảm ơn sự cứu giúp của nàng, để trả thù cho nàng, ta đã gọi nhiều bạn bè cùng là tiên như ta chuyển số tài sản của nàng trên tàu về nhà nàng ở Baghdad. Hai con chó cái đen này là các chị của nàng mà ta đã hóa phép thành chó.
Nàng tiên một tay ôm ngang người thiếp, một tay xách hai con chó mang chúng thần về Baghdad, tới đây thiếp đã thấy đầy đủ hàng hóa và của cải của thiếp ở trên tàu. Trước khi ra về, nàng tiên giao cho thiếp hai con chó và nói:
- Chúng hóa thành chó rồi, nhưng ta ra lệnh cho nàng, để trả thù cho người chết trên biển, và cho nàng, mỗi tối nàng phải đánh chúng một trăm roi mỗi con.
Từ đó thiếp phải đánh chó như vậy mỗi buổi tối, tuy trong lòng rất đau buồn.
Sau khi nghe chuyện nàng Zobeide một cách hứng thú, nhà vua yêu cầu nàng Amine xinh đẹp giải thích tại sao trên vai nàng lại có những vết sẹo như vậy. Nàng Amine kể chuyện mình.
5. CHUYỆN NÀNG AMINE
- Muôn tâu Người dẫn dắt các tín đồ! - Nàng nói. - Hoàng thượng nên biết mẹ thiếp có một ngôi nhà riêng để sống những ngày góa bụa của mình. Mẹ thiếp gả thiếp cho một người rất giàu có trong thành phố. Chúng thần chung sống với nhau được một năm thì chồng thiếp qua đời, thiếp cũng lâm vào cảnh góa bụa với số tiền để lại của chồng là chín mươi nghìn đồng tiền vàng. Số tiền ấy đủ để bảo đảm sinh hoạt và thiếp sống không âu lo.
Một hôm, trong khi đang quét dọn nhà cửa, có một bà già mà thiếp chưa từng gặp bao giờ tới nơi năn nỉ thiếp đi dự đám cưới con gái bà ta tối nay. Bà ta là người lạ, cả thành phố không ai quen biết bà ta, bà ta sợ rằng không có người làm chứng đáng tín nhiệm cho đám cưới. Thiếp nhận lời. Thiếp chuẩn bị một chiếc áo dài mình rất thích, vòng cổ hạt ngọc, vòng tay nhẫn, hoa tai có đính kim cương rất nhỏ và rất sáng. Tối đến, bà già tới đón thiếp đi. Bà ta dẫn thiếp qua một phố rất rộng, mới quét dọn sạch sẽ và tưới nước. Thiếp và bà già tới một cái cổng, trên có tấm biển ghi hàng chữ bằng vàng: “Đây là ngôi nhà vĩnh viễn có sự hài lòng và vui vẻ”. Bà già gõ cửa, cửa mở ngay sau đó.
Người ta dẫn thiếp đi qua sân, vào một phòng lớn có một thiếu phụ trẻ, xinh đẹp đón tiếp. Nàng tới trước mặt thiếp và sau khi ôm hôn, thiếu phụ mời thiếp ngồi xuống.
- Thưa phu nhân! - Người thiếu phụ ấy bảo thiếp. - Người ta mời nàng tới đây để dự một đám cưới nhưng tôi hy vọng đây là một đám cưới khác chứ không phải đám cưới như nàng tưởng tượng. Tôi có một người anh, một người đứng đắn và tài giỏi nhất trong số những người đàn ông, anh tôi say mê dung nhan của nàng và tôi yêu cầu nàng đừng chối bỏ mối tình của anh ấy.
Cho rằng sự im lặng và sự đỏ mặt lên của thiếp là lời chấp thuận, người thiếu phụ ấy vỗ tay; một cánh cửa mở ra, một người trai trẻ có dáng đường bệ đi ra, cúi đầu chào thiếp và ngồi xuống.
Người thiếu phụ thấy chúng thần có vẻ hợp ý nhau thì vỗ tay một lần nữa và một vị quan tòa bước vào, lập một tờ hôn thú rồi ký tên vào đấy cùng với bốn chữ ký của bốn người làm chứng mà ông ta mang theo. Một điều chú ý là chồng thiếp buộc thiếp phải thề không được nhìn và không được nói chuyện với người đàn ông nào ngoài chàng. Ngoài chuyện này thì thiếp rất hài lòng về người chồng của mình.
