Khéo léo từ chối lời đề nghị tìm người đi cùng mình của Ngụy Hoa Tịnh, Vệ Tử một mình bay đến miền Tây, bởi vì Cát Minh Thăng làm lãnh đạo ở thành phố đó đã bố trí người đón đưa cô.
Ngồi trên máy bay, Vệ Tử nghĩ rất nhiều chuyện, có lẽ cô cũng đã hiểu rốt cuộc Ngụy Hoa Tịnh phải trả cái giá gì. Tiền bạc chỉ là một chuyện, nó khiến anh ấy mất tự do như thế này, không thể làm những việc theo ý thích của mình, còn đáng sợ hơn là bị mất chức vụ?
Vệ Tử có thể trả cho hắn tiền bạc, còn món nợ này, cô phải làm sao đây? Cái mà cô có thể làm cũng chỉ là không mắc nợ hắn thêm nữa mà thôi.
Gặp lại Cát Minh Thăng, Vệ Tử phát hiện thấy ông cũng có sự thay đổi rất lớn, gầy hơn, cũng đen hơn, song lại tràn đầy sinh lực hơn.
Sau khi làm các lễ nghi cơ bản, Vệ Tử vội vã hỏi thăm ông về tình hình của mẹ mình. Cát Minh Thăng mỉm cười tỏ ý cô cứ bình tĩnh, không nên hấp tấp vội vàng: “Dù thế nào sáng sớm mai mới có thể xuất phát được, đến chỗ đó không phải một chốc một lát là tới nơi”.
Chẳng phải trong cùng một vùng sao? Mà lúc này mới chỉ hơn mười hai giờ trưa, tại sao không kịp chứ?
Nhìn điệu bộ nghi ngờ của Vệ Tử, Cát Minh Thăng tươi cười song không để bụng, ông kiên nhẫn giải thích: “Vì toàn là đường núi, xe không chạy nhanh được, nếu chúng ta xuất phát lúc này thì khi trời tối vẫn chưa tới nơi, mặt đường lại nhỏ, chạy xe vào ban đêm không an toàn lắm”.
“Mẹ cháu quả thực là một người tài giỏi.” Khi dẫn Vệ Tử đi ăn cơm, Cát Minh Thăng khen ngợi không ngớt: “A Tử này, tôi rất cảm ơn hai mẹ con cháu, thật đấy, hai người đã có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi, mà sự ảnh hưởng này đủ để làm thay đổi lối sống của tôi trong mấy chục năm sau này”.
Lời này được nói ra từ miệng của Cát Minh Thăng, song Vệ Tử cảm thấy rất không hợp lý. Trước đây mặc dù cảm thấy ông không quá quan cách, song dù sao vẫn là lãnh đạo, ông đã nói không ít sáo ngữ, sự uy nghiêm cần có thì cũng đã có. Lần này giọng điệu của ông lại hoàn toàn ngang hàng, thậm chí trong cơn xúc động có cả sự kính trọng, cô làm sao đủ phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực để được khen ngợi như thế?
“Vùng này vì khô hạn ít mưa, mà hệ thống giao thông lại không phát triển, mặc dù thuộc miền Tây, song vẫn được tính là thuộc diện nghèo khó.” Giọng Cát Minh Thăng nặng trĩu: “Thị trấn nơi mẹ cháu hiện nay đang ở có tám mươi phần trăm là mù chữ, cả thị trấn không có nổi một bác sĩ được đào tạo chính quy. Mọi người nếu mắc bệnh thì hoặc là nhờ người khác mua cho chút thuốc, hoặc là cứ cố chịu đến khi tự nhiên khỏi, hoặc chờ chết”.
Vệ Tử trợn mắt nhìn Cát Minh Thăng, cứ ngẩn người không nói được gì, nghe ông kể tiếp chuyện về nơi đây, vì vậy cô không sao ăn nổi dù chỉ một miếng.
Cảm giác chấn động ấy càng mãnh liệt hơn vào ngày hôm sau khi cô và Cát Minh Thăng băng đèo vượt núi đi tìm mẹ.
Lái xe là người bản địa, mọi thứ đối với người này đều rất đỗi bình thường, Cát Minh Thăng cũng vì đã đến đây nhiều lần nên vô cùng bình tĩnh không thấy có gì ngạc nhiên. Còn đối với Vệ Tử, cả thể xác và tinh thần cô đang phải chịu sự chấn động quá lớn.
