Lily1, con gái người gác cổng, đúng là đang vắt chân lên cổ. Cô mới vừa dẫn một quý ông vào phòng xép đằng sau phòng làm việc dưới tầng một và giúp quý ông cởi áo khoác, thì chuông ngoài sảnh đã lại rè rè vang lên và cô lại phải vội vàng chạy qua hành lang đón vị khách tiếp theo. May mà cô không phải đứng đón cả các quý bà. Miss Kate và Miss Julia đang ở đó, cười nói tíu tít, chốc chốc lại líu ríu thay nhau đi ra phía đầu cầu thang, dòm xuống lan can hỏi vọng xuống Lily xem ai vừa đến.
1 Lily: Tên Lily trong tiếng Anh còn là hoa huệ tây, hoa loa kèn, loài hoa thường gắn với sứ thần Gabriel trong Lễ Truyền Tin báo cho Trinh nữ Maria biết bà đã được Thiên Chúa chọn để sinh Chúa Jesus. Công giáo cũng coi hoa huệ tây là hiện thân cho sự tinh khiết trong trắng của Đức mẹ Maria.
Dạ hội hằng năm của nhà Morkan luôn là một dịp trọng đại. Ai biết họ đều đến dự cả, họ hàng người thân, bạn cũ gia đình, thành viên đoàn thánh ca của Julia, bất cứ học trò nào đủ tuổi trưởng thành của Kate, và thậm chí còn có cả mấy học trò của Mary Jane. Chưa một lần nào dạ hội thất bại. Trong ký ức của mọi người bao nhiêu năm nay nó đã luôn diễn ra một cách tuyệt hảo: từ hồi Kate và Julia, sau cái chết của người anh trai Pat, rời bỏ ngôi nhà ở Stoney Batter2 và đưa Mary Jane, cô cháu gái duy nhất của họ, đến sống trong ngôi nhà tối tăm ảm đạm trên ke Usher’s Island3, nơi họ thuê lại tầng hai từ Mr Fulham, một thương gia buôn ngũ cốc giờ sống ở tầng dưới. Mới thế mà đã ba mươi năm.
2 Stoney Batter: Phố chính có nhiều cửa hàng nhỏ, khu nhà ở và một số nhà trung lưu, phía tây bắc thành phố (Gifford).
3 Usher’s Island: Tên con đường ke bờ nam sông Liffey, phía trung tâm phía tây thành phố.
Mary Jane, hồi đó còn là cô bé con mặc quần cộc, giờ đã một tay cai quản gia đình, bởi cô phụ trách đàn organ nhà thờ trên đường Haddington4. Cô đã học qua Nhạc viện và mỗi năm lại đều đặn tổ chức một buổi hòa nhạc học sinh trong khán phòng nhà hát Antient Concert Rooms. Rất nhiều học trò của cô là con cái những gia đình có máu mặt sống phía Kingstown và Dalkey5. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng các dì của cô vẫn tham gia vào nhiều việc. Julia, dù tóc đã khá bạc, vẫn là giọng nữ cao chính của Nhà thờ Adam và Eva6, và Kate, không còn đủ sức khỏe để ra ngoài thường xuyên, thì dạy nhạc cho người mới học bằng cây đàn piano vuông cũ kỹ trong phòng khách phía sau. Lily, con gái người gác cổng, làm các việc nội trợ cho họ.
4 Nhà thờ Công giáo Saint Mary trên đường Haddington, khu giàu có phía nam sông Liffey.
5 Kingstown và Dalkey: Vào đầu thế kỷ XX đây là khu nhà ngoại ô giàu có và là khu nghỉ sành điệu trên bờ vịnh Dublin, cách Dublin khoảng 10 km.
6 Nhà thờ Adam và Eva: Tên thường gọi của Nhà thờ Franciscan Friary trên ke Merchant, gần Usher’s Island.
Mặc dù cuộc sống của họ rất bình dị, họ luôn tin vào giá trị của việc ăn ngon; luôn luôn là những thứ tốt nhất: thịt thăn bò hảo hạng, trà giá ba shilling7 và bia stout đóng chai loại ngon nhất. Lily hiếm khi chọn mua nhầm thức ăn, vậy nên cô sống hòa hợp với ba bà chủ của mình. Họ chỉ hơi nhặng xị kiểu cách một chút, nhưng chỉ thế thôi. Điều duy nhất họ không thể chịu được là sai bảo mà lại bị cãi lại.
7 Ba shilling: Ba mươi sáu xu, giá gấp bốn lần giá các loại trà thông thường hồi đó (Gifford).
Tất nhiên, họ hoàn toàn có lý do để nhặng xị kiểu cách trong một đêm như thế này. Rồi còn chuyện đã quá mười giờ lâu lắm rồi mà vẫn chưa thấy tăm hơi Gabriel8 và vợ đâu. Lại thêm chuyện họ đang lo phát sốt nhỡ đâu Freddy Malins lại đến đây trong bộ dạng say mèm. Có các vàng họ cũng không thể để một học trò nào của Mary Jane nhìn thấy anh ta bị ma men dẫn đường như thế; đôi khi rất khó quản lý anh ta trong tình trạng say sưa như vậy. Freddy Malins thì luôn đến muộn rồi, nhưng họ đang băn khoăn không hiểu cái gì có thể cản chân Gabriel và đó chính là điều khiến cứ hai phút một họ lại chạy ra lan can để hỏi Lily xem Gabriel hoặc Freddy đã đến chưa.
8 Gabriel: Gabriel trong tiếng Hebrew có nghĩa “Người của Chúa”, là tên của sứ thần Gabriel trong sách Phúc âm.
- Ôi, ngài Conroy, - Lily kêu lên khi cô mở cửa cho Gabriel. - Dì Kate và dì Julia đã tưởng là chẳng bao giờ ngài đến được mất. Xin chào, bà Conroy.
- Tôi cũng đoán thế, - Gabriel nói, - nhưng họ quên rằng người vợ của tôi đây phải mất ba tiếng đồng hồ sống chết mới chuẩn bị được xong váy áo ư.
Anh đứng trên tấm thảm, giũ cho tuyết rơi khỏi ủng cao su9, trong lúc Lily đưa vợ anh đến chân cầu thang và gọi vọng lên:
10 Ủng cao su: Loại ủng đi bên ngoài giày trong thời tiết mưa, tuyết, rất hợp mốt vào cuối thế kỷ XIX.
- Thưa dì Kate, bà Conroy đến rồi đây ạ.
Kate và Julia lập tức lật đật đi xuống cầu thang tối mò. Hai bà rối rít hôn vợ Gabriel, nói chắc hẳn cô đang lạnh cóng, và hỏi Gabriel đâu.
- Cháu đây, đúng hẹn như nhà dây thép, dì Kate! Mọi người cứ lên trước đi. Cháu sẽ đi sau, - tiếng Gabriel vọng lên từ khoảng tối phía dưới.
Anh tiếp tục giậm chân giũ tuyết trong khi ba người phụ nữ lên gác, cười nói, đi vào phòng để đồ của các quý bà. Một viền tuyết phủ trên bờ vai áo choàng và trên mũi ủng của anh; và, khi những chiếc khuy áo trượt ra cùng tiếng rin rít từ làn vải len cứng đơ vì tuyết bám, một làn không khí lạnh cóng phả ra từ những đường xẻ và ly áo.
- Tuyết lại rơi ạ, thưa ngài Conroy? - Lily hỏi.
Cô vẫn đi trước dẫn đường vào phòng xép để giúp anh treo áo khoác. Gabriel mỉm cười trước cái cách cô nhấn tên họ anh thành ba âm tiết11và liếc nhìn cô. Cô là một cô gái mảnh dẻ, cơ thể đang lớn, da nhợt nhạt, tóc vàng. Làn khí sưởi tỏa ra trong căn phòng xép càng làm cô trông nhợt nhạt hơn. Gabriel biết cô từ khi cô còn là một cô nhóc hay ngồi nơi bậc thềm, ôm ấp con búp bê nhồi vải vụn.
11 Lily nói với giọng của người ít học, cô phát âm tên Conroy thành Con-er-roy.
- Phải, Lily ạ, - anh trả lời, - và tôi nghĩ tuyết còn tiếp tục rơi hết đêm nữa.
Anh ngước nhìn lên trần nhà, nó đang rung nhẹ dưới những bước giậm đổi chân theo nhịp nhảy trên lầu, lắng nghe tiếng đàn piano một lúc và rồi nhìn sang cô gái, cô đang cẩn thận gấp áo khoác của anh để vào dưới giá.
- Nói cho tôi biết nào, Lily, - anh nói, giọng thân mật. - cô còn đi học không?
- Ôi không, thưa ông, - cô trả lời. - Tôi học xong đã hơn năm nay rồi.
- Ồ, thế thì, - Gabriel nói một cách vui sướng, - chắc chẳng mấy chốc chúng ta sẽ được dự đám cưới của cô với một anh chàng trẻ tuổi, phải không?
Cô gái liếc lại anh qua vai và nói với một giọng cực kỳ chua cay:
- Đàn ông bây giờ chỉ toàn lũ tán tỉnh vớ vẩn để lợi dụng thôi.
Gabriel đỏ mặt, cảm thấy như anh vừa phạm phải sai lầm và, không nhìn cô, đẩy tuột ủng cao su ra khỏi chân rồi lấy bao tay chăm chú phủi đôi giày da bóng của mình.
Anh là một người đàn ông trẻ đậm người, khá cao. Sắc hồng hào trên má anh lan lên tận trán, ở đó nó nhạt dần đi thành những khoảng đỏ nhạt; và trên khuôn mặt nhẵn nhụi của anh lóe lên đôi mắt kính bóng loáng trong cái gọng lấp lánh, ẩn đằng sau là đôi mắt thanh tú và tinh anh. Mái tóc đen bóng mượt được rẽ ngôi giữa và chải dài uốn phía sau tai, hơi lượn theo nếp mũ.
Khi đã làm cho đôi giày bóng lộn, anh đứng dậy chỉnh áo gi lê sát hơn vào thân hình mập mạp của mình. Rồi anh rút nhanh một đồng xu khỏi túi.
- Lily à, - anh nói, giúi nó vào tay cô. - Giáng sinh đến rồi, đúng không nào? Chỉ là... đây là một chút...
Anh bước vội về phía cửa.
- Ôi không, thưa ông! - cô gái kêu lên, đi theo anh. - Thật sự, thưa ông, tôi không thể nhận nó.
- Giáng sinh! Giáng sinh mà! - Gabriel nói, gần như chạy về phía cầu thang, khoát khoát tay nài cô.
Cô gái, thấy anh đã bước lên mấy bậc cầu thang, bèn gọi với theo:
- Vâng, cảm ơn ông vậy, thưa ông.
Anh đợi bên ngoài cửa phòng khiêu vũ cho đến khi điệu valse kết thúc, lắng nghe tiếng váy áo sột soạt chạm sau cánh cửa và tiếng chân đổi nhịp. Anh vẫn còn bối rối bởi lời bẻ lại chua cay của cô gái. Nó phủ một bóng đen lên tâm trí anh và anh phải cố gắng xua đuổi nó bằng cách sửa lại ống tay áo và cái nơ trên cổ. Rồi anh lấy từ túi áo gi lê một mảnh giấy và nhìn qua những ý chính chuẩn bị cho bài diễn văn. Anh không chắc lắm có nên để lại phần thơ của Robert Browning12 không, bởi anh sợ chúng vượt quá trình độ người nghe. Trích câu nào đó từ Shakepeare hay từ tập Những giai điệu13 mà họ có thể nhận ra được thì có lẽ tốt hơn.
12 Robert Browning (1812-1889), nhà thơ người Anh. Thơ của ông với nhiều sáng tạo trong phong cách, thời đó được coi là quá tân tiến và khó hiểu.
13 Những giai điệu Ireland, tên tập thơ của Thomas Moore. (Xem chú thích 1, trang 58).
Tiếng gót giày lộp cộp thô kệch và tiếng đế giày lê loẹt xoẹt từ trong vọng ra nhắc anh nhớ lại vốn văn hóa của họ khác với của anh. Anh chỉ tổ biến mình thành lố bịch nếu trích những vần thơ mà họ không thể hiểu. Họ sẽ nghĩ anh đang khoe khoang học vấn cao của mình. Anh sẽ thất bại với họ giống như vừa thất bại với cô gái trong phòng để đồ kia. Anh đã lựa chọn một tông sai lầm. Toàn bộ bài nói của anh sẽ là một sai lầm, từ câu đầu tiên cho đến câu cuối cùng, một thất bại hoàn toàn.
Vừa lúc đó các dì và vợ anh bước ra từ phòng để đồ của quý bà. Các dì của anh là hai bà già bé nhỏ, ăn vận giản dị. Dì Julia cao hơn khoảng hai, ba phân gì đó. Tóc dì, để trễ phủ trên vành tai, đã chuyển sang màu xám; và cũng một màu xám, với sắc đậm hơn một chút, là khuôn mặt to bè, nhão nhợt của dì. Mặc dù có dáng người cao lớn và đứng rất thẳng, đôi mắt lờ đờ và đôi môi mở trễ của dì tạo ấn tượng một phụ nữ không biết mình đang ở đâu hoặc không biết mình đang đi đâu. Dì Kate thì lanh lợi hơn. Mặt dì, khỏe mạnh hơn mặt bà chị, nhưng cũng nhăn nhúm nhàu nhĩ, như một quả táo đỏ quắt queo, và tóc dì, cũng được tết theo kiểu trễ lỗi mốt đó, may chưa bị mất đi màu nâu sẫm.
Cả hai đều hôn Gabriel nồng nhiệt. Anh là đứa cháu cưng của họ, con trai của người chị đã quá cố của họ, Ellen, người lấy T. J. Conroy ở Sở Cầu Cảng.
- Gretta bảo dì đêm nay hai đứa sẽ chưa gọi xe về Monkstown14 ngay, đúng không Gabriel? - dì Kate nói.
14 Monkstown: Làng ngoại ô đẹp và giàu có cách Dublin khoảng năm dặm (9 km) về phía đông nam, trên bờ vịnh Dublin.
- Vâng, - Gabriel nói, quay sang vợ. - Năm ngoái mình đã chịu quá đủ, phải không? Dì không nhớ sao, dì Kate, Gretta đã bị một trận cảm? Cửa xe ngựa thì rung bần bật suốt dọc đường, và khi chúng cháu đến Merrion thì gió mùa đông bắc bắt đầu nổi lên. Quả là một lần ra trò. Gretta đã bị cảm gần chết.
Dì Kate nhíu mày nghiêm trang và gật gật đầu khi nghe từng từ.
- Thế thì lần này cháu quyết định đúng đấy, Gabriel, rất đúng, - dì nói. - Cẩn thận thế là hơn.
- Nhưng Gretta ấy à, - Gabriel nói. - Nếu để cô ấy tự quyết thì dù có tuyết đi nữa cô ấy cũng vẫn sẵn lòng đi bộ về thôi.
Mrs Conroy cười phá lên.
- Đừng có nghe anh ấy, dì Kate, - cô nói. - Anh ấy thì chỉ giỏi đi phá phách trêu ghẹo người khác, có lần anh ấy đổi chụp đèn trong phòng Tom sang màu xanh lá cây khiến nó mất ngủ cả đêm, rồi lại còn bắt nó tập tạ nữa. Rồi thì ép Eva phải ăn cháo yến mạch bằng được. Khổ thân con bé! Nó chỉ cần nhìn thấy món đấy là đã tá hỏa rồi! Và trời ạ, các dì sẽ không thể tưởng tượng được anh ấy toàn bắt cháu mặc những thứ gì đâu!
Cô cười giòn giã và quay sang chồng mình, từ nãy đến giờ anh vẫn ngắm nhìn đầy ngưỡng mộ và hạnh phúc bộ váy của cô, gương mặt, mái tóc của cô. Hai bà dì cũng cười sung sướng, bởi chuyện cô lập Gabriel thế này thật là một trò vui nhộn.
- Ủng cao su! - Mrs Conroy nói. - Đấy là thứ gần đây nhất. Mỗi khi trời đất ẩm ướt là cháu lại phải đi ủng cao su. Ngay cả tối nay cũng thế, anh ấy bắt cháu phải đi, nhưng cháu không chịu. Chắc chắn thứ tiếp theo anh ấy mua cho cháu sẽ là một bộ đồ lặn!
Gabriel cười ngượng nghịu và vuốt vuốt cái nơ trên cổ, trong khi dì Kate thì cười nhiều đến nỗi gần đứt hơi, dì thích chuyện đùa này quá. Nụ cười nhanh chóng biến mất trên khuôn mặt dì Julia và đôi mắt buồn rầu của bà hướng về phía thằng cháu. Ngập ngừng một lúc bà hỏi:
- Thế ủng cao su là cái gì, hở Gabriel?
- Ủng cao su ấy, chị Julia! - bà em kêu lên. - Lạy Chúa tôi, chẳng nhẽ chị không biết ủng cao su là gì ư? Người ta đi chúng bên ngoài... bên ngoài giày, có phải không, Gretta?
- Dạ phải, - Mrs Conroy nói. - Kiểu giày làm bằng nhựa két ấy dì. Cả hai vợ chồng cháu giờ mỗi người đều có một đôi. Anh Gabriel nói giờ ở Lục địa ai cũng đi kiểu này hết.
- À, ở Lục địa, - dì Julia lẩm bẩm, chậm rãi gật đầu.
Gabriel nhíu mày lại và nói, như thể anh đang thấy khá bực mình:
- Thật ra cũng chẳng có gì to tát lắm, nhưng Gretta thì nghĩ chúng buồn cười vì cô ấy nói tên chúng gợi nhớ về Christy Minstrels15.