Một tháng sau ngày cưới, thấy cần có vải để may vá, thiếp xin phép chồng đi mua vải. Chồng thiếp đồng ý và cho hai phụ nữ nô lệ đi theo.
Người lái buôn của cửa hiệu mà thiếp tới mang ra rất nhiều vải, thiếp đồng ý mua một loại, và hỏi ông ta giá tiền. Ông ta bảo bà nô lệ:
- Tôi không bán bằng vàng hoặc bạc. Tôi sẵn sàng biếu không cho phu nhân, nếu nàng cho phép tôi hôn lên má nàng.
Tức giận về sự xấc xược đó, thiếp ra khỏi cửa hàng. Nhưng tên hung bạo đó đã túm lấy chàng mạng của thiếp, và, đáng lẽ hôn vào má thì hắn lại cắn chảy máu má thiếp. Sự kinh ngạc và đau đớn làm thiếp ngất đi. Bà già và người đi theo làm thiếp tỉnh lại nhưng thiếp còn quá yếu không bước nổi chân. Về tới nhà, thiếp lại ngất đi một lần nữa. Bà già băng bó má cho thiếp, đặt thiếp lên giường trong phòng thiếp.
Chiều tối, chồng thiếp đến, thấy có vải băng trên má, hỏi đã có chuyện gì xảy ra. Thiếp trả lời là mình bị nhức đầu, nhưng chàng đã cầm một ngọn nến đến soi thấy thiếp có vết thương trên má.
- Tại sao có vết thương này? - Chồng thiếp hỏi. Tuy không phải là thủ phạm, nhưng thiếp vẫn không thể nói thật với chồng. Thiếp nói một người gánh củi đi quá gần mình, một thanh củi đã làm xước má.
Nghe xong chồng thiếp nổi giận.
- Từ ngày mai, - chàng kêu lên, - bắt tất cả những tên gánh củi và treo cổ chúng lên.
- Trời ơi! - Thiếp nói với chồng. - Thiếp sẽ rất khổ sở khi có một sự đối xử không công bằng như vậy, thiếp cho rằng chỉ cần một lời xin lỗi nếu thiếp là người gây ra chuyện này.
- Ta phải nghĩ về vết thương của nàng ra sao đây? Thiếp lại nói dối vết thương do một người bán chổi thúc lừa đi quá nhanh làm thiếp ngã, má chạm phải một mảnh sành.
- Sáng sớm mai, trước khi mặt trời mọc, - chồng thiếp hét lên, - báo cho quan tể tướng Ja’afar tin này. Ông ta sẽ bóp cổ những tên bán chổi!
- Nhân danh Thượng đế, - thiếp cắt lời, - thiếp xin chàng tha cho họ, họ không phải là thủ phạm.
- Tại sao? - Chồng thiếp nói. - Ta phải hiểu thế nào đây? Nói đi! Ta phải hiểu sự thật từ chính miệng nàng.
- Trời ơi! - Thiếp trả lời. - Thiếp chóng mặt và ngã, đó là tất cả.
Nghe tới đây chồng thiếp không nhẫn nại được nữa.
- A! - Chồng thiếp nói. - Đã từ lâu ta toàn nghe những lời nói dối...
Nói tới đây, chàng vỗ tay và ba tên nô lệ bước vào.
- Lôi nó ra khỏi giường, - chàng nói với chúng, - căng nó ra giữa nhà và đánh thẳng tay. Đó là hình phạt dành cho những kẻ mà ta đã trao trái tim của ta cho nó, nay nó phụ lòng tin của ta.
Nghe xong, một trong những tên nô lệ đánh thiếp với tất cả sức lực của hắn vào vai, vào cạnh sườn thiếp, chỉ một vài cú đánh thiếp đã ngất đi. Sau đó chồng thiếp cho thiếp đến một ngôi nhà vắng vẻ, cử một mụ già chăm sóc thiếp. Thiếp đã phải nằm liền bốn tháng trời. Cuối cùng thiếp khỏi nhưng mình
đầy sẹo. Khi đi lại được, thiếp về nhà người chồng đã quá cố của mình. Nhưng, than ôi! Nó không còn nữa. Chồng thiếp, trong cơn tức giận điên cuồng, đã cho phá sạch cả khu phố ấy.