Đây là đường sá kiểu gì vậy! Dường như không có chỗ nào bằng phẳng cả, chỗ nào cũng gồ ghề lồi lõm, thỉnh thoảng lại gặp vài cái hố đến xe jeep cũng phải vòng tránh, chẳng mấy chốc, một chút bữa sáng mà Vệ Tử ăn sáng nay đều bị nôn ra hết.
Như thế đã là một chuyện, điều đáng sợ hơn là lúc đi đường núi, núi thì là núi hoang, đá thì trơ cứng, cho nên con đường được mở không rộng lắm, chỉ đủ cho một xe ô tô đi qua, khi gặp giao lộ thì một xe phải dừng lại sát bên đường để xe ngược chiều đi trước. Mỗi khi đến chỗ rẽ, ngoài việc ra sức bấm còi xem phía trước có xe đi đến không, những tay lái cừ khôi lái xe đường núi trong gần hai mươi năm cũng phải cẩn thận từng li từng tí kẻo có khi đầu xe nằm trên mặt đường, đuôi xe thì lại treo lơ lửng ở vách núi sâu hút, đúng là ác mộng đối với mỗi hành khách.
Đến đoạn đường cuối cùng, Vệ Tử cứ nhìn thẳng về phía trước như đang ngồi thiền, không nhìn ra ngoài cửa xe nữa, vì dù sao trong dạ dày cũng không có cái gì để nôn.
Cát Minh Thăng thấy sắc mặt Vệ Tử nhợt nhạt đã mấy lần đề xuất quay về, song đều bị Vệ Tử từ chối khéo - bất luận thế nào, hôm nay cô cũng phải gặp được mẹ!
Bảy giờ sáng xuất phát, đến lúc mặt trời lặn về phía tây họ mới đến được thị trấn nhỏ kia. Mang tiếng là một thị trấn, nhưng nơi đây chỉ có một con đường cái với mấy căn nhà thấp lè tè ven đường, lái xe nói đây là trung tâm hành chính và thương mại của thị trấn.
“Cái nhà to nhất kia là chính quyền thị trấn, hằng năm đều có thêm mấy người mới đến công tác, sau đó nhanh chóng được điều động đi nơi khác, chỉ có chủ tịch thị trấn là người bản địa, quanh năm sống ở đây”, lái xe giới thiệu với hai người.
“Cái nhà kia là cửa hàng tạp hóa, còn có một bưu điện, là nơi duy nhất toàn thị trấn có thể đến để gọi điện thoại, song dây điện thoại rất hay bị ăn cắp, cho nên mười lần gọi điện thì có tới tám lần không gọi được.” Lái xe hơi xấu hổ, anh ta thấy Vệ Tử - cô gái đến từ thành phố, có thể không hiểu chuyện ăn cắp dây điện thoại liền giải thích: “Lõi bên trong dây điện thoại làm bằng đồng, mà đồng ở đây là vật quý hiếm”.
Xe dừng lại ở phía trước một căn nhà đất thấp, đây hình như là nơi náo nhiệt nhất trong thị trấn, ở ngoài cửa có rất nhiều già trẻ gái trai đang xếp hàng.
Tim Vệ Tử đập thình thịch, quả nhiên nghe thấy lái xe nói: “Đây chính là phòng khám bệnh tạm thời do bác sĩ Hà mở ra, vì không lấy tiền nên hằng ngày mọi người tới khám bệnh đều xếp thành hàng dài, có người phải vượt qua mấy quả núi mới đến đây được”.
Không cần đợi lái xe, Vệ Tử tự mình mở cửa xe bước xuống, song chân vừa chạm tới mặt đất thì loạng choạng té ngã, Cát Minh Thăng vội vàng xuống bằng cửa xe khác tới đỡ Vệ Tử dậy. Có lẽ do lâu không ăn gì nên Vệ Tử hơi bị choáng.
Thế nhưng, so với niềm vui sắp được gặp mẹ, cảm giác khó chịu ở trong người hoàn toàn chẳng đáng nói đến. Vệ Tử đứng dậy phủi bùn đất bám ở trên người, cô đi vào phòng khám trước ánh mắt tò mò của mọi người xung quanh nhìn vị khách xa lạ.