15 Christy Minstrels: Tên đoàn hát rất nổi tiếng của Mỹ nửa đầu thế kỷ XIX của Edwin Pearce Christy (1815-1862), đưa ra các buổi diễn trong đó diễn viên da trắng bôi mặt hóa trang thành người da đen. Vào đầu thế kỷ XX bất cứ một buổi diễn nào có sự xuất hiện của diễn viên hóa trang mặt đen đều được gọi là một buổi Christy Minstrels (Gifford, Brown).
- Nhưng nói cho dì hay, Gabriel, dì Kate khéo léo chuyển chủ đề. Chắc chắn bọn cháu sẽ thuê khách sạn ở lại chứ. Gretta vừa mới nói...
- À vâng, chuyện khách sạn xong hết rồi, Gabriel đáp. Cháu đã lấy một phòng ở Gresham16.
16 Gresham: Khách sạn hạng sang trên phố Sackville (giờ là O’Connell), khu trung tâm bờ bắc Dublin.
- Chắc chắn rồi, - dì Kate nói, - làm thế là hợp lý nhất đấy. Còn lũ trẻ thì sao, không có gì phải lo lắng chứ, hở Gretta?
- Ôi, có một đêm thôi mà dì, - Mrs Conroy nói. - Vả lại có Bessie trông chúng mà.
- Chắc chắn rồi, - dì Kate nhắc lại. - Có được một cô giúp việc như thế đúng là tốt quá, một cô tin tưởng được! Còn Lily nhà này ấy à, dì chắc dạo này nó có chuyện gì ấy. Nó chẳng giống trước gì cả.
Gabriel vừa định hỏi dì anh mấy câu về chuyện này, thì bà đột nhiên quay ngoắt nhìn theo bà chị, bà này đã đi xuống cầu thang và đang nghển cổ qua lan can.
- Nào, nhưng mà xem kìa, - bà nói với một giọng gần như gắt gỏng. - Julia đang đi đâu thế kia? Julia! Julia! Chị đi đâu đấy?
Julia, đã đi xuống hết một nửa cầu thang, giờ đang quay trở lại và nhẹ nhàng thông báo:
- Freddy đến đấy.
Đúng lúc đó vọng lại một tràng vỗ tay và tiếng piano lên cao những nốt cuối cùng báo hiệu điệu valse kết thúc. Cánh cửa phòng khách mở rộng và một vài cặp khiêu vũ đi ra. Dì Kate vội kéo Gabriel sang một bên và thầm thì vào tai anh:
- Xuống đấy hộ dì, Gabriel, cứ đón cậu ta như bình thường xem cậu ta có ổn không, nhưng đừng để cậu ta lên nếu cậu ta đang say xỉn. Dì chắc thể nào hắn chả đang bí tỉ. Chắc chắn là thế.
Gabriel đi ra chỗ cầu thang và lắng tai nghe qua hàng lan can. Có hai người đang nói chuyện với nhau trong phòng giữ đồ. Rồi anh nhận ra tiếng cười của Freddy Malins. Anh bèn đi xuống, lần này cố tình phát ra tiếng động.
- Quả thật là nhẹ cả người, - dì Kate nói với Mrs Conroy, - may quá có Gabriel ở đây. Dì luôn cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi có nó... Chị Julia, chị mời Miss Daly và Miss Power nghỉ giải lao ăn uống chút gì đó nhé. Cảm ơn cô, Miss Daly, cô đàn bản valse hay quá. Bản nhạc làm buổi tối nay thật tuyệt.
Một người đàn ông dong dỏng, gương mặt đầy nếp nhăn, hàng ria màu xám và làn da ngăm ngăm, đang đi ngang qua với bạn nhảy, bèn nói:
- Liệu chúng tôi cũng được nghỉ giải lao ăn uống chứ, Miss Morkan?
- Chị Julia, - dì Kate nói ngắn gọn, - cả Mr Browne và Miss Furlong đây nữa. Đưa họ vào cùng Miss Daly và Miss Power nhé.
- Tôi được sinh ra để dành cho các quý bà, - Mr Browne nói, mím môi lại đến khi hàng ria của ông ta dựng đứng và mỉm cười làm nhăn nheo hết khuôn mặt. - Bà biết đấy, Miss Morkan, lý do khiến họ mê tôi nhường ấy là...
Ông ta không nói hết câu, vì thấy dì Kate không nghe nữa, liền lập tức dẫn ba quý cô vào phòng khách phía sau. Chính giữa căn phòng là hai chiếc bàn hình vuông kê sát nhau, và dì Julia cùng người gác cổng đang vuốt thẳng tấm khăn bàn phủ bên trên. Trên cái bàn hẹp kê sát tường là những chồng đĩa, ly cốc và những bó dao dĩa thìa ngay ngắn. Chiếc piano sau khi đóng nắp lại cũng được biến thành mặt bàn để đồ ăn và bánh trái. Phía chiếc bàn nhỏ kê trong góc, hai người đàn ông trẻ đang đứng uống hopbitter17.
17 Hopbitter: Tên một loại bia màu vàng, vị ngọt.
Mr Browne dẫn bầu đoàn của ông ta tiến về hướng đó và mời tất cả bọn họ, với một giọng nhả nhớt, hãy uống chút rượu punch của quý bà, thật nóng, thật mạnh và thật ngọt nhé. Khi họ nói họ không bao giờ uống rượu mạnh ông ta bèn mở ba chai nước chanh cho họ. Rồi ông ta bảo một trong hai người đàn ông trẻ kia dịch ra một chút, và, nâng bình lên, tự rót cho mình một ly whisky kha khá. Hai chàng trai nhìn ông ta một cách ngưỡng mộ trong khi ông ta nhấp một ngụm.
- Chúa lòng lành, - ông ta nói, mỉm cười. - Đây là đơn thuốc của bác sĩ đấy.
Khuôn mặt nhăn nhúm của ông ta nứt ra một nụ cười, và ba quý cô khúc khích trước câu đùa, đung đưa người, vai thỉnh thoảng lại rung rung hồi hộp. Người can đảm nhất nói:
- Ôi không, ngài Browne, tôi chắc bác sĩ không đời nào lại kê một đơn thuốc như vậy đâu.
Mr Browne nhấp một ngụm whisky nữa và lấy giọng dí dỏm:
- Ấy chớ, các cô thấy đấy, tôi là tôi giống Mrs Cassidy một thời lừng lẫy, người từng được đồn đại là đã nói thế này: Thôi nào, Mary Grimes, nếu đơn thuốc của tôi không như thế, hãy làm cho nó thành như thế, bởi tôi cảm thấy tôi rất cần như thế18.
18 Mrs Cassidy và Mary Grimes: Gifford cho rằng có thể đây là hai nhân vật hư cấu trong các truyện cười của Ireland.
Khuôn mặt nóng hổi của ông ta vươn ra sát các quý cô một cách hơi quá tự tin và ông ta đã lấy chất giọng Dublin vô cùng hạ đẳng khiến các quý cô giật mình cảnh giác và lặng thinh không hưởng ứng ông ta nữa. Miss Furlong, một học trò của Mary Jane, hỏi Miss Daly bản valse tuyệt hay cô vừa chơi tên là gì; và Mr Browne, thấy rằng mình đang bị lờ đi, bèn quay phắt sang hai chàng trai, họ có vẻ sẵn sàng đón nhận ông ta hơn.
Một phụ nữ mặt đỏ bừng, mặc váy màu hoa păng xê, bước vào phòng, vỗ hai tay vào nhau một cách nồng nhiệt và nói lớn: Điệu quadrille nào! Điệu quadrille nào!
Theo sát cô ta là dì Kate, gọi to:
- Mời cho dì hai quý ông và ba quý bà nữa, Mary Jane!
- Ôi vâng, có Mr Bergin và Mr Kerrigan đây rồi, - Mary Jane nói. - Mr Kerrigan, ngài nhảy với Miss Power nhé! Miss Furlong, tôi có thể xếp cô nhảy với Mr Bergin, được không? Được rồi, giờ là ổn rồi.
- Ba quý bà cơ mà, Mary Jane, - dì Kate nói.
Hai quý ông trẻ tuổi hỏi các quý cô liệu họ có thể có vinh hạnh được mời các cô nhảy không, và Mary Jane quay sang Miss Daly.
- Ôi, Miss Daly, cô thật tốt quá, chơi liền hai bản vừa rồi, nhưng thật sự là đêm nay chúng ta thiếu quý bà quá.
- Tôi thật sự không thấy phiền chút nào đâu, Miss Morkan.
- Nhưng tôi có một bạn nhảy tuyệt vời cho cô, Mr Bartell D’Arcy, giọng nam cao. Rồi tôi sẽ đề nghị anh ấy hát sau. Cả Dublin đang mê anh ta như điếu đổ.
- Một giọng hát tuyệt vời, tuyệt vời! - dì Kate nói.
Chiếc piano đã phải chơi khúc dạo đầu đến hai lần cho bước nhảy thứ nhất, và Mary Jane vội vã dẫn những người mới mời được của cô rời khỏi phòng. Họ vừa đi khỏi thì dì Julia chầm chậm bước vào, vừa đi vừa quay đầu nhìn lại phía sau.
- Có chuyện gì thế, chị Julia? - dì Kate hỏi, lo lắng. - Ai vậy?
Julia, đang ôm một chồng khăn ăn, quay sang bà em, nói nhỏ nhẹ, như thể câu hỏi vừa rồi thật đáng ngạc nhiên:
- Freddy ấy mà, Kate, Gabriel đang đón cậu ta.
Quả thật ngay phía sau bà là Gabriel đang dẫn Freddy Malins qua chỗ nghỉ cầu thang. Người đi sau, một người đàn ông trẻ khoảng bốn mươi tuổi, dáng tầm Gabriel, hai vai u bắp. Mặt anh ta nần nẫn nhưng xanh xao, sắc hồng duy nhất là nơi hai thùy tai dày cộp thõng xuống và hai cánh mũi rộng. Đường nét khuôn mặt anh ta thô kệch, mũi thấp, trán gồ và lông mày rộng, hai môi trề ra. Hai mí mắt sùm sụp và đám tóc thưa bù xù tơi tả khiến anh ta trông như đang ngái ngủ. Anh ta đang the thé tự cười với câu chuyện vừa kể cho Gabriel trên cầu thang, nắm tay trái thì đang đưa lên xoay xoay dụi mắt.
- Chào cậu, Freddy, - dì Julia nói.
Freddy Malins chào lại hai quý bà nhà Morkan, dường như không được trang trọng cho lắm do cái chất rè trong giọng anh ta, và rồi, nhìn thấy Mr Browne đang toe toét cười chào mình từ phía bàn ăn dài, anh ta tiến về phía đó, hơi chân nam đá chân chiêu và bắt đầu hạ giọng kể lại câu chuyện vừa kể cho Gabriel.
- Hôm nay cậu ta không đến nỗi tệ lắm, đúng không? - dì Kate nói với Gabriel.
Hai lông mày của Gabriel đang hơi cau lại nhưng nhanh chóng dãn ra và đáp:
- À vâng, khá là im tiếng.
- Nhưng mà cậu ta đúng là không thể chịu nổi! - bà nói. - Hồi đêm Giao thừa năm ngoái, bà mẹ đáng thương của cậu ta đã bắt cậu ta thề bỏ rượu. Nhưng thôi cứ để cậu ta đó đã, Gabriel, ta vào phòng khách khiêu vũ đi.
Trước khi rời khỏi phòng cùng Gabriel bà nhíu mày ra hiệu cho Mr Browne và giơ ngón trỏ lên xoay xoay cảnh cáo. Mr Browne gật gật đầu đáp lại và, khi bà đã đi khỏi, quay sang nói với Freddy Malins:
- Nào, được rồi, Teddy19, để tôi rót cho cậu một ly nước chanh ngon lành giúp cậu phấn khởi nhé.
19 Teddy: Cách gọi thân mật của tên Freddy.
Freddy Malins, đang kể gần đến cao trào câu chuyện của mình, sốt ruột phẩy phẩy tay dẹp lời mời nhưng Mr Browne, sau khi đã lái sự chú ý của Freddy Malins sang chuyện áo của anh ta đang bị xộc xệch, bèn rót đưa cho anh ta một ly nước chanh đầy. Tay trái của Freddy Malins tự động đón lấy ly nước, còn tay phải anh ta cũng tự động đưa lên sửa lại áo. Mr Browne, khuôn mặt một lần nữa lại đầy nếp nhăn khoái trá, tự rót cho mình một ly whisky nữa trong khi Freddy Malins cười phá lên, trước khi anh ta kịp đến cao trào của câu chuyện, một tràng cười cuống họng the thé và, đặt cái ly đầy tràn chưa hề động đến của mình xuống, bắt đầu đưa nắm tay trái lên dụi dụi mắt trái, lại cười ầm lên và hào hứng nhắc lại những câu cuối cùng của câu chuyện.
Gabriel không tài nào tập trung được để nghe bản Academy20 Mary Jane đang chơi, đầy những cung những nhịp phức tạp, cho cả phòng lặng phắc lắng nghe. Anh thích âm nhạc nhưng bản nhạc cô đang chơi đối với anh chẳng có giai điệu gì hết và anh nghi ngờ liệu những người khác có thấy nó có giai điệu gì không, mặc dù chính họ đã van nài Mary Jane chơi một bản gì đó. Bốn người đàn ông trẻ, khi nghe thấy tiếng đàn piano vang lên bèn từ phòng ăn đi ra đứng ở lối đi, nhưng giờ họ đã lại, hai người một, im lặng biến mất chỉ sau mấy phút. Những người duy nhất có vẻ đang thật sự dõi theo bản nhạc là Mary Jane, hai tay cô lướt dọc phím đàn hoặc nâng lên ở những chỗ nghỉ như những ngón tay của một nữ tu đang lẩm bẩm lời nguyền rủa thoáng chốc nào đó, và dì Kate đứng bên cạnh phía khuỷu tay cô giúp lật bản nhạc.
20 Bản Academy: Bản nhạc của Nhạc viện hoàng gia Ireland, khó và phức tạp.
Gabriel, thấy nhức mắt bởi cái sàn nhà đánh sáp sáng lóa dưới cây đèn chùm nặng nề, bèn nhìn sang phía bức tường phía trên cây đàn piano. Ở đó có một bức tranh tả cảnh ban công trong vở Romeo và Juliet21, bên cạnh là bức vẽ hai hoàng tử bị giết tại Tháp London22 mà dì Julia đã làm bằng len đỏ, xanh và nâu khi dì còn là một cô gái. Có lẽ tại trường nữ sinh họ theo học hồi đó người ta dạy những việc này; mẹ anh từng mất cả năm trời làm cho anh món quà sinh nhật là một cái áo gi lê bằng vải tabinet tím đậm, có những hình đầu cáo nhỏ trang trí, viền sa tanh màu nâu và khuy hình quả dâu tròn. Thật lạ sao mẹ anh không hề có chút tài âm nhạc nào mặc dù dì Kate vẫn thường gọi bà là người thông minh nhất nhà Morkan. Cả dì Kate lẫn dì Julia đều luôn vô cùng hãnh diện về người chị nghiêm khắc và đảm đang của họ. Ảnh của bà được để trước tấm gương lớn giữa hai cửa sổ. Trong ảnh bà đang ngồi, một cuốn sách để mở trên đầu gối và đang chỉ vào cái gì đó trong sách cho Constantine23, trong bộ thủy quân, quỳ bên cạnh. Bà tự chọn tên cho các con trai của mình bởi bà vô cùng coi trọng cuộc sống gia đình. Nhờ có bà, Constantine giờ đã là một Cha phó đáng kính tại Balbriggan24 và nhờ có bà chính Gabriel đã có được tấm bằng trường Đại học Royal25.
21 Cảnh ban công trong vở Romeo và Juliet: Cảnh trong vở bi kịch của Shakespeare (1564-1616), trong đó chàng Romeo đứng dưới vườn bày tỏ tình yêu với nàng Juliet đang đứng trên ban công.
22 Hai hoàng tử bị giết tại Tháp London: Hoàng tử Edward và Richard, con vua Anh Edward IV năm 1483 bị nhốt vào Tháp London và sau đó bị giết hại trong Tháp vì mưu đồ quyền lực. Hình ảnh hai hoàng tử trẻ ngây thơ vô tội là nạn nhân trong Tháp London là đề tài được tái hiện nhiều trong thế kỷ XIX.
23 Constantine: Cũng là tên của Hoàng đế La Mã Constantine (285- 337), người truyền bá và phát triển đạo Thiên Chúa trong thế giới La Mã.
24 Balbriggan: Thị trấn cách Dublin khoảng 20 dặm (34 km) về phía bắc.
25 Đại học Royal: Cơ quan phụ trách thi cử và trao bằng cho sinh viên tốt nghiệp trường University College, Dublin.
Bóng tối lướt qua một thoáng trên gương mặt anh khi nhớ lại chuyện bà đã sưng sỉa phản đối chuyện hôn nhân của anh thế nào. Mấy lời khinh rẻ của bà giờ vẫn còn ám ảnh tâm trí anh; có một lần bà đã nói Gretta chỉ là đồ gái quê đẹp mã và điều này thực ra không công bằng với Gretta chút nào. Chính Gretta đã chăm sóc bà trong đợt ốm kéo dài trước khi bà qua đời trong ngôi nhà của họ tại Monkstown.