Thất vọng, tay trắng, thiếp cầu cứu chị Zobeide, người vừa kể chuyện mình với hoàng thượng, thuật lại mọi chuyện cho chị nghe. Chị ấy cưu mang người em gái út của thiếp về nhà mình sau khi mẹ thiếp qua đời.
Như vậy, cảm ơn Thượng đế đã cho các thần thiếp sum họp cùng nhau, các thần thiếp muốn sống tự do và không bao giờ xa rời nhau.
Vua Harun al-Rashid rất hài lòng sau khi đã biết rõ những điều mình yêu cầu và xác nhận sự trân trọng của mình với những điều đã nghe được.
- Thưa phu nhân! - Ngài nói với Zobeide. - Nàng tiên trong lốt rắn ấy có hứa là sẽ gặp lại nàng để trả lại nguyên hình cho hai con chó ấy không?
- Muôn tâu Người dẫn dắt các tín đồ! - Nàng Zobeide trả lời. - Nàng tiên có giao cho thiếp một nạm tóc, bảo thiếp đốt lên khi muốn gặp nàng.
Nàng lấy trong thắt lưng ra một gói nhỏ và đưa cho nhà vua.
- Thế thì, - nhà vua nói, - nàng làm nàng tiên ấy xuất hiện đi.
Zobeide vâng lệnh, người ta mang lửa đến và nàng đốt cháy nạm tóc. Cùng lúc ấy, lâu đài rung lên và nàng tiên hiện ra trước mặt nhà vua dưới dạng một phu nhân xinh đẹp.
- Người dẫn dắt các tín đồ, - nàng tiên nói với nhà vua, - ta sẵn sàng làm theo những mệnh lệnh của ngài.
- Nàng tiên xinh đẹp, trước hết ta muốn nàng hoàn hình cho hai người chị của Zobeide và xóa đi những vết sẹo trên người Amine, sau đó nàng cho ta biết kẻ dã man nào đã ra lệnh đánh Amine, tước đoạt một cách vô lý mọi của cải của nàng.
- Sẽ như ý muốn của hoàng thượng! - Nàng tiên trả lời.
Nhà vua cho người mang hai con chó cái đen từ nhà Zobeide đến và khi chúng tới nơi, người ta mang đến một chén nước theo yêu cầu của nàng tiên. Nàng tiên đọc trên chén nước những câu gì không ai nghe rõ, rồi đổ nước vào vai Amine và vào đầu hai con chó. Ngay lập tức hai con chó biến thành hai phụ nữ rất xinh đẹp và những vết sẹo trên người Amine cũng bị xóa sạch.
Xong việc, nàng tiên tâu với nhà vua:
- Người dẫn dắt các tín đồ, người đàn ông mà ngài muốn biết đang ở rất gần ngài, đó là hoàng tử Al-Amin, con trai lớn của ngài, anh của hoàng tử Al-Maamun. Vì quá say mê người đàn bà ấy, chàng tìm cách đưa người ấy tới và làm phép cưới. Đó là tất cả những gì mà ta có thể thỏa mãn trí tò mò của ngài.
Nàng tiên chào nhà vua và biến mất. Nhà vua cho gọi con trai ra bảo mình đã biết đám cưới bí mật đó và quở trách thái độ của hoàng tử với vợ. Hoàng tử Al-Amin không mấy chú ý đến lời cha, chạy đến vui vẻ nắm lấy tay Amine.
Sau đó, nhà vua tuyên bố ngài trao trái tim mình cho Zobeide và đề nghị ba vị phu nhân kia kết hôn cùng ba nhà sư khất thực. Nhà vua tặng cho mỗi cặp vợ chồng một lâu đài trong thành Baghdad và nuôi dưỡng họ bằng quỹ của hoàng gia. Viên quan tòa thứ nhất của thành Baghdad tới lập giấy giá thú cho mọi người, và vua Harun al-Rashid phi thường, đã mang lại hạnh phúc cho nhiều người, tặng họ những ân sủng không thể tưởng tượng nổi và được rất nhiều người khen ngợi.