Phòng khám vô cùng thô sơ, chỉ có một cái giường, một bộ bàn ghế, và một cái giá bằng gỗ, bên trên để một ít thuốc, tất cả các vật dụng này đều không được quét sơn, toàn là màu gỗ gốc, vì đã quá lâu rồi nên biến thành màu xám đen.
Ở bên cạnh bàn chính là mẹ của Vệ Tử - bà Hà Linh Tố đang đeo ống nghe khám bệnh cho một cụ bà, còn có một cô gái trẻ hình như là người bản địa, đang đứng ở bên cạnh để giúp việc, đại khái là làm nhiệm vụ của một y tá.
Hà Linh Tố mặc một chiếc áo bờ lu đã ngả vàng, tóc búi cao ở phía sau, có thể lờ mờ nhìn thấy những sợi tóc trắng ở trên đó, không có lớp tóc mái che phủ, vì thế phần trán có vẻ rộng hơn bình thường một chút, hai má hơi hóp lại, trông bà càng có gầy hơn.
Khám bệnh xong, Hà Linh Tố nghiêng mặt để lấy ống nghe ra, đúng lúc đó nhìn thấy Vệ Tử đứng ngoài cửa, vì khuất bóng nên bà nhìn không rõ lắm, đang nheo mắt để nhìn lại cho rõ thì nghe thấy tiếng gọi “Mẹ”, Hà Linh Tố giật mình làm rơi cả ống nghe ở trong tay.
“A, A Tử! Con về khi nào thế? Làm sao đến đây được!” Vì quá xúc động, giọng nói của Hà Linh Tố hơi run rẩy.
Vệ Tử lau nước mắt lăn trên má, cố gắng kìm nén không bật khóc thành tiếng, nghiêng người nhường đường cho Cát Minh Thăng ở phía sau, song Cát Minh Thăng chỉ đứng ở ngoài cửa vẫy vẫy tay, dường như muốn dành không gian cho hai mẹ con lâu ngày mới gặp lại.
“Thưa bà con, tôi thật sự xin lỗi, con gái tôi đến chơi, việc khám bệnh hôm nay có lẽ phải dừng lại một lúc, nếu không sốt ruột mời mọi người ngồi xuống chờ tôi một chút. Tiểu Hồng, hãy giúp tôi chăm sóc mọi người được không?” Hà Linh Tố vừa cởi áo bờ lu ra, vừa nhanh chóng vội vàng giao cho người trợ lý Tiểu Hồng, bảo cô gái đó trước hết xử lý ban đầu cho mấy người mắc bệnh nặng.
Nhìn thấy mọi người trong hàng bắt đầu chụm đầu ghé tai bàn luận gì đó, Hà Linh Tố áy náy nói: “Tôi biết việc mọi người tranh thủ thời gian đến đây không hề dễ dàng gì, mọi người yên tâm, tôi sẽ làm thêm giờ để thăm khám cho toàn bộ bệnh nhân hôm nay”.
Lúc này một người trung niên ở trong hàng nói giọng đặc sệt tiếng địa phương: “Bác sĩ Hà cứ yên tâm, không phải lo lắng, chúng tôi đợi được!”.
Mọi người lên tiếng nói theo, tỏ ý đã hiểu, có một phụ nữ mau mồm mau miệng liền lên tiếng hỏi: “Bác sĩ Hà, đây là con gái của chị ư, sao mà giống tiên nữ thế!”.
Lại có người ngoảnh đầu nói: “Người kia hình như là bí thư Cát của thị trấn, ông ấy từng đến thăm bác sĩ Hà, tôi còn nhớ ông ấy!”.
Hà Linh Tố gật đầu với mọi người, kéo Vệ Tử ra ngoài, dưới ánh nắng mặt trời, nâng mặt Vệ Tử lên quan sát kỹ càng: “Cũng được, cũng được, không gầy nhiều lắm, song sắc mặt không được tốt, có phải không thích ứng với cuộc sống bên ngoài?”.