Anh biết Mary Jane đang chuẩn bị kết thúc bản đàn của mình bởi cô đang quay lại khúc dạo đầu, sau mỗi nhịp lại réo rắt những gam khác nhau, và trong khi chờ nó kết thúc, sự oán giận trong tim anh dịu đi. Bản đàn khép lại, vút lên cao rồi đột nhiên hạ xuống một nốt trầm trước khi tắt hẳn. Những tràng vỗ tay nồng nhiệt vang lên dành cho Mary Jane khiến cô đỏ bừng mặt xấu hổ, luống cuống cuốn vội bản nhạc chạy khỏi phòng. Tiếng hoan hô nồng nhiệt nhất vang lên từ phía bốn người đàn ông trẻ đứng nơi cửa, họ đã biến vào phòng ăn ở đoạn đầu bản nhạc nhưng đã quay lại khi tiếng piano ngừng hẳn.
Điệu lancers26 được sắp xếp. Gabriel thấy mình được xếp cặp với Miss Ivors. Cô là một cô gái ăn nói bộc trực, khuôn mặt đầy tàn nhang và đôi mắt nâu sắc sảo. Cô không mặc áo bó ngực cổ trễ và cái trâm lớn cài trên cổ áo cô có hình biểu tượng Ireland.
26 Lancers: Tên một điệu quadrille, gồm nhiều động tác cúi chào, nhịp chậm hơn các điệu quadrille khác.
Khi họ đã đứng vào chỗ của mình, cô bật nói:
- Tôi có chuyện muốn tính sổ với anh đây27.
27 Nguyên văn là “I have a crow to pluck with you”: Tôi có con quạ muốn nhổ lông với anh đây.
- Với tôi ư? - Gabriel nói.
Cô gật đầu một cách nghiêm trang.
- Cái gì vậy? - Gabriel hỏi, mỉm cười trước vẻ nghiêm trang của cô.
- G. C. là ai? - Miss Ivors đáp, nhìn thẳng vào anh.
Gabriel đỏ mặt và chuẩn bị nhíu mày, như thể anh không hiểu, nhưng cô đã hỏi vẻ tức giận:
- Ôi, con thỏ trắng vô tội! Tôi đã phát hiện ra anh viết cho tờ Daily Express28 rồi nhé. Thế nào, anh không tự thấy hổ thẹn sao?
28 Daily Express: Tờ báo ra tại Dublin trong những năm 1851- 1921, ủng hộ phe Bảo thủ Anh và chống lại tư tưởng giành độc lập của Ireland (Gifford).
- Tại sao tôi lại phải tự hổ thẹn chứ? - Gabriel nói, nháy mắt và cố mỉm cười.
- Thôi được, vậy thì tôi hổ thẹn hộ anh, - Miss Ivors nói thẳng. - Chuyện anh đi viết cho một thứ giẻ rách như thế. Thế mà tôi cứ tưởng anh không phải là một gã West Briton29.
29 West Briton: Từ khinh miệt những người theo phái Dân chủ Ireland thời đó gọi những người Anh sống tại Ireland, người Ireland gốc Anh, hoặc những người ủng hộ chính sách Hợp nhất Ireland với Anh.
Vẻ khó xử hiện trên khuôn mặt Gabriel. Đúng là anh có riêng một mục văn chương thứ Tư hằng tuần trên tờ Daily Express, và được trả mười lăm shilling.
Nhưng dĩ nhiên điều đó không thể biến anh thành một gã West Briton. Những quyển sách anh nhận được để viết lời bình đối với anh thậm chí còn giá trị hơn cái tờ séc nhỏ nhoi kia. Anh thích cảm giác các đầu ngón tay mình được lật giở trang bìa và bên trong những quyển sách mới in còn thơm mùi mực. Gần như ngày nào hết giờ dạy ở trường anh cũng lang thang dọc ke, ghé vào những tiệm sách cũ, từ hiệu Hickey trên Bachelor’s Walk, đến hiệu Webb hay Massey trên Aston’s Quay, hoặc hiệu O’Clohissey trong ngõ nhỏ gần đó30.
30 Tên các con đường ke dọc hai bờ sông Liffey, gần cầu O’Connell, có nhiều hiệu sách.
Anh không biết phải đáp lại lời buộc tội của cô ta như thế nào. Anh muốn mình có thể nói văn chương là thứ trên tầm chính trị. Nhưng họ là bạn bè bao nhiêu năm nay và sự nghiệp của họ cũng gần như luôn sóng đôi, đầu tiên là ở trường University31 và sau đó cùng làm giáo viên: anh không dám nói những lời to tát với cô ta. Anh tiếp tục nháy mắt và cố gắng mỉm cười, lúng búng rằng anh thấy chuyện viết phê bình sách thì có liên quan gì đến chính trị đâu.
31 University: Gifford cho rằng thực ra Gabriel và Miss Ivors không học cùng nhau tại University College, bởi lúc đó trường chưa nhận sinh viên nữ. Miss Ivors chắc hẳn đã học tại một trường nhỏ có hợp tác với Royal University nên sinh viên được quyền thi lấy bằng của Đại học Royal.
Khi đến lượt họ tách trông anh vẫn khó xử và bối rối. Miss Ivors đột ngột ấm áp siết lấy tay anh và nói, giọng nhỏ nhẹ thân tình:
- Tất nhiên là tôi chỉ đùa thôi. Nào, chúng ta tách nào.
Khi họ đã quay lại đối diện nhau cô nói đến cuộc tranh cãi về University32và Gabriel cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Một người bạn đã cho cô xem bài anh bình thơ Browning. Thế nên cô mới phát hiện ra bí mật kia: nhưng quả thực cô cực kỳ thích bài viết đó. Rồi đột nhiên cô nói:
- À, ngài Conroy, anh có tham gia chuyến đi đảo Aran33 mùa hè này không? Chúng tôi định ở đó một tháng đấy. Chắc chắn lúc đó Đại Tây Dương sẽ đẹp kinh khủng. Anh phải đi mới được. Mr Clancy cũng đi, cả Mr Kilkelly và Kathleen Kearney nữa. Nếu mà Gretta cũng đi được thì tuyệt. Cô ấy là người Connacht34, phải không?
32 Cuộc tranh cãi về University: Vấn đề nổi cộm của xã hội Ireland cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX về chuyện làm sao đáp ứng nhu cầu học đại học của người dân đa số theo Công giáo, trong khi trường đại học chính của Ireland Trinity College (tức trường University College) lại theo tư tưởng Anh và những trường nhỏ khác là do chính phủ Anh lập nên.
33 Đảo Aran: Quần đảo trên vùng biển phía tây Ireland, là vùng giữ được ngôn ngữ và đậm chất văn hóa Ireland.
34 Connacht: Một trong bốn tỉnh của Ireland, gồm gần như toàn bộ vùng phía tây Ireland (gồm hạt Galway), giáp biển Đại Tây Dương.
- Người nhà cô ấy ở đó, - Gabriel nói cụt ngủn.
- Nhưng còn anh thì anh sẽ đi chứ? - Miss Ivors nói, nồng nhiệt đặt bàn tay ấm nóng của mình lên tay anh.
- Nhưng mà, - Gabriel nói, - tôi lại vừa thu xếp xong một chuyến đi khác...
- Đi đâu? - Miss Ivors nói.
- Thì cô biết đấy, năm nào tôi cũng tham gia chuyến đạp xe với mấy anh bạn và...
- Nhưng ở đâu mới được chứ? - Miss Ivors hỏi.
- À, thường chúng tôi đi Pháp hoặc Bỉ hoặc có thể là Đức, - Gabriel nói một cách khó xử.
- Thế tại sao các anh lại phải đi Pháp hay Bỉ kia chứ, - Miss Ivors nói, - thay vì đi thăm thú chính đất nước mình?
- Vâng, - Gabriel nói. - Thì phần là để khỏi quên mấy cái ngôn ngữ đó, phần là để thay đổi không khí.
- Thế chẳng nhẽ anh không có ngôn ngữ của chính anh để khỏi quên hay sao - tiếng Ireland ấy, - Miss Ivors hỏi.
- À, - Gabriel nói, - nếu mà nói thế, thì cô biết đấy, thực ra tiếng Ireland đâu có phải là tiếng mẹ đẻ của tôi.
Những người nhảy bên cạnh đã để ý thấy họ hơi to tiếng. Gabriel hoảng hốt nhìn sang hai bên, cố giữ vẻ ôn hòa, cố gắng này khiến trán anh đỏ rần.
- Và chẳng nhẽ anh không hề có một đất nước, - Miss Ivors tiếp tục, - một đất nước mà thực ra anh chưa biết gì về nó hết, đồng bào, đất nước của chính anh?
- Dào, nói thật với cô nhé, - Gabriel đột ngột trả miếng. - Tôi chán đến tận cổ cái đất nước của tôi rồi, chán tận cổ!
- Tại sao? - Miss Ivors hỏi.
Gabriel không trả lời, người anh nóng bừng.
- Tại sao? - Miss Ivors nhắc lại.
Họ phải cùng nhau đi bước chào, bởi anh vẫn chưa trả lời cô, Miss Ivors làm vẻ thân mật:
- Tất nhiên rồi, anh làm gì có câu trả lời kia chứ.
Gabriel cố giấu sự bực bội của mình bằng cách dồn hết hăng hái vào điệu nhảy. Anh tránh ánh mắt của cô ta, bởi anh đã thấy vẻ chua chát trên gương mặt cô ta. Nhưng khi họ quay lại đứng cạnh nhau trong hàng anh ngạc nhiên thấy bàn tay mình bị nắm chặt. Cô ta ngước nhìn anh một cách tinh nghịch cho đến khi anh mỉm cười. Rồi, ngay lúc hàng nhảy tách ra lại thành cặp, cô ta nhón người lên và thì thầm vào tai anh:
- Gã West Briton!
Khi điệu lancers kết thúc Gabriel đi ra góc xa của gian phòng chỗ bà mẹ của Freddy Malins đang ngồi. Đó là một bà lão khá đẫy đà nhưng yếu ớt, tóc bạc trắng. Giọng bà ta cũng có chút rè rè như giọng của anh con trai và bà ta còn hơi cà lăm. Bà vừa được người ta thông báo rằng Freddy đã đến và rằng anh ta khá ổn. Gabriel hỏi thăm chuyến đi biển vừa rồi của bà có mệt không. Bà ta sống với vợ chồng cô con gái ở Glasgow và mỗi năm lại về thăm Dublin một lần. Bà ta chậm rãi trả lời rằng chuyến đi ổn cả và ngài thuyền trưởng đã rất quan tâm chăm sóc bà. Rồi bà ta khoe về ngôi nhà đẹp đẽ của cô con gái ở Glasgow, về những bạn bè tử tế họ có ở đó. Trong khi bà ta còn đang huyên thuyên, Gabriel cố gắng giũ khỏi tâm trí mình sự việc khó chịu vừa rồi với Miss Ivors. Tất nhiên cô gái đó, hay người phụ nữ đó, hay gì cũng được, là một người đầy tâm huyết, nhưng cái gì cũng phải đúng lúc. Có thể đáng ra anh không nên trả lời cô ta như vậy. Nhưng cô cũng không có quyền gọi anh là một gã West Briton trước nơi đông người, dù đó chỉ là một câu đùa. Cô ta đã tìm mọi cách biến anh thành một kẻ lố bịch trước mặt người khác, cật vấn anh và chằm chằm soi mói anh bằng đôi mắt thỏ của cô ta.
Anh nhìn thấy vợ mình đang len qua những cặp nhảy tiến lại. Khi đến gần, cô thì thầm vào tai anh:
- Gabriel, dì Kate muốn biết liệu anh có chịu trách nhiệm xẻ ngỗng35 như mọi lần không. Miss Daly sẽ cắt đùi lợn muối còn em thì lo món pudding.
35 Gà tây, hoặc ngỗng (ít phổ biến hơn), quay cả con là món ăn truyền thống dịp Giáng sinh và năm mới.
- Được rồi, - Gabriel nói.
- Dì ấy sẽ mời hội trẻ ăn trước khi điệu valse này kết thúc để lúc sau chúng ta có bàn.
- Vừa nãy em có nhảy không? - Gabriel hỏi.
- Có chứ, có chứ. Anh không nhìn thấy em sao? Anh tranh cãi gì với Molly Ivors vậy?
- Tranh cãi gì đâu. Sao cơ? Cô ta nói thế à?
- Đại loại thế. Em đang cố thuyết phục cái ngài D’Arcy kia hát. Anh ta kiêu kỳ quá, em thấy thế.
- Không có tranh cãi gì đâu, - Gabriel tư lự. - Chỉ là chuyện cô ta rủ mình cùng đi một chuyến lên miền Tây Ireland nhưng anh nói không đi được.
Vợ anh vỗ hai tay một cách nồng nhiệt và nhảy lên nhè nhẹ.
- Ôi, đi đi, Gabriel, - cô kêu lên. - Em thích được trở lại Galway36 lắm.
36 Gretta có thể đang nói đến thành phố Galway, thủ phủ của hạt Galway.
- Em có thể đi nếu em muốn, - Gabriel lạnh lùng.
Cô nhìn anh một giây, rồi quay sang Mrs Malins nói:
- Chồng tôi đáng yêu thế đấy, Mrs Malins.
Trong lúc cô len lỏi quay về bên kia gian phòng, Mrs Malins, không chút bận tâm đến sự cắt ngang vừa rồi, tiếp tục kể với Gabriel rằng Scotland có bao nhiêu nào danh lam nào thắng cảnh. Con rể bà năm nào cũng đưa họ về nghỉ ở vùng hồ và họ thường đi câu cá. Con rể bà là một tay câu cá tuyệt hạng. Có lần nó câu được một con cá, một con cá lớn trông ngon lắm và rồi người chủ khách sạn đã luộc con cá cho họ ăn tối.
Gabriel gần như không nghe thấy những gì bà ta nói. Giờ đây khi bữa tối đến gần anh lại bắt đầu nghĩ về bài diễn văn của mình và về câu trích dẫn. Nhìn thấy Freddy Malins đang tiến từ phía bên kia gian phòng đến chỗ mẹ mình, Gabriel đứng dậy nhường ghế cho anh ta và lùi về phía cửa sổ. Gian phòng đã thưa hẳn và từ phía phòng ăn vang lên tiếng dao nĩa lách cách. Những người vẫn còn ở lại trong phòng có vẻ thấm mệt sau một hồi khiêu vũ và đang tụm lại trò chuyện nho nhỏ. Những ngón tay ấm, run rẩy của Gabriel gõ gõ vào kính cửa sổ lạnh lẽo. Hẳn bên ngoài trời đang trong lành lắm! Giá như giờ được một mình dạo bước dọc theo sông rồi xuyên qua công viên37 thì thật sung sướng! Tuyết chắc đang bám đầy trên những cành cây và đọng thành một cái mũ lấp lánh trên đầu tượng đài tướng Wellington2. Giá mà bây giờ được ở đó thì chắc hẳn dễ chịu hơn nhiều là phải ngồi ở bàn ăn!
37 Công viên: Công viên Phoenix, ngay gần Usher’s Island. 2 Pho tượng tưởng niệm Arthur Wellesley, Công tước xứ Wellington.
Anh nhẩm lại trong đầu những điểm chính của bài diễn văn: sự hiếu khách Ireland, những kỷ niệm đau buồn, Ba Nữ Nhã thần38, chàng Paris39, câu thơ của Browning. Anh nhớ lại một câu anh đã viết trong bài phê bình: Người ta tưởng như đang lắng nghe một thứ âm nhạc bị suy tưởng hành hạ. Miss Ivors đã khen ngợi bài viết. Cô ta có chân thành không nhỉ? Liệu cô ta có một cuộc sống thực sự của chính mình đằng sau tất cả những lời lẽ rao giảng đó? Chưa bao giờ họ nghĩ không tốt về nhau, cho đến đêm nay. Anh thấy khó chịu khi nghĩ chốc nữa đây cô ta sẽ ngồi ở bàn ăn, nhìn anh, trong khi anh nói, với đôi mắt phán xét đầy giễu cợt. Có khi cô ta cũng sẽ không buồn tiếc cho anh nếu bài nói của anh thất bại. Một ý tưởng chợt đến trong đầu khiến anh thấy can đảm hơn.
38 Ba Nữ Nhã thần: Theo thần thoại Hy Lạp, ba con gái của thần Zeus và Eurynome là Aglaia (Sáng chói), Euphrosyne (Vui tươi), và Thalia (Thanh xuân) là các nữ thần mang đến sự duyên dáng, trí tuệ, tình yêu, tài quảng giao...
39 Chàng Paris: Theo thần thoại Hy Lạp, chàng Paris, con trai vua xứ Troy, được yêu cầu phải tặng quả táo vàng của nữ thần Eris (thần Bất hòa) cho nữ thần đẹp nhất đỉnh Olympus, và chàng đã chọn Aphrodite (nữ thần Tình yêu) mà không chọn nữ thần Hera (vợ thần Zeus) hay Athena (thần Trí tuệ). Sau đó chàng được tặng nàng Helen, người vợ đẹp nhất thế gian, nguyên do gây ra chiến tranh thành Troy.
Anh sẽ nói thế này, ám chỉ dì Kate và dì Julia: Thưa các quý ông quý bà, cái thế hệ giờ đã vào buổi xế chiều của chúng ta ở đây có thể đã có nhiều khiếm khuyết, nhưng về phần tôi tôi nghĩ nó đã có được những phẩm chất nhất định, sự hiếu khách, khiếu hài hước, lòng nhân ái, những phẩm chất mà thế hệ mới, rất đỗi nghiêm túc và vô cùng có học thức, đang lớn lên trong số chúng ta đây, theo tôi, không có được. Hay lắm: câu này là dành cho Miss Ivors. Anh cần gì biết hai người dì của mình thực ra chỉ là hai bà già dốt nát kia chứ?
Tiếng rì rầm vang lên trong phòng khiến anh chú ý. Mr Browne đang từ cửa tiến vào, lịch lãm hộ tống dì Julia, dì đang dựa nhẹ vào cánh tay ông ta, mỉm cười và cúi đầu chào. Một tràng vỗ tay kéo dài cho đến khi bà đến gần chiếc piano và, khi Mary Jane ngồi xuống ghế, dì Julia, thôi không cười nữa, hơi nghiêng người một chút cho giọng của mình hướng về giữa phòng, từ từ dừng lại. Gabriel nhận ra khúc dạo đầu. Đó là khúc mở đầu một bài hát cổ dì Julia vẫn yêu thích - bài Điểm trang vì cô dâu40.
40 Điểm trang vì cô dâu: Bài hát từ vở opera I Puritani năm 1835 của nhà soạn nhạc người Ý Vincenzo Bellini (1801-1835) (Gifford).
Giọng của bà, khỏe và trong, thổi bùng giai điệu khúc nhạc, và mặc dù hát rất nhanh bà không bỏ sót thậm chí một nốt nhỏ nhất. Lắng nghe giọng hát, và không nhìn người hát, người ta cảm thấy như đang được chia sẻ niềm hứng khởi được bay bổng lên cao, uyển chuyển mà an toàn. Gabriel vỗ tay rất to cùng những người khác khi bài hát dừng lại, và tiếng vỗ tay cũng vang lên từ phía bàn ăn khuất phía sau. Những tràng vỗ tay nồng nhiệt đến nỗi một nét ửng đỏ thấp thoáng trên khuôn mặt của dì Julia khi dì cúi xuống nhấc quyển sách nhạc bìa da in những chữ cái viết tắt tên dì ra khỏi giá nhạc.
Freddy Malins, từ nãy đến giờ nghiêng hẳn đầu sang một bên để có thể nghe tiếng hát rõ hơn, vẫn đang vỗ tay mặc dù những người khác đã dừng lại và đang sôi nổi nói gì đó với mẹ anh ta, bà nghiêm trang chậm rãi gật gật đầu đồng tình. Cuối cùng, khi không thể vỗ tay thêm được nữa, anh ta đứng phắt dậy và vội vã chạy sang phía bên này phòng nơi dì Julia đứng và dùng hai tay ôm choàng lấy tay dì, rung rung, hoặc không thốt nổi thành lời, hoặc vì cái chất rè trong giọng anh ta giờ trở nên không thể nào kiểm soát được.
- Cháu vừa nói với mẹ cháu rằng, - anh ta nói. - chưa bao giờ cháu thấy dì hát hay như vậy, chưa bao giờ. Không, chưa bao giờ cháu thấy giọng dì hay như tối nay. Thật vậy. Dì tin cháu chứ? Đó là sự thật. Thề trên danh dự của cháu đó là sự thật. Cháu chưa bao giờ thấy giọng dì nghe lại trong và... trong và sáng như vậy, chưa bao giờ.
Dì Julia mỉm cười rạng rỡ, thầm thì gì đó trước những lời khen ngợi và gỡ tay ra khỏi anh ta. Mr Browne dang tay chìa về phía bà và nói với những người đang đứng xung quanh như kiểu một ông bầu giới thiệu một kỳ quan cho khán giả:
- Miss Julia Morkan, phát hiện mới nhất của tôi!
Ông ta đang tự cười đầy khoái trá thì Freddy Malins quay sang nói:
- Này, Browne, nếu ông đang nói thực sự nghiêm túc, thì tôi e cái sự nghiệp phát hiện của ông sẽ chẳng đi đến đâu đâu. Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi chưa bao giờ được nghe thấy bà ấy hát tuyệt vời như vậy kể từ hồi tôi bắt đầu được mời đến đây. Và đó là sự thật, đơn giản vậy thôi.
- Tôi cũng chưa bao giờ thấy giọng bà ấy hay như thế, - Mr Browne nói. - Tôi nghĩ giọng của bà ấy đã tiến bộ vượt bậc.
Dì Julia nhún vai và nói với một vẻ kiêu hãnh giản dị:
- Nếu mà nói về giọng hát thì ba mươi năm trước giọng tôi cũng đâu có tệ lắm.
- Tôi vẫn thường bảo Julia, - dì Kate nói dứt khoát, - rằng hát ở cái dàn thánh ca ấy chỉ phí giọng. Nhưng chị ấy chẳng bao giờ nghe tôi.
Bà quay khắp lượt như thể tìm sự đồng tình chống lại một đứa trẻ ương bướng trong khi dì Julia đăm đăm nhìn về phía trước, một nụ cười xa xôi thấp thoáng trên gương mặt bà.
- Không, - Dì Kate tiếp tục, - chẳng ai khuyên nhủ được chị ấy, hết hơi hết sức với cái dàn thánh ca ấy cả ngày lẫn đêm, cả ngày lẫn đêm. Ai lại sáu giờ sáng ngày Giáng sinh! Làm cái gì mới được chứ?
- Ôi, dì Kate, chẳng phải là để vinh danh Chúa sao? - Mary Jane hỏi, xoay xoay người trên chiếc ghế piano, mỉm cười.
Dì Kate dữ tợn quay sang cô cháu gái, nói:
- Dì biết rõ thế nào là vinh danh Chúa, Mary Jane, nhưng dì nghĩ Giáo hoàng thế thì cũng chẳng xứng danh lắm khi tống cổ những người phụ nữ khỏi dàn thánh ca sau khi họ đã bỏ cả đời mình hát cho chính cái dàn thánh ca đấy, để công kênh mấy thằng ranh vắt mũi chưa sạch cho đứng trên đầu41. Dì chắc làm thế cũng vì ích lợi của Nhà thờ, nếu đó là lựa chọn của Giáo hoàng. Nhưng như thế thật không công bằng, Mary Jane ạ, và không đúng một chút nào.
41 Giáo hoàng Pius X (1835-1914) với mục đích củng cố việc tế lễ, năm 1903 đã ra quy định về nhạc dùng trong các nghi lễ nhà thờ, trong đó cấm sự có mặt của phụ nữ trong dàn thánh ca. 2 Mr Browne theo đạo Tin Lành (Brown).
Bà trở nên vô cùng sôi nổi và lẽ ra đã tiếp tục tranh cãi bênh vực chị mình bởi đây là một chủ đề bà vẫn ấm ức từ lâu, nhưng Mary Jane, nhận thấy mọi người đã ngừng khiêu vũ và đang quay lại phòng, bèn chen vào dàn hòa.
- Ấy, dì Kate, dì đang đẩy ngài Browne với tín ngưỡng bên kia2 của ông ấy vào tình huống khó xử đấy.
Dì Kate vội quay sang Mr Browne, ông này đang cười nhăn nhở khi thấy người ta đả động đến tôn giáo của mình, nói nhanh:
- Ấy không, tôi đâu có chất vấn gì về chuyện Giáo hoàng làm đúng hay sai. Tôi chỉ là một bà già ngu ngốc đâu có dám làm điều đó. Nhưng trên đời này có những chuyện tối thiểu như lòng biết ơn và phép lịch sự thông thường. Và nếu mà là Julia thì tôi đã nói thẳng vào mặt Cha Healey...
- Với cả, dì Kate, Mary Jane nói, tất cả chúng ta đều đang đói lắm rồi và khi chúng ta đói chúng ta đều rất dễ nổi cáu.
- Và khi chúng ta khát chúng ta cũng dễ nổi cáu, - Mr Browne thêm vào.
- Thế nên giờ chúng ta nên đi ăn thôi, - Mary Jane nói, - và phân giải mọi chuyện sau.
Trên chỗ nghỉ cầu thang bên ngoài phòng khiêu vũ Gabriel gặp vợ mình và Mary Jane đang cố gắng thuyết phục Miss Ivors ở lại ăn tối. Nhưng Miss Ivors, đã đội mũ lên và đang cài khuy áo choàng, từ chối ở lại. Cô ta nói cô ta không đói một chút nào và rằng thực ra cô đã nán lại quá lâu so với dự định.
- Nhưng chỉ mười phút thôi mà, Molly, - Mrs Conroy nói. - Sẽ không làm chị muộn quá đâu.
- Ăn một chút thôi, - Mary Jane nói. - Chị đã khiêu vũ cả buổi tối mà.
- Thực sự tôi không thể, - Miss Ivors nói.
- Tôi sợ rằng hình như chị không thích buổi dạ hội hôm nay chút nào thì phải, - Mary Jane nói một cách tuyệt vọng.
- Rất thích là đằng khác, tôi đảm bảo với chị, - Miss Ivors nói. - Nhưng giờ các chị thực sự phải để tôi về thôi.
- Nhưng làm sao chị về được? - Mrs Conroy hỏi.
- Ôi, chỉ cách có mấy bước sang phía ke sông thôi mà.
Gabriel ngần ngừ một giây rồi nói:
- Nếu cô cho phép, Miss Ivors, tôi xin được đưa cô về nếu cô thực sự buộc phải về.
Nhưng Miss Ivors vùng khỏi bọn họ.
- Tôi không muốn nghe đâu, - cô ta kêu lên. - Vì Chúa hãy vào ăn bữa tối của quý vị đi và đừng để ý đến tôi. Tôi thừa sức tự lo cho mình.
- Được, chị đúng là một phụ nữ lạ lùng đấy, Molly, - Mrs Conroy thẳng thừng.
- Beannacht libh42, - Miss Ivors kêu to, rồi cười phá lên, chạy xuống cầu thang.
42 Beannacht libh: Tạm biệt (tiếng Ireland).
Mary Jane nhìn theo cô ta, lộ vẻ bối rối ngạc nhiên, trong khi Mrs Conroy nghiêng người qua lan can nghe tiếng cửa đóng dưới nhà. Gabriel tự hỏi có phải anh là nguyên do khiến cô ta đột ngột bỏ về không. Nhưng cô ta không có vẻ gì là bực dọc cả - cô ta đã vừa cười vừa bỏ đi. Anh nhìn đăm đăm vô định xuống cầu thang.
Đúng lúc đó, dì Kate lật đật đi ra từ phòng ăn, hai tay gần như vặn vẹo một cách tuyệt vọng.
- Gabriel đâu rồi? - bà kêu lên. - Gabriel đâu ấy nhỉ? Ai cũng chờ trong này, khai mạc rồi, thế mà chẳng có ai xẻ thịt ngỗng cả!
- Cháu ở đây, dì Kate! - Gabriel kêu lên, bỗng tươi vui trở lại. - Sẵn sàng xẻ cả một đàn ngỗng đây, nếu dì cần.
Một con ngỗng quay béo mượt nằm một phía đầu bàn, và ở đầu kia, trên một đĩa lót giấy xốp điểm xuyết những nhánh mùi, là một đùi lợn muối rất to, đã bóc lớp da bên ngoài, rắc bánh mì vụn khắp lượt, phía ngoài được trang trí hoa giấy xếp nếp đẹp đẽ, và bên cạnh là một tảng lớn thịt bò ướp nướng. Giữa hai đầu bàn đối trọng này là những dãy món ăn kèm được xếp song song: hai tảng nhỏ thạch đỏ và vàng hình nhà thờ; một đĩa lòng nông đầy những thỏi thạch kem và mứt dâu đỏ, một chiếc đĩa hình lá cây có tay cầm hình búp lá, trên đó cơ man nho khô và hạnh nhân đã lột vỏ, một đĩa hình chữ nhật đầy sung khô, một đĩa bánh kem trứng rắc nhục đậu khấu nghiền nhỏ, một thẫu nhỏ đựng đầy sô cô la và kẹo bọc giấy vàng bạc lấp lánh và một bình thủy tinh vươn ra mấy ngọn cần tây. Ở trung tâm bàn, như thể để hộ tống cái kim tự tháp làm bằng cam và táo Mỹ, là hai đám bình pha lê chạm trổ kiểu cổ, một đám đựng rượu pooc-tô còn đám kia rượu sherry tím đậm. Trên mặt chiếc đàn piano đóng nắp là một chiếc pudding đựng trong một cái đĩa màu vàng khổng lồ nằm chờ đợi, và đằng sau nó là đám chai bia stout và ale và nước khoáng được xếp ngay ngắn theo màu vỏ, hai nhóm đầu tiên chai đen, nhãn nâu và đỏ, nhóm thứ ba, ít hơn, có nhãn xanh lá cây chạy ngang chai.
Gabriel tự tin kéo chiếc ghế đầu bàn cho mình, và sau khi nhìn lưỡi con dao lóc thịt, anh đâm mạnh cái dĩa của mình vào thân con ngỗng. Giờ anh cảm thấy khá thoải mái, bởi anh là một chuyên gia lóc thịt và không gì thích hơn là được thấy mình ở đầu một chiếc bàn bày trĩu đồ ăn thức uống.
- Miss Furlong, tôi lấy cho cô chỗ nào nào? - anh hỏi. - Cánh hay một lát ức?
- Một lát ức nho nhỏ thôi.
- Miss Higgins, cô ăn chỗ nào?
- Ôi, chỗ nào cũng được, ngài Conroy.
Trong lúc Gabriel và Miss Daly chuyển dần những chiếc đĩa thịt ngỗng, thịt lợn muối và thịt bò nướng quanh bàn, Lily đi từ vị khách này sang vị khách khác với một đĩa lớn đựng đầy khoai tây nghiền nóng phủ trong khăn màu trắng. Đó là ý tưởng của Mary Jane và cô cũng đã đề nghị ăn món thịt ngỗng với nước sốt táo, nhưng dì Kate nói rằng thịt ngỗng ăn không, không kèm nước sốt táo gì hết, với bà như thế là ngon lắm rồi và bà hy vọng rằng sẽ không bao giờ phải ăn những món chán hơn thế. Mary Jane tận tình quan tâm đến đám học sinh của cô, sao cho chúng có được những lát thịt ngon nhất, dì Kate cùng dì Julia mở và mang từ phía chiếc piano những chai bia stout và ale cho các quý ông và nước khoáng cho các quý bà. Tiếng bông đùa cười nói râm ran khắp phòng, tiếng gọi món và tiếng phản đối, tiếng dao nĩa, tiếng nút chai bật và tiếng mở bình thủy tinh.
Gabriel bắt đầu xẻ thịt cho mọi người lần thứ hai ngay sau khi anh vừa kết thúc lần thứ nhất mà không dành phần cho mình. Mọi người phản đối ầm ĩ, thế là anh phải thỏa hiệp bằng một hơi bia stout dài, bởi anh thấy việc lóc thịt cũng khá mệt. Mary Jane lẳng lặng yên vị ăn bữa tối của mình, nhưng dì Kate và dì Julia vẫn đang lật đật xung quanh bàn, líu ríu theo nhau, va vào nhau và đưa ra những lời sai khiến mà chẳng ai trong hai người làm. Mr Browne van vỉ họ hãy ngồi xuống và ăn bữa tối của họ và Gabriel cũng nói như vậy, nhưng họ nói họ vẫn đủ thời gian để ăn sau, thế là, cuối cùng, Freddy Malins đứng dậy và, túm lấy dì Kate, ấn dì ngồi xuống ghế của dì giữa những tiếng cười vui vẻ.
Khi tất cả mọi người đã được phục vụ đầy đủ Gabriel mỉm cười, nói:
- Nào, nếu bây giờ có ai muốn ăn thêm chút ít thứ mà những kẻ thô tục gọi là món nhồi bụng ngỗng thì cứ lên tiếng nhé.
Một loạt những tiếng lao xao giục anh hãy ăn phần của mình đi, và Lily tiến lại với ba củ khoai tây cô để dành cho anh.
- Cảm ơn rất nhiều, - Gabriel nói một cách hòa nhã, và anh uống một ngụm bia khai vị nữa. - Giờ thưa các quý ông quý bà, xin vui lòng tạm quên sự hiện diện của tôi trong một vài phút.
Anh bắt đầu ăn đĩa của mình và không tham gia vào cuộc trò chuyện cả bàn tiệc đang bàn luận trong lúc chờ Lily dọn đĩa đi. Chủ đề của cuộc trò chuyện là đoàn opera lúc đó đang diễn tại nhà hát Hoàng gia43. Mr Bartell D’Arcy, giọng nam cao, một người đàn ông trẻ tuổi da ngăm ngăm, hàng ria tỉa tót kỹ lưỡng, ca ngợi hết lời giọng nữ trầm chính của đoàn, nhưng Miss Furlong lại nghĩ phong cách diễn của cô ta hơi tầm thường. Freddy Malins nói có một gã tù trưởng da đen hát trong phần hai của vở diễn ở Gaiety44, và đó là giọng nam cao hay nhất mà anh ta đã từng nghe.
43 Nhà hát Hoàng gia: Một trong ba nhà hát lớn nhất Dublin, khu trung tâm bờ nam.
44 Gaiety: Một nhà hát khác của Dublin trên phố South King, gần vườn Stephen’s Green.
- Ngài đã nghe hắn hát chưa? - anh ta hỏi Mr Bartell D’Arcy ngồi phía bên kia bàn.
- Chưa, - Mr Bartell D’Arcy đáp lại, thờ ơ.
- Bởi, Freddy Malins giải thích, - lúc này đây tôi rất nóng lòng được nghe ý kiến của ngài về hắn. Tôi nghĩ hắn ta có một chất giọng vĩ đại.
- Trên đời này chỉ duy nhất Teddy là có thể phát hiện ra những gì vĩ đại thôi, - Mr Browne bông đùa với bàn tiệc.
- Nhưng tại sao hắn ta lại không thể có được một giọng hát như những người khác kia chứ? - Freddy Malins lớn tiếng. - Có phải bởi hắn ta chỉ là một gã da đen chăng?