Mắt Vệ Tử rớm nước, cười lắc đầu nói: “Mẹ, mẹ già đi nhiều quá!”. Khi con người ta gầy đi, nếp nhăn trên mặt sẽ nhiều thêm và sắc mặt sẽ trở nên khô vàng giống như bị thiếu nước, lúc đó dấu ấn tuổi tác sẽ hiện ra rất rõ.
Hà Linh Tố cười: “Con bé ngốc nghếch này, vẫn chưa biết nói chuyện gì cả!”. Thứ duy nhất của bà không thay đổi, đó chính là ánh mắt mang đầy sức sống, lúc này trông lại càng sáng.
Cát Minh Thăng sau khi tiến đến chào hỏi, nói rằng phải đến gặp chính quyền thôn một lát, liền cùng tài xế rời đi.
Bên ngoài rất lạnh, Hà Linh Tố dẫn Vệ Tử đến chỗ ở của mình, đó là một gian phòng nhỏ ở phía sau phòng khám, bên trong chỉ có một chiếc giường và vài vật dụng sinh hoạt đơn giản.
“Ngồi xe cả ngày rồi, con ở đây nghỉ ngơi một lát, ăn cái gì đi, mẹ khám cho số bệnh nhân còn lại xong sẽ vào với con.” Hà Linh Tố tìm mãi ở trong phòng cũng không thấy được cái gì thích hợp để ăn.
“Mẹ, mẹ cứ đi làm việc của mình đi, con đun lại chỗ mỳ sợi này ăn là được rồi.” Trong lúc mẹ cô lật tìm khắp mọi nơi, cô đã nhìn thấy ở trong xoong vẫn còn mỳ, liền lập tức đề xuất.
Hà Linh Tố dừng lại một lúc, rồi ngẩng đầu lên nhìn cô con gái, trong mắt bà long lanh nước, hít thật sâu một hơi, bà nói: “Tùy con vậy, mẹ đi khám cho bệnh nhân đây”.
Vệ Tử mở nắp bếp lò, hâm lại nồi mỳ để ăn, thấy món mỳ sợi này quả thật chỉ là mỳ sợi, ngoài muối ra không thêm gia vị nào cả, đến một ít váng mỡ cũng không thấy.
Vệ Tử vừa ăn mỳ, vừa thấy sống mũi cay cay, mô hôi toát ra đầy người. Dù sao cũng không ngủ được, cô đi rửa xoong nồi bát đũa, rồi quét dọn phòng, nhìn thấy quần áo mẹ ngâm trong chậu đặt dưới giường, cô liền bê đi giặt rồi đem phơi ở dây phơi ngoài cổng.
Sau khi làm xong mọi việc, Vệ Tử nằm trên giường lại ngẩn người ra hồi lâu, đợi trời tối hẳn cô mới thấy Hà Linh Tố và Cát Minh Thăng cùng đi vào.
“Con bé ngốc nghếch này, trời tối rồi cũng không biết châm đèn lên.” Được Cát Minh Thăng soi đèn pin giúp, Hà Linh Tố mò được bao diêm ở góc phòng, bà châm đèn dầu lên.
“Gian phòng này được xây dựng tạm thời sau đó, không kéo đường dây điện.” Thấy Vệ Tử ngẩn người nhìn ngọn lửa lập lòe, Hà Linh Tố lên tiếng giải thích, bà nói tiếp: “Đi thôi, chúng ta đi ăn cơm đã, chính quyền thôn mở tiệc chiêu đãi bí thư Cát, chúng ta đi ăn ké nào”.
Đến khi ăn cơm, Vệ Tử mới hiểu vừa nãy tại sao khi nói mẹ cô lại đùa như vậy. Cái gọi là “tiệc chiêu đãi” này gồm bốn món thức ăn và một món canh, một giỏ bánh bao không nhân - những món này do trưởng thôn đích thân xuống bếp làm, Hà Linh Tố còn ở bên cạnh hỗ trợ.
Đương nhiên bữa ăn này còn hơn món mỳ sợi nấu với nước lã trưa nay, tiệc chiêu đãi này không đến nỗi quá tệ.
Ăn tối xong, Cát Minh Thăng và lái xe ngủ lại ở chỗ chính quyền thôn, Vệ Tử cùng Hà Linh Tố quay về gian phòng nhỏ nơi bà ở.