Không ai trả lời câu hỏi này và Mary Jane lái bàn tiệc quay lại chủ đề thế nào là opera thực sự. Một học trò đã tặng cô một vé xem vở Mignon45. Tất nhiên là nó rất hay, cô nói, nhưng nó làm cô nhớ đến Georgina Burns46 khốn khổ. Mr Browne dẫn câu chuyện đi xa hơn nữa, quay về thời những đoàn opera Ý thường đến diễn ở Dublin - Tietjens, Ilma de Murzka, Campanini, Trebelli, Giuglini, Ravelli, Aramburo47. Đó đúng là thời mà, ông ta nói, Dublin thực sự được thưởng thức thế nào là opera. Ông ta kể hồi đó thậm chí tầng áp mái nhà hát Hoàng gia cũ48 luôn chật cứng đêm nào cũng như đêm nào, về chuyện một đêm nọ một giọng nam cao người Ý đã phải hát lại đến năm lần theo đề nghị của khán giả bài Hãy để tôi ngã xuống như một người lính49, lần nào cũng lên đến cung đô thăng một cách xuất sắc, và về chuyện bọn con trai chuyên ngồi tầng áp mái thỉnh thoảng hứng chí lên còn tháo ngựa khỏi xe của mấy prima donna50 danh tiếng và tự mình kéo xe dong phố đưa họ về tận khách sạn. Tại sao bây giờ họ không bao giờ diễn những vở opera vĩ đại trước kia nữa, ông ta hỏi, như Dinorah, Lucrezia Borgia51? Bởi vì họ không có được chất giọng để hát chúng: đó là lý do tại sao.
45 Mignon: Một trong những vở nổi tiếng nhất của nền opera Pháp thế kỷ XIX, của Ambroise Thomas (1811-1896), dựa trên một tác phẩm của Goethe kể về số phận của cô gái Bô-hê-miêng Mignon.
46 Georgina Burns: Không xác định được nhân vật này, nhưng có lẽ đây là một trong những học sinh của Mary Jane bị điên, bởi nhân vật Mignon cũng bị điên một thời gian (Brown).
47 Tên những ngôi sao opera. Mr Browne đang thể hiện sự luyến tiếc những năm 1840-1880 được coi là hoàng kim cho nghệ thuật opera ở Ireland, khi opera đến từ Ý được đánh giá rất cao.
48 Tầng áp mái nhà hát Hoàng gia cũ: Nhà hát Hoàng gia đầu tiên bị cháy năm 1880 và được xây dựng mới năm 1897. Tầng áp mái là tầng vé rẻ nhất.
49 Bài hát trong vở opera Maritana năm 1845 của nhà soạn nhạc người Ireland William Vincent Wallace (1812-1865).
50 Prima donna: Nhân vật nữ chính.
51 Dinorah: Vở opera của nhà soạn nhạc người Đức Giacomo Meyerbeer (1791-1864); Lucrezia Borgia: Vở opera của nhà soạn nhạc người Ý Gaetano Donizetti (1797-1848). Cả hai đều là những tên tuổi lớn trong thế giới nhạc kịch nửa đầu thế kỷ XIX.
- Vâng, nhưng mà, - Mr Bartell D’Arcy nói. - Tôi đồ rằng ngày nay cũng có nhiều giọng ca xuất sắc chẳng kém gì thời xưa.
- Họ ở đâu vậy? - Mr Browne hỏi một cách châm biếm.
- Ở London, Paris, Milan, - Mr Bartell D’Arcy sôi nổi. - Ví dụ như Caruso52, người có giọng hay như vậy, nếu không nói là còn hay hơn tất cả những giọng mà ngài vừa nhắc đến.
52 Enrico Caruso (1873-1921): Người Ý, một trong những ca sĩ giọng nam cao vĩ đại nhất trong lịch sử opera.
- Có lẽ vậy, - Mr Browne nói. - Nhưng tôi có thể nói với các vị rằng tôi thực sự nghi ngờ điều đó.
- Ôi, tôi sẽ đánh đổi tất cả để được nghe Caruso hát, - Mary Jane nói.
- Đối với tôi, - dì Kate vừa nói vừa gỡ xong một cái xương ngỗng, - trên đời này chỉ có duy nhất một giọng nam cao. Khiến tôi thích, ý tôi là thế. Nhưng tôi chắc chưa một ai trong số các ngài từng nghe nói đến ông ấy.
- Ông ta là ai vậy, Miss Morkan? - Mr Bartell D’Arcy lịch thiệp hỏi.
- Tên ông ta, - Dì Kate nói, - là Parkinson53. Tôi đã được nghe ông ấy hát thời ông ấy đang ở đỉnh cao phong độ và tôi nghĩ ông ta có một giọng nam cao trong sáng nhất mà cổ họng con người có thể được sở hữu.
53 Parkinson: Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là cái tên hư cấu.
- Lạ quá, - Mr Bartell D’Arcy nói. - Sao tôi chưa bao giờ nghe tên ông ta cả.
- Đúng, đúng, Miss Morkan nói đúng đấy, - Mr Browne nói. - Tôi nhớ từng nghe nói đến Parkinson, nhưng ông ta cách xa thế hệ chúng tôi quá.
- Một giọng nam cao tuyệt đẹp đến từ nước Anh, thật trong sáng, êm dịu, mượt mà, - dì Kate sôi nổi.
Gabriel đã ăn xong và chiếc bánh pudding khổng lồ được chuyển sang bàn tiệc. Tiếng lách cách của nĩa thìa chạm nhau lại vang lên. Vợ của Gabriel lấy cho mọi người những thìa pudding đầy và chuyền đĩa dọc theo bàn. Đến giữa chặng chúng được Mary Jane nhấc lên và cho thêm mứt quả mâm xôi hoặc thạch cam hoặc kem hạnh nhân và mứt. Chiếc pudding do chính tay dì Julia làm, và bà nhận được những lời khen ngợi hết lời từ bốn phía. Còn bà thì nói thực ra bánh vẫn chưa đủ độ nâu.
- Ấy, tôi hy vọng, Miss Morkan, - Mr Browne nói, - rằng tôi đủ nâu đối với bà bởi vì, bà biết đấy, tôi là Nâu hoàn toàn54.
54 Tên Mr Browne đồng âm với “brown” nghĩa là màu nâu.
Tất cả các quý ông, trừ Gabriel, đều ăn một chút bánh pudding, vừa ăn vừa khen ngợi dì Julia. Bởi Gabriel không ăn đồ ngọt nên món cần tây được để dành lại cho anh. Freddy Malins cũng lấy một ngọn cần tây và ăn nó với phần pudding của mình. Anh ta vừa được bảo rằng cần tây là thứ tối cần thiết cho máu và chính thời gian đó anh ta lại đang được bác sĩ điều trị. Mrs Malins, im lặng suốt trong bữa tối, giờ bèn nói con trai bà ta chuẩn bị đi tới vùng núi Mount Melleray55 trong khoảng một tuần gì đó. Rồi bàn tiệc nói về vùng Mount Melleray, không khí ở đó mới tuyệt diệu làm sao, những thầy tu ở đó mới hiếu khách làm sao và họ không bao giờ đòi hỏi khách dù chỉ một xu.
55 Mount Melleray: Nơi có tu viện dòng tu khổ hạnh Trappist tại County Waterford, phía nam Ireland.
- Và các vị định nói, - Mr Browne nghi ngờ, - là một gã có thể đi lên đó nghỉ lại như thể đó là một khách sạn, sống phè phỡn, rồi đi mất mà không trả xu nào ấy hả?
- Vâng, nhưng hầu như ai khi rời khỏi đó cũng đóng góp ít nhiều cho tu viện, - Mary Jane nói.
- Giá mà Giáo hội của chúng ta cũng có được một cơ sở như vậy, - Mr Browne thật thà nói.
Ông ta sửng sốt khi được nghe rằng những thầy tu không bao giờ nói gì hết, họ dậy vào lúc hai giờ sáng và ngủ trong những quan tài của chính họ. Ông ta hỏi họ làm thế để làm gì.
- Đó là quy tắc của dòng tu, - dì Kate nghiêm trang.
- Vâng, nhưng tại sao mới được chứ? - Mr Browne hỏi.
Dì Kate nhắc lại đó là quy tắc, đơn giản thế thôi. Mr Browne dường như vẫn chưa hiểu lắm. Freddy Malins giải thích cho ông ta, với toàn bộ khả năng của mình, rằng các thầy tu làm thế là để cố gắng chuộc lại những tội lỗi của loài người nơi trần thế. Lời giải thích có vẻ không được rõ ràng cho lắm bởi Mr Browne cười nhăn nhở và nói:
- Tôi thích cái ý tưởng đó lắm, nhưng chẳng phải là một cái giường êm ấm thì cũng tốt cho họ không kém gì chiếc quan tài sao?
- Quan tài, - Mary Jane nói, - là để nhắc họ về kết thúc cuối cùng56.
56 Kết thúc cuối cùng: Từ dùng trong Thần học để chỉ cái chết và sự phán xét (thiên đàng, địa ngục).
Bởi chủ đề đã chuyển sang màu sắc sầu thảm, cả bàn tiệc chìm trong im lặng, nghe rõ tiếng Mrs Malins thì thào với người bên cạnh:
- Họ là những người thật tử tế, những ông thầy tu đó, những người thật sùng đạo.
Nho, hạnh nhân và sung khô, táo và cam, sô cô la và kẹo giờ đây được chuyền quanh bàn, và dì Julia mời tất cả các vị khách một ly pooc-tô hoặc sherry. Lúc đầu, Mr Bartell D’Arcy từ chối uống cả hai thứ, nhưng người ngồi bên cạnh thúc vào khuỷu tay và thầm thì gì đó với anh ta, đến đây thì anh ta cho phép ly của mình được đổ đầy. Dần dần tất cả các ly đều được đổ đầy rượu hết lượt và cuộc chuyện trò dừng lại. Tất cả chờ đợi, chỉ có tiếng ly rượu đặt khẽ và tiếng ghế xê dịch. Các quý bà nhà Morkan, cả ba người, cúi nhìn khăn trải bàn. Ai đó ho khẽ và mấy quý ông gõ nhẹ lên bàn ra dấu bảo mọi người im lặng. Và rồi Gabriel đẩy ghế đứng dậy.
Tiếng gõ bàn lập tức vang lên, lần này to hơn cổ vũ, rồi đồng loạt dừng lại. Gabriel bám nhẹ mười ngón tay đang run rẩy của anh lên tấm khăn trải bàn và bồn chồn mỉm cười với cả bàn tiệc. Bắt gặp một hàng những khuôn mặt đang ngẩng lên chờ đợi anh ngước nhìn chùm đèn pha lê. Cây đàn piano đang chơi một điệu valse và anh có thể nghe thấy tiếng váy áo sột soạt chạm vào cánh cửa phòng khiêu vũ. Người ta, có lẽ vậy, đang đứng trong làn tuyết rơi trên ke ngoài kia, ngước nhìn những ô cửa sổ đèn nến rực rỡ và lắng nghe tiếng nhạc valse vọng xuống. Không khí ở đó thật trong lành. Phía xa xa là công viên, cây cối đang trĩu nặng tuyết phủ. Tượng Wellington mặc một lớp tuyết lóng lánh lóe sáng về phía tây, bên trên bãi cỏ Fifteen Acres57 trắng xóa.
57 Fifteen Acres: Bãi cỏ rộng trong công viên Phoenix.
Anh bắt đầu:
- Thưa các quý ông quý bà, số mệnh đã chọn tôi buổi tối nay, cũng như trong những năm vừa qua, để thực hiện một nhiệm vụ vô cùng thú vị nhưng đó lại là một nhiệm vụ tôi e rằng với tài ăn nói kém cỏi của mình lại trở nên khó khăn ngoài tầm với.
- Ấy không, không! - Mr Browne nói.
- Nhưng, dù có như thế, đêm nay cũng xin các vị thông cảm cho tình huống lực bất tòng tâm này và xin hãy dành cho tôi vài phút trong khi tôi cố gắng hết sức tìm từ ngữ diễn đạt cho các vị những cảm xúc của tôi nhân dịp này.
Thưa các quý ông quý bà, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta cùng nhau hội họp dưới mái nhà hiếu khách này, quanh chiếc bàn hiếu khách này. Không phải là lần đầu tiên chúng ta là những người được hưởng - hoặc, tôi có thể nói là, những nạn nhân - của sự hiếu khách của những quý bà tốt bụng.
Anh dang hai tay về phía trước và ngừng lại. Ai cũng quay sang cười với dì Kate, dì Julia và Mary Jane và cả ba đều đỏ bừng mặt vẻ hài lòng. Gabriel mạnh dạn nói tiếp:
- Mỗi năm qua đi, tôi lại càng cảm thấy chắc chắn hơn một điều rằng đất nước chúng ta không có một truyền thống nào mang đến cho nó nhiều vinh dự và là một truyền thống mà nó nên giữ gìn cẩn trọng nhất, như truyền thống hiếu khách. Đó là một truyền thống độc đáo không đất nước hiện đại nào có được theo kinh nghiệm của tôi đến nay (và tôi đã được đi thăm không ít những vùng đất ngoại quốc). Có thể một số người sẽ cho rằng, đối với chúng ta, thực ra đó là một thất bại, hơn là một điều gì đó để khoe khoang. Nhưng thậm chí dù có như thế, đối với tôi, đó là một thất bại cao quý, và tôi tin rằng truyền thống đó sẽ còn tiếp tục được chúng ta trân trọng gìn giữ. Và có, ít nhất, một điều tôi chắc chắn. Chừng nào mái nhà này còn che chở những quý bà tốt bụng tôi vừa nhắc đến - và tôi nguyện cầu từ trái tim mình, cầu cho nó sẽ tiếp tục làm thế trong nhiều, rất nhiều năm tới - thì truyền thống hiếu khách Ireland lịch lãm chân thành, truyền thống mà cha ông chúng ta đã truyền lại cho chúng ta và chúng ta phải truyền lại cho con cháu chúng ta, sẽ vẫn còn sống mãi.
Một làn sóng sôi nổi tán thành lan ra khắp bàn tiệc. Gabriel chợt nhớ Miss Ivors không còn ở đây nữa, cô ta đã bất lịch sự bỏ đi: và thế là anh nói tiếp tràn đầy tự tin:
- Thưa các quý ông quý bà, một thế hệ mới đang lớn lên giữa chúng ta, một thế hệ được thúc đẩy bởi những ý tưởng mới và những nguyên tắc mới. Thế hệ đó rất nghiêm túc và hào hứng với những ý tưởng này và sự hào hứng của nó, thậm chí ngay cả khi bị lạc lối, là, tôi nghĩ, hoàn toàn chân thành. Nhưng thời đại chúng ta đang sống là một thời đại đầy nghi ngờ và, nếu như tôi được phép dùng từ này, một thời đại bị tra tấn bởi những ý nghĩ: và đôi khi tôi sợ rằng thế hệ mới này, dù có học thức hoặc cực kỳ có học thức, sẽ thiếu những phẩm chất nhân ái, hiếu khách, khiếu hài hước của thời trước. Được lắng nghe trong đêm nay những cái tên của những giọng ca vĩ đại trong quá khứ, tôi thấy dường như, tôi phải thú nhận, rằng chúng ta đang sống trong một thời đại ít thênh thang bằng. Chúng ta có thể gọi thời xưa đó, một cách không hề cường điệu, là những ngày thênh thang; và nếu như chúng đã qua không thể trở lại, thì hãy để chúng ta hy vọng rằng, ít nhất, bằng những cuộc hội tụ như thế này chúng ta sẽ vẫn nói về chúng với niềm tự hào và tình cảm trìu mến, vẫn nâng niu trong tim hồi ức về những người đã qua đời, đã khuất, những con người vĩ đại mà tên tuổi của họ thế giới này sẽ không bao giờ quên.
- Hoan hô, hoan hô! - Mr Browne kêu ầm ĩ.
- Tuy nhiên, - Gabriel tiếp tục, giọng anh trầm xuống suy tưởng, - trong những cuộc hội tụ như thế này đôi khi chúng ta không tránh khỏi có những suy nghĩ buồn bã trong tâm trí - về quá khứ, về tuổi trẻ, về những thay đổi, về những người không thể có mặt cùng chúng ta ở đây đêm nay. Con đường cuộc đời của chúng ta được gắn với bao hồi ức buồn đau như thế: và nếu cứ mãi ôm ấp chúng chúng ta sẽ không đủ can đảm để tiếp tục công việc của chúng ta với những người đang sống. Chúng ta ai cũng có những trách nhiệm, tình yêu đối với cuộc sống, đó là những điều luôn đòi hỏi, và đòi hỏi một cách chính đáng, nỗ lực lớn lao ở mỗi chúng ta.
Do vậy, tôi sẽ không lấn cấn nhiều về quá khứ. Tôi sẽ không để những lời giảng đạo đức u ám xen vào giữa chúng ta đêm nay. Chúng ta cùng nhau hội tụ ở đây trong những giây phút ngắn ngủi tách xa khỏi những bề bộn vội vã đời thường. Chúng ta gặp mặt ở đây như những người bạn, trong tinh thần bạn hữu thân thiết, như những đồng nghiệp, theo khía cạnh nào đó, trong tình bạn thật sự, và như những người khách mời của - tôi nên gọi họ như thế nào đây? - Ba Nữ Nhã thần của thế giới âm nhạc Dublin.
Cả bàn tiệc òa lên tiếng vỗ tay và tiếng cười khi nghe thấy câu ví von này. Dì Julia tuyệt vọng quay sang hỏi lần lượt hai người ngồi bên cạnh xem Gabriel vừa mới nói gì.
- Anh ấy gọi chúng ta là Ba Nữ Nhã thần, dì Julia ạ, - Mary Jane nói.
Dì Julia không hiểu, nhưng bà ngẩng lên, mỉm cười với Gabriel, anh tiếp tục:
- Thưa các quý ông quý bà, tôi sẽ không liều thử nhiệm vụ mà chàng Paris đã làm xưa kia. Tôi sẽ không liều lựa chọn một người trong số họ. Nhiệm vụ đó thật là một lời xúc phạm bất công và vượt quá khả năng hèn mọn của tôi. Bởi khi tôi nhìn lần lượt mỗi người, dù đó là nữ chủ nhân chính của gia đình, với trái tim vô cùng đẹp đẽ, đã trở thành một tấm gương cho tất cả những ai biết bà; hay người chị gái của bà, người dường như được trời phú cho sự thanh xuân bất diệt và giọng hát chắc hẳn đã vừa là một khám phá đầy ngạc nhiên đối với rất nhiều người chúng ta đêm nay; và, cuối cùng, khi tôi nghĩ về vị nữ chủ nhà trẻ tuổi nhất, tài năng, tươi vui, chăm chỉ và là một cô cháu gái tuyệt vời nhất, tôi phải thú nhận, thưa các quý ông, quý bà, rằng tôi thực sự không biết mình nên trao tặng giải thưởng cho ai trong số họ.
Gabriel liếc về phía các bà dì, và khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dì Julia và những giọt nước mắt đang dâng lên trong mắt dì Kate, anh bèn vội vàng chuyển sang phần kết. Anh lịch thiệp nâng ly rượu pooc-tô của mình lên, trong khi tất cả những người khác cầm ly của mình, những ngón tay rung động chờ đợi, và nói to:
- Chúng ta hãy cùng nâng ly cho cả ba người. Chúng ta hãy uống vì sức khỏe, của cải, tuổi thọ, hạnh phúc, vì sự sung túc của họ và chúc họ sẽ giữ mãi vị trí đầy tự hào họ đã giành được, vị trí của lòng kính trọng và sự yêu quý họ có trong tim chúng ta.
Tất cả khách mời đứng dậy, ly trong tay, và hướng về ba quý bà đang ngồi, đồng ca, với Mr Browne lĩnh xướng:
Bởi họ thật vui vẻ tốt bụng
Bởi họ thật vui vẻ tốt bụng
Bởi họ thật vui vẻ tốt bụng
Có ai phủ nhận được điều này.
Dì Kate đưa khăn mùi soa lên chấm nước mắt không hề giấu giếm, ngay cả dì Julia dường như cũng thật xúc động. Freddy Malins đánh nhịp bằng cái dĩa ăn pudding của anh ta và những người hát quay sang hướng về nhau, như thể họ đang nói chuyện bằng giai điệu, trong khi họ cất cao giọng hát:
Trừ khi anh ta nói dối,
Trừ khi anh ta nói dối.
Rồi, một lần nữa lại quay về phía những nữ chủ nhà, họ hát:
Bởi họ thật vui vẻ tốt bụng
Bởi họ thật vui vẻ tốt bụng
Bởi họ thật vui vẻ tốt bụng
Có ai phủ nhận được điều này. 58
58 Bài hát quen thuộc thường được hát khi uống rượu, bắt nguồn từ bài hát về vị tướng quân đội Anh, Công tước xứ Marlborough (1650-1722) (Gifford).
Tiếng hoan hô khen ngợi sau đó còn kéo dài sang tận phòng bên kia bởi rất nhiều các vị khách khác và rồi lại được nhắc đi nhắc lại, dưới sự điều khiển của Freddy Malins với chiếc dĩa của anh ta vung vẩy trên cao.
Không khí lạnh cóng của buổi sáng len vào sảnh nơi họ đang đứng, dì Kate nói:
- Ai đó làm ơn hãy đóng cửa lại đi. Khéo không Mrs Malins cảm lạnh đấy.
- Browne đang ở ngoài đó, dì Kate, - Mary Jane nói.
- Browne ở khắp mọi nơi, - dì Kate hạ giọng.
Mary Jane cười phá lên trước giọng điệu của bà.
- Thật vậy, - cô tinh nghịch. - Ông ấy vô cùng ân cần chu đáo.
- Ông ta gắn lì ở đây, như đường gas ấy59, suốt cả Giáng sinh còn gì, - dì Kate nói, không đổi giọng.
59 Hệ thống khí đốt được gắn sẵn theo nhà.
Lần này bà cười đầy thích thú và nói nhanh:
- Nhưng bảo ông ấy vào trong đi, Mary Jane, và đóng cửa lại. Lạy Chúa đừng để ông ấy nghe thấy những gì dì vừa nói.
Đúng lúc đó cánh cửa sảnh mở ra và Mr Browne từ bậc cửa đi vào, vẫn còn đang cười ngất. Ông ta mặc một chiếc áo choàng dài màu xanh lá cây có ống tay và cổ áo giả bằng vải astrakhan và đội trên đầu một chiếc mũ lông hình oval. Ông ta chỉ xuống bờ ke tuyết phủ trắng xóa, từ đó vọng lên tiếng huýt gió chói tai.
- Teddy sẽ triệu toàn bộ xe ngựa ở Dublin đến đây, - ông ta nói.
Gabriel tiến ra từ phòng xép để áo phía sau phòng làm việc, khó nhọc xỏ vào chiếc áo choàng của mình và, nhìn quanh sảnh, nói:
- Gretta vẫn chưa xuống nhỉ?
- Cô ấy đang sửa soạn đồ, Gabriel, - dì Kate nói.
- Ai đang chơi đàn trên đó vậy dì? - Gabriel hỏi.
- Không có ai đâu. Họ đều đi cả rồi.
- Dạ không, dì Kate, - Mary Jane nói. - Bartell D’Arcy và Miss O’Callaghan vẫn chưa về đâu.
- Dù gì thì chắc chắn cũng có ai đó đang nghịch cây piano, - Gabriel nói.
Mary Jane nhìn Gabriel và Mr Browne nói, giọng run lập cập:
- Nhìn hai quý ông mặc kín mít thế này tôi thấy lạnh quá. Tôi thì tôi sẽ không thích thú gì phải đối mặt với chặng đường về như của các vị vào giờ này đâu.
- Tôi thì tôi lại thích nhất như thế này đấy, - Mr Browne nói, vẻ anh hùng, - còn gì sướng hơn là được thả sức dạo bước chốn đồng quê, hoặc tung cánh đánh xe lao đi với một con ngựa chạy nước đại phía trước.
- Trước kia nhà chúng tôi cũng từng có một cỗ xe và một con ngựa rất hay, - dì Julia nói, buồn bã.
- Ôi Johnny lừng lẫy, - Mary Jane nói, cười to.
Dì Kate và Gabriel cùng cười.
- Sao, có chuyện gì hay ho với Johnny vậy? - Mr Browne hỏi.
- Chuyện là về Patrick Morkan, người ông quá cố đầy thương tiếc của chúng tôi, - Gabriel giải thích, - thường được biết tới trong những năm cuối đời dưới cái tên “lão quý ông”, là một thợ nấu keo.
- Ôi không, Gabriel, - dì Kate nói, cười khúc khích. - Ông có cả một xưởng hồ mà.
- Vâng, thì xưởng hồ, - Gabriel nói. - Lão quý ông có một con ngựa đặt tên là Johnny. Và Johnny thường làm việc trong xưởng của quý ông lớn tuổi, cứ đi vòng quanh để kéo cối xay. Tất cả đều tốt đẹp; cho tới ngày đến hồi bi kịch của Johnny. Một ngày đẹp trời quý ông lớn tuổi nghĩ mình phải đánh xe thế nào cho ra dáng để đến cuộc duyệt binh trong công viên mới được.
- Cầu Chúa ban phước cho linh hồn ông, - dì Kate nói đầy thương cảm.
- Amen, - Gabriel nói. - Thế là lão quý ông, như tôi đã nói, thắng cương Johnny, đội lên đầu chiếc mũ đẹp nhất, mặc chiếc cổ cồn đẹp nhất và rất hoành tráng đánh xe ra từ tòa nhà tổ tiên để lại, hình như ở gần Back Lane60, tôi nghĩ vậy.
60 Back Lane: Phố trung tâm Dublin, bờ nam sông, thực ra thuộc khu tồi tàn (Gifford).
Tất cả mọi người, kể cả Mrs Malins, cười ồ lên trước điệu bộ của Gabriel, và dì Kate nói:
- Ấy không, Gabriel, ông không sống ở Back Lane đâu, thật đấy. Chỉ có cái xưởng là ở đấy thôi.
- Ra khỏi tòa nhà tổ tiên để lại, - Gabriel kể tiếp, - ông tiếp tục tiến lên với cỗ xe Johnny kéo. Và mọi chuyện diễn ra vô cùng hoành tráng cho đến lúc Johnny nhìn thấy bức tượng của Vua Billy61: và không biết có phải vì nó phải lòng con ngựa Vua Billy đang cưỡi hay nó nghĩ mình đang quay lại xưởng xay, mà nó bèn bắt đầu đi vòng vòng quanh bức tượng.
61 Vua William III (of Orange): Xem chú thích trang 304.
Gabriel giậm đôi ủng cao su của anh, bước lòng vòng trong sảnh giữa tiếng cười ầm ĩ của mọi người.
- Nó cứ đi lòng vòng như vậy, - Gabriel nói, - và quý ông lớn tuổi, một quý ông vô cùng trịnh trọng, thấy rất phẫn nộ. Nào, thưa ngài? Ý ngài là gì vậy, thưa ngài? Johnny! Johnny! Hành động kỳ lạ chưa từng có! Không thể hiểu được con ngựa này!
Những tràng cười giòn giã theo sau câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng cửa đập mạnh. Mary Jane chạy ra mở cửa dẫn Freddy Malins vào. Freddy Malins, mũ tuột cả về phía sau và hai vai co ro vì lạnh, phì phò như hụt hơi vì mệt:
- Tôi chỉ gọi được một xe thôi, - anh ta nói.
- Không sao, chúng tôi sẽ đi dọc ke tìm cái khác, - Gabriel nói.
- Đúng đấy, - dì Kate nói. - Không nên để bà Malins ra gió.
Mrs Malins được con trai và Mr Browne đỡ bước xuống bậc cửa, và sau rất nhiều sự trợ giúp gượng nhẹ mới vào được trong xe. Freddy Malins trèo lên sau bà và mất một lúc lâu mới giúp được mẹ ngồi vào chỗ, còn Mr Browne đứng bên ngoài hỗ trợ bằng những câu khuyên thế này thế kia. Cuối cùng bà cũng ngồi yên vị và Freddy Malins mời Mr Browne vào xe. Sau đó là một hồi bàn bạc rối tinh, và rồi Mr Browne lên xe. Người đánh xe đặt tấm thảm lên trên đầu gối, nghiêng xuống hỏi địa chỉ phải đi. Hồi bàn bạc trở nên thậm chí còn rối tinh rối mù thêm, Freddy Malins và Mr Browne mỗi người chỉ dẫn người đánh xe một cách khác nhau, mỗi người đều thò đầu ra khỏi cửa xe ngựa.
Vấn đề ở đây là nên thả Mr Browne xuống đoạn nào thì tiện nhất, và dì Kate, dì Julia, và Mary Jane đang đứng chỗ bậc thềm cũng góp sức bàn luận, thế là có vô vàn những chỉ dẫn ngược nhau, rối tinh, và những tràng cười. Về phần Freddy Malins, anh ta cười ngất không nói nổi. Chốc chốc anh ta lại thò đầu ra thụt đầu vào nơi cửa xe, suýt nữa làm rơi mũ, và tường thuật lại cho mẹ cuộc bàn luận diễn biến đến đâu rồi, cho đến khi cuối cùng Mr Browne hét lên với người đánh xe đang hoang mang giữa những tiếng cười nói ầm ĩ của mọi người:
- Anh có biết trường Trinity College không62?
62 Đây là câu chọc ghẹo vì trường Trinity College là một trong những điểm mốc của Dublin.
- Có, thưa ngài, người đánh xe nói.
- Được, vậy hãy đánh xe ngựa về phía cổng trường Trinity College, - Mr Browne nói, - rồi chúng tôi sẽ chỉ tiếp đường cho anh. Giờ anh đã rõ chưa?
- Vâng, thưa ngài, - người đánh xe nói.
- Hãy tung cánh về phía Trinity College.
- Vâng, thưa ngài, - người đánh xe hô to.
Con ngựa bị quất và cỗ xe lọc cọc đi khỏi, dọc theo bờ ke giữa những tràng cười và tiếng lao xao tạm biệt.
Gabriel không đi ra cửa cùng với những người khác. Anh đang đứng trong khoảnh tối của sảnh ngước nhìn lên phía cầu thang. Một người phụ nữ đang đứng phía đỉnh cầu thang, cũng trong bóng tối. Anh không nhìn được khuôn mặt cô nhưng có thể nhìn thấy những nếp màu đỏ gạch và hồng cam trên chiếc váy của cô trong bóng tối như biến thành màu đen và trắng. Đó là vợ anh. Cô đang đứng dựa vào thành cầu thang, lắng nghe cái gì đó. Gabriel thấy ngạc nhiên trước dáng bất động của cô và cũng căng tai lên lắng nghe. Nhưng anh chỉ thấy giữa những âm thanh lao xao cười nói tranh cãi vọng lại từ phía bậc thềm là tiếng mấy nốt nhạc piano và bập bõm giọng hát của một người đàn ông.
Anh vẫn đứng trong bóng tối mờ của gian sảnh, căng tai lắng nghe khúc hát và đăm đăm hướng nhìn lên phía vợ mình. Có một vẻ yêu kiều và huyền bí trong dáng vẻ của cô như thể cô là biểu tượng cho một điều gì đó. Anh tự hỏi hình ảnh một người phụ nữ đứng trên cầu thang trong ánh sáng mờ, lắng nghe tiếng nhạc từ xa vọng lại, có thể là biểu tượng của cái gì. Giá như là họa sĩ nhất định anh đã vẽ cô trong dáng vẻ ấy. Chiếc mũ màu xanh thẳm của cô sẽ làm tôn lên sắc vàng của mái tóc trong bóng tối và những nếp váy màu thẫm của cô sẽ tôn những nếp nhạt màu. Tiếng nhạc xa, anh sẽ gọi bức tranh như thế nếu anh là họa sĩ.
Cửa sảnh đóng lại, rồi dì Kate, dì Julia, và Mary Jane đi vào, vẫn còn cười khúc khích.
- Ây da, hôm nay Freddy đúng là quậy quá nhỉ? - Mary Jane nói. - Anh ta quậy quá sức.
Gabriel không nói gì, chỉ lên phía cầu thang nơi vợ anh đang đứng. Giờ khi cửa sảnh đã đóng lại, giọng hát và tiếng đàn piano trở nên rõ hơn. Gabriel giơ tay ra hiệu cho họ im lặng. Bài hát nghe như giai điệu Ireland cổ và dường như người hát không chắc chắn lắm về cả lời bài hát lẫn giọng hát của anh ta. Giọng hát, nghe buồn thảm bởi vọng từ xa xa và bởi chất giọng khàn khàn của người hát, không diễn tả thành công lắm điệu nhạc với những ca từ buồn thảm:
Ôi, mưa rơi trên mái đầu tôi nặng trĩu
Và sương phủ ướt người tôi,
Người yêu tôi nằm kia lạnh lẽo...63
63 Một đoạn trong bài hát dân gian Cô gái làng Aughrim. Aughrim là tên ngôi làng ở hạt Galway, cũng là nơi diễn ra trận Aughrim năm 1691, trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử Ireland. Cô gái làng Aughrim là bài tình ca buồn, kể lại kỷ niệm với một cô gái nay đã chết.
- Ôi, - Mary Jane kêu lên. - Đó là Bartell D’Arcy đấy, thế mà cả tối nay anh ta từ chối không hát. Cháu phải bắt anh ta hát trước khi về mới được.
- Ấy đúng đấy, Mary Jane, - dì Kate nói.
Mary Jane kéo váy đi vượt lên trên những người khác và chạy về phía cầu thang, nhưng trước khi cô bước lên bậc thì tiếng hát dừng lại và cây đàn piano đột ngột đóng sập xuống.
- Ôi, tiếc quá! - cô kêu lên. - Anh ấy đang xuống đấy à, Gretta?
Gabriel nghe thấy vợ mình trả lời phải và nhìn thấy cô đi xuống phía họ. Cách cô mấy bậc phía trên là Mr Bartell D’Arcy và Miss O’Callaghan.
- Ôi, ngài D’Arcy, - Mary Jane kêu lên. - Ngài đúng là thật cực kỳ quá đáng khi ngừng lại như thế trong khi tất cả chúng tôi đây đang rất muốn nghe ngài hát.
- Tôi cũng đã thuyết phục anh ấy hát cả buổi tối nay đấy, - Miss O’Callaghan nói. - Cả Mrs Conroy cũng thuyết phục, thế mà anh ấy nói với chúng tôi rằng anh ấy đang bị cảm nặng và không thể hát được.
- Ôi, ngài D’Arcy, - dì Kate nói, - giờ thì rõ ràng đó là một lời nói dối nhé.
- Các vị không thấy giọng tôi khản đặc như quạ kêu đó sao? - Mr D’Arcy nói một cách thô lỗ.
Anh ta đi nhanh vào phòng để đồ và mặc áo choàng. Những người khác, sửng sốt trước câu nói lỗ mãng của anh ta, không tìm được điều gì để nói. Dì Kate nhíu mày lại ra hiệu cho những người khác không đả động gì về chuyện này nữa. Mr D’Arcy đứng quấn khăn kỹ càng vào cổ và cau mày.
- Tại thời tiết ấy mà, - dì Julia nói, - sau một khoảng lặng.
- Phải, ai cũng bị cảm lạnh, - dì Kate đáp liền, - ai cũng bị.
- Họ nói, - Mary Jane nói, - ba mươi năm nay chúng ta mới có tuyết rơi dày thế này và sáng nay tôi đọc trên báo thấy viết khắp Ireland tuyết đang phủ đầy.