Đêm khuya thanh vắng, Vệ Tử cầm cốc nước nóng ngồi trên giường nghe mẹ kể lại những chuyện đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Hồi đó Cát Minh Thăng bị điều đến làm lãnh đạo ở khu vực miền Tây này, bà nghe nói nơi đây rất thiếu bác sĩ và y tá, nghĩ mình dù sao cũng không có việc gì, cũng cần phải tránh việc có thể chủ nhiệm Mã sẽ báo thù, nên bà đến nơi đây.
Sau khi đến nơi, Hà Linh Tố đã bị “sốc”, giống như Cát Minh Thăng miêu tả, trước bệnh tật, con người nơi đây dường như đành chịu bó tay, bác sĩ thiếu, y tá thiếu, thuốc men thiếu, chỉ có bệnh nhân là không thiếu. Chính phủ hằng năm đều tổ chức một lượng lớn các bác sĩ y tá làm tình nguyện viên đến công tác ở nơi đây, nhưng vẫn không đủ, hơn nữa những tình nguyện viên này hình như cũng đều lưu lại ở các thị trấn có số bác sĩ và y tá khá đông đúc.
Tình hình thực tế là, người nông dân sống ở vùng sâu vùng xa này cả đời có lẽ cũng không có cách nào vào thành phố được, họ không biết, cũng không có tiền đến thành phố khám bệnh.
Hà Linh Tố đột nhiên cảm thấy, bản thân bà sử dụng những kiến thức học được trong nửa cuộc đời chữa trị một số bệnh lặt vặt như đau đầu sổ mũi cho những người có tiền thì chẳng có ý nghĩa gì, nơi đây có rất nhiều bệnh nhân sau khi được bà khám chữa bệnh sơ qua cũng có thể giữ được tính mạng.
Dùng số tiền dành dụm được để mua thuốc men, Hà Linh Tố bắt đầu trèo đèo lội suối đến các thôn làng khám chữa bệnh miễn phí, Đông y Tây y bà đều dùng đến, bác sĩ y tá đều do một mình bà đảm nhiệm.
Ban đầu, người dân chưa bao giờ đi ra ngoài thôn làng không tin tưởng người phụ nữ nhỏ bé này, đợi đến khi bà chữa khỏi bệnh cho mấy người bệnh ốm thập tử nhất sinh, mọi người mới nhốn nháo xôn xao.
Được Cát Minh Thăng giúp đỡ, bà đến khám chữa bệnh tại một thị trấn nhỏ mà hệ thống giao thông kém phát triển nhất, người dân trong thị trấn giúp bà làm một căn nhà nhỏ có hai gian, phòng khám chữa bệnh được mở luôn tại đây, từ đó người dân đến khám chữa bệnh đông như trẩy hội.
“Thông qua bí thư Cát mẹ mới biết được chuyện xảy ra ở Bắc Kinh, đang nghĩ không biết khi nào con có thể về nước, nào ngờ con lại tới tận đây với mẹ!” Thấy con gái chín chắn trưởng thành hơn nhiều, trong mắt Hà Linh Tố hiện rõ sự vui mừng, yên tâm.
“Thế mẹ dự định sau này làm gì?” Vệ Tử nghĩ đến những người bệnh ban ngày xếp hàng đứng đợi ở ngoài cửa phòng khám của mẹ cô.
Hà Linh Tố cúi đầu suy nghĩ một lát, rồi ngẩng lên nhìn con gái nói: “Mẹ không định cùng con quay trở về Bắc Kinh, sau này con phải tự chăm sóc mình nhé”.
Vệ Tử kêu lên: “Mẹ!”.
“Ở vùng này còn không ít thị trấn như thế này, còn có rất nhiều người mắc bệnh song không có tiền để khám chữa.” Hà Linh Tố đưa tay ra vuốt tóc Vệ Tử, trong mắt đầy ắp yêu thương và cả vẻ lưu luyến: “Con lớn rồi, hoàn toàn có thể tự chăm sóc cho bản thân, còn mọi người cần mẹ, từ trước đến giờ mẹ chưa bao giờ cảm thấy mình lại quan trọng với mọi người như thế”.
Vệ Tử nhìn chằm chằm vào mẹ, mãi một lúc lâu sau mới mở miệng nói: “Vậy thì con sẽ ở lại đây với mẹ”.