- Tôi thì lại thích nhìn tuyết, - dì Julia nói buồn bã.
- Tôi cũng vậy, - Miss O’Callaghan nói. - Tôi nghĩ Giáng sinh mà không có tuyết phủ đầy mặt đất thì còn gì là Giáng sinh nữa.
- Nhưng ngài D’Arcy đáng thương không thích tuyết đâu, - dì Kate nói, mỉm cười.
Mr D’Arcy từ phòng để đồ đi ra, quấn khăn cài áo kín mít, và với một giọng hối lỗi kể lại cho họ nghe ngọn nguồn cơn cảm lạnh của anh ta. Ai cũng đưa ra cho anh ta một lời khuyên và nói thật vô cùng đáng tiếc và hối anh phải giữ ấm cổ họng khi đi ra ngoài buổi tối.
Gabriel nhìn vợ, cô không tham gia vào câu chuyện. Cô đang đứng ngay dưới vòm cửa sổ ám bụi và ánh lửa ga làm sáng lên sắc vàng đậm nơi mái tóc cô, mái tóc cách đây mấy ngày anh vừa thấy cô hong bên lò sưởi. Cô vẫn có dáng vẻ xa xăm lúc nãy và dường như không để ý đến câu chuyện đang diễn ra xung quanh. Cuối cùng cô quay lại phía họ và Gabriel nhìn thấy má cô ửng hồng và mặt cô sáng ngời. Một niềm vui sướng bỗng bừng lên trong tim anh.
- Ngài D’Arcy, - cô nói, - bài anh vừa hát tên là gì vậy?
- Đấy là bài Cô gái làng Aughrim, - Mr D’Arcy nói. - Nhưng tôi không nhớ rõ lời lắm. Sao cơ? Chị biết nó à?
- Cô gái làng Aughrim, - cô nhắc lại. - Tôi không thể nhớ ra cái tên đó.
- Giai điệu hay lắm, - Mary Jane nói. - Tôi rất tiếc đêm nay giọng anh không được tốt.
- Nào, Mary Jane, - dì Kate nói, - đừng có làm phiền ngài D’Arcy nữa. Dì không để ngài phải khó chịu đâu.
Khi thấy tất cả đã sẵn sàng đi bà bèn dẫn họ ra cửa, và ở đây họ chào tạm biệt nhau:
- Nào, tạm biệt dì Kate, và cảm ơn dì về buổi tối thật tuyệt vời.
- Tạm biệt, Gabriel. Tạm biệt, Gretta!
- Tạm biệt, dì Kate, và cảm ơn dì rất nhiều. Tạm biệt, dì Julia.
- Ôi, tạm biệt cháu, Gretta, dì không nhìn thấy cháu.
- Tạm biệt, Mr D’Arcy. Tạm biệt, Miss O’Callaghan.
- Tạm biệt, Miss Morkan.
- Tạm biệt.
- Tạm biệt tất cả nhé. Đi về cẩn thận.
- Tạm biệt. Tạm biệt.
Ngày vẫn chưa rạng. Một làn ánh sáng vàng mờ nhạt phủ lên những ngôi nhà và dòng sông, và bầu trời dường như đang trĩu xuống. Tuyết đã tan ra ẩm ướt dưới chân, chỉ còn những vệt những mảng bám trên mái nhà, trên bờ ke và trên hàng rào. Những ngọn đèn đường vẫn cháy đỏ le lói trong không khí âm u và, bên kia sông, Điện Tòa án64 in bóng đầy đe dọa trên nền trời nặng nề.
64 Điện Tòa án: Tòa nhà lớn thế kỷ XVIII, một trong những điểm mốc quan trọng nhất của Dublin, trên bờ bắc sông Liffey, là trụ sở của các tòa án trung ương Ireland.
Cô đang bước đi phía trước anh cùng Mr Bartell D’Arcy, đôi giày gói trong túi giấy màu nâu kẹp dưới một cánh tay và hai bàn tay cô nâng váy để khỏi chạm vào lớp tuyết tan. Cô không còn cái vẻ xa xôi lúc trước, nhưng mắt Gabriel giờ vẫn ngời lên hạnh phúc. Máu rần rật chảy trong huyết quản của anh và những suy nghĩ rối bời trong tâm trí anh, tự hào, vui sướng, dịu dàng, can đảm.
Cô đang bước đi phía trước anh nhẹ nhàng và xinh đẹp đến nỗi anh muốn sao được im lặng chạy theo cô, ôm lấy hai vai cô và thì thầm điều gì đó thật xuẩn ngốc và trìu mến vào tai cô. Anh thấy cô mong manh đến nỗi anh muốn được bảo vệ cô khỏi điều gì đó và rồi được ở một mình với cô. Những giây phút trong cuộc sống riêng tư của họ bừng sáng lấp lánh trong tâm trí anh. Một phong thư màu hồng tím đang nằm bên cạnh bữa sáng của anh và anh đang lấy tay vuốt ve nó. Ngoài bụi thường xuân chim chóc đang ríu rít và tấm rèm đăng ten đầy ánh nắng đang lấp lánh in lên sàn nhà: anh không thể ăn nổi vì hạnh phúc. Họ đang đứng trên sân ga đông nghẹt người và anh đang ấn một tấm vé vào lòng bàn tay đi găng nóng ấm của cô. Anh đang đứng cùng cô trong giá lạnh, nhìn qua một khung cửa sổ mắt cáo một người đàn ông đang thổi chai trên cái lò hừng hực lửa. Trời rất lạnh. Gương mặt cô, thoảng mùi thơm trong làn không khí lạnh, đang ở khá gần mặt anh, và đột nhiên anh gọi to người đàn ông bên lò lửa:
- Lò có nóng không, thưa ngài?
Nhưng người đàn ông không nghe thấy gì giữa tiếng ồn khu lò. Cũng chẳng sao. Nếu không có khi ông ta đã đáp lại thô lỗ.
Một niềm vui còn dịu dàng hơn nữa dâng trào tim anh và chạy ấm nóng trong huyết mạch. Như ngọn lửa bừng sáng dịu dàng, những giây phút cuộc sống bên nhau của họ, cuộc sống chưa ai từng biết được và cũng sẽ không bao giờ biết được, òa ra lóe sáng trí nhớ của anh. Anh muốn được gợi cho cô nhớ lại những giây phút đó, để làm cô quên đi những năm tháng tồn tại tẻ ngắt bên nhau và chỉ nhớ những giây phút vui sướng nhất của họ. Bởi anh cảm thấy năm tháng vẫn chưa thể làm nguội lạnh tâm hồn của anh hay của cô. Những đứa con của họ, công việc viết lách của anh, những lo lắng nội trợ của cô vẫn không thể dập tắt được ngọn lửa dịu dàng trong tâm hồn họ. Trong một trong những lá thư anh viết cho cô hồi đó anh từng nói: Tại sao những từ ngữ như thế này đối với anh thật tẻ ngắt và lạnh lẽo? Có phải bởi vì trên đời không có từ nào đủ dịu dàng để có thể trở thành tên em?
Như tiếng nhạc văng vẳng những từ ngữ anh đã viết trước kia từ quá khứ lại hiện về trong anh. Anh muốn sao được ở một mình bên cô. Khi những người khác đã đi khỏi, khi anh và cô đã ở trong căn phòng của họ tại khách sạn, lúc đó chỉ có họ ở bên nhau. Anh sẽ gọi cô dịu dàng:
- Gretta!
Có thể lúc đó cô sẽ chưa nghe thấy: cô vẫn còn đang cởi mũ áo. Rồi một cái gì đó trong giọng nói của anh sẽ đánh thức cô. Cô sẽ quay lại và nhìn anh...
Tại góc phố Winetavern65 họ gặp một chiếc xe ngựa. Anh thấy mừng rỡ vì tiếng lọc cọc của nó cứu anh không phải trò chuyện. Cô đang nhìn ra ngoài cửa xe và trông có vẻ mệt. Những người khác nói vài câu, chỉ trỏ mấy tòa nhà hay đường phố bên ngoài. Con ngựa chạy mỏi mệt dưới bầu trời bình minh u ám, kéo lê sau gót cái khối hộp ọp ẹp cũ kỹ của nó, và Gabriel một lần nữa nhớ lại cảnh anh ở trong xe ngựa với cô, phi nước đại để bắt kịp tàu, phi nước đại đến với tuần trăng mật của họ.
65 Phố Winetavern: Phố gần Usher’s Island, trung tâm bờ nam Dublin.
Khi xe đi qua cầu O’Connell66, Miss O’Callaghan nói:
66 Cầu O’Connell: Cầu trên sông Liffey, dẫn vào phố Sackville (giờ là O’Connell), phố chính trong khu trung tâm bờ bắc thành phố.
- Họ nói không bao giờ đi qua cầu O’Connell Bridge mà không nhìn thấy một con ngựa trắng.
- Lần này thì tôi nhìn thấy một người trắng, - Gabriel nói.
- Đâu vậy? - Mr Bartell D’Arcy hỏi.
Gabriel chỉ vào bức tượng67, trên đó phủ đầy những mảng tuyết. Rồi anh gật đầu thân mật với nó và vẫy tay.
67 Bức tượng của Daniel O’Connell (1775-1874), được dựng ở đầu phố Sackville (giờ là O’Connell). Daniel O’Connell đấu tranh cho phong trào xóa bỏ phân biệt đối xử đối với người Công giáo tại Anh và Ireland, và thường được gọi một cách thân mật là Dan.
- Chúc ngủ ngon, Dan, - anh nói vui vẻ.
Khi chiếc xe dừng lại trước khách sạn, Gabriel nhảy xuống, và, mặc cho Mr Bartell D’Arcy phản đối, trả tiền người đánh xe. Anh tặng thêm cho anh ta một shilling. Người đàn ông ngả mũ chào cảm tạ và nói:
- Chúc ngài một năm mới thịnh vượng, thưa ngài.
- Tôi cũng chúc anh như vậy, - Gabriel nói ấm áp.
Cô thoáng dựa vào cánh tay anh, khi ra khỏi xe và khi đứng dưới vỉa hè chào tạm biệt những người khác. Cô dựa nhẹ vào cánh tay anh, nhẹ như khi cô nhảy với anh cách đó vài giờ. Lúc đó anh đã cảm thấy thật tự hào và hạnh phúc, hạnh phúc bởi cô là của anh, tự hào vì sự thanh nhã và phong thái người vợ lịch lãm của cô. Nhưng giờ đây, sau khi bao nhiêu kỷ niệm vừa rực lên trong tâm trí, cái đụng chạm đầu tiên của thân thể cô, đầy giai điệu, lạ lùng, thơm ngát, làm cho người anh nóng bừng lên một niềm khao khát. Trong sự im lặng của cô anh kéo sát cánh tay cô vào người mình; và, khi họ đứng trước cửa khách sạn, anh cảm thấy như họ vừa trốn chạy khỏi cuộc sống và những trách nhiệm, trốn chạy khỏi gia đình và bạn bè, cùng nhau chạy thoát với những trái tim bùng cháy hoang dại tới một cuộc phiêu lưu mới.
Một ông già đang gà gật trên chiếc ghế dựa lớn trong sảnh. Ông ta thắp một cây nến và dẫn họ đi lên cầu thang. Họ đi theo ông ta trong im lặng, bàn chân họ chạm thật êm lên lớp thảm dày phủ bậc thang. Cô đi lên sau người gác cửa, đầu nghiêng nghiêng, hai bờ vai mỏng mảnh thu lại như thể dưới một gánh nặng, váy cô cuốn sát vào người. Nếu được, anh đã dang hai cánh tay ra ôm lấy hông cô và ôm cô thật chặt, bởi hai tay anh đang run lên thèm khát được siết lấy cô và chỉ có cái bấu chặt móng tay vào lòng bàn tay mới khiến anh kìm lại được cơn thôi thúc hoang dại của cơ thể mình. Người gác cửa dừng trên cầu thang để chỉnh lại ngọn nến ngả nghiêng của ông ta. Họ cũng dừng lại phía sau ông ta mấy bậc thang. Trong im lặng Gabriel có thể nghe thấy tiếng sáp nến tan chảy rơi xuống khay và tiếng thình thịch của trái tim của mình dội trong lồng ngực.
Người gác cửa dẫn họ dọc theo một hành lang và mở một cánh cửa. Rồi ông ta đặt cây nến nghiêng ngả của mình lên chiếc bàn phấn và hỏi họ sáng mai muốn được gọi dậy lúc mấy giờ.
- Tám giờ, - Gabriel nói.
Người gác cửa chỉ vào công tắc chiếc đèn điện và lúng búng một lời xin lỗi, nhưng Gabriel đã cắt ngang ông ta.
- Chúng tôi không muốn đèn nến gì đâu. Đèn dưới phố hắt lên là đủ rồi. Và tôi có thể nói rằng, anh nói thêm, chỉ vào cây nến, ông làm ơn mang cái vật đẹp đẽ này đi hộ được không, ông bạn.
Người gác cửa lại nhấc cây nến lên, nhưng thật chậm chạp, bởi ông ta đang sửng sốt trước một ý kiến kỳ quặc như thế. Rồi ông ta lúng búng lời chúc ngủ ngon và đi ra. Gabriel ấn khóa cửa.
Ánh sáng nhợt nhạt từ ngọn đèn dưới đường chiếu thành một đường dài từ cửa sổ tới cửa ra vào. Gabriel ném áo khoác và mũ lên chiếc sofa và đi sang phía cửa sổ. Anh nhìn xuống đường mong những cảm xúc của mình dịu lại chút ít. Rồi anh quay lại và đứng dựa vào chiếc tủ kéo, lưng quay lại phía ánh sáng. Cô đã cởi bỏ mũ và áo choàng và đang đứng trước một cái gương xoay lớn, tháo dây buộc eo váy. Gabriel ngừng lại mấy giây, quan sát cô, rồi nói:
- Gretta!
Cô chầm chậm từ gương quay ra và đi dọc theo đường ánh sáng tiến lại phía anh. Gương mặt cô trông nghiêm trang và mỏi mệt đến nỗi Gabriel không thốt nổi những gì muốn nói. Không, lúc này chưa phải lúc.
- Trông em mệt mỏi quá, - anh nói.
- Em hơi mệt, - cô trả lời.
- Em không thấy khó ở hay ốm đau gì đấy chứ?
- Không, em chỉ mệt thôi.
Cô đi về phía cửa sổ và đứng đó, nhìn ra ngoài. Gabriel tiếp tục chờ đợi nhưng rồi, sợ rằng sự thiếu tự tin chuẩn bị chiếm lấy mình, anh đột ngột nói:
- À mà này, Gretta!
- Gì vậy anh?
- Em biết chuyện anh chàng tội nghiệp Malins không? - anh hỏi nhanh.
- Vâng. Anh ta làm sao cơ?
- Ừ, gã khốn khổ, dù sao anh ta cũng là người tử tế, - Gabriel nói, nghe giọng mình thật xa lạ. - Anh ta đã trả món tiền một bảng anh cho anh ta vay, mà anh thì đúng là không chờ đợi anh ta làm thế, thật đấy. Thật tiếc anh ta không tách nổi khỏi lão Browne, bởi thực ra anh ta đâu có phải là người xấu, thật vậy.
Giờ thì anh run lên vì bực dọc. Tại sao trông cô lại lơ đãng như vậy? Anh không biết phải bắt đầu thế nào. Hay là cô cũng đang bực mình với chuyện gì? Giá như cô quay sang anh hoặc đến với anh, thực sự là cô! Nếu ép cô bây giờ thì thật ác quá. Không, anh phải nhìn thấy chút lửa trong mắt cô trước đã. Anh chỉ muốn được chế ngự cái tâm trạng lạ kỳ này của cô.
- Anh cho anh ấy vay khi nào? - cô hỏi, sau một lúc im lặng.
Gabriel cố hết sức kìm nén để không bùng lên những lời lẽ ác độc về gã nghiện rượu Malins và món tiền một bảng của hắn. Anh chỉ muốn bùng cháy thổ lộ hết với cô, ghì nát thân thể cô vào thân thể anh, muốn chiếm lĩnh cô. Nhưng anh nói:
- À, hồi Giáng sinh, khi anh ta mở cái cửa hiệu bán thiệp Giáng sinh đó, trên phố Henry.
Người anh hừng hực giận dữ và thèm khát đến nỗi anh không nghe thấy cô tiến lại từ cửa sổ. Cô đứng bên anh một thoáng, nhìn anh một cách kỳ lạ. Rồi, đột ngột rướn người lên, hai tay đặt nhẹ lên vai anh, cô hôn anh.
- Anh là một người rất rộng lượng, Gabriel, - cô nói.
Gabriel, run lên vì nụ hôn bất ngờ của cô và vì vẻ lạ lùng trong câu nói của cô, đặt hai tay lên tóc cô và vuốt nhè nhẹ, ngón tay anh hầu như không chạm vào chúng. Lần gội vừa rồi làm chúng mềm và sáng. Trái tim anh ngập tràn hạnh phúc. Đúng lúc anh đang mong ước thì cô đã đến bên anh, là cô thực sự. Có lẽ những ý nghĩ của cô cũng vừa hòa với những ý nghĩ của anh. Có lẽ cô cảm thấy được niềm khao khát mãnh liệt ở trong anh, và rồi tâm trạng khao khát cũng choán lấy cô. Giờ đây khi cô đã bị anh khuất phục dễ dàng như vậy, anh tự hỏi vì sao vừa rồi mình lại thiếu tự tin quá đỗi thế.
Anh đứng, hai tay ôm nhẹ lấy đầu cô. Rồi, nhẹ vòng một cánh tay choàng lên thân thể cô và kéo cô sát lại mình, anh nói dịu dàng:
- Gretta, em yêu, em đang nghĩ gì vậy?
Cô không trả lời mà cũng không thực sự đáp lại cái choàng tay của anh. Anh lại dịu dàng:
- Nói cho anh biết đi, Gretta. Anh nghĩ anh biết có chuyện gì. Anh có biết không?
Cô không trả lời ngay. Rồi cô nói, òa khóc:
- Ôi, em đang nghĩ đến cái bài hát ấy, Cô gái làng Aughrim.
Cô vùng khỏi anh và chạy đến giường, quăng hai tay qua thành giường, giấu mặt xuống. Gabriel đứng sững một giây, sửng sốt, rồi bước theo cô. Khi đi qua tấm gương lớn anh bắt gặp hình ảnh mình, cả người, ngực áo phía trước rộng và vạm vỡ, khuôn mặt có một vẻ luôn làm anh khó hiểu mỗi lần nhìn vào gương, và đôi mắt kính gọng vàng lấp lánh. Anh dừng lại cách cô mấy bước và nói:
- Bài hát đó làm sao? Tại sao nó làm em phải khóc?
Cô ngẩng đầu lên khỏi hai cánh tay và lấy tay quệt lên mắt như một đứa trẻ. Một nét dịu dàng hơn là anh định xen vào trong giọng nói anh.
- Tại sao, Gretta? - anh hỏi.
- Em đang nghĩ đến một người cách đây lâu lắm rồi đã từng hát bài hát ấy.
- Và ai là cái người cách đây lâu lắm rồi ấy? - Gabriel hỏi, mỉm cười.
- Đó là một người em từng biết hồi sống cùng bà ở Galway, - cô nói.
Nụ cười tan biến trên khuôn mặt Gabriel. Một cơn giận tối tăm bắt đầu dồn lại dưới đáy tâm trí anh và những ngọn lửa tối tăm thèm khát của anh bắt đầu cháy giận dữ trong huyết quản.
- Một người em đã từng yêu? - anh mỉa mai.
- Đó là một chàng trai em từng quen, - cô trả lời. - Tên là Michael Furey68. Cậu ấy thường hát bài hát đó, Cô gái làng Aughrim. Cậu ấy rất mong manh.
68 Michael: Cũng là tên sứ thần Michael, theo Thiên Chúa giáo, là vị bảo trợ giúp chống lại những điều xấu xa độc ác và chăm sóc cho linh hồn những người đã chết.
Gabriel lặng im. Anh không muốn cô nghĩ anh quan tâm thích thú đến cái chàng trai mong manh này.
- Em vẫn có thể mường tượng thật rõ cậu ấy, - cô nói, sau một lúc im lặng. - Cậu ấy có đôi mắt mới kỳ lạ làm sao: một đôi mắt to, đen! Và cảm xúc trong đôi mắt ấy chứ - một cảm xúc đặc biệt!
- Và, thế rồi, em yêu cậu ta? - Gabriel nói.
- Em thường đi dạo với cậu ấy, - cô nói, - hồi em ở Galway.
Một ý nghĩ thoáng qua tâm trí Gabriel.
- Có lẽ đó là vì sao em lại muốn đi Galway với cái cô Ivors kia, phải không? - anh nói giọng lạnh lẽo.
Cô nhìn anh và ngạc nhiên hỏi:
- Để làm gì kia chứ?
Đôi mắt cô làm Gabriel thấy lúng túng. Anh nhún vai và nói:
- Làm sao anh biết được? Để gặp lại cậu ta, có lẽ.
Cô rời mắt khỏi anh, nhìn theo vệt sáng ra phía cửa sổ, im lặng.
- Cậu ấy đã chết, - cô ngập ngừng. - Cậu ấy chết khi mới mười bảy tuổi. Chết trẻ như thế thật là một điều khủng khiếp, phải không?
- Cậu ta làm gì? - Gabriel hỏi, giọng vẫn mỉa mai.
- Cậu ấy làm trong nhà máy khí đốt, - cô nói.
Gabriel cảm thấy nhục nhã bởi ý định mỉa mai của anh đã thất bại và bởi hình ảnh được gợi lên từ cõi chết này, hình ảnh một cậu bé làm trong nhà máy khí đốt. Trong lúc anh đang ngập tràn những kỷ niệm thầm kín bên nhau của họ, ngập tràn dịu dàng vui sướng khao khát, thì cô lại đang thầm so sánh anh với một người khác. Một nỗi hổ thẹn choán lấy anh. Anh thấy mình như một gã lố bịch, đóng vai một thằng hầu sai vặt cho các dì mình, một người đa cảm đầy thiện ý, đầy lo lắng, diễn thuyết cho những kẻ trưởng giả thô lậu và lý tưởng hóa những ham muốn nực cười của chính mình, một gã đần độn đáng thương anh vừa thoáng nhìn thấy trong gương. Theo bản năng, anh quay lưng che ánh sáng sợ cô có thể nhìn thấy nỗi hổ thẹn đang nóng bừng trên trán anh.
Anh cố giữ cho giọng mình nghe như một câu hỏi lạnh lùng nhưng khi cất lên nó lại thật hèn mọn và tầm thường.
- Anh cho là em đã yêu cái cậu Michael Furey đó, Gretta ạ, - anh nói.
- Hồi đó em đã rất thân với cậu ấy, - cô nói.
Giọng cô lạc đi buồn bã. Gabriel, cảm thấy sẽ thật vô ích nếu cứ cố dẫn dắt cô đi theo những gì anh định, bèn vuốt ve bàn tay cô và nói, cũng thật buồn bã:
- Và cậu ta bị làm sao mà chết trẻ thế, Gretta? Bệnh lao phổi chăng?
- Em nghĩ cậu ấy đã chết vì em, - cô trả lời.
Một nỗi sợ hãi mơ hồ choán lấy Gabriel khi nghe thấy lời đáp ấy, như thể, đúng giờ khắc đó khi anh từng hy vọng sẽ chiến thắng, một thực thể vô hình và đầy hận thù lại đang tiến đến chống lại anh, tập trung hết sức lực chống lại anh trong cái thế giới mơ hồ của nó. Nhưng anh rùng mình rũ bỏ nó với một sự cố gắng lý trí và tiếp tục vuốt ve bàn tay cô. Anh không hỏi cô nữa, bởi anh cảm thấy cô sẽ vỡ òa ra mất. Bàn tay cô nóng và ẩm: nó không đáp lại cái động chạm của anh, nhưng anh tiếp tục vuốt ve nó giống như anh đã từng vuốt ve lá thư đầu tiên cô gửi cho anh sáng mùa xuân đó.
- Hồi đó đang là mùa đông, - cô nói, - khoảng đầu đông và em đang chuẩn bị rời khỏi nhà bà lên học trường dòng trên này. Và lúc đó cậu ấy đang ốm ở Galway và không được đi ra ngoài, và người nhà cậu ấy ở Oughterard69 đã được viết thư thông báo tình hình. Cậu ấy bị suy nhược, họ nói thế, hoặc cái gì đó tương tự. Em đã không bao giờ biết được chính xác.
69 Oughterard: Ngôi làng cách Galway khoảng 17 dặm (27 km) về phía bắc.
Cô ngừng lại một lát rồi thở dài.
- Anh chàng khốn khổ, cô nói. Cậu ấy thích em lắm và cậu ấy là một chàng trai hiền lành. Bọn em thường đi chơi với nhau, đi dạo, anh biết đấy, Gabriel, như cách họ vẫn thường làm ở thôn quê ấy. Đáng lẽ ra cậu ấy đã chuẩn bị đi học hát, nếu không vì chuyện sức khỏe. Cậu ấy có giọng hát rất hay, Michael Furey đáng thương.
- Và rồi, sau đó? - Gabriel hỏi.
- Và rồi đến lúc em phải rời Galway lên đây theo học, lúc ấy sức khỏe cậu ấy càng ngày càng tồi tệ và em không được phép gặp cậu ấy nữa, thế là em viết cho cậu ấy một bức thư nói rằng em sắp lên Dublin và sẽ quay trở lại vào mùa hè, và chúc cậu ấy sớm khỏe lại.
Cô dừng lại một giây, cố gắng giữ giọng bình thường, rồi nói tiếp:
- Rồi vào cái đêm trước hôm em đi, em đang ở trong ngôi nhà của bà ở Nuns’ Island70, xếp va li, thì nghe thấy tiếng sỏi ném vào cửa sổ. Cửa sổ phủ đầy nước mưa đến nỗi em không nhìn thấy gì hết, thế là em chạy xuống gác, lẻn ra sau vườn và thấy anh chàng khốn khổ đứng ở cuối vườn, run lẩy bẩy.
70 Có nghĩa là đảo Các Nữ tu, tên một khu của Galway.
- Thế em không bảo cậu ta quay về ư? - Gabriel hỏi.
- Em van xin cậu ấy hãy quay về nhà ngay lập tức và bảo cậu ấy rằng dầm mưa thế này thì cậu ấy sẽ chết mất. Nhưng cậu ấy nói cậu ấy không muốn sống nữa. Giờ em vẫn có thể nhìn thấy đôi mắt cậu ấy lúc đó! Cậu ấy đang đứng phía cuối tường chỗ có cái cây.
- Và cậu ta có về nhà không? - Gabriel hỏi.
- Có, cậu ấy quay về nhà. Và khi em mới nhập trường được một tuần thì cậu ấy chết và được chôn cất tại Oughterard, quê cậu ấy. Ôi, cái ngày em nghe tin, nghe tin cậu ấy đã chết!
Cô dừng lại, thổn thức, và, quá xúc động, cô nằm vật xuống áp mặt xuống giường, nức nở vùi đầu vào tấm chăn. Gabriel nắm tay cô thêm một lúc nữa, do dự, và rồi, thấy xấu hổ vì xen vào nỗi đau buồn của cô, buông nhẹ nó rồi lặng lẽ đến bên cửa sổ.
Cô nhanh chóng thiếp đi.
Gabriel, đứng dựa lưng vào cửa sổ, ngắm nhìn mấy giây không còn bực bội nữa mái tóc rối bời và khuôn miệng hé mở của cô, lắng nghe hơi thở sâu của cô. Vậy là cô đã có câu chuyện lãng mạn đó trong cuộc đời mình: một người đàn ông đã chết vì cô. Giờ anh không còn thấy đau đớn nữa khi nghĩ về cái vai trò khốn khổ mà anh, người chồng của cô, đã có trong cuộc đời của cô. Anh ngắm cô trong lúc cô đang ngủ, như thể anh và cô chưa bao giờ từng sống với nhau như vợ chồng. Đôi mắt tò mò của anh dừng lại lâu trên gương mặt cô và trên tóc cô: và, khi anh nghĩ hồi đó cô phải trông thế nào - thời điểm sắc đẹp thì con gái chớm nở, một niềm tiếc nuối kỳ lạ, thân thương len vào tâm hồn anh. Anh không muốn nói, dù là với chính mình, rằng khuôn mặt cô không còn vẻ xinh đẹp nữa, nhưng anh biết rằng nó đã không còn là gương mặt mà Michael Furey đã dám chết.
Có thể cô đã không kể hết cho anh nghe toàn bộ câu chuyện. Mắt anh nhìn sang cái ghế cô đã ném áo xống của mình lên. Một cái dây thắt eo váy lòng thòng xuống sàn. Một chiếc bốt đứng, phần ống trên gập xuống: cái kia đổ nghiêng sang một bên. Anh nghĩ về cơn bão cảm xúc chỉ mới một giờ trước đó của mình. Nó từ đâu đến vậy? Từ bữa tối của các dì anh, từ bài diễn thuyết ngu xuẩn của anh, từ rượu và khiêu vũ, từ màn chào tạm biệt vui vẻ ầm ĩ trong sảnh, từ cảm giác khoan khoái được đi bộ trên tuyết dọc theo con sông. Dì Julia khốn khổ! Dì ấy chẳng mấy chốc cũng sẽ trở thành một bóng hình cùng với bóng hình Patrick Morkan và con ngựa của ông. Anh đã thoáng bắt gặp vẻ mỏi mệt trên gương mặt dì khi dì hát Điểm trang vì cô dâu.
Có lẽ, chẳng mấy chốc, anh sẽ lại ngồi trong chính phòng khách đó, mặc toàn màu đen, chiếc mũ lụa để trên gối. Rèm cửa sổ sẽ được kéo xuống và dì Kate sẽ ngồi bên cạnh anh, khóc lóc và hỉ mũi và kể lể cho anh nghe Julia đã qua đời ra sao. Anh sẽ nghĩ vội trong đầu vài lời lẽ có thể an ủi bà, và sẽ chỉ tìm thấy những lời què cụt và vô dụng. Phải, phải: chuyện đó chẳng mấy chốc sẽ xảy ra.
Hơi lạnh trong căn phòng làm vai anh so lại. Anh cẩn thận trườn vào trong chăn và nằm xuống bên vợ. Người này tiếp nối người kia, họ rồi cũng sẽ trở thành những bóng hình. Thà can đảm sang thế giới bên kia, trong hào quang sáng chói của một niềm đam mê nào đó, hơn là cứ mờ dần và lụi tàn một cách ảm đạm cùng tuổi tác. Anh nghĩ về chuyện cô, người đang nằm bên anh, đã giấu kín trong tim mình trong từng ấy năm trời hình ảnh đôi mắt của người yêu khi anh ta nói với cô rằng anh ta không muốn sống nữa.
Nước mắt dâng đầy trong mắt Gabriel. Chính bản thân anh cũng chưa bao giờ cảm thấy như thế đối với bất kỳ một phụ nữ nào, nhưng anh biết một tình cảm như vậy chắc chắn phải là tình yêu. Nước mắt tràn mi anh và trong bóng tối chập choạng anh tưởng tượng mình đang nhìn thấy hình dáng một chàng trai đứng dưới cái cây lướt thướt nước mưa. Gần đó là những hình bóng khác. Hồn anh đã đến gần cõi ấy, nơi ở của cơ man người chết. Anh ý thức được, nhưng không thể hiểu được, sự tồn tại chập chờn và lập lòe của họ. Chính bản thân anh cũng đang tan mờ dần vào một thế giới xám mịn: chính cái thế giới hiện hữu, nơi những người chết đó có một thời từng sống, giờ cũng đang tan ra và mòn đi.
Ánh sáng le lói chạm vào kính cửa sổ làm anh quay ra. Tuyết lại vừa rơi. Anh ngái ngủ nhìn những bông tuyết, lấp lánh và sẫm lại, rơi xiên xiên dưới ánh đèn đường. Đã đến lúc anh phải bắt đầu chuyến đi miền Tây của mình. Phải, báo nói đúng: tuyết đang rơi nhiều trên khắp Ireland71. Tuyết đang rơi ở mọi nơi trên đồng bằng miền trung tối tăm, trên những ngọn đồi không cây cối, rơi nhè nhẹ trên đầm lầy Allen72 và, xa hơn phía miền Tây, nhẹ rơi trên những con sóng sông Shannon73 thẫm đen nổi loạn. Tuyết cũng đang rơi, trên từng vuông đất của cái nghĩa địa cô quạnh trên ngọn đồi nơi Michael Furey yên nghỉ. Tuyết bám dày trên những cây thánh giá và bia mộ, trên các chóp nhọn hình lưỡi giáo nơi cánh cổng, trên những bụi gai cằn cỗi. Hồn anh lắng dần khi anh lắng nghe tiếng tuyết rơi dịu nhẹ trên toàn vũ trụ, rơi dịu nhẹ, như sự rơi xuống cho kết thúc cuối cùng của họ, lên tất cả những người sống và người chết.
72 Thực ra Ireland có khí hậu ôn hòa, mùa đông không lạnh lắm và thường có ít tuyết, trừ những vùng núi.
73 Đầm lầy Allen: Khu đầm lầy rộng cách Dublin 25 dặm (40 km) về phía tây nam.
74 Shannon: Sông lớn nhất trong năm dòng sông chính của Ireland, là ranh giới tự nhiên phân định miền Tây Ireland.
THẾ GIỚI KỶ NIỆM NGƯỜI DUBLIN - 100 NĂM SAU NGÀY XUẤT BẢN
“...Từng dường như bị che khuất dưới cái bóng của Ulysses, đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại, và Finnegans Wake, tác phẩm đẩy nghệ thuật tiểu thuyết lên các thái cực, giờ đây Người Dublin dần khẳng định vị thế gần kề thậm chí ngang tầm. Người Dublin được coi là một ví dụ của “chủ nghĩa hiện đại sơ khởi”, và trong lĩnh vực tập truyện ngắn, tác phẩm chiếm một vị trí quan trọng xứng đáng. Mỗi truyện ngắn trong tập 15 truyện này có thể đứng độc lập, nhưng hợp lại chúng phác nên “một chương trong lịch sử đạo đức của đất nước tôi”, như lời chính Joyce miêu tả. Các câu chuyện, đầy chế giễu sâu cay nhưng cũng thật đẹp, đầy tuyệt vọng mà cũng vô cùng bí hiểm, tạo nên nhiều tầng nghĩa khác nhau, với muôn trùng ẩn ý đan xen với chi tiết thực. Chúng được gắn với một thời điểm và nơi chốn cụ thể, nhưng, như với cảnh tượng tuyết rơi nổi tiếng trong phần khép lại của truyện ngắn cuối cùng trong tập, Người chết, chi tiết chuyển cảnh từ một con phố Dublin ra rộng khắp đất nước Ireland, và rồi toàn bộ vũ trụ, có thể thấy sự cụ thể của Joyce đã vượt sang tầm khái quát. Với lý do đó, giá trị cảm xúc và tri thức của tác phẩm vẫn tỏa sáng ngày hôm nay như chúng từng tỏa sáng cách đây 100 năm...”
Báo The Guardian, ngày 12 tháng 6 năm 